KGU News >>Tin tức
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 20 Tháng mười hai. 2010

Giáo dục và Đào tạo




Tác giả: ChauHM

Việt Nam có Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo tên gọi thì sự nghiệp Giáo dục và sự nghiệp Đào tạo phải quan trọng như nhau. Nhưng thực tế thì có tới 90% nguồn lực xã hội phục vụ giáo dục, còn nguồn lực dành cho đào tạo hầu như không đáng kể. Vì thế mới dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ biết chữ của Việt Nam là rất cao, nhưng tỷ lệ lao động có tay nghề thì lại rất thấp.

Giáo dục (Education) và Đào tạo (Training) có chức năng rất khác nhau.

Giáo dục chỉ có chức năng giúp người học mở mang kiến thức, còn sử dụng kiến thức như thế nào thì nó không quan tâm. Ví dụ, bạn học về sông Amazon trong chương trình địa lý thế giới. Thầy giáo giúp bạn mở mang những kiến thức địa lý này mà không cần biết trong tương lai có khi nào bạn đến Nam Mỹ hay không.

Đào tạo lại có chức năng khác. Mục tiêu của đào tạo là giúp bạn biết làm một công việc nào đó. Ví dụ, người được đào tạo có thể làm việc trong một dây chuyền sản xuất máy bay mà không cần có kiến thức gì về khí động học.

Chúng ta rất chú trọng công tác giáo dục. 12 năm phổ thông là 12 năm mở mang kiến thức. Rồi 5 năm tiếp theo ở bậc đại học thì kiến thức lại được mở mang. Kỹ sư ra trường kiến thức gì cũng biết, chỉ có điều không biết làm một việc gì cụ thể. Một thầy giáo ở trường Bách khoa Tp.HCM nói với tôi, sinh viên khoa chế tạo máy được học căn bản từ “động cơ đốt trong” trở đi, nhưng về nhà có cái quạt điện bị hỏng cũng không biết sửa.

Số lượng các trường dạy nghề ở Việt Nam ít và không được đầu tư đúng mức. Tâm lý của xã hội cũng có vấn đề - quá đề cao việc học đại học, dẫn đến mọi nhà đều cố cho con em vào đại học. Thi trượt thì thi lại. Chỉ có những em không thể đỗ đại học mới buộc phải vào các trường dạy nghề. Không có tình yêu và niềm tự hào, các em cũng chẳng thể trở thành những người thợ có tay nghề cao!

Rõ ràng sự mất cân đối giữa giáo dục và đào tạo ở Việt Nam là rất rõ ràng. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam là một nước đang phát triển, tri thức đang trong quá trình tích lũy và động lực chính cho nền kinh tế trong giai đoạn này phải là những người thợ có tay nghề cao, thì sự mất cân đối này đã giảm đi rất nhiều cơ hội của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nếu có quyền, tôi sẽ đưa ra mô hình giáo dục và đào tạo của Việt Nam như sau:

1. Phổ cập giáo dục toàn dân hết cấp II.

2. Sau cấp II, 40% chuyển sang học nghề phổ thông, 60% tiếp tục học cấp III.

3. Sau cấp III, 60% chuyển sang học nghề cao, 40% tiếp tục học đại học.

Với mô hình này, chúng ta sẽ có cấu trúc lao động hợp lý: 40% lao động phổ thông, 36% lao động có tay nghề và 24% có trình độ đại học và trên đại học.

Rất tiếc là chẳng ai cho tôi cái quyền này.

 


Người post: ChauHM

Ngày đăng: 20-12-2010 18:06






Xem 1 - 10 của tổng số 14 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: KhanhT
31/12/2010 00:02:28

29/12/2010 18:46:08


Ai mà biết một người cười cười như Châu – chuyên gia thọc let thiên hạ lại trong lòng đau đáu một niềm với sự nghiệp trồng người như thế, người ta nói, những người biết “cười” là những người suy tư nhiều lắm đấy. Nhớ Nguyễn Trãi: “Bui một nỗi niềm chăng nỡ trễ…”. Châu chắt chiu vào một bài viết ngắn chỉ để bày tỏ lòng mình và để “chấn dân trí” người KGU ta đó nghen, chứ chắc Châu không định “bày” cách thực hiện như mong muốn của TBT Nghị đó ha. Người nước Nam ta vốn quen “nói một đường, làm một nẻo” chứ Bà NT Bình – cháu ngoại Cụ PC Trinh cùng các học giả mấy năm gần đây liên tục khuyến cáo mà xem ra đã thấm gì đâu. Qua sự kiện NB Châu, Cụ Tụy nói là hình như có chuyển biến. Vậy kỳ này theo ý TBT Nghị mà có góp ý về cơ cấu chắc là thích hợp, hay. Bởi góp đổi mới hay chuyển dịch cơ cấu nó không động chạm trực tiếp người nào, không phải bị đánh giá.


Đúng như Châu nói, người ta nhầm lẫn giữa GD và ĐT, nên có bạn nói đã từng “liên thông” rồi đó sao! Nên người ta nhập cái Bộ GD của ông Phạm Minh Hạc với Bộ Đại học để thành Bộ GD-ĐT để “liên thông” nhưng kết quả là một nẻo khác, nó làm cho các trường đại học biến thành Phổ thông cấp 4. Còn các trường phổ thông thì lo “liên thông” và  “xã hội hóa” mà quên mất phổ quát, quên mất “định hướng XHCN”, thế là nó đẻ ra các cô mắng chửi học trò, còn học trò thì đánh nhau, cả con gái cũng “trần nhau”  bêu lên mạng internet vừa qua. Quên mất rằng GD là tạo ra con người có kiến thức “phổ quát” – văn hóa phổ quát như GS Hoàng Tụy từng nói… còn “hướng nghiệp” là chuẩn bị trước hướng theo khả năng, năng lực, năng khiếu của mỗi người khi ở tuổi học trò cho “đào tạo” nghề nghiệp sau này.


Từ hơn chục năm nay đã có mấy phướng án cải cách đổi mới cơ cấu hệ thống GD-ĐT với KH-CN, ví dụ: như tách cái GD ra giao lại cho Bộ trưởng mới phụ trách (Ông Hạc về hưu rồi), nhập thằng cha khoa học với đại học thành Bộ KH&ĐH, còn cái gọi là Công nghệ thì trả nó về cho các bộ sản xuất với doanh nghiệp nó làm, cùng với lỉnh kỉnh những Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng, Sở hữu trí tuệ về Bộ Công thương…, không cần phải bao cấp cho nó, cứ suốt ngày dùng tiền ngân sách KH hỗ trợ, thúc đẩy… mà lẽ ra là tiền ấy để đầu tư cho nghiên cứu khoa học (ý này là phát triển ý của một cựu sinh viên CCCP ngày xưa – ông Vũ Khoan đấy – ông ấy bảo khoa học bao cấp quá, đúng vậy: bao cấp cho CN được mệnh danh là nghiên cứu khoa học này nên làm sao có công trình đăng báo khoa học được, không tin các bạn cứ mở trang web của bộ, hay xem tin đăng trên các báo về danh mục tuyển chọn hằng năm của các bộ, các sở thì thấy, rất nhiều những “đề tài/dự án” nghiên cứu cái công nghệ, sản phẩm mà thế giới người ta làm rồi, chỉ có VN chưa làm được mà thôi, quân ta chỉ cần mua về một cái, “nghiên cứu” mổ xẻ nó ra rồi “nghiên cứu” làm lại… (mà thực tế doanh nghiệp họ đang làm, như FPT của HT Ngọc làm cái mobile vậy…) những kết quả loại này thì không làm thành bài báo đăng trên tạp chí khoa học được. Đương nhiên những việc ấy cũng rất cần làm, nhưng là để cho các bộ sản xuất, các doanh nghiệp nó làm, bởi nó gắn liền với sản xuất, nó trực tiếp gắn với cơ chế cung cầu).


Lấy ví dụ sốt dẻo ngay như cái đề tài làm lúa lai của TS Trâm vừa báo cáo ở Đại hội thi đua toàn quốc, đó là một đề tài/dự án lớn rất có giá trị, và đã được trả công và tôn vinh tương đối xứng đáng, và nó có cần Bộ KH&CN đâu, nó cần Bộ NN&PTNT, ông Tạn cho tiền theo “quyền” của mình, rồi tự thân vận động của nhà khoa học (tất nhiên là rất vất vả vì cơ chế này chưa có ở ta, cơ chế của ta là nó phải qua bộ trung gian-Bộ KH&CN ất ơ). Nhưng nếu xét về mặt khoa học, thì kết quả đề tài này có gì là phát minh, có gì đăng báo đây, có chăng là trình bày kết quả thực tế ứng dụng lý thuyết về “ưu thế lai” mà thế giới nó đã làm rồi, thành công nhất là ông… người TQ. Tóm lại là đề tài rất hay rất giá trị nhưng không cần cơ chế quản lý của Bộ KH&CN. (Nói thêm là ông Tạn rất đau cái đề tài này, bởi ông làm qua Bộ KH&CN lấy tiền ngân sách hẳn hoi và thuê mấy nhà khoa học TQ giúp nhưng gần như không thành!)


Một điểm nữa khoa học phải gắn với đại học, và ngược lại, đó là lẽ tự nhiên. Thầy giáo đại học mà không nghiên cứu khoa học thì là thầy đồ, làm sao mà cập nhật được kiến thức để truyền thụ và kích thích trí sáng tạo cho sinh viên. Cũng vậy nhà khoa học mà không tham gia giảng dạy thì tri thức mòn mỏi, ít được “cọ xát”, sẽ thiếu phổ quát, nền tảng bị mai một, tư duy sẽ cạn hẹp thì sẽ hạn chế sáng tạo cái mới. Thực tế là hiện nay ta rất thiếu giáo sư, các thầy đi dạy cứ phải chạy sô! (nhất là chạy sô cho các lớp tại chức mở ở khắp các tỉnh thành cho lớp cán bộ kế cận đang cần có bằng để thăng chức, tiến quan và giữ ghế), có nghiên cứu khoa học được mấy, ăn thua gì, trong khi đó thì các tiến sĩ ở các viện khoa học có khả năng giảng dạy thì phải “ăn vào dự toán/quyết toán” để bổ sung thu nhập, nếu không thì sống bằng phết phẩy của chế độ bảo tồn năng lượng! Có nghịch lý không? Cũng được gọi là thầy giáo (giáo sư) đấy nhưng lương lại nhận theo một cách khác, rất “an mít”, mình thấy Tổng Nghị biết cái này rất rõ. Đúng là thế giới chắc chẳng đâu có.


Trong Hội ta cái này thì MinhNX biết rõ lắm, cả Minh dể KGU cũng vậy, đã đề xuất cách đây hơn 10 năm rồi cơ, từ khi Hội đồng CS KH&CN QG mới thành lập, khi Cụ NguyễnK còn làm PTTg, nhưng mà người ta không nghe. Có chán không. Cho nên Châu cũng như chúng mình, tâm tư lắm! Tâm tư nhiều nên dễ “hoài cổ”…Ha-ha-ha!


Được như thế là nó sẽ thực hiện được cái tỷ lệ mà Châu nêu ra đấy (tất nhiên là cái tỷ lệ này sẽ được điều tiết theo cơ chế cung cầu, và thay đổi theo quá trình phát triển của nền kinh tế, bây giờ thì như vậy, nhưng một khi nền kinh tế nó đã vào cầu – vào kinh tế tri thức, thế giới phẳng thì chắc rằng công nhân sẽ “cổ cồn” nhiều hơn...)


Tớ viết cái comment này từ hôm nọ cơ, nhưng không đưa lên diễn đàn, hôm nay xem TV nghe TS Trâm báo cáo mình lại bị “bức xúc” nên lại đưa lên. Mọi người đọc chơi và suy ngẫm nhé cho bõ công Mr Châu mở bài.



Từ: SonTM
22/12/2010 16:50:36


Những chuyện Hoa nói là hoàn toàn đúng sự thực, nó do “lỗi hệ thống”. Chương trình đào tạo từ Bộ đưa xuống hoàn toàn không có giờ thực hành cho môn hóa học. Trường Đại học kỹ thuật như trường mình ( ĐHXD) có những ngành như Vật liệu xây dựng, Kỹ thuật môi trường nếu không có giờ thực hành thì sinh viên chả biết cầm pipet hoặc sử dụng buret ra sao. Chúng mình phải đấu tranh mãi mới có được giờ thực hành cho sinh viên.    VN mình thường có một nghịch lý, người làm trực tiếp thì không bao giờ được tham gia lập chương trình, còn những người không làm thì bao giờ thì lại ra lệnh cho người khác. Hay các vị muốn bỏ qua giáo dục cơ sở và nền tảng để đi tắt đón đầu? Nhà không có móng sẽ sụp đổ nhanh chóng mà thôi!




Từ: HanhLT
22/12/2010 11:08:49

Nhân nói chuyện thừa thầy thiếu thợ tôi nhớ lại ngày mới về trường Dược, có 1 bác KTV được đào tạo thời Pháp thuộc, kiến thức của bác, NCS còn phải hỏi. Gần đây 1 đồng nghiệp của tôi học NCS ở Nhật về nói với tôi cô ơi ở bên ấy thầy cháu hôm nào cũng về muộn như cháu, có những việc thầy giáo VN (như cháu - GV mới, trẻ, chưa được xuất như GS) còn không làm mà thầy cháu vẫn làm cùng cháu(là học trò).


Thế mới hiểu vì sao họ tiến hơn mình!



Từ: Meomun
22/12/2010 10:16:16

Nhân thể bàn chuyện giáo dục, em xin góp vui một chuyện: Con gái em học lớp 1, cô giáo bảo viết thư cho ông già Noel. Nó viết là "con chúc ông già Noel khỏe để đủ sức đi phát quà cho tất cả trẻ em. Con ước gì có được một bộ dụng cụ học tập để học giỏi và hứa sẽ vâng lời cha mẹ, cô giáo."


Em ngạc nhiên:- Con có bộ dụng cụ học tập rồi mà, sao phải ước? Nó bảo:- Cô giáo chỉ cho ước dụng cụ học tập chứ không được ước những thứ linh tinh như búp bê, đồ chơi như hồi mẫu giáo!


Hết thuốc, mơ ước của các cháu cũng được dập khuôn! Kiểu này thương ông già Noel quá, phát có mỗi thứ quà là dụng cụ học tập cho trẻ em lớp 1, chắc ông chán lắm!



Từ: Meomun
22/12/2010 07:55:31

Hì hì, em vốn không hảo mấy chủ đề này, vì ... trình độ có hạn nên chỉ dám xem chứ không dám bình. Tình cờ sáng nay nhờ "đọc báo nghe đài", qua chương trình thời sự VTV biết là đại đa số giáo sư, phó GS của Việt Nam không có công trình nghiên cứu khoa học thường xuyên, chỉ tuần túy làm công tác giảng dạy. Trong khi đó ở nước ngoài, nếu 2 năm mà không có công trình được đăng báo thì sẽ không được đứng lớp. Thế mà hàng năm, Nhà nước vẫn chi một khoản tiền lớn để cho các GS, PGS nghiên cứu khoa học.


Còn cái tên cái Bộ GD và ĐT nữa, không giống ai. Chẳng trách các cháu tốt nghiệp đại học xong, đi làm thì doanh nghiệp, người sử dụng lao động lại phải train từ kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc theo nhóm... mà đáng lẽ ra đã được học từ giảng đường đại học. Em cũng thấy chương trình học phổ thông của mình quá nặng, nếu không phải là chuyên toán, học làm gì những vi phân, tích phân, đạo hàm...để rồi không dùng đến, trong khi những kỹ năng cơ bản để sống và làm việc lại thiếu.



Từ: NghiPH
21/12/2010 16:06:25

"Các cháu trẻ có bằng cấp xịn đàng hoàng nhưng vào phòng TN chẳng biết cầm pipet như thế nào, chẳng biết cách lấy số liệu gì cả, không có tác phong làm việc trong PTN, rất ẩu, chẳng cẩn thận kiên trì gì cả... cái gì cũng phải nhờ các bà già làm từ A đến Z chán quá".


Chán quá chị Thúy Hoa ơi! Sao các cháu lại chẳng biết làm gì, chẳng biết làm gì.... Thế ngoài những thứ các cháu không biết làm ra thì chúng biết làm gì?



Từ: HoaNT
21/12/2010 10:26:47

Hiện nay Lab. của mình đang rất cần các kỹ thuật viên mà không được Viện cho lấy người vì không nhận bằng trung cấp, mà hệ đào tạo kỹ thuật viên thì đã bỏ từ lâu rồi, thế hệ KTV về hưu hết rồi. Có những việc mà chẳng cần đến bằng cấp mấy chỉ cấn thao tác chân tay và kỹ năng trong phòng TN. Chẳng biết bây giờ các trường đại học đào tạo kiểu gì mà các cháu trẻ có bằng cấp xịn đàng hoàng nhưng vào phòng TN chẳng biết cầm pipet như thế nào, chẳng biết cách lấy số liệu gì cả, không có tác phong làm việc trong PTN, rất ẩu, chẳng cẩn thận kiên trì gì cả... cái gì cũng phải nhờ các bà già làm từ A đến Z chán quá.



Từ: Khửu
21/12/2010 09:00:49

Lẽ ra Châu nên đưa đề tài này vào chuyên mục Diễn đàn để mọi người tranh luận. Tôi chỉ xin bình luận 1 ý kiến thế này thôi: Theo tôi biết hiện nay ta có mô hình đào tạo liên thông xuât phát từ ý tưởng quái nào tôi không biết, nhưng thực tế là: thi trượt ĐH->vào Cao đảng hoặc Trung cấp nghề (2 -2,5 năm)-> vào ĐH (2-2,5 năm)-> thế là có bằng ĐH (được coi như chính qui) mà không phải đỗ vào ĐH và thời gian học như nhau! Chưa hết, có bằng ĐH (liên thông ) rồi -> làm cái ThS hoặc TS không khó khăn (thuê hoặc dịch vụ) và nó xóa sạch tất cả các loại bằng cấp Cao đẳng, liên thông với tại chức khác. Thế có phải là nghịch lý không các bạn? Từ thực tế này -> một thực tế khác: hầu hết các lãnh đạo "kiệt xuất" của chúng ta hiện nay đều có bằng Th.S hoặc TS (như Phư nói là còn phải ra lò như theo cách này chẳng hạn 20.000 TS nữa cơ mà), nhưng trước đó là học liên thông, trước đó nữa...tức là theo chiều ngược lại nói trên. Kết luận: các lãnh đạo đa phần là thi trượt ĐH tức là thành phần "dốt quá". Theo tôi đây thật sự là một tai họa!!!


Các bạn có thể xem thêm trên báo mạng nói về Đà nẵng không tuyển công chức những ai có bằng ĐH tại chức, hẳn là người ta đã nhìn thấy vấn đề, trừ Bộ GD&ĐT.




Từ: KhoaDT
21/12/2010 08:49:08

Châu, Phư và các anh em KGU tâm huyết với GD ĐT nước nhà chắc còn phải dằn vặt nhiều năm nữa trước khi thấy được những thay đổi theo chiều hướng lành mạnh. Cũng giống như các vấn nạn trong Y tế, tôi nghĩ rằng tư duy "THỊ TRƯỜNG" kiếm tiền bằng mọi cách, mọi nơi đã phá hủy hoàn toàn các truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong GD (tôi không muốn bình luận về sự mất cân đối giữa GD và ĐT, Châu đã phân tích rất đúng). Đúng là đã có quá nhiều khuyến cáo đúng đắn nhưng giải pháp cho GD nước nhà vẫn chưa rõ ràng và vì thế đề nghị của Phư vẫn là giải pháp thích hợp nhất ! 



Từ: PhuND
20/12/2010 22:36:25

HMC ơi, Lãnh đạo đang cần tới những 20.000 Tiến sĩ trong mười năm nữa, Hà Nội phấn đấu tất cả GĐ,Trưởng phòng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch,... đều là TS, mà HMC lại có ý tưởng ngược chiều! ( Nhưng mà đúng). Vấn đề là ai cũng biết, nhưng không ai nói và đặc biệt chẳng ai làm..., đó là một nguy cơ trì trệ của xã hội, nó sẽ kìm chế sự phát triển trên nhiều lĩnh vực!


Nếu Châu là Bộ trưởng, việc đầu tiên làm tốt nhất để hậu thế cảm ơn là: XIN TỪ CHỨC!





Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s