NGƯỜI KGU KHÓA 1 (Phần 1)
Tác giả: Thục Anh Hóa 1967
NGƯỜI KGU KHOÁ 1 (I)
Thật là may mắn và cả tự hào nữa vì chúng tôi là những người Việt Nam đầu tiên đến học tập tại KGU. May mắn vì được hưởng sự chăm sóc, giáo dục tận tình của nhà trường và sự quan tâm của người dân Moldova trước các bạn (học tại các khoá sau). Còn tự hào ư? Có thể nhiều bạn nghĩ rằng đã là người KGU thì ai mà chẳng tự hào, các anh, chị khoá 1 có gì khác nào (mà kiêu hãnh thế!). Có chút khác biệt đấy, vì ngày ấy (1962) ở trong trường ngoài các bạn người Tarta đã quen mắt và mấy anh bạn châu Phi thì chỉ có chúng tôi là dân đầu đen, đi đến đâu cũng gây ra sự chú ý của mọi người. Ra phố, người ta tưởng chúng tôi là người Trung Quốc, khi nói là "Việt Nam", nhiều người trố mắt, ngạc nhiên vì không biết cái quốc gia này ở đâu. Dần dần, mọi người quen đi; gặp nhau trên các đường/phố Ленина, ПирогоBа, chợ Nông trường... chúng tôi không còn bị hỏi nhiều nữa. Vậy là, ở cấp thường dân, chúng tôi là những người đầu tiên gieo đại trà khái niệm "Việt Nam" vào lòng dân Kishinhôp nói riêng và dân Moldova nói chung.
Có biết bao điều muốn nói và có thể nói để chia sẻ với nhau những cảm xúc, kỷ niệm về một thời sinh viên đáng nhớ tại KGU. Cám ơn diễn đàn người KGU đã cho tôi cơ hội được "thể hiện" mình. Tôi cũng xin phép các anh/chị, các bạn khoá 1 và cả khoá 2- những người chưa có điều kiện tham gia Hội (chợ) người KGU kể lại những gì tôi biết hoặc cảm nhận được để các bạn, các em thuộc các khoá sau biết được phần nào cuộc sống, hoạt động của các khoá đầu. Cùng là người KGU cả nhưng thời nào lại có chuyện của thời ấy, khóa 1 cũng có những chuyện/sự kiện chẳng giống ai, không kể ra cũng tiếc!
Hồi tưởng thường là lan man, chuyện nọ gắn với chuyện kia, có khi không đầu không đuôi, chuyện riêng, chuyện chung lẫn lộn...mong các bạn đọc thông cảm.
Ước mong
Vào những năm 50 gia đình chúng tôi tản cư theo cơ quan của bố tôi tại Đại Từ, Thái Nguyên. Một lần, cậu ruột tôi khi đó công tác tại Cục Địch vận (nghe mọi người nói vậy chứ chúng tôi đã biết gì) đến thăm 3 mẹ con tôi. Lúc đó tôi chừng 7-8 tuổi, chỉ thích nghe cậu hát. Chiều lòng bọn trẻ, cậu tôi hát 1 bài dài và nghe hay lắm, trong đó có 1 câu là "đơ svi đa nhi a ma ma, con đi nhé, mẹ lại nhà, con đi chiến đấu...". Tôi rất thích mấy cái từ lạ tai nghe như thần chú ấy và thích cả giai điệu của câu hát mà tôi vẫn nhớ đến bây giờ, tuy ngày ấy chẳng hiểu gì. Mãi sau này tôi mới biết đó là những tiếng Nga đầu tiên tôi được nghe, nhưng rồi "định mệnh" lại cho tôi học Trung văn suốt 6 năm trời, từ lớp 5 đến lớp 10. Lớp cấp 3 của tôi (trường Chu Văn An B, nguyên là trường Nguyễn Trãi 3 sáp nhập vào) có một nửa học tiếng Nga nên đến giờ ngoại ngữ lại tách làm 2 nhóm. Nhóm Trung văn chúng tôi luôn ấm ức, ghen tỵ với nhóm Nga văn, cảm thấy mình thiệt thòi và yếu thế mỗi khi nghe các bạn nhóm kia nói mấy câu tiếng Nga, dù chỉ là chào nhau. Hồi đó phong trào học tiếng Nga lên cao, bố tôi theo học trường Nguyễn Ái Quốc cũng được học tiếng Nga. Vậy mà mình thì mù tịt, muốn học cũng chẳng được ai dạy, thời ấy làm gì có các lớp, trường dạy ngoại ngữ mọc lên như nấm sau cơn mưa như những năm sau này. Tiếng Nga là cái gì đó cao vời vợi mà tôi không sao với tới được.
Tháng năm trôi đi, hết lớp 10, tôi chuẩn bị thi đại học. Tôi muốn thi vào trường Đại học Bách khoa, nhưng theo tiếng gọi của Đoàn (tuần nào học sinh khối 10 cũng họp Đoàn và được kêu gọi thi vào các ngành sư phạm, nông nghiệp), tôi (đành) viết đơn xin thi vào Đại học Sư phạm theo phong trào và ghi nguyện vọng 2 là Đại học Tổng hợp, theo lời khuyên của thày giáo chủ nhiệm lớp từ thời cấp 2. Khi các trường niêm yết danh sách thí sinh, tôi đạp xe khắp nơi, từ ĐHSP sang ĐHTH, rồi ĐHBK, không danh sách nào có tên tôi. Quay về trường hỏi thì được biết đơn xin thi đại học của tôi đã được chuyển cho trường ĐHTH và tôi có tên trong danh sách đi học nước ngoài. Niềm vui đầu tiên của tôi là không phải ôn thi đại học. Ít lâu sau chúng tôi được gọi đến tập trung tại trường Đại học ngoại ngữ ở Gia Lâm. Việc đầu tiên là kiểm tra sức khoẻ, một số người phải chia tay sớm với ước mơ xuất ngoại, tôi may mắn qua được cửa ải này.
Khi con đường du học đã mở ra thì một mối quan tâm thật to lớn xuất hiện, đó cũng là đề tài bàn tán, phỏng đoán của hàng trăm du học sinh tương lai với bao hy vọng và lo âu. Mối quan tâm đó là được đi nước nào. Câu nói "Muốn giàu đi Đức, kiến thức đi Nga" không biết có tự bao giờ nhưng đã lưu truyền trong lớp học sinh chúng tôi ngày ấy. Thực lòng mà nói, đại đa số chúng tôi muốn đi Nga, ít người mơ đi Đức vì khả năng này rất nhỏ. Chúng tôi chỉ mong không có tên trong danh sách đi Trung Quốc. Tôi thấp thỏm chờ đợi với tâm trạng của một kẻ đã có thâm niên 6 năm học tiếng Trung. Thế rồi giờ phút mong đợi và lo lắng ấy đến, cả trường tập trung nghe ban giám hiệu công bố danh sách đi các nước. Không có phản ứng gì đặc biệt sau khi thày hiệu trưởng đọc xong tên những người đi Đức. Tiếp theo là danh sách đi Trung Quốc. Cả trường nín lặng, căng thẳng lắng nghe. Khi tên người cuối cùng được xướng lên, hội trường đã vỡ oà trong tiếng reo hò, la hét của mấy trăm con người không có tên trong cả 2 danh sách nói trên. Chúng tôi ôm nhau nhảy nhót, sung sướng và mãn nguyện trong sự thất vọng của hơn 100 bạn có tên trong nhóm thứ 2. Bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in cái không khi sôi động của buổi tối đó. Ước mong được học tiếng Nga của tôi đã trở thành hiện thực và hơn cả thế, tôi còn được đến học tập tại quê hương của Puskin, Lermôntôp, Tolstôi, Gorki, Lênin, Pautốpski...
Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy mình thật may mắn. Nếu ngày đó đi TQ, có thể tôi đã trở thành 1 bác sĩ thú y vì nhiều bạn cùng khoá phổ thông đã được phân công học ngành này, chắc gì tôi là ngoại lệ. Và cũng nếu như vậy, có thể tôi đã bỏ nghề hoặc đang là chủ 1 trại nuôi gà hay lợn gì đó ở ngoại thành Hà Nội, có 1 cơ sở cung cấp trứng gà và thịt lợn sạch cho người nội thành... Những cái "nếu" ấy mà trở thành hiện thực thì tôi đã chẳng có cơ hội đến KGU và càng không thể болтать trong cái chợ người kgu này.
Năm học tiếng Nga
Khác với phần lớn người KGU, chúng tôi học tiếng Nga ở VN, tại trường đại học ngoại ngữ Gia Lâm.
Sau buổi tối đáng nhớ nói trên, chúng tôi được chia vào các lớp để học tiếng. Có hơn 30 lớp học tiếng Nga, mỗi lớp khoảng 25 người. Học sinh các trường phổ thông nội thành Hà Nội tập trung vào các lớp Nga 4, 5, 6. Tôi ở Nga 6 cùng với 3 bạn học Chu Văn An nữa, trong đó có 2 người cùng lớp 10 với tôi. Lớp tôi có 6 nữ, lúc đầu chỉ được xếp 4 chỗ ngủ vì tôi và 1 bạn nữa bị nhầm là con trai do tên chúng tôi không có chữ "thị". Trong lớp có hơn 1/3 là cán bộ đi học.
Hành trình đến KGU của chúng tôi bắt đầu từ đây, từ các bài học tiếng Nga đầu tiên. Một số người đã học tiếng Nga ở phổ thông nên thời gian đầu rất nhàn hạ trong khi phần lớn phải bắt đầu từ a, be, ve...Chúng tôi được chuyên gia Liên Xô dạy ngay từ đầu, mỗi tuần 3 buổi chủ yếu là dạy phát âm và hội thoại, phần còn lại do giáo viên Việt Nam dạy. Cô giáo người Nga của lớp tôi tên là Tamara Mikhailôpna. Hai giáo viên Việt Nam- thày Cảnh và cô Nguyệt- đều rất trẻ, có lẽ chưa đến 25 tuổi. Cô Nguyệt khá xinh, có duyên, rất điệu, nói năng nhẹ nhàng. Tôi rất thích nghe cô phát âm kéo dài các từ "да" và "нет", nhưng sau này khi đã tiếp xúc nhiều hơn với người Nga thì tôi lại thấy là cô nói quá điệu làm cho tiếng Nga của cô mất đi vẻ tự nhiên và không...Nga.
Vài tháng sau, trình độ tiếng Nga của bọn i tờ chúng tôi đã tương đương với những người trung bình của nhóm đã học trước. Từ cuối học kỳ I, việc học trở nên dễ dàng hơn, chúng tôi đã tìm đọc các sách, báo tiếng Nga đơn giản, phần lớn là truyện thiếu nhi. Tôi rất thích xem từ điển, tối nào cũng ôm theo quyển từ điển Nga-Việt do Nguyễn Năng An biên soạn đến lớp. Gìơ tự học buổi tối bắt buộc phải đến lớp, hết giờ mới được ra ngoài. Học xong bài, chưa đến giờ nghỉ cứ việc chơi cờ ca rô, đọc truyện...miễn là không ồn ào. Cán bộ lớp thường là những người lớn tuổi trong lớp, học hành có phần khó khăn hơn, phải tập trung vào bài vở nên không ai để ý đến người khác làm gì. Trong điều kiện thuận lợi ấy một số sản phẩm tiếng Nga ra đời (không phải tác phẩm đâu nhé), phổ biến nhất là thơ dịch, bài hát dịch theo kiểu Bút Tre. Những câu thơ của Tố Hữu bằng tiếng Nga mà bạn Bổng (hay Bồng?) đọc cho cô giáo Nga văn nghe tại Kishinhôp, theo tôi có thể là "dịch bản" của mấy anh cựu học trò Phổ thông 3 và Chu Văn An. Chính bản thân tôi đã được họ gọi xuống cuối lớp để nghe những câu thơ này (tôi vẫn nhớ rõ ai đọc) trong 1 buổi tối tự học, sau khi nghe mọi người rúc rích cười khá lâu. Chỉ có 1 chi tiết nhỏ trong câu đầu mà bạn Bổng đã đọc là khác so với nguyên bản tôi được nghe: tôi đã nghe từ "фея" thay cho "дочKа бога". Các câu còn lại hoàn toàn giống nhau. Đó là 1 đoạn trong bài thơ của Tố Hữu về chị Trần Thị Lý, mở đầu là "Em là ai, cô gái hay nàng tiên"... Rất có thể những câu thơ dịch này đã có từ trước, lớp chúng tôi chỉ kế thừa; điều thú vị là chúng được lưu truyền rộng rãi qua năm tháng và còn đến với cả cô giáo Nga văn của KGU. Chưa hết, lại còn bài hát Lăm tơi nữa, tôi chỉ nhớ câu đầu: "эх, этот парень, я не Mогу петь лаMтой". Cả lớp xúm lại, thích thú, không còn trật tự nữa, các anh cán bộ lớp cũng tham gia.
Cuối năm học trường tổ chức thi học sinh giỏi với 2 môn: nghe, nói. Với môn nghe, chúng tôi ngồi tại lớp, nghe chuyên gia đọc bài qua hệ thống loa rồi ghi lại. Về thi nói, người dự thi phải trình bày 1 vấn đề hay kể 1 câu chuyện trước lớp, các thày cô và chuyên gia cùng nghe. Sau vòng sơ tuyển là vòng chung kết. 14 người có điểm cao nhất đã được chọn, được vinh danh là "kiện tướng" và tuyên dương trong lễ bế giảng. Tôi cũng được là 1 trong số 14 này. Không hiểu sao lại là 14 người mà không phải 10 hay 15 như thông lệ. Tôi đoán rằng trong số này có 4 người thuộc diện "bỏ thì thương, vương thì tội" nên để khuyến khích các lưu học sinh tương lai, nhà trường đã phong tất cả là kiện tướng. Tôi chỉ nhớ được 1 người trong số các "kiện tướng" năm 1962, đó là Nguyễn Đức Vinh, cựu học sinh trường phổ thông 3 Hà Nội, học tại lớp Nga 5, cùng chi đoàn với tôi, khi sang Liên Xô học trường Bản đồ-trắc địa Mascơva. Tôi tin Vinh là kiện tướng thuộc top 3 hay ít nhất cũng là top 5, còn tôi, chắc là ở trong nhóm được vớt vát. Tiếc rằng Vinh đã ra đi quá sớm, cách đây hơn 30 năm sau một tai nạn giao thông thảm khốc trên đường trở về Hà Nội từ 1 chuyến công tác. Khi ra đi bạn đã là tiến sỹ, còn chúng tôi- tôi và 2 đồng nghiệp KS, BV của bạn cũng đã trở lại CCCP để tiếp tục con đường học hành mà bạn đã đi trước mấy năm. Tôi viết những dòng này để tưởng nhớ bạn, xin gửi cho bạn và những người thân của bạn, mặc dù bạn không phải là người KGU.
Những ngày học tiếng Nga ở Gia Lâm khá vui. Chúng tôi sống trong những ngôi nhà cấp 4, mỗi phòng có khoảng 15-20 người, với những chiếc giường 2 tầng. Buổi trưa nhìn lên trần nhà ngắm mấy con chuột đi ra đi vào theo mái nhà, có lẽ chúng thất vọng lắm vì không tìm thấy thứ gì ăn được trong phòng chúng tôi. Mấy gói sôi mua ở chân đê đã hết sạch từ sáng sớm, trước giờ lên lớp. Cơm 2 bữa ăn tại nhà ăn của trường theo chế độ cao hơn sinh viên học trong nước, nhưng không thừa thãi cho các con vật ăn theo. Bữa nào có món thịt gà rang, những người ăn chậm như tôi luôn được hưởng lợi, bởi vì mọi người đều rất, rất là lịch sự, nhường nhau nên đến cuối bữa mấy miếng thịt gà hầu như vẫn còn nguyên trên đĩa, ai chưa rời mâm đương nhiên phải giải quyết. Khi muốn thay đổi thực đơn, chúng tôi (mấy bạn nữ có xe đạp) ra phố Gia Lâm. Cổng trường luôn đóng (có mở cũng chẳng được ra), chúng tôi tìm được đường "tiểu ngạch" qua chỗ hàng rào đổ ngay gần nhà ở, qua 1 đoạn đường làng, lên mặt đê đi thêm 1 quãng là đến chỗ rẽ ra phố Gia Lâm. Chúng tôi luôn mong đến chiều thứ 7 để được về nhà. Ngày chủ nhật được gặp bạn bè khi đó đã là sinh viên các trường đại học, nghe họ kể về những môn học mới, những đợt tập quân sự...rất là hấp dẫn. Hơn nữa, còn được "bát" phố, vào hiệu sách Ngoại văn Tràng Tiền tìm sách tiếng Nga, được ăn các món ưa thích ở nhà. Chiều chủ nhật mọi người trở lại trường với những tâm trạng khác nhau: mệt mỏi, vui, buồn... Bao giờ chúng tôi cũng có quà cho những bạn cùng phòng ở lại trường ngày chủ nhật và có cả mớ chuyện để kể cho nhau. 7 giờ tối lại phải lên lớp tự học. Một tuần mới bắt đầu và ngày lên đường cũng nhích lại gần hơn.
Tuy nhiên, không chỉ có niềm vui và hy vọng mà còn có đôi chút căng thẳng trong năm học ngoại ngữ ở Gia Lâm. Căng thẳng do học cũng có, nhưng không nặng nề, kéo dài. Thỉnh thoảng lại thấy có người ra về (không tiếp tục học), tuy số này rất nhỏ nhưng cũng gây ra sự chú ý và ít nhiều lo ngại cho một số người. Chúng tôi cứ đoán già đoán non rằng có lẽ trong биография của họ có gì không rõ chăng. Rồi lại xuất hiện vài nhân vật từ khoá trước đến để chuẩn bị đi cùng chúng tôi. Nghe nói có người trước khi lên tàu còn bị gọi trở lại để làm rõ điều gì đó, thế là lỡ mất 1 năm học. Những người dính vào scandal dù nhỏ cũng thấy lo lo. Một bạn cùng lớp Nga 6 với tôi đã bi quan cho rằng sẽ phải ở lại học trong nước vì có lần bị kiểm điểm trước tổ do nói năng không thận trọng, bị kết tội kiêu căng. Nhưng điều xấu đã không xảy ra, bạn tôi vẫn đi Liên Xô như mọi người, sau khi tốt nghiệp còn được giữ lại học tiếp NCS.
Năm học kết thúc, điều chờ đợi nhất đã đến, đó là sự phân công ngành học. Hồi hộp nhưng không căng thẳng như khi được phân học tiếng lúc đầu. Tôi cầu mong không bị rơi vào mấy ngành lưu trữ, thư viện, địa lý, nông nghiệp, y. Cầu được ước thấy, tôi được phân công học ngành hoá tại trường ĐHTH Kishinhôp. Thêm 1 bước, mà là bước dài trên con đường tới KGU. Thật ra khi đó tôi hơi thất vọng về nơi học tương lai vì trong đầu chỉ có khái niệm về MGU, LGU hay ĐHTH Kharcôp. Không biết Kishinhôp ở đâu, có lẽ là một nơi heo hút mà ngày nay chúng ta gọi là vùng sau vùng xa, như cái địa danh Nantrich vậy. Được đi Liên Xô mà lại không được học tại các trường danh tiếng, kể cũng hơi buồn. Nỗi thất vọng của tôi qua đi nhanh chóng khi được biết còn hơn 40 người cùng đi Kishinhôp và chúng tôi là những lưu học sinh VN đầu tiên tại Kishinhôp.
Trước khi đi ít hôm chúng tôi được tiêm chủng. Tôi bị nhiễm trùng, vết tiêm sưng to như quả táo ta, các chị y tá phải chích ra rồi băng lại, đến nay vẫn còn 1 vết sẹo nhỏ như hạt đậu trên cánh tay. Lại còn được tập nhảy nữa, mỗi lớp cử 2 người đi tập trước rồi về hướng dẫn lại cho lớp. Cận ngày đi chúng tôi được phổ biến các quy định đối với lưu học sinh, tình hình lưu học sinh tại Liên Xô, thông báo vài trường hợp bị kỷ luật toàn liên bang... Hành trang lên đường đã sẵn sàng: ngoài vốn tiếng Nga học được trong năm còn có 1 cái vali to bằng vải bạt với một bộ sưu tập các loại đồng phục không rõ do ai thiết kế, bao gồm quần trắng áo dài, paltô dạ màu đen, áo len cổ lọ, khăn len dài, 2 bộ váy-vest bằng dạ đen và len màu xanh ghi...
Kishinhôp-những ngày đầu
Sau gần 10 ngày trên tàu hoả, vượt qua con đường liên vận Hà Nội-Bắc Kinh-Mascơva-Bucarest dài trên 10.000km chúng tôi đến ga Kishinhôp vào 1 buổi sáng cuối tháng 8. Tất cả được đưa về общежитие 3. Ký túc xá vắng tanh vì năm học chưa đến. Chúng tôi nhận phòng và được thông báo rằng hôm sau sẽ đi Ôđetxa nghỉ. Bất ngờ quá. Vừa mới chân ướt chân ráo đến CCCP đã được ra Biển Đen nghỉ, mà lại là Ôđetxa-một thành phố nổi tiếng, nơi Bác Tôn đã kéo cờ chào mừng Cách mạng tháng 10. Trường cử 2 cán bộ Đoàn cùng đi. Chúng tôi ở trong những ngôi nhà nhỏ ngay cạnh con đường dọc theo bờ biển. Ngắm nhìn mặt biển, chỉ thấy 1 màu tối xẫm, đúng với tên gọi "biển Đen". Chị Lena-một trong 2 cán bộ Đoàn- dẫn chúng tôi đi mua áo tắm cách nơi ở khoảng 1 km. Tìm mãi mới được 1 cái vừa cỡ, màu da cam xen màu trắng, lại co dãn được. Buổi chiều ra biển, bãi biển đã chật kín người phơi nắng, ai nấy trần gần...như nhộng, da dẻ đỏ au. Quang cảnh bãi biển khác hẳn so với VN. Người mình thường tắm nhiều hơn là phơi nắng, vùng vẫy chán chê dưới nước rồi lên tráng nước ngọt, ít tắm nắng. Tiếng là đi nghỉ ở Biển Đen, nhưng chúng tôi rất ít tắm biển vì...lạnh quá, cuối tháng 8 rồi còn gì. Sau đêm đầu tiên, nhiều người kêu lạnh nên người ta cho mỗi người thêm 1 cái đệm. Trong mấy ngày ở Ôđetxa chúng tôi được tham quan thành phố, được vào nhà hát nổi tiếng của thành phố. Rất tiếc chúng tôi không có máy ảnh để ghi lại những hình ảnh ban đầu của K.1 tại Ôđetxa và những ngày đầu ở Kishinhôp. Thời gian này người dân Ôđetxa vẫn còn bàng hoàng về vụ án mạng xảy ra tại trường Khí tượng thuỷ văn, nạn nhân là 1 nữ sinh viên VN học trên chúng tôi 1 khoá (có lẽ mọi người đã nghe nói về vụ này). Một lần trong lúc dạo chơi trên bờ biển một bà người Nga hỏi tôi có biết chuyện trên không và hỏi thêm: "Có phải ở Việt Nam khi người ta không yêu được nhau thì giết nhau không?" và bà cứ nhắc đi nhắc lại "yжасно, yжасно". Tôi cố giải thích để bà hiểu rằng chuyện này đối với người Việt cũng là yжасно và đây là trường hợp đầu tiên của Việt Nam mà tôi biết.
Trong mấy ngày ở Ôđetxa những người KGU khoá 1 đã làm quen với nhau, biết tên nhau và biết ai học khoa nào. 28 người học hoá, 18 người vào khoa Sinh vật-Thổ nhưỡng. Trước đó tôi chỉ biết mấy bạn nữ, biết sơ sơ thôi, trừ chị Ngọc Mỹ là quen biết từ lâu vì tôi học cấp 3 cùng với em chị. Tôi đặc biệt ấn tượng với 2 anh Thứ (thổ nhưỡng) và Quang Hồng (hoá); 2 anh này thuộc loại cứng tuổi, to, đen, nói năng ngang ngang dễ sợ. Thực ra anh Hồng là người hiền lành, anh Thứ sau này hay ốm có lúc phải đi nghỉ ở sanatoria. Cả hai anh đều không còn nữa.
Trở về Kishinhôp, vừa vào cửa tôi đã được bà thường trực đỏm đáng- тётя Лена dúi vào tay 1 quả táo. Sau đó, mỗi lần đi học về bà thường cho tôi lúc quả lê, lúc quả táo, nói là của vườn nhà. Tôi thấy ấm lòng vì sự quan tâm giản dị này. Tôi về phòng 69, tầng 3 cùng bạn Sức. Một nữ sinh viên đã đợi chúng tôi, tự giới thiệu là Sveta Julêbina, người Nga, học hoá năm thứ 2. Chúng tôi có cảm tình ngay với Sveta, từ thái độ ân cần, giọng nói nhẹ nhàng, khuôn mặt đẹp dễ thương...Tôi và Sveta sớm trở nên thân thiết. Sveta thường mang tạp chí Огонёг về phòng và tôi đã làm quen với các chuyện vừa bằng tiếng Nga từ những ngày đầu âý. Ba chúng tôi sống hoà thuận, phòng ở luôn gọn gàng sạch sẽ nên cuối năm được ký túc xá phong là "коммyнититеская комната", lại còn gắn 1 cái biển như vậy trên cửa phòng. Không biết việc này duy trì đến khi nào, khi trở lại làm NCS tôi không thấy ai kiểm tra vệ sinh các phòng nữa.
Ngày đầu đến lớp, các bạn Nga-Môn (tạm gọi như vậy) nhường cho chúng tôi các bàn đầu. Gìơ hoá đầu tiên do GS-Viện sĩ Ablôp giảng. Chúng tôi căng tai ra nghe, cố ghi chép. Đúng hơn là ghi lại những gì thày viết trên bảng thôi, có nghe được gì đâu, có chăng chỉ là mấy từ bập bõm. Tối hôm ấy, mọi người cắm cúi đọc sách để tìm xem thày giảng đoạn nào. Chúng tôi tranh cãi nhau, người nói trang này, người nói trang kia. Ai đọc sách của Glinka thì nói thày dạy theo sách của ông này, ai đọc sách của Nhecraxôp thì lại nói thày sử dụng tài liệu của Nhecraxôp. Đụng chỗ nào cũng gặp từ mới, tra từ điển cũng không xong vì toàn là từ chuyên môn. Cũng may môn hoá có nhiều công thức nên còn suy đoán được nhiều điều. Những người khá tiếng Nga khó khăn 1 thì những người yếu tiếng Nga khó khăn gấp 2-3 lần. Các khoá sau chắc là thuận lợi hơn chúng tôi nhiều, vì các bạn giỏi tiếng Nga hơn hẳn, lại còn có 1 năm làm quen với cuộc sống văn hoá-xã hội trước khi vào học chuyên môn. Tôi xin kể lại một chuyện nhỏ về cái sự dốt tiếng Nga của chính mình và vài bạn cùng khoá. Hôm ấy là một ngày trong tuần học đầu tiên. Hết môn học, cả bọn ra khỏi lớp, ùa ra phố. Tôi hỏi 1 cậu bạn người Môn "Куда теперь?" Bạn ấy nói gì, nghe không được. Thôi thì, tốt nhất cứ đi theo mấy đứa này. Họ rẽ đường nào, chúng tôi theo đường đó. Chúng tôi cứ bám theo cậu mặc áo carô, có lúc dường như mất hút (chúng nó đi nhanh quá), lại phải chạy vội cho kịp. Rẽ phải, rẽ trái, vòng vèo phố trên phố dưới, cuối cùng thấy cả bọn trên đường ПирогоBа, đoạn có Polyclinics. Tôi nhắc lại câu hỏi trên lần nữa, lần này tôi nghe được rất rõ câu trả lời là "Домой". Cả bọn phá lên cười, té ra mấy đứa Môn này không biết đường về ký túc xá, nhẽ ra cứ đi thẳng đường ПирогоBа thì chúng nó lại đi theo con đường quanh co như vậy.
Mặc dù yếu về ngôn ngữ, nhưng sinh viên VN tỏ ra khá về môn toán ngay từ đầu. Chẳng thế mà mỗi lần kiểm tra toán mấy bạn Tây thích ngồi gần mấy đứa Việt để copy. Tất nhiên đó là những Tây học kém, học lười thôi; trong lớp có nhiều Tây giỏi, đặc biệt là vài cậu Do thái. Khi còn ở VN chúng tôi coi việc copy bài là rất xấu, không thể tha thứ, sang đây tôi thấy việc đó là bình thường, chấp nhận được. Tuy nhiên, vẫn giữ mình "trong sạch" bằng cách chỉ cho người khác nhìn bài của mình, còn bản thân không xem bài của người khác. Không ít bạn cùng khoá có chung ý nghĩ này.
Biết sinh viên VN gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ nhà trường hết sức quan tâm. Sau bài học đầu của mỗi môn chúng tôi được thư viện ưu tiên cho mượn sách, hết lượt chúng tôi mới đến lượt các bạn Nga-Môn. Không ai thắc mắc cả. Riêng môn lịch sử Đảng CSLX, chúng tôi học riêng, do bà Dinaiđa Romanova dạy. Bà này rất kính trọng Bác Hồ, yêu mến sinh viên ta. Ngày sinh nhật Bác, bà hái hoa trong vườn nhà mang đến Ob.3 tặng chúng tôi. Vì dạy lịch sử Đảng nên bà rất am hiểu về VN và Bác Hồ. Bà còn hay gọi chúng tôi đến nhà chơi. Chúng tôi đã đến nhà bà vài lần, rất thích vì nhà bà có vườn cây và nhiều hoa đẹp. Ngày thi hết học kỳ 1, bà nảy ra "sáng kiến": cho mấy người yếu tiếng Nga được thi qua phiên dịch! Thế là Chu Mạnh Cường và tôi được làm phiên dịch. Chẳng nói thì mọi người cũng đoán được kết quả thi của mấy bác này. Vậy mà có lần bà chỉ cho tôi "хорошо" vì "Mấy đứa này là học sinh phổ thông, biết gì".
Những ngày đầu ra phố người ta hay hỏi chúng tôi là người nước nào, nhiều người tưởng chúng tôi là người Trung Quốc. Khi biết là VN, có người dơm dớm nước mắt, biết VN đang có chiến tranh, lại còn nghĩ chúng tôi là trẻ mồ côi nữa. Không ít lần tôi được hỏi "có còn bố, mẹ không". Có lẽ trông chúng tôi cũng giống trẻ mồ côi thật: bé nhỏ, mặc đồng phục xấu xí, xộc xệch. Hồi đó phụ nữ ra đường hay ở nơi cộng cộng chỉ mặc váy, mặc quần là không lịch sự. Trên khoá tôi có 1 bạn nữ người Nga chân bị tật, phải xin phép Khoa/trường mới được mặc quần đến trường. Mới sang, học hành bận rộn, chúng tôi chưa thể nghĩ đến quần áo. Đi đâu con gái chỉ có vài bộ như đã nói ở trên, còn con trai cũng không hơn gì, lúc nào cũng đồng phục như nhau. Ngày ấy dân Nga, Môn cũng còn nghèo, ăn mặc giản dị, các bạn cùng lớp cũng không diện gì, mấy cô ở ngoại trú thì khá hơn, nhưng vẫn hoà đồng. Chúng tôi vẫn tự coi mình là колхозники mà. Ảnh dưới đây chụp ngày 7/11 với ông hiệu trưởng Lebeđep cho thấy chúng tôi giống колхозники như thế nào.
Xin được khép lại những ngày đầu tại KGU của khoá 1 ở đây.
Người post: NgocBQ
Ngày đăng: 30-08-2010 16:04
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 4 của tổng số 4 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |