KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 14 Tháng mười hai. 2010

Toán Lý Chúng tôi (Phần 2)


Các bài viết liên quan:
- Toán Lý Chúng tôi (Phần 1)


Tác giả: Tự sướng đào ngũ

Khoa Lý Du Xuân 2009

Toán Lý 79

Chúng tôi gồm 7 đứa, 5 Toán: Ngọc, Phư, Sơn, Dũng và Phú và 2 Lý: Hùng và Hòa. Chẳng có một bóng hồng nào. Lớp Toán 79 học chung lý thuyết, còn giờ bài tập thì chia vào hai lớp cùng các bạn Nga, Môn, Đông Đức. Giờ Nga văn chúng tôi hay học với mấy bạn Hóa 79, chẳng biết các bạn này có nhớ hay không? Hùng và Hòa học với nhau thế nào tôi không rõ. Nhưng học với các bạn Liên Xô, Đông Đức có những nét hay riêng, tính quốc tế cao hơn. Đến bây giờ chúng tôi vẫn giữ mối liên lạc (may mà nhờ có internet, có email), hè vừa rồi tôi gặp nhiều bạn ngay cả trước và trong chuyến đi TRỞ VỀ (tham khảo bài TRỞ VỀ, phần NguoiKGU Luận).

Lớp tôi mỗi người một vẻ. Sơn thì nội tâm nhưng hay cục tính, nhất là trên sân bóng, khi hắn cục thì nên tránh xa hắn ra. Mà Sơn ngày nào mà chẳng ra sân bóng, vắng Sơn sân bóng cứ như thiếu cái gì đó. Sơn giống tôi ở khoản mê nhạc. Hồi đấy Sơn mua hẳn 1 máy băng từ để nghe riêng, cái máy không rẻ với học bổng mấy chục rúp khi đó. Gần đây tôi còn gửi cho Sơn mấy file video bài hát Nga, Sơn trả lời là rất thích. Tôi và Sơn là 1 cặp tiền đạo khá ăn ý trên sân bóng, cũng từng làm nhiều đội lao đao. Nhưng nổi tiếng nhất là khi chúng tôi lên năm thứ 5, tôi và Sơn trong đội hình chính của đội Tuyển sinh viên Việt Nam, hai thằng góp phần quan trọng đưa đội Việt Nam vô địch khi đó. Trong trận gặp đội châu Phi, thế trận đang giằng co là 2-2, Sơn đã chuyền bóng cho tôi ghi bàn thắng quyết định vào cuối trận, trận thắng quan trọng để đội Việt Nam vô địch (đội châu Phi vừa khỏe vừa giỏi kỹ thuật, trở ngại lớn nhất của chúng tôi khi đó). Đó là trận đấu duy nhất mà tôi được khán giả tung lên trời, dù rắng sau khi tốt nghiệp tôi còn đá bóng trong nhiều năm và ghi được không ít bàn thắng.

Phú thì loại tẩm ngẩm tầm ngầm. Không nói ít, không nói nhiều, nhưng lại rất khéo tay trong nhiều chuyện, có cả việc may quần cho anh em khác. Cái tẩm ngẩm tầm ngầm của Phú thế nào mà cưa được Đào, cũng học dự bị ở Kishinev, rồi chuyển đi học Voronez. Cứ đến kỳ nghỉ là Phú ta lên tàu đi thăm Đào, thường mang theo 1 cặp to đựng toàn hoa quả ngon của xứ Moldova. Đúng là trâu tìm cọc, chúng tôi rất ít thấy Đào đến Kishinev, còn kỳ thi nào Phú cũng thu xếp thi sớm và rồi đi Voronez.

Hồi 2004 tôi có đi thăm quan cùng một đoàn Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế ở Philipine. Có một cô bé phiên dịch của bộ, theo lệ chung của đoàn cứ gọi tôi là anh. Rồi một hôm cô bé nói với tôi là con bố Phú, mẹ Đào. Khi đó tôi mới thấy cháu có nét của Phú. Tôi cũng chẳng đổi xưng hô, đi cả đoàn mà chú cháu nghe kỳ lắm. Về Việt Nam tôi gọi điện cho Phú, hắn cười và bảo cháu nó kể nhiều chuyện đi cùng đoàn rồi (chắc đa phần kể chuyện xấu). Rồi cháu lập gia đình, Phú lên chức ông sớm nhất trong lớp, kết quả của yêu sớm thời sinh viên.

Dũng hiền khô mà ít nói, hồi đó được mệnh danh là “золотой парень” vì đức tính hiền và tốt đó, tất nhiên còn do Dũng học giỏi nữa. Dũng rất hiền, chưa bao giờ tôi thấy Dũng giận hay to tiếng với ai, mà thường là cười với mọi người. Dũng cũng là một thành viên quan trọng của đội bóng khoa Toán. Ngoài ra Dũng cùng còn chơi bóng chuyền. Dũng chăm học và học giỏi, cũng là một nhân vật lỳ của góc đỏ. Có một kỷ niệm chẳng biết bây giờ Dũng có nhớ không. Đó là lúc bọn mình năm thứ 5, Toán Lý mở Olympic cờ vua, tôi và Dũng từ từ vào đến chung kết. Đúng lúc ấy Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới, trận chung kết không bao giờ diễn ra.

Tôi và Dũng cùng là học trò thày Riabukhin. Dạo ấy Dũng say mê món đại số của thày hơn tôi, nhất là lên năm thứ 5 tôi viết luận văn đại khái cho xong chuyện. Còn Dũng nghiêm túc hơn và có những kết quả nghiên cứu hẳn hoi.

Dũng cũng thuộc “đánh bắt gần bờ”, yêu luôn em Cẩm (Toán 80). Cẩm có nét hiền lành giống Dũng. Nhưng nếu cả hai cùng hiền, chẳng ai bắt nạt ai thì cũng buồn. Dạo ấy (khi chúng tôi năm thứ 4) yêu nhau cứ như phong trào. Tôi, Dũng, Sơn, rồi Hùng (Lý 79) cùng dính vào yêu đương, còn Phú thì đi trước chúng tôi.

Có mỗi Phư là còn trong trắng, dù hắn hơn tuổi bọn tôi, do phải đi bộ đội một thời gian. Lớn tuổi hơn nhưng chẳng vì thế hắn được gọi là anh, mà thường là ông tôi. Phư dân Hà Tĩnh nên hay chơi thân hơn một chút các anh miền Trung. Chúng tôi thì không quan trọng quê quán vì lớp quá ít người. Phư chơi thể thao ít hơn bộn tôi nhiều, chỉ thỉnh thoảng tham gia bóng chuyền hay bắt gôn. Hồi đó tôi cứ nghĩ thể thao là quá quan trọng, là nhất với sinh viên, với tuổi trẻ. Chẳng qua mấy trò chơi thể thao chỉ là cơ bắp. Phư ta có tài khác với phần còn lại là biết làm thơ. Thú thật hồi ấy tôi chẳng để ý đến thơ ca hò vè của các anh chị em ta gì cả. Bích báo của chi đoàn hay hội sinh viên tôi cứ nộp văn xuôi, viết đại khái cho gọi là có bài. Đôi khi các bài viết đó có âm hưởng chính trị vốn đầy rẫy trên báo, trên đài khi đó. Cánh làm thơ họ khác. Thơ ít chính trị hơn, lãng mạn hơn, nhân văn hơn, tuy rằng hồi đó kiểu gì cũng dân tộc, tổ quốc một tý, phấn đấu, rèn luyện một tý. Tôi không hề biết rằng Phư đã có cả những bài thơ tiếng Nga (gần đây tôi mới biết). Cũng gần đây tôi mới đọc kỹ thơ của Phư, mới thấy nó hay, nó trữ tình. nó có nhiều ý nghĩa. Thậm chí thơ của Phư được Ngọc Bình (Toán 81), anh Đình Minh (chồng chị Bình kêu Hóa 77) phổ nhạc. Tóm lại hồi đó tôi không biết lớp tôi có một nhà thơ giỏi giang như thế. Bây giờ nghĩ lại thấy hồi đó mình quả hồ đồ, trẻ người non dạ. Ba trận bóng bánh rồi cũng bị lãng quên, còn thơ ca trường tồn mãi mãi. Gần đây NguoiKGU say mê hát Mùa Xuân ở nơi đầy nắng là minh chứng cho sự trường tồn đó.

Kỷ niệm không bao giờ quên với Phư chính là buổi dạ hội do khoa Toán tổ chức nhân dịp khóa 1979 tốt nghiệp. Hôm đó Phư uống kha khá, nên tôi và Dũng phải dìu về ký túc xá. Lạ là khi say Phư chẳng thèm nghe tiếng Việt, có nói cũng không có phản ứng gì. Nhưng nếu chúng tôi dùng tiếng Nga thì giao tiếp được tốt. Chẳng thế mà Phư có nhiều bài thơ viết bằng tiếng Nga. Ngay như Mùa Xuân ở nơi đầy nắng bản gốc là tiếng Nga, Phư sáng tác từ hồi là sinh viên, gần đây mới dịch ra tiếng Việt để phục vụ nhu cầu sáng tác bài ca cho NguoiKGU.

Phư vẫn tiếp tục làm thơ, viết truyện, viết sách Toán. Gần đây hay gặp nhau, mỗi lần gặp Phư lại tặng tôi mấy quyển sách, sách Toán lẫn với sách thế giới tâm linh, sách tiềm năng con người. Không những vậy Phư còn nổi tiếng là “Đại Pháp sư” nhân điện mà rất nhiều NguoiKGU là học trò thầy Phư. Có lẽ tài năng của Phư là vô tận.

Hồi đó chưa phổ biến bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, nên năm anh em chúng tôi không biết mà hát bài đó. Nhưng chí ít cứ đến mùa thi là chúng tôi như 5 bông hoa. Ngoại trừ học kỳ đầu chúng tôi có bị điểm 4 môn Lịch sử Đảng CSLX, còn tất cả các học kỳ sau đó, chúng tôi toàn trung bình 5 chẵn và hay được đứng đầu ở cái bảng điểm thi ngay sát cầu thang của ob1 (hồi đó có công khai kết quả thi theo từng lớp). Thực ra chúng ta cũng không lạ gì cách các thày cho điểm mà thang điểm chỉ có 5. Đại khái chúng tôi trả lời tương đối ổn, thày cầm cuốn sổ thi (зачётка), mở xem các trang của các học kỳ trước và rồi cho điểm cứ như là theo quán tính.

Cuộc đời mỗi chúng tôi có thể thay đổi chút ít nếu như hết học kỳ 1 năm thứ nhất, cả lớp chuyển sang học Toán ứng dụng như tôi đề nghị. Chẳng ai hưởng ứng cả, vẫn cứ tiếp tục học Toán lý thuyết. Cho đến hôm nay còn mỗi Phư là vẫn tiếp tục Toán lý thuyết còn những người khác đều rẻ ngang sẽ ngửa sang ngành ứng dụng hay Tin học.

Lớp Lý 79 có hai bạn là Hùng và Hòa. Hùng hay chơi với chúng tôi hơn vì Hùng hay ra sân bóng, chủ yếu là bóng chuyền. Hùng là một trong 2 cây đập của đội Toán Lý mà tôi là cây nêu đi cặp với Hùng. Những khi tôi bắt bước 1 và trả bóng cho Hùng, cây 2, Hùng thường nêu cho tôi rất khó đập (tôi không có chiều cao như Hùng nên nêu phải ngon mới đập được). Sau Olympic 1976 ở Montral (Canada), tôi và Hùng tập đập nhú nhưng không thành công, chủ yếu Hùng chưa đủ cao như các tuyển thủ.

 

Toán lý 79 gặp mặt nhân 30 năm ngày ra trường 7/11/2009

Phong trào yêu đương của năm chúng tôi cũng cuốn Hùng đi theo. Nhưng hắn thuộc dạng “đánh bắt xa bờ”, vươn sang tận khoa Sinh và yêu Hà (Sinh 80). Cả hai người này giống nhau khoản ít nói và ít xuất hiện ngoài công chúng hơn những đôi khác. Tình yêu vốn có sự đa dạng. Hùng đến giờ vẫn ít nói và Hà hầu như chưa xuất hiện trong các buổi giao lưu của Toán Lý. Không hiểu bạn ấy e ngại gì dân Toán Lý hay Hùng cố tình không cho vợ giao lưu?

Nếu xét về tỷ lệ %, chúng tôi có 5 người trên 7 có vợ cũng là dân Kishinev (Đào vợ Phú học dự bị ở Kishinev và họ yêu nhau khi đó). Không cần tranh tài, Toán Lý 79 hiển nhiên vô địch hệ số cưa. Không biết anh HiềnVC có đồng ý như vậy với tôi không?

Với Hòa tôi chỉ nhớ được một kỷ niệm. Hội diễn 26/03/1979, năm thứ 5 chúng tôi có vở kịch về trên Thiên đàng Quỷ sứ (tôi thủ vai) cũng phải học môn Chủ nghĩa CSKH. Hòa đóng vai Ngọc Hoàng, bạn Dung (Sinh 79) đóng vai vợ Ngọc Hoàng. Quỷ sứ bị Ngọc Hoàng quở trách rất nhiều vì lười học. Còn từ khi về nước đến giờ chúng tôi chưa gặp lại Hòa. Không biết bạn ấy ở đâu. Nay có web КГУ rồi, không biết bạn ấy có tìm đến chúng tôi không?

Thực ra chúng tôi ít người nên cũng không là một tập thể mạnh về giao lưu như một số lớp khác. Lần cuối Toán Lý 79 gặp mặt là ngày 7/11/2009 tại nhà hàng Minutka, nhân dịp 30 năm chúng tôi tốt nghiệp КГУ. Hôm đó Phư và vợ bay từ HCM ra HN. Nếu lớp Toán đầy đủ các phu nhân thì Hùng đi cùng con gái, mà vợ Hùng cũng là dân Кишинёв đấy chứ? Khách mời có anh Hoài (Lý 76), hội trưởng Toán Lý và giáo sư Báu (Lý 78), vốn có nhiều quan hệ với khóa 79 chúng tôi. Đó cũng là lân đầu tiên chúng tôi tụ tập đông đến như vậy.

Các năm dưới

Trên tôi có 4 khóa thì dưới tôi cũng 4 khóa. Nhưng xu thế là ít dần về quân số, tôi không rõ vì sao, tôi đồ rằng Toán Lý sau này có gửi sinh viên ở nhiều thành phố khác chứ không tập trung nhiều ở Kishinev. Khóa sau cùng của Lý là 1983. Toán thì lâu hơn, đến tận 1994, nhưng tôi cũng chỉ biết đến khóa 1983, sau nữa thì tôi đã về Việt Nam rồi.

Toán Lý 80 có mấy bạn cùng năm dự bị với tôi ở trường Đại học KTQS như Dục (Toán 80), Ba Đình, Hồng Sơn, Thành (Lý 80), nhưng vì lý do trục trặc nên đi học muộn 1 năm. Mấy em nữ như Lan, Cẩm (Toán 80), Nga, Hà (Lý 80) thì cùng học dự bị trên trường Đại học KTQS, nên với tôi Toán Lý 80 cũng khá gần gũi, ít nhất là cùng trường dự bị. Vì thế chúng tôi cũng hay chơi với khóa này.

Một nhân vật mà tôi còn nhiều kỷ niệm là Hồng Sơn. Sơn khá giỏi nhạc, chơi hay và đệm ghi ta tốt. Đặc biệt Sơn có tài dàn dựng các ban nhạc cho Toán Lý (Toán 81 có Ngọc Bình cũng hay tham gia dàn dựng), từ dàn chơi ghi ta điện đến dàn nhạc dân tộc. Tôi hay sang phòng Sơn để cùng thưởng thức nghe nhạc, Sơn cũng sưu tập nhiều đĩa hát. Tôi nhớ nhất hội diễn 1979 dàn nhạc dân tộc Toán Lý chúng tôi đã trình diễn 2 bài: "Cô gái vót chông" (tôi được Sơn phân công đệm ghi ta bass) và bài "Vì miền Nam", dàn nhạc đệm cho Ngọc Bình độc tấu đàn bầu, tôi thổi sáo trúc, có Hà (Lý 80), Diện, Quốc Anh (Lý 82) chơi măng-đô-lin, Toàn (Lý 80) gõ trống và Tuấn (Lý 82) gõ xúc xắc. Sơn còn có đam mê môtô, hồi đó đã mua ngay một cái Voskhod. Có lần Sơn chở tôi đi ra đồng kiếm cành đào để chuẩn bị đón Tết âm lịch. Trời lạnh không nổ máy được, tôi phải ẩn cho xe máy của Sơn chạy để nổ máy, sau tôi mệt đứt hơi, hoa cả mắt. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn mang được cành đào về để các bạn khác dán hoa, dán lá lên.

Thế nhưng bây giờ Sơn đã đi xa sau một tai nạn giao thông ở Canada, nơi Sơn có dịp làm việc ở một cơ sở nghiên cứu vật lý. Nếu không những lần tụ họp Hội КГУ, chúng ta có thêm một cây dàn dựng văn nghệ.

Dàn nhạc dân tộc Toán Lý Hội diễn 1979

Toàn béo (biệt hiệu của Toàn) và Thành, Dục thì có hay đá bóng cùng chúng tôi. Đặc biệt Toàn là thủ môn trấn giữ khung thành đội tuyển Việt Nam, còn Thành là một chân hậu vệ, tuy vị trí của Thành không được chắc chắn như những vị trí khác (như hậu vệ Tiến Long, Luật 80). Cùng Diện (Lý 82) đá giữa, tôi và Thái Sơn đá tiền đạo, đó là đội hình chính của đội sinh viên Việt Nam đã vô địch giải sinh viên các châu lục học ở КГУ cuối năm 1978.

Khi tôi năm thứ 4 tôi có ở cùng phòng với mấy bạn khóa 81 như Ngọc Bình (Toán 81), Hồng Quang (Lý 81) và Tú (Hóa 81). Mấy chàng này chịu khó đi chợ, nấu cơm nên tôi cũng có nhàn đôi chút. Tôi nhớ đến giai thoại của Hồng Quang. Phòng chúng tôi ở khá xa bếp. Có hôm kho cá, Quang ta có sáng kiến để cái ghế ở cửa ra vào. Như vậy có ai đi qua sẽ kêu lên sao lại có cái ghế thế này, và mọi người sẽ nhớ ra nguyên nhân của cái dở hơi ấy là nồi cá đang kho ngoài bếp. Thế nhưng một thời gian dài chẳng ai ra vào, ai cũng chăm chú đọc sách học bài, đến khi có người đi ra cửa thì nồi cá đã bị cháy rồi. Nên nhiều khi giải pháp tưởng như thông minh nhưng không có tác dụng vì không chịu phân tích đầy đủ các tình huống. Cũng chính hội này khi liên hoan chia tay tôi trước khi tôi về nước, đã chuốc cho tôi và Nguyệt gần say xỉn, tôi đi về phòng phải bám tường mà đi, còn Nguyệt thì nói năng có nhiều hơn bình thường một chút.

Bây giờ mấy chiến sỹ này đều là sếp, nào là hiệu trưởng, là viện phó, giám đốc trung tâm. Có lẽ cũng nhờ hồi đó ở cùng tôi mà bây giờ chúng mới tiến bộ thế.

Toán Lý 81 có hai bạn bây giờ cùng làm FPT với tôi: TiếnLQ (Lý 81) và ChâuHM (Toán  81). Hồi Tiến mới sang tôi hay dẫn đi chơi, chụp ảnh, rồi đưa ra hồ Komxomol trượt băng cùng. Còn Châu ngoài chuyện có chơi cùng trên sân bóng, kỷ niệm khó quên là hội diễn 1979, Châu và tôi cùng sáng tác vở kịch "Chống bá quyền" để phản đối Trung Quốc gây chiến tranh biên giới phía Bắc (tôi chỉ có mấy ý thôi, còn chủ yếu là Châu viết thành kịch bản hẳn hoi). Trong vở kịch đó tôi vào vai Đặng Tiểu Bình, Phú (Toán 79) vai một nguyên soái Trung Quốc, Quang (Lý 81) vai Bộ trưởng ngoại giao, Tuấn (Lý 82) vai trợ lý, mưu mô bành trướng xuống phái Nam. Nhưng kết quả thảm bại ở trên chiến trường biên gới, chính Châu vào vai lính Trung Quốc, bị nữ dân quân (Chi Mai, Toán 81) bắt sống. Còn Huy (Toán 80), người cao, tóc xoăn nên vào vai phòng viên nước ngoài tại mặt trận (Huy buộc phải nói tiếngViệt lơ lớ). Vở kịch rất có tính thời sự vì ngày nổ ra chiến tranh biên giới phía Bắc là 17/2/1979, mà hội diễn là 26/3.

Sỹ Thanh (Toán 81) chính là người làm tôi biết đến dòng thơ mới. Có một hôm mấy anh em ngồi chơi rỗi rãi thế nào đó, Thanh đọc cho chúng tôi nghe bài "Những bóng người trên sân ga" (của Nguyễn Bính, nhưng hôm ấy tôi không để ý đến tác giả bài thơ). Lần đó tôi thực sự ngỡ ngàng, sao lại có bài thơ hay, tình cảm, nhân văn, đi vào lòng người đến như vậy (chẳng là cho đến khi đó tôi chỉ biết đến thơ ca cách mạng, của Tố Hữu, Sóng Hồng, hay Giang Nam, thơ văn là phảỉ nhắc tới lý tưởng, yêu quê hương đất nước, là phấn đấu, là phục vụ lao động sản xuất). Mà phải đến sau đổi mới 1986, cuốn "Thi Nhân Việt Nam" được tái bản, tôi mới biết đến bài thơ đó là của Nguyễn Bính, biết được thơ Nguyễn Bính đầy chất dân gian, chất nhà quê.

Khóa 83 thì tôi đã lên năm thứ 5 nên có rất ít kỷ niệm. Toán có em Dũng, em Hải. Tôi chỉ nhớ một em là Kỳ (Lý 83) nói rất chậm. Em ấy vào phòng các anh năm trên và nói "Anh cho em mượn cái nồi", chậm đến mức Kỳ chưa nói xong cái câu ngắn ngủi đó thì anh năm trên đã lấy nồi từ trong tủ ra và còn kịp nói "Này cầm lấy đi" thì Kỳ cũng vừa kết thúc câu nói mượn nồi.

Khoa Toán sau đó còn tiếp tục có thêm học sinh nhưng tôi về nước rồi. Sau này qua công việc mới biết đến Tảo (Toán 84), Diễm Hồng (Toán 88), Tú Huyền (Toán 91), Đạt và Tùng (Toán 94), nhưng gặp nhau chúng tôi ít nhắc đến kỷ niệm ở КГУ.

Du Xuân

Thời gian trôi đi. Sau khi tôi về nước những năm 1980 là những năm rất khó khăn của Việt Nam. Thậm chí tôi ăn cơm luôn vơi bụng, và phải ăn bobo. NguoiKGU cũng như bao người Việt Nam khác phải bươn chải kiếm sống. Nhiều người lang bạt ra nước ngoài làm ăn, đi dạy hay đi nghiên cứu. Nuôi dạy con cái đã choán hết quỹ thời gian của mỗi chúng ta. NguoiKGU gặp nhau lác đác, tuy ở những tập thể nhỏ, nhóm nhỏ, giao lưu vẫn được duy trì.

Đất nước thay đổi, nên kinh tế chuyển sang thị trường và người dân dễ thở hơn. Như bây giờ không dám ăn nhiều vì sợ thừa chất chứ không như hồi mới tốt nghiệp, không dám ăn nhiều vì thiếu đồ ăn, dù đó là cơm hay là rau. Và đến tuổi nào đó, cơ hội phấn đấu không còn nhiều, kinh tế mỗi người đã ổn định, con cái thì đã lớn, tự nhiên nhu cầu gặp gỡ nhau lại có nhiều lên.

Tết 2003 anh Hoài (Lý 76) gọi điện cho tôi: "Này em ơi, ra giêng Toán Lý mình tổ chức gặp mặt đi. Lớp Lý 77 Tết nào cũng gặp mặt. Nên mở rộng cho cả Toán Lý. Em lo bên Toán nhé". Tôi nhất trí ngay, gặp NguoiKGU thì quá hay, chả gì mỗi chúng ta cũng gắn bó 5-6 năm ở đó. Thế là vào một ngày chủ nhật tháng giêng Tết năm đó chúng tôi, hội những người Toán Lý tốt nghiệp КГУ đã gặp mặt tại nhà hàng Xuân Thủy ven đường Láng Hòa Lạc (nay đã không còn do quy hoach mở rộng đường). Lâu rồi mới gặp nhau đông đến thế. Ngọc Bình (Toán 81) còn dẫn một cô bạn Nhật Bản đến tham dự, khiến chúng tôi hơi lúng túng không rõ thế nào với Bình và cô bạn này. Có nhiều người lâu lắm mới gặp nhau. Có người vẫn không thay đổi là bao, trong khi có người không nhắc tên ra thì không biết là người quen cũ. Hôm đó tôi uống hơi nhiều, phần vì lâu rồi Hội Toán Lý mới đông như thế, phần vì uống nhiều với một anh 76, một chị 77. Thế rồi tôi xỉn lúc nào không hay, được mọi người đưa về nhà. Lúc chiều tỉnh dậy mới biết là mình đã xỉn.

Thế là hình thành gặp gỡ đầu Xuân của Hội Toán Lý, khởi nguồn cho các gặp gỡ sau này vào đầu Xuân và đã trở thành truyền thống.

Ra giêng sau Tết 2004 lại tiếp tục gặp mặt ở nhà hàng Sơn Thủy. Thành phần không thay đổi là bao, có chăng thêm ChâuHM (Toán 81) từ HCM ra dự cùng.. Xuân 2005 gặp nhau ở nhà hàng bia Erisson trên đường Phạm Hùng, có chị Hồng (Lý 78) ở HCM ra dự cùng, có thêm anh Minh (Hóa 77), Phương (Hóa 80) nữa. Đến 2006, lớp Lý 76 nhận đăng cai tổ chức nhân 30 năm ra trường. Chúng tôi chọn địa điểm là Thác Đa, chân núi Ba Vì và đi dã ngoại hẳn 1 ngày. Từ đó có Du Xuân. Năm ấy các chị Hóa 77 và chị Phạm Bình (Sinh 77) cùng tham dự. Có các chị Hóa nên vui hơn Tết. Phong cảnh và không gian rộng rãi ở Thác Đa phù hợp hơn cho gặp gỡ của NguoiKGU. Chúng tôi thuê nhà sàn nghỉ chân, ngủ trưa. Chúng tôi chia làm nhiều nhóm dạo chơi trong các cánh rừng, các ngọn đồi, đi men theo các con suối. Trên đường về tạt vào một hàng bán đồ sữa Ba Vì, mỗi người lại một bọc mang về HN. Một ngày đi dã ngoại bổ ích và vui vẻ với chúng tôi.

Du Xuân 2007

Du Xuân 2007 đúng vào một ngày mưa. Rất ít người đến nơi tập kết. Nhóm trung kiên vẫn đi theo kế hoạch, lên Thiên Sơn Suối Ngà. Đến nơi trời tạnh và cảnh đẹp nơi đây đã không phụ lòng của các chiến sỹ trung kiên. Đến mức sau này các chị Hóa 77 tổ chức đi thăm Thiên Sơn Suối Ngà bù cho hôm đó không đi. Dưới chân núi Ba Vì, với khoảng cách vài chục km, những địa điểm như vậy thật là lý tưởng cho Du Xuân.

Theo lượt Du Xuân 2008 do Lý 78 đăng cai, nhưng lớp này ít người quá nên khóa 79 có tham gia hỗ trợ. Chúng tôi chọn Asean Resort, cũng là chân núi Ba Vì. Thêm anh Giảng, chị Thuần bên Sinh vật tham dự. Điểm nhấn hôm đó là tắm ở bể bơi nước suối nóng. Tắm xong cũng có vể khỏe khắn hơn, dễ chịu hơn, dù trời hôm đó còn lạnh. Không biết cái khỏe, cái dễ chịu ấy là do nước suối nóng mang lại, hay do NguoiKGU gặp nhau vui vẻ mà thế, hay do cả hai. Không quan trọng do đâu, Du Xuân mà vui, mà khỏe ra là đạt yêu cầu. Trên đường về chúng tôi tạt vào nhà anh Giảng ở Xuân Mai, được chị vợ anh ấy dúi cho không biết bao nhiêu là quà. Cho nên được chơi, được tắm nước nóng, còn được quà nữa. Du Xuân ngày càng đông đảo hơn, nhiều khoa tham dự hơn.

Năm 2009 khóa 79 đăng cai. Sau 3 năm theo Sơn Tinh lên núi, lên rừng, năm đó chúng tôi theo Thủy Tinh du lịch dọc sông Hồng. Thuê hẳn 1 con thuyền. Có đến gần 60 người tham dự. Thêm các anh chị Hóa 67, Hóa 74, một số anh NCS tham gia. Lần đầu tôi mang đạo cụ đi phục vụ, chiếu video của anh Thanh Lương (Lý 78) về Kishinev mà anh ghi được qua chuyến thăm lại Moldova năm trước. Rồi hát karaoke, xem video các bài hát Nga quen thuộc. Chúng tôi còn ghé thăm nhiều chùa dọc sông Hồng, được đứng trên chỗ ngày xưa công chúa Tiên Dung tắm tại nơi chàng Chử Đồng Tử vùi dưới cát. Một câu chuyện rất lãng mạn, rất nhân văn, không phân biệt kẻ sang người hèn của cha ông ta. Khi về chúng tôi ghé vào làng gốm Bát Tràng. Sản phẩm bây giờ đẹp hơn, nhiều mẫu mà hơn trước nhiều. Và hình như ai cũng mua mấy thứ cầm về làm kỷ niệm cho chuyến Du Xuân đáng nhớ. Chúng tôi hẹn nhau sang Du Xuân 2010 do khoa Hóa đang cai.

Du Xuân 2010 trở thành Du Thuyền vì địa điểm là con tàu Potomac trên Hồ Tây. Ban tổ chức đã quyết định mở rộng mời tất cả các khoa tham dự. Có 127 NguoiKGU tham dự Du Thuyền 2010, chưa bao giờ đông đến như vậy. Khoa Sinh đông đột biến, đến gần một nửa chứ không ít hơn. Biết bao nhiêu người nhận ra bạn mình, nhận ra các anh chị năm trên, năm dưới sau bao nhiêu năm xa cách. Rất nhiều các anh chị khóa 1 (Hóa 67 và Sinh 67) đã có mặt. Người trẻ nhất là em NgocNT Luật 93.

Có các chị Hóa tổ chức cũng có nhiều cái khác. Có tiết mục văn nghệ chính thức, với hai bài được tập dượt khá kỹ dưới sự chỉ huy của anh Đình Minh, rể lớp Hóa 77. Đó là các bài khá quen thuộc, "Ivuska" và "Chiều hải cảng". Có nhiều tiết mục phát sinh tại chỗ với những bài hát tiếng Nga, tiếng Môn mà lời ca lúc thuộc, lúc không, với những chuyện tiếu lâm mà ChâuHM gần như độc diễn. Cũng tại Du Thuyền 2010 chúng ta thấy được hình ảnh hai thầy giáo già, thầy Melnhik và thầy Pusnhiak.

Và một quyết định mà nhiều thế hệ NguoiKGU trông đợi đã được đưa ra trên con tàu Potomac: thành lập Hội những người tốt nghiệp trường КГУ. Mọi thủ tục nhanh chóng diễn ra, từ cương lĩnh "Vui là chính" của Hội, đến bầu Ban Liên lạc Hội, đến việc Ban Liên lạc "chỉ định" Hội trưởng. Một gia đình lớn đã hình thành.

Lời kết

Dư âm sau Du Thuyền khá nhiều. Mail đàn (hay còn từ khác là chợ ngươikgu) đã hình thành với sự trợ giúp của gmail. Và với địa chỉ nhóm nguoikgu@gmail.com mà ra đời danh từ riêng NguoiKGU. HCM cũng tổ chức gặp mặt và bầu ra Ban Liên lạc. Liên tiếp sự kiện nối tiếp sự kiện: gia đình tôi TRỞ VỀ Kishinev, cô Irina sang thăm Việt Nam, trang web studentkgu.vn ra đời. NguoiKGU xích lại gần nhau hơn. Nhiều cuộc họp mặt hơn, nhiều chuyến đi chơi dã ngoại hơn, cả ở HN lẫn trong HCM. Người đi công tác xa bao giờ cũng lên kế hoạch gặp NguoiKGU ở địa phương mình công tác. Các bài ca về NguoiKGU, về Moldova, về Kishinev lần lượt ra đời, ở Việt Nam hay từ hải ngoại. Lời ca điệu nhạc được vang xa qua mạng Internet, được ngân nga trong lòng mỗi NguoiKGU. Và cuốn sách "Người КГУ" đang được ráo riết biên soạn để kịp ra mắt vào Du Xuân 2011.

Tôi muốn kết bài viết ở đây, sau khi tôi thấy đầy ắp những sự kiện, những tác phẩm của NguoiKGU, trong đó có một phần của "Toán Lý chúng tôi".

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 14-12-2010 16:04






Xem 1 - 5 của tổng số 5 Comments

Từ: Khửu
16/12/2010 09:34:00

Ngọc viết hay, nhiều tư liệu. Đúng là dân Toán Lý là một tập thể đoàn kết và học hành có nhiều người giỏi, cho đến bây giờ cũng là nơi có nhiều người thành đạt nhất. Ngay từ thời đấy anh đã rất tự hào là dân физмат rồi. Vì bọn anh là những thế hệ đầu tiên của khoa nên các em đến sau có nhiều hoạt động hơn cả trên thương trường lẫn tình trường. Còn việc khoa mình chuyển khỏi ob1 đi khu khác thì anh không được biết nữa rồi. 


Cảm ơn Ngọc đã có thêm bài viết về khoa физмат của chúng ta.




Từ: ChiNB
15/12/2010 10:21:01

Ngọc có trí nhớ tuyệt vời thật (có lẽ do nghề nghiệp chăng ?), nhớ được rất nhiều chi tiết về thời tuổi trẻ của mình. Những lứa trên bọn chị không có Toán-Lý, mà thời đó do hoàn cảnh lịch sử thế nào ấy (còn chiến tranh mà) nên gần như chỉ biết có học, ít có những trò nghịch ngợm, yêu đương (đúng là phí một thời tuổi trẻ, hơi thiếu tính lãng mạn trong cuộc sống sinh viên). Toán-Lý cũng sôi nổi đấy chứ, khoa Hoá nếu không có tụi 77 thì cũng trầm lắng lắm (đến bây giờ Hoá 73, 75, 78... đã xuất hiện đâu).



Từ: Meomun
15/12/2010 08:27:52

@NgocBQ: Đúng là từ trưa đến chiều tối hôm qua mạng có vấn đề gì đó, em gửi comments toàn bị nhảy đâu mất, viết đi viết lại cùng một ý đó mãi cũng mất hứng. Hình như 1 số chị như chị HạnhLT cũng gặp vấn đề tương tự.


Khoa Toán những năm sau vẫn có truyền thống thể thao đấy anh Ngọc ạ.       



14/12/2010 21:10:00

Đúng vậy Hương ơi, bạn nhận ra mọi người cả đấy chứ.


@Mèo Mun: Em vẫn comment tiếp được mà. Nhân vật đặc sắc mà không chịu ló ra để mọi ngườu ngưỡng mộ thì có phí cái đặc sắc đó không? Rất tiếc các bạn Toán sau này ít xuất hiện quá. Mà anh được biết họ vẫn lên trangweb khác. Có lẽ họ chê studentkgu toàn các ông bà già, hổng thèm chơi



Từ: HuongNT
14/12/2010 20:48:02

Đọc bài viết của Ngọc mà có nhiều đoạn làm mình bật cười. Trí nhớ của Ngọc tuyệt vời thật đấy, đúng là dân toán có khác. Trong tấm ảnh đầu tiên kỷ niệm 30 năm tốt nghiệp từ trái qua là Phú, Hùng, Dũng, Ngọc, rồi đến Sơn thì phải, tiếp theo là Báu và Phư có đúng không?



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s