KGU News >>Người KGU
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 16 Tháng hai. 2011

Có cách gì cứu Cụ Rùa Hồ Gươm?




Tác giả: NghiPH

          Có cách gì cứu Cụ Rùa Hồ Gươm?

                                     NghịPH

 

Gươm thiêng, huyền thoại còn mãi đó

Cụ Rùa nghìn tuổi vẫn thức canh...

(Nhà thơ trẻ Thủy Nguyên)

 

Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ Rùa Hồ Gươm” do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức tại Hà Nội ngày 15/02/2011 có đến 15 bản tham luận của các nhà khoa học và chuyên gia trong nước và quốc tế. 

Rất nhiều ý kiến về tình trạng sức khỏe của Cụ Rùa và biện pháp chữa chạy cho Cụ đã được đưa ra.

PGS. Hà Đình Đức- người đã sát cánh cùng Cụ Rùa suốt 20 năm qua nêu ý kiến: Việc Cụ Rùa nổi lên liên tiếp trong năm qua, đặc biệt là trong những tháng gần đây cho thấy đây là điều bất thường. (Năm 2007, Cụ Rùa đã nổi lên 72 lần, còn năm 2010 tần xuất Cụ Rùa “nhô lên” gấp đôi, 134 lần. Chỉ tính riêng tháng 12-2010, Cụ Rùa nổi lên 23 lần. Có tuần Cụ nổi đến 4 lần. Đó là điều khác thường so với quy luật tự nhiên của loài rùa. Lần nào Cụ nổi lên cũng “mang theo” những vết thương lở loét, đỏ tấy khoét sâu trên thân thể…Cách đây mấy hôm, Cụ đã thò bàn chân lên bờ như muốn tìm đường thoát đi. Đây là lần đầu tiên người ta mới được nhìn thấy bàn chân Cụ với 3 cái móng màu vàng. Những ảnh chụp đươc cho thấy, không chỉ trên mai, bàn chân Cụ cũng bị lở loét hết cả).

Theo PGS Đức, sức khoẻ của Cụ Rùa đang ở mức báo động, cần đưa Cụ lên chăm sóc ngay.

TS. Phạm Thị Vân,Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản 1 lại cho rằng, “hiện trên thế giới chưa có nghiên cứu nào về số lần nổi liên quan tới sức khoẻ và thể trạng của rùa”. 

Ông Timothy Mcormack-Điều phối viên Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) đưa ra ý kiến, từ những tư liệu ảnh, video ghi lại trong những lần Cụ Rùa nổi lên cho thấy tình trạng sức khoẻ của Cụ  đang ở mức nghiêm trọng. Nhưng hiện tại vẫn cần phải có thêm nhiều hình ảnh cận cảnh hơn nữa, thậm chí cần tiến hành lấy mẫu để nghiên cứu, xác định tình trạng sức khoẻ, giới tính của Cụ Rùa.

Xung quanh ý kiến cần đưa Cụ Rùa lên bờ để chữa chạy vết thương, chăm sóc sức khoẻ trong môi trường nước sạch hay chữa trị ngay tại dưới lòng hồ kết hợp với xử lý môi trường nước, bác sĩ thú y cao cấp Nimal Ferando Ocean Park (Hồng Kông), cho rằng, “phác đồ điều trị” cho Cụ bây giờ là phải tiêm thuốc, thậm chí là phẫu thuật và ít nhất phải mất khoảng 6 tháng mới khỏi được. Vì vậy, tốt nhất là giữ Cụ ở tại môi trường nước của Hồ Gươm, vừa kết hợp điều trị bệnh vừa cải tạo, thay đổi môi trường nước dưới hồ thay vì đưa lên môi trường khác.

            Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chủ tịch tập đoàn thương mại Hà Nội KAT- một chuyên gia nuôi rùa và nghiên cứu về rùa hiến kế, cần tạo một đài phun nước, nơi sâu nhất hồ, tạo ôxy, gắn camera theo dõi (chắc chắn Cụ Rùa về đây để hóng nước mới). Sau đó sẽ tiến hành xác định mức độ thương tật. Thuốc cho Cụ sẽ gồm kháng sinh thảo dược, đặc biệt là bột tam thất trộn lẫn với thức ăn rồi thả xuống cùng với bèo tây (để làm sạch nước sau đó sẽ vớt đi). Ông Khôi còn đưa ra ý kiến (khác với PGS Đức), hồ Gươm có tới 2 Cụ Rùa.

            PGS.TS Hà Đình Đức đưa ra 8 kiến nghị:1.Cần thiết đưa Cụ Rùa lên bờ và chữa trị kịp thời; 2. Làm vệ sinh môi trường hồ, vớt hết những rác, hay chướng ngại vật trong lòng hồ, vì theo nhiều nhà khoa học đây có thể là một trong những nguyên nhân gây vết thương trên mình Cụ; 3 Kiểm tra hệ thống thoát nước của các nhà hàng đang hoạt động gần hồ; 4.Làm hệ thống thông cống có cửa đóng mở, cải tạo nước hồ; 5. Thực hiện tiếp dự án nạo hút bùn; 7.Thành lập labo mini để thu thập thông số môi trường của hồ; 6.Dọn dẹp bê tông, gạch đá để Cụ Rùa có thể bò lên chân tháp Rùa nghỉ ngơi; 8. Cuối cùng, cần tuyên truyền ý thức người dân phóng sinh rùa tai đỏ và các sinh vật lạ xuống hồ. Về ý kiến có 2 Cụ Rùa, ông Đức vẫn  bảo lưu quan điểm, chỉ có 1 Cụ Rùa duy nhất sống ở Hồ Gươm.

Phát biểu cuối Hội thảo, ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, Sở Khoa học Công nghệ ghi nhận những ý kiến tâm huyết cứu Cụ Rùa của các nhà khoa học, các chuyên gia. Các giải pháp tổng thể về môi trường mặt nước, lòng hồ... tuyên truyền nâng cao ý thức người dân là có thể triển khai. Riêng phương án đưa Cụ rùa lên bờ hay chữa trị tại chỗ hiện vẫn còn nhiều phương án khác nhau. Chính vì vậy, trên cơ sở tổng hợp lại các ý kiến, Sở có thể tổ chức thảo luận kỹ hơn với các chuyên gia mới đưa ra phương án cụ thể trong thời gian tới.

Như vậy, trước mắt chưa có giải pháp khẩn cấp nào được thực hiện để chữa bệnh cho cụ Rùa. Có lẽ “vấn đề” của Cụ Rùa Hồ Gươm là một vấn đề thuộc về tâm linh nên phương án khẩn cấp cứu Cụ Rùa tại Hội thảo dường như chưa có.

Còn cơ quan quản lý và nhà chức trách thì sao?

 

 

Cụ Rùa với vết thương trên cổ

 

                                         Cụ Rùa với chùm lưỡi câu

                 

 

                          Cụ Rùa sống trong nước hồ ô nhiễm

 

              Rùa tai đỏ "nghêng ngang" trên lưng Cụ Rùa

 

 

 

                    Cụ Rùa gặm ống ngầm

 

                                      Cụ Rùa muốn trèo lên bờ

 

         Một Cụ Rùa đã thành tiêu bản trong Đền Ngọc Sơn

 

 

           Cụ Rùa bơi trong bóng Tháp Rùa ngày mồng Hai Tết Tân Mão


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 16-02-2011 17:05






Xem 1 - 8 của tổng số 8 Comments

Từ: HaiNV
20/02/2011 22:07:24

Em Liên à, có nhiều vấn đề khoa học cần phải giải quyết:


1) Trước hết, cần phải xác định chính xác: Rùa Hồ Gươm có phải là loài mới? (các mẫu xương còn lại của các cá thể đã chết cho kết quả loài mới rồi), bây giờ phải trực tiếp phân tích được DNA của Cụ đang sống, rồi xác định thêm giới tính.


2) Nếu tìm được (các) cụ Rùa khác ở Đồng Mô, Thanh Hóa, Phú Thọ... giám định DNA, nếu thấy cùng loài, khác giới, thì có thể lai, nhưng cũng còn vấn khác về tuổi tác, khả năng sinh sản...?


3) Ở Trung Quốc chỉ có 1 loài được gọi là "Giải Thượng Hải", vì vậy, nếu chắc hẳn là loài khác thì không thể lai với Rùa HG được. Hiện nay, TQ cũng chưa thành công với việc sinh sản của "Giải Thượng Hải" đâu!. 


PS. Mời các anh chị xem tin thêm về Rùa HG là loài mới http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201109/20110222003438.aspx



Từ: LienTT
19/02/2011 22:53:17

Em nghe nói có 4 cụ giống cụ rùa Hồ Hoàn kiếm. Cụ ở Thượng Hải đã có 3 hậu duệ. Sao mình chưa làm giống TQ?



Từ: HaiNV
19/02/2011 18:53:48

Các bạn ạ, bọn mình đã rất cố gắng để giám định gen Cụ Rùa Hồ Gươm, nhưng tất cả phải làm gián tiếp, tức là chỉ phân tích được DNA của các mẫu xương của 1 Cụ trong Đền Ngọc Sơn, 1 Cụ ở Bảo tàng Động vật ĐHQGHN, 1 Cụ "họ hàng" tại Bảo tàng Wien, Austria (họ rất nhiệt tình gửi cho), 1 Cụ/ con cháu ở Đồng Mô, Thanh Hóa... Tóm lại, chưa được phép "sờ" vào Cụ đang sống, mặc dù ngày ấy bọn mình đã chạy đôn đáo gặp các LĐ cao nhất của TP HN...Do đó, chưa thể đăng báo quốc tế cũng như chưa  xác định được là "Cụ ông" hay "Cụ bà"?     



Từ: NghiPH
19/02/2011 17:16:45

Thưa chị Nhuận và anh Bắc Hải


Bước đầu đã có tin vui đây: Ngày 18/2, UBND TP. Hà Nội cho biết, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP đã ký Quyết định số 807/QĐ-UBND về việc thành lập ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ Cụ Rùa Hồ Gươm. Trưởng ban chỉ đạo là ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND TP, Phó ban là ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ. Ban gồm 7 thành viên, trong đó có PGS-TS Hà Đình Đức (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) và Giám đốc các sở: Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa- Thể thao- Du lịch; Phó giám đốc Sở Xây dựng, Phó văn phòng UBND TP và Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm. Ban chỉ đạo đã họp phiên họp đầu tiên để triển khai các nhiệm vụ cấp bách chữa trị, chăm sóc và bảo vệ cụ rùa. Ban cũng chỉ đạo các ban, ngành chức năng của thành phố thực hiện các biện pháp tổng thể, đồng bộ xử lý ô nhiễm môi trường Hồ Gươm, trước mắt sẽ thu dọn chướng ngại vật, nạo vét lòng hồ, bắt rùa tai đỏ, xử lý ô nhiễm nước...


 Vài ngày nữa, có thể, Cụ Rùa sẽ được đưa lên bờ để kiểm tra sức khỏe và chữa trị các vết thương. Mấy ngày qua, Cụ Rùa nổi liên tục.


 



Từ: 3Chai
19/02/2011 12:16:53

Việc xác định được Rùa Hồ Gươm là một loài mới là một phát kiến khoa học đáng kể, xin chúc mừng HaiNV et al. 


Một mặt khác phát kiến này theo mình cũng cho thấy việc cứu dòng họ Cụ Rùa sẽ càng khó khăn hơn. Có lẽ chỉ còn cách duy nhất là cloning, không biết áp dụng trên bò sát có khó hơn động vật có vú không? Các  chiên gia thì còn bận hội thảo, trong khi cụ rùa có thể đi bất cứ lúc nào! Chỉ mong sao các chiên gia đừng chờ đến khi ấy mới đem cụ đi ướp và cất giữ được một ít DNA!


Đã lấy được mẫu phân tích gene mà sao không dấn lên xác định xem đó là cụ ông hay cụ bà? Chắc là đến đó thì đề tài hết kinh phí :).


 


 



Từ: NhuanNT
18/02/2011 08:36:33

Đúng là kẻ thấp trí này không hiểu nổi bác Nghị ạ. Tôi không hiểu tại sao lại cần đến bao nhiêu cuộc hội thảo 'quốc tế' trong quá khứ và trong tương lai nữa để để bàn về sức khỏe của cụ rùa trong khi các nhà khoa học còn chưa biêt có mấy cụ rùa, cụ ông hay cụ bà, tuồi tác, sức khỏe hiện nay ra sao (ngòai những vết lở lóet chụp được mà không cần là nhà khoa học cũng nhìn thấy).


Các nhà khoa học cũng chưa biết các thông số cần thiết về môi trường sống của cụ. Cái này theo thiển nghĩ, những mẫu xét nghiệm chất lương nước, bùn trong hồ theo mùa thì chẳng cần một phòng thí nghiệm riêng mà cũng chẳng cần đến một trí tuệ siêu phàm của các vị Tiến sỹ cũng làm được. Khổ thân (các) cụ quá, nước hồ chắc độc hại cả về hóa chất lẫn sinh học ( vô số vi khuần, ký sinh trùng... có thể gây bệnh). Trong bài của bác Nghị, tiếc là chỉ thấy hình ảnh 'nước ô nhiểm'


Chắc các nhà quản lý môi trường cũng chưa biết được có bao nhiêu nguồn nước 'nuôi hồ', chúng độc hại hay sạch sẽ ra sao?


Tôi cứ nghĩ, nếu có tiền tổ chức hội thảo thì trước tiên dành tiền đó cho các nghiên cứu cơ bản, có bài bản và đồng bộ về hồ gươm và rùa.


Đấy là mình đứng ngòai mà nói (dể lắm), cũng như những người trong cuộc có kế họach mà chẳng động chân tay thì sẽ chẳng có kết quả gì. Trong 8 kiến nghị của TS Phạm đình Đức thì tới 6 cái liên quan tới môi trường, trong tầm tay của các nhà chức trách. Mình chẳng thiếu tài năng và tiềm bạc cho vụ này, chỉ thiếu cái thực tâm...


Nghị nói các nhà chức trách vẫn đang bàn...


Các vị cứ bàn, nhưng hãy bắt tay dọn dẹp chỗ ở cho (các) cụ trước đã. Nhà sạch, 'không gian' sạch chắc các cụ dễ thở hơn.


Rồi khám bệnh cho các cụ


Khi biết bệnh, ta mới điều trị được phải không ạ (lúc này là phải bàn thật sự đấy).


Chúc Nghị, người có tâm với (các) cụ rùa, có đủ sức lực để góp công cứu giúp (các ) cụ.


 



Từ: NghiPH
16/02/2011 22:48:48

Vào 10 giờ sáng nay, thứ Tư, ngày 16/2, CRùa lại nổi lên mặt nước giữa thời tiết lạnh giá của Hà Nội. Cụ ni suốt hàng giờ liền.


Nhiều người chứng kiến đã nhận thấy rõ một vết thương rộng miệng rất lớn trên lưng Cụ. Bên cạnh đó, các vết thương khác chi chít cũng đang hành hạ CRùa. 


            Các nhà chức trách vẫn đang bàn luận nên chưa có giải pháp cụ thế nào được tiến hành.



Từ: HaiNV
16/02/2011 19:11:46

Cám ơn Nghị đã đưa tin về sự nguy cấp của "Cụ" Rùa Hồ Gươm. Từ gần 10 năm nay, mình có tham gia (cùng nhiều chiến hữu - trên 10 tác giả tại Viện CNSH, dưới sự chỉ đạo của GS. Lê Trần Bình, hợp tác với "PGS./ GS. Rùa" Hà Đình Đức- ĐHQGHN), nghiên cứu giám định gen Rùa Hồ Gươm. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định: Rùa Hồ Gươm là một loài mới, không phải là Giải Thượng Hải (như một số nhà khoa học khác trong và ngoài nước bấy lâu nay vẫn cho là như vậy!). Xem thông tin báo chí: 


http://thethaovanhoa.vn/133N20101002105240040T3/bac-bo-chuyen-rua-ho-guom-thuoc-loai-giai-thuong -hai.htm


Còn việc cứu "Cụ" ra sao, đành phải chờ các nhà quản lý thôi!



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s