USA và Chiến Tranh Việt Nam
U S A - NUMBER ONE
Nện gót giữa thủ đô Washington mà tâm trí tôi cứ ám ảnh hoài về lịch sử ra đời nước Mỹ. Dân tộc Mỹ vốn là một dân tộc bao gồm các cộng đồng di dân từ khắp các lục địa.
Bảo tàng người Mỹ da đỏ và Bảo tàng lịch sử Hoa Kỳ đã giúp tôi hình dung rõ nét cuộc di dân ào ạt và tàn khốc của người Châu Âu sang vùng đất lạ, sự phân biệt và chia rẽ giữa họ với nhau do nguồn gốc, quốc tịch, tôn giáo, văn hoá; do tranh giành đất đai khai thác; do những mối cựu thù sẵn có từ Châu Âu … Tôi bàng hoàng bởi những thổ dân da đỏ thuộc các bộ lạc bản địa bị tước dần quyền sở hữu đất đai, bị tàn sát, cướp phá và chết hàng loạt trong các dịch bệnh truyền nhiễm từ những di dân, kết quả là hơn 100 triệu thổ dân da đỏ năm 1492 (năm Christophe Colomb tìm ra Châu Mỹ ) chỉ còn sống sót được 4,5 triệu tới giữa thế kỷ XVII (sau 1,5 thế kỷ) và cuối cùng họ - những thổ dân da đỏ ấy buộc phải ký những thoả hiệp nhượng đất cho chính những kẻ đã gieo tai bay vạ gió cho mình.
Sự xung đột trở nên gay gắt hơn khi các lực lượng đối nghịch là những quốc gia đi tìm kiếm thuộc địa. Anh , Pháp , Tây Ban Nha, Hà Lan đã mang quân khai chiến với nhau trong cuộc chiến tranh giành lãnh thổ nhằm kiến tạo những quốc gia riêng và nhằm bá chủ vùng Bắc Mỹ. Chiến tranh Anh-Pháp trên đất Mỹ đã kéo dài suốt 9 năm từ 1754 tới 1763 và được chấm dứt bằng Hiệp định Paris.
Tuy nhiên cộng đồng những người di dân vẫn chưa được bình yên vì ngay sau cuộc chiến Anh-Pháp lại nổi lên những bất đồng chia rẽ giữa họ với đế quốc Anh. Anh hoàng Georges III (1760-1820) muốn những vùng đất mới khai thác ở Mỹ thuộc quyền cai trị của mình, còn những người di dân lại muốn được tự trị. Thế là chiến tranh bùng nổ (1775), 13 lãnh địa di dân đã liên kết chiến đấu bên nhau, cho đến năm 1783 họ mới đánh bại được quân đội Anh hoàng. Mặc dù trong những di dân gốc Anh đã tồn tại hai phe kình địch: một phe cương quyết đấu tranh cho tự do, cho một nước Mỹ độc lập tự xưng là người “yêu nước” (Patriotes), còn phe kia tiếp tục trung thành với mẫu quốc nước Anh và tự xưng là người “trung thành” (Loyalists). Những người “trung thành” không chịu cầm súng chống lại quân đội Anh, một số đánh lại phe “yêu nước”, còn một số rời bỏ Mỹ qua Canada sinh sống.
Tôi đã tới Philadelphia để tận mắt nhìn thấy nơi khai sinh ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ , nơi 56 đại biểu của 13 lãnh địa Anh thuộc vùng Bắc Mỹ đã đồng lòng nhất trí và cùng ký tên vào bản Tuyên ngôn độc lập ngày 04 tháng Bảy 1776, cương quyết ly khai với Vương quốc Anh cổ lỗ và định kiến, nơi mà tiếng chuông độc lập đã từng ngân vang và vẫn còn mãi mãi dư âm. Chính ở nơi đây tôi có dịp suy nghĩ nhiều về lịch sử hình thành nước Mỹ.
Sự chia rẽ trong những người di dân càng trở nên sâu sắc khi họ bắt đầu tranh luận về một quốc gia Hoa kỳ thống nhất, về chính sách đối với người nô lệ. Miền Bắc chủ trương giải phóng nô lệ còn Miền Nam thì chống lại. Cuộc tranh luận này dẫn đến nội chiến Bắc-Nam kéo dài 4 năm (1861- 1865), kết quả là Miền Bắc chiến thắng nhưng số người thiệt mạng của cả hai bên lên tới khoảng 620 000 người, trong khi dân số Mỹ lúc đó chỉ có 31 500 000.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi nước Mỹ đứng đầu danh sách các tổng thống bị ám sát:
Ronald Reagan (1981- không chết), ứng cử viên Tổng thống Robert Kennedy (1968), John Kennedy (1963), Willam McKiney (1901), James Abram Garfield (1881), Abraham Lincoln (1865 ), Andrew Jackson (1835 - không chết).
Vì sao? Vì ngay từ khi lập quốc và trong quá trình lịch sử di dân đã có sự phân biệt và chia rẽ, vì chiến tranh chinh phục là tàn khốc, là gắn liền với súng đạn, với chết chóc kề bên và lòng ham muốn làm giàu tột đỉnh. Nước Mỹ chính là thí dụ điển hình của mảnh đất “chọn lọc tự nhiên và đấu tranh sinh tồn”. Luật rừng vẫn tồn tại ở nơi đây, cho dù trong Hiến pháp Hoa Kỳ ngay từ năm 1776 đã đề cập đến một loạt quyền cá nhân con người, bao gồm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền được mang vũ khí …
Sự phân biệt chủng tộc là một biểu hiện nổi cộm nhất. Đảng ba K( Ku Klux Klan) được thành lập ngay sau khi Tổng thống Lincoln bị ám sát (24 tháng Chạp1865), với đồng phục trắng toát, đeo mặt nạ và mũ cao nhọn hoắt, chuyên hành hình người da đen công khai và trắng trợn. Đảng này có tới 5 triệu đảng viên vào giữa những năm 20 của thế kỷ XX và thường diễu hành phô trương lực lượng của mình giữa trung tâm thủ đô Washington, đến cuối năm 1928 nó mới bị cấm hoạt động.
Tuy nhiên từ đó cho tới nay vẫn tồn tại ở Hoa Kỳ những nhóm cực hữu phân biệt chủng tộc mang tư tưởng của đảng ba K xưa kia, hoạt động chủ yếu ở các bang phía Nam như Texas, Oklahoma, Louisiana,… với số thành viên từ 5000 -8000 người.
Martin Luther King - mục sư, tiến sĩ người Mỹ da đen đấu tranh bất bạo động chống nạn phân biệt chủng tộc và vì quyền bình đẳng công dân cho người da đen ở Mỹ. Ông đã phát động chiến dịch tẩy chay hãng xe buýt ở Montgomery (Alabama)*năm1956, tuần hành đi bộ “bước tới tự do” ở quảng trường quốc gia Washington và đi diễn thuyết khắp nơi trên đất Mỹ.
Luther King đã được giải thưởng Nobel hoà bình năm 1964 vì những đóng góp của ông chống phân biệt chủng tộc, chống nạn nghèo khó và vì sự công bằng cho người Mỹ da đen.
Ông nổi tiếng với tài hùng biện đi vào lòng người. Người Mỹ da đen và cả thế giới không bao giờ quên bài diễn văn bất hủ của Luther King : “ Tôi có một giấc mơ…”. Ông đã bị sát hại vào ngày 04 tháng Tư 1968 trong chuyến đi diễn thuyết tại Memphis (Tennessee).
Giống như trường hợp của Tổng thống John Kennedy cho tới nay kẻ giết hại Luther King vẫn còn là một dấu hỏi nghi ngờ. Ở Mỹ mọi chuyện đều có thể, con vật tế thần vẫn luôn được chọn sẵn.
Tôi có một chị bạn khi mới tới Mỹ đã kiếm sống bằng nghề bán xăng trong lúc ôn thi để lấy lại bằng dược sĩ. Có lần, một người Mỹ da trắng tới mua xăng rồi sinh sự:
- Mày cút đi, cút khỏi nước Mỹ của chúng tao!
- Đây không phải là đất nước của chúng mày, mà là của người da đỏ. Chúng mày tới trước chúng mày cút trước đi, tao tới sau, tao sẽ cút sau! - Đó là câu trả lời cực ngắn !
Không riêng gì ở Mỹ mà bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào cũng có thể xuất hiện những tình huống tương tự. Nạn phân biệt chủng tộc không phải một sớm, một chiều là có thể mất ngay . Để xoá bỏ nó là cả một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, tốn không ít công sức và nhiều khi phải trả giá bằng cả tính mạng như trường hợp Luther King và Malcolm X*. Biết chấp nhận những cái khác biệt với mình là một điều không dễ, còn áp đặt người khác phải giống mình thì không gì tệ hại hơn. Thế giới của chúng ta là muôn màu, con người là đa dạng với nguồn gốc, văn hoá, tôn giáo khác nhau, phải biết sống trong sự hoà hợp và tôn trọng lẫn nhau thì thế giới này mới có thể phát triển trong ổn định và phồn vinh lâu dài.
Tổng thống thứ 44 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Barack Obama là người Mỹ da màu đầu tiên đắc cử ( 2009). Điều đó chứng tỏ đã có một bước tiến dài trong cuộc đấu tranh vì lẽ công bằng đối với mọi công dân Hoa Kỳ không phân biệt màu da và nguồn gốc xuất thân.
Ở Mỹ, một khi bạn lạc, chớ có dại gõ cửa nhà ai để hỏi đường như ở Châu Âu, Châu Á. Bạn có thể bị bắn đấy nhé vì chủ nhà có thể nghĩ là bạn định tấn công họ và “ đoàng” một phát, thế là xong đời bạn. Luật pháp Mỹ cho phép chủ nhà hành xử như thế, đó gọi là “quyền tự vệ chính đáng”.
Hiến pháp Hoa kỳ ngay từ khi lập quốc năm 1776 khẳng định: công dân Mỹ có quyền sở hữu vũ khí. Rất nhiều cuộc tranh luận ồn ào đã nổ ra năm này qua năm khác quanh vấn đề có nên cấm sử dụng súng hay không vì ở đất nước này quá nhiều vụ bắn giết đẫm máu xảy ra. Nhưng để thay đổi trong tiềm thức người dân Mỹ về quyền được mang súng là quá khó, là tước đi của họ khả năng tự vệ từ bao đời, đó là thói quen đã ăn vào máu thịt là phải có súng bên người mới có được cảm giác an toàn. Cuộc tranh cãi giữa hai phe “bênh súng” và “chống súng” sẽ không bao giờ ngã ngũ vì thế cái quyền mang súng của người dân Hoa Kỳ vẫn được giữ nguyên như cách đây hơn 200 năm.
Muốn hỏi đường ở Mỹ? Hãy rẽ vào một trạm xăng nào đó hoặc các cửa hàng ven đường, bạn sẽ được chỉ dẫn cặn kẽ.
Các bộ phim “hành động” của Hollywood phản ánh một phần nào hiện tượng sử dụng súng ở Mỹ. Nếu bạn phóng xe trên đường vượt qúa tốc độ qui định và bị cảnh sát rượt đuổi, hãy làm theo những gì cảnh sát đòi hỏi, y như trong các phim “ hành động”, hai tay phải đặt lên tay lái, còn nếu phải bước ra ngoài, hai tay phải giơ lên cao, úp mặt vào xe và chấp nhận bị khám xét xem có vũ khí mang theo người hay không. Tuyệt đối không được chống cự, cấm cãi, bằng không hậu quả khó lường.
Được quyền mang vũ khí nhiều khi cũng bất tiện lắm!
* * *
Người Mỹ không mặc cảm, họ có tinh thần thể thao, biết chấp nhận thua khi bại trận, họ không như người Pháp. Tôi đã đến Bảo tàng chiến tranh của Pháp tại quảng trường Thương binh ở Paris. Đó là một lâu đài tuyệt đẹp, rộng mênh mông, có vòm mái mạ vàng phản chiếu lấp lánh dưới nắng mặt trời. Nhưng ở đó tôi không tài nào tìm ra nổi Chiến tranh Đông dương và trận đánh Điện Biên Phủ (1954) mà Pháp đã từng tham gia. Hỏi ra mới biết cái phần lịch sử chiến bại đó không được trưng bày tại đây vì thiếu diện tích(?), mà trưng bày ở một đường phố khác của Paris. Lẽ dĩ nhiên trận đánh Alger (1957)* cũng chịu chung một số phận.
Trong Bảo tàng lịch sử Hoa kỳ có hẳn một khu trưng bày rộng lớn dành cho lịch sử các cuộc chiến mà nước Mỹ tham gia: Chiến tranh thế giới I, II, Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh Việt Nam. Chưa có Chiến tranh Iraq và Afghanistan ở đây vì chúng chưa đến hồi kết, cho dù hai cuộc chiến đó đã diễn ra khá lâu dưới sự điều khiển của Hoa kỳ.
Tôi lặng lẽ ngước nhìn những hình ảnh trưng bày theo thứ tự thời gian, chúng gợi lại các sự kiện chính, những trận đánh - những điểm mốc quan trọng trong các cuộc chiến mà Hoa kỳ đã tham dự. Ở đây chiếu cả phim minh hoạ nữa.
Lẽ dĩ nhiên ai cũng biết chiến tranh là đổ máu, là bom rơi, đạn nổ, là chết chóc đau thương nhưng chỉ có ai từng trải qua chiến tranh mới hiểu thế nào là sự khủng khiếp và tàn khốc thật sự của nó. Tôi liếc nhìn những khách tới thăm quan và cố đoán họ từ đâu đến, họ là người nước nào để biết xem họ đã từng trải nghiệm chiến tranh hay chưa.
Bản tổng kết những mất mát do chiến tranh là những con số kinh người:
- Chiến tranh thế giới lần thứ nhất(1914-1918) nhân loại mất gần 20 triệu nhân mạng, trong đó 9,7 triệu là quân nhân, hơn 10 triệu là thường dân và có 21 triệu thương binh.
Hoa Kỳ mất 117465 nhân mạng và có 205 690 thương binh.
- Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945) nhân loại mất 64 781 162 nhân mạng, trong đó 22 594 962 quân nhân, 42 186 200 là thường dân. Hoa Kỳ mất 418 500 nhân mạng.
- Chiến tranh Triều Tiên (1950- 1953) cả hai phe mất gần 2 triệu nhân mạng.
CHIẾN TRANH VIỆT NAM
Tôi bước tới nơi trưng bày cái quá khứ gắn đất nước tôi với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - đó là Chiến tranh Việt Nam. Dân tộc tôi, thế hệ chúng tôi đã mất trọn 20 năm ròng cho cuộc chiến này (1954-1975).
Những tấm ảnh đen trắng ở đây đối với khách thăm quan chỉ là hình ảnh minh hoạ cho một cuộc chiến, còn với tôi chúng là luồng điện giật đánh trúng vào vết sẹo tưởng đã lành qua thời gian năm tháng. Quá khứ nhức nhối trong tôi trỗi dậy và vùn vụt trở về…
Ngày 30 tháng Tư 1975 cuộc chiến Việt Nam kết thúc, lúc đó tôi là sinh viên năm thứ tư đang học tại Liên Xô. Sau khi nghỉ lễ mồng một tháng Năm, ngày hôm sau tới trường người đầu tiên tôi gặp là bà giáo dạy tôi từ năm thứ nhất. Bà ôm lấy tôi chúc mừng, nghẹn ngào xúc động: “Thế là cuối cùng chiến tranh đã chấm dứt ở Việt Nam, chúc mừng em!”. Tôi oà khóc trong vòng tay bà giáo, lắp bắp nói lời cảm ơn…
Hồi năm thứ nhất chính bà giáo ấy đã nói với tôi: “ Việt Nam làm sao thắng được Mỹ, đã bao năm cô làm việc với sinh viên Việt Nam, ai cũng nói là sẽ thắng, nhưng có thấy gì đâu. Mỹ mạnh lắm…”. Lúc đó tôi đã nhìn vào mắt bà và thấy được sự nghi ngờ trong đôi mắt đó, còn bây giờ tôi đang thổn thức xúc động vì niềm vui trào dâng, cùng chia sẻ với bà nỗi niềm đồng cảm ấy. Bà giáo tôi đã trải qua Chiến tranh thế giới lần thứ hai, bà hiểu rõ chiến tranh tàn khốc đến mức độ nào và cái giá phải trả cho nó: Liên bang Xô viết đã mất gần 21 triệu nhân mạng, còn nhân loại chúng ta mất tổng cộng 64 triệu780 nghìn người.
Niềm vui tột cùng khi nỗi khủng khiếp là chiến tranh đã chấm dứt. Em trai duy nhất của tôi đã lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên vào tháng Ba năm 1975, chắc chắn sẽ trở về, nó sẽ quay lại trường Đại học Bách khoa, tiếp tục học năm thứ 3 Khoa vô tuyến điện.
Hết chiến tranh! Điệp khúc đó cứ vang hoài trong tâm trí tôi. Sẽ hết cảnh những bà mẹ chờ con, những người vợ ngóng chồng. Những đứa trẻ ra đời sẽ không côi cút nữa. Không còn chiến tranh, đồng nghĩa với không còn bom rơi, đạn nổ, không còn chết chóc đau thương.
Hai mươi năm chiến tranh quả là dài đối với một đời người!
Người Mỹ chết và mất tích trong chiến tranh Việt Nam gần 60 000 người, còn dân tộc Việt Nam tôi mất 6 320 000 người, tức là gấp hơn 100 lần nước Mỹ, trong đó có 1 320 000 là quân nhân ( miền Bắc:1 100 000; miền Nam: 220 000) và 5 triệu là thường dân vô tội.
Bây giờ là tháng Năm năm 2010, đúng 35 năm đã trôi qua kể từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, nhưng hậu quả nặng nề của nó vẫn để lại di chứng đến ngày nay.
Ở Mỹ có tới 304 000 thương binh, tàn phế vĩnh viễn trong cuộc chiến Việt Nam, 50 000 cựu chiến binh bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Cho tới hôm nay cứ trung bình mỗi ngày ở Mỹ lại có 3 cựu chiến binh tự tử bằng những cách thức ghê rợn vì mặc cảm tội lỗi. Hội chứng Việt Nam sẽ còn ám ảnh dài lâu trong xã hội Hoa Kỳ, đó là một hiện tượng đặc biệt, chưa hề có sau chiến tranh thế giới II và Chiến tranh Triều Tiên. Vì sao? Chính vì Hoa Kỳ đã thực hiện ở nơi đây một cuộc chiến mang tính chất huỷ diệt tàn khốc nhất.
Mảnh đất Việt Nam đã bị đạn bom cày nát trong 20 năm. Hoa kỳ đã dội xuống đây7,8 triệu tấn bom đạn, nhiều hơn bất kỳ cuộc chiến nào từ trước tới nay.Ta hãy làm một phép so sánh:
Cứ một đầu người dân miền Bắc Việt Nam đã phải chịu 45,5 kg bom đạn, còn trong Thế chiến thứ II, Đức là 27 kg/người; Nhật là 1,6 kg/người. Trên 1,2 km ở miền Bắc Việt Nam đã hứng 6 tấn bom đạn Mỹ, Đức là 5,4 tấn/1,2 km; Nhật là 0,43 tấn/1,2 km.
Trong khoảng mười năm từ 1961 đến 1971 Hoa Kỳ đã rải xuống Việt Nam 20 triệu galon
(1galon = 3,72 lít) hoá chất diệt cỏ hay còn gọi là chất độc da cam chứa dioxin làm hàng triệu người nhiễm độc, để lại di chứng cho tới ngày nay là những thai nhi biến dạng, những đứa trẻ tật nguyền từ lúc lọt lòng (tỷ lệ dị dạng bẩm sinh ở Việt Nam cao nhất thế giới)…Cho tới hôm nay vẫn còn những người chết và bị thương vì mìn, bom còn sót lại. Số thương phế binh Việt Nam là 1770 000 người( Miền Bắc: 600 000; Miền Nam: 1170 000 ) gấp 5,8 lần Hoa Kỳ.
Ở đây trong phòng trưng bày này những bức ảnh đen trắng còn giúp tôi hiểu ra một điều, nếu không có phong trào đấu tranh phản chiến của nhân dân Mỹ buộc chính phủ họ phải rút hết quân năm 1973 thì dễ gì Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt năm 1975.
Ở Mỹ đã có tới 200 tổ chức phản chiến, trong đó John Kery ứng cử viên tổng thống năm 2004 cũng như Luther King đã từng là lãnh tụ của phong trào. Đặc biệt là ngày 2/11/1965 Norman Morrison* 32 tuổi đã tự thiêu trước Lầu năm góc để phản đối chiến tranh Việt Nam trước sự chứng kiến của nhiều người, có mặt cả bộ trưởng Bộ quốc phòng McNamara. Rất nhiều thanh niên Mỹ đã đốt thẻ quân dịch, 16 triệu trong số 27 triệu thanh niên đến tuổi quân dịch đã chống tham chiến tại Việt Nam, 75 nghìn người bỏ ra nước ngoài như sang Canada hoặc Thuỵ Điển để khỏi phải đi lính (trong đó có Bill Clinton-Tổng thống thứ 42 của Mỹ).
Đến năm 1972 Hoa Kỳ dùng tới máy bay B-52 ném bom các tỉnh miền Bắc, Hà Nội và Hải Phòng thì phong trào phản chiến lên đến đỉnh điểm trên toàn nước Mỹ.
Tôi ngắm nhìn tấm ảnh người phụ nữ Mỹ đầu đội mũ sắt đang tươi cười ngồi cạnh các xạ thủ phòng không Bắc Việt Nam - đó là Jane Fonda, diễn viên điện ảnh nổi tiếng. Chị đã tới Hà Nội vào những ngày khói lửa chiến tranh - tháng Bảy năm1972, đến trại giam thăm các tù binh Mỹ, mang tiếng nói phản chiến đến đây từ bên kia nửa địa cầu, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam chống lại chiến dịch “Leo thang ném bom trả đũa” của Không lực Hoa Kỳ.
Xen lẫn những tấm ảnh phản chiến là những tấm ảnh minh hoạ sự can thiệp quân sự của Hoa kỳ ngày càng lún sâu vào Việt Nam, bên cạnh đó là một màn hình chiếu liên tục diễn tiến chiến tranh Việt Nam từ năm 1954 đến tháng Tư năm 1975. Mở đầu phim là bối cảnh 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ ở Việt Nam đặt dấu chấm hết cho Chiến tranh Đông Dương, Mỹ thay chân Pháp ở miền Nam Việt Nam với sự ra đời của Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, đứng đầu là Tổng thống Ngô Đình Diệm. Kết thúc phim là hình ảnh rút chạy náo loạn ở Sài Gòn, những máy bay lên thẳng bị đẩy xuống biển sau khi chở đầy người đáp xuống chiến hạm Mỹ đậu ở ngoài khơi trong những ngày cuối tháng Tư năm 1975.
Cuộc chiến Việt Nam nằm trong bối cảnh “chiến tranh lạnh” toàn cục trên thế giới giữa hai phe Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa. Vị trí địa lý đặc biệt của Việt Nam và tình hình chính trị lúc đó đã khiến đất nước này trở thành mảnh đất lý tưởng cho việc thử nghiệm các loại vũ khí và thực hành chiến tranh đối đầu giữa hai thế lực thù nghịch về hệ tư tưởng. Dân tộc Việt Nam tôi không thoát nổi cảnh “nồi da nấu thịt” và chiến tranh “huynh đệ tương tàn”. Máu người Việt Nam tôi đã đổ quá nhiều trên chính mảnh đất sinh ra họ. Họ đã bị chia rẽ bởi những ý thức hệ “lạc loài” không có căn nguyên nòi giống, để rồi cầm lấy những vũ khí giết người sản xuất tại ngoại bang và bắn giết đồng hương, đồng loại. Chiến tranh Việt Nam chính là một cuộc nội chiến trầm luân…Có bao gia đình đã tan tác, lưu lạc, chia ly trong suốt chiều dài đau thương đó? Dấu ấn nghiệt ngã của chiến tranh đã hằn sâu vào ký ức của mỗi người như những vết thương lòng không bao giờ lành được.
Rời bảo tàng, tôi thoát khỏi nơi gợi nhớ quá khứ nhức nhối buồn đau, nhưng trong tâm tưởng tôi cứ vang hoài giọng hát ai oán của Khánh Ly với nhạc phẩm “ Đại bác ru đêm” mà Trịnh Công Sơn đã thể hiện thành công nỗi đau khôn cùng của con người do chiến tranh mang lại:“Đại bác đêm đêm dội về thành phố, đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy, con thơ buồn tủi,…Từng chuyến bay đêm, con thơ giật mình, Hầm trú tan hoang, ôi da thịt vàng,…Trẻ con quên sống, từng đêm nghe ngóng…Trẻ con chưa lớn để thấy quê hương,…Từng vùng thịt xương có mẹ, có em…”
Cơn choáng váng chợt ập đến, tôi vội ngồi thụp xuống vệ cỏ ven đường.
Trịnh Công Sơn (1939-2001) - nhạc sĩ Việt Nam được coi là Bob Dylan* của Châu Á rất mẫn cảm trước mất mát triền miên của thân phận con người trong khung cảnh một đất nước bị chiến tranh khốc liệt tàn phá. Một phần sáng tác của ông là những bài ca phản chiến, những giai điệu thì thầm bên tai ta, rằng chiến tranh quá ư tàn khốc, mà đời người chỉ là một ngắn ngủi thoáng qua so với vũ trụ vĩnh hằng, thay vì giết chóc hãy yêu thương nhau đi vì chúng ta cùng từ một gốc, cùng từ một Mẹ Việt Nam sinh ra. Ca khúc da vàng, Kinh Việt Nam, Thần thoại quê hương, Huyền thoại mẹ… là những lời thì thầm văng vẳng, nhưng mãi mãi đi vào lòng người như một triết lý: sống trên đời là cần có một tấm lòng biết yêu thương nhân loại.
Cách đây mấy năm tôi cùng cô bạn người Đức đi thăm thành phố Nuremberg ( Nürnberg). Tôi vô cùng kinh ngạc trước vẻ đẹp cổ kính và vững chãi của khu thành cổ được xây dựng từ đầu thế kỷ XI, thiết kế như một pháo đài kiên cố. Cô bạn tôi kể là khu thành cổ này đã bị ném bom tàn phá tan hoang trong Thế chiến thứ II, và trên đống tro tàn đổ nát đó người Đức đã phục chế lại nguyên trạng thành cổ của họ như xưa.
Tôi nói tôi đã từng đến một thành phố ở Đông Âu là Varsovie (Warszawa) - thủ đô Ba Lan, ở đó cũng bị tàn phá tan nát trong chiến tranh và người Balan cũng nhặt từng viên gạch, đá trên đống hoang tàn để phục chế lại thành cổ của mình. Varsovie là một thành phố xinh đẹp, nên thơ, có dòng sông Vistule (Wisla) chảy qua…
Cả hai chúng tôi đều không nói ra là trong chiến tranh ai đã tàn phá hai cái thành cổ đó vì tự hiểu: Nuremberg là do quân đồng minh, còn Varsovie là do phát xít Đức. Nhưng cả hai đều có chung một ý nghĩ: chiến tranh dù nấp dưới bất kỳ hình thức nào cũng là một điều xấu xa, tàn bạo và bẩn thỉu, cần phải đấu tranh để loại trừ nó, để nó không còn xảy ra trên trái đất này.
Tôi đã kể cho bạn mình nghe về trận đánh thành cổ Quảng Trị năm1972, ở đó tôi đã mất một người bạn mới 19 tuổi đời. Trong suốt 81 ngày đêm từ 28/06 đến 16/09/1972 Không lực Hoa Kỳ đã dùng B-52 ném bom rải thảm một diện tích vỏn vẹn 2,5 km2, với mức độ tàn phá bằng 7 quả bom nguyên tử đã thả xuống Hiroshima. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt và khủng khiếp, nước sông Thạch Hãn nhuộm ngầu máu đỏ, xác người chìm nổi đó đây, số thương vong của hai bên lên tới khoảng 2 vạn người (Miền Bắc: hơn 1 vạn, Miền Nam:7 756)
“ Cuộc chiến tranh không kẻ thắng, người thua,
Chỉ cái chết mới là điều rất thật.”…
Thành cổ Quảng trị được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XIX, thời vua Minh Mạng , có chu vi khoảng 2km, cao 4m, dày 1-2m, chân đáy dày 12m. Thành hình vuông với 4 cổng ra vào Đông, Tây, Nam, Bắc và 4 pháo đài. Hào rộng 18m bao quanh thành. Sau trận chiến 81 ngày đêm Thành cổ bị san bằng chỉ còn trơ lại cổng Đông chi chít vết đạn.
Vì mức độ tàn khốc của trận chiến đã xảy ra tại đây Việt Nam đã không phục chế lại toàn bộ thành cổ mà chỉ xây lại 4 cổng thành, giữ nguyên tàn tích còn lại làm bảo tàng bằng chứng của chiến tranh huỷ diệt. Thành cổ Quảng trị đã trở thành mảnh đất tâm linh của cả dân tộc.
Hàng năm cứ đến ngày thương binh liệt sĩ 27/07 và rằm tháng Bảy các cựu chiến binh và đồng bào từ khắp nơi lại đổ về đây thắp nến, thắp hương, đặt hoa tươi trong thành cổ và ở hai bên bờ sông Thạch Hãn để tưởng nhớ hàng vạn linh hồn vẫn quanh quẩn đâu đây sau trận đánh “Mùa hè đỏ lửa”. Có cựu chiến binh còn chở cả một thuyền hoa thả xuống sông cúng vong hồn những đồng đội đã nằm sâu dưới đáy.
“ Đò xuôi Thạch Hãn ơi, chèo nhẹ,
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi đôi mươi hòa sóng nước,
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.”
( Lê Bá Dương )
Người post: ThaoDP
Ngày đăng: 02-03-2011 19:07
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 4 của tổng số 4 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |