KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 26 Tháng một. 2011

Bếp lửa- nơi sum vầy của mỗi gia đình




Tác giả: NghiPH

           Đối với mọi dân tộc trên thế gian này, bếp luôn chiếm vị trí rất quan trọng. Từ xa xưa trong các câu chuyện dân gian của các dân tộc hình ảnh của bếp lửa đã xuất hiện khá nhiều. Đối với người Việt,  ông Táo quân – người trông coi bếp được thờ cúng và coi như vị thần giữ “ngọn lửa” đầm ấm và hạnh phúc cho gia đình. Hằng năm, cứ đến dịp gần Tết, khoảng từ 21 đến ngày  23 tháng Chạp là người Việt lại làm lễ tiễn ông Táo về trời. Đây là một phong tục đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam, cho thấy tầm quan trọng của công việc bếp núc.

Ở nông thôn, vì nhiên liệu đun nấu thô sơ, vật dụng bề bộn và cũng do thói quen nên bếp thường được bối trí tách ra khỏi nhà chính- nơi có gian thờ tổ tiên và tiếp khách. Đa số vật dụng trong bếp đều nhỏ nhắn, thiết thực, tận dụng tối đa những nguyên liệu sẵn có như gáo dừa dùng múc nước, ống đũa làm từ thân tre… Các loại bếp cũng hết sức phong phú. Tùy điều kiện của từng địa phương mà người dân sử dụng nhiều loại chất đốt khác nhau nên có nhiều loại bếp như bếp rạ, bếp củi, bếp trấu, bếp than, bếp mạt cưa…

Bếp có thể làm từ đất, từ sắt hay đắp xi măng. Thuở nhỏ ở quê tôi thấy có 3 ông đầu rau làm từ đất sét, có kiềng sắt 3 chân. Mỗi gia đình thường có vài ba chiếc bếp với những kích cỡ khác nhau thích hợp cho công việc bếp núc thường ngày. Khi có giỗ chạp hay cưới hỏi người ta mượn thêm bếp từ nhà hàng xóm hay kê tạm các viên gạch, đá để làm bếp. Tôi nhớ khi tôi còn bé tí thì nhà tôi còn dùng nồi đất và nồi đồng. Sau này xí nghiệp cơ khí của huyện có làm ra các nồi gang. Dùng nồi gang nấu cơm có cháy ăn rất ngon. (Ở quê tôi không gọi là cháy mà gọi là sém với lập luận rằng, nếu đã cháy thì làm sao mà còn ăn được cơ chứ!).  Mãi đến khi tôi đi học ở Liên Xô về mới thấy bu tôi dùng nồi nhôm. 

Nhiên liệu chủ yếu là rạ vì rơm phải dành cho trâu. Ở vùng đồi núi bà con ta dùng củi. Nấu cơm, nấu thức ăn bằng rạ là cả một nghệ thuật. Hồi đầu mới tập nấu, tôi cứ tống thật nhiều rạ vào bếp, lửa cháy đùng đùng, khi cơm sôi, nước trào ra làm bếp tắt góm. Nhiều cô gái mới về nhà chồng đã giở khóc, giở mếu khi mẹ chồng thử tài nấu nướng bằng giao việc nấu nồi cơm nếp. Có cô đổ nhiều nước như nấu gạo thường nên cơm nếp chẳng thành mà thành cháo. Có cô chất quá nhiều rạ vào bếp, lửa bốc lên rất cao nên cơm bị cháy, bị khê. Chắc khi đó, do hồi hộp quá, cô gái kia đã quên câu:

Chồng giận thì vợ bớt lời

Cơm sôi nhỏ lửa chẳng rơi hạt nào!

          Đun bếp bằng rạ mà dùng từ 2 bếp trở lên là khá vất vả. Cùng một lúc phải canh chừng cho 2- 3 bếp cháy đều, không hề dễ.  Bu tôi dạy tôi cách đun làm sao dùng ít rạ mà hiệu quả vẫn cao. Nay thì ở nhiều vùng quê cũng đã dùng gaz hoặc biogaz rồi.

 

 

Dù đã học thuộc bài dùng rạ tiết kiệm của bu rồi mà hồi đóng quân ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… mỗi khi vào bếp với các cô gái chủ nhà má hồng hồng, tôi vẫn đun theo kiểu tốn rạ. Chả là sếp Dền- tiểu đội trưởng có truyền kinh nghiệm:- Có đun to lửa thì tro nó mới bay lên đậu vào đôi má lấm tấm mồ hôi của cô thôn nữ và khi ấy ta mới có cái cớ giơ tay lên lau sạch má cho em chứ. Cái thằng cu này lớp 10 rồi mà ngu quá (!). 

Ở đô thị, bếp là nơi nấu nướng và thường được sử dụng làm nơi ăn uống của cả gia đình. Vì thế, gian bếp được bố trí khá đặc biệt với nhiều vật dụng phong phú, thể hiện tính cách và khả năng sáng tạo của chủ nhà.

Xét về mặt phong thủy, trong ngôi nhà hiện nay bếp càng ngày càng tôn vinh, coi trọng với rất nhiều trang thiết bị hiện đại nhưng về cơ bản giải pháp để giữ lửa cho bếp vẫn là “giảm hung tăng cát” tức là tránh để các tác động của hoả như khói – mùi – nhiệt độ lan toả sang các không gian lân cận và đưa vào bếp nhiều sự thoải mái thuận tiện hơn. Đối với nhà độc lập, bếp thường hay được đặt phía sau, gần giếng trời hoặc sân sau nên thuận tiện hơn cho việc nấu nướng và thoát khói tốt.

Tôi đã được chiêm ngưỡng, đã được thưởng thức những món ăn tuyệt vời trong nhiều căn bếp của anh chị em Hội KGU ta cả trong Nam ngoài Bắc.  Những căn bếp đẹp mang đậm dấu ấn về sở thích, về tính cách của các nữ nội tướng. Bếp luôn là không gian được coi trọng trong ngôi nhà, căn hộ của anh chị em ta.  Nó không đơn thuần chỉ là nơi nấu nướng, chế biến món ăn.  Xoay quanh các bữa ăn luôn là một gian bếp lửa hồng, phòng ăn ấm áp, góc sinh hoạt gia đình vui tươi. Giữ được lửa ấm trong nhà là giữ gìn bầu không khí hoà thuận, đầm ấm trong gia đình. 

 

 

 

Khi ngồi viết mấy dòng về bếp lửa, trong đầu tôi vang lên những câu thơ từ bài Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm,
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
……………………………..

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một bếp lửa lòng bà luôn ủ sẵn,
Một bếp lửa chứa niềm tin dai dẳng,
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ,
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm,
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ.
Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!

Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng bao giờ quên nhắc nhở:
- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?

Tôi nhớ bà, nhớ bu quá! Suốt 3 năm tôi học cấp 3, sáng nào bu  cũng dậy từ 4h để nấu cơm cho tôi kịp đi học ở trường huyện chưa bao giờ bị trễ, kể cả những ngày rét cắt thịt, cắt da. 

Nhân ngày ông Táo lên Trời (bu tôi nói lên Giời), xin chúc anh chị em Hội KGU có bếp lửa cháy hồng suốt cả năm Tân Mão, mong các căn bếp luôn là nơi sum vầy, gắn kết tình cảm giữa các thành viên gia đình với nhau, nơi giữ “lửa” tình yêu, tình thương, hạnh phúc của các gia đình!


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 26-01-2011 09:09






Xem 1 - 9 của tổng số 9 Comments

Từ: NhuanNT
03/02/2011 11:54:38

Nghị ơi, con gái nhà quê ai mà chả biết nấu cơm nếp bằng rơm rạ! Vì mình lớn lên từ đó nên thấy đọan này hơi bị chủ quan đấy. Đến mình phần lớn được học "lý thuyết" từ mẹ cũng vẫn còn nhớ lời bà dạy: đun sôi nước, cho gạo vào, thêm chút muối, đảo nhẹ một chút thôi. Chở sôi lại thì gạn hết nước dư, 'đánh vũng' và vùi nồi trong than hồng (đun là phải dẹp than cho chắc để giữ lại). Cơm chỉ có cháy vàng chứ không bao giờ khê. Tiếc là mình xa nhà quá sớm, nếu không thì còn học được nhiều thứ nữa để 'khoe'. Chúc cả nhà khỏe vui và hạnh phúc. Chúc cho các bà chủ bận rộn với sự nghiệp còn nhiều niềm vui vào bếp nấu ăn.



Từ: KhanhT
31/01/2011 23:43:11

29/01/2011 10:06:49 Chính cái lúc Nghị viết “Mấy hôm nay chúng tôi đang rất buồn vì nghe tin cụ Vũ Đình Hòe  bị ngã và tình hình sức khỏe rất kém” thì Cụ đã ra đi lúc 9h20 ngày 29/1/2011, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), hưởng thọ 100 tuổi. Vô cùng thương tiếc Cụ, nhà văn hóa lớn của dân tộc. Tưởng nhớ Cụ, Vietnamnet đã đăng lại bài viết của Cụ về vấn đề giáo dục, rất tương hợp với những gì ACE KGU chúng ta bàn thảo trên diễn đàn. Thật là linh. (http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/8172/vi-bo-truong-khuyen-khich-sinh-vien-cai-thay.html )



Từ: NghiPH
29/01/2011 10:06:49

Thưa anh 3chai, nhà thơ Bằng Việt học luật ở Kiev. Đang học dở thì phải về nước vì ta cho là Liên Xô xét lại, những người học luật không được học nữa.


Về nước, anh Bằng Việt được đưa về Viện Luật học khi đó do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Phạm Văn Bạch kiêm Viện trưởng. Anh và hai người nữa cũng phải về nước với lý do tương tự được làm việc với 9 luật gia được đào tạo từ thời Pháp, trong đó có cụ Vũ Đình Hòe- cựu Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đầu tiên, Cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp.


Trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam mới hiện nay chỉ còn hai cụ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Luật gia Vũ Đình Hòe. Mấy hôm nay chúng tôi đang rất buồn vì nghe tin cụ Vũ Đình Hòe  bị ngã và tình hình sức khỏe rất kém.


Ngay từ khi còn học ở Liên Xô anh Bằng Việt đã làm thơ và dịch thơ. Về Viện Luật học do say thơ và cũng do hầu như không có việc làm nên luật gia Bằng Việt vẫn tiếp tục làm thơ.


 Sau đó một thời gian nhà thơ xung phong vào tuyến lửa. Từ đó các tập thơ hay của anh nối nhau ra đời.   



Từ: 3Chai
29/01/2011 07:40:31

Cảm ơn pác Tổng Nghị về bài viết hay trước thềm năm mới.


Tập thơ "Hương cây và Bếp Lửa" của Bằng Việt viết chung với Lưu Quang Vũ hồi đó rất nổi tiếng.



Từ: KhanhT
27/01/2011 22:52:12

Lâu lắm mới có cái lạnh như năm nay, Bên dự báo thời tiết vẫn dọa còn rét kéo dài đến Tết. Nghị cho một bài sưởi ấm lên mạng thật đúng lúc cho ACE KGU, nhất là hầu hết đã đến cái tuổi ngồi “co ro” rồi. Đọc bài viết của Nghị làm nhớ quá nhà quê thời thơ ấu. Sao cái bếp quê Nghị giống bếp quê tớ thế. Nhất là cái cảnh bộ đội trú chân trong làng. Mùa này những năm 65-66 mình thường chèo thuyền đi đón bộ đội qua sông về làng và đêm đêm những bếp lửa hồng bập bùng sáng lên trong khói rơm vừa cay mắt nhưng lại nồng ấm thơm mùi hương của rơm rạ vụ mùa vừa xong. Tụi mình cũng đã lớn nhưng vẫn nhường bếp cho các anh bộ đội quây quần cùng con gái làng ngồi chụm bếp, nói cười rôm rả và cả “yêu” lên má như Huyền nhận xét đấy thôi. Tớ từng đi nhiều nơi, nhưng vẫn thấy con gái quê mình vẫn tự nhiên nhất. Không biết hồi bộ đội Nghị còn nhớ qua quê mình không, còn nhớ các em không, còn nhớ “cái” nào không và có kể lại cho ai nghe không!?



Từ: HuyenBT
26/01/2011 20:48:35

Anh Nghị ơi, Bếp lửa của anh rực rỡ quá, nó sưởi ấm cả một trời tuyết đấy. Thèm được xòe bàn tay, huơ trên bếp lửa, thèm chút ấm của bếp lửa quê, chứ không phải là sức nóng của lò sưới điện bên này.


Nhưng sao câu chuyện về ba ông bà Đầu rau lại đau lòng và trớ trêu như vậy? Dân gian muốn gửi gì trong sự tích đó?


@ Anh Thông, anh lại quên là, tình yêu chỉ cần cái cớ, chẳng quan trọng những lời giải thích ngọn nguồn. Chỉ cần có má hồng, còn vì đâu, thì không cần biết!



Từ: ThongNV
26/01/2011 18:37:36

Bài viết của Nghị về bếp lửa rất hay đã làm mình hồi tưởng đến những tháng năm tuổi thơ ở quê nhà. Những hình ảnh mà Nghị sưu tầm được bây giờ  về quê mình cũng ít được nhìn thấy. Rơm, rạ gặt xong là đốt hết để lấy tro cho ruộng, các gia đình đều nấu ăn bằng khí gas tự làm hoặc bằng than đá. Nhìn ảnh nấu bằng bếp củi, bếp rạ thì thơ mộng đấy nhưng cực kỳ vất vả cho chị em. Đôi má cuối năm có hồng thật đấy nhưng không phải: "Vì anh mà má em hông" mà do nấu ăn bị nẻ nên hồng thôi.



Từ: Khửu
26/01/2011 15:27:22

Cảm ơn đ/c Tổng Nghị đã có bài viết hay về bếp lửa đúng ngày Ông Công Ông Táo. Phong tục VN nhà nào cũng phải cúng lễ đưa ông Công Ông Táo về Giời trong thời gian từ 20 đến 23 tháng Chạp, sau đấy là sang sửa bát hương bàn thờ để chuẩn bị đón một năm mới cho cả người dương lẫn người âm. Một phong tục rất tâm linh và đẹp với tính cách hiếu nghĩa của người Việt. Mà từ ngày mai trở đi người ta gọi là tháng củ mật đấy tức là tuần cuối cùng của năm cũ khi mà không có các cụ Công cụ Táo trông nom nhà cửa, bọn trộm hay lợi dụng hoành hành. Mong mọi người hãy cảnh gíac mà đề phòng, ít ra về mặt tâm linh là đúng đấy. Trong xóm nhà tôi ở trước đây bao giờ mấy ngày trước giao thừa cũng xảy ra vài vụ trộm. Giờ lên chung cư yên tâm rồi. Chúc mọi người tuần cuối cùng của năm Canh Dần vui vẻ sắm tết thật nhiều cho năm con Mèo (tức con Thỏ ở TQ và Nhật Bản).




Từ: GiangHV
26/01/2011 10:42:01

Xin cảm ơn ông Tổng Nghị! Quả là Ông thật tuyệt vời, luôn tìm mọi cách để "giữ lửa" cho trang Web của Hội nói riêng, cũng như cho sự gắn kết của cộng đồng Người KGU chúng ta nói chung. Xin chúc Ông cùng gia đình Ông sang năm Tân Mão “thật sung” để có nhiều đóng góp “độc” hơn nữa cho Hội. Không gì tự hào và xúc động hơn khi thấy đại diện ưu tú của người KGU (GS.TS Đào Tiến Khoa) xuất hiện ở vị trí trang trọng trên màn hình VTV1 vào tối 22 Tết hôm qua. Xin chúc mừng cà Hội ta với sự kiện này.



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s