Chuyện kể của vị giám thị trại tù binh
Chuyện kể của vị giám thị trại tù binh NghịPH Những ngày cuối tháng 12 năm 2010 chiến sĩ quốc tế người Hy Lạp Konstas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập, người đã tham gia chiến đấu trong đội ngũ Quân đội Việt Nam suốt trong thời kỳ chống Pháp sang Việt Nam lần thứ hai trong năm. Lần này bác được mời sang Việt Nam để dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII được tổ chức tại Hà Nội vào 2 ngày 27, 28/12/2010. Sau khi dự Đại hội Thi đua bác Lập sẽ vào Đà Nẵng để cùng ba tôi và các cựu chiến binh Trung đoàn 803 (Liên Khu 5) chuẩn bị bản dịch cuốn sách Vì sao tôi chạy sang hàng ngũ Việt Minh (từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Việt). Bác sẽ ra lại Hà Nội khi Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 803 phối hợp tổ chức lễ trao tặng Huân chương Hữu nghị và Quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam cho cựu chiến binh Nguyễn Văn Lập. Trưa nay nhà tôi lại được mời cơm bác Lập. Đúng vào hôm mất điện. Trong ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn được nạp pin phòng ngừa khi mất điện, cả nhà tôi quây quần bên bác. Ba tôi đã ra Hà Nội đón bác từ mấy hôm nay. Trong bữa gặp gỡ trưa nay, chúng tôi hỏi bác Lập khá kỹ về thời gian bác làm giám thị trại tù binh tại Liên Khu 5 thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tôi xin ghi lại và chuyển đến các anh chị em Hội KGU- những người quan tâm đến cuộc đời của chiến sĩ quốc tế Nguyễn Văn Lập những điều tâm sự của bác Lập. Trong bài Ba tôi - Phần 2 - trên Mục NguoiKGU- Gia đình chúng ta, HạnhLM đã kể một phần về cuộc đời của bác Lập. Đầu năm 1952, khi đang ở đơn vị chiến đấu thuộc Trung đoàn chủ lực 803 của Liên Khu 5 thì bác Lập được lệnh triệu tập về Khu bộ Liên Khu 5 gặp tư lệnh Liên Khu nhận nhiệm vụ mới. Bác lập tức lên đường. Đến Liên Khu bộ bác được thông báo: Chính đồng chí Nguyễn Chánh- Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên Khu 5 kiêm Chính ủy Liên Khu 5 đã nghiên kỹ hồ sơ của đồng chí Lập và nhận thấy đồng chí Lập là người thích hợp nhất, đáng tin cậy nhất để giao nhiệm vụ làm giám thị trại tù binh của Liên Khu 5. Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm - Tư lệnh Liên Khu 5 - trực tiếp gặp trung đội bậc trưởng Nguyễn Văn Lập giao nhiệm vụ: - Đồng chí Lập tạm gác binh nghiệp để tham gia vào nghề mới, gọi là hoạt động chính trị. Trên cương vị sỹ quan chiến đấu nếu không có người này thì đã có người khác thay thế. Nhưng trên cương vị mới này, Ban chỉ huy thấy không ai thích hợp hơn đồng chí. Nhiệm vụ mới đòi hỏi ở đồng chí sự sáng tạo, kiên trì, nhanh trí và nhiều hy sinh, vất vả để tạo ra một trại tù binh được tổ chức tốt, hoạt động tốt. Và điều quan trọng nhất là đồng chí cần làm tất cả để các tù binh hiểu rõ chính sách khoan hồng, nhân đạo của Chính phủ Hồ Chí Minh. Làm sao từ những kẻ thù của chúng ta, sau thời kỳ ở trại, họ trở thành bạn của chúng ta. Đồng chí sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới chứ? - Thưa đồng chí tư lệnh, tôi sẵn sàng! Cấp trên cho bác Lập có 3 ngày phép để về thăm vợ trước khi đi nhận nhiệm vụ mới. Đến địa điểm có trại tù binh tạm thời đóng tại tỉnh Quảng Ngãi bác Lập mới nhận ra những khó khăn chồng chất. Trại mới thành lập được vài tháng trước tình hình ta thắng lớn và bắt được càng ngày càng nhiều tù binh. Lương thực thiếu, vệ sinh không bảo đảm, thuốc men không có... Qua tìm hiểu, bác Lập có 3 kết luận về tình trạng của trại: 1. Bếp ăn kém, không đủ dinh dưỡng làm cho tinh thần tù binh, nhất là tù binh da trắng sa sút; 2. Chăm sóc sức khỏe hầu như tuyệt vọng, không có thuốc chữa bệnh, các y tá lúng túng khi thực hiện chức trách; 3. Việc làm không có. Sau khi nhận bàn giao từ đồng chí Trại trưởng tạm thời, Giám thị Nguyễn Văn Lập nhanh chóng vào việc. Giám thị Lập cho triệu tập tù binh và nói ngắn gọn bằng tiếng Pháp: - Xin chào tất cả các anh. Tôi xin tự giới thiệu, tôi tên là Linh. Tôi là người da trắng. Các anh đừng hỏi tôi là ai. Điều quan trọng nhất liên quan đến các anh là Bộ Tham mưu của Quân đội nhân dân Việt Nam phái tôi đến để chăm sóc các anh. Các anh hãy tin tưởng vào chính sách nhân đạo, khoan hồng của Chính phủ Hồ Chí Minh. Tất cả chúng ta, không trừ một ai, phải bắt tay vào cải thiện cuộc sống của trại, bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, bảo đảm vệ sinh. Công việc cấp bách nhất là phục hồi nhanh chóng sức khỏe của 5 người bạn của các anh đang trong tình trạng khốn khó và có nguy cơ tử vong. Tôi có thể nói và hứa hẹn nhiều, nhưng thôi, hãy để cho thời gian chứng giám. Bác Lập nói sở dĩ bác tự nhận tên mới là Linh và là người da trắng, chứ không nêu quốc tịch là để giấu nhân thân của mình. Công việc đòi hỏi như thế. Cho đến khi trại giải thể, các tù binh vẫn không biết bác người nước nào. Tù binh được chia thành hai nhóm lớn: Nhóm lớn thứ nhất bao gồm sỹ quan và binh lính người Pháp và nhóm thứ hai là các hạ sỹ quan và binh lính lê dương- lính đánh thuê. Nhóm thứ hai lại được chia nhỏ thành:1.Lính đáng thuê từ các nước châu Phi và 2. Lính đánh thuê từ các nước châu Âu như Italia, Đức, Tây Ban Nha, Nam Tư, Ba Lan, Ru ma ni, Bun ga ri, Bạch Nga... Đối với tù binh lê dương, giám thị Linh dùng ngôn ngữ, tạm gọi là ngôn ngữ lê dương. Khi giải thích điều gì đó, trước hết giám thị Linh nói bằng tiếng Đức, vì trước đây nhiều người trong số họ đã từng là lính của các binh đoàn Đức (1939-1945). Với người chưa hiểu, giám thị nói hỗn hợp tiếng Pháp, tiếng Italia, tiếng Tây Ban Nha và sau hết, kết thúc bằng tiếng La tinh. Với một số người khác, giám thị Linh giảng giải bằng thổ ngữ trộn lẫn một ít Đức, một ít Slavo, một ít Italia. Công việc đầu tiên là phải đấu tranh với tình trạng bệnh tật bằng mọi phương tiện có trong tay. Bác đã lập ra tổ y tế gồm 2 cán bộ y tế thông thạo công việc mới được tăng cường và tình nguyện viên là các tù binh. Bác gửi công văn yêu cầu Bộ Tư lệnh Liên Khu 5 cung cấp thuốc men từ các nguồn lấy được của địch. Tổng vệ sinh toàn trại. Bắt buộc tất cả các tù binh ngủ màn, uống nước chè hoặc nước đun sôi để nguội, tuyệt đối không được uống nước lã. Cử tù binh cùng y tá đi hái cây thuốc trong rừng về sắc thuốc cho các tù binh bị ốm uống. Về bếp ăn, giám thị Linh trực tiếp cùng tiếp phẩm và hai tù binh đi chợ mua thực phẩm (chợ chỉ họp vào ban đêm). Khi mua bác giải thích cho bà con ta biết tình hình của trại và chính sách khoan hồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên đã được bà con bán rẻ thực phẩm cho trại. Nhiều lần giám thị Linh cùng tham gia nấu ăn với anh nuôi, cùng ăn cơm với tù binh. Bác Lập kể: Trong thời kỳ này, khẩu phần phát cho chiến sỹ ta ở Liên Khu 5 hàng ngày là: 800 gram gạo, 2 hào tiền thức ăn và chất đốt. Trong lúc đó, khẩu phần ăn của tù binh là: 1500 gram gạo, 10 hào tiền thức ăn và chất đốt. Như vậy, trong điều kiện kháng chiến rất gian khổ, thiếu thốn trăm bề, ta đã bảo đảm để tù binh có mức sống cao hơn sỹ quan, chiến sỹ ta nhiều lần. Giám thị Linh tổ chức cho tù binh và anh chị em trong trại tăng gia sản xuất: Trồng rau, nuôi bò, nuôi lợn, nuôi gà, lấy củi. Đời sống vật chất của tù binh và cán bộ của trại ngày càng được cải thiện. Hàng tuần tổ chức vệ sinh toàn trại. Các nhà vệ sinh cũ không hợp vệ sinh được xử lý và lấp đi. Giám thị cho làm nhiều nhà vệ sinh mới, luôn rắc tro và vôi bột để bảo đảm vệ sinh. Bác cho đào những giếng khơi sâu từ 20- 30m để có được nguồn nước sạch không bị ô nhiễm. Trạm xá của trại được thành lập với sự tham gia của 3 y tá là các tù binh tự nguyện. Những tù binh bị thương nặng, bị bệnh nặng, giám thị Linh gửi đi điều trị tại bệnh viện của Liên Khu 5. Những người bị thương nhẹ, bị bệnh thông thường được chữa bằng cả các thang thuốc nam và thuốc tây do Liên Khu 5 gửi đến. Chỉ trong vòng 2 tháng trại tù binh của Liên Khu 5 đã thanh toán được hết các bệnh tật đe dọa đến tính mạng tù binh. Học tập sáng tạo mô hình Hội đồng chiến sỹ của các đơn vị quân đội Việt Nam, bác Lập cho các tù binh họp bầu ra Hội đồng tù binh. Khi tù binh vi phạm nội quy của trại thì chính Hội đồng tù binh sẽ họp toàn thể tù binh xem xét và đề ra hình thức xử lý. Đây là mô hình tù binh tự quản rất dân chủ, rất hay. Bác Lập kể về một số tù binh “đặc biệt” của trại. Đây là các sỹ quan người Pháp, nhất là các sỹ quan không quân Pháp. Họ rất kênh kiệu. Họ yêu cầu phải được ở riêng, có tiêu chuẩn ăn riêng, có rượu để uống, có thuốc lá để hút. Thậm chí có kẻ còn yêu cầu có người hầu hạ riêng. Có lần viên sỹ quan không quân Pháp tên là Buốcgioa đang luộc khoai thì máy bay Pháp đến và bay quần đảo phía trên trại tù binh. Chiến sỹ bảo vệ tên Chinh yêu cầu hắn tắt lửa. Hắn không nghe còn chất thêm củi vào cho cháy to hơn. Anh Chinh đá phốc cái xoong và dập lửa. Hắn xông vào đánh anh. Để tự vệ, Chinh lấy báng súng đánh lại hắn. Ngay tức thì hắn lu loa lên cán bộ Việt