Con gái con trai
Cháu gái báo tin’ Anh Phong về VN rồi bác ạ’. Tôi chỉ nói ‘thế à’ mà lòng nặng trĩu. Thôi thì chỉ mong cháu trở về với gia đình, tìm được công ăn việc làm ổn định.
Cháu là một trong số cả tá các cháu sinh viên đã học ở đây và đã ở qua nhà tôi. Người thì ở nhiều năm, người chỉ vài tháng, thậm chí vài ngày. Tất cả đều để lại trong tôi những dấu ấn sâu đậm. Tôi muốn kể ra đây là vì tôi nghĩ mỗi cháu là một bài học của trường đời quanh tôi.
Đầu tiên là Hoa, một cháu gái xinh đẹp, cực giỏi và ngoan, tốt nghiệp Tiến sỹ ngành thương mại được nhận làm giảng viên tại đại học South Australia (UNI SA). Cháu là con chị T, một người KGU của chúng ta. Nhà chúng tôi còn dư một phòng. Cái phòng đó bây giờ vẫn được gọi là phòng chị Hoa dù đã có bao người ở sau đó. Những ngày đầu đó chúng tôi còn nhiều khó khăn, cháu sống chan hòa, chia sẻ. Nhìn cô gái xinh đẹp, nhỏ nhắn, tôi không hiểu sao cháu lại có thể vững vàng trước một giảng đường vài trăm sinh viên, lại làm coordinator (phụ trách môn) của môn đó. Xinh đẹp và tài năng thế nhưng cháu chung thủy với một người bạn trai học trên vài lớp ở ngành khác và đã vượt qua nhiều trở ngại đề có một mái ấm hạnh phúc hôm nay. Tôi cảm phục cả cháu và cha mẹ cháu.
Rồi đến Mi, cô sinh viên học bổng AusAid quê Sài gòn. Cháu được tuyển thẳng vào trường Y Sài gòn nhưng lại chọn học bổng đi học ở Uc, ngành khoa học y học (Medical Science). Là con út, được chiều chuộng lắm nên người gọi điện cho tôi xin cho cháu đến ở lại là người bạn trai chu đáo của cháu. Mi chỉ lớn hơn con trai út của tôi 1 tuổi, người lại nhỏ bé nên thường bị Nam trêu chọc, gọi bằng ‘chị’. Cháu vẫn tị nạnh việc rửa chén bát với Nam (các cháu chia nhau rửa ché bát ). Chúng thường thi đố nhau một chuyện gì đó rồi đứa nào thua sẽ phải rửa chén cả tuần. Một hồi như thế Mi luôn bị thua nên tức lắm, bảo Nam chuyên lừa nó nên nó không thèm chơi đố nữa. Thế nhưng việc học hành thì cháu cực kỳ nghiêm túc. Cháu kể trong lớp có một bạn nữa người Singapore cùng thi nhau ai đạt điểm cao nhất lớp. Thỉnh thoảng về vẫn phụng phịu: hôm nay nó đạt cao hơn cháu. Trên bàn học của cháu luôn có những ‘khẩu hiệu’ nho nhỏ để tự động viên mình học tập. Cháu không được ở lại học tiếp vì nhà nước không cho, nhưng bây giờ cháu cũng hoàn thành xong PhD ở Sài gòn, tại phòng thí nghiệm của trường Oxford hình như ở gần Bệnh viện Nhiệt đới. Trong tôi, cháu vẫn là cái Mi tròn trĩnh, lúc nào cũng giản dị gọn gàng trong bộ quần jean, đeo cái ba lô to tướng nặng trịch.
Một cô nữa là Uyên. Uyên gọi tôi bằng chị. Là nha sỹ ở SG, cũng sang đây theo học bổng Ausaid. Uyên vừa hòan thành PhD. Tôi chỉ còn biết ngưỡng mộ tâm phục khẩu phục cô gái quê Quảng Nam (sống ở SG) này, đã thi đỗ kỳ thi rất phức tạp để được hành nghề nha mà không phải học lại. Là chị cả của 2 cô em gái, gia đình bố mẹ là giáo viên phổ thông ngày xưa, nghèo chẳng có điều kiện gì, Uyên một mình gánh vác gia đình, lo cho bố mẹ và các em. Cho đến hôm nay, mọi chuyện yên ổn rồi, Uyên vẫn ... một mình. Cô gái giản dị, giỏi mọi thứ, từ nấu ăn đến làm răng giả cho thiên hạ này luôn đi ngủ đúng giờ và dậy đúng giờ.
Còn nhiếu cháu có học bổng sống với tôi một thời gian ngắn. Các cháu đều ngoan, chăm chỉ và, giản dị.
Thật không công bằng khi so sánh những người xuất sắc, thi đỗ cao, học giỏi, có học bổng với những cháu đi học tự túc. Nhưng tôi muốn có một sự so sánh về cách dạy con, hay ’nếp nhà’
Hai cháu ruột của tôi sang đây học bằng tiền của bố mẹ chúng. Trước đó tôi luôn chủ quan cho là bọn trẻ đứa nào cũng hiền lành giản gị, chăm chỉ học hành và biết làm vài việc nhà liên quan đến sinh hoạt của chúng như các cháu tôi biết.
Cháu tôi là con một, nhà khá giả, bố mẹ đi làm bận rộn cả ngày, tới 9,10 giờ tối luôn. Cơm nước, nhà cửa kể cả chợ búa đã có Osin. Việc của cháu là xách cặp đến lớp học, về nhà lại được kèm học thêm những giờ còn trống, không phải làm một việc gì. Nhìn cái sự lóng ngóng của cháu trong việc lo cho bản thân mình mà tôi vừa bực vừa thương cháu. Mọi việc của mình thì đã quen cho là ‘của người khác’.Thế mà tôi nghĩ đây đâu phải là lỗi của cháu. Tại bố mẹ cháu chiều cháu đó thôi.Tôi có thể không yêu con bằng mọi người nên mới bắt chúng dọn nhà, rửa chén, nấu cơm khi có thể. Tôi không cho con tiền ăn sáng bên ngoài mà bắt buộc phải ăn ở nhà, uống nước đầy đủ rồi mới đi học. Không có Osin trong nhà chỉ vì tôi nghĩ mình tổ chức gọn nhẹ, tự làm lấy để cho chồng con cùng làm. Sợ có Osin lại làm hỏng con mình. Máy tính hay điện thoại cũng chằng mua cho con, chỉ động viên chúng đi làm thêm, lấy tiền mà mua thứ chúng thích. Vậy nên cả hai đứa chỉ mua đồ cũ, thay lắp tùm lum để được cái máy chúng cần. Và cái chính là chúng rất tiết kiệm, tiền tự làm ra nên tính toán 'chi ly'. Nhà mỗi người một máy mà đôi khi tôi cũng muốn phát điên về những thử nghiệm, thay đổi liên tục mà con trai muốn áp dụng cho mẹ.
Bởi thế nên tôi hoàn toàn lúng túng khi đối xử với một lớp các cháu được chiều chuộng. Các cháu không xấu về nhân cách, chỉ không được dạy dỗ để có những kỹ năng sống tối thiểu biết tư lo cho mình và còn lo cho người khác nữa. Cháu không nên ngồi chơi đợi cơm người khác dọn cho ăn, hãy xuống dọn cơm cùng mọi người..., cháu không nên đòi mua máy vi tinh đắt tiền, mới ra, có dáng đẹp mà chỉ dùng để viết bài, lướt mạng chơi, online chit chat và làm le với bạn. Tôi nói vậy nhưng thực ra cháu vẫn vay tiền ( 2000 $) để mua, vẫn dạo qua dạo lại chỗ nấu cơm và hỏi ‘ cháu có thể giúp gì bác’ trong khi cả đống chén dĩa dơ trong chậu ngay trước mắt mà cháu chẳng nhìn ra.
Phong được gửi sang học từ phổ thông, trong khi 2 anh của Phong học Master ở đây. Anh cả của Phong nói ’cháu chẳng thích nhưng bố cháu cứ muốn cháu đi học thêm cao học, cháu sẽ cố học xong rồi mang trả cái bằng cho bố cháu, xin bố cháu cho cháu được tự do sống’. Hai anh đã học xong và đã về nước. Anh cả sống thêm một thời gian nhưng không tìm được việc làm ổn định nên năm ngoái về nước và cưới vợ. Phong tốt nghiệp thiết kế mỹ thuật công nghiệp, cũng muốn ở lại nhưng loay hoay mãi hơn năm nay không kiếm được việc theo ngành nghề. Cháu ít nói và rụt rè. Tôi cứ trộm nghĩ, giá mà cháu được sống gần bố mẹ lâu hơn, lòng tự tin và khả năng giao tiếp của cháu có thể sẽ tốt hơn. Thả con ra quá sớm, có đứa trưởng thành nhanh, có đứa cứ như hụt hơi không theo kịp dòng chảy mà lại không có chỗ dựa. Cháu rời Việt nam đã lâu, quen cách sống ở đây, bây giờ về chắc khó khăn lắm.
Nước úc mở cửa một thời gian dài. Và cũng mở để thu hút học sinh nước ngoài sẵn sàng trả cả đống tiền để đến học. Đây thực sự là một ngành công nghiệp có thu nhập cao cho kinh tế quốc dân. Người có quốc tịch úc (hay thường trú ) chỉ trả khoảng 1/3-1/4 số tiền của SV nước ngoài cho cùng ngành học. Bây giờ tình hình kinh tế khó khăn, cuộc sống nhiều nơi cũng không ổn định nên nhiều cháu muốn ở lại. Sinh viên Việt nam chỉ là số nhỏ. Còn bao nhiêu sinh viên từ Trung quốc, An độ...cũng muốn ở lại. Thế là họ thay đổi chính sách, Hiện nay, muốn ở lại các cháu có thể gia hạn visa thêm 18 tháng. Trong thời gian đó cháu phải tìm được việc làm theo chuyên ngành mình học, phải thi IELTS academic tất cả các môn từ 7 điểm trở lên thì mới được chấp nhận.
Chỉ tiếc là có cháu sang đây, trả khoảng 20.000 $/năm cho tiền học, rồi lại lao đầu vào đi làm kiếm thêm tiền ăn ở, thành ra thời gian học kéo dài, vừa mất thêm nhiều tiền mà kết quả học hành không được tốt như các bạn khác, khả năng kiếm việc càng khó hơn.
Tôi chỉ viết những điều tôi nhìn thấy. Vẫn có nhiều cháu học tư túc mà rất giỏi, thành công.
Cháu tôi vừa tốt nghiệp. Đã trở thành một con người khác hẳn so với lúc cháu mới sang. Cháu cũng chưa quyết định (cháu nói thế) sẽ học thêm hay về nước... ‘Tùy theo ý bố mẹ cháu’.
Bọn trẻ như những con chim, dạy chúng biết bay rồi thả chúng ra. Chúng sẽ bay đi bốn phương. Giông bão sẽ đến, để thử thách, nhưng cầu mong cho các cháu luôn vững vàng.
Người post: NhuanNT
Ngày đăng: 16-03-2011 14:02
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 10 của tổng số 10 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |