KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 30 Tháng mười hai. 2010

Kisinhốp - Một thời để nhớ




Tác giả: KimDD

 

Còn nhớ nhóm sinh viên đầu tiên thuộc khoá 1967-1973 đến Kisinhốp vào buổi tối ngày 01 tháng 09 năm 1967. Nhóm có 07 nguời là các chị Hữu, Nga và các anh Kiêm Sơn, Tân, Tiểu, Sáng và Kim. Sinh viên được bạn đón tiếp long trọng với dàn nhạc tại nhà ga Kisinhốp và sau đó lên ô tô đi thẳng về Câu lạc bộ Văn hóa của khu sinh viên để dự lễ kỉ niệm ngày Quốc khánh của Việt Nam. Sự ân cần, chu đáo của các anh, chị sinh viên lớp trên cũng như tình cảm dạt dào của các bạn Liên Xô đã giúp chúng tôi vơi bớt nỗi buồn vì nhớ quê hương và lần đầu tiên xa nhà. Tại Hà Nội, đoàn chúng tôi vừa qua cầu Long Biên đêm trước thì hôm sau cầu bị bom Mỹ phá hỏng. Vì lí do ấy mà có bạn mãi đến cuối tháng 10 năm 1967 mới đặt chân đến đây.

Trong số 1.200 sinh viên Việt Nam được cử sang Liên Xô học năm 1967 thì tại Kísinhốp, số sinh viên là khoảng trên dưới 50 người. Hết khóa dự bị 1967-1968, số lượng sinh viên là 51 người (42 sinh vật và 07 hóa học, 02 người sẽ chuyển đi thành phố khác) bao gồm các bạn đã học dự bị tại Kisinhốp và một số bạn chuyển từ các thành phố khác đến. Sau đó, vì số lượng sinh viên đông nên nhà trường bố trí cho học riêng lớp Việt Nam trong các năm có chương trình đại cương. Về tổ chức thì có thể tốt nhưng sinh viên ta cũng bị thiệt thòi vì ít có cơ hội giao tiếp tiếng Nga với các bạn sinh viên Liên Xô trong giờ lên lớp. Những sinh viên trẻ, lần đầu xa nhà, cái gì cũng cảm thấy lạ lẫm và muốn tìm hiểu. Phải ghi nhận một điều quan trọng là các bạn sinh viên đã được các anh, chị sinh viên khóa trên (anh Tự, anh Hoài, anh Tuyền, chị Nguyệt, chị Nhất, chị Hạnh và nhiều người khác) hướng dẫn, giúp đỡ rất tận tình về tinh thần cũng như vật chất. Hội đồng hương phổ biến kinh nghiệm học tiếng Nga, cách thức làm quen và ứng phó với hoàn cảnh mới để dễ hội nhập.

Động cơ học tập của chúng tôi thì thật rõ ràng: học để phục vụ Tổ quốc trong khi cả nước đang tiến hành chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Phòng “Góc Đỏ” trong kí túc xá sáng đèn đến 2 – 3 giờ sáng là chuyện bình thường. Điều thú vị đối với chúng tôi là lần đầu tiên được nhìn thấy  tuyết. Thành phố Kisinhốp nhỏ nhắn với một số địa danh đẹp đã trở thành kỉ niệm không bao giờ quên. Hàng liễu rủ ở hồ Komxomonxcoe, những cây bạch dương yêu kiều với thân trắng, lá vàng vào độ cuối thu. Rồi thì những chùm hoa Tử đinh hương nữa chứ. Sắc tím với hương không thể nào quyến rũ hơn:

Nghĩ về em, Tử đinh hương

Lung linh hoa tím trong vườn,...

(Anna Stephens)

Sau những năm học đại cương, cả khóa chia về các bộ môn chuyên ngành như Sinh hóa, Sinh lý thực vật, Sinh hóa người và động vật, Thực vật học, Động vật học, Vi sinh vật học,  Di truyền học, Hóa hữu cơ, Hóa vô cơ, Hóa Lý, Hóa phân tích,...theo nguyện vọng của sinh viên.

Khi đã hội nhập tốt với hoàn cảnh sống và học tập tại đây, sinh viên Việt Nam đã thực sự cố gắng nâng cao trình độ tiếng Nga và chuyên môn. Chuyến đi thực địa sau năm thứ nhất đại học của sinh viên khoa Sinh là kỉ niệm rất đáng nhớ. Vì lớp đông người nên phải chia thành hai đoàn. Sinh viên có dịp tiếp cận với thiên nhiên, học hỏi từ thầy, từ thiên nhiên và có những buổi tiếp xúc rất ấn tượng với nhân dân địa phương. Người viết bài này có một kỉ niệm không thể quên. Do mải mê bắt ong, bướm (Đúng là dân Ong-Bướm!) nên một tốp 4 sinh viên (anh Tứ, anh Tỉnh, anh Văn Sơn và tôi) bị lạc trong rừng. Khi mò mẫm tìm ra đường thì chúng tôi quyết định bắt xe về địa điểm đoàn thực tập đóng trong khi số sinh viên còn lại cùng thầy phụ trách túa ra đi tìm chúng tôi. Vì chuyện này mà 4 anh em bị kỉ luật là hôm sau thay vì đi thực địa thì ở nhà viết kiểm điểm. Tôi thực sự xấu hổ vì vào thời điểm đó tôi đang là lớp trưởng. Bản kiểm điểm đuợc viết rất súc tích, phản ánh đúng sự thật. Ý tưởng chính là của anh Tứ, còn diễn đạt tiếng Nga là do tôi phụ trách. Ngay tối hôm đó, sau khi đọc Bản kiểm điểm của chúng tôi, mặt thầy phụ trách (thầy dạy Nga văn) tái đi rồi dần dần đỏ bừng và thầy khóc. Thầy nói nếu Bản kiểm điểm này đến tay thầy Dekan khoa SV ngoại quốc thì thầy sẽ bị đuổi việc chỉ vì dùng một số từ xúc phạm đến sinh viên ngoại quốc mặc dù thầy hoàn toàn đúng. Tôi xin phép thầy cho xé ngay Bản viết này và ứa nước mắt chân thành xin lỗi thầy. Hú vía! Tôi cứ nghĩ mình sẽ bị phê bình nặng nếu chuyện này đến tai Sứ quán.

Trên mạng, nhiều người muốn biết thông tin về anh Ngô Thanh Đồng, sinh viên khóa 67-73. Anh Khánh đã viết bài hay về anh Đồng. Nay tôi muốn bổ sung vài kỉ niệm về anh Đồng để chúng ta cùng tham khảo. Anh là người đặc biệt về tính cách nhưng thông minh về trí tuệ. Tôi rất ấn tượng với việc giải một số bài toán cơ rất thông minh của anh trong các giờ phụ đạo thời gian học dự bị. Việc học của anh thiên về toán nên có phần chểnh mảng và hiệu quả thấp đối với các môn khác. Tư duy của anh cũng tương đối khác người. Anh trình bày một vài vấn đề triết học nào đó bao giờ cùng kèm trích dẫn các lãnh tụ với số trang, dòng và sách tham khảo rất chi tiết. Có lần tôi nhìn thấy ảnh Einstein và Menden dán trên tường phòng anh và tôi trêu anh: Đại thể các thiên tài bao giờ trán cũng rất rộng nhưng trán của anh ngắn quá. Anh buồn thiu và vài ngày sau anh gặp tôi để giải thích, rằng anh đã gặp bà bác sỹ của Trạm Y tế (Medpunkt) hỏi về việc này, rằng trán Staline cũng rất ngắn. Anh thêm vào: biết đâu sau một đêm suy nghĩ, tóc tại vùng trán anh sẽ rụng hết! Có lần anh đọc cho tôi nghe bài thơ anh viết với tựa đề “Đôi mắt”. Anh ca ngợi đôi mắt đẹp của một nữ sinh viên khóa tôi (Chị M.) với lời lẽ khá triết lý. Bài thơ không xuất sắc nhưng cái tình gửi trong đó thì rất rõ. Chỉ tiếc là không có bản thảo của bài thơ này để gửi cho bạn đọc. Cuối năm 1973, tôi và anh Đồng được Bộ triệu tập học chính trị để đi chuyển tiếp sinh trước tháng 12. Dịp ấy có tổng số 17 sinh viên được chọn đi CTS Liên Xô. Anh Đồng là diện đặc cách vì Bộ trưởng Tạ Quang Bửu yêu cầu chú trọng tới người tài. Rất tiếc năm ấy tất cả 17 sinh viên đều bị lỡ dịp mặc dù đã cầm hộ chiếu trong tay vì đúng năm Việt Nam hòa bình sau Hiệp định Paris và phía Liên Xô không chấp nhận ta gửi SV-CTS sang quá muộn, sau tháng 10 hàng năm. Một lần trong lớp học, Đồng khoe với thầy dạy chính trị là sáng sớm vừa gặp cướp kề dao vào cổ đòi tiền nhưng anh đã thoát nạn vì “...đã khai báo rất thành khẩn với cướp là tiền sinh hoạt phí đã nộp hết cho nhà ăn ở Trường Bách khoa rồi”! Sau một thời gian ở Việt Nam, anh có đến gặp tôi và nhờ tôi giúp liên hệ in cuốn sách anh mới viết. Tuy vậy tôi đã từ chối vì thật sự không hiểu lắm về nội dung anh trình bày. Tôi cũng đã liên hệ với GS Phan Phải để anh tiếp xúc. Nhưng hình như cuộc gặp cũng không có kết quả thì phải. Đầu năm 1974 có một phóng viên báo Tiền phong (nếu tôi nhớ không nhầm là anh Thọ) đến tìm tôi tại Viện Khoa học Việt Nam (Khi ấy là UB KH-KT Nhà nước) để phỏng vấn lấy thông tin về anh Đồng. Khi bài báo ra khuôn thì tôi thấy các thông tin bị cường điệu so với những thứ tôi cung cấp cho phóng viên. Khóa chúng tôi cũng tổ chức được nhiều buổi họp lớp sau này với các anh, chị làm việc ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Sự có mặt của anh Đồng trong các buổi họp này là niềm vui và là điều mong muốn của tất cả mọi người. Anh Đồng mất trong hoàn cảnh tương đối đặc biệt và do tình cờ chúng tôi được tin anh mất nên đã đến nghĩa trang Văn Điển lo cho anh được mồ yên, mả đẹp. Cũng là một tài năng nhưng yểu mệnh.

Lại nói về những năm tháng học tại Kisinhốp. Công tác đoàn thể và của Hội đồng hương rất được chú trọng. Thể dục - Thể thao và Văn nghệ  là nhu cầu không thể thiếu. Những giải bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn,... hoặc thi biễu diễn văn nghệ của sinh viên toàn thành phố là những dịp hay khó có thể bỏ qua.

Tôi nhớ mãi một trận đấu bóng đá giao hữu với Trường Trung cấp TDTT của Kisinhốp. Phía bạn hữu nghị đến mức trọng tài chỉ bắt lỗi phía bạn nếu cầu thủ Việt Nam bị ngã do hai bên va chạm. Trận này Việt Nam thua 2-4 nhưng để lại tiếng vang lớn. Chúng ta có kĩ thuật nhưng thể lực thì không thể so với các cầu thủ của bạn được. Ông Pusnhiac dự khán và rất khen ý chí của các cầu thủ Việt Nam, đặc biệt 2 danh thủ là anh Thắng (tiền đạo - đội trưởng) và anh Tánh (trung vệ). Trận đấu bóng đá và bóng chuyền giao hữu với sinh viên Odessa cũng là kỉ niệm rất đẹp đối với chúng tôi. Khóa 1967-1973 đóng góp nhiều cầu thủ bóng chuyền cho đội tuyển Kishinhốp (anh Lượng, anh Tài, anh Thắng, anh Kim). Cộng với anh Bừng, anh Thăng và một số cầu thủ của khóa dưới, chúng tôi là một đội tuyển được lắm.

Có những sự việc mà đến nay chúng ta coi là ấu trĩ nhưng vào thời điểm ấy là bình thường. Ví dụ không được xem phim tư bản; ra đường phải đi từ 2 người trở lên. Hoặc tình yêu nam-nữ giữa sinh viên VN và LX. Tôi còn nhớ một buổi phải tiếp một bạn gái Moldavi và anh T. theo sự phân công của Hội đồng hương SV-NCS Kisinhốp tại Phòng “Góc Đỏ” của Kí túc xá. Người bạn gái ấy và T. yêu nhau nhưng bị cấm. Bạn gái ấy vừa khóc nức nở vừa đặt cho tôi câu hỏi, đại thể tại sao phía VN lại cấm họ yêu nhau và họ có lỗi gì khi yêu nhau. Trong trường hợp này đành phải mang quan điểm chỉ đạo của Sứ quán ra để trả lời, rằng chúng ta không cấm yêu đương nhưng do VN đang có chiến tranh, tình yêu dẫn đến hôn nhân sẽ làm khổ đau bạn gái đó; rằng anh T. có trách nhiệm phải gác tình yêu lại để tập trung học tập để sau này phục vụ tổ quốc,...Chính chi đoàn chúng tôi sau này kiên quyết bảo vệ anh T. để anh ấy không bị kỉ luật đuổi về nước.

Các bạn Liên Xô yêu quý Việt Nam thực sự và cả thương chúng ta nữa. Năm nào ông Hiệu trưởng của Trường Đại học quốc gia Kisinhốp cũng kí chuyển cho Hội đồng hương VN một số tiền để lo tổ chức ăn Tết. Nhà trường tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho sinh viên Việt Nam khi chúng ta có yêu cầu. Ví dụ khóa chúng tôi tổ chức được lớp học 6 tháng lái xe ô tô và mô tô, một lớp học nhạc. Nhiều sinh viên tham gia thêm các lớp học quyền Anh, Sambo,...Nhà trường rất lưu ý tới việc hỗ trợ sinh viên Việt Nam tổ chức các chuyến nghỉ hè sau mỗi năm học. Các chuyến thăm nông trường, xí nghiệp, trường học được tổ chức khá đều đặn để chúng ta có dịp giới thiệu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cũng như cung cấp cho nhân dân bạn những thông tin còn xa lạ đối với họ. Có kỉ niệm cũng rất đáng nhớ là trong chuyến đi nghỉ hè tại một địa phương (mà tôi quên mất tên), một nhóm sinh viên Việt Nam bị bảo vệ một Nông trường bắt vì đang hái táo mà không xin phép. Khi lãnh đạo Nông trường biết đây là các sinh viên Việt Nam, “ đại diện của Việt Nam anh hùng”, thì họ xin lỗi rối rít rồi cấp ô tô chở sinh viên về trại hè kèm theo vài thùng quả biếu. Tình người là vậy, hỏi làm sao mà quên được!

Bài viết đã dài. Xin thông tin tới người đọc vài tóm tắt sau đây.

Khóa sinh viên 1967-1973 có 01 trường hợp duy nhất (chị B.) vì lí do sức khỏe và khả năng tiếp thu ngoại ngữ có hạn phải về nước sớm sau một năm học.

Đa số các sinh viên khóa này tốt nghiệp loại khá và giỏi. Nhiều sinh viên tốt nghiệp với bằng đỏ. Trong số này có 5 sinh viên đạt xuất sắc vì tất cả các môn thi đều đạt điểm 5 (anh Tân, anh Khánh, anh Thắng, anh Quang và anh Kim).

Những năm tháng học tập tại Liên Xô đã thực sự cung cấp cho sinh viên Việt Nam vốn kiến thức cơ bản rất quan trọng. Ngồi tại Hội trường của Câu lạc bộ Văn hóa xem các thước phim thầy - trò các trường đại học Việt Nam dạy và học trong điều kiện sơ tán mới thấy hết quyền lợi và trách nhiệm của mỗi sinh viên chúng ta.

Năm 1973. Chuyến tàu “chuyên xa” đưa các cử nhân khóa 1967-1973 về nước.

Và 37 năm đã qua! Chúng tôi, những cựu sinh viên Kisinhốp ngày nào bây giờ tóc đã điểm bạc. Người còn, người mất. Hầu hết bây giờ đã nghỉ hưu. Mỗi người từng ở vị trí công tác khác nhau và thành đạt cũng khác nhau. Tuy vậy, cái tình người – thứ quý giá lắm lắm thì vẫn còn. Tình thầy trò, tình đồng môn, tình đồng nghiệp, tình yêu nam nữ. Trên nữa là Tình Hữu Nghị và Tình Yêu Đất Nước.

 Xin cầu chúc cho mọi người mọi sự tốt đẹp.

                                                    Hà Nội, tháng 12 năm 2010

                                                                    Đặng Đình Kim


Người post: KimDD

Ngày đăng: 30-12-2010 11:11






Xem 1 - 9 của tổng số 9 Comments

Từ: TuyetHA
01/01/2011 22:32:24

Anh Kim ơi, lớp anh cách bọn em 3 khoá, bọn em là OB-77. Hồi các anh học năm thứ 4 thì bọn em là SV dự bị. Nghe anh kể thì em thấy các anh, chị khoá ấy "khổ" hơn bọn em nhiều vì bọn em không bị bắt khi ra đường phải có 2 người trở lên,  không bị cấm yêu đương (trừ yêu tây), chỉ mỗi một thứ cấm là không được xem phim tư bản thôi (nhưng bọn em vẫn lén đi xem đều). Có lẽ được "tự do" hơn các anh chị năm trên nên cũng nghịch ngợm, quậy phá hơn nhưng vẫn giữ tinh thần "học ra học, chơi ra chơi", và chính nhờ vậy mà khi trở về Tổ Quốc, dù ở vị trí làm việc nào, hầu như ai cũng đã có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp chung của đất nước. Em rất tự hào về người KGU của chúng ta. Một năm mới lại đến, năm đầu tiên trong thập niên thứ 2 của TK 21, xin chúc toàn thể ACE KGU một năm đầy hạnh phúc, sức khoẻ dồi dào và thật nhiều niềm vui. Tuyết SV-77.



Từ: camtumai
31/12/2010 21:02:46

Anh Kim ơi, cảm ơn Anh về những hồi tưởng trong: "Kishinhốp - một thời để nhớ". Một thời đã qua; nhưng đúng như Anh đã viết: "cái tình người – thứ quý giá lắm lắm thì vẫn còn. Tình thầy trò, tình đồng môn, tình đồng nghiệp, tình yêu nam nữ. Trên nữa là Tình Hữu Nghị và Tình Yêu Đất Nước". Tình cảm đấy luôn hiện diện và theo ta  từng ngày kể từ khi có trang Web studentkgu.vn!



31/12/2010 08:31:44

Trước kia em không biết các anh chị khóa trước 75. Từ ngày thành lập Hội, qua giao lưu, rất ấn tượng với OB73. Hôm nay đọc bài viết của anh Kim càng biết các anh chị nhiều hơn. Lớp các anh chị cũng tham gia tích cực các hoạt động của Hội.


Cũng qua bài viết thấy rằng cái tên OB là quá chuẩn, quá hay, quá hợp lý với các anh chị khoa Sinh.


Anh Kim ơi, anh là lớp trưởng, anh có đủ quyền hạn để nhắc nhở, để "xử lý" anh Thắng. một nhân vật "cộm cán" tương đối đặc biệt, hiện lại là Hội trưởng KGU HCM, nhưng chỉ loáng thoáng trên mail đàn, còn tuyệt nhiên ko thấy xuất hiện trên web, mặc dù em đã post cả 1 đoạn video hiếm có với anh ấy. Trên bàn rượu anh ấy nói thì ghê lắm.



Từ: KhoaDT
30/12/2010 16:34:30

Cám ơn anh Kim đã có một bài hồi tưởng cực kỳ sinh động. Mặc dù học dưới các anh 3 năm nhưng hội VL76 cũng có giao lưu ít nhiều với lớp OB73 các anh, nhất là trên sân bóng. Riêng em thì có khá nhiều kỷ niệm với anh Thắng (Chủ tịch hội KGU HCM) vì hợp nhau trong cách sống "thoải mái" (để tóc dài, đi xem film tư bản...). Bây giờ sau ~ 40 năm vẫn nhớ đến nhau, chia sẻ kỷ niệm vui buồn được với nhau online thế này là vô cùng tuyệt vời. Hi vọng còn gặp a Kim thường xuyên hơn trên diễn đàn KGU. Chỉ mỗi ông Thắng thì đúng là "kiêu ngạo" quá, vẫn chê "siêu thị" online của KGU, dứt khoát không tham gia shopping. Đề nghị a Kim thay mặt hội OB73 có nhắc nhở nhé !  



Từ: PhaNM
30/12/2010 15:50:39

Đọc bài của Anh Kim mà bao nhiêu kỷ niệm lại tràn về trong em. Sao cái ngày đó nó thân thương thế. Các anh chị năm trên các em năm dưới sống thân thiết như trong một nhà.


Có một sự kiện mà em được nghe các anh chị khóa 67 - 73 kể lại, nay viết ra đây để nhớ lại những ngày đầu mới sang. Hồi mới sang chúng ta đều phải thử phân để tây giun. Có một sáng kiến của các anh là dùng "món ấy" của một người để thử cho cả phòng (vì nghĩ rằng người ấy khỏe mạnh, hồng hào chắc là không có giun). Ai ngờ cả phòng phải tham gia tẩy giun (một thứ thuốc giun cho đến bây giờ nghĩ lại mà vẫn thấy buồn nôn. 



Từ: ChiNB
30/12/2010 15:39:54

Mãi đến bây giờ anh Kim mới lên "tiếng" trên Web. Bọn em khoa Hóa năm dưới nhưng cũng rất gần với khóa OB73 (vì nhiều lý do chắc bọn anh đều biết). Anh Kim có "thâm niên trong giới lãnh đạo SVVN KGU thời đó", nhiều chuyến đi công tác hữu nghị về nông trường đã để lại nhiều kỷ niệm khó quên về sự nhiệt tình, lòng hiếu khách và cảm thông đối với đất nước VN mình thời còn chiến tranh. Ngay học kỳ 1 năm thứ nhất (hồi đó bọn em học dự bị) mà thấy các anh nói tiếng Nga và đọc báo cáo bằng tiếng Nga tại nông trường nhanh như gió làm bọn em phục sát đất.



Từ: NhuanNT
30/12/2010 15:02:13

chào anh Kim, bài vết của anh thật hay, nhiều chi tiết chỉ nghe lỏm mà bây giờ mới có người xác nhận như việc cấm yêu đưong thời đó. Em cứ như được khám phá Kishinev lần nữa. Mong được nghe nhiều chuyện nữa từ các anh các chị.



Từ: TanhVH
30/12/2010 13:10:07

Cảm ơn anh Kim đã viết về một thời của Khóa 67-73 khoa Sinh vật. Những năm tháng ấy không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của anh chị em chúng ta. Mong sao mọi người KGU, mọi khóa đều viết lên những kỷ niệm đẹp về thời tuổi trẻ của chúng ta, cái thời mà chúng ta xa gia đình, sống đầm bọc nhau trong tình thương yêu đồng niên đồng lứa, đồng môn. Đấy là tính cách đáng yêu của Người KGU chúng ta.


Nhân dịp sắp bước sang năm mới 2011, nhân danh cá nhân và gia đình KGU xin chúc các anh chị, các bạn KGU một năm mới bình an, sức khỏe tốt lành, vạn sự như ý


Hoàng Võ Tánh- Đinh Thị Mai- OB73



Từ: HuongNT
30/12/2010 12:56:53

Rất hoan nghênh anh Kim đã có một bài viết hay về thế hệ các anh chị của Hội KGU chúng ta và thêm những kỷ niệm đẹp về anh Đồng. Chúng em mong đọc được nhiều bài hơn nữa của các anh các chị. Chưa thấy có chị nào lên tiếng cả.



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s