KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 07 Tháng ba. 2011

Las Vegas và Đại vực của Arizona




Tác giả: ThaoDP

LAS  VEGAS

 

     Vào một buổi sáng lấy vé xe khách xong, tôi rời Los Angeles để tới Las Vegas - thiên đường ánh sáng của những trò chơi may rủi. Tôi sẽ ở đó năm đêm để thử vận may của mình.

     Tôi gặp một cặp vợ chồng mới cưới, hớn hở đi hưởng tuần trăng mật ở Las Vegas. Cha mẹ họ đã từng gặp may tại đó với 200 đô la mà thắng tới 6000 đô la. Tại sao không phải là họ cơ chứ?Hai cặp mắt xanh lơ, sáng rực, tràn đầy hy vọng nhìn tôi. Tôi chúc các bạn trẻ may mắn và hạnh phúc. Cuộc đời của họ còn rất dài, tất cả còn ở phía trước…  

     Hạnh phúc và may mắn không phải tự nhiên mà có, không phải từ trên trời rơi xuống, mà nó ở trong tay chúng ta, bản thân mình phải biết tạo ra nó. Nhưng để hiểu ra điều đó thì đòi hỏi một quãng thời gian khá dài, phải trải nghiệm đường đời như ở cái tuổi U60 của tôi đây.                

 Chiếc xe ca cứ tuần tự thả và đón khách tại các bến trên đường đi Las Vegas. Xe rời California hướng về Nevada, chạy qua sa mạc Mojave. Suốt chặng đường dài xuyên sa mạc, hai bên đường chỉ toàn những lùm cây thấp tè, lúp xúp mọc trên cát: cỏ dại, xương rồng… làm thành một bức thảm thiên nhiên đơn điệu cứ trải dài mãi ra, tưởng không bao giờ dứt.

 

     Cuối cùng thì xe cũng tới Las Vegas - thiên đường nơi hạ giới cho những giấc mơ tiên phút chốc bốc lên thành triệu phú, hoặc địa ngục trần gian cho những kẻ mất trắng tay với những trò chơi may rủi tại đây. Ban ngày thành phố cờ bạc này không lấy gì làm hấp dẫn dưới ánh nắng chói chang của mặt trời, nhưng khi hoàng hôn vừa buông xuống, thành phố lên đèn, bộ mặt của nó khác hẳn, thay đổi đến không ngờ, ta bị choáng ngập trong ánh sáng kỳ ảo, lung linh muôn màu. Lúc đó Las Vegas hấp dẫn một cách kỳ lạ, lôi cuốn ta vào một thế giới đầy ảo ảnh, làm ta hưng phấn, rạo rực niềm mê say thử vận may và nếu không tỉnh táo ta có thể nướng đồng xu cuối cùng cho cái máu đam mê cờ bạc đang trỗi dậy ở trong ta.

     Bạn không tin ư? Hãy đến Las Vegas! Bạn sẽ bị cuốn ngay vào nhịp sống và dòng đời đang cuồn cuộn chảy ở đấy, tựa như trong trường ca “Iliade và Odyssée” của Homère tiếng hát du dương, mê ly của các nàng tiên cá ở eo biển Messine (Sicile) cất lên giữa biển khơi khiến các thuỷ thủ trên tàu nếu nghe thấy, sẽ không cưỡng nổi niềm đam mê mà phải lao mình xuống biển.

     Một khi đã đến xứ sở này, ắt hẳn phải tiêu tiền. Hãy nghe kìa tiếng rào rào của những đồng xu rơi, tiếng nhạc vui tai réo rắc chúc mừng ai đó vừa thắng…Ta đang lạc vào thế giới của cám dỗ và đam mê. Hãy thử vận may đi nào! Và thế là những đồng tiền cứ bò từ túi ta ra để biến thành những đồng xu của casino. Hết tiền mặt ư ? Có thể dùng thẻ tín dụng, kiểu gì cũng chiều - Đây thiên đường cho những cơ may trên thế gian này!

     Phải có nghị lực ghê gớm lắm mới có thể thoát ra khỏi cái “mê hồn trận” ở nơi đây. Tôi chỉ thử vận may của mình với các máy "giật xu" thôi, các trò chơi khác tôi không tham gia vì không hiểu chơi như thế nào, luật chơi của chúng ra sao. Thế là may đời cho tôi! Tôi đã chứng kiến biết bao gia đình tan nát, bao cặp vợ chồng đã phải chia tay vì một thành viên của gia đình là đồ đệ trung thành của cờ bạc, của trò chơi “đỏ - đen”, nuôi hy vọng làm giàu nhanh chóng nhờ vào những lá bài hoặc con súc sắc.

 

                                         “Cờ bạc là bác thằng bần,

                                           Cửa nhà mất hết đưa chân vào tù.”

 

     Đại lộ Las Vegas là con đường lớn nhất của thành phố. Hai bên đường của đại lộ này là những khách sạn đồ sộ đủ kiểu, mô phỏng theo các kiến trúc nổi tiếng khắp nơi trên thế giới.

      Muốn thấy tháp Eiffel ư? Nó kia kìa, nổi bật giữa đại lộ Las Vegas ở khách sạn Paris ấy. Còn tượng nữ thần Tự do? Nó ở đầu đằng này, tại New York  New York. Ta có thể thấy đài phun nước Trévise nổi tiếng của Rom, kim tự tháp Ai Cập, các tượng đài nổi tiếng của Italia, Monaco, Khải hoàn môn của Pháp, vườn nhiệt đới của châu Á… tại quần thể các khách sạn trên đại lộ Las Vegas nổi tiếng. Đến khách sạn Venetian bạn có thể ngồi lên thuyền gondole bồng bềnh dạo chơi dọc theo những kênh rạch nhân tạo, qua quảng trường San Marco, cầu Soupirs…  và nghe những bài hát tình ca ngọt ngào, bay bổng của vùng Venice trong khung cảnh mô phỏng biển Adriatic.

     Những gì nổi tiếng trên thế giới hầu như có thể tìm thấy ở nơi đây trong những mô hình thu nhỏ tương tự. Ở đây chỉ thiếu độc một thứ mà không thể làm giả được đó là lịch sử. Lịch sử gắn liền với những tượng đài thật, đang nằm rải rác khắp nơi trên hành tinh Trái đất chứ không nằm tập trung một chỗ như ở đây, tại đại lộ Las Vegas này.

     Phải công nhận hệ thống khách sạn trên đại lộ Las Vegas quả là tuyệt vời. Ở đây tập trung những khách sạn lớn nhất thế giới. Ví dụ như:

     Venetian có tới 7000 phòng (gồm cả những phòng suites với diện tích ít nhất là 60m2), 15 tiệm ăn, hơn 150 cửa hàng. Chi phí để xây và hoàn thiện Venetian là 2 tỷ đô la (không kể việc mở rộng); trong đó còn có cả một bảo tàng về mô tô và Bảo tàng tranh của Las Vegas (Guggenheim Museum of Las Vegas); đó là nơi thường đón nhận các bộ sưu tập tranh của Louvre từ Paris và Hermitage từ Saint-Pétersbourg để trưng bày.

     Còn Bellagio khách sạn sang trọng 35 tầng trị giá tới 1tỷ 3 đô la có 3933 phòng. Trước mặt nó là một cái hồ rộng, cứ chiều đến 20 phút một lần trên đó lại có những màn trình diễn nghệ thuật phun nước tuyệt vời: các cột nước cứ yểu điệu nhảy múa theo tiếng nhạc du dương trầm bổng và chúng có thể bốc cao tới 75 mét.

     Khách sạn Wynn Las Vegas 45 tầng, hiện có 2716 phòng , nhưng sẽ mở rộng thêm 1300 phòng để khai thác. Trị giá của khách sạn là 2 tỷ 4 đô la với một casino rộng mênh mông, 1 hồ rộng, 18 tiệm ăn, 1 hộp đêm, 1 đại lý Ferrai và Maserati, 26 cửa hàng, 1 galerie nghệ thuật, 2 nhà thờ nguyện, 1 tổ hợp bể bơi, 1 sân golf có 18 lỗ, cũng như 1 rạp hát để trình diễn ca múa nhạc vở “Giấc mơ” ở đó.

     Không thể giấu được sự kinh ngạc khi đi thăm các khách sạn ở đây, mỗi cái một vẻ nhưng tất cả đều hiện đại và bộc lộ mức độ giàu sang đến kỳ lạ. Đó là Stratosphere&Tower, Sahara, Circus Circus, Riviera, Westward Ho, Wynn Las Vegas, Treasure Island, The Venetian, The Mirage, Casino Royal, Harrah’s Las Vegas, Imperial Palace, Flamingo, Caesar’s Palace, Bally’s, Bellagio, Barbary Loast, Paris Las Vegas, Planet Hollywood, Boardwalk/Cosmopolitan, Monte Carlo, MGM Grand LasVegas, NewYork NewYork, Tropicana, Excalibur, Luxor, Mandalay Bay, The hotel at Mandalay Bay, Four Seasons.

 

      “Trăm nghe không bằng mắt thấy”. Hãy đến đây để tận mắt nhìn thấy Las Vegas của nước Mỹ hấp dẫn đến mức nào mà hàng năm thu hút tới 37 triệu lượt người đến thăm. Hãy vào casino đánh bạc, ăn chơi thoả thích đi, để rồi sau đó hiểu ra một điều: chỉ có nước Mỹ giàu có “nhất quả đất” mới có thể biến một vùng sa mạc hoang vu thành một Las Vegas như thế này.

 

     Tôi lấy tour đi thăm Grand Canyon - kỳ quan thế giới ở tiểu bang Arizona. Từ Las Vegas của Nevada tới Grand Canyon của Arizona xe phải chạy mất 5 tiếng liền. Lại băng qua sa mạc, lại những lùm cây thấp tè, lúp xúp với cỏ dại và xương rồng dọc hai bên đường, làm thành bức tranh thiên nhiên đơn điệu và nhạt nhoà, đưa ta vào giấc mơ bồng bềnh lúc nào không biết. Giấc mơ như một cuốn phim chập chờn chiếu lại show “Jubilee” đã trình diễn đêm qua tại khách sạn Bally’s, chẳng thua kém gì các màn trình diễn của Lido, Crazy Horse, Moulin Rouge …ở Paris, để rồi khi bừng tỉnh tôi mới biết mình sắp tới nơi cần phải tới.

 

                                         Đó là Đại vực - Grand Canyon

 

 ĐẠI  VỰC

                                                                                           

    Tầm vóc của Đại vực  này quả là vĩ đại, nó trải dài khoảng 450 km giữa hai hồ Powell và Mead với diện tích là 4927 km2. Chiều sâu của nó trung bình từ 1300m tới 2000m, còn chiều rộng thay đổi từ 5,5km tới 30km. Nó nằm ở phía tây nam nước Mỹ, tây bắc của bang Arizona. Đại vực Grand Canyon không phải là rộng và sâu nhất thế giới như ở Trung Quốc (Vực Yarlung Zangbo), Mexico (Baranca del Cobre), hay ở Idaho ( Hells ), nhưng lại nổi tiếng vì vẻ đẹp quyến rũ lồ lộ của nó. Các lớp địa chất chồng lên nhau ( gần 40 lớp), nổi rõ mồn một trên các vách đá dựng đứng, cho ta biết chính xác về lịch sử hình thành của lục địa bắc Mỹ. Đây là kết quả ngoạn mục của sự xói mòn do biến đổi khí hậu và nhất là do tác động của dòng sông Colorado chảy dồn xuống, xối vào đây. 

       Sông Colorado bắt nguồn từ dãy núi Rocheuses chảy dài 2333km đổ vào vịnh California, chỗ thấp nhất của Colorado còn cao hơn mực nước biển là 750m. Lưu lượng nước của nó là 650m3/s, nhưng thời chưa có đập nước lưu lượng của nó đạt tới 2300m3/s. Có rất nhiều con sông nhỏ đổ vào Colorado như Kanab Creek, Havasu Creek, Little Colorado và Paria River.

     Đại vực Grand Canyon bao gồm những núi đá có niên đại cao nhất trên Trái đất, những trái núi ở giữa lòng chảo có tuổi đời già cỗi tới 1,7 tỷ năm.  Có hàng nghìn hang, động ở Đại vực, nhưng mới chỉ có 335 hang được đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Phần lớn chúng được hình thành từ chất đá vôi Redwall và Muav.

     Ta ở trên độ cao (so với đáy Đại vực từ 1300m tới 2000m), tầm mắt không hề bị che chắn nên có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn mênh mông, dưới vực là những ngọn núi nhấp nhô với những lớp vằn địa chất hiện rõ trên vách đá dựng đứng. Khi mặt trời lên, trong nắng vàng rực rỡ quang cảnh Đại vực trở nên huyền diệu tuyệt vời với muôn sắc màu kỳ ảo. Ta cứ sững sờ trước bức tranh hoành tráng của thiên nhiên mà Tạo hoá đã cho ra đời cách đây hàng triệu năm vào thời kỳ mới khai thiên lập địa.

     Ta có thể di chuyển bằng xe mimi-bus xung quanh Đại vực để ngắm nhìn nó từ những góc độ khác nhau, có thể dùng máy bay trực thăng bay xà xuống thấp, lượn sát và vòng theo các quả núi ở phía dưới, có thể cưỡi lừa đi xuống tận đáy vực để tham quan những hang động dưới đó và nếm trải cái nóng thiêu đốt như « hoả diệm sơn » trong lòng Đại vực.

 

     Đại vực Grand Canyon là một kỳ quan có một không hai trên thế gian này nên hàng năm có hơn 4 triệu người tới đây để chiêm ngưỡng nó.

     Khi tới đây tôi mới thấy hết sự vĩ đại của thiên nhiên. Tất cả sự kỳ vĩ của Đại vực làm ta có cảm giác con người quá nhỏ bé so với vũ trụ vĩnh hằng. Nếu loài người cứ tàn phá thiên nhiên mà không nương vào nó, gìn giữ và bảo tồn nó thì Thiên nhiên sẽ quay lại cho Loài người một cái « tát xiếc », một cú « nốc ao » để biết cư xử thế nào là phải phép. Đó là những hậu quả hiển hiện do thiên nhiên gây ra - phản ứng trả đũa lại cách thức cư xử thô bạo của loài người. Những thiên tai khủng khiếp, những biến đổi khí hậu dồn dập mà con người đã phải hứng chịu liên tục suốt các thập niên gần đây là minh chứng rõ ràng nhất cho quy luật nhân quả.Vì thế Loài người chúng ta phải xem xét lại mình, phải cứu lấy hành tinh Trái đất, đừng làm Thiên nhiên giận dữ nữa. Hãy làm giảm nỗi đau và cố chữa lành vết thương còn âm ỉ của Thiên nhiên bằng cách giảm hiệu ứng lồng kính, triệt thoái vũ khí hạt nhân, chống nạn phá rừng, tích cực trồng cây, chống lại sự sa mạc hoá và thay đổi môi trường sống của các loài động vật hoặc giảm thiểu nguồn nước,…nhất là phải phản đối mọi cuộc chiến tranh vũ trang gây tổn thất không những về người và của mà còn vì chúng tàn phá không thương tiếc môi sinh của loài người chúng ta.

 

     Không hiểu sao cứ nhìn những ngọn núi nhấp nhô dưới Đại vực là tôi lại bị ám ảnh về Chiến tranh da đỏ. Đó là 65 cuộc chiến của những thổ dân bản địa bắc Mỹ chống lại việc chiếm đoạt đất đai và cách đối xử tàn bạo của thực dân châu Âu kéo dài từ năm 1778 tới 1890. Năm 1492 khi Christophe Colomb tìm ra châu Mỹ, dân số những bộ lạc da đỏ khoảng hơn 100 triệu người, sau 1,5 thế kỷ họ chỉ còn lại 4,5 triệu và tới ngày nay ở cả châu Mỹ tổng số dân da đỏ là 47 triệu, riêng ở Mỹ chỉ có 2,5 triệu người da đỏ trên tổng dân số Mỹ là 310 232 863 người. Theo nhà sử học Mỹ Howard Zinn, các chính phủ Hoa Kỳ đã ký hơn 400 hiệp ước với người da đỏ nhưng họ đã vi phạm tất cả không loại trừ một hiệp ước nào.

 

     « Đường mòn nước mắt » là một thí dụ điển hình về cách đối xử của thực dân châu Âu với những bộ lạc da đỏ bản địa. Bang Georgia năm 1834 đã đề ra các đạo luật áp đặt các bộ tộc da đỏ phải bán nhượng đất, trong khi các thổ dân lại không có quyền làm chứng trước toà chống lại việc các thực dân da trắng Georgia chiếm đoạt đất đai của của họ. Năm 1835 trong thổ dân da đỏ Cherokees chia làm hai phe : một phe do John Ross - thủ lĩnh của sắc tộc da đỏ Cherokees lãnh đạo phần lớn người Cherokees, cương quyết không rời mảnh đất của tổ tiên ; phe khác gồm rất ít người trong đó có Major Ridge và con trai John Ridge nghĩ rằng chống đối lại người da trắng là vô ích nên đồng ý di chuyển các bộ lạc đến vùng đất mới. Đại diện phe thứ hai Major Ridge đã ký Hiệp ước New Echota với chính phủ Mỹ, trong đó qui định tất cả vùng đất phía Đông của Mississippi thuộc quyền người Mỹ da trắng. Mặc dù thủ lĩnh chính thức được người da đỏ bầu ra là John Ross và đại đa số bộ lạc không ký kết văn bản này, cũng như họ đã nhiều lần kháng nghị phản đối,  nhưng chính phủ Mỹ vẫn cố tình từ chối huỷ Hiệp ước trên. Năm 1838, quân đội Mỹ đã được điều động đến xua thổ dân Cherokees  vào sống tập trung trong các trại chờ ngày di chuyển sang phía Tây. Có hơn 1500 thổ dân đã chết trong các trại tập trung này. Trong khoảng 1838 -1839, các thổ dân bị giải tới Arkansas, sau đó tới Oklahoma: Quãng đường  giải thổ dân da đỏ tới nơi định cư mới được gọi là « đường mòn nước mắt ». Lính Mỹ cưỡi ngựa áp tải bắt các thổ dân da đỏ đi bộ cho đến kiệt sức trên suốt chặng đường dài 1750 cây số. Theo nhà sử học Grant Foreman, trên tổng số 18 000 thổ dân Cherokees bị áp đặt di cư thì có 4000 người chết trên đường đi.

    Đó là trang sử đen tối và đáng hổ thẹn của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nhất là tới tháng Chạp năm 1890 sau vụ tàn sát đẫm máu thổ dân da đỏ Sioux ở Wounded Knee Creek, dân số của tất cả các bộ lạc da đỏ chỉ còn khoảng 250 000 người. Cho tới năm1924 chính phủ Mỹ mới công nhận quyền công dân của người da đỏ.

     

    « Đường mòn nước mắt » được công nhận là giai đoạn đáng tiếc trong lịch sử Hoa Kỳ. Để ghi lại sự kiện không quên đó năm 1987 Hoa Kỳ đã quyết định làm một con đường trải dài 3 540 cây số theo hành trình áp giải thổ dân da đỏ năm 1838 - 1839, xuyên suốt 6 tiểu bang (Trail Of Tears National Historic Trail).

     Mãi tới năm 2004 nhân danh chính phủ, Hoa kỳ mới chính thức xin lỗi các thổ dân da đỏ về những chính sách đối với các bộ lạc của họ trong quá khứ.

 

     130 năm sau « đường mòn nước mắt », tại Việt Nam ngày 16 tháng Ba 1968 lính Mỹ đã tàn sát dã man 504 (từ 1 tuổi đến 82 tuổi) dân làng Mỹ Lai (Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), gồm chủ yếu phụ nữ, trẻ con và người già - những thường dân trong tay không có một tấc sắt, đốt phá, huỷ diệt không chừa một sinh mạng kể cả chó mèo, lợn gà… Cuộc thảm sát chỉ dừng lại khi một trực thăng thuộc đơn vị trinh sát trên không của Mỹ do phi công chuẩn uý Hugt Thompson điều khiển (cơ trưởng Glenn Andreotta, xạ thủ Lawrence Colburn) bay qua làng chứng kiến quang cảnh phía dưới như một bể máu. Họ đã kịp thời ngăn cản và làm các biện pháp chặn đứng đội quân gây tội ác dã man đó. Họ cũng đã kịp cứu được16 người trong số dân làng và một đứa trẻ người nhầy máu nhưng còn sống sót, nằm lẫn trong đống xác dưới mương.

 

     Đầu năm 1968 vào dịp Tết Mậu Thân (31/01-25/02/)  ở cố đô Huế cũng đã diễn ra một trận đánh ác liệt « nồi da nấu thịt » giữa binh lính hai miền Nam, Bắc Việt Nam. Tổng số tử vong của hai bên trong 26 ngày khoảng 8 000 người, bao gồm cả thường dân. Có rất nhiều mộ tập thể đã được tìm thấy sau trận đánh, nhiều người dân vô tội đã bị giết thảm thương (khoảng gần 5000 thường dân).

 

      Chiến tranh là man rợ và rùng rợn như vậy đấy. Bầy cừu bị xua vào cuộc chiến đã biến thành bầy sói cắn xé đồng loại…

 

 

      Tôi đứng đây giữa trời và đất, ngắm nhìn Đại Vực - bức tranh hoành tráng của thiên nhiên được hình thành cách đây hàng triệu năm về trước, thấy đời người quả là một ngắn ngủi thoáng qua so với vũ trụ vĩnh hằng. Từ đó đến nay biết bao cuộc chiến đã xảy ra, đã cướp đi biết bao sinh mạng con người …

       Chúng ta không thể thay đổi quá khứ cũng như lịch sử, nhưng chúng ta hiểu rõ sự tàn khốc và vô nghĩa của chiến tranh, hiểu rõ dấu ấn để lại rất lâu của nó trong xã hội loài người. Nghĩa vụ của chúng ta là phải đứng vào hàng ngũ của loài người văn minh, tiến bộ và yêu chuộng hoà bình đấu tranh không ngừng chống lại chiến tranh, quyết không để nó xảy ra, bất luận nó ở đâu, núp dưới bất kỳ hình thức và nguyên cớ nào.

 

 

     Còn vài ngày nữa thôi tôi sẽ giã từ nước Mỹ để trở về với nhịp sống thường nhật của mình, kết thúc chuyến đi lần đầu thăm cường quốc số một hành tinh. Nhưng tôi biết chắc chắn sẽ còn quay lại đây và không chỉ một lần vì nước Mỹ có cách hấp dẫn riêng của nó : thiên nhiên ở đấy rộng lớn và phong phú, con người ở đấy cởi mở và chân thành, còn kiến trúc đô thị lại hiện đại và đa dạng…Tôi còn muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa, vì sao nói đến Hợp chủng quốc Hoa kỳ là phần còn lại của Thế giới phải nghiêng mình kính phục.

 

    Nguyễn Tuân khi sinh thời thích « dịch chuyển » chỉ mơ ước sau khi qua đời da của mình được thuộc làm vali để tiếp tục hành trình « dịch chuyển » trên thế gian này. Tôi cũng như bác Nguyễn luôn chia động từ « chu du thiên hạ » ở thời quá khứ, hiện tại và tương lai. Tôi sẽ thực hiện ước mơ « dịch chuyển » của mình khi còn có thể để tới khi không có thể được nữa sẽ ngồi hồi tưởng lại thời « có thể » của mình.

      

    Chào nhé, người Khổng lồ nước Mỹ! Hẹn gặp lại nhau một ngày không xa!

 

                                                                                         

 

                                                                                                                         Nhật Quang

                             Tháng Mười 2010

                                                                                     

 

 


Người post: ThaoDP

Ngày đăng: 07-03-2011 18:06






Xem 1 - 1 của tổng số 1 Comments

Từ: NghiPH
07/03/2011 23:05:46

Đúng, con người quá nhỏ bé so với vũ trụ vĩnh hằng. Sự sống của con người chỉ như cái chớp mắt của vũ trụ. Thế mà con người ta dám ra oai tác quái, dám hỗn hào với mẹ thiên nhiên. Trong cái chớp mắt của vũ trụ ấy người ta không tìm cách sống hòa đồng mà lại đi thống trị nhau, tàn phá, chém giết lẫn nhau. Con người ơi! Ngươi đang đi về đâu?



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s