Người nghệ sỹ tài hoa
Tác giả: Tự sướng đào ngũ
Người chỉ huy dàn nhạc tốp ca nữ KGU
Tôi có dự đám cưới của anh chị, chị Nguyễn Hòa Bình (Hóa 1977) và anh Nguyễn Đình Minh, ở nhà anh Minh, phố Cao Bá Quát. Anh chị vẫn ở đấy với gia đình anh Minh đến tận bây giờ.
Một thời gian dài, khi NguoiKGU ai cũng mê mải kiếm sống và vượt qua những năm tháng khó khăn, tôi rất ít gặp anh chị, cũng như ít gặp bao NguoiKGU khác. Chưa kể mỗi người cũng có thời gian bôn ba đâu đó ở nước ngoài để kiếm sống, để học hành. Rồi cách đây ít năm khi tôi lang thang ở sân bay Singapore thì gặp chị Bình cũng đợi chuyến bay về VN. Chị hỏi tôi "Em còn nhớ chị không?". Tôi cười và trả lời "Cả Kishinev biết chị, làm sao em quên được".
Rồi bẵng đi mấy năm, một hôm chị Bình gọi điện cho tôi mời đi ăn trưa cùng anh Minh. Chẳng là con gái chị có xin vào công ty Phần mềm FPT chi nhánh Malaysia, tôi có giới thiệu với bộ phận đó. Tôi không để ý việc đó, cháu nó vào làm là do công ty có nhu cầu, vả lại chỗ chị với tôi, cùng NguoiKGU, chuyện có gì đâu. Bữa đó tôi mới gặp lại anh Minh từ hôm đám cưới, có đến gần 30 năm. Thấy anh hiền khô, chẳng giống gì quan chức chính phủ. Hay là trước mặt chị Bình, anh ấy buộc phải hiền một cách cứ như là tự nhiên. Sau này gặp nhau nhiều hơn, tôi thấy cái hiền của anh đúng là bản chất. Bản chất đó có thể không là tự nhiên, có thể do hoàn cảnh tạo nên. Nhưng là bản chất rồi, từ đâu không quan trọng nữa. Cơ mà tôi cũng chủ yếu gặp anh Minh khi có chị Bình!
Anh tặng tôi cho tôi một CD các bài hát của anh. Về phòng làm việc tôi mở nghe ngay, thấy các bài khá hay, thậm chí hay hơn nhiều bài của một số nhạc sỹ chuyên nghiệp. Tôi bắt đầu ngạc nhiên về năng lực sáng tác ca khúc của anh Minh.
Hè 2009 tình cờ gia đình tôi đi nghỉ tại Hội An gần với chỗ anh chị cũng đi nghỉ nhân hội thảo gì đó của cơ quan anh Minh. Sau đó ít ngày chị Bình mời chúng tôi đến nhà anh chị chơi. Con trai chúng tôi, cháu Ngọc Minh cũng đi cùng. Lúc đầu chúng tôi được anh giới thiệu một số ca khúc anh sáng tác. Tôi được anh kể thêm bài hát ra đời lúc nào, trong hoàn cảnh nào, anh trăn trở ra sao để có bài hát. Nó khác hẳn cái hôm tôi nghe trong văn phòng mình trước đây. Được nghe chính tác giả thuyết minh, tôi thấy các bài hát của anh hay hơn rất nhiều. Trong đó ấn tượng nhất là bản hợp xướng anh viết về trường ĐHBK Hà Nội, nơi anh từng công tác một thời gian dài (cũng như tôi), nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường. Bài hát trở thành bài hát chính thức của trường to bậc nhất VN. Hợp xướng nhớ, không phải là ca khúc đâu.
Chúng tôi cho cháu Ngọc Minh đánh một bài piano, để bác Minh xem thế nào. Sau khi góp ý cho cháu cách chơi, anh trực tiếp đàn hai bài nhạc Trịnh. Tôi vốn mê nhạc Trịnh nên nghe rất chăm chú. Cá nhân tôi chưa thấy ai đó chơi nhạc Trịnh thuần piano, chỉ biết qua dàn nhạc hay nhạc cụ khác. Anh đúng là một nghệ sỹ đích thực, mắt lim dim, hồn thả hết vào các nốt nhạc. Ngón tay anh lướt trên phím đàn, các nốt nhạc Trịnh lúc bay bổng, lúc dồn dập, lúc lắng đọng, nốt chính cùng hợp âm và nốt phụ quyện vào nhau, khiến chất nhạc Trịnh được tôn lên nhiều hơn, khiến người nghe mê say hơn. Nếu không vì thời gian, không vì chưa thật thân quen với anh, chắc chắn lúc đó tôi đã yêu cầu anh chơi thêm nhạc Trịnh. Tôi chợt hiểu ra cái vĩ đại của nhạc Trịnh, vốn rất Á Đông nhưng lại được chơi hay đến thế trên chiếc piano, một nhạc cụ điển hình bác học phương Tây. Tôi như được mở mang thêm, khám phá thêm về nhạc Trịnh, tất nhiên nhờ đôi tay diệu kỳ và tâm hồn âm nhạc của anh Minh. Tôi hỏi chị Bình: "Thế anh Minh có ghi đĩa chơi piano không?", chị trả lời: "Chưa ghi bao giờ". Trong đầu tôi loáng thoáng ý nghĩ, mình sẽ làm cái gì đó để có đĩa cho anh Minh, cái ý nghĩ mơ hồ ấy thế mà sau này lại trở thành hiện thực.
Ngày 8/4/2010, các chị MK tổng diễn tập phục vụ cho Du Thuyền 2010 mà địa điểm là nhà tôi. Chỉ huy nghệ thuật chính là anh Minh. Anh dùng ghi ta để đệm. Hôm tới Du Thuyền làm gì có piano. Ghi ta có thể phù hợp đệm cho nhiều bài, nhưng với hai bài Ivuska và Chiều hải cảng, nó không thể hay như piano. Nhưng ghi ta dã chiến cơ động hơn. Hôm ấy tôi được chứng kiến một người thầy giáo ân cần chăm chú từng câu hát, từng nốt láy, từng câu ngân trước một đám học trò ồn ào và nghịch ngợm. Các học trò này thích hát cao hay thấp là việc của họ, người thầy đành chiều theo. Mà chưa kịp chiều có khi bị trò quát. Chưa kể thầy còn phải kiêm tài xế, đưa đón các trò về tận nhà.
Giờ giải lao anh ngồi vào cây đàn piano của nhà tôi, thử vài nốt rồi gật gù vì chất lượng âm thanh. Tôi nhắc luôn, anh chơi nhạc Trịnh nhé. Và âm thanh Diễm xưa quen thuộc được nổi lên. Tôi vội lấy máy quay ghi lại hình anh chơi đàn. Cuối buổi tôi cho anh và các chị xem trên cái TV khổ lớn nhà tôi, được nối với dàn âm thanh chất lượng. Mọi người trước thì trầm trồ vì hình ảnh HD (độ nét cao), sau lại im lặng thưởng thức Diễm xưa, khi kết thúc thì vỗ tay không ngừng. Trước đó khi anh chơi và tôi ghi hình, các chị MK có để ý đâu, toàn nói chuyện riêng, vô ý lắm. Trước khi ra về, tôi hẹn anh hôm nào anh em mình ghi hình nhé, và sẽ cho in đĩa anh Minh chơi toàn các bài nhạc Trịnh.
Cái hôm đó chính là một tuần sau Du Thuyền 2010. Hôm đó chúng tôi, ban tổ chức Du Thuyền và các chị MK lại tụ tập ở nhà tôi để tổng kết. Anh Minh và chị Bình đến từ 3h chiều để chơi đàn và tôi thu hình. Chúng tôi làm việc cật lực, đến gần 6h chiều. Lúc đó mọi người mới đến để làm cái việc tổng kết chẳng có gì quan trọng với hai anh em chúng tôi.
Bìa đĩa nhạc anh Nguyễn Đình Minh độc tấu piano
một số ca khúc Trịnh Công Sơn do tôi thiết kế
Khi in ra đĩa, nghe kỹ có nhiều âm thanh phát ra từ bếp nhà tôi như tiếng bát đũa kêu leng keng. Cái máy quay của tôi thế mà khá nhậy. Mặt khác anh Minh cũng chưa hài lòng về các bài đã chơi. Về trang phục hôm đó anh mặc áo phông, càng không ổn với anh, một người chỉn chu các mặt. Chúng tôi hẹn lại thu lại. Lần này tôi huy động con rể tôi, cháu làm nghề quay phim. Hai bố con tôi hai máy. Cháu có nghề, giải thích rằng quay hai máy sẽ ghép hình sinh động hơn. Thậm chí các bài tủ, quay hai lần, thì giống như có 4 máy cùng quay, hình ảnh còn sinh động nữa. Tôi nhất nhất theo đạo diễn của con rể, chủ yếu quay máy đứng cố định, còn cháu là máy quay cơ động, lấy các góc hình khác nhau. Tôi học thêm ít nhiều nghề quay hình.
Rồi cậu con rể tôi đưa cho các bạn nó làm đĩa, biên tập lại, ghép thêm hình ảnh về Trịnh Công Sơn. Còn tôi tìm ảnh thiết kế bìa, viết và đọc lời giới thiệu, kết với câu "NT Audio xin trân trọng giới thiệu đĩa nhạc này", ngụ ý lấy hai chữ cái tên của tôi và của con rể (cháu tên là Trọng). Đến hôm nay, NT Audio cũng chỉ mới "phát hành" được đĩa duy nhất đó. Nhưng cái sản phẩm duy nhất đấy trông cũng chuyên nghiệp lắm. Có cả phỏng vấn anh Minh, anh kể anh đã gặp và chơi nhạc Trịnh cho chính nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nghe, rằng anh đã chơi nhạc Trịnh trên piano tại Mỹ, trước đông đảo bà con Việt kiều bên đó (cái này chắc được gọi là ngoại giao piano đây, một thứ ngoại giao đẳng cấp). Nghe đâu anh phân phát, biếu tặng đến gần trăm đĩa cho bạn bè, người thân. Riêng hội MK thì tôi trực tiếp in và tặng đĩa. Thế là phối hợp với anh Minh và con rể, tôi biết thêm nghề làm đĩa nhạc. Chị Bình còn phấn khích đến mức đặt hàng chúng tôi làm phim về các chị ấy, tôi cười ngất vì cái ý tưởng mơ mộng những cũng không xa thực tế ấy. Chị đâu biết rằng làm đĩa và làm phim khác xa nhau.
