KGU News >>Người KGU
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 17 Tháng một. 2011

Luôn có một góc nhìn tích cực




Tác giả: ChauHM

Một bà mẹ tắm cho cậu con trai suốt ngày nghịch bẩn với ánh mắt yêu thương. Một cô ôsin tắm cho đứa bé trai suốt ngày nghịch bẩn với ánh mắt tức giận. Nhưng nếu cô chịu nhìn sự việc dưới một góc độ tích cực hơn, rằng chính đứa bé này đã mang lại cho cô công ăn việc làm, cô sẽ không ghét đứa bé hay nghịch bẩn nữa và tình cảm với đứa bé sẽ giúp cho công việc của cô nhẹ nhàng hơn.

Một vị bộ trưởng về hưu phàn nàn về sự bất tiện của ngôi nhà hai tầng mà nhà nước mới phân cho vợ chồng ông. Phòng khách ở tầng một, còn vợ chồng ông ở trên tầng hai. Ông có nhiều khách và vì ông đã nghỉ, nên họ đến chơi không kể giờ giấc. Một ngày ông lên xuống cầu thang không biết bao nhiêu lần để tiếp khách, mệt cả người. Tôi nói với ông: “Tuyệt vời. Anh đã lớn tuổi, nếu ngày nào anh cũng vận động đều đặn như thế, chắc sẽ rất tốt cho sức khỏe”. Thế là từ đó, vị bộ trưởng này rất thích có khách đến chơi để tiện thể rèn luyện sức khỏe bằng cách lên xuống cầu thang.

Tôi có một anh bạn là chủ một công ty tin học nhỏ. Khách hàng thường chỉ thích làm việc với những công ty lớn. Nhưng không vì thế mà anh hoảng sợ. Anh chỉ cho khách hàng một góc nhìn khác: với công ty lớn, họ chỉ là một trong hàng chục ngàn khách hàng và chẳng bao giờ được quan tâm đặc biệt. Nhưng với công ty nhỏ, họ thực sự là VIP và chắc chắn sẽ được chăm sóc chu đáo hơn. Nhiều khách hàng thích góc nhìn này.

Mấy năm trước, vợ tôi có lần phàn nàn rằng, chị giúp việc hay lấy trộm quần áo cũ và định cho nghỉ việc. Tôi nói với vợ tôi “Nếu lấy trộm thì họ phải lấy đồ mới chứ, việc gì phải lấy đồ cũ. Anh chắc là, chị ta nghĩ rằng, đồ cũ gia đình không sử dụng, nên lấy gửi về quê để khỏi lãng phí thôi”. Rồi vợ chồng tôi nói với chị giúp việc “toàn bộ đồ cũ của gia đình, cái nào chị thấy dùng được thì cho chị hết”. Từ đó, chị ta không lấy trộm lần nào nữa.

Anh Thắng là người lái xe duy nhất cho tôi suốt 20 năm qua. Ở FPT, không ai giữ một lái xe lâu như tôi. Thực ra, anh Thắng là người rất khó tính, lớn tuổi, ít nhiều cũng là công thần. Thấy tôi chịu đựng, nhiều người khuyên tôi đổi lái xe mới. Nhưng tôi nghĩ, tính tình mình cũng chả dễ chịu gì, suốt 20 năm qua chắc anh ấy cũng phải chịu đựng tôi nhiều hơn tôi chịu đựng anh ấy. Mỗi lần nghĩ như thế, tôi lại cảm ơn anh đã gắn bó với tôi suốt 20 năm qua, 20 năm lái xe an toàn, đi đến nơi về đến chốn.

Việc tìm ra một góc nhìn tích cực luôn làm cho cuộc sống của chúng ta dễ chịu hơn. Khi thấy sự việc đen tối và bế tắc là lúc bạn nên tìm cách nhìn nó từ hướng khác. Bạn có thể chưa thay đổi được hoàn cảnh, nhưng bạn có thể thay đổi góc nhìn. Bao giờ cũng tồn tại một góc nhìn tích cực hơn – tươi sáng hơn.

 


Người post: ChauHM

Ngày đăng: 17-01-2011 11:11






Xem 1 - 10 của tổng số 18 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: VinhTQ
20/01/2011 16:40:12

Có một lần trong trò chuyện, Châu chia sẻ với tôi là bây giờ em bớt công việc và dành thời gian làm những gì mình thích. Tôi cũng tò mò không biết Châu sẽ làm gì với quỹ thời gian của mình. Qua mỗi bài viết của Châu tôi hiểu dần ra sở thích của Châu. Tuy rất thầm lặng, không ồn ào, nhưng Châu luôn để lại cho bạn bè như chúng tôi đây những ấn tượng rất đặc biệt bởi những khám phá của Châu qua những chuyến đi, qua những suy tư về cuộc sống. Tôi thầm quý em bởi những góc nhìn sắc sảo và giàu lòng nhân ái. "Góc nhìn tích cực" là một triết lý sống mà tôi đã lựa chọn. Nay đọc bài của Châu, tôi như tìm được người bạn cùng cách nhìn nhận, rất thú vị. Cũng có người nói tôi rằng cách nhìn nhận vấn đề ấy thật là dĩ hòa vi quý, tránh né thực tế, thiếu tính đấu tranh. Còn tôi thì nghĩ rằng, hãy giải thích các vấn đề theo hướng tích cực sẽ tránh những suy nghĩ quy chụp cho người khác, mà tâm mình cũng tĩnh tại. Thỉnh thoảng lên bình luận chút. hihi



Từ: HuongNT
19/01/2011 21:02:42

Cám ơn bài viết của Châu đã cho tôi thấy trong cuộc đời này cần lắm những góc nhìn tích cực. Và suy cho cùng đấy cũng là những cách nhìn rất biện chứng giúp cho con người ta sống vui vẻ, lạc quan và nhẹ nhàng hơn.



Từ: HanhLT
19/01/2011 11:00:54

Tôi rất mong được sống trong một XH mà mỗi thành viên đều có ý thức làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình.. như vậy cuộc sống sẽ nhẹ đầu hơn nhiều. 


Kinh nghiệm từ bản thân: khi mình không thông hiểu một chuyện gì thì khi giải quyết sẽ rất vất vả mặc dù đấy không phải là chuyên môn của mình, nhất là chuyện mua sắm và giải quyết giấy tờ hành chính.


 



Từ: ThongNV
19/01/2011 07:42:34

@NhuanNT : Mình rất đồng cảm với nhận xét của Nhuận. Nhưng nguyên nhân về sự khác nhau giữa VN và Úc về các vấn đề xã hội mà Nhuận đưa ra theo mình là sự giáo dục, trình độ quản lý của NN và ý thức pháp luật. Khi nào giải quyết triệt để 3 vấn đề trên thì mới mong muốn một xã hội như các nước tiến tiên.


@ Châu HM: Anh rất tán thành " góc nhìn tích cực của Châu". Nhưng áp dụng vào thực tế còn tùy vào điều kiện. Ví dụ: Ở cơ quan mình có một người lái xe mọi người kêu là rất khó tính. Người đội trưởng đội xe rất ngại điều đồng chí này đi công tác xa với các đồng chí cấp vụ nhiều tuổi. Một hôm nhân viên của mình lên xin xe cho mình đi công tác 1 tuần, người đội trưởng cứ băn khoăn mãi và gọi điện cho mình bảo: Bác có thể lui thời gian đi được không vì ở nhà còn một chiếc xe nhưng điều đi cho Bác em không yên tâm do người lái rất khó tính. Mình bảo không sao, hai người khó tính đi với nhau là hợp rồi. Sau lần công tác ấy, người lái xe cũng thích mình và mình cũng thích chú lái xe ấy. Nguyên nhân là do chú lái xe rất sạch sẽ. Ai lên xe mà giày bẩn là yêu cầu xuống xe lau sạch rồi mới lên. Mặc dù ăn cơm bình dân ở quán nhưng không bao giờ ăn thức ăn làm sẵn và một đặc tính nữa là rất đúng giờ. Người đi trên xe là ai chú ấy không cần biết, nếu đã hẹn giờ mà sai là phê bình ngay.


Hôm mình nghỉ hưu, chú đội trưởng tâm sự: Bác về hưu là lại khó cho em khi điều xe cho Trường đây.



Từ: NhuanNT
19/01/2011 06:44:24

Cảm ơn Châu vì đưa ra một vấn đề rất bổ ích và lý thú. Mình cũng rất băn khoăn về việc tại sao có nhà mình biết ở Vn lại thay đổi người giúp việc nhiều như vậy, không biết mấy chục người từ ngày cần người giúp việc trong gia đình, mà mình thì không thể nói với họ, theo mình, đấy là vấn đề của họ chứ không phải của người giúp việc, họ nên thay đổi cách nhìn và nhìn người một cách nhân hậu hơn.


Nhưng thực ra, theo mình, đấy lại liên quan đến một quan điểm khác : phải có niềm tin vào con người và biết yêu thương con người!


Hồi mình mới sang đây, rất ngạc nhiên vì đi làm mọi thủ tục thấy đơn giản và thỏai mái, chỉ tự khai là người ta tin, kể cả ngân hàng, bẳng lái xe, hộ chiếu, khai thuế thu nhập....Họ tin là mình thành thật, mình tốt, mình khai đúng, chẳng cần ai chứng thực cả. Nhưng nếu bạn khai gian mà người ta phát hiện ra thì...chỉ có sạt nghiệp!. Mà nói chung, nhân viên hành chính luôn biết rằng họ là người được trả lương đề làm việc đó nên họ coi dân chúng (taxpayers) là người chủ trả tiền thuê họ làm việc, chứ không phải họ là chủ của dân chúng. So với nhân viên hành chính ở VN, chỉ có cách nhìn là khác đi thôi


Cô giáo dậy tiếng Anh cho người mới di dân qua nói: cảm ơn các bạn, vì nếu không có các bạn thì tôi sẽ không có được công việc lý thú này.


Và mình luôn tin là cốt lõi tốt đẹp trong người nào cũng như nhau cả, hòan cảnh thể hiện có khác nhau, là cái bên ngòai mà mình nhìn thấy theo góc nhìn của mình. Mà cái nhìn của mình thì thường rât hạn hẹp.



Từ: ChauHM
18/01/2011 18:30:35

Góc nhìn tích cực khác với tinh thần AQ ở chỗ, phải suy nghĩ sáng tạo mới ra được góc nhìn này. Nõ chưa thay đổi được hoàn cảnh, nhưng nó thực sự cải thiện được hoàn cảnh.


Một lần, nhân viên của tôi phải gặp một đối tác quốc tế. Anh bạn này kém ngoại ngữ nên rất lo lắng. Thấy vậy, tôi hỏi: thắng Tây đó có biết tiếng Việt không? Không à? Vậy tại sao em phải lo lắng. Em không biết tiếng Anh, nó không biết tiếng Việt, thế là hòa. Hơn nữa đây là Việt Nam, nó không lo, sao em phải lo?


Anh bạn này nghe ra và vui vẻ đi gặp đối tác Tây một cách tự tin. Tối đó anh ta kể lại: "Hai bên phải dùng cả chân tay lẫn giấy bút để hiểu nhau, nhưng cuối cùng mọi chuyện cũng ổn. Bây giờ em với nó rất thân nhau".



Từ: HanhLM
18/01/2011 14:22:13

Nghe anh Khoa kể lại chuyện "dùng hàng đổi tiền" thời bao cấp để mua sữa cho con,  trước mắt em lại hiện lên hình ảnh biết bao lần một bà mẹ trẻ 36 kg, với túi quần áo, váy, áo len, xà phòng 72%... trên giỏ xe đạp, đi chầm chậm qua các bà buôn đồ cũ ngồi bên đường Phùng Hưng, Văn Miếu... Khi được gọi mời: Có gì bán không em? lại còn ngượng và sỹ diện đáp vội: Không có gì đâu bà ạ. Nhưng trong đầu luôn quẩn quanh một suy nghĩ là chiều nay có gì cho thằng Nhốp ăn đây. Thế là đến cuối con đường bà mẹ lại quày quả quay xe lại, nhìn trước ngó sau, lấy hết dũng khí, lí nhí hỏi vội: Chị có mua...không ạ?


Đó là em của những năm 8X đấy ạ. Tháng 10/1987, TBT sang Moscova làm phiên dịch cho AON (Học viện KHXH của BCHTWĐCSLX). Việc đầu tiên bố làm là gửi một hộp sữa giấy Malưs về cho con trai qua GS.Kolbasov.


Ôi, một thời gian khó!



Từ: KhoaDT
18/01/2011 09:22:18

Châu viết đúng cách tư duy hàng ngày của mình mà đã duy trì được từ những năm 8X khó khăn của thời bao cấp. Lú đó khi nuôi đưa con đầu lòng tụi mình phải tính tiền mua sữa qua budget hàng ngày, khi thiếu thì lại mang đò vật gì đó ra Chợ Giời ở phố Huế bán để đổi thành sữa. Kỷ niệm  gắn với KGU là năm 81 mình đã rất buồn phải mang ra chợ giời bộ complet "bác Bửu" sau đó có tâm sự với bà xã không biết sang năm lấy gì nuôi con. Nhưng cũng tự vệ sinh tinh thần luôn là có người có ta, chắc chắn có nhiều người còn trong hoàn cảnh tồi tệ hơn, mình còn có gì đó đổi ra sữa nuôi con là may mắn rồi. Thế đấy, đúng như Châu nói, ta luôn có thể thay đổi góc nhìn để thấy được cái đẹp. cái thiện của đời người.



Từ: SonTM
17/01/2011 22:18:55

Góc nhìn nào cũng có giới hạn và chừng mực của nó. Có thể áp dụng trong tình huống này, nhưng tình huống khác lại không nên. Nếu không lại rơi vào "phép thắng lợi về mặt tinh thần" của chú AQ mà Đại văn hào Lỗ Tấn đã từng phê phán.



Từ: ThongNV
17/01/2011 22:10:22

Đọc bài viết của Châu, tôi lại nhớ đến Thủ trưởng cũ của mình. Một hôm ngồi ở cửa hầm cụ Nguyễn Chơn (khi đó là Sư trưởng Sư 2) tôi nghe thấy cụ nói chuyện với cấp dưới của mình: Nếu đồng chí đó không có những nhược điểm như vậy thì đã ngồi vào vị trí của  đồng chí hoặc của tôi rồi. Chúng ta cần phải biết vị tha khi nhận xét về người khác đặc biệt người đó lại là cấp dưới của minh. Cần nhận ra những ưu điểm để động viên họ phấn đấu. Tôi nhớ mãi câu nói này của Cụ.


Cách nhìn vị tha của Cụ Nguyễn Chơn và góc nhìn tích cực của Hoàng Minh Châu, âu cũng là một.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s