Suy nghĩ về các giá trị truyền thống
Tác giả: ChauHM
Răng đen
Đã có thời, răng đen là nét đẹp rất riêng của phụ nữ Việt Nam. Chẳng thế mà đã có câu thơ:
Lấy chồng cho đáng tấm chồng
Bõ công trang điểm má hồng răng đen
Tôi nghe được câu chuyện rất thú vị về răng đen như sau:
Một quan đại thần triều đình Huế được mời tham dự buổi dạ hội do người Pháp tổ chức. Một sĩ quan người Pháp chỉ các cô đầm Tây đang cuốn theo các điệu valse, hỏi triều thần người Việt:
- Ông thấy con gái Pháp chúng tôi có đẹp không?
Vị quan đại thần trả lời:
- Đẹp thì có đẹp, nhưng răng trắng như răng chó ấy.
Răng đen đã từng là một nét văn hóa rất đặc biệt của người Việt Nam. Nhưng một nét văn hóa riêng chỉ tồn tại khi người ngoài thì thấy khác biệt, nhưng người bên trong thì thích thú. Tiếc là, ngày nay, chả còn ai thích thú với việc để răng đen. Và thế là, cái nét văn hóa rất riêng đó sớm muộn sẽ chết. Điều đáng buồn là chẳng có ai buồn khi một truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt lặng lẽ biến mất.
Áo dài
Tôi không có cảm tình với áo dài, mặc dù nó rất đẹp. Nhiều người coi áo dài là trang phục truyền thống của dân tộc, nhưng tôi thì không. Áo dài mới có khoảng 100 năm trở lại, được cải tiến từ áo tứ thân truyền thống và liên tục đổi mới theo thời gian. Với sự sáng tạo của các nhà tạo mốt đương đại (chủ yếu là du học từ phương Tây), áo dài đã trở thành một thứ thời trang như bao loại thời trang khác, sự liên hệ của nó với truyền thống ngày càng mờ nhạt. Tôi quan sát các lễ hội của người Nhật, người Thái, người Malai,… trang phục truyền thống của họ hầu như chẳng thay đổi theo thời gian. Tôi cũng chưa thấy người Nhật tổ chức thi thời trang Kimono bao giờ. Trong khi ở Việt Nam, có rất nhiều các cuộc thi thời trang áo dài, và mỗi cuộc thi đã đẩy áo dài xa truyền thống hơn.
Nhưng điều tôi ghét áo dài không phải vì nó xấu, mà vì nó có tội là đã thay thế vị trí “trang phục truyền thống” của áo tứ thân. Nó không xứng đáng thay thế áo tứ thân cho dù nó ngàn lần đẹp hơn. Chẳng lẽ, bạn có thể xây một ngôi chùa mới to lớn khang trang trên nền “Chùa một cột” để thay thế di sản văn hóa này?
Đối với tôi, áo dài là một trang phục được nhiều phụ nữ Việt Nam yêu thích, nhưng áo tứ thân mới thực sự là trang phục truyền thống của dân tộc.
Hãy giữ gìn truyền thống
Nếu bạn xem phim cổ Trung Quốc, bạn sẽ thấy từ âm nhạc đến trang phục trong mỗi phim đều tương ứng với thời đại, dù là thời rất xa như Đường, Tống hay gần hơn như Minh, Thanh,… Còn chúng ta, chỉ có khái niệm cổ trang cho mọi thời, cứ đủ mầu xanh đỏ tím vàng là cổ trang, không cần biết thực ra thời Trần, thời Lê cha ông ta đã mặc như thế nào?
Đến giờ điểm lại, chúng ta đã không giữ được nhiều các giá trị văn hóa truyền thống, dù là kiến trúc, hội họa, âm nhạc, trang phục hay văn thơ. Đôi lúc tôi cũng bi quan: ra đường thấy nhà cửa Việt Nam không giống Tây thì giống Tầu, quần áo không giống Tầu thì giống Tây (bây giờ còn giống thêm Hàn Quốc, Hồng Kông). Khi học ở nước ngoài, mỗi khi trường tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc là một lần lo lắng. Cánh nam giới chúng tôi chẳng biết mặc gì cho khác với ngày thường. Chúng tôi cũng không biết điệu nhảy gì là điệu nhảy dân tộc, ngoài múa sạp. Nhưng khi thấy sinh viên Lào cũng múa sạp rất điệu nghệ (không phải sạp đôi mà sạp bốn), chúng tôi thực sự không còn tự tin, đó là điệu nhảy riêng của người Việt Nam nữa.
Các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam, qua bao thế hệ, chắc chắn không ít, nhưng có lẽ là chúng ta đã không biết giữ gìn. Truyền thống là cái cần bảo vệ, thì chúng ta lại nỗ lực tìm cách thay đổi. Các khái niệm “phục chế”, “trùng tu” ở Việt Nam được hiểu một cách đại khái, ngay cả đối với những cá nhân và cơ quan có trách nhiệm. Và thói xấu “có mới nới cũ” đã làm chúng ta nhanh chóng quên đi cái gốc, cái cội nguồn. Tuy Việt Nam có hàng ngàn năm lịch sử, nhưng lại thiếu bề dầy của các thành tựu văn hóa. Mỗi triều đại, mỗi thế hệ đều thích làm lại từ đầu.
Chúng ta đã không giữ được răng đen. Chúng ta cũng không giữ được áo tứ thân. Phong trào cải biên chèo trong nửa thế kỷ qua đã làm mất đi gần như toàn bộ di sản của “chèo cổ” Việt Nam: trong năm mươi vở chèo cổ được những nghệ nhân già còn nhớ, chỉ còn hai vở (Quan Âm Thị Kính và Súy Vân giả dại) là có thể dàn dựng được thành vở.
Nhưng ai phải có trách nhiệm giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống? Thanh niên Việt Nam ngày nay không thích nghe cải lương, chầu văn hay ca trù. Năm mươi năm nữa, liệu có ai còn biết về những di sản âm nhạc truyền thống này không?
Tôi có hỏi một người bạn Nhật:
- Thanh niên Nhật có thích xem kịch Nô không? Có thích mặc Kimono không?
Có thích xem múa Geisa không?”
Anh ta trả lời:
- Không, họ không thích.
Tôi hỏi tiếp:
- Tại sao các anh vẫn giữ được văn hóa truyền thống?
- Khi già họ sẽ thích,- anh bạn Nhật trả lời.
Rất rõ ràng. Tuổi trẻ luôn hướng tới sự đổi mới. Họ không thích ca trù hay cải lương cũng không phải chuyện đáng lo. Nhưng nếu về già, họ cũng không thích, thì chỉ một hai thế hệ nữa, những di sản này cũng biến mất.
Hóa ra, trách nhiệm giữ các giá trị truyền thống là của chúng ta, những người đã qua tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh", chứ không phải là trách nhiệm chung chung của mọi người và càng không nên đổ lỗi cho những người trẻ tuổi về các giá trị truyền thống đang ngày càng mai một.
Người post: ChauHM
Ngày đăng: 06-12-2010 16:04
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |