Cái sọt đá và tấm áo len
Tác giả: Thanh Lương Lý 78
Ảnh có tính chất minh họa
Tác giả: Đặng Thanh Lương, Lý 78
Hôm nay, khi hai đứa con yêu quý của tôi vắng nhà, đứa lớn đi chơi, đứa bé thì đi học thêm, tôi ở nhà một mình, tha thẩn vào ra không biết làm gì thì bỗng nhiên nhớ tới trang WEB của Hội người KGU. Đã lâu, lâu lắm rồi tôi không vào mạng…. Bài đầu tiên đập vào mắt tôi là Bốn mùa 3- Nghèo của Phong. Tôi đã đọc “ Nghèo”. Câu truyện của Phong đã đưa tôi về với quá khứ cách đây nhiều chục năm. Hồi đó là vào những năm 60 của thế kỷ trước, khi tôi mới học lớp 4 lớp 5. Nhà tôi ở khu tập thể của cán bộ đường sắt, trên bờ hồ rộng mênh mông rất đẹp ở Gia Lâm, nay đã bị lấp rồi (?!). Cả gia đình sống dựa vào đồng lương công chức ít ỏi của Bố. Vào thời kỳ đó, cơ quan bố tôi phải gia công những chiếc sọt đựng đá để bảo vệ đê điều hoặc làm đường. Do vậy, nhà tôi có thêm “nghề” đan sọt đá. Bố tôi là thợ “chính” bất đắc dĩ vì ông vốn thích thơ văn, còn tôi cũng bất đắc dĩ là thợ phụ. Thương cha, mới học lớp 4, tôi đã phải khuân những cuộn dây thép to kềnh càng và nặng hơn mình; phải gỡ chúng ra và nắn thẳng thành các sợi để đan. Có những hôm vớ phải những cuộn dây thép kém chất lượng, nó cứng và rắn đến nỗi tôi không thể duỗi thẳng chúng ra và đan được. Hai bàn tay sưng tấy và rớm máu…Nhưng rồi, các chiếc sọt đá cũng lần lượt được hoàn thành và được nghiệm thu. Những chiếc sọt đó giờ đang ở đâu, số phận chúng ra sao tôi không rõ. Nhưng biết rằng , chúng đã được sử dụng đúng mục đích cùng mới máu và mồ hôi của cha con tôi. Rồi Mỹ leo thang, các đợt ném bom liên tục dội xuống quanh khu tôi ở, khói lửa ngút trời, tôi phải đi sơ tán và phải tạm chia tay với cái nghề đan sọt đá.
Hè năm 71, sau khi thi đại học với mã số “QR” như Thu trong truyện của Phong, tôi trở thành lực lượng “nông nhàn” chẳng biết làm gì sau bao nhiều ngày đêm miệt mài đèn sách trong cái lớp chuyên toán của Hà Nội. Mẹ mất năm 67, nhà “nghèo” như bao nhiều gia đình khác thời đó, tôi phải tự lập từ nhỏ, lại có tính lo xa, nên để chuẩn bị vào đại học hoặc đi bộ đội, tôi xin Bố cho lên cơ quan xem có việc gì làm để kiếm chút tiền vào “đời”. Tôi có “nghề” đan sọt đá nên hy vọng có công ăn việc làm. Lên được mấy hôm chưa kịp nhận việc, thì Bố bảo tôi phải về Hà Nội ngay vì có lệnh tập trung gấp. Thế là tôi rời Đông Anh về Hà Nội và cũng từ đó, tôi mãi mãi chia tay với nghề đan sọt đá.
Theo số phận của mã số “QR,” mà sau này có ai đó đùa giải thích là mã số của bọn “Quyết rồi”, tôi lên tầu sang Liên Xô và được đến thành phố Kishinhev của chúng ta. Hành trang đi Liên Xô của tôi chỉ có 2 chiếc áo sơ mi, 2 quần đùi, 2 áo may ô, 2 đôi tất, 1 bộ cômplê, 1 chiếc khăn và 1 chiếc áo len mầu xanh biếc. Tuy ít ỏi nhưng đó là tấm lòng của hơn 21 triệu người dân Việt Nam đã dành cho chúng tôi những đứa trẻ “Quyết rồi” và nuôi hy vọng chúng nên người.
Vì “Quyết rồi” nên chúng tôi giống nhau từ đầu đến chân: một mầu áo xanh xanh, một mầu quần xám xám, một mầu túi nâu nâu. Chúng tôi đi như một khối mầu di động, như đám “quạ” cùng mầu. Tôi cũng như bao nhiêu người khác phải di động trong khối và mảng mầu đó, mảy may không có một nét riêng, ngoại trừ ngoại hình béo gầy hay cao thấp khác nhau.
Rồi một ngày, bạn tôi - Hoàng Lương cắm dễ bên Hóa, tôi có dịp đi cùng, trong lúc nói chuyện, tôi chót nói chán mặc chiếu áo len “Bác Bửu” lắm rồi bởi vì có hàng trăm chiếc áo như thế ở đây. Bỗng có một người, mà sau này là Tác giả, là Nhân vật chính của “Bốn mùa” nói sẽ giúp. Cũng vì “Nghèo” nên tôi đưa Tác giả chiếc áo len cũ mầu xanh của “Bác Bửu” và nói: “mình muốn có một chiếu áo kiểu như thế này…như thế này… giúp mình nhé”. Một tuần sau, tôi nhận được chiếc áo len đúng như tôi muốn. Nó đẹp và kiểu cách khác người. Tôi mặc thử và thấy giá như chiếc áo dài thêm 1 phân nữa thì tác phẩm trở nên tuyệt hảo. Chưa kịp nói, Tác giả như đọc được suy nghĩ của tôi liền nói mình sẽ sửa cho đẹp hơn. Nhưng sợ bạn phải tháo hết ra làm lại từ đầu nên tôi nói: “thế cũng đẹp rồi, không sao đâu”. Nào tôi đâu có ngờ, Tác giả chính là Thu chuyên gia đan gấu trong truyện “Nghèo” của Phong.
Vẫn chất liệu đó, thêm một chút suy nghĩ và bàn tay nghệ nhân, tôi có tấm áo len có một không hai ở thành phố Kishinhev, mà không, cả Liên Xô và cả Việt Nam cũng không tìm thấy chiếc thứ hai. Tôi đi trên đại lộ Lênin, mọi người nhìn tôi với ánh mắt dò hỏi kiếm đâu được chiếc áo đẹp thế. Có người hỏi: “chiếc áo làm bằng tay à? ai đan vậy?”. Tôi tự hào nói Vietnamka đan đấy.
Đúng như Phong nói: “không có gì là vặt vãnh”. Tấm áo len tôi có thời sinh viên đó nó rất giản dị được đan từ các sợ gai của đất Việt nhưng là một kỷ niệm đẹp và ấm áp đến nay tôi vẫn nhớ.
Cũng làm nghề đan, nhưng sản phẩm của tôi thì thô cứng, còn sản phẩm của Bạn ấm đậm tình người.
Cũng chất liệu đó, với cách làm mới ta có thể có cả thương hiệu, thậm chí có cả ngày mai tươi sáng.
Hà nội, tháng 12/2010.
Người post: NgocBQ
Ngày đăng: 18-12-2010 11:11
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |