CÔ LUDMILA CỦA CHÚNG TÔI
Tác giả: Meomun
CÔ LUDMILA CỦA CHÚNG TÔI
Kính tặng hương hồn cô Ludmila Franxeevna Xelexkaia !
Nguyễn Thị Mai- Nguyễn Hồng Vân, Luật 1988
Gần hai mươi năm đã qua, kể từ ngày đặt chân lên đất nước Moldavia rực rỡ ánh nắng, một nước cộng hòa nằm ở phía tây nam Liên bang Xô viết cũ, nhưng những kỷ niệm về một thời sinh viên sôi động ấy chúng tôi vẫn không thể nào quên. Với nhiều người trong số chúng tôi, những kỷ niệm ấy gắn liền với một cái tên của một Con người– Ludmila Franxeevna Xelexkaia, cô giáo tiếng Nga, phụ trách khối sinh viên Việt Nam của khoa chúng tôi học trong những năm 80 của thế kỷ trước. Đó cũng là một trong những giáo viên người Nga chính gốc, vốn không nhiều trong một trường đại học ở một nước Cộng hoà thuộc Liên Xô cũ.
Ngày ấy, có nhiều thầy cô giáo dạy tiếng Nga cho sinh viên Việt Nam, từ năm dự bị đến năm thứ 5. Đa số thầy cô rất tốt, rất nhiệt tình với sinh viên. Tuy nhiên. cô Ludmila Franxxevna là gắn bó với sinh viên Việt Nam lâu nhất. Với cô, ai nấy trong chúng tôi đều rất ấn tượng về một giọng nói tiếng Nga luôn chau chuốt, kỹ càng và một sự nhiệt tình hiếm có của cô đôi khi dẫn đến bị hiểu lầm.
Hồi ấy, cô chừng 35 đến 40 tuổi, mái tóc vàng rực rỡ luôn được cô uốn chải một cách công phu và vấn cao trên đầu như một vương miện óng ánh, khiến tôi cứ nghĩ đến nàng Ludmila trong truyện thơ Ruslan và Ludmila của Puskin. Nhưng cô Ludmila Franxeevna (chúng tôi thường gọi tắt là cô Lud) lại có dáng người khá to béo. Có lần, chúng tôi được cô mời đến nhà chơi, cô diện cái áo Kimôno có thêu rồng ở vạt trước do một sinh viên Việt Nam tặng với vẻ mặt rất hãnh diện. Nhưng do cô to lớn nên cái áo trở nên khá chật. Thấy thế, ông chồng cô pha trò: - “Ludmila, em không cần mặc cái áo đó đâu, vì chính em cũng chẳng khác gì con rồng!”, khiến cả lũ cười bò, còn cô thì đỏ cả mặt.
Cô hay mời sinh viên Việt Nam về nhà chơi, điều này vốn không phổ biến đối với người châu Âu. Mặc dù lương giáo viên của cô hạn hẹp, nhưng mỗi lần đến nhà cô, cả lũ chúng tôi đều bị ép ăn đến no căng, cô còn bắt chúng tôi phải mang về những lọ nước hoa quả mà cô đã dày công làm để dự trữ cho mùa đông. Bởi cô cứ thương “bọn trẻ” phải sống xa đất nước, xa gia đình. Bọn con trai thì kháo nhau: -Con gái cô xinh thật! Chẳng là ngày ấy Olia, con gái cô mới chừng 16, 17 tuổi, thon thả, xinh đẹp.
Có lần cô dẫn chúng tôi tham quan vườn thực vật của nước Cộng hoà Môn đa via. Sau khi nghe các chuyên gia nói chuyện, chúng tôi tham quan các nhà kính, nơi ươm các giống cây lạ, một bạn đã vô tư hái một bông hoa trắng trong nhà kính. Sau chúng tôi mới biết bông hoa đó là kết quả lai tạo giống khá lâu dài của các chuyên gia. Chuyện hái hoa tưởng nhỏ bỗng trở thành một chuyện lớn, vì thế bị hội đồng hương mang ra để kiểm điểm, rồi đại sứ quán nghe đâu cũng biết. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ phản ứng khá gay gắt của các chuyên gia vườn thực vật sau khi họ biết sự việc và vẻ mặt bàng hoàng và thất vọng của cô Lud, bởi cô là người phụ trách, bởi cô đã dặn đi dặn lại chúng tôi từ đầu về nội quy của vườn thực vật. Trái với dự đoán của chúng tôi, cô không mắng mỏ, trách móc nhiều mà chỉ rất buồn, khiến chúng tôi rất day dứt.
Cô tận tình, theo sát sinh viên đến mức đôi khi khiến chúng tôi khó chịu vì cảm giác bị coi là trẻ con. Vào dịp nghỉ đông, nếu không có chương trình đi chơi ở thành phố khác thì thường chúng tôi phải tham gia các buổi ngoại khóa, văn nghệ hay tham quan các nhà máy, xí nghiệp, chúng tôi thường gọi các hoạt động ấy là “đi hữu nghị”. Vào những buổi sáng mùa đông ấy, mặc dù có thông báo là sẽ có “đi hữu nghị”, nhưng trong ký túc xá chúng tôi vẫn quấn chăn ngủ ngon lành. Trong khi đó, cô Lud đến gõ của từng phòng, giục chúng tôi dậy để đi cho đúng giờ vì sinh viên Việt Nam nổi tiếng lề mề. Có người còn làu bàu trách cô phá vỡ giấc ngủ ngon. Tuy mất giấc ngủ “nướng”, chúng tôi vẫn ngoan ngoãn bám lấy cô, cứ như gà con bám quanh gà mẹ khi đi qua những bậc đá cao, trơn tuột vì đóng băng ở con dốc dưới chân ký túc xá. Có bạn trượt chân ngã đau quá, ngồi phệt xuống khóc. Chúng tôi rất ngạc nhiên vì với thân hình to lớn như vậy, cô lại hết sức nhanh nhẹn và chắc chắn.
Còn nhớ một ngày chủ nhật đầu tháng 5, chúng tôi đi lao động cộng sản ở một nông trang ngoại thành. Cô hướng dẫn chúng tôi buộc các dây nho lên dàn thép để khỏi sà xuống đất. Môn đavia là xứ sở nho mà. Thường thì những ngày lao động cộng sản ấy rất vui, công việc không nặng nhọc gi, chúng tôi lại có dịp ra ngoại thành hít thở không khí trong lành, nghịch ngợm và có dịp giao lưu với sinh viên trường khác. Thế nhưng hôm ấy. chúng tôi bảo nhau giữ một thái độ rất lạnh nhạt với cô Lud. Chẳng là hôm trước, chúng tôi bị thầy trưởng khoa phê bình vì thái độ học tập thiếu nghiêm túc, thầy còn nắm rõ thông tin ai trốn para (tiết học) nào. Việc chúng tôi bị trường và khoa phê bình thì không mới. Tuy nhiên hôm đó, chúng tôi đều bực mình vì thầy khá nặng lời, lại “vơ đũa cả nắm” là “sinh viên Việt Nam” và cứ nhắc tới thế hệ các anh chị sinh viên Việt Nam học ở trường từ gần 20 năm trước với vẻ tiếc nuối khiến ai cũng tự ái. Vậy là chúng tôi đoán, chắc chỉ có cô Lud mới nắm rõ và cung cấp các thông tin này cho nhà trường và khoa để chúng tôi bị mắng, khiến chúng tôi mất mặt với các sinh viên các nước khác. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ, chúng tôi đã đắc thắng ra sao khi thấy cô buồn và tỏ ra cam chịu khi tất cả đều đáp lại cô bằng một thái độ im lặng một cách khó hiểu.
Giá như thời gian có thể quay trở lại, cho chúng tôi được tạ lỗi với cô. Ngày ấy, tuy đã là sinh viên, thậm chí là sinh viên già vì nhiều người đi bộ đội về mới vào đại học, nhưng với cô, chúng tôi vẫn như một lũ trẻ nghịch ngợm. Sinh viên Việt Nam học khá nhưng vẫn mang tiếng là thiếu kỷ luật nếu so với sinh viện Cộng hoà Dân chủ Đức cũ, (kể cũng không oan), khiến cô phải mất thời gian và nhiều khi cô cũng bị khiển trách, vì cô là người phụ trách. Chúng tôi cũng biết, cô không được trả lương vì công việc đó. Chỉ có lòng nhiệt tình và một trái tim nhân hậu của cô mới khiến cô không mệt mỏi, nản lòng, cả khi bị chính sinh viên của mình hiểu lầm.
Hai năm trước, một bạn trong số chúng tôi có dịp đi du lịch Châu Âu. Bạn ấy đã bỏ cả chuyến đi để tìm cách về lại Môn đa via, thăm lại trường xưa, cái dốc với những bậc đá cũ và thăm cô Ludmila Franxeevna thân yêu. Lúc ấy, cô đang bị bệnh hiểm nghèo, cô từ chối tất cả những cuộc viếng thăm của mọi người, bởi cô không muốn ai thương hại mình. Tuy nhiên, khi nghe con gái nói có học sinh cũ từ Việt Nam đến thăm, cô đã rất vui mừng và gượng hết sức để đón tiếp. Bạn chúng tôi kể rằng bạn cảm thấy hết sức xót xa khi thấy cô Lud của chúng tôi với mái đầu kiêu hãnh và dáng đi luôn ngẩng cao ngày nào bây giờ nằm trên giường bệnh và sự sống chỉ còn tính từng ngày. Tuy thế, cô vẫn nhớ tên sinh viên cũ và hỏi thăm về từng người. Cô kể, sau khi Liên Xô tan vỡ, giáo viên tiếng Nga hầu như thất nghiệp. Lâu lâu cũng có sinh viên các nước tư bản sang học, họ nhai kẹo cao su khi nói chuyện với thầy cô, gác cả hai chân lên bàn trong giờ học và cô thở dài. Cô nói rằng những năm tháng được dạy sinh viên Việt Nam là những năm tháng đẹp nhất của cô. Hai tháng sau, cô qua đời.
Ludmila Franxeevna, hãy tha thứ cho chúng con. Cầu mong cô yên nghỉ và xin cô hãy nhớ rằng, với chúng con, những “maltricki, devochki” (cô bé, cậu bé) xa nhà ngày ấy của cô đã coi cô như người mẹ, như trong điện tín của chúng con gửi hôm lễ tang, được Ôlia đọc trước mộ cô. Tất cả chúng con đã trưởng thành, cả những người ngày xưa khiến cô phiền lòng vì những trò nghịch ngợm và lười biếng của mình. Cô ơi, chúng con muốn mượn ý của Alexei Tonstoi trong đoạn kết của tiểu thuyết “Con đường đau khổ” để nói với cô rằng: Năm tháng rồi sẽ qua đi, những cuộc chiến tranh rồi sẽ chấm dứt, các cuộc cách mạng sẽ thôi gầm thét và cho dù cuộc sống có những thay đổi không ngờ như sự tan rã của Liên bang Xô viết, thì vẫn còn lại một tấm lòng Nga nhân hậu, dịu dàng.
Và để rồi chúng con lại kể cho con cháu mình: Ngày ấy, ở xứ Môn đa via, có một bà giáo dạy tiếng Nga…
TP. Hồ Chí Minh, 2001
Người post: NgocBQ
Ngày đăng: 28-08-2010 23:11
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 6 của tổng số 6 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |