KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 17 Tháng ba. 2011

Sự quyến rũ của xứ sở mặt trời




Tác giả: ChauHM

 

Năm 2004 tôi mới đến nước Nhật.

Tôi vẫn giữ thói quen ghi lại những cảm xúc đầu tiên tại mỗi đất nước tôi đã đi qua. Do điều kiện công tác, tôi đã đi trên dưới hai chục nước khác nhau. Và cho dù là sự kỳ vĩ của nước Mỹ, hay sự cổ kính của châu Âu, hoặc sự bí ẩn của những truyền thuyết Ấn Độ…, tôi cứ có cảm giác cái này na ná cái kia, thế giới này sao mà nhỏ hẹp, ai có gì hay là cả thế giới sao chép hết. Nhưng ngay lần đầu tiên đến Nhật, tôi đã hiểu rằng, xứ sở đầy cá tính này không giống với bất cứ nơi nào tôi đã đi qua trước đây.

Phần 1: Công vụ

(phần này it liên quan đến người KGU, nên tôi bỏ qua)

Phần 2: Du khảo

Vì lần đầu đến Nhật nên tôi thực sự muốn tìm hiểu về đất nước này.  Tôi không biết, trong thế kỷ 20, có xứ sở nào lại làm cho thế giới ngạc nhiên nhiều hơn Nhật Bản hay không?

Khi người Nhật buộc phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngày 15-8-1945, chấp nhận sự chiếm đóng của quân đội đồng minh, đất nước này ra khỏi cuộc chiến tranh với hơn 3 triệu người chết, 20% nhà cửa bị tàn phá bởi chiến dịch ném bom của không quân Mỹ (trong đó có hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki); riêng Tokyo và Osaka – hai trung tâm lớn nhất – bị tàn phá tới 60%. Mức sản xuất công nghiệp chỉ còn tương đương với 10% so với trước chiến tranh. Và phải 6 năm sau, Nhật mới thu hồi được nền độc lập, chấm dứt ách chiếm đóng của quân đội Mỹ bằng Hiệp ước Hòa bình San Francisco 9-1951.

Vậy mà chỉ 16 năm sau, năm 1968, tổng thu nhập quốc dân của Nhật đã đứng hàng thứ hai thế giới, vượt cả những cường quốc kinh tế lâu đời như Anh, Pháp, Đức, Ý…

Cả thế giới ngạc nhiên không hiểu người Nhật đã làm gì để đạt được sự phát triển thần kỳ này! Đối chiếu với những gì mà Việt Nam đã đạt được trong gần 20 năm sau chiến tranh, có lẽ chúng ta sẽ dễ hình dung hơn, kỳ tích của người Nhật vĩ đại biết chừng nào.

Người Nhật gọi nước họ là Nihon (Nihông) hay Nippon (Nippông), tức là xứ sở mặt trời mọc. Japan là cách người phương Tây gọi nước Nhật. Diện tích đất nước này là 377.700 km2, lớn hơn Việt Nam một chút, nhưng chủ yếu là đồi núi. Ngọn núi cao nhất, là biểu tượng của nước Nhật, có tên là Fuji , mà chúng ta hay gọi theo âm Hán-Việt là núi Phú Sĩ, cao 3775m. Ở Nhật chỉ có những đồng bằng nhỏ hẹp, trong đó đáng kể nhất là đồng bằng Kanto nằm ở bắc Tokyo . Ngày xưa, người Nhật chỉ ăn gạo, cá, rong biển và đậu nành; khoảng một trăm năm trở lại đây mới bắt chước phương Tây ăn thịt bò, sữa và các món ăn giầu dinh dưỡng khác. Có thể đây là nguyên nhân khiến cho người Nhật không cao to như những dân tộc khác ở phương Bắc? Bờ biển Nhật khúc khuỷu ở phía Đông, bằng phẳng và đơn điệu ở phía Tây, nhưng cá đánh được ở bờ biển phía Tây (biển Nhật Bản) bao giờ cũng ngon hơn cá ở biển phía Đông (Thái Bình Dương). Nước Nhật hầu như không có khoáng sản, ngoài một ít than xấu, một ít quặng sắt, đồng, vàng, bạc, chì. Đất nước này nổi tiếng là nơi hay xảy ra động đất. Mỗi năm có tới hàng ngàn lần địa chấn cảm nhận được. Trận động đất ngày 1-9-1923 đã san bằng Tokyo và các vùng lân cận, làm khoảng 3-4 triệu người chết và bị thương. Trận động đất gần đây nhất vào năm 1995 đã san phẳng thành phố Kôbê với khoảng 5600 người thiệt mạng.

Nhật  là nước đông dân với 125 triệu người và khá thuần nhất về chủng tộc (không có các dân tộc thiểu số), ngoại trừ khoảng 20.000 người Ainu, vốn là những cư dân đầu tiên có mặt trên quần đảo Nhật Bản với ngôn ngữ và phong tục riêng. Trong lịch sử, xứ sở đất chật người đông này đã phải chịu nhiều nạn đói triền miên. Một cuốn phim lịch sử của Nhật về đề tài này đã tái hiện một phong tục đau lòng là, tất cả những người già, khi răng đã rụng hết, đều bị đưa lên núi bỏ đói, vì họ không có quyền ăn những thức ăn vốn rất ít ỏi của con cháu.

Ngày nay, nền kinh tế Nhật hiện diện ở quy mô toàn cầu. Du khách Nhật được chào đón đặc biệt ở mọi nơi trên thế giới vì khả năng mua sắm cao. Người châu Á chúng ta cũng được hưởng lợi vì nhờ có người Nhật mà các chủng tộc da vàng không bị dân da trắng coi khinh là da mầu thấp kém.

Lý giải sự thành công của Nhật bản, hầu hết các chuyên gia đều bắt đầu từ những cải cách dưới thời Minh Trị Duy tân. Giống như tất cả các nước phương Đông khác, Nhật Bản cũng bế quan tỏa cảng vào đúng lúc cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ ở phương Tây, để rồi khi mở cửa, Nhật Bản phải trả một giá cực đắt. Khi 4 chiến thuyền Perry (Mỹ) đến cảng Edo (tên cũ của Tokyo) vào tháng 7 năm 1853 đòi Nhật phải mở cửa, nước Nhật đã bàng hoàng chứng kiến sức mạnh của phương Tây. Năm 1857, Viện nghiên cứu phương Tây (tiền thân của đại học Tokyo ngày nay) được thành lập, cử các đoàn đi tìm hiểu tiếp thu nền văn minh Âu-Mỹ. Từ đây, Nhật Bản bắt đầu hòa nhập với thế giới bên ngoài. Nhưng phải đến năm 1868, khi Mạc phủ (Shogun) Tokugawa bị lật đổ, quyền hành trở lại tay của Thiên hoàng, thì mới thực sự bắt đầu một thời kỳ mới của Lịch sử Nhật bản, mà chúng ta quen gọi là thời kỳ Minh Trị Duy Tân.

Với khẩu hiệu: “Học hỏi phương Tây, bắt kịp phương Tây, đi vượt phương Tây”, chính quyền Minh Trị đã thi hành một loạt cải cách từ bộ máy nhà nước, quân đội, kinh tế, tài chính, giáo dục theo hình mẫu của phương Tây. Cuộc Minh Trị Duy tân (1868-1912) đã mang lại sự biến đổi kỳ diệu trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị và xã hội Nhật Bản, tạo cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ về sau. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Nhật Bản nhanh chóng trở thành một cường quốc khu vực. Năm 1905, Nhật đã đủ sức mạnh để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật với trận thắng Đối Mã nổi tiếng lịch sử, đánh chìm 13/14 tầu thiết giáp của Nga, bắt sống đô đốc Hải quân Nga là Rodzhestvenski. Những năm tiếp theo, quân đội Nhật Bản đã đủ sức bành trướng sang bán đảo Triều Tiên, lục địa Trung Hoa và Thái bình dương…

Nhưng sự thành công của Nhật Bản chắc chắn không chỉ nhờ chính sách mở cửa. Tạo hóa đã cho người Nhật một khả năng kết hợp hài hòa giữa con người với thiên nhiên, với các tôn giáo và với các nền văn minh khác nhau. Người Nhật học được tất cả những gì hay nhất của phương Tây, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn cá tính Nhật Bản. Rất ít dân tộc giữ được bản sắc của mình như người Nhật trước sự phá hoại của internet và quá trình toàn cầu hóa.

Ấn tượng mạnh nhất về văn hóa Nhật Bản là tính truyền thống. Tài năng, tính cách của người Nhật ngày nay bắt nguồn từ một quá khứ xa xưa. Dù không hoành tránh như phương Tây, nhưng Nhật bản có rất nhiều di tích lịch sử được bảo vệ và giữ gìn qua nhiều thế kỷ. Chùa Horyu ở Nara được xây cất năm 607 là ngôi chùa bằng gỗ cổ nhất thế giới hiện nay còn được bảo tồn. Nền văn hóa Muromachi (1338-1573) đã để lại cho Nhật Bản những di sản quý giá như: Chùa Vàng (Kinkaku) và chùa Bạc (Ginkaku) ở Kyoto ; những bức tranh thủy mạc của Sesshu (1420-1506) đạt đến mức độ hoàn hảo. Kịch Nô là lối hát tuồng độc đáo của Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì đến ngày nay. Nghệ thuật cắm hoa, trà đạo tiếp thu từ Trung Quốc mà bây giờ không ai có thể phủ nhận rằng nó đang là một trong những nghệ thuật điển hình đậm sắc thái Nhật Bản. Tôn trọng truyền thống tức là tôn trọng các tiền bối. Hầu hết những lãnh đạo cao cấp của các đại công ty Nhật ngày nay là những ông già. Chủ tịch Tổng giám đốc điều hành của Sanyo là một ông già 70 tuổi. Có vẻ người Nhật không quan tâm nhiều đến việc trẻ hóa cán bộ. Ai làm lãnh đạo cũng phải biết tiếp tục thành quả của những người đi trước. Nhìn lại Việt Nam , chúng ta thường nhân danh đổi mới để phủ nhận cái cũ. Mỗi thời đại chúng ta đều thích làm lại từ đầu, thích khái niệm “lịch sử sang trang”. Có thời, chúng ta còn tuyên truyền xây dựng “văn hóa mới”. Bản thân cụm từ này đã thể hiện sự nông cạn, thiếu hiểu biết về văn hóa. Thứ nhất, chúng ta cho rằng, văn hóa truyền thống có vấn đề, nên mới phải xây dựng “văn hóa mới”. Thứ hai, văn hóa là một sản phẩm được hình thành qua đời sống của một dân tộc sau hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, lẽ nào trong một vài năm chúng ta có thể xây dựng một phiên bản mới để thay thế nó? Trong chuyến viếng thăm Nhật Bản lần này, tôi có may mắn được thăm quan cố đô Kyoto, được tiếp xúc với những người bạn Nhật điển hình, nên hiểu được một điều, mỗi người Nhật hôm nay đều học được rất nhiều từ truyền thống của tổ tiên mình, người sau kế thừa người trước, các thế hệ nối tiếp nhau vun đắp cho cái văn hóa Nhật bản vốn rất có cá tính lại ngày càng trở nên giầu bản sắc.

Tôn giáo ở Nhật Bản cũng rất đặc biệt. Một người bạn Nhật cho tôi biết, tôn giáo phổ biến nhất ở đây là Phật giáo dòng Đại Thừa (tiếng Nhật là dòng Zen), du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ 6, cho đến nay vẫn là quốc giáo. Tuy nhiên, hầu hết trong các ngôi đền tôi đã thăm quan đều thờ các vị thần đạo Shinto, là tôn giáo bản địa của người Nhật. Tìm hiểu thêm mới biết cách người Nhật hòa hợp với các loại tôn giáo như sau: trong nhà thờ tổ tiên (đạo Phật); trong nghề thờ Tổ sư; ra ngoài xã hội thờ thần thánh (đạo Shinto) và những vị anh hùng có công với nước. Mặc dù đạo Thiên chúa không phổ biến lắm, nhưng khi cưới xin, người Nhật thích đến nhà thờ, còn khi đưa ông bà về thế giới bên kia lại theo đường lối của đạo Phật.

Người Nhật từ xưa đã có cách để thực thi dân chủ rất hay: đó là Trà đạo. Trong cuộc sống hàng ngày, các quý tộc và các  sĩ quan (samurai) luôn cách biệt với dân chúng và binh lính do sự chênh lệch đẳng cấp xã hội. Trà đạo là một nơi, khi đến đó con người không còn phân biệt cao thấp giầu nghèo: quý tộc cũng ngang hàng với dân thường, sĩ quan cũng bình đẳng với binh lính. Cửa ra vào các quán trà đạo truyền thống thường làm rất thấp, để cho người cao phải cúi nhiều, người thấp thì cúi ít. Các ghế ngồi đều cao bằng nhau, đặt xung quanh những chiếc bàn. Trong phòng trà đạo không trang trí gì để nó không ra sang trọng, không ra nghèo hèn. Vật trang trí duy nhất là một nhánh hoa đặt trên bàn. Tại quán trà đạo, mọi người được nói công khai suy nghĩ của mình mà không sợ bị trừng phạt. Trà đạo thực chất là một nghi lễ (dịch sang tiếng Anh là Tea Ceremony). Chính nghi lễ đã làm cho con người tôn trọng nhau và biết lắng nghe nhau.

Chúng ta thường trầm trồ thán phục khi nói đến tinh thần võ sĩ đạo (samurai). Cuộc cải cách Taika vào thế kỷ thứ 7 đã quốc hữu hóa và chia lại ruộng đất cho toàn dân dưới hình thức “Ban điền”. Nhưng kết quả là ruộng đất chỉ tập trung vào tay quý tộc, chùa chiền…, từ đó hình thành các trang viên (Shoen). Để đương đầu với trộm cướp, các trang viên võ trang cho con cháu và người phục vụ, huấn luyện võ nghệ. Từ đó hình thành giai cấp võ sĩ (samurai). Thực ra ở mọi nơi trên thế giới, người ta đều xây dựng quân đội bảo vệ các pháo đài, các điền trang. Nhưng chính các lễ nghi trang trọng kiểu Nhật Bản đã tạo ra một giai cấp võ sĩ đạo hoàn toàn khác biệt. Họ coi nhiệm vụ quan trọng hơn danh dự, coi danh dự quan trọng hơn tính mạng. Những chuyện các samurai mổ bụng tự sát khi không hoàn thành nhiệm vụ là hoàn toàn có thật.

Trang phục truyền thống của Nhật là Kimônô. Đây là một sự ngạc nhiên tiếp theo. Kimônô rất đắt, rẻ nhất cũng 2-3 ngàn đô, trung bình thì 10 ngàn, còn đắt thì vô chừng: 100 ngàn đô, 1 triệu đô… Từ chọn tơ, vẽ hoa văn, dệt, may… mọi thứ đều làm bằng tay. Ngày xưa, nỗi lo lớn nhất của những gia đình nghèo, có nhiều con gái, là phải may kimônô cho chúng khi gả chồng. Mặc kimônô cũng là cả một vấn đề. Phải mất 3 tháng học mới có thể tự mặc được kimônô. Thắt lưng kimônô quấn chặt nhiều vòng, nên người mặc rất khó chịu, hầu như không thể ăn uống được. Tuy nhiên muốn đẹp thì phải chịu đựng. Bộ kimônô không hiện rõ những đường nét duyên dáng của phụ nữ, nhưng bù lại nó có thể che đi sự khiếm khuyết về hình dáng cơ thể. Dù cho chân ngắn, vòng kiềng, lưng dài hay eo nở, kimônô đều có cách mặc tương ứng để khắc phục. Vì thế, người phụ nữ đẹp hay không chủ yếu là do bộ kimônô…

Còn rất nhiều bí ẩn về xứ sở này. Chẳng hạn, tôi đã cố gắng tìm hiểu vườn Đá (Rock garden) nổi tiếng từ 500 năm trước, để hiểu ý nghĩa của nó, mà chẳng hiểu gì cả. Tôi cũng không hiểu tại sao, sự hấp dẫn nhất của các cô gái Nhật lại là phần gáy bên dưới búi tóc vén cao? Tôi thấy những bộ kimônô rất đẹp, nhưng vẫn không hiểu sao người ta lại bỏ nhiều công sức như thế cho nó, vì dù sao đó cũng chỉ là một bộ quần áo. Tại sao người Nhật tốn rất nhiều thời gian cho lễ nghi, cho sự tỷ mỷ, cho sự chu đáo, cho uống rượu sakê, cho trà đạo, cho thăm dò đối tác, cho sự cân nhắc thận trọng khi ra quyết định… mà vẫn đạt được tốc độ phát triển phi thường?…

Có lẽ vì những bí ẩn này mà đối với tôi nước Nhật trở nên quyến rũ hơn chăng?

 

 

 


Người post: ChauHM

Ngày đăng: 17-03-2011 15:03






Xem 1 - 7 của tổng số 7 Comments

Từ: HuongNT
19/03/2011 01:03:09

Cám ơn Châu đã có một bài viết rất hay về đất nước Nhật bản ở nhiều khía cạnh. Những lý giải của Châu về đất nước và con người Nhật Bản cũng đầy sức thuyết phục. Và qua trận động đất sóng thần này cả thế giới đều khâm phục và ngả mũ kính chào người Nhật.



Từ: BinhNH
18/03/2011 07:48:26

Nước Nhật không chỉ được dân một nước kính trọng về nhiều mặt như tốc độ phát triển, đất nước tươi đẹp, sản phẩm tuyệt hảo , mà ngay đức độ, tính cẩn thận, đặc biệt con người được giáo dục cẩn thận trong mọi mặt. Nên thực tế lần động đất kinh hoàng này đã làm cả thế giới khâm phục.


Châu nghiên cứu kỹ thật. Cám ơn nhé.



Từ: NguyetTM
17/03/2011 21:29:11

Cảm ơn Châu đã cho mọi người đến với đất nước của xứ sở Mặt Trời từ rất nhiều khía cạnh. Bài viết nào của Châu về những nơi Châu đến cũng rất hay và bổ ích cho đại chúng. Mình chợt có ý tưởng là nếu mọi người không có điều kiện đi du lịch nhiều thì "góp tiền" (vì sợ Châu thiếu tiền !) nhờ Châu đi thăm quan hộ rồi về kể lại có khi rất hiệu quả đấy !   


Thật thú vị và tâm đắc với những câu kết của Châu. Những câu hỏi chính là những lời giải thích tại sao người Nhật thành công thế. Sự thành công là kết quả hội tụ của các duyên lành tạo nên sự kiện. Người Nhật họ cứ miệt mài làm những việc như vậy là để xe duyên cho những thành công. Theo mình gốc rế thành công của người Nhật là đạo Zen.



17/03/2011 17:54:34

Bài viết của anh Châu rất hay và xúc tích nữa. Cám ơn anh Châu. Xin góp thêm với anh về một khía cạnh của văn hóa Nhật Bản.


 Nhà văn Murakami Haruki


Về một nhà văn tiêu biểu cho diện mạo văn học Nhật Bản đương đại mà mình yêu thích: Murakami Haruki.


Sách của ông dùng  ngôn ngữ hiện đại mô tả cuộc sống tươi đẹp như nó vốn có, phóng khoáng, phảng phất nỗi buồn, sự tìm kiếm “cái tôi”, có nỗi cô đơn và khao khát tình yêu có thất vọng, thậm chí cái chết, nhưng không mang tính bi quan mà giúp ta khát vọng sống, trân trọng cuộc sống. Đặc biệt là cái cách ông viết về sex: rất tự nhiên, không gượng ép,  pha trộn giữa  lãng mạn, phóng khoáng và siêu thực, mô tả chi tiết  với ngôn ngữ sống động và do đó không sa vào dung tục.


Cuốn sách đầu tiên mà mình biết đến (bằng tiếng Việt) là do một cô cháu làm cùng cơ quan mua tặng: Biên niên ký chim vặn dây cót. Cuốn này do Trần Tiễn Cao Đăng dịch, dựa theo bản tiếng Anh The Wind-up Bird Chronicle của Jay Rubin và bản dịch tiếng Nga “Хроники Заводной Птицы của Sergey Logachev đối chiếu với nguyên tác tiếng Nhật. Sách do Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2006. Chàng trai đã “chui” xuống giếng để chiêm nghiệm về cái vô nghĩa của  quãng đời đã sống, để tìm ra câu trả lời cho ý nghĩa của sự sống và cái chết. Bút pháp siêu thực được sử dụng trong tác phẩm. (Tĩnh trí lại và tự tìm lời đáp  “ta là ai trong cuộc đời này” cũng có ích cho mỗi chúng ta).


Cuốn thứ hai là: Rừng Na Uy do Trịnh Lữ dịch theo bản tiếng Anh của Jay Rubin, Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2006. Rừng Na Uy là câu chuyện về giới trẻ Nhật Bản trong bối cảnh đầy biến động những năm 1960 với trung tâm là chàng thanh niên Toru cùng hai tình yêu trong đời của anh là Naoko và Midori. Gần đây cuốn này đã được đạo diễn Trần Anh Hùng, người Pháp gốc Việt dựng thành phim đã công chiếu ở Việt Nam. Cũng nhờ phim mà nhiều bạn đọc tìm đến với các tác phẩm này của ông.


Cuốn thứ ba: Phía Nam biên giới, Phía Tây mặt trời, Cao Việt Dũng dịch theo bản tiếng Pháp có tham khảo bản tiếng Nhật, do Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất  bản năm 2007. Tác phẩm gần như là cuốn tự truyện của Haruki Murakami. Truyện được kể lại thông qua ký ức của chàng trai Hajime, “mỏng manh, dễ gẫy” và nhạy cảm với thế giới xung quanh. Ngay từ nhỏ, cậu bé Hajime đã mặc cảm về thân phận "con một" của mình, không giống với những đứa bạn cùng trang lứa.Từ một cậu bé 12 tuổi, Hajime với những cảm xúc chưa rõ ràng với cô bạn gái Shimamoto-san – cũng là “con một” và bị dị tật ở chân trái đã lớn lên với bao biến cố, thăng trầm của cuộc đời. Năm 37 tuổi, Hajime có một gia đình với một người vợ xinh đẹp và hai đứa con luôn quấn quít bố. Cuộc sống đáng hài lòng và vô cùng may mắn khi anh làm chủ một cơ ngơi, được làm công việc anh yêu thích và kiếm ra rất nhiều tiền. Tuy nhiên, trong chuỗi ngày bình lặng cứ trôi qua đều đều như thế, quá khứ cứ nhói đau âm thầm…. Anh và cô bạn gái thưở thiếu thời Shimamoto-san có gặp nhau không, hạnh phúc và kết cục nào đợi anh…?


Cuốn thứ tư: Kafka bên bờ biển, Dương Tường dịch, Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2007. Dịch giả Dương Tường còn nổi tiếng với bản dịch “Cái trống thiếc” tác phẩm của nhà văn giải Noben người Đức Gunter Grass. Ngôn ngữ dịch của ông rất “điêu luyện”, uyển chuyển và rất… Việt. Cậu bé Kafka Tamura, mười lăm tuổi bỏ nhà ra đi. Trên con đường “dạt vòm” là tầng tầng, lớp lớp những siêu thực, hiện thực huyền ảo, văn học dân gian Nhật Bản, thần thoại Tây phương, âm nhạc cổ điển và hiện đại... Tác phẩm về mỹ học và tâm linh dưới hình thức tiểu thuyết.


Cuốn thứ năm: Xứ sở diệu kì tàn bạo và chốn tận cùng thế giới , Lê Quang dịch, Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2010. Cuốn này NoM mới mua, chưa kịp đọc.


Cuốn “Ngầm” do  Trần Đĩnh dịch , Nhã Nam và Nhà xuất bản Sài Gòn xuất bản năm 2009 (chưa mua được).


Trân trọng giới thiệu để các ACE KGU tìm đọc.


(Thanh minh: không phải “nhà cháu” quảng cáo để bán sách. “Nhà cháu” chẳng liên quan gì đến các NXB và các quán bán sách cả).


 


 



Từ: ThongNV
17/03/2011 17:14:39

Trong 8 ngày nghỉ cuối tuần, tôi đã 2 lần tách đoàn để đi một mình tự do ngắm các vườn cây, công viên của Nhật. Tôi đặc biệt thích các nhà vườn của Nhật, họ thiết kế hài hòa âm, dương. Nhưng cây bonsai đẹp tuyệt vời đã nói lên lịch sử phát triển của dân tộc này đã trải quan gian khổ, cực kỳ gian khổ nhưng vẫn vươn lên để cả thế giới ngưỡng mộ.



Từ: NghiPH
17/03/2011 17:05:01

Chỉ riêng việc nêu ra hàng loạt các câu hỏi: (Tại sao sự hấp dẫn nhất của các cô gái Nhật lại là phần gáy bên dưới búi tóc vén cao? Tại sao họ phải bỏ  nhiều công sức như thế cho việc mặc bộ kimono? Tại sao người Nhật tốn rất nhiều thời gian cho lễ nghi, cho sự tỷ mỷ, cho sự chu đáo, cho uống rượu sakê, cho trà đạo, cho thăm dò đối tác, cho sự cân nhắc thận trọng khi ra quyết định… mà vẫn đạt được tốc độ phát triển phi thường?) đã chứng tỏ Hoàng Minh Châu có óc quan sát  sâu sắc, tinh tế.


Có lẽ, người Nhật Bản vươn lên nhanh chóng từ sự đổ nát là do có nền tảng của những sự khác người đó.  



Từ: NhuanNT
17/03/2011 16:23:22

Cám ơn vì một bài hay, đầy thông tin.


Bên này những thành phố tôi đến đều có vườn Nhật (Japanese garden), có thể ở riêng hoặc trong vườn thực vật (botanic garden). Vì thích vườn nên có điều kiện là tôi đến ngay và lần nào cũng ... xúc động. Họ là những người làm vườn giỏi nhất !


Có lẽ cái trách nhiệm với công việc họ làm, cái gì cũng muốn làm đến sự tuyệt hảo (perfect), tính kỷ luật, tính truyền thống là vài tính cách trong rất nhiều tính cách làm thành nước Nhật  hôm nay? làm nên cái vườn nổi tiếng của họ?



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s