Lễ hội Vino ở Moldova
Tác giả: HuyenBT
Lễ hội Vino ở Moldova
Bùi Thanh Huyền- Kisinhốp
Người ta vẫn nói những cái Тост của người Кавказ là đặc biệt nhất. Cũng chính vì những cái Тост của mình mà người Кавказ trở nên nổi tiếng trong cả 15 nước cộng hòa của Liên bang Xô viết. Những cái Тост thường dài không dưới 10 phút, có mở bài, thân bài, kết luận hẳn hoi, (quan trọng nhất là phần này- có cái cớ để nâng ly), nó tự nhiên đến mức hồn nhiên... Chả thế mà đã từng có anh sinh viên trường Đại học Văn hóa đang làm luận văn tốt nghiệp, phải xuống tận vùng Кавказ ăn chờ, nằm chực cả tháng trời, chỉ để ghi lại những “mẫu” Тост. (Hãy nhớ lại bộ phim “Кавказская пленница ” của đạo diễn Леонид Гайдай).
Thế mà có lần tôi nghe được một cái Тост như thế này của người Moldovian :
“Ngày xưa, xưa lắm, muôn loài còn cùng sống chung một cõi. Một hôm, Ngọc Hoàng cho gọi Người lên Thiên đình để chia đất. Muôn người nô nức đi lên, rồi hồ hởi mang phần đất của mình về Hạ giới. Trời sẩm tối, các Tiên nữ Thiên đình đã chuẩn bị đóng cổng Trời đi ngủ, thì nhìn thấy một anh nông dân tất tưởi đi lên, khẩn khoản muốn gặp Ngọc Hoàng, xin cấp đất. Ngọc Hoàng hỏi: - Sao giờ nhà ngươi mới đến? Tâu:- Con dở tay ủ nốt mẻ rượu Nho, không xong việc, con không đi đâu được! Ngọc Hoàng ngắm nhìn anh nông dân hiền lành, chất phát, lại chăm chỉ công việc,nhưng không biết làm thế nào, vì đất đai đã chia xong, chẳng còn phân nào sót lại. Đường về Hạ giới thì xa, mà trời đã tối. Hỏi tên, xưng: Ciobanu , hỏi Tộc: Moldovian. Ngọc Hoàng chặc lưỡi: - Ta thấy ngươi biết trọng việc ủ rượu Nho, thôi thì ta cho nhà ngươi một mẩu Thiên đàng, đem về Hạ giới! Chàng Ciobanu sung sướng chạy vù về.Vừa bước chân xuống đến nơi, đã thấy một vùng sáng rực, nắng ấm mặt trời, cỏ cây xanh tốt. Đó là xứ sở Moldova, của người Moldovian!
Nào , anh em, hãy nâng ly, “За Кусок Рая! За Наш Край – Молдавия!”.
Đó là một trong những cảnh mở đầu cho Lễ Hội Vino ở Moldova.
Bắt đầu từ năm 2002, Chính phủ Moldova chính thức công nhận “Ngày Vino” là ngày Lễ Dân tộc, và trên tờ lịch, nó mang màu đỏ. (Đó là Chủ nhật thứ hai của mỗi tháng Mười. Tất nhiên rồi, làm sao có thể “ngụp lặn” trong Lễ hội Vino, nếu đó không phải là ngày nghỉ?). Nhưng có lẽ thông tin đó chỉ có giá trị với mấy người nước ngoài, biết, để tìm đến Moldova, trước là để thưởng thức rượu, sau là nếu thuận, thì có thể ký vài cái hợp đồng. Còn với người dân - Moldovanin, thì có lẽ Lễ hội Vino có từ ngày người ta tìm thấy những hạt Nho đầu tiên ở vùng Флорешть, 2800 năm trước Công nguyên, và nó chưa bao giờ là một ngày, cũng không phải là một tuần lễ, mà gọi là “Mùa Rượu Mới”.
Nó bắt đầu vào cái thời khắc, khi chị vợ vừa tất bật xỏ chân vào đôi giày cao cổ, vừa đi, vừa thoăn thoắt chít chặt chiếc khăn sặc sỡ lên đầu, thì bỗng khựng lại, “vấp” ngay vào ông chồng cũng vừa đi đến giữa sân: - “Đợi tý nào, mình ơi, dừng lại tý nào!” -“Giời ơi, có nhanh lên không, sắp mưa dầm đến nơi rồi, mà cả núi ngô ngoài trời còn chưa lẩy hạt”. Rồi chị bỗng ớ người, bắt gặp nụ cười sao mà hiền, sao mà mãn nguyện, sao mà mời chào trên môi chồng. Cười cả bằng mắt nữa. Lúc ấy mới kịp nhận ra, anh không đứng một mình, không đứng vô tình, trên tay anh là bình rượu. Lại nụ cười nở toe toét trên môi, nụ cười nói: - “Очень хорошо получается! Ну ка, попробуем!” Ai mà từ chối được! Chị cũng đã đợi cái ngày này suốt từ hôm đầu tiên được bước chân ra đồng, vắt, buộc những sợi dây Nho đầu tiên lên giàn. Tháng Ba, Nho mở mắt, tháng Năm, Nho ra hoa, tháng Sáu, quả mềm, tháng Bảy, phủ phấn…Tháng Tám, anh dặn chị: “Mình đừng vội đi chơi nhà ngoại, xem chừng năm nay nho chín sớm. Được lúc nào, mình cắt về ủ rượu lúc ấy!” Chị vâng lời ngay. Святое дело! Có việc nào “thiêng liêng” hơn trong mùa này. Đừng có nói là năm nay nhà mình mất rượu nhé! Buồn phiền, xót xa và tủi hổ muốn chết! Người ta khoe nhau: “ Năm nay nhà tôi ủ được có mỗi 2 tấn rượu (!), hoặc “Chưa bao giờ được rượu ngon như năm nay!” Và thường thì người kia cũng đáp lại vài câu chả kém phần “long trọng” như thế!... Vì vậy mà chị dịu ngay nét mặt, cái giọng cũng mềm đi: “Ngon lắm à? Nào thì thử ngay đi!” Anh chồng chỉ chờ có vậy, nụ cười lại hân hoan như trẻ nhỏ. Có “thiên thời, địa lợi”, giờ lại thêm “nhân hòa” nữa, còn gì bằng! Chị tất tả trở vào nhà, lôi ra cái банка thủy tinh 3 lít, trong đó thấy rõ những tảng thịt lợn nâu sẫm, xếp ngổn ngang. Mùi thịt hun khói “по-домашнему” lập tức bay ra, quyện thành một không gian ngầy ngậy, thơm phức trong phòng. Đó là “закуска”, chị đã chuẩn bị cho rượu mới của anh. Họ ngồi đối diện với nhau bên chiếc bàn nhỏ bằng gỗ sồi thô. Hai ly rượu nâng lên ngang tầm mắt nhìn xuyên qua cái ánh sáng long lanh màu đá Rubi trong ly thủy tinh trong suốt, họ nhìn thấy mắt nhau: âu yếm và hạnh phúc! Ngoài sân, chiều kéo tấm rèm mong manh phủ lên mọi vật, lạc vào cửa sổ đôi tiếng chim gù.
Mùa rượu mới bắt đầu!
Người ta mong mỏi lắm, nhưng chỉ khi những cơn mưa mùa thu kéo về ẩm ướt, khi gió mùa thu đã luồn sâu vào kẽ tóc, người ta mới bước xuống подвал, hồi hộp vặn nút thùng rượu đầu tiên. Rượu nho khó tính, nó không thể chịu được cái đỏng đảnh của Бабье Лето, thoắt đến, thoắt đi. Nó phải ủ trong mình hàng ngàn thực thể sống, nó phải vỗ về, động viên, khích lệ… từng thực thể, để chúng hòa vào nhau, bù đắp cho nhau, làm nên một thứ men say ngất ngây, không gì so sánh được. Vậy nên đừng có sốt ruột, mà mở bình rượu khi Бабье Лето vẫn quanh quẩn đâu đây, nàng rượu sẽ bực bội, ủ rũ, đến mất hết cả hứng lên men say.
“Mùa Rượu Mới” bắt đầu từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ những hẻm nhỏ kéo ra đến tận đường phố trung tâm. Cứ theo bước chân người là tìm thấy rượu. Vừa mới khóa cổng nhà mình, bên hàng rào nhà hàng xóm, đã lấp ló ông bạn hiền, trên tay cầm bình rượu, mắt nhấp nháy mời chào. Tại “rượu ngon phải có bạn hiền?” hay tại muốn khoe đôi chút? Cứ theo cái nháy mắt hóm hỉnh của ông thì có lẽ trường hợp sau đúng hơn! Thì làm một tý! Bụng nghĩ như thầm vậy, mà tay cứ đợi rót thêm, thêm lần nữa… Xong rồi, thì đến tiết mục khen! Không khen, thì bạn sẽ phải ân hận cả ngày. Bởi vì nhìn theo bạn sẽ là ánh mắt buồn rười rượi, cái nét mặt hẫng hụt, thất vọng như người ta đang bị phá sản. Cái dáng còng còng , lủi thủi quay trở vào nhà với bình rượu (đã cạn gần hết) trên tay làm bạn sẽ băn khoăn cả ngày, ăn gì cũng không ngon, uống rượu mình cũng thấy bớt ngon! Người Modova nhân hậu lắm. Bao nhiêu đời rồi, rượu nhà nào cũng ngon, (-“Ai nếm rượu nhà tôi, cũng bảo thế!”). Họ không nỡ chê bai, nhận xét này nọ, vì hiểu quá đi rồi cái tâm trạng của người ủ rượu. Vẫn nói như vậy, để bạn mình vui, chứ trong bụng ai cũng chỉ chắc chắn một điều: rượu của mình ngon nhất! Người Việt có câu: “Văn mình, vợ người!”… Ủ rượu là cả một công trình nghệ thuật, thì rượu mình không nhất sao được! Vậy là ý dân đâu cũng như nhau!
Vào những ngày Lễ Hội Vino, không thể không đi ra đường. Phố trung tâm chẳng còn tên là Đại lộ Lê nin hay Đại lộ Stefan Đại đế, mà là Đại lộ Rượu . Ngồn ngộn chở về đây những thùng rượu lớn từ khắp miền đất nước. Nô nức kéo về đây đàn ông, đàn bà của hết thảy các vùng quê. Dân miền Bắc tóc ánh bạch kim, dân miền Nam râu hung, tóc sẫm. Các cô gái Phương Bắc lúng liếng mắt xanh khi nhảy, các nàng Phương Nam xoay tròn, tung thốc áo, xiêm. Chỉ có một điều chung không thể chối cãi: họ đang lâng lâng, họ đang rạo rực!
Bản đồ trồng nho và làm rượu của Moldova đổ xuôi từ Bắc về Nam. Phương Nam nắng và gió, mưa thưa và đất đồi là nơi lý tưởng cho nhiều giống nho về tụ họp. Những sườn đồi thoai thoải đón nắng thấm vào “từng chân tơ, kẽ tóc”, đất đồi khô và chắc, là niềm mơ ước của bao nhiêu quốc gia trồng nho. Theo thống kê đến năm 2007, Moldova là nước có tỷ lệ đất trồng nho trên diện tích đất canh tác lớn nhất. Đã nhiều năm qua, Moldova được xếp hàng đầu về chất lượng thổ nhưỡng trồng nho (*).
Nghề trồng nho, làm rượu phát triển rực rỡ vào thời vua Stefan Đại Đế (Stefan Cel Mare (1433-1504). Sử sách còn ghi rằng, chính ông đã ra lệnh cho du nhập nhiều giống nho quý từ nhiều nước trên thế giới vào Moldova. Vì thế mà bây giờ ta mới có Chardonay, Pinot Riesling, Cabernet, Merlot... Có điều đặc biệt là giống nho Cabenet-Sauvignon lại tìm thấy đất miền Nam Moldova là nơi tốt nhất để nó chắt lọc, và đang dâng hiến tất cả những tinh túy nhất của mình. Rượu nho Cabernet của Moldova nổi tiếng về việc tạo hồng cầu máu, tăng kháng thể, kéo dài tuổi xuân. Vào những năm chịu nạn vụ nổ lò nguyên tử ở Чернобыль, hàng trăm tấn rượu Cabernеt đã lên đường tìm nơi cứu nạn. Nó chống lại nhiễm xạ nhanh và hiệu quả. Mười năm sau vụ nổ, khi nghiên cứu về nó, người ta phát hiện ra một trường hợp, có một người đàn ông vào giờ ấy, làm việc trong nhà máy ấy, mà vẫn sống khỏe mạnh, không có dấu hiệu nhiễm xạ. Lúc đó, người ta đã tìm thấy và lôi ông ta lên từ một phòng nhỏ dưới подвал, trong tình trạng say mềm, đến nỗi không biết có sự việc gì đã xảy ra, và trong tay ông… một chai Cabernet Молдавское đã cạn gần hết. Đó là câu chuyện có thật, đã được đăng trên báo “Kоммсомольская Правда”. Còn điều kỳ diệu nữa, Moldova là quốc gia có được vinh hạnh lớn: có một thời được cung cấp rượu Cabernet cho Nữ Hoàng Anh Elizabeth. Trường hợp riêng của tôi, đã buộc tôi phải khẳng định giá trị của Cabernet còn hơn khẳng định một sự thật. Đó là một mùa đông khắc nghiêt. Tuyết phủ ngập đầu gối. Ngày nào chúng tôi cũng phải lọ mọ từ sớm để dọn tuyết, mở ra một lối đi nhỏ từ nhà ra đến cổng, cho con gái đi học. Thế mà, vừa đẩy được con gái vào xe ô tô, quay vào cổng nhà đã thấy tuyết lấp kín con đường, trải một tấm thảm trắng tinh, bình thản như nó đã nằm ở đó bao nhiêu năm. Mùa đông năm ấy, cả nhà tôi ốm lăn, ốm lóc, nằm li bì suốt ngày trên giường… Chẳng thiếu thứ thuốc gì trong nhà. Vẫn chẳng thể nào ra khỏi giường được. Một buổi tối, bà giúp việc ngán ngẩm nhìn chúng tôi, rồi bỗng mắt sáng lên: “Я сейчас!”. Bà ấy mở cửa lao ra khoảng sân rộng ngập tuyết. Chúng tôi hoảng hốt:- “Lại ốm bây giờ, lấy ai chăm sóc chúng tôi được!” Những lời can không đuổi kịp theo bước chân bà. Chúng tôi nằm chờ đợi điều gì sẽ đến. Thì đây, bà ấy quay lại, rũ tuyết ào ào từ khăn và áo …-“Выпить всем и до конца!” Giọng bà ấy quả quyết và sắc gọn như mệnh lệnh, cái vóc người cao to, dáng lừng lững trước mặt tôi như bức tường thành che chắn… làm chúng tôi chỉ còn cách tuân theo. Uống đến cạn chiếc cốc bằng sành, có thứ chất lỏng thơm nồng, cay cay và nóng râm ran… tôi kịp định thần và phát hiện ra là rượu nho! Bà ấy nhìn vào đôi mắt băn khoăn dò xét của tôi giải thích: Đó là bài thuốc dân gian, chắc chỉ người Moldova mới có. Phải là Cabernet của Moldova, phải được đun sôi, và thả vào đó mấy hạt tiêu sọ, một quả ớt cay, khô, chút lá bạc hà khô. Chỉ có thế thôi, ngày mai sẽ khỏi! Ngủ đi, ngày mai là khỏi! Tôi mơ màng nhắm mắt trong trạng thái ấm áp một cách lâng lâng. Và chúng tôi qua được đợt ốm hiếm thấy đó. Bây giờ thì tôi tin Cabernet, tôi yêu và mê Cabernet.
Vì vậy mà năm nào tôi cũng phải ở lại Moldova vào mùa rượu nho mới. Tôi hòa vào dòng người hân hoan (có ai mà ủ rũ khi cầm ly rượu trong tay?) đổ về phía Quảng trường Trung tâm. Những ngày tháng Mười se se lạnh. Sau một đêm thức dậy, Quảng trường trung tâm bỗng chốc trở thành một làng nhỏ (Mолдавское село). Người ta đã dựng lên những mái nhà quê, trên nóc có đôi cò làm tổ. (Có câu hát trong một bài hát tiếng Nga:“Аист на крыше, мир на земле!”) Người ta “dinh” về đây nguyên một cái cổng làng, trên đó thường trang trí bằng những chùm nho trĩu nặng. Những hàng rào được kết bằng những thân cây ngô khô, vài cái lá sót lại rung rung trong gió, cũng đủ gợi nhớ đến mùa màng. Dọc theo đường phố là hàng dãy những thùng rượu to, nhỏ. “Вин-подвал” lộ thiên! Người ta trang trí cho những thùng rượu (có sức chứa hàng tấn) bằng tất cả những gì có trong vườn nhà, những thứ gì người ta yêu: những chùm táo đỏ, những quả bí vàng, những quả bầu khô xanh nhạt, những bắp ngô vàng ruộm, những chùm ớt và tỏi… Người ta vắt lên thùng rượu những tấm lông thỏ, những chiếc khăn thêu bằng chỉ màu… Người ta nắm tay nhau, thành một vòng tròn, nhảy xung quanh những thùng rượu. Cái vòng tròn đó, đi đến đâu là được nối rộng thêm đến đó, bằng những vòng tay hân hoan, thân ái, những vòng tay muốn nhập cuộc vui. Ai cũng muốn những thùng rượu cùa làng họ là đẹp nhất, hút mắt người nhìn, và rượu của họ thì ngon nhất, đặc biệt nhất.
Những chiếc xe chở những thùng rượu lớn lần lượt tiến vào trung tâm quảng trường. Tiếng hò reo tưởng như vỡ ra một khoảng trời, khi thùng rượu đầu tiên xuất hiện. Đứng trên cao là một cô Молдованка, tóc đổ dài như dòng sông Днестр mùa thu. Trên đầu nàng là vòng hoa kết từ ngàn vạn sắc màu hoa đồng, cỏ nội. Nụ cười nàng rạng rỡ, mang ánh sáng hân hoan, hạnh phúc thấm vào cảnh vật như tia nắng ban mai ban tặng thảo nguyên. Nàng gợi cho ta nghĩ đến mẹ Trái Đất, đến Thần Mặt Trời, và đơn giản, một nhánh Nho mỏng manh, mà căng đầy sức sống, hiền dịu xanh, mà nồng nàn say…
Thùng rượu tiếp theo được hộ tống bằng rộn rập âm thanh và đầy ắp sắc màu. Những bài hát dân tộc Moldova không thể thiếu tiếng đàn Accordion. Các chàng trai, cô gái Moldova trong những bộ trang phục dân tộc đưa ta về vùng thảo nguyên, nơi sức trai tung hoành theo những vó ngựa phi nước đại, bờm ngựa tung bay, rẽ gió một vùng…, nơi những người phụ nữ đẫy đà, nhân hậu, tay nâng bánh mỳ và muối, nghiêng người đón khách vào nhà. Váy, áo họ mặc là bức tranh cả một vạt đồi, cỏ xanh miên man, có hoa trắng, hòa vàng li ti điểm xuyết, có chút nắng vàng đậu xuống bông hoa đỏ, có rủ rỉ đàn ong, và chập chờn cánh bướm. Có cả tiếng chim kêu. Và những đôi chân nhảy, tôi biết nói thế nào về những đôi chân nhảy? Không phải âm thanh được vang lên từ những bản nhạc rộn ràng kia, mà là những chùm âm thanh được tung ra, rắc đều, xoay tròn, nâng lên cao, rải xuống… từ những đôi chân nhảy.
Những đoàn xe chở những thùng rượu nho đi qua. Những miền quê lần lượt đi qua. Những hương vị, sắc màu và âm thanh, nối nhau đi qua – làm nên một Moldova – Moldova nồng nàn men say. Khách nước ngoài đến Moldova nhận xét: Người Moldova tươi tắn, cởi mở quá! Những người khách nước ngoài trốn những giây phút căng thẳng và tất bật thường nhật với những tắc đường, tàu xe, những dáng đi cúi đầu, vội vã, những gương mặt cau có, đăm chiêu, những giọng nói va chạm gắt gỏng, những sức ép công việc và công danh…, đến với Moldova để hưởng tròn một giấc ngủ, để được đón ban mai yên ả với chim trời, được hít đầy lồng ngực gió của thảo nguyên và hương của đồng nội. Và hơn tất cả, tất cả… là được ngắm những gương mặt vui tươi với những ánh cười rạng rỡ. Khách nước ngoài đề nghị: “Tại sao Moldova không phát triển “Du lịch Đồng Quê? Không chỉ để ngắm cảnh đồng quê, miệt vườn, mà còn để hưởng cái tâm trạng vui tươi vốn có trong hồn người Moldova? Người ngoài thì nhìn thấy thế, không biết Chính phủ có nhận ra được “báu vật” của dân tộc mình: Rượu ngon và những nụ cười?
Tôi ngụp lặn trong Lễ hội Vino. Cái máy ảnh trong tay, đôi khi cảm thấy bất lực: Nó chưa kịp ghi lại một hình dáng này, thì đã bỏ qua một màu sắc nọ. Và còn âm thanh và hương vị… ước sao ghi lại được tất cả…Tôi đã ghi lại được một nụ hôn của đôi bạn trẻ. Nụ hôn mải mê, và kéo dài tưởng chừng không dứt. Ngay cạnh đó, tôi cũng kịp “chớp” lấy nụ hôn của một bác nông dân đã đứng tuổi, đang cố vòng tay, hóp bụng (phệ), để ôm cho hết vòng eo của “nàng vợ”, vì thế mà nụ hôn phải cẩn thận một cách chật vật, tìm chỗ, đặt lên môi nàng, bằng không, nó có thể bị trượt, rơi ngay xuống. Rượu nho làm nên tâm trạng, làm nên Lễ hội! Tâm trạng lâng lâng giống như hiệu ứng Domino, nó truyền cho nhau, nó lan tỏa và nối tiếp, nó cộng hưởng và hòa nhịp. Có ai biết, ai có thể tin rằng đó là do “bản chất” của men Nho, “thuộc tính” của cây Nho! Trong một chương trình “Что, Где, Когда” có một câu hỏi thế này:“Trong hầm rượu nho người ta nhận thấy một hiện tượng, cứ vào cỡ tháng Ba thì những thùng rượu lại nổi tăm, xao động. Hỏi đó là hiện tượng gì?” các Игроки thảo luận sôi nổi, các технология ủ rượu, các kiến thức khoa học về công nghiệp sản xuất rượu Nho được huy động tối đa. Thật tiếc, các Игроки đã bị thua ở câu hỏi đó. Vấn đề không nằm ở технология , mà ở “tâm hồn”, một thuộc tính của cây Nho. Cứ vào tháng Ba, Nho trên đồng mở mắt. Đó là Lễ hội của loài Nho. Người trồng nho cũng phấn khởi trong lòng. Vì Nho đã thức dậy, sau giấc ngủ đông, Nho đã lại chuẩn bị mùa màng! Nghĩa là mùa thu sẽ có rượu! Tháng Ba đánh thức Nho trên đồng, đánh thức cả Nho đã nằm trong thùng ủ rượu. Vì Nho là một thực thể sống, nó sống cả khi đang ủ men. Nho trong thùng cũng hân hoan cùng Nho trên đồng, vào mùa Lễ hội của nó. Vì thế mà nó thức giấc,xôn xao, nó sủi tăm trong thùng ủ rượu. Các Игроки ngẩn ngơ nghe câu trả lời. Muôn loài đều có tâm hồn!
Vì thế, chẳng có ai từ chối uống Vino trong ngày Lễ hội Vino. Chủ nhà chào mời bằng miệng, bằng mắt, bằng bàn tay nâng niu ly rượu, và tấm lòng hiếu khách vô bờ. Uống từ đầu phố, đến cuối phố, thì chẳng còn phân biệt được hương vị nào nữa. Tất cả hòa lẫn với nhau, lẫn vào bên trong, chỉ còn lại một thứ men say lâng lâng. Những người nướng шашлык cũng rậm rịch đôi chân, những người bán bánh cũng lắc lắc cái hông, người rót rượu, nếu cứ rảnh được vài giây, lại giơ tay xoay tròn một vũ điệu.
Mỗi năm, Moldova sản xuất 5 triệu tấn rượu. Chia cho 2,5 triệu người dân, mỗi người phải “xài” cho hết 2 tấn rượu. Nhưng may mà không phải như vậy. Chỉ có 3% sổ đó được giữ lại trong nước. Số còn lại được xuất đi các nước trên thế giới, trong đó 70% đến với thị trường Nga. Suốt cả thời Liên bang Xô viết, chỉ có một loại hợp đồng “cung-ứng”giữa các nước cộng hòa , đã giúp cho người Nga bén mùi rượu Moldova. Vì thế, người Nga thường có nhã ý chọn rượu Moldova, hoặc rượu Крым. Không biết có thật không, nghe người ta “đưa chuyện”: Hễ có chuyện gì cần thanh minh, bào chữa, thì Moldova chỉ cần dùng đến mỗi một điều “компенсация”-: “ зато у нас хорошее вино!”
.
Chiều ngả bóng, Lễ hội tản về các nẻo đường, mở cổng vào từng nhà. Và ở đó, nó thức cho đến sáng. Người dân Moldova khi muốn khoe nhà mình (cao to lắm), thì họ chỉ cần tả cái подвал. Đó là nơi cất giữ tài sản, “của ăn, của để”, là niềm hãnh diện của mọi nhà. (Bán thùng dầu hướng dương, góp tiền mua cái TV mới; bán vài bao bột ngô, để sắm cái váy dài cho bà nhà đi dự đám cưới; mùa rượu năm nay, đủ cho con vào Đại học…) Quan trọng hơn, подвал là hầm rượu của mọi nhà. Đón khách đến chơi, người ta không vội đưa vào nhà, mà cầm tay khách kéo tuột xuống подвал. Nhìn những bậc cầu thang dốc đứng, tối tối, và ẩm ẩm, tôi đành nhắm mắt để cho bàn tay lực lưỡng, tin cậy của chủ nhà dắt mình đi. Trong lòng cảm phục: từ nơi có thùng rượu, chui lên, làm sao mà không ai bị ngã ở cái bậc thang hun hút dốc cao như thế?! Chắc là rượu đưa đường, thì rượu chỉ lối! Những thùng rượu đặt dọc theo bốn bức tường. Phải nếm đủ mỗi loại. Bắt đầu từ rượu trắng (cho đúng bài bản). Phải nhận hết ra tên của từng loại rượu. Giống nho làm rượu trắng ở Moldova không nhiều, lại khá là nổi tiếng nên không khó khăn lắm để nhận ra. Giống nho đỏ trên đất Moldova khá phong phú, và nếu gặp những ông chủ “cao tay”, tạo ra những “Купаж”[i] riêng của mình, thì việc nhận ra từng loại nho trong đó quả là phức tạp và cũng không kém phần thú vị. Vì thế mà Mùa rượu nho nào cũng mang đến cho tôi những điều bất ngờ.
...Ông già thận trọng rót vào ly cho tôi một thứ rượu đỏ đặc quánh. Cái cách ông làm chậm rãi, pha chút bí hiểm, tạo nên sự hồi hộp như ta sắp được xem một trò ảo thuật. Bồn chồn pha chút hóm hỉnh, ông đợi tôi nhấp ngụm đầu tiên, nói: “Lần này thì cho phép thử thêm ngụm nữa!” vì ông “biết chắc tôi chưa nói được gì đâu.” Chưa nói được gì thật! Tôi cố nhớ lần lượt các hương, vị vừa đi qua vòm lưỡi mình. Chát đậm – tôi đã quen với hương vị của Cabernet. Thơm và ngọt nhần nhận – hương và vị của Izabella. Thế còn cái gì đăng đắng, ngai ngái, nồng nồng, đặc quánh nơi đầu lưỡi? Ông già bắt đầu đòi tôi trả bài:
- Cabernet!
- Правильно!
- Izabela
- Точно!
-….
- A, что еще?
- Что-то терпкое
- Есть тaкое
- Что -то похожe на дым.
- Уже близко!
- Это… Это
- Нука!?
- Это.. Это
- А ты, сигар, побробовала?
- Нет еще!
-Вот, видишь!Поэтому не догодала .Это аромат сигара. Это “Краска”!
- Краска?
Tôi lập tức tự bật cười, vì ngay lúc đó chợt nhớ đến một loại Nho đỏ, có tên cùng âm với từ chỉ màu vẽ -“kраска”. Đơn giản vì nó đỏ đến mức người ta ví nó như phẩm màu đỏ. Cái màu đỏ và cái vị rất «nặng» (тяжелыи) của nó làm người ta chỉ dám dùng một chút, chủ yếu là để pha vào, cho màu đỏ va vi của rượu được đậm đà. Nhưng bao giờ cũng với tỷ lệ rất nhỏ, đến mức khó có thể nhận ra hương vị. Nhớ ra được chút kiến thức này, tôi «phản công» lại:
- Thế tại sao lại phải có Краска, trong khi đã có Cabernet rồi?
- Vì không có đủ Cabernet!
(Trời ơi, lý do đấy ư? Thế thì cần gì hỏi!)
Ông cười xòa, tự nhận mình là người thắng cuộc và giải thích thêm: Năm nay Cabernet nhà tôi mất mùa, gom mãi mới được ngần ấy. Đi tìm mua thêm ở đâu cũng không ra. Còn mỗi giống kраска là ế ềnh ra đấy. Lại rẻ nữa. Mua hết luôn!
- Cũng được đấy chứ? Ông dò hỏi. Tôi buộc phải gật đầu (nhưng rất nhẹ). Hãy nhớ: rượu Nho không ưa chê! Tôi nhớ có lần danh thủ Platini (lúc đó đã là ông bầu bóng đá), sau bữa tiệc ở một nước nọ, được chủ nhà hỏi ý kiến về loại rượu mà họ vừa chiêu đãi ông. (Đã quá biết rượu vang Pháp, nên nước chủ nhà đã cẩn thận chọn lựa những loại rượu vang ngon nhất của mình để tiếp khách. Nước chủ nhà cũng là một cường quốc rượu vang). Platini nói: “Xin được thứ lỗi, vì tôi là công dân Pháp, tôi không có quyền nhận xét rượu của bất cứ nước nào!” (sợ khiếm nhã với chủ nhà(!).
Tôi không phải là công dân Pháp, nhưng tôi cũng không có quyền chê rượu vang của ông. Vả lại, lần này chỉ là một “tai nạn” thôi. Chứ tay nghề của ông già cao lắm. Đó là người thầy đầu tiên dạy tôi cách ủ rượu nho. Và năm nào, tôi cũng được là khách mời đầu tiên đến nếm rượu của nhà ông. Thày nào, trò ấy. Bao nhiêu năm rồi, rượu nhà tôi cứ na ná rượu nhà ông, và vì vậy tôi thường nhận ra “rượu ông”, trừ mỗi lần này. Một sự phá vỡ nguyên tắc “Купаж” ngoạn mục!
Chưa bao giờ khách đến nhà mà lại về với tay không. Không cần biết nhà nào ủ rượu, nhà nào không, vào mùa này, quà mang về phải là rượu nho mới. Không thể từ chối, vì chủ nhà có hỏi ý kiến bạn đâu, chủ nhà cứ lăng lẽ rót rượu rồi trao cho bạn khi mở cổng nhà, tiễn bạn về. Có lẽ chẳng có nơi nào trên thế giới, còn có những bình đựng rượu đăc biệt như ở Moldova: банка! Cái thứ bình bằng thủy tinh này thật thân thuộc với mỗi nhà Moldova: để đựng cà chua, dưa chuột muối, đựng thịt muối, cá muối, và khi cần thì cả đựng rượu nho nữa.
Chủ và khách chia tay, ôm hôn nhau, chào nhau thắm thiết. Vừa mới buông nhau ra, thì đã thấy cánh cổng nhà hàng xóm rộng mở, trào ra khỏi cổng là hân hoan tiếng nói, tiếng cười. Không thể nhớ được, bằng cách nào mà thoắt cái, chúng tôi(cả tôi, cả ông chủ bạn tôi), đã rơi vào những vòng tay mời chào, những vòng tay thân ái đẩy chúng tôi đến bên một bàn rượu mới. Và chính bên bàn rượi này,tôi đã đươc nghe một cái tost như thế của người Moldovian.
Nào, hỡi những người dân Moldova, nào,anh em KGU, những người con từng được nuôi bằng bánh mì và nước của Moldova, hãy cùng nâng ly!
Uống cho đất nước Moldova luôn tràn ngập nắng!
Uống cho nụ cười trên môi người Moldova luôn rạng rỡ!
Uống cho Nho trên đồng mở mắt vào mỗi tháng Ba!
Các yếu tố khí hậu và thổ nhưỡng của Moldova tốt cho việc trồng nho làm rượu
A-Климатические фасторы
1-Число дней с температурой выше 10 oС : 167-187 дней
2-Сумма активных температур : 2750-3390 oС
3-Продольжительность солнечного сияния за год 2327 час
4- Сумма годовых и за период вегетации атмосферных осадков : 486-521мм и 363-394мм
5-Абсолютные минимальные температуры воздуха :-19-21 oС
6- Абсолютные максимальные температуры воздуха : 30-34 oС
7-Изменения относительной влажность воздуха в период вегетации 71%-65%
В-Почвы
1-Абсолютная высота местности 220-260м
2-относительная высота местности 100-200м
3-Эспозиция склонов южная : 157,5-202,5 градусов
4-Порозность почв :55-65%
5-Плотность почв 13-14 г/см3
6-Гранулометрический состав :35-45% физической глины
7-pH 6,5-7,5
Người post: HuyenBT
Ngày đăng: 17-12-2010 19:07
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |