KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 11 Tháng một. 2011

Mẹ tôi


Các bài viết liên quan:
- MẸ TÔI


Tác giả: HoaNT

Mẹ tôi

Thế là mẹ tôi đã xa chúng tôi được 35 ngày, rồi 49 ngày, 1năm, 2 năm, 3 năm...đến hôm nay vừa đúng 8 năm. Tôi có cảm giác mẹ vẫn ở với gia đình tôi, vì mọi thứ của mẹ vẫn còn nguyên kia, túi quần áo mẹ mang lên hôm 2 vợ chồng tôi đưa mẹ lên ở với chúng tôi. Có lẽ tôi đã hết nước mắt để hối hận, để nhớ mẹ. Chỉ biết rằng đến bây giờ tôi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng so với những người khác là tôi vẫn còn hơn vì được ở với bố và mẹ đến những tuổi quá 50 (bố tôi mất năm 2003), các con tôi vẫn được ông bà ngoại chăm sóc đến lúc chúng nó đã lớn. Những ai đã trải qua nỗi đau này mới thấm sự cô đơn, trống trải mặc dù vẫn có chồng, con bên cạnh song sự buồn này nó day dứt, nó hụt hẫng khó tả. Buổi sáng nào cũng vậy, vừa dạy,  vẫn theo như thói quen, tôi vào phòng mẹ vẫn nằm mọi khi để hỏi: - Hôm nay mẹ ăn gì để con chuẩn bị,  thế là tôi lại ngồi khóc một mình , nhớ lại những hình ảnh mẹ lại gợi nhớ cho tôi những kỷ niệm không thể nào quên đối với mẹ.

Mẹ tôi sinh năm 1922 và lớn lên ở phố Hàng Tre, Hà Nội, còn quê của mẹ thì ở làng Cự Đà, Hà Đông có con sông Nhuệ chảy qua. Ngày xưa hầu hết những người làng Cự Đà đều là dân buôn gỗ, có nhà ở các phố Hàng Tre, Hàng Thùng... ven đê sông Hồng của Hà Nội để tiện buôn gỗ. Những người làng Cự Đà ra Hà Nội làm ăn thường lấy chữ Cự ở đầu tên như: Cự Doanh, Cự Thành... còn nhà mẹ tôi lấy hiệu là Cự Tín. Ngay từ những năm tuổi trẻ mẹ tôi đã là chủ các bè gỗ lớn ở Hải Phòng làm ăn rất phát đạt, nếu như không tham gia kháng chiến sau này mẹ tôi đã trở thành nhà tư sản như chị gái và em gái của mẹ tôi  đều thuộc thành phần tư sản phải cải tạo. Theo mẹ kể và theo lý lịch thì ngay từ những năm 1944  mẹ tôi đã tham gia Hội Hồng thập tự và ngay từ hồi đấy mẹ tôi đã được giới thiệu vào Đảng song mẹ tôi dứt khoát không vào và bảo các bác giới thiệu là : “ Các chị ơi đừng kết nạp em vào Đảng vì em rất sợ nhỡ bị giặc bắt, nó tra tấn đau quá không chịu nổi em lại khai các chị ra thì chết”. Rồi khi Pháp đánh lên Hải Phòng, mẹ tôi bỏ của chạy lấy người tham gia tòng quân năm 1947. Tạm biệt Hà Nội, mẹ lên chiến khu Việt Bắc  tham gia vào các bệnh viện dã chiến phục vụ các chiến dịch. Mẹ cũng đã từng phụ mổ cho GS Tôn Thất Tùng trong thời kỳ đầu của kháng chiến chống Pháp và được Gs.Tùng  và mọi người tin yêu gọi là nàng y tá Natasa. Nhìn bên ngoài cũng như qua ảnh thì tất cả mọi người đều phải công nhận là tôi rất giống mẹ nhưng không đẹp bằng mẹ. Đúng vậy cái ảnh mẹ cưỡi ngựa đã được treo tại cửa hàng ảnh của chiến khu Việt Bắc cách đây 60 năm bây giờ nhìn lại vẫn thấy đẹp và rất hiện đại. Mẹ bảo hồi đó đi trong rừng thì phương tiện đi lại là ngựa rất quen thuộc và con ngựa này rất dữ không ai cưỡi được ngoài mẹ ra. Ngày xưa mẹ tôi gầy lắm cao 1,58m mà nặng có 34 kg, rất yếu và đúng là tiểu thư Hà Nội ra kháng chiến cũng may có người nhà tiếp tế tiền vàng để bồi dưỡng sức khoẻ thì mới hoàn thành nhiệm vụ suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp gian khổ.   

Đám cưới bộ mẹ tôi được tổ chức trong Chiến khu ngày 6/1/1952 và mẹ sinh ra tôi vào ngày 17/7/1954 đúng vào lúc nước nhà bắt đầu hoà bình, hiệp định Giơnevơ ký kết 20/7/1954. Vì thế mọi người thường gọi tôi là Hoà Bình, mẹ bảo vì năm đó rất nhiều người đẻ đặt tên con là Hoà Bình sợ trùng tên nên bố tôi bảo đặt tên là Thụy Hoà, vì bố tôi là Thụy Ứng và sống lâu ở Vân Đình,  Ứng Hoà (ông nội của tôi là hiệu trưởng trường phủ Vân Đình và dạy học ở đấy suốt 40 năm), thấy hơi trúc trắc nên mẹ lái lại thành Thúy Hoa – là loại hoa xanh tầm thường. Bây giờ nhiều người lớn thường gọi tôi là Hoà Bình chứ không hay gọi là Hoa. Thấy mẹ tôi và mọi người kể rằng mẹ tôi đẻ non có hơn 7 tháng do mẹ tôi bị ngã hầm nên chỉ có 1,7 kg chỉ bằng cái phích con, phải nuôi trong tủ kính. Rất may là tôi được đẻ trong chiến khu Việt Bắc tại Viện 108 là nơi mẹ tôi công tác từ 1946 cho tới khi tôi học lớp vỡ lòng thì mẹ tôi chuyển ngành ra viện Mắt TW. Do  mẹ tôi lại là y sỹ thời đó  nên có đủ điều kiện chăm sóc chứ hồi bé tôi ốm yếu quặt quẹo,  bệnh gì cũng mắc phải. Những ông bà là nhân viên 108 hồi đấy bây giờ nhìn thấy tôi là thốt lên vì không ngờ ttôi phát triển bình thường như thế mà không bị dở hơi lại học được.

Ảnh gia đình

Hồi còn nhỏ nhà tôi sống trong tập thể Viện 108, mẹ tôi làm phòng khám tai mũi họng của viện. Nhiều khi mẹ phải mang cả tôi vào phòng khám vì trong quân đội không cho phép nuôi Ôsin như bây giờ nên nữ quân nhân thời đó rất vất vả. Sống trong khuôn khổ quân sự, kỷ luật cao, cứ buổi sáng sớm  nào cũng thế bất kể nắng, mưa, nóng, rét đều phải xếp hàng một, hai, một như duyệt binh cho nên mẹ tôi xin ra ngoài ở cho tiện chăm sóc con và cũng sớm chuyển ngành. Hồi đó chuyển ngành ra ngoài rất khó khăn nên mẹ tôi đã bị phê bình, kiểm điểm vì mất lập trường tư tưởng và mãi mới được chuyển ra Viện mắt TƯ làm. Tuy hết lòng với con cái song mẹ tôi rất nghiêm khắc và rất ghét sự hèn nhát yếu đuối của con cái. Tôi còn nhớ hồi bé tôi rất nhát và rất hay bị bọn trẻ cùng lứa bắt nạt nên hàng ngày đã đi làm về mệt mỏi mà cứ thấy tôi ra đón mẹ với bộ mặt thiểu não, khóc lóc mách mẹ bị đứa này đánh, bị đứa kia trêu là mẹ tôi bực lắm, mẹ bảo: Từ ngày mai nếu bị đứa nào đánh không biết đấu tranh tự bảo vệ mình thì mẹ sẽ đánh đòn thêm cho tôi nhớ .

Hồi bé tôi thuộc loại mải chơi thích chơi đồ hàng, nhảy dây chơi ô ăn quan, chơi chuyền... những trò chơi này tôi rất có năng khiếu lúc nào cũng đầu têu và thường dẫn đầu. Hồi đấy tôi có thể nhảy dây hàng nghìn cái các kiểu: ngược, xuôi, bắt chéo, nhảy dây đôi...Chơi chuyền thì có thể liên miên không rơi bóng. Chơi nhảy ngựa thì có thể nhảy lên hàng đầu dễ dàng. Mẹ tôi rất chán vì tính chơi hết mình của tôi, mẹ bảo chơi nhiều quá không lớn được ăn bao nhiêu đều đổ vào chơi hết. Tôi còn nhớ mình cứ 17 kg liền mấy năm chẳng lên cân nào nên mỗi lần đi làm về mẹ đều kiểm tra xem tôi có đi chơi nhiều mất sức không bằng cách nhìn quần áo đầu tóc là biết liền. Hồi bé tôi chỉ được chơi ở ngoài đường đến 9 giờ tối thôi. Có chơi ở đâu nhưng hễ nghe  thấy tiếng nhạc của buổi phát thanh Quân đội bài "Vì nhân dân quên mình" là tôi  phải hốt hoảng tìm dép, guốc chạy về nhà cho nhanh. Còn ban ngày chơi thoải mái vì bố mẹ đi làm suốt có biết tôi ở nhà làm gì đâu. Mà chẳng biết ngày xưa chẳng phải học hành vất vả như bây giờ, chỉ học ở lớp xong về nhà làm ngoáy mấy bài tập xong ngay thế mà lúc nào cũng đứng nhất nhì lớp, năm nào cũng được xếp loại A1, A2 , A3 và được nhận giấy khen liên tục. Tôi còn nhớ hồi đấy mới 6,7 tuổi mà đã đảm đang làm đủ các việc: nấu cơm, đi chợ, đưa em sang nhà trẻ, rửa bát. Đến sau này tôi vẫn thường nói  với mẹ và mọi người là tôi có thâm niên  rửa bát lâu nhất từ 7 tuổi đến tận bây giờ vẫn chưa được nghỉ nghề này, chắc khi nào có con dâu. Mẹ bảo con gái phải làm như thế lúc lớn lên biết làm các việc cho đỡ khổ. Đặc biệt là mẹ chẳng bao giờ cho tôi tham gia các hoạt động đoàn thể như ca, hát, múa, đi cắm trại, mít tinh...thế nhưng những lần nhà trường cho đi gặp mặt Bác Hồ thì mẹ tôi thân chinh hỏi han cặn kẽ để đèo xe đạp đưa đón tôi đến nơi đến chốn.Mẹ thường bảo chẳng cần phấn đấu, tham gia sinh hoạt gì  cứ học giỏi sau này sẽ có hết mọi thứ

 

Mẹ tôi sống hết lòng vì con, vì chồng. Năm 1966 khi mẹ tôi mới có 44 tuổi do sức khoẻ yếu mẹ đã xin về hưu non để tiện chăm sóc gia đình. Mẹ thường bảo nhà nước này lỗ vốn với mẹ vì phải trả tiền hưu cho mẹ lâu quá. Những năm sơ tán mẹ tôi tận dụng tem phiếu , C của bố tôi suốt ngày đi xếp hàng mua các loại thức ăn không quản ngại dạy sớm thức khuya. Trong suốt thời gian chiến tranh chống Mỹ ác liệt bố tôi luôn ở chiến trường B, một mình mẹ tôi cũng như nhiều mẹ khác vất vả hàng tuần từ Hà Nội đạp xe đi thăm và tiếp tế cho chị em tôi ở nơi sơ tán. Mẹ chắt chiu tần tiện dành dụm tất cả tiêu chuẩn tem phiếu cho hai chị em tôi và cũng nhờ mẹ mà bọn tôi sống rất đầy đủ so với nhà khác hồi sơ tán. Mẹ sống tần tiện, tiết kiệm đến nỗi sau này khi mua những của ngon vật lạ phải nói dối rẻ gấp mấy lần mà mẹ vẫn kêu đắt, nói thật giá là mẹ tôi ăn không thấy ngon mặc không thoải mái. Hôm vừa rồi dọn đồ ở nhà mẹ vẫn còn một xấp vải hồi bao cấp  mua tem phiếu 4mét/người/ năm và rất nhiều bát sứ Hải Dương và nhiều thứ nữa được phân phối từ những năm trước. Nghĩ mà thương mẹ suốt đời khổ chẳng sướng được lúc nào, lúc trẻ thì đi kháng chiến, sau vất vả vì con vì cháu, lúc già lại phục vụ chồng. Thời gian bố tôi ốm mẹ tôi như y tá riêng phục vụ cho ông từ thuốc thang, cơm nước, giặt giũ.

Lúc đầu mẹ rất phản đối tôi lấy chồng mặc dù lúc đấy tôi đã 32 tuổi rồi, mẹ giận và không dự đám cưới của chúng tôi cho đến khi  tôi đẻ thằng đầu mẹ thân chinh dến bệnh viện C chăm sóc và đón đầu cháu ngoại của mẹ từ đấy mẹ hết giận con rể và sau này họ lại là liên minh của nhau mỗi khi phản đối tôi về một vấn đề gì.đó .Mẹ trông nom chăm sóc  đứa con trai đầu của tôi đến khi cháu 5 tuổi trong suốt cả thời gian chồng tôi làm thực tập sinh cao cấp ở Ba Lan. tôi làm NCS. Phải nói là mẹ yêu các cháu hơn cả con, trước khi chết mẹ đưa tôi giữ để sau này tặng cho cho 4 cháu nội, ngoại mỗi cháu mười lá vàng Kim Thành mẹ để dành từ ngày xưa. Đối với các bạn bè của tôi mẹ cũng rất quý và hầu như bà nhớ tên tất cả. Trong thời gian bà bị bệnh nằm ở nhà tôi mọi người đến thăm rất đông làm mẹ tôi nhớ mãi và rất cảm động.

Trước khi chết một tuần bà gọi di động cho đứa cháu nội của bà mang cho bà một ít dồi chó mặc dù bà chẳng bao giờ ăn thịt chó cả, hôm vợ chồng Thanh – Lương đến thăm mẹ tủm tỉm cười nói rằng: thì mọi người chẳng nói là sống ở trên đời phải ăn miếng dồi chó, không biết xuống thiên đàng có có hay không. Phải nói là mẹ thuộc loại phụ nữ dũng cảm, không thích phiền hà đến ai, sau khi bố tôi mất mẹ dứt khoát ở nhà một mình không đến nhà con nào ở dù bọn tôi có nói như thế nào cũng không lay chuyển được. Trước khi mất 4 tháng vợ chồng tôi quyết định đưa bà về ở để tiện đường chăm sóc mà mẹ vẫn hy vọng lúc nào khỏi bệnh lại về nhà mình ở.

Hội MK thăm bác Hội

Tôi đã chứng kiến sự chịu đựng đau đớn của mẹ mà khâm phục. Mẹ tôi tỉnh táo cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Mặc dù đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó với sự kiện này nhưng mẹ mất vẫn làm tôi sốc. Một cảm giác trống trải, cô đơn  khó tả luôn ám ảnh tôi trong suốt thời gian  qua và có lẽ còn lâu mới qua được. Cô em dâu đi xem số thầy nói rằng mẹ tôi mất vào giờ rất đẹp, dường như mẹ tôi ra đi không miễn cưỡng, đã có người ở thế giới bên kia mở cửa đón rồi. Mà cũng đúng thật mẹ tôi rất bình thản trước cái chết, biết trước và xắp sếp, chuẩn bị mọi thứ cho cuộc ra đi này và rất dũng cảm, âm thầm vật lộn với những cơn đau và ra đi thanh thản, sạch sẽ, không làm phiền con cháu. Mẹ dặn không được làm điếu văn vì mẹ chẳng có thành tích gì nhưng tôi đã tự tay chuẩn bị điếu văn cho mẹ, do xúc động quá nên lúc đọc ông chú tôi lại đọc nhầm thiếu uý thành  thiếu tướng nhưng sau đấy mọi người nói rằng mẹ xứng đáng với chức mới được phong đấy vì có công khám chữa bệnh cho không biết bao nhiêu tướng, tá và đúng là vị tướng của các con, cháu. Đám ma của mẹ được tổ chức trang trọng ở viện 108 là nơi mẹ đã từng làm việc. Tiễn mẹ có hàng trăm lượt người trong đó có rất đông các  cô, chú, bác, họ hàng, hàng xóm, bạn bè, của mẹ  và rất nhiều  cựu sinh viên Kisinhốp đã làm ấm lòng mẹ dưới suối vàng.

Mẹ ơi! Mẹ mãi mãi sống với các con các cháu mẹ ạ, chúng con  rất nhớ mẹ.

( các ảnh minh hoạ đã được post vào mục ảnh của HoaNT)


Người post: HoaNT

Ngày đăng: 11-01-2011 21:09






Xem 1 - 10 của tổng số 22 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: NgocNT
13/05/2011 10:02:35

Chị Hoa ơi! Đọc bài viết của chị mà em cảm động rơi nước mắt. Hôm đó, em không đến tiến bác đi được vì có cuộc họp ở Văn phòng Chính phủ! Đối với mỗi người, mẹ luôn là người tuyệt vời nhất, chị nhỉ! Chị kể mẹ rất nghiêm khắc. Mẹ chị thật tuyệt vời, thật rõ ràng, nghiêm khắc nhưng đầy tình thương! Đó là mẫu người mà thực ra ai cũng muốn sống theo, nhưng không phải ai cũng làm được chị ạ.


Rõ ràng, cuộc đời như vậy, biết là có sinh có tử, nhưng không khỏiquặn đau khi nghĩ người thân, mà đặc biệt là mẹ mình đã ra đi. Cho em chia sẻ với chị nhé!


Em nghĩ chắc chị thừa hưởng nhiều đức tính tốt đẹp của mẹ chị đấy!



Từ: HuongNT
19/01/2011 20:42:19

Chị Hoa ơi! Ảnh mẹ chị hồi trẻ đẹp quá! Trông cụ mặc quần áo lính cưỡi ngựa nhưng khuôn mặt và dáng người thì vẫn là của một tiểu thư Hà thành. Đọc bài viết của chị làm em lại nhớ đến mẹ em, tính cách cụ có nhiều nét cũng giống mẹ chị lắm. Đúng là nỗi đau mất mẹ không thể nào nguôi ngoai được chị Hoa ạ. Mẹ em mất từ năm 2004 mà năm nào cũng vậy, cứ đến chiều 30 Tết thắp hương mời mẹ về em lại bật khóc òa như ngày mẹ mất vậy. Cầu mong bà siêu thoát và phù hộ độ trì cho con cháu. Chúc đại gia đình chị thật khỏe và hạnh phúc!



Từ: NhuanNT
19/01/2011 08:01:59

Hoa ơi, Hoa có người mẹ thật tuyệt vời, rất hiểu biết và dũng cảm. Và chắc bà cũng rất tự hào là đã có người con gái giỏi giang và hiếu thảo như Hoa. Chúc Hoa và cả nhà khỏe, hạnh phúc.



Từ: Meomun
14/01/2011 10:30:53

Chị Hoa ơi, nhiều lần em đọc bài này, cứ định comment xong rồi lại thôi, vì những mốc thời gian sau khi người thân qua đời thật là ám ảnh. 1 tuần, 7 tuần, 100 ngày, 1 năm, ngày ấy dịp ấy người thân đi xa của mình còn đang làm gì...Buồn lắm chị ơi!


Nhưng em nghĩ ở suối vàng cụ cũng sẽ rất hạnh phúc và an lòng vì con cái đã trưởng thành, hiếu thảo và cụ đã có một cuộc đời gần 90 năm thật có nghĩa. 


       



Từ: HoaNT
14/01/2011 10:15:01

Rất cám ơn mọi người đã dành tình cảm tốt đẹp tới mẹ mình. Thực ra là mình không có năng khiếu văn, chỉ đơn giản nghĩ đâu viết đấy. Bố mẹ mình ít con và mình là con gái duy nhất của các cụ nên được các cụ yêu chiều lắm nên tất cả mọi việc nhà, mình cũng được quyền quyết định là chính, em trai mình và các thành viên trong gia đình phải chấp hành thôi  Căn bản là mình rất thích đọc các comments của mọi người. Mọi người viết rất hay và cảm động.


Cách đây 4 năm mình đã mua trước đất để chôn bố mẹ mình ở quê bố là ở dưới chân cầu Thanh trì thuộc làng Thổ Khối, Gia Lâm, Hà Nội nên  rất tiện đi thăm mộ các cụ, thậm chí trên đường đi công tác vẫn có thể tạt qua thắp hương cho các cụ được



Từ: HuongLH
13/01/2011 15:48:26

Hoa ơi, chuỵện Hoa viết về mẹ thật cảm động. Cậu thừa hưởng được ở mẹ đức hy sinh vì mọi người, chịu thương chịu khó, và ở bố tính hài hước, lạc quan của "anh bộ đội cụ Hồ". Hình như cậu nào con cháu bộ đội cũng thế thì phải, như Tuyết OB 77 và Thanh CL 77 ấy. Nhớ hôm chúng mình đến thăm bác, bác vẫn vui vẻ pha trò, tuy có gầy hơn nhiều do bệnh tật. Bình thản đón nhận và thanh thản ra đi, âm thầm chịu đau đớn của bệnh tật để không làm con cháu phiền lòng là đức hy sinh vô bờ của mẹ cho các con, cháu. Nơi hai bác nhà Hoa yên nghỉ hiện nay cũng rất đẹp và chắc chắn Hoa thấy hài lòng vì đã được báo hiếu phần nào cho cha mẹ. Nhớ thấp cho bác một nén nhang dùm mình nhé. Bà sẽ luôn luôn bên cạnh Hoa và phù hộ độ trì cho con cháu.



Từ: HanhLM
13/01/2011 13:37:46

Chị Trinh ơi, em xin "đính chính hộ" các chị Hóa - Sinh77 là các chị ấy là các cô gái (các vợ, các mẹ, các bà nội, các bà ngoại...) "đặc biệt", chứ không phải là "cá biệt" đâu. Vì người ta thường dùng từ "cá biệt" để chỉ những thành phần chậm tiến trong một tập thể (Thí dụ, học sinh cá biệt, hiện tượng cá biệt...). Mà nếu là "cá biệt" thì theo lẽ thông thường những đối tượng ấy sẽ phải tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện...nhiều hơn nữa để tiến bộ lên. Còn đối với nhóm các chị khóa 77 thì còn gì phải tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện...nữa ạ?!



Từ: TrinhNX
13/01/2011 10:41:39

Chị Hoa ơi, không ngờ chị cũng "giỏi văn" thế, câu chuyện đơn giản nhưng đầy cảm xúc. Ai cũng thương & có nhiều kỷ niệm với mẹ, nhưng để viết được thành câu chuyện như chị, em nghĩ không phải ai cũng viết được. Chị Hoa ơi, lúc nào nhóm các chị xuất hiện với các bài viết hay ý tưởng gì đó là em lại nhớ những ngày ở Kishinhop các chị quậy cỡ nào. Năm chị toàn những chị "cá biệt" đầy ấn tượng.


Em Trinh



Từ: ThongNV
12/01/2011 22:07:49

Dù biết rằng bố, mẹ già rồi thì cũng phải quy tiên. Những người con có hiếu đều chuẩn bị tinh thần để đón nhận giấy phút đó. Nhưng khi bố, mẹ ra đi không ai không khỏi bàng hoàng và đau buồn thương sót. Có điều nỗi buồn của mỗi người được thể hiện khác nhau, có người để cho nước mắt tuôi trào; có người để nước mắt chảy vào trong v.v..


Mình rất cảm thông với Hoa điều này. Nhưng cuộc sống luôn ở phía trước và linh hồn bố mẹ chúng ta đang hàng ngày dõi xem những đứa con của mình giải quyết nỗi buồn như thế nào.



Từ: KhanhT
12/01/2011 21:32:54

Chia sẻ với Hoa. Thế là từ hôm nay Cụ đã lên Thế giới Người hiền rồi, Cụ đi xa thật rồi, lâu lâu nữa Cụ mới có dịp lại thăm. Ôi thương nhớ và tự hào một “đảng viên ngoài Đảng” như Cụ. Dân ta được giải phóng,  thắng đế quốc, giành độc lập thống nhất nước nhà được như hôm nay cũng chính nhờ có rất nhiều nhiều các đảng viên ngoài đảng như Cụ. Xin thắp một nén hương tiễn Cụ.




Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s