Hội KGU ngày càng phát triển về sinh hoạt văn hóa, trên mai đàn, rồi gần đây trên web. Ai đó đưa ý tưởng phải có bài ca về NguoiKGU. NghiPH (Luật 1981) chọn một bài thơ "Mùa Xuân nơi đầy nắng" của PhưND (Toán 1979) với nhiều lời dịch (bản gốc là tiếng Nga) và nhờ anh Minh phổ nhạc. Anh Minh đã chọn bản dịch của chính tác giả PhưND để phổ. Bài hát lần đầu được các chị MK tập ở nhà chị Phạm Bình (Sinh 1977). Cần phải tập thêm, địa điểm lại là nhà tôi (là do chính anh Minh chọn), chắc có không gian, có đàn tốt, và có camera-man xịn.
Thế là buổi tập được diễn ra vào ngày 17/10/2010. Và sản phẩm của nó đã được tôi đưa lên mạng cho NguoiKGU thưởng thức tiếng hát của Thập nữ ca KGU. Lần này anh đệm piano, phần nhạc đệm chững chạc, bề thế hơn hẳn. HCM cũng hưởng ứng theo, phong trào học hát lan tỏa, số người nghe đông không kể xiết. Thiết nghĩ là nhạc sỹ, anh Minh đủ vui mừng với hiện tượng đó.
Học trò "quỷ sứ" của thầy Minh đang học hát
Công cuộc học hát vẫn chưa dừng. Sau buổi học ngày 17/10, đã có vài ý kiến nhận xét về bài hát. PhưND phấn khởi gửi thêm lời cho bài hát, trong đó có lời tiếng Nga. Hai tác giả còn cùng nhau sửa lời sang tiếng Nga cho hợp với tiết tấu âm nhạc, phần đã được anh Minh sửa lại cho dễ hát hơn, mượt mà hơn. Và rồi chiều ngày 28/11/2010, buổi tập tiếp theo được tiến hành. Lần này có nhạc đệm đã được ghi âm sẵn, có ca sỹ Thanh Hải (trường Đaị học văn hóa quân đội) hát mẫu. Có thêm cậu con trai của anh Minh mới từ Singapore về đi hỗ trợ bố hát đệm, chơi piano và điều khiển máy tính. Sau 3h làm việc cật lực, buổi tập tạm dừng để sang phần ẩm thực khá phong phú. Thầy Minh nói rằng hôm nay mới học vỡ ra cách hát mới và lời Nga, còn ít nhất phải một buổi hoàn thiện nữa mới xong về chuyên môn. Các trò thì nhao nhao hưởng ứng, học, học nữa, học mãi, có sợ gì đâu, miễn phải hát hay, phải trình diễn có áo dài mới chịu.
Anh Minh được học nhạc từ nhỏ, lớn lên trong gia đình say mê âm nhạc và hội họa . Anh đã có rất nhiều giải thưởng về ca, nhạc và múa ở ĐHBK Hà Nội, ở thời kỳ anh trong quân đội, hay trong các hội diễn văn nghệ của Văn phòng chính phủ, nơi anh đang công tác. Anh có bao nhiêu ca khúc, tôi không biết. "Mùa Xuân ở nơi đầy nắng" có giá trị thế nào trong các ca khúc của anh, tôi không rõ. Tôi chỉ biết anh đã phổ nhạc theo hồn thơ của Moldova, nơi vợ anh đã từng sống. Anh đã cảm cái nơi ấy, cảm cái nắng, cảm Mùa Xuân Moldova. Lời ca bay bổng mà da diết:
"Môn đa vi ơi, nồng ấm những vần thơ
Tuyệt vời biết bao cuộc sống nơi đây
Môn đa vi ơi, hồn tôi ngây ngất
Bay theo tháng ngày, không bao giờ quên!"
Anh đã cảm những vần thơ của PhưND mà phổ nhạc chúng. Anh đã cảm con người và cuộc sống của Hội KGU. Có lời tiếng Nga chúng tôi sẽ hát và tặng trường KGU. Phải có anh mới làm được các việc đầy ý nghĩa đó. Anh chính là một thành viên không thể thiếu của NguoiKGU, một nhạc sỹ, một người chỉ huy tài ba, tận tụy.
Và tôi thầm cám ơn anh đã cho tôi cơ hội làm đĩa nhạc Trịnh, có thể chiếc đĩa duy nhất trong đời tôi.
Người post: administrator
Ngày đăng: 04-12-2010 10:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 10 của tổng số 10 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |