KGU News >>Tin tức
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 10 Tháng một. 2011

Sóc Tà Thiết




Tác giả: ChauHM

Thế hệ chúng ta đều biết cái tên Lộc Ninh vì thị trấn này vào năm 1973 đã từng là tâm điểm chú ý của cả thế giới. Lúc đó, hiệp định Paris vừa kết thúc, Lộc Ninh trở thành địa điểm tổ chức hội nghị hiệp thương bốn bên: Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam, Chính phủ Mỹ và Chính phủ của Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng chúng ta hầu như không biết gì về một căn cứ quan trọng bậc nhất của cách mạng miền Nam trong thời chống Mỹ, mặc dù căn cứ này chỉ cách thị trấn Lộc Ninh khoảng 10 cây số. Đó là căn cứ của Bộ Tư lệnh Miền, đóng tại sóc Tà Thiết. Hoàn toàn tình cờ, nhờ hứng chí nhận lời đi chơi với mấy người bạn công tác tại quân khu 7, tôi mới có cơ hội biết tới di tích cách mạng quan trọng này.

Tại phòng trưng bày của khu di tích, có ảnh của đủ các vị lãnh đạo Bộ Tư lệnh miền trong thời chiến tranh chống Mỹ như: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà, Phạm Hùng, Nguyễn Thị Định, Trần Độ... Điều đáng khâm phục là, căn cứ này đã giữ được bí mật cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mặc dù ở ngay sát nách sân bay Lộc Ninh của Mỹ Nguỵ. Các ngôi nhà trong căn cứ đều là nhà sàn bằng gỗ, bên dưới có hầm bê tông, nối với nhau bằng hệ thống giao thông hào kiên cố. Tôi đã vào nhà của cố Thượng tướng Trần Văn Trà thắp hương, vào hội trường của Bộ Tư lệnh ngồi họp... Các mái nhà ở đây được lợp bằng lá Trung quân, một loại lá có hình thù giống như lá mít, nhưng luôn giữ được độ ẩm, không bị mục khi ẩm ướt và không bị cong khi khô. Các mái tranh thông thường không thể sử dụng được ở đây vì chỉ sau ba tháng sẽ bị mục nát do mưa rừng và lá cây rụng. Để lợp một mái nhà nhỏ phải cần tới hàng vạn chiếc lá Trung quân. Không chỉ đẹp, bền, mái nhà bằng lá Trung quân là cách nguỵ trang tốt nhất. Các máy bay do thám của Mỹ Nguỵ hàng ngày vẫn lên xuống sân bay Lộc Ninh. Từ trên nhìn xuống, ngôi nhà lợp bằng lá Trung quân không khác gì một đám lá rụng. Ở đây có 9 bồn xăng dưới lòng đất, mỗi bồn dung tích khoảng 200.000 lít, được dẫn từ ngoài Bắc vào, theo một đường ống bí mật chạy qua hàng ngàn cây số, qua đủ mọi địa hình. Khi xe tăng của ta vào giải phóng miền Nam, đã sử dụng xăng ở đây, hoàn toàn gây bất ngờ cho địch. Thật không thể tưởng tượng ngày xưa cha anh chúng ta đã làm những đường ống đó như thế nào, bảo mật ra sao? Chúng ta đều biết đến đường mòn trên dẫy núi Trường Sơn; gần đây biết thêm đường mòn trên biển. Nhưng chắc rất ít người biết đến một đường dẫn xăng bí mật như thế này.

Mười mấy năm trời, những người dân tộc Khơ me và Sting ở đây, đã cưu mang, nuôi nấng và bảo vệ cả Bộ Tư lệnh Miền, ngay sát nách kẻ thù. Chuyện kể rằng, sóc Tà Thiết rất linh, có lần đoàn quân của Trần Lệ Xuân phá rừng lấy gỗ, đến sát sóc Tà Thiết thì dừng lại quay về. Năm 1979, quân Khơ me Đỏ vượt qua biên giới, đến sóc Tà Thiết cũng rút lui.

Nếu xét về thành tích đóng góp cho cách mạng, Sóc Tà Thiết không thể thua sóc Bom bo, nhưng thời chiến tranh thì cái tên Tà Thiết phải tuyệt đối giữ bí mật, còn khi hòa bình thì ai cũng quá bận để mà nhớ tới nó.

Khi những người cán bộ kháng chiến cũ có thời gian quay lại thì đồng bào đã mệt mỏi vì chờ đợi trong nghèo khổ và lãng quên.Tất nhiên tình cảm cũng như lòng tin của họ bị tổn thương nhiều.

Lãnh đạo quân khu 7 đã rất cố gắng đền ơn đáp nghĩa cho đồng bào ở đây. Họ mở đường ô tô đến tận căn cứ xưa. Họ xây những ngôi nhà khang trang ngay trên mặt đường vào khu di tích để tặng già làng và những gia đình có công với cách mạng. Nhưng rất ít người muốn nhận món quà đền ơn đáp nghĩa này. Không chỉ vì họ giận mà còn vì chúng ta không thực sự hiểu họ. Người dân tộc cần rừng chứ không cần đường. Đường mở ra chủ yếu là để phục vụ người Kinh. Thật thà và lạc hậu, người dân tộc luôn bị thiệt trong cuộc sống giao tiếp hàng ngày với người Kinh khôn ngoan. Đường xá mở đến đâu, người thiểu số rút sâu vào trong rừng đến đấy, y hệt như thú rừng chạy trốn con người.

Tà Thiết ngày nay là một khu di tích quan trọng của Cách mạng.

Nhưng, có vẻ như, nó không còn là sóc của người Khơ me và người Sting nữa.

 


Người post: ChauHM

Ngày đăng: 10-01-2011 11:11






Xem 1 - 10 của tổng số 11 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: TuyetHA
19/01/2011 22:12:43

Châu ơi thế là Hội mình lại có thêm một địa chỉ để tổ chức dã ngoại về nguồn rồi. Sống trong này hơn 25 năm rồi mà đọc bài của Châu chị mới biết đến địa danh này. Cám ơn Châu.



Từ: ThucPT
14/01/2011 10:59:13

Đọc bài của Châu, chị cũg có nhữg suy nghĩ và cảm nhậm giốg Hạnh. Khi nào có dịp vào MN chị sẽ đến sóc Tà Thiết, sóc BomBo. Đồg bào dân tộc thật thà lạc hậu bây giờ cũg biết cảh giác với cái khôn ngoan của người kih, họ thườg nói:


"Con ra ngoài cửa con trôg


Thằg kih nó hỏi, bảo kô có gì"


Nhân dịp Xuân Tân Mão, chị chúc Châu và g/đ mạnh khỏe (MK) và hạh phúc.


 


 



Từ: TrinhNX
14/01/2011 10:31:06

Châu ơi, mỗi lần đọc các bài viết của Châu chị thấy rất thú vị. Tà Thiết thuộc tỉnh Bình Phước cách Sài Gòn khoảng 200km. Nghe nói khu căn cứ cách mạng này có thời gian bị đề xuất trồng cao su, nhưng sau đó có nhiều ý kiến phản đối nên họ dừng lại. Không hiểu tại sao Việt Nam nhà mình ko coi trọng các khu di tích lịch sử lắm, cứ phá tanh bành sau đó lại tìm cách khắc phục, lúc đó tốn không biết bao nhiêu tiền của dân!!!???, tuy vậy cũng không được như lúc ban đầu, thế mới tiếc. Hay tại mình nghèo quá, lo cái ăn trước????????????????.



Từ: CanhPN
11/01/2011 10:11:47

Cám ơn Châu đã làm mình sống lại với những kỷ niệm về những năm tháng là lính bộ binh sư đoàn 7 trung đoàn 141 Ba vì anh dũng, sống và chiến đấu ở chiến trường B2 Đông Nam bộ từ đầu năm 1971 đến cuối năm 1973. lán lợp lá trung quân chỉ được ở khi về căn cứ, sau chiến dịch thôi.



Từ: MinhCK
11/01/2011 08:51:47

     Là một người lính, lại là con của một sỹ quan Quân Y đã có một thời ngang dọc tại B2, bây giờ đọc lại những dòng này của Châu mình thấy thương, cảm phục những người dân ở nơi Sóc Tà Thiết quá. Ở đất nước này nếu đặt ra những vấn đề về các câu hỏi: NẾU...GIÁ NHƯ !!! thì ko ai có thể trả lời và ko ai có thể giải quyết đc. Thôi đành ngậm ngùi mà tâm sự cùng nhau vậy.


     Nói về Bác Trần Độ thì đó là việc "nhậy cảm" lúc này. Bác Trần Độ khi là Thiếu tướng làm Tư lệnh QK.3 mình cũng hay được gặp và nói chuyện với Bác (vì cùng ở trong khu tập thể, có điều Tư lệnh thì đc ở biệt thư riêng mà thôi) Bác là con người dễ mến, hiểu biết và rất hay văn chương. Hãy khoan nói về chính trị, nhưng con người đó đã một thời được đánh giá là người của mình. Tác phẩm "Qua sông đón súng" một tự chuyện đã kể rất nhiều về những năm gian khổ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của con người Trần Độ. Trong cuộc đời ai cũng có cái sai, cái đúng, vấn đề là ai đánh giá và việc ấy nó rơi vào thời điểm nào. Ai như Kim Ngọc bị kỷ luật lên bờ xuống ruộng. Bây giờ có đường phố đc mang tên Ông, rồi các đạo diễn đưa Ông lên phim coi như một hình tượng đáng học tập. Nói xa hơn nữa như Hoàng Cao Khải trong "Việt sử yếu", GS sử học Chương Thâu có bài  "Đánh giá lại Hoàng Cao Khải" đấy thôi. Cho nên việc Bộ Tư lệnh QK.7 cho treo lại ảnh Trung tướng Trần Độ cũng là phải đạo làm người. Đó là lịch sử. Lịch sử sẽ đánh giá công và tội một cách đúng đắn nhất.  


      Rất tiết là năm ngoái mình đã vào QK.7, đi Lộc Ninh, nhưng ko biết Tà thiết để mà đi, lần này vào thế nào cũng phải đến đó, không biết cách xa T/P HCM bao nhiêu Km? Rất cám ơn Châu đã đưa mình về với những kỷ niệm của một thời, các bài viết của Châu nó man mát một cái gì đó bị chặn lại, muốn nói ra mà hình như ko thể nói ra đc thì phải. Có đúng vậy ko ???



Từ: HanhLM
10/01/2011 18:53:07

Châu à, bao giờ chị cũng rất hào hứng khi được đọc bài viết của Châu và đọc xong bao giờ cũng suy nghĩ miên man và day dứt, có lẽ bởi vì những chia sẻ của Châu thường để lại những dấu hỏi trong đầu người đọc.


Chị cũng xin bổ sung là trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ của chúng ta, ngoài đường mòn HCM trên dãy Trường Sơn, đường mòn HCM trên biển, đường xăng dầu bí mật Bắc - Nam, còn một con đường huyền thoại nữa. Đó là con đường chuyển tiền bí mật chi viện tài chính cho Miền Nam. Con đường này khi là đường bộ, khi là đường hàng không, lại có khi là đường biển; khi là con đường thẳng tiến Bắc - Nam, khi lại là đường vòng qua nhiều nước khác nhau; khi thì nằm lẫn trong những thùng hàng hoá, vũ khí, khi lại nằm trong những cặp táp sang trọng của những cán bộ ngoại giao, những tình báo viên...


Trong chiến thắng vĩ đại của chúng ta không thể thiếu sự đóng góp và hy sinh thầm lặng của những con người "ngược xuôi" trên những con đường huyền thoại đó. Đó chính là những người ANH HÙNG thực sự!



Từ: ChauHM
10/01/2011 17:04:23

To: anh Ngọc


Châu đến thăm cách đây mấy năm và được giới thiệu là ảnh Trung tướng Trần Độ mới được treo lại. Đúng là đã có chỉ thị gỡ ảnh Trung tướng xuống, nhưng những cán bộ lão thành của Bộ Tư lệnh miền đề nghị giữ nguyên, bởi chúng ta không nên viết lại lịch sử. Không biết bây giờ như thế nào?



Từ: ThoaNP
10/01/2011 16:48:23

Đọc bài của Châu mình vừa hết sức cảm phục, vừa rất nhiều băn khoăn suy nghĩ "... khi hòa bình thì ai cũng quá bận để mà nhớ tới ...". Ngay trong cuộc sống đời thường mình cũng cảm thấy mình rất dễ mắc những lỗi lầm như vậy.


Cảm ơn Châu luôn có những bài viết làm mọi người phải day dứt.



Từ: NghiPH
10/01/2011 16:45:35

Tôi chưa được đến thăm Tà Thiết nhưng đã được đến khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh  (cách thị xã Tây Ninh khoảng 65km về phía Bắc).


Khu căn cứ này mới được tôn tạo phục chế. Các căn hầm, ngôi nhà, hệ thống giao thông hào… sau này mới được phục chế. Chắc khi rời căn cứ này, các nhà lãnh đạo của ta chưa nhận ra nhu cầu bảo tồn căn cứ như một di tích. Khi nhớ ra, nhận ra, quay lại thì mọi thứ đã bị tàn phá bởi thời gian, bởi thời tiết khắc nghiệt của vùng nhiệt đới.


Trong khu di tích có nhiều hố bom, có hố bom rất to. Địch đã tấn công khu căn cứ nhiều lần. Rất may, khu căn cứ có đến 17 km nằm ở vùng đệm biên giới Việt Nam- Căm pu chia nên nếu có động ta dễ vượt bên giới chạy sang lánh bên nước bạn một thời gian ngắn, khi yên lại về.


 Chị hướng dẫn viên xinh xắn nói đùa với chúng tôi:- Nếu uống  rượu say, ngã ra,  lăn  một vòng là sang đất bạn rồi.


 Đã có lần địch tấn công ráo riết bằng bộ binh, pháo binh và không quân,  cả khu căn cứ phải rời sang đất Căm pu chia. Sang bên đó rồi vẫn bị máy bay B 52 tấn công.  Chỉ khi hệ thống điện đài hỏng hết không còn liên lạc được nữa thì mới không bị địch tấn công. Trong cái rủi có cái may- rất đúng với trường hợp này.


Tôi cũng ấn tượng về lá trung quân nên có hỏi kỹ người hướng dẫn. Được biết, lá trung quân già dài 50 cm, thân lá chừng 8 cm, gấp lại để lợp nhà.  Loại lá này này không nhạy cháy, màu sắc đẹp và bền không kém lá dừa nước. Thời xa xưa, Nguyễn Ánh vào rừng xây lán trại, đã cho quân lợp nhà tại căn cứ bằng lá này. Chính Nguyễn Ánh- vua Gia Long sau này đã gọi loại lá này là lá trung quân.


Chuyện khác, tôi có dự một hội thảo nói về người Mông.  Khi báo cáo, một vị ở viện nghiên cứu có nói: Đồng bào Mông chủ yếu trồng ngô nhưng kỹ thuật canh tác rất lạc hậu. Một đại biểu là người Mông đứng lên phản ứng luôn: Thưa các ông, các bà! Thưa anh chị em! Người Mông chúng tôi thồ từng  bao đất nhỏ lên núi,  bỏ vào các hốc đá,  rồi tra hạt ngô. Chúng tôi đo diện tích bằng số ống ngô tra xuống các hốc đá. Tôi xin hỏi các ông các bà, các anh chị em ở đây: Có thể dùng kỹ thuật canh tác tiên tiến nào thay cho kỹ thuật canh tác lạc hậu của chúng tôi không(?)


Châu xem lại kiểu chữ, font chữ em dùng thế nào mà bài này cũng như  bài Vi va Cu Ba đều hơi mờ, khó xem, nhất là với những người sắp  về hưu  như bọn anh.  



10/01/2011 14:57:53

Cho hỏi Châu: Châu đi thăm Tà Thiết lúc nào? Có đúng là còn những hình ảnh về Trung tướng Trần Độ ko?




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s