Số phận con người
SỐ PHẬN CON NGƯỜI
Hà Giang, mồng Chín tháng Ba năm 1945.
Chạng vạng tối, trong tư dinh ông tri châu Bùi Tiến Chữ, cả gia đình đang ăn tối. Bỗng nghe thấy tiếng í ới ngoài cổng rồi có tiếng súng nổ. Ông tri châu vội chạy ra xem, nhưng vừa tới cửa thì hai tên lính Nhật đã ập vào. Một tên hét lên vài tiếng rồi nã đạn vào ông, tên còn lại quay báng súng nện vào bà vợ tay đang bồng con chạy lại phía chồng, đứa bé rơi xuống đất khóc váng.
Sự việc xảy ra chớp nhoáng, chỉ vài phút nhưng hằn mãi vào ký ức thằng bé tám tuổi, ngồi tụt xuống nấp dưới tấm khăn trải bàn, chứng kiến tai hoạ ập đến với gia đình mình. Ngay đêm đó ba cái bóng nhỏ nhoi, côi cút (đứa lớn nhất chín tuổi, bé nhất sáu tuổi) lặng lẽ theo sau hai người đầy tớ mang thi hài người cha bó chiếu đi chôn. Ngôi mộ ông tri châu không được đắp mà san bằng. Toàn tỉnh Hà Giang chìm đắm trong không khí hoảng loạn và khủng bố của quân đội Nhật hoàng.
Đứa trẻ tám tuổi hồi đó bây giờ đang ngồi trước mặt tôi, tại một nhà hàng châu Á ở quận 13, Paris kể lại cho tôi nghe những khoảng khắc khinh hoàng ấy với cảm xúc uất hận cho đến tận bây giờ.
Đó là một người đàn ông với mái tóc hoa râm và một gương mặt tưởng như quen mà lại lạ. Cố vắt óc lục tìm tôi bật cười khi chợt nhận ra, ông ta có khuôn mặt hao hao giống tổng thống Mỹ George W Bush. Ông phát âm tiếng Việt rất chuẩn nhưng nói chậm vì phải tìm từ. Ông rời Việt Nam từ năm 1955 và chỉ quay lại đó sau một quãng thời gian là nửa thế kỷ. Câu chuyện của ông- một người con lai được ông giãi bày qua một thứ ngôn ngữ lộn xộn Pháp Việt xen lẫn. Tôi cố gắng nắm bắt nhưng nét chính của cuộc đời ông như sau:
Ông tên là Bùi Thanh Giang, tên Pháp là Louis Bùi, đến nay tuổi đã 70. Cha ông là Bùi Tiến Chữ, mẹ ông là người Pháp, bà Steiner Berthe Sophie. Ông có ba anh em: anh cả Bùi Tiến Hùng (Michèl Bùi) Tiến sĩ vật lý hạt nhân và người em là Bùi Thanh Sơn (Bernard Bùi) kỹ sư điện tử, còn ông thì suốt đời theo đuổi binh nghiệp.
Năm 1996 sau khi hồi hưu nỗi nhớ cội nguồn đã thôi thúc ông đưa vợ về Việt Nam thăm quê cũ. Lúc ra đi mái tóc còn xanh khi trở về đã bạc mái đầu, ông Giang chỉ nhớ quê ông ở làng Cổ Hội tỉnh Thái Bình vì xưa kia hè năm nào cha ông cũng đưa các con từ Hà Giang về Thái Bình thăm ông bà và họ hàng chòm xóm. Ông bồi hồi kể lại:
- Đó là những năm tháng thơ ấu không thể nào quên với những niềm vui bất tận. Chúng tôi chơi đủ trò: bịt mắt bắt dê, trốn tìm, đánh khăng, đánh đáo… Ông nội thường lấy lá làm cho các cháu con châu chấu, con cào cào, đẽo con quay và làm súng cao su cho các cháu bắn chim. Nhưng đôi khi lũ quỉ con này cũng bị ông nội giáo dục bằng những trận đòn quắn đít vì tội “nghịch tinh hơn quỉ sứ”.
Hà Nội năm 1996 không còn là Hà Nội thời thuộc địa và lẽ dĩ nhiên làng Cổ Hội của ông cũng không còn bóng dáng thân quen nào, cho dù ông đã hỏi thăm không biết bao nhiêu người để tìm lại họ hàng thân thích. Ông lạc lõng, xa lạ chính giữa quê hương mình. Thất vọng tràn trề, ông nghĩ đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng ông trở về Việt Nam vì ở nơi đây ông chỉ là một du khách qua đường, không hơn không kém.
Thôi thì thử một lần chót- ông nghĩ vậy. Tiến tới gần một cụ già trong làng ông hỏi thăm. Bà lão nói nếu muốn biết về cái thời Tây trước năm đói Ất Dậu thì trong làng chỉ còn một ông cụ có thể cho hay điều đó. Lần mò theo chỉ dẫn, tới nơi ông thấy một cụ già móm mém nhưng có nét gì rất đỗi thân quen. Khi nghe nhắc đến tên cha ông là Bùi Tiến Chữ, bàn tay gày guộc của ông cụ ôm choàng lấy ông và bên tai ông có tiếng nghẹn ngào: “Chú đây, cả nhà đã tưởng là các cháu chết rồi…”.
Một nụ cười mãn nguyện tươi rói trên gương mặt ông Giang: “Thế là cuối cùng tôi đã tìm lại được gia đình mình. Một đại gia đình! Tôi còn hai bà cô và hai ông chú với bao nhiêu anh chị em họ. Tất cả họ hàng đều ở Hà Nội và Sài Gòn trừ một ông chú còn lại ở quê nhà mà số phận đã run rủi cho tôi gặp lại”.
Ông dẫn vợ đi khắp nơi, lên núi rồi xuống biển, vào nam rồi ra bắc, kể cho vợ nghe ngày bé ông đã theo cha và ông nội đi những đâu. Ông cũng muốn vợ giống mình ngất ngây trước vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của Việt Nam mà không phải quốc gia nào trên trái đất này cũng có. Niềm tự hào của ông còn được nhân lên khi được biết về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, về những danh nhân văn hoá Việt Nam mà họ hàng ông cũng có phần đóng góp, bằng chứng là những tấm bia đá mang tên họ Bùi còn lưu danh trong Văn Miếu Hà Nội.
Lần thứ hai ông trở về quê nhà là năm 1999 cùng với vợ và ba con, ở luôn ba tháng để có thể thăm viếng tất cả họ hàng và học nói lại tiếng Việt sao cho chuẩn. Các con ông có dịp thăm thú miền đất lạ mà lại là quê hương thứ hai của chúng.
Tiếp theo anh và em trai ông cũng đưa vợ con về thăm Việt Nam. Một đứa cháu trai của ông đã “để con tim” ở lại đây vì cú “sét ái tình”. Nó đã tìm thấy được nửa thứ hai của mình trong hình hài một cô gái Việt. Lấy vợ và làm việc ở Việt Nam, góp phần làm sạch nguồn nước và trong sạch môi trường sống ở quê nhà là nguyện vọng thiết tha của cháu ông, phù hợp với tấm bằng “kỹ sư cấp thoát nước” của nó. Đám cưới của cháu ông với cô gái Sài gòn là niềm vui trọn vẹn của gia đình.
Ông mời vợ chồng ông chú và các cô em sang Pháp. Anh em ông thay nhau đưa họ đi thăm những danh lam thắng cảnh của xứ sở nổi tiếng thế giới với những lâu đài và rượu vang. Nền văn hoá Pháp đã từng ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống tinh thần của dân tộc ta nên người Việt nào chẳng giấu nổi tự hào khi được đặt chân tới được quê hương của các đại văn hào như Victor Hugo, Voltaire, Balzac…
Gắn bó với họ hàng, quê hương Việt Nam ông Giang ước nguyện, sau khi chết bình tro của ông sẽ được mang về quê chôn cạnh mộ ông nội ở trong làng. Ông còn cho biết từ khi ông tìm lại được người thân ông rất chăm đánh xổ số LOTO, Euromillions… với ước mong trúng to để có tiền xây một sân vận động và một trung tâm thể thao tại quê ông làng Cổ Hội.
Trong muôn vàn những ước mơ của con người có một số ước mơ trở thành hiện thực và cũng may là ở hành tinh chúng ta ước mơ không bao giờ bị đánh thuế, mọi người cứ tha hồ mà mơ ước, nguyện cầu.
Xiết chặt tay ông, tôi chúc ông không ngừng nuôi mơ ước, tiếp tục chơi xổ số và biết đâu một ngày nào đấy ở cái làng mang tên Cổ Hội xa xưa xuất hiện một cái sân vận động to hơn cả sân Mỹ Đình nếu như ông Giang được số phận mỉm cười, trúng độc đắc Euromillions. Sẽ có hay không cái “sân vận động cầu mong” ấy là điều không quan trọng mà cái chính là tấm lòng thiết tha với quê hương Việt Nam của ông Giang.
Khi chia tay tôi có hỏi qua về gia đình bên ngoại của ông và được biết mẹ ông đã đột ngột qua đời bốn tháng sau khi ba anh em ông về Hà Nội vào học trường Cô nhi của Pháp (1948). Ông còn có hai bà dì hiện sống cùng gia đình bên Mỹ, nhưng ông gắn bó với họ nội ở Việt Nam hơn.
Tháng Chín, đường phố Paris lấp loáng nắng vàng. Không hiểu sao câu chuyện của ông Giang cứ ám ảnh tôi hoài suốt quãng đường dạo chơi còn lại. Số phận của mỗi người sinh ra tại Việt Nam gắn liền với những bước thăng trầm của đất nước. Vị trí địa lý đặc biệt của Việt Nam khiến lịch sử dân tộc có những chuỗi dài năm tháng chiến tranh chống ngoại xâm hoặc những cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Đã có bao thế hệ gia đình tan nát, lưu lạc, chia ly trong suốt chiều dài đau thương đó. Tất cả những dấu ấn nghiệt ngã ấy đều khắc hoạ vào số phận con người, tạo ra những cuộc đời của mọi cá nhân trong xã hội thành những cuốn tiểu thuyết có đầy máu và nước mắt.
Hãy kể cho nhau đi về cuộc đời của bạn, về những gì mà bạn đã trải qua để chúng ta có thể cảm thông với nhau và gần nhau hơn vì chúng ta cùng sinh ra từ mảnh đất ấy, cùng một Mẹ Việt Nam.
Quang Minh
Tháng Chín 2007
Người post: ThaoDP
Ngày đăng: 01-03-2011 00:12
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |