KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 15 Tháng ba. 2011

TẤM DANH THIẾP




Tác giả: Meomun

 

Hồi còn nhỏ, mình cũng như nhiều người là lâm vào tình trạng “có gì đọc nấy”, và may mắn thay, mình đã được đọc cuốn “Đôi mắt trẻ thơ” của các nhà giáo dục Xô Viết. Bây giờ, sau hàng mấy chục năm, mình chỉ còn nhớ ấn tượng của mình là cuốn sách hết sức thú vị. Thế giới qua đôi mắt trẻ em là thế, trong veo, ngây thơ nhưng cũng đầy khám phá qua những tình huống xảy ra, những câu hỏi của trẻ em và lời khuyên của nhà tâm lý. Lúc đó, mình có một cảm giác “ghen tị” là trẻ em Liên xô sướng thế, được bố mẹ, thầy cô tôn trọng, coi như bạn, hỏi cái gì cũng được trả lời!

 

Hồi mình còn nhỏ, mình chẳng dám hỏi nhiều, vì trước hết là ngượng nghịu, không dám hỏi, sợ bị đánh giá xấu và nhất là người được hỏi toàn lảng tránh hay chỉ nói cho qua chuyện. Ở trường thì chịu rồi. Còn ở nhà, các cụ phụ huynh đi làm cả ngày, hết giờ về nhà mặt mũi lại nhăn quéo với chuyện cơm áo gạo tiền để nuôi một bầy con trong đó có mình. Hỏi đúng lúc may ra còn được trả lời một cách vui vẻ, còn không thì có thể bị mắng vì “trẻ con biết cái gì, hỏi gì lắm thế!” hay khá hơn thì “lớn lên con sẽ biết”.  Mình chẳng chờ được đến khi lớn nên cũng cố biết qua sách vở, nhà trường, mà thực ra thì những kiến thức từ nhà trường, nhất là về giáo dục giới tính, cũng hạn hẹp vì dường như đó là một vùng đất cấm, chẳng nên “vẽ đường cho hươu chạy” làm gì. Hình như trẻ em (trong đó có mình hồi xưa) đều có thắc mắc là “con sinh ra từ đâu” và câu trả lời mình và các em mình nhận được từ mẹ là “từ rốn” và ba mình lại còn cười cười bảo: “Từ nách!” Thế mà cũng tin, đến mấy năm sau mới thì thào một cách tinh quái với bố mẹ là “Con biết rồi, ba mẹ chỉ nói dối”! Còn mình, chả hiểu hiệu quả giáo dục giới tính trong nhà trường đến đâu nhưng qua thời thiếu nữ mà mình còn thắc mắc là không biết hôn nhau thì….có bầu không. Đến bây giờ kể cho các đồng nghiệp trẻ đời cuối 8x trong văn phòng nghe, chúng nó cứ cười bò, lại còn trêu: “- Sao lúc đó pác không hỏi em?!!”

 

Con gái mình mới lên bảy tuổi nhưng đọc sách khá nhiều. Vì đọc nhiều nên nó cũng chịu ảnh hưởng văn viết khi nói chuyện. Nhiều khi nó làm mình cứ tủm tỉm cười khi nghe nó dùng những câu, từ hết sức nghiêm túc, văn vẻ trong khi nói chuyện. Nó làm mình lúng túng khi liên tục đặt ra những câu hỏi, nhiều câu quá “già” so với tuổi. Có lần, nó hỏi: “- Mẹ, “oan tình” là gì”? Mình hỏi con đọc ở đâu? Nó trích dẫn một câu trong sách (làm mình thở phào vì nội dung khá trong sáng): “- Nàng chết đi mang theo cả một khối oan tình”. Còn lần khác, nó hỏi: “- Tình địch là gì?” Sau khi nghe mình giải thích, nó gật gù:- “Con hiểu rồi, trước hết phải là 2 người cùng giới tính!” Mình ngỡ ngàng khi nghe câu kết luận đầy tính “khái quát” của nó. Ừ nhỉ, đúng quá rồi còn gì! Mình tự nhủ sẽ thật nghiêm túc với các câu hỏi của con, vì với 1 con bé ham hiểu biết như nó thì không thể trả lời nửa vời hay lẩn tránh được. Nhưng quả thật nhiều câu hỏi của nó, đặc biệt về những vấn đề xã hội, về giới tính cũng làm mình bối rối. Nhiều khi mình đành chọn cái “bùa” hoãn binh an toàn, lịch sự nhất, như ba mẹ mình và nhiều người lớn ngày xưa: “- Lớn lên con sẽ biết!”

 

Hôm trước, Minh Huệ và một bạn nữa cũng là ngườiKGU đến nhà mình chơi. Lúc tụi mình đang truyện trò thì con gái mình ôm quyển sách ra hỏi: “- Mẹ ơi, “yêu râu xanh” là gì ?”.  Bị ngắt mạch câu chuyện, mình liếc nhìn Huệ ra ý bảo “thấy khiếp chưa” rồi xua tay bảo con:”- Thôi, lớn lên con sẽ biết!” Con bé cụt hứng lủi thủi định đi vào thì Huệ giữ lại, giải thích một cách rất nghiêm túc, rõ ràng và dễ hiểu cho một em bé 7 tuổi: “Yêu râu xanh” là những kẻ xấu, chuyên dụ dỗ con nít làm những chuyện xấu, những chuyện người lớn mà con nít không được phép làm. Nếu các con gặp phải những kẻ như vậy thì phải tránh xa, phải báo cho bố mẹ, cho người khác biết ngay”. Con bé nhà mình chăm chú lắng nghe, rồi Huệ rút trong túi ra một tấm danh thiếp ra đưa cho nó: -“Đây là danh thiếp của cô. Cô đang làm việc tại một trung tâm tư vấn tâm lí nên nếu con có thắc mắc gì, muốn hỏi gì thì cứ gọi điện cho cô nhé, có số điện thoại của cô đây này”!  

 

Mình thoáng chút ngỡ ngàng. Danh thiếp (name card, card visit) là khái niệm đã trở nên hết sức bình thường trong xã hội Việt Nam hiện tại. Có thể nói, đằng sau một tấm danh thiếp  là con người. Những thiện cảm, ác cảm, ấn tượng về một cá nhân có lẽ bắt đầu từ những thông tin, dù hạn hẹp, được thể hiện trên tấm danh thiếp tưởng chừng vô tri giác. Mình đã từng thấy những tấm danh thiếp của nhiều lớp người trong xã hội, từ quan chức đến ông già về hưu, với đủ loại bằng cấp, chức vụ (có cả những chức như hội viên hội làm vườn hay hội cây cảnh, cá cảnh), in bằng tiếng Việt và cả tiếng Anh, nhiều khi có cả lỗi chính tả thô thiển và lỗi dịch ngây ngô, hihi. Trong giới luật, mọi người còn truyền tai nhau giai thoại về danh thiếp của luật sư T. Cái danh thiếp dày đặc một danh sách các loại bằng cấp của vị luật sư này, từ đông tây kim cổ, các chức danh, chức vụ từ thời chính quyền Sài gòn đến chính quyền cách mạng. Có lẽ ấn tượng nhất, cảm phục nhất là khi mình nhận 1 cái card visit được rút một cách khó nhọc từ đôi bàn tay co quắp vì bệnh tật của một người trẻ tuổi, là một CEO của một tập đoàn đa quốc gia. Nhưng chắc mình không thể có cái cảm giác như của con bé nhà mình, một con bé 7 tuổi lần đầu tiên được một người lớn trang trọng trao cho một tấm danh thiếp. Mình còn nhớ nét mặt nó sung sướng, mắt thì sáng rỡ và nó run run đưa hai tay đỡ lấy tấm danh thiếp của Huệ.

 

Có lẽ đó là lần đầu tiên con gái mình được coi như một người lớn, và mình cũng được học được một bài học nhẹ nhàng từ tấm danh thiếp ấy trong việc ứng xử với các câu hỏi của trẻ con.

 

3/2011 


Người post: VanNH

Ngày đăng: 15-03-2011 13:01






Xem 1 - 10 của tổng số 14 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: HuongNT
18/03/2011 23:58:41

Câu chuyện của Vân rất đáng để chúng ta quan tâm khi ứng xử với trẻ nhỏ. Mình rất tâm đắc với comments của chị Nhuận và Huyền. Có lẽ các bé trai ít hỏi linh tinh hơn các bé gái thì phải. Con trai mình chỉ mê game và đọc truyện tranh nên ít hỏi những câu "hóc búa" như con gái Vân.Kinh nghiệm của Mơ mình thấy rất hay đấy Vân ạ, nhất là với những cô bé hay đọc và có phần hơi "già" sớm như cháu. 



Từ: HaiHH
16/03/2011 10:45:48

Nói chuyện với trẻ con đã khó, đôi khi nói chuyện vói người nhớn càng khó hơn. Tiện đây xin hỏi nhà tư vấn Sơn Huệ xem bí kíp nói chuyện với người cùng tuổi thế nào để lấy nhau được?



Từ: HuyenBT
16/03/2011 05:13:45

Em nghĩ là nếu cái gì cũng "nghiêm chỉnh" quá, thì trẻ con thành "bà cụ non" hết cả thôi. Thế thì tiếc lắm, tuổi thơ chỉ đến một lần! Em cũng lười, lại bị dốt nhiều môn, nên trong nhà cũng la liệt từ điển, tất nhiên là dành cho trẻ con. Em cảm thấy có hai điều trẻ con cần biết nhất là: tình thương và lòng biết ơn. Có vẻ như có hai điều đó, thì dễ nên người hơn. Ngày nhỏ, mình tuần nào cũng đọc truyeenj tranh:"Việc nhỏ, nghĩa lớn", thế là cứ mong có ai đó đánh rơi cái gì, để mình nhặt được, để mang đến trả cho người mất(!). Nên muốn tìm chuyện kể cho con nghe, hơn là cắt nghĩa khái niệm. Với lại em mà dạy con theo mình, chắc sẽ sai nhiều lắm. Bản thân còn chưa biết sửa như thế nào đây,(sám hối!)


@Anh Mơ, may mà anh đinh chính lại, không thì em "ngất" đấy, anh lại dụ trẻ con(10 tuổi) đọc "Bóng đè". Trời ơi, 40 tuổi còn chưa "ngấm" hết được đây này!



Từ: ThongNV
15/03/2011 22:27:36

Trả lời cho trẻ con rất khó, vì phải trả lời như thế nào cho phù hợp với lứa tuổi của chúng. Cậu con trai nhà mình hồi nhỏ cũng rất hay hỏi và bây giờ đang tập sự làm luật sư cũng thế. Chỉ có điều là hồi nhỏ hay hỏi về các hiện tượng tự nhiên (như làm sao đụng vào quả bóng nó lăn được -mình đã nêu ở mục Diễn đàn) hoặc hồi học cấp II nó hỏi: Bố ơi sao mấy chú làm báo lại gọi người nhiều tuổi bằng thằng nọ thằng kia. Mình hỏi sao con biết? Cháu đưa cho mình một tờ báo có bài viết về một lãnh đạo khơ me đỏ. Mình không biết giải thích thế nào? chả nhẽ bảo vì người đó ác nên gọi bằng thằng chăng. Bí quá mình hỏi? sao con lại thắc mắc như vậy? Con mình trả lời: chú ấy là nhà báo chưa về hưu nên ít tuổi hơn ông . . . gọi như vậy là mất lịch sự bố ạ. Theo con thì . . .


Đã có lần mình trao đổi với người có trách nhiệm trong ngành giáo dục và đưa ra câu hỏi? Sao nước mình không có chương trình bồi dưỡng cho những người chuẩn bị làm bố, làm mẹ nhỉ? Ông ấy trả lời: Việc giáo dục trẻ em còn chưa làmđược nữa là giáo dục người lớn làm bố làm mẹ. Mà trước đấy có ai dạy các cụ nhà mình làm bố làm mẹ đâu?


Nếu được học thì tôi và các bạn không băn khoăn về lĩnh vực này. Tuần trước tôi nói chuyện vui với con trai về hồi nhỏ con hay hỏi bố những câu mà bố không biết giải thích thế nào cho con hiểu được với lứa tuổi của con. Con còn nhớ không? Nó cười và bảo con cũng có lúc nghĩ không biết khi cháu bố hỏi con thì con phải giải thích như thế nào nhỉ.



Từ: Meomun
15/03/2011 19:42:45

Em đang lắng nghe các anh chị chia sẻ cách ứng xử với các câu hỏi "nhạy cảm" của trẻ con đây. Em hoàn toàn công nhận là phải coi trẻ con như một nhân cách, phải tôn trọng từng câu hỏi của chúng. Tuy nhiên, con bé nhà em còn nhỏ quá, mới học lớp 1 thôi. Vì thế em rất băn khoăn, làm thế nào để câu trả lời của mình vừa đủ cho nó, lại không khiến chúng mất đi sự ngây thơ, mất tuổi thơ vì "biết" sớm quá. Chị Nhuận nói cũng đúng, hãy để chúng tự khám phá cuộc sống xung quanh, cầu mong chúng giữ được tuổi thơ trong trẻo, những câu chuyện cổ tích cho đến khi trưởng thành, một ngày nào đó lớn lên, chúng cũng sẽ mỉm cười khi nhớ lại thời thơ ấu với những câu hỏi ngây ngô.


Buồn cười, con bé có lần hỏi em:- Lần đầu tiên gặp ba, mẹ có bối rối không? !!!



Từ: NhuanNT
15/03/2011 19:21:11

Mình cho là Huệ đã đối xử với trẻ em đúng cách, nghĩa là coi chúng là một nhân cách. Người ta còn nói là khi nói chuyện với trẻ em, phải giữ tầm mắt ngang nhau, nghĩa là mình phải ngồi (quì gối) xuống ngang tầm với chúng. Mình thì cho là trẻ con sinh ra từ rốn cũng chẳng sao. Ông già Noen có bao giờ thật sự mang quà cho trẻ con đâu. Chẳng nhất thiết phải biết hết mọi chuyện phức tạp từ khi còn nhỏ. Chính những khám phá tự thân mang lại nhiều niềm vui hơn. Mình may là con cái rất ít hỏi. vì có hỏi thì mình bảo con lấy từ điển tra xem, hay vào mạng mà tra rồi nói cho mẹ biết với. Thành ra con mình có thói quen tự tra cứu lấy.



Từ: MinhCK
15/03/2011 18:54:44

Lúc nhỏ mình cũng dc bố chỉ bảo nói chuyện cho và coi mình như một người lớn. Khi tốt nghiệp ở Liên Xô về, mình được phân công đi Yên Bái. Ngày hôm sau lên đường, tối hôm đó Bố nói mình đèo Bố đi xung quanh Hà Nội, chỉ cho mình chỗ ngày nào trước ngày toàn quốc kháng chiến nhà mình ở đâu, sau năm 1946 ở đâu...và cuối cùng hai cha con ngồi tại vườn hoa Canh Nông nói chuyện và "Cụ" chốt cho mình một câu: "con hãy đi và phải nhớ nhiệm vụ nào cũng hoàn thanh, khó khăn nào cũng vượt qua..." cách nói chuyện của "Cụ" nhẹ nhàng mà mang đầy tính giáo dục. Sau này mình cũng áp dụng gần như thế với con mình nhưng kết quả thì lại khác. Có thể mình chưa có phương pháp đúng, nhưng cũng có thể trẻ con bây giờ nó khác ngày xưa. Tóm lại hãy coi trẻ con là người lớn và hãy tôn trọng nó như bạn Huệ trong chuyện của Vân vậy. Giáo dục chúng nó bây giờ khó lắm. Nhiều lúc mình cứ nghĩ hay hãy để cho chúng nó tự nhiên lớn lên như cây cỏ hoa lá ấy. Cám ơn Vân đã có một bài viết hay.



Từ: NghiPH
15/03/2011 17:21:43

Bạn Minh Huệ đã có có một cách xử sự mà ai nấy đều nên làm nhưng không phải ai cũng biết cách làm một cách bình thường, nhẹ nhàng, tự nhiên.



15/03/2011 17:05:14

Kinh nghiệm hướng dẫn trẻ em đọc sách về "giới tính":


6 tuổi đọc "Sợi xích" của Lê Kiều Như (văn cô này ngang với "trình độ" các em)


10 tuổi đọc "Bóng đè" của Đỗ Hoàng Diệu (để có tính "phản biện"  về văn hóa dân tộc)


15 tuổi (con gái) đọc "Dại tình" của Bùi Bình Thi (sau này biết cách ứng xử khi đã có chồng)


17 tuổi đọc Mukarami (nhà văn Nhật: Rừng Nauy; Kafka bên bờ biển, Biên niên ký chim vặn dây cót...) để xem bọn "Nhật nổi loạn" thế nào


18 tuổi đọc Mác két, Gunter Grass (Lạy Cụ: các ông này được Giải Noben đấy)


19 tuổi đọc "Mười ngày" của Boccasio (thời Phục Hưng), "Những kẻ thờ ơ" của Gide Mopassant


20 tuổi đọc... gì thì đọc


Đùa đấy Meomun ạ, ba cuốn đầu không nên đọc, kể cả người lớn, còn những tác phẩm của các "ông" sau thì toàn là kiệt tác cả đấy.


Kinh nghiệm của anh là: mua sách hay (định hướng) về rồi vứt lung tung khắp nơi. Có khi các con thấy hay hay thì đọc, mình không ép được!



Từ: HoaNT
15/03/2011 16:01:34

Chương trình lớp 5 hiện nay có bài cho học sinh phân biệt thai từ tháng thứ nhất đến tháng thứ 9 đồng thời có giảng cơ chế hình thành bào thai từ trứng và tinh trùng. Nên hồi học lớp 5 con trai mình về hỏi là: thế làm thế nào để trứng và tinh trùng gặp nhau? Cô giáo bảo câu hỏi này về hỏi bố mẹ???




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s