KGU News >>Người KGU
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 15 Tháng hai. 2011

Bài học từ một câu chuyện vui




Tác giả: ChauHM

Một câu chuyện cười, chắc là nhiều người cũng biết, đã dạy cho tôi một bài học quan trọng về định kiến.

Trước hết, tôi xin kể lại câu chuyện này:

Có một thanh niên mắc bệnh sợ gà, cứ trông thấy gà là chạy. Hỏi tại sao thì anh ta trả lời: “Con gà nó nghĩ tôi là con giun, nên phải chạy ngay không nó mổ chết”.

Gia đình đưa anh ta đến bệnh viện tâm thần để chữa trị. Hàng ngày, ngoài việc uống thuốc, anh phải học thuộc lòng câu “tôi không phải là giun, nên tôi chẳng việc gì phải sợ gà”. Sau ba tháng chữa trị, thấy không có triệu chứng gì bất thường, bác sĩ cho anh ra viện.

Vừa ra tới cổng bênh viện, nhìn thấy một con gà, anh ta vẫn sợ hãi, chạy bán sống bán chết. Mọi người xúm vào hỏi:

-         Anh có phải là giun đâu mà sợ gà?

Anh ta trả lời:

-         Đúng thế. Nhưng ba tháng qua chỉ có mình tôi được học, nên chỉ mình tôi biết, tôi không phải là giun. Chứ con gà có được học hành gì đâu. Nhỡ nó vẫn tưởng tôi là giun thì sao?

Bài học ở đây rất thú vị.

Ví dụ, ban đầu bạn là một nhân viên yếu kém. Đối với sếp, bạn chỉ là một con giun. Rồi sau đó bạn quyết tâm học tập, rèn luyện và trở thành một con người khác. Nhưng đối với sếp, có thể bạn vẫn chỉ là một con giun, vì ông ta không biết bạn đã thay đổi. Lúc này bạn chỉ có một trong hai lựa chọn: hoặc tìm cách làm cho sếp biết mình không còn là “con giun” nữa (việc này tuyệt nhiên là rất khó), hoặc tìm chỗ làm mới.

Nhiều lãnh đạo, khi đánh giá nhân viên trong một kỳ mới, thường bị chi phối bởi những định kiến có sẵn từ kết quả đánh giá của các kỳ trước. Vì thế, những nhân viên bị sếp có ấn tượng xấu, mãi mãi bất lợi.

Thỉnh thoảng chúng ta cũng có dịp gặp lại bạn bè thời học phổ thông. Ngày xưa ai học giỏi bây giờ vẫn được tôn trọng, ai học kém vẫn tiếp tục bị coi thường. Mấy chục năm xa cách, mọi người đều thay đổi rất nhiều, nhưng cái định kiến về thứ hạng vẫn giữ nguyên!

Sống lâu sẽ có nhiều kinh nghiệm. Kinh nghiệm nói chung là tốt, nhưng nó cũng hình thành trong ta vô số định kiến, khiến cho ta không nhìn được cái mới. Chúng ta sẽ không tin một cô gái tóc vàng lại không ngốc nghếch, cũng như thiên nga lại có thể mầu đen. Một thí sinh vẽ tranh thủy mạc, vẽ cây trúc mầu đỏ. Các giám khảo bĩu môi hỏi “làm gì có trúc mầu đỏ”? Nhưng nếu thí sinh này vẽ trúc mầu đen thì lại bình thường, mặc dù cũng không có cây trúc nào mầu đen. Chẳng qua, các bức tranh thủy mạc từ xưa tới nay luôn vẽ trúc mầu đen.

Định kiến là thứ rất khó tẩy khỏi não. Trong hồi ký của mình, Nelson Madela thú nhận: “Một lần lên máy bay, nhìn thấy phi công là người da đen, tôi đã rất lo lắng và cảm giác lo lắng đó kéo dài cho đến hết chuyến bay. Sau đó tôi đã rất xấu hổ, vì bản thân mình cũng là người da đen, cả cuộc đời đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, nhưng lại không tin nổi một người da đen có thể lái máy bay an toàn”.

