KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 29 Tháng một. 2011

Quất, đào, mai vàng, mai trắng ngày Tết




Tác giả: NghiPH

 

                              

                                                                                  

          Mấy hôm nay quất, hoa đào, hoa mai vàng đã và đang tràn ra các đường phố Hà Nội. Tôi bắt gặp cả những chậu cây bưởi, cây khế, cây đu đủ… núc nỉu quả được đem ra bày bán.   

Trên trang mạng studentkgu muôn sắc hoa đào đã đựợc Hội trưởng Bùi Quang Ngọc đưa lên.

Đang là thời điểm chúng ta đi sắm hoa Tết, tôi thu thập một số tư liệu về cây quất, hoa đào, mai vàng, mai trắng và xin giới thiệu với anh chị em ta.

1. Cây quất

. Có một truyền thuyết về cây quất

Truyện kể rằng, cách đây hơn 800 năm, vào giữa tiết trời đông giá lạnh, cả kinh thành Thăng Long vô cùng lo lắng bởi nhà vua và văn võ bá quan trong triều cùng hàng ngàn người dân đột nhiên mắc một chứng bệnh thời khí như sổ mũi, hắt hơi, đau nhức chân tay mình mẩy.

 Vua Lý Thần Tông đã hạ chiếu cho pháp sư  Giới Không Thiền Sư lập đàn tế lễ, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm mà ngày một lan rộng. Các quan ngự y được lệnh sưu tầm dược liệu để chế ra những phương thuốc trị bệnh. Sau một thời gian chạy chữa, các chứng bệnh lui dần, duy chỉ còn chứng ho, mất tiếng là dai dẳng kéo dài đến tận giáp Tết Nguyên đán.

Nhà vua phải xuống chiếu cho nhân dân cả nước xem ai biết môn thuốc gì chữa khỏi chứng ho kéo dài này sẽ được trọng thưởng. Chiếu chỉ ban hành được vài ngày thì có một nông dân tên là Hoàng Quyết xin dâng lên nhà vua một vị thuốc dân gian, đó là quả quất luyện với đường phèn để chữa bệnh. Nhà vua bèn dùng thử thấy thuốc vừa chua, vừa ngọt, lại cay tê, đắng đắng, thơm mùi quất, chỉ trong hai ngày là khỏi bệnh.

 Bài thuốc được phổ biến rộng rãi trong nhân dân và từ đó, cây quất cũng được trồng và dùng làm thuốc chữa bệnh tại kinh thành Thăng Long.

 

 . Quất– cây cảnh ngày Tết, quả để ăn và làm thuốc chữa bệnh

           Từ xa xưa, trong dịp Tết Nguyên đán, quất được dùng làm cây cảnh trang trí trong nhà. Những quả quất màu vàng au hoặc đỏ cam tròn trĩnh và xinh xắn xen lẫn lá xanh dày tượng trưng cho mùa xuân đầy sức sống và sự vươn lên. 

Tết đến, cây quất thường được trang trí tại phòng khách. Cây quất Tết ngày càng có nhiều kiểu dáng cầu kỳ nhưng vẫn phải bảo đảm sự xum xuê, lá xanh tốt, quả vàng chi chít thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.

Từ quả quất chín mọng, qua bàn tay khéo léo của con người được chế biến thành mứt quất, một món ăn của ngày Tết, nếu một lần được thưởng thức sẽ chẳng bao giờ quên bởi hương vị đặc trưng: ngọt, thơm, cay dịu…

Quất còn là vị thuốc chữa được nhiều bệnh.Quả quất có mùi thơm, vị ngọt, chua và tinh dầu thơm cay của vỏ. Quả quất được dùng dưới dạng quả còn non hoặc đã chín.Theo Đông y, quả quất vị ngọt chua, tính ấm, vào các kinh phế, vị, can. Nó có công năng hóa đảm, trị ho, giải uất, tiêu thực, giải rượu. Vỏ có tác dụng mạnh hơn. Quất để càng lâu càng tốt. Hạt quất có tác dụng giảm ho, cầm máu, chống nôn, lá quất có nhiều tinh dầu, có tác dụng chữa cảm mạo phong hàn rất tốt.

2. Cây đào, hoa đào

. Đôi dòng về nguồn gốc cây đào

Cây đào (tên khoa học: Prunus persica) là một loài cây có lẽ có nguồn gốc từ Trung Quốc, được trồng để lấy quả hay hoa. Nó là một loài cây sớm rụng lá, thân gỗ nhỏ, có thể cao tới 5–10 m. Lá của nó có hình mũi mác, dài 7–15 cm và rộng 2–3 cm. Hoa nở vào đầu mùa xuân, trước khi ra lá; hoa đơn hay có đôi, đường kính 2,5–3 cm, màu hồng với 5 cánh hoa. Quả đào cùng với quả của anh đào, mận, là các loại quả hạch. Quả của nó có một hạt to được bao bọc trong một lớp vỏ gỗ cứng (gọi là "hột"), cùi thịt màu vàng hay ánh trắng, có mùi vị thơm ngon và lớp vỏ có lông tơ mềm như nhung.

Tên gọi khoa học persica có lẽ có từ niềm tin ban đầu của người châu Âu cho rằng đào có nguồn gốc ở khu vực Ba Tư (Persia) (hiện nay là Iran). Trong giới các nhà thực vật học đã có sự đồng thuận về quan điểm cho rằng, đào có nguồn gốc từ Trung Quốc và được đưa vào Ba Tư cũng như khu vực Địa Trung Hải theo con đường tơ lụa vào khoảng thời gian ban đầu của lịch sử nhân loại, có lẽ vào khoảng thiên niên kỷ 2 TCN.

. Quả đào tiên theo quan niệm của người Trung Hoa

Tại Trung Quốc, quả đào tiên được dành cho các vị tiên ăn. Ai ăn đào tiên sẽ trường th. Ngọc Hoàng, vị thần cai quản thiên đình, có vợ tên là Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu mời các vị tiên ăn những quả đào trường sinh và như thế đã đảm bảo cho sự tồn tại vĩnh cửu của họ. Các vị tiên được Tây Vương Mẫu thết đãi một bữa tiệc sang trọng tại hội bàn đào. Các vị tiên phải chờ đợi 6.000 năm để có được bữa tiệc sang trọng này bởi cây đào tiên chỉ ra lá sau mỗi một nghìn năm và cần tới 3.000 năm để làm quả chín. Trên các bức tượng họa lại những người tham dự bữa tiệc của Tây Vương Mẫu  thường có ba quả đào.

Quả đào đóng một vai trò quan trọng trong tín ngưỡng Trung Hoa và là biểu tượng của sự trường thọ. Một ví dụ liên quan đến quả đào là chuyện về Trương Đạo Lăng, được nhiều người cho là người đã sáng lập ra Lão giáo. Trương Quả Lão, một trong số Bát Tiên của người Trung Quốc, thường được họa lại với hình ảnh luôn mang theo quả đào trường sinh.

Do hương vị và cảm giác thơm ngon của nó khi mới tiếp xúc nên trong văn hóa Trung Hoa cổ đại thì "đào" còn là một từ mang nghĩa bóng để chỉ những cô dâu mới và nó cũng được dùng trong nhiều nền văn hóa khác một cách tương tự như thế để chỉ những người đàn bà trẻ đẹp (chẳng hạn, trong tiếng Anh có từ peachy (dịch nghĩa là mơn mởn đào tơ).

. Hoa đào trong văn hóa dân gian Việt Nam

Nếu như văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản chú trọng chủ yếu vào ý nghĩa của quả đào thì văn hóa Việt Nam chú trọng chủ yếu vào ý nghĩa của hoa đào. Đối với văn hóa dân gian Việt Nam, hình ảnh hoa đào được gắn với những cô gái trẻ, mảnh mai, và yếu đuối, thể hiện qua thành ngữ "liễu yếu đào tơ" hoặc lời một bài hát chèo cổ "Đào liễu có một mình. Ấy kìa hai vai em còn gánh nặng mà để nhật trình đường xa."

Hình ảnh hoa đào rất gắn bó với tình yêu và duyên nợ của trai gái nông thôn, xuất hiện trong rất nhiều ca dao dân gian Việt Nam:

 

"Đêm qua mận mới hỏi đào:

Vườn xuân đã có ai vào hái hoa?

Hoa đào chênh chếch nở ra.

Giơ tay muốn hái, sợ nhà có cây.

Lạ lùng anh mới tới đây.

Thấy hoa liền hái biết cây ai trồng?"

 

"Gặp đây anh nắm cổ tay

Anh hỏi câu này, nàng nói làm sao?

Cái gì là mận là đào

Cái gì là nghĩa tương giao ở đời"

 

"Mưa xuân, lác đác vườn đào

Công anh đắp đất, ngăn rào trồng hoa

Ai làm gió táp, mưa sa

Cho cây anh đổ, cho hoa anh tàn"

 

"Hoa đào héo nhụy anh thương

Anh mong bẻ lá, che sương cho đào"

 

"Lầm nghe núi cả non Bồng

Dạ cam mà chỉ ngọt bòng, ngon sao

Ra tay bẻ khóa vườn đào

Rẽ mây gạt gió, lọt vào kết duyên "

 

"Thân thiếp như cánh hoa đào

Đang tươi đang tốt thiếp trao cho chàng

Bây nhờ nhụy rữa hoa tàn

Vườn xuân nó kém sao chàng lại chê"

 

. Truyền thuyết cắm hoa đào vào dịp Tết

Ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc Sơn, Bắc Việt, có một cây hoa đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào sum suê, to lớn khác thường, bóng rậm che phủ cả một vùng rộng.

Có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này, tỏa rộng uy quyền che chở cho dân chúng khắp vùng. Quỷ dữ hay ma quái nào bén mảng lui đến ắt khó mà tránh khỏi sự trừng phạt của hai vị thần linh. Ma quỷ rất khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần, đến nỗi sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là cao chạy xa bay.

Đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong mấy ngày Tết lợi dụng lúc hai thần vắng mặt ở trần gian, ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái. Để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ, còn ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị thần linh dán ở cột trước nhà, để xua đuổi ma quỷ. Từ đó, hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành hoa đào về cắm trong nhà trừ ma quỷ.

Ngày nay, hoa đào được cắm trên bàn thờ hoặc cây đào trang trí trong nhà sẽ phát ra sức mạnh trừ ma quỷ và mọi sự xấu xa. Màu đỏ của hoa đào chứa đựng sinh khí mạnh, nó thể hiện lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân.

Hoa đào tươi thắm khắp mọi nhà vào dịp Tết luôn mang lại không khí vui vẻ, trong sáng.

3. Hoa mai vàng

. Tại sao người trong Nam lại chơi mai vàng vào dịp Tết

Việc người miền Bắc chơi đào, còn người miền Nam chơi mai trong dịp Tết được giải thích là sau khi mở rộng bờ cõi về phương Nam vốn có khí hậu nóng hơn không thích hợp với việc trồng đào, mỗi khi Tết đến, những người đi mở đất nhớ đến cành đào ngoài Bắc nhưng không thể có được đã chọn mai - một cây hoa rất phổ biến ở trong Nam, đẹp, nhiều hoa lại nở đúng mùa Tết để thay thế.

. Mai vàng- linh hoa mùa Xuân phương Nam

Tết ở phương Nam có hai đặc sản không có miền nào sánh được: Dưa hấu – Mai vàng. Không có mai thì không còn là Tết, hoa chỉ nở rộ trong 3 ngày Tết nhưng sắc vàng nắng theo suốt cả năm. Những ngày đầu xuân, mai từ các vườn cây đổ dồn về khu thị tứ, về phố chợ, những cây mai đặc kín nụ xanh tròn, loáng thoáng vài chiếc lá non xanh tơ, điểm xuyết vài nụ vàng chúm chím, tạo nên không khí Tết.

 

Nhà khá giả đem cả cây mai về nhà, nhà nghèo dù khó đến đâu cũng cố kiếm một nhành mai nhỏ bày trên bàn thờ tổ tiên ông bà. Mai không chỉ là hoa để trang trí cho sắc màu Tết, mà còn là biểu tượng Phúc – Lộc trong năm, mai như vị thần linh tiên đoán tương lai trong năm mới. Nếu mai nở hoa rộ trong ba ngày Tết, cánh hoa đều đặn, sắc vàng tươi là năm đó gia chủ phúc lộc mỹ mãn. Nếu hoa nụ héo, rụng, cánh hoa bé quăn, thì gia chủ sẽ gặp nhiều khó khăn vất vả. Mai là buồn vui một năm mới… nên đối với mai, không chỉ gượng nhẹ nâng niu “hứng hoa”, mà còn cả sự tôn kính ngầm như “linh hoa” của Xuân. Hết Tết, dù hoa đã rụng hết, không vứt bỏ cành mà giâm dưới đất để trồng  thành một cây mai cho mùa Xuân tới.

4. Hoa mai trắng (bạch mai)

Bạn đã biết đến một loài hoa mai của miền Bắc chưa? Một loài hoa có màu trắng mong manh với thân cây khắc khổ đen nháy. Mỗi độ xuân về những chồi lộc xanh mướt và nhưng bông hoa trắng trong tinh khiết đến xao lòng lại hứa hẹn một năm đầy tài lộc. Cũng như một con người dù cuộc đời còn nhiều gian nan nhưng cũng luôn muốn cho đời những gì là tốt đẹp nhất.

Mai trắng cùng họ mận với đào. Nó cũng có tên là chi mai. Chi mai khác mai vàng và mai tứ quý, mai chiến thủy. Cây mai trắng cũng khác với cây mai hồng mai hoàng mai, thanh mai và các loại mơ ăn quả của Hương Sơn và vùng núi Hòa Bình…

           

 

          Cây mai trắng nhỏ bé cả từ lá, hoa đến thân so với mơ ăn quả. Chi mai cũng rụng lá vào mùa đông và cho hoa vào dịp tết, song hoa nở không tập trung như mơ. Hoa lúc mới nở có màu đỏ hồng, sau chuyên sang trắng, có mùi thơm nhẹ không dễ mấy người cảm nhận được. Cây mai trắng nếu để tự nhiên sẽ mọc thành bụi nhỏ. Nếu sửa uốn nó có thể cho dáng thế đẹp. Mai trắng  là cây tượng trưng mùa xuân trong bộ tứ quý.

 Mai trắng là một trong 4 cây của bộ tứ quân tử vì sự trong trắng, khiêm nhường, chịu được sự khốn khó của cuộc sống trên đất cằn cỗi, cứng cỏi trước gió đông phũ phàng. Mai trắng  biểu tượng của sự bất tử, khí phách của người quân tử.

            Mai trắng  được người già, người có tư tưởng thoát tục ưa chuộng.  Sau nắng quái thu, đến đông căm căm rét buốt, mọi loài cây bơ phờ rụng lá thì cây mai phong trần vượt dâu bể nảy ra nhưng chùm hoa thanh khiết. cao sang.

Bên hoa mai trắng, những tao nhân mặc khách xúc động trước tấm thân cây gầy guộc, trước những cành khẳng khiu thấp thoáng lộc xanh, trước vẻ mong manh của cánh hoa nhưng rất kiên cường trước tiết trời đông giá. Người xưa coi mai là biểu tượng mùa xuân, là điềm tàn của mùa đông, là linh hồn của sắc Tết truyền thống.

 

Trên đây tôi mới điểm qua cây quất và hoa đào, mai vàng, mai trắng. Còn rất nhiều loài hoa nữa như hoa Cúc, hoa Lan, hoa Thủy Tiên, hoa Layơn, hoa Ly… Trong vườn nhà một số anh chị em ta có những chậu hoa quý sẽ ra hoa vào dịp tết này. Rất mong được đọc bài của các anh chị về hoa Xuân,  được chiêm ngưỡng ảnh đẹp về hoa ngày tết của các anh các chị.

Chiều 30 tết  (hoặc 29 tết lấy làm 30 tết) hằng năm, tôi thường chở con gái dạo qua các phố xem hoa. Đến trước cổng Trường Đại học Y tế công cộng  trên phố Giảng Võ, chạy dọc đường Láng, đi qua các phố mới mở…(Càng đi càng thấy cái gian nan, cái vất vả của những người trồng hoa, trồng cây cảnh. Một nghề không ít rủi ro. Kiếm được một đồng đâu dễ dàng gì).

Thường thì các con cháu trong nhà đã mua quất, mua đào, mua hoa từ mấy  hôm trước. Chiều ba mươi Tết tôi phóng xe ra đường chủ yếu là đi ngắm hoa, đi chứng kiến những cảnh đời… Nếu cô con gái thích mua thêm hoa gì thì mua cho nó. Năm nay cháu lớn rồi, chẳng biết cháu còn thích ngồi sau xe của ba đi ngắm hoa nữa không?

 

 

 

 

 

 

 

                                                                                                                                                                                                                                              







 

 

 

 


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 29-01-2011 12:12






Xem 1 - 2 của tổng số 2 Comments

Từ: NghiPH
01/02/2011 17:35:59

Khi tìm tài liệu viết bài này tôi mới biết tên của bạn Lương Chi Mai (Toán 81) và tên của vợ anh Nông Văn Hải hay và có ý nghĩ đến thế! 



Từ: ThongNV
29/01/2011 21:20:49

Bạch mai mà Nghị TBT đề cập đến còn có tên là Mai ngự sử (Nhất Chi Mai). Truyền thuyết thời nhà Trần kể rằng, một hôm dạo chơi ở điện Thanh Thử, nơi trồng rất nhiều quế, tức cảnh sinh tình, vua ra câu đối: " Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế" (Trước điện Thành Thử hàng ngàn cây quế) . Trong khi bá quan văn võ tỏ ra ấp úng thì quan ngự sử Lê Quý Ly (sau đổi là Hồ Quý Ly) đối ngay: " Quảng Hàn Cung Lý nhất chi mai (trong cung Quảng Hàn có một nhanh mai). Vế đối này còn có ý nghĩa sâu xa là nhà vua có công chúa Huy Ninh, nhan sắc tuyệt vời, được suy tôn là Nhất Chi Mai (một cành mai) và dựng cung Quảng Hàn cho công chúa ở. Vua cảm nhận đây có lẽ là mối lương duyên trời định, bèn gả công chúa cho Quý Ly. Từ đó Bạch mai được gọi là Mai ngự sử hay Nhất chi mai. Chi mai tuy không có hương nhưng hoa có cấu trúc cánh kép, màu trắng tinh khiết, bông hoa nhỏ nhắn, xinh xắn và duyên dáng nhất trong các loài mai, được giới chơi cây cảnh quý mến.


Chi Mai còn là một tên mà nhiều bậc cha mẹ chọn đặt cho cô con gái rượu của mình, với mong muốn con mình vừa có sắc, vị, danh.



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s