KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 17 Tháng ba. 2011

Mùa thu Tokyo 1998




Tác giả: Tự sướng đào ngũ

Hôm kia tôi nhận được email từ CICC, tổ chức hợp tác quốc tế CNTT của Nhật Bản, có lời cám ơn đến những người bạn của CICC đã chia sẻ sự mất mát của người Nhật sau vụ động đất và sóng thần ngày 11/3. Năm 1998 tôi được CICC mời sang thăm quan Nhật 1 tuần. Sau 13 năm họ vẫn giữ email của tôi.

Nhân thảm họa mới xảy ra với Nhật, tôi xin gửi lên bài viết của tôi cách đây 13 năm sau chuyến thăm quan đó.

 

Mùa thu Tokyo 1998

Tôi cũng như các bạn, nghe câu chuyện về nước Nhật thần kỳ từ lúc tóc còn để chỏm. Thời chiến tranh chống Mỹ, cái đài bàn dẫn Sony nhỏ xíu từng là niềm tự hào của bao vị quan chức. Sau khi miền Nam giải phóng, xe máy Honda, quạt Sanyo, tủ lạnh Hitachi,...từng là niềm mơ ước của bao gia đình cán bộ miền Bắc. Thế nhưng đến mùa thu năm 1998 này tôi mới có dịp đến thăm đất nước mặt trời mọc, dưới dạng một học viên.

Tôi được CICC (Center of the International Cooperation for Computerization) của Nhật, một tổ chức phi lợi nhuận dưới sự bảo trợ của MITI, có nhiệm vụ hỗ trợ cho sự phát triển Tin học của các nước chậm phát triển, mời theo học khoá IT Management Program. CICC có hai kiểu đào tạo: Invitational Training và On-site Training. Các khoá của Invitational Traning còn có: Client/Server System, Multimedia System, Network/Internet, CASE Tool, Project Management. CICC còn tổ chức các chương trình nghiên cứu chung cũng như các trao đổi như: International IT Standardization, Rechearch and information. Khoá chúng tôi bao gồm 6 người, tổ chức hàng năm và năm nay là năm thứ ba với chủ đề: "IT for Manifacturing and Distribution".

Sau một thời gian dài thương thuyết về vé máy bay, cuối cùng tôi cũng được cấp vé theo đường HN-HONGKONG-TOKYO của Cathay Pacific. Đi từ nhà là 8h sáng chủ nhật 15/11/1998, tôi xuống Tokyo đã là 9h30 tối (giờ Tokyo lệch HN 2 tiếng sớm hơn). Sau một hồi xếp hàng khá dài ở cửa công an cửa khẩu (chừng 30') theo hướng dẫn từ trước, tôi lấy xe buýt đi vào thành phố mất 1h30' sau mới tới khách sạn. Trời tối chỉ nhìn thấy ánh điện của thành phố, trên xe tôi làm một giấc dài.

 

Ngày đầu tiên: làm quen và giới thiệu đất nước mình

Sáng hôm sau 6 thành viên khoá học làm quen nhau ở sảnh KSạn. Lâu lắm rồi tôi không đi học nên lần này làm học viên cũng thấy thú vị. Ngoài tôi từ VN còn có các bạn từ Trung quốc (một quan chức vụ phó của Bộ Công nghệ Thông tin), Malaysia (Chủ tịch một tập đoàn tư vấn về Tin học), Philipin (Phó chủ tịch Hội Tin học Philipin), Indonexia (Telecom Indo, cán bộ về Chiến lược phát triển Internet)  và Thailand (Chủ tịch hội tin học Thai). Anh bạn Indo là trẻ nhất chưa đến 30, còn đều trên 50 cả. Chúng tôi được dẫn sang trụ sở của Trung tâm Đào tạo của CICC ở bên kia đường của ksạn, thật là tiện. Có 6 học viên mà có đến gần 20 vị chức sắc đón tiếp chúng tôi. Ngoài cán bộ các  bộ phận của CICC còn có đại diện các hãng to đầu của Nhật như NEC, Toshiba, Fujitshu, Hitachi. Sau phần thăm hỏi, giới thiệu quan khách và khoá học, chúng tôi được nghe đại diện của Toshiba và Hitachi giới thiệu về các ứng dụng Tin học mới của họ trong sản xuất và phân phối. Tôi chợt thấy rằng mọi cái đều được trình bày bằng tiếng Nhật rồi mới dịch qua tiếng Anh. Ngay cả khi chúng tôi tự giới thiệu về bản thân cũng được dịch ra tiếng Nhật. Bài phát biểu của hai hãng nọ chiếu bằng tiếng Anh nhưng được trình bày bằng tiếng Nhật rồi mới dịch. Thế còn sướng chán vì các hôm sau này chúng tôi còn được chiếu báo cáo bằng tiếng Nhật, trình bày bằng tiếng Nhật rồi mới nghe lõm bõm qua tiếng Anh. Tôi còn trở lại đề tài tiếng Anh ở Nhật sau đây.

Chiều hôm đó chúng tôi phải trình bày một chủ đề cho mọi người nghe, nói chung xoay quanh việc phát triển Tin học tại nước mình, trừ anh Malaysia chỉ nói về Tin học trong SX và Phân phối, anh Indo chỉ nói về Thương mại Điện tử ở Indo. Bài của tôi mông từ số liệu của IDC và của Hùng Râu, nghe cũng đầy đủ ra phết. Mỗi nước trình bày 30', trao đổi 10', hết cả buối chiều hôm đó. Đáng nói nhất là anh TQ, anh Vụ phó này tiếng Anh rất củ chuối, nói rất khó nghe. Anh ta trình bày cầm giấy đọc, chiếu mấy slide tiếng Tàu lên, dân Nhật chắc hiểu vì trong các loại chữ viết của Nhật có một loại thực chất là chữ Tầu. Còn đám học viên chúng tôi, đọc không được mà nghe tiếng Anh của anh ta cũng không xong. May mà bài phát biểu bằng tiếng Anh được in trước cho mỗi người rồi. Nhân đây nói về tiếng Anh của chúng tôi. Không kể đến anh bạn TQ nọ thì tiếng Anh ọ oẹ của tôi cũng xấp xỉ với anh bạn Indo và Thai, còn thua xa anh Malay và Philipin. Malayxia từng là thuộc địa của Anh, còn Philipine khoe rằng họ là nước đông dân thứ 3 nói tiếng Anh. Thậm chí tôi hỏi rằng thế công văn giấy tờ trong các cơ quan nhà nước ở Philipine dùng tiếng gì, anh bạn Phi hồn nhiên trả lời: "Tiếng Anh", làm cho tôi ngạc nhiên vô cùng.

Với tôi đây là dịp trò chuyện tìm hiểu thêm các nước xung quanh khu vực, cũng như giới thiệu thêm Viet Nam ta cho các bạn biết hơn. Trong các ông bạn, anh Malayxia biết khá nhiều về Viet nam, đã từng dự Vietnam Telecom 1996 ở HN, hết lời ca ngợi áo dài chị em ta và món ăn dân tộc số 1 của VN, phở. Anh ta còn biết cuộc chiến tranh chống Mỹ anh hùng của VN và chỉ trích gay gắt chính sách nước lớn của Mỹ hiện nay. Được hỏi về thủ tướng Mahathir của họ, anh ta nói đất nước Malayxia ủng hộ ông ta, chỉ có phương Tây, nhất là Mỹ, những kẻ đầu cơ tài chính là không ưa gì. Báo chí Malayxia chỉ trích gay gắt việc phó Tổng thống Mỹ trong thời gian dự hội nghị APEC đã ra đường cổ vũ cho nhóm biểu tình của phe đối lập. Anh ta còn mỉa mai, chỉ có Mỹ mới có kiểu côn đồ như vậy ngay trên đất chủ nhà hội nghị.

Buổi tối chúng tôi được CICC chiêu đãi. Tôi có dịp gặp lại các ông từng sang VN và đến thăm FPT, mặc dù không thể nhớ tên của các vị ấy được. Với tôi các tên Nhật đều rất khó nhớ.

 

Thăm quan các cơ sở của Nhật

Bắt đầu từ hôm sau chương trình chuyển sang thăm quan các cơ sở của Nhật về Tin học hoá. Đầu tiên là Dai Nippon Printing Co. Từ ksạn chúng tôi phải đi xe lửa, rồi tầu điện ngầm, rồi taxi. Như vậy ngay buổi đi đầu tiên chúng tôi đã nếm gần đủ các phương tiện giao thông công cộng của Tokyo, một thành phố 12 triệu người.  đây có 2 loại tàu, loại xe lửa, chủ yếu chạy nổi trên mặt đất, chạy một vòng qua các điểm chính yếu của thành phố. Loại khác là tầu điện ngầm phủ kín Tokyo. Còn một loại chạy ra các điểm xa thành phố là tàu tốc hành, chúng tôi đã đi trong dịp đến thăm nhà máy luyện thép Kawazaki. Một cái thú vị mà tôi lần đầu chứng kiến là tầu tốc hành khi đến ga cuối cùng thay vì hay chạy vòng tròn để quay đầu như các nơi khác thì ở Tokyo người công nhân Nhật cho quay ghế ngược hướng lúc trước (thủ công bằng tay), các ghế trên toa được thiết kế dễ dàng quay ngược lại. Tôi đã khá quen thuộc với 2 đường tầu điện ngầm ở Moxkva và Paris nên rất thú vị khi đi loại phương tiện giao thông này. Ga xe điện ngầm ở Tokyo không đẹp như ở Moxkva nhưng sạch hơn ở Paris nhiều, tuy chỗ đổi các tuyến đường phải đi bộ khá là xa. Khắp nơi được trang bị máy bán vé dùng xu hoặc tiền giấy loại 100 yên có màn hình cảm ứng, mua xong còn có hình một cô bé cúi chào cám ơn kiểu người Nhật. Giờ cao điểm các toa tầu chật cứng, thậm chí chỉ đứng được bằng một chân. Lượng người đi lại bằng phương tiện này rất lớn. Người ta không hề thấy ở Tokyo tình trạng ắc tách giao thông như ở Bangkok, Mexico City. Tôi chứng kiến người Nhật đứng ngủ trong tầu điện ngầm rất nhiều. Đi làm mất tiếng rưỡi, hai tiếng (1 chiều) là câu chuyện thường ngày ở Nhật. Có hôm, trên tàu vắng người, tôi giật mình vì tiếng thình thình ở một góc toa, một trung niên Nhật đang liên tục đập đầu vào thành toa xe. Có lẽ anh ta mới bị mất việc chăng?

Do đi lại mất thì giờ nên mỗi buổi chương trình xắp xếp cho chúng tôi thăm được một cơ sở. Tại Dai Nippon Printing chúng tôi được giới thiệu một nhà máy in có hàng trăm năm nay đã chuyển đổi sang xuất bản điện tử ra sao. Hiện nay nhà máy chủ yếu xuất bản đĩa CD và DVD. Bất cứ loại sách nào dễ bán là được chuyển đổi sang đĩa CD. Chất lượng ảnh ở đây tuyệt vời, họ có những máy quét có độ phân giải rất cao. Tại phòng trưng bày lần đầu tôi được xem máy chiếu có độ phân giải cao, các bức tranh thiên nhiên đẹp đến mức bạn không muốn rời cái màn hình to tướng của họ. Điều đáng nhận xét là họ chỉ làm các CD tiếng Nhật. Được hỏi sao nhà máy không làm tiếng Anh để bán ra các nước khác, câu hỏi có vẻ không được lô gíc lắm, với người Nhật thị trường Nhật đã là quá to rồi. Chúng tôi còn được giới thiệu cách mua đồng hồ SWACH trên Internet, bạn tự chọn hình dáng, kiểu mẫu, loại dây đeo, màu sắc trên một catalog khổng lồ, 2 tuần sau bạn nhận được hàng tại nhà.

Tiếp theo là thăm trụ sở chính của hãng giả khát ASAHI, năm ngoái mới leo lên vị trí số một trong công nghiệp giải khát ở Nhật. Bia ASAHI khá ngon. Phòng họp của họ cực kỳ High-Tech, bấm nút một cái các cửa sổ từ từ đóng lại, hai nửa tường từ từ chuyển động để lộ 2 màn hình trình diễn ra (ở Nhật bây giờ chỗ nào cũng 2 màn hình). Họ giới thiệu ứng dụng group ware trong toàn cty trên lãnh thổ Nhật bản, phục vụ báo cáo, đặt hàng, chuyển giao thông tin. Toàn bộ hệ thống do NEC cung cấp trên máy tính Fujitshu, mới trông tôi cứ tưởng họ dùng Lotus Note. Chỉ tội các hình chiếu toàn là tiếng Nhật (các buổi sau chúng tôi còn gặp kiểu trình bày như thế nữa), nghe dịch tiếng Anh rất bập bõm và buồn ngủ. Hết buổi tôi được mấy anh bạn ở Toshiba mời đến trụ sở chính thăm và nói chuyện về việc FPT có thể cung cấp các dịch vụ tại chỗ cho họ một khi họ có đề án triển khai ở VN. Tôi nói: "Vô tư đi, FPT dư sức làm việc ấy", họ tin sái cổ sau khi tôi đưa bản giới thiệu cty (phần Tin học) và bốc phét các khả năng tổ chức công việc tương tự của FPT. Họ đang tăm công trình nhà ga Nội bài. Trong bữa cơm tối mấy ông bạn này hỏi rất nhiều về VN, vô tình trong câu chuyện tôi có nói rằng trong thế chiến thứ 2, Nhật bản chiếm đóng VN, họ chắp tay xin lỗi vì cha ông họ đã gây ra việc này. Thủ tướng Nhật mới chính thức xin lỗi Hàn quốc, Trung quốc mà thôi. Trước sảnh ra vào toà nhà Toshiba là một mô hình 1/15 máy phát điện hạt nhân thế hệ mới dùng trong thế kỷ 21 mà Toshiba cùng các hãng của Mỹ, Nga, Pháp đang thiết kế. Cũng nói chuyện với mấy ông bạn ở Toshiba mà tôi bị chấn chỉnh về ngôn từ rằng nền kinh tế Nhật đang suy thoái (ressession) chứ chưa đến mức khủng hoảng (crisis), sau khi tôi hỏi: "Kinh doanh của các ông ra sao khi kinh tế Nhật bị khủng hoảng?". Tài khoá vừa rồi Toshiba lỗ 60M USD, vào loại lỗ ít nhất trong các cty bị lỗ.

Hôm sau chúng tôi thăm trụ sở của NEC. Mỗi cty có một toà nhà, biểu tượng của cty. NEC có trụ sở rất gần trung tâm, toà nhà 41 tầng, cách không xa tháp truyền hình Tokyo. Phòng họp cũng rất ấn tượng ở chỗ ngoài 2 màn hình to trình diễn, mỗi cử toạ còn có 1 màn hình phẳng 15 inch ngay trước mặt, cả phòng họp là 21 chiếc. Ngoài sảnh là một tủ kính mô phỏng một bể cá, thực ra chỉ là một màn hình phẳng 3D chiếu từ một máy đọc đĩa laser. Nhìn bể cá này không ai nghĩ đó là chiếu lên, hiệu ứng nổi rất rõ. Khi được dẫn đi thăm, lần đầu tôi thấy loại kính mà ngoài nhìn vào được mà người làm việc nhìn trong ra không thấy gì. Trong toà nhà của NEC có đủ trạm xá, nhà ăn, phòng thể dục. Tôi cũng còn được giới thiệu, NEC có một cty con làm về du lịch, chỉ phục vụ cán bộ cty đi nghỉ trên toàn thế giới. Nên nhớ NEC có hơn 200.000 cán bộ. Sau khi nghe giới thiệu chút ít về NEC với chiến lược "C&C"-Computer and Communication, được tung ra từ năm 1977, chúng tôi được giới thiệu chính về cty bán lẻ 7/11 (cty này thành lập ngày 11 tháng 7), với hơn 5000 điểm bán hàng ở Nhật, ứng dụng Tin học trong việc đặt mua hàng, điều phối chuyên chở hàng đến các siêu thị sao cho hàng tồn ít nhất và bảo đảm sức bán cao nhất. Ngoài việc dùng một Intranet rất mạnh, 7/11 còn ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu (data mining) vào việc thống kê sức mua theo mùa, theo thời tiết, theo địa lý, theo tuổi tác của người mua nhằm giải quyết bài toán tối ưu kể trên. Giải pháp do NEC cung cấp.

Cơ sở tiếp theo mà chúng tôi đi thăm là nhà máy luyện thép KAWAZAKI, nằm ở ngoại ô, nên chúng tôi phải đi rất sớm và dùng tầu tốc hành. Nhà máy của họ gần như hoàn toàn tự động, máy móc, rô bốt làm việc là chính, từ luyện, cán tới đóng gói bao bì xuất khẩu. Trung tâm điều hành là máy tính Mainframe của Fujitshu, được cài đặt 10 năm trước, 1988. Họ nói cũng bắt đầu nghĩ tới chuyện nâng cấp nhưng chưa làm ngay vì hệ vẫn chạy tốt và Mainframe không dễ thay.

Tiếp theo là YAMATO Transport Company, một cty phát chuyển nhanh ở toàn lãnh thổ Nhật bản. Điểm đặc sắc của cty này là trang bị máy tính khắp các kho hàng, các ô tô chuyên chở dùng máy tính di động ghi nhận giao dịch với khách rồi on-line về trung tâm gần nhất qua mạng vô tuyến nhiều trạm mặt đất. Khách hàng có thể theo dõi vết chuyển hàng qua Internet. Việc phân loại hàng ở các kho được thực hiện tự động bằng bar code 2 chiều, sau khi đọc kiện hàng bị gạt theo các các địa phương được mã. Năng xuất lao động rất cao, hàng chuyển nhanh và hệ thống tin học bảo đảm lúc nào cũng theo dõi on-line được gói hàng đang ở đâu và người gửi qua Internet có thể xem được.

Cơ sở cuối cùng chúng tôi thăm quan là nhà máy SX máy tính của Toshiba. Đây là nhà máy chính tại Nhật nằm ở ngoại ô Tokyo. Mọi dây chuyền đều do máy tính điều khiển, tính toán. Chúng tôi được xem các dây chuyền SX ra Mainframe, PC, Note Book, HDD, và máy xử lý văn bản. Trong đó dây chuyền SX đĩa cứng là dây chuyền siêu sạch, công nhân trang bị như phi công vũ trụ. Dây chuyên này tốn nhiều công nhân chứ không tự động hoá cao độ như tôi hình dung. Cũng ở đây chúng tôi được biết vào năm 1954 cùng với trường Đại học Tổng hợp Tokyo, Toshiba SX chiếc máy tính đầu tiên của Nhật. Tại phòng chưng bày chúng tôi cũng được giới thiệu các loại đĩa cứng to đùng từ những năm 1970 đến nay, bắt đầu từ 8 inch 12 MB và bây giờ chỉ là 2,5 inch bé xíu và là 9 GB.

Chiều ngày cuối cùng tạm gọi là tổng kết thu hoạch. Chúng tôi phải điền trả lời vào các phiếu thu hoạch "khoá học" và tự trình bày về cảm nghĩ, thu lượm của mỗi cá nhân. Tôi nói rằng trước kia tôi chỉ biết nước Nhật về ô-tô và điện tử, nay tôi mới rõ nước Nhật Tin học nữa, với rất nhiều giải pháp hay. Đáng tiếc người Nhật không nghĩ nhiều về việc thương mại hoá các giải pháp này, chưa khái quát hoá và Anh hoá để bán sang các nước khác. Như một nhà tích hợp, tôi sẽ giới thiệu với các đồng nghiệp, các cơ quan ở VN về các giải pháp của Nhật. Tôi cũng mong Nhật bản đóng góp nhiều hơn về Tin học ở châu Á, không nên để người Mỹ thống trị như hiện nay. Đại diện của CICC và các hãng Tin học Nhật ghi chép như điên, nhưng không hiểu để làm gì. CICC còn tặng quà chúng tôi, phần mình tôi cũng chuẩn bị quà cho họ, cũng như anh bạn Philipine, còn các ông bạn khác thì không có gì. Buổi ăn cơm chia tay rất vui vẻ, các bạn Nhật chịu khó nói tiếng Anh hơn vì lúc này lấy đâu ra phiên dịch, có một cô dịch mà thôi.

 

Người Nhật kém ngoại ngữ?

Người Nhật nói tiếng Anh rất tệ. Tôi cứ nghĩ phải chăng họ ỉ vào nước lớn mà không thèm nói tiếng nước khác. Sau biết ra không phải thế, người Nhật rất đau khổ vì khả năng ngoại ngữ của họ. Tiếng Nhật chỉ có 5 âm cả thảy: a, o, y, e và oa nên nói tiếng khác rất khó khăn. Cái khoản báo cáo họ toàn dùng tiếng Nhật tôi đã đề cập ở trên. Trong ksạn cái gì cũng phải đi hỏi lại vài lần thì mới rõ. Ra đường thì gần như câm điếc, bạn không có cách gì nói chuyện ngoài phố với người Nhật, mình nói họ chỉ cười, họ nói mình lại cũng cười vì không biết tiếng Nhật. Chưa có lần đi nước ngoài nào