Để giảm bớt tác hại của định kiến, chúng ta phải hết sức cảnh giác với những kinh nghiệm của chính mình, đồng thời phải nhận thức được sự vận động liên tục của vạn vật: cái gì cũng có thể tốt lên hoặc xấu đi. Ngày xưa có câu: ba ngày không gặp nhau, gặp lại sẽ là người khác.

Hãy bắt đầu một ngày mới không định kiến. Nếu bạn là lãnh đạo thì điều này càng quan trọng, bởi vì, định kiến của lãnh đạo chính là sự cản trở lớn nhất đối với sự phát triển nhân viên.


Người post: ChauHM

Ngày đăng: 15-02-2011 14:02






Xem 1 - 9 của tổng số 9 Comments

Từ: ThoaNP
25/02/2011 12:57:04

Mình luôn thích đọc các bài Châu viết + ảnh minh họa Châu chọn để post lên. Giống như các truyện ngắn trên báo Văn Nghệ luôn được ảnh minh họa của Thành Chương làm tăng hẳn giá trị (cách đây khoảng chục năm, một thời gian Thành Chương không minh họa - chắc do chuyển vào Nam, lúc đó đọc truyện ngắn thấy kém hứng khởi hẳn đi).


Cảm ơn Châu, đã luôn là linh hồn của các cuộc vui tụ họp KisHCM cũng như lâu lâu lại tung ra một góc nhìn, cách suy nghĩ, ... lên trang web thân thương.


 



Từ: TuyetHA
17/02/2011 15:57:31

Định kiến là một tính xấu của con người, ai cũng biết thế vậy mà mấy ai không hề có định kiến? Tôi cũng nhất trí với Hạnh rất khó loại bỏ hoàn toàn định kiến. Tuy nhiên nếu ta hiểu được tác hại của nó và mong muốn hạn chế nó đến mức tối đa  thì phải tự rèn luyện thôi, một phương pháp rèn luyện để bỏ bớt định kiến đó là "nên luôn có một cái nhìn tích cực" trong cuộc sống như em Châu đã viết trong bài trước. Tôi tin chắc rằng những ai luôn có cái nhìn tích cực trong cuộc sống, sẽ là người ít có định kiến và dễ dàng gạt bỏ định kiến hơn.


@. Thanh ơi chỉ có bệnh "tâm thần phân liệt" thôi chứ không có "thần kinh phân liệt" đâu.



Từ: GiangHV
16/02/2011 14:12:36

Sự hình thành một khả năng của con người cũng như sự hình thành bất kỳ một tính trạng nào đó của một cơ thể sinh vật (ngôn ngữ Di truyền học) phụ thuộc vào ba yếu tố: gen di truyền, môi trường sống và tuổi (P = G + E + A). Những người định kiến chính là những người chưa hiểu hết vai trò của các yếu tố cấu thành khả năng của con người. Tuy nhiên, người bị định kiến cũng phải tự vận động để chứng tỏ mình đã thay đổi do môi trường sống (theo nghĩa rộng) cũng như tuổi đời đã thay đổi.



Từ: ThanhLK
15/02/2011 23:43:44

Châu giỏi thật, từ câu chuyện của một người bị bệnh "thần kinh phân liệt", đã rút ra được bài học về tác hại của sự định kiến. Đúng là định kiến sẽ làm tầm nhìn của ta bị bó hẹp, có thể dẫn đến sai lầm trong xử sự giữa người với người. Nhưng em Hạnh nói cũng  đúng, định kiến là đặc tính rất khó khắc phục, đòi hỏi ta phải tự "ngộ" và tự sửa. Nếu ai cũng làm được như Châu đã viết: " Hãy bắt đầu  một ngày không mới định kiến", cuộc sống sẽ dễ chịu hơn nhiều cho tất cả mọi người.


 



Từ: HanhLM
15/02/2011 22:56:28

Một bài học rất hay, nhưng không dễ học, vì tôi cho rằng định kiến là một trong nhiều đặc tính của con người, nó gắn liền với con người.


Chúng ta nhận thức được những hệ lụy của định kiến, nhưng chỉ có thể học để hạn chế nó, chứ khó có thể (thậm chí không thể) loại bỏ được nó ra khỏi đời sống. Giống như mại dâm, người ta chống hoài chống mãi mà có "đào tận gốc, trốc tận rễ" nó được đâu, nhiều quốc gia đã phải hợp pháp hóa nó một cách quy củ đấy thôi!



Từ: ThongNV
15/02/2011 21:57:52

Trong mỗi chúng ta, ai cũng có những tính tốt và tính xâu. Định kiến là một tính xấu. Ai cũng biết vậy, nhưng sửa nó không phải ai cũng làm được. Tại sao vậy? Bởi vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố:


Thứ nhất, cách tư duy  mà đúng hơn là nếp nhăn trên vở não của mỗi người. Cách tư duy này phụ thuộc vào cấu tạo của vở não, cách giáo dục (gia đình, nhà trường và xã hội);


Thứ hai,môi trường xã hội mà quan trọng nhất (theo tôi nghĩ) là cơ chế sử dụng nhân lực. Một xã hội thật sự dân chủ, sống làm việc theo pháp luật . . . thì sẽ hạn chế được định kiến của con người ta.


Tôi đồng ý với ChâuHM là định kiến của lãnh đạo chính là sự cản trở lớn nhát đối với sự phát triển của nhân viên. Nhưng tôi thấy định kiến của cha mẹ với con mình còn tai hại hơn nhiều đối với sự phart triển trí tuệ của đứa trẻ.



Từ: HaiNV
15/02/2011 20:17:01

Quan hệ Vua/ Chúa - Tôi ngày trước, quan hệ Chủ - Tớ Xưa và Nay, quan hệ Thủ trưởng/ Sếp - Nhân viên bây giờ... là một vấn đề rất khó của quan hệ Người với Người (tương tác 2 chiều qua lại). Theo mình, trong Vật lý F= -F thì trong Đời sống cũng xảy ra cái gì đó tương tự như vậy. Rõ ràng, "định kiến" là một sự bảo thủ trong tiềm thức dẫn đến bảo thủ/ sai lầm trong hành động, là một dạng "F", không chỉ có từ phía Vua/ Chúa, Chủ, Sếp mà còn từ phía ngược lại. Như vậy, không chỉ phía nào phải từ bỏ định kiến, mà cả 2 phía thì mọi thứ mới phát triển. Ngày xưa có câu: "Chim khôn tìm cây mà đậu, tôi hiền chọn chúa mà thờ", ngày nay nhân viên cũng sẵn sàng từ bỏ Sếp mà đi, không phát triển ở chỗ này thì ta phát triển ở chỗ khác, có sao đâu?.   



Từ: NhuanNT
15/02/2011 19:30:49

Mình thì cho là cái anh chàng học vẹt kia trong 3 tháng trời mà không 'ngộ' ra một điều cốt yếu là con gà kia không thể 'nuốt sống' anh ta được.


Vì mình không là sếp nên theo mình anh nhân viên giun cũng vậy. Nếu anh đã 'có tài' thì cũng không ngại gì sếp cả. Công việc là những thách thức thường ngày có thể chứng minh được năng lực anh ta. Nếu sếp'cùn' quá thì bỏ đi, chẳng thiếu gì việc hay, sếp 'tốt'.


Theo quan điểm nhà Phật, vạn vật vô thường, thân và tâm ta cũng vậy. Bởi vậy nên ta không những phải học cách nhìn nhận những thay đỗi của người khác mà còn phải cảnh giác với những nhận định của mình. Còn những tầng tầng lớp lớp thói quen, định kiến ( còn được gọi là 'tập khí'-  biết mà không sửa nổi mới khổ ) thì chắc là tu nhiều đời mới bớt đi được.


Vài thiển ý, có gì xin bỏ quá cho.



Từ: NghiPH
15/02/2011 18:31:23

Đúng là, định kiến là thứ bệnh rất khó tẩy khỏi não. Đến như ông Nelson Mandela cả đời đấu tranh chống phân biệt chủng tộc mà vẫn định kiến về người da đen. Nhưng cái tuyệt vời của ông là đã dám nói ra.


Hãy bắt đầu một ngày mới bớt định kiến!



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s