Minh đánh tù binh. Hắn tố cáo Chinh vi phạm chính sách đối với tù binh và yêu cầu thi hành kỷ luật đối với Chinh. Giám thị Linh yêu cầu Hội đồng tù binh họp và xử lý vụ này. Phán xét của Hội đồng các tù binh ngược lại với mong muốn của viên sỹ quan không quân Buốcgioa. Hắn bị quy kết vi phạm nghiêm trọng nội quy của trại về việc tắt lửa khi có máy bay đến, "vi phạm an toàn sinh mạng tù binh". Anh Chinh đã hành động đúng để bảo đảm bí mật của trại tù binh. Việc anh đánh Buốcgioa chỉ là phòng vệ chính đáng. Có tù binh còn nói: - Nếu là tôi thì tôi đã đập bể sọ hắn rồi!. Tù binh- sỹ quan không quân Buốcgioa bị đề nghị xử lý kỷ luật: - Trong 15 ngày tới, Buốcgioa không được luộc khoai; - Không được đi ra khỏi phòng trong 5 ngày (trừ nhu cầu tự nhiên và khi điểm danh); - Phải ăn cơm trong phòng 5 ngày; - Nếu tái phạm, hình phạt sẽ gấp đôi; - Ông giám thị có quyền xử phạt theo nội quy, không cần hỏi ý kiến hội đồng tù binh. Buốcgioa, đầu cúi gằm, được đề nghị phát biểu cũng không nói gì. Mãi sau hắn mới nói được vài tiếng: - Vâng, tôi có lỗi, tôi nhận khuyết điểm. Tôi hứa, điều đó không xảy ra nữa. Bác Lập khuyên tù binh không nên trốn trại. Bác nói với họ: - Trại không có hàng rào, không có đồn bốt gì, các anh muốn trốn khỏi trại rất dễ. Nhưng các anh không thể trốn khỏi nhân dân. Các anh đi đến đâu thì nhân dân cũng bắt các anh giao lại cho trại thôi. Vả lại trốn vào rừng các anh sẽ sống rất khổ sở. Giám thị luôn nhắc nhở với tù binh như thế, vậy mà có tù binh người Bỉ tên là Becgơ trốn trại đến 3 lần. Lần nào trốn cũng bị nhân dân hoặc du kích bắt và giao lại cho trại. Có một sự kiện đau lòng là lần thứ 3 trốn trại, hắn lại rủ một tù binh khác trốn cùng. Khi bơi qua sông, anh này bị nước cuốn, chết đuối rất thảm thương. Nghề quản lý trại tù binh vô cùng vất vả. Mỗi một tù binh là một tính cách, chẳng ai giống ai. Mỗi người có tâm tư, nguyện vọng của mình. Sau mỗi chiến dịch số tù binh nhập trại ngày càng tăng. Số người quản lý ở trại lại ít ỏi nên giám thị lo lắng công việc đến quên ăn, quên ngủ. Giám thị Linh luôn nhớ đến lời của Chính ủy Nguyễn Chánh: Hãy biến thù thành bạn, đó là khó khăn lớn nhất mà chúng ta phải vượt qua! Sau 2 năm dồn tâm trí chăm sóc cho tù binh như đã hứa hôm đầu gặp họ, giám thị Linh bị ốm nặng. Bác phải đi nằm viện ở Liên Khu 5 đến 10 ngày. Ra viện bác lại lao vào công việc của trại cho đến ngày trao trả tù binh và giải thể trại. Có nhiều tù binh không muốn được trao trả cho quân đội Pháp mà muốn trao trả qua một nước thứ ba. Giám thị Linh đã lập danh sách và gửi lên cấp trên. Nhà nước ta đã đáp ứng nguyện vọng của họ. Bác kể tiếp: Để cho cuộc sống tinh thần của tù binh khá lên, trại tổ chức cho các tù binh đàn hát, mời đội văn nghệ của địa phương đến biểu diễn. Rồi giám thị còn đề nghị Hội đồng tù binh ra bích báo nữa chứ. Nhiều tù binh hưởng ứng với những bài viết, bức họa rất hay, rất đa dạng, phong phú. Có người viết về cuộc sống trong trại. Có người viết ca ngợi cán bộ quản lý trại, y tá, anh nuôi của trại. Có người viết về các trận chiến mà họ đã trải qua, trong đó có ca ngợi tinh thần chiến đấu gan dạ của chiến sỹ quân đội Việt Nam. Có khá nhiều bài viết ca ngợi chính sách nhân đạo, khoan hồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tù binh. Tù binh lê dương F. Onnhe- người Đức trước đây đã tham gia quân đội của phát xít Đức, viết: Tôi thích làm tù binh hơn là lính lê dương. Vì ngày nay tôi biết rằng, trước đây tôi chẳng là gì cả, chẳng khác gì một con vật hình người. Nay tôi được tham gia Hội đồng tù binh, được tham gia vào mọi hoạt động của trại, được biết tình hình thế giới... Trại của chúng ta, trại dân chủ muôn năm! Giám thị Linh rất chú ý đến các bức họa của viên sỹ quan không quân. Hắn vẽ 3 bức họa. Bức họa thứ nhất vẽ quả bom với chú dẫn: Chiến tranh- Phản đối. Bức thứ hai vẽ chim hòa bình với chú dẫn: Hòa bình- Ủng hộ. Bức thứ ba: Có một hình người bị cụt đầu (dáng người khá giống dáng người của giám thị Lập) với chú dẫn: Chính trị với dấu hỏi (?) to tướng. Thấy giám thị Linh chăm chú xem bức vẽ, tù binh- sỹ quan không quân Buốcgioa tiến đến bắt chuyện: - Chào sếp Linh! Sếp thích các bức họa của tôi à? - Tôi rất thích! - Thế sếp có thích bức họa thứ ba này không?- Hắn hỏi với vẻ khiêu khích. - Bức thứ ba anh có hàm ý về các nhà chính trị? - Dạ vâng! Sếp Linh thấy thế nào? - Anh nói tới chính trị, các nhà chính trị. Thưa anh, có nhiều kiểu chính trị, nhiều kiểu nhà chính trị lắm. Chính trị không xa lạ gì với chúng ta, với anh, với tôi. Chính trị là bánh mì, là việc làm, là nhà ở, là chiến tranh hay hòa bình. Có chính trị sáng suốt, có chính trị ngu xuẩn. Tôi nói thế chắc ông sỹ quan không quân Pháp hiểu chứ ạ. - Vâng, thưa sếp Linh, tôi hiểu. Cám ơn sếp! Bộ tư lệnh Liên Khu 5 quyết định cho các tù binh gửi thư và nhận thư nhà với địa chỉ chính thức là: Trại tù binh chiến tranh số 3 Quảng Ngãi, Liên Khu 5, Nam Việt Nam. Nhận được thư vợ, có anh tù binh người Italia chạy khắp chạy trại, hét vang: Tôi nhận được thư vợ! Tôi nhận được thư vợ! Cuộc nói chuyện của bác Lập với chúng tôi kết thúc ở đây. Bác Lập phải về Nhà khách Chính phủ để tập trung đi dự cuộc họp trù bị của Đại hội sẽ diễn ra ngày mai. Sắp tới, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng với đại diện của Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 803 Liên Khu 5 sẽ tổ chức một buổi lễ để Chủ tịch nước hoặc Phó Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Hữu nghị và Quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam cho chiến sỹ quốc tế Nguyễn Văn Lập. Khi có lịch cụ thế, chúng tôi sẽ thông báo để anh chị em nào thu xếp được thời gian thì cùng đến dự và chúc mừng bác Lập. Anh hùng La Văn Cầu và bác Lập
Anh hùng La Văn Cầu và GS Khoa
Bác Lập và GS Khoa tại Đại hội TĐYN toàn quốc lần thứ VIII
Người post: NghiPH
Ngày đăng: 26-12-2010 23:11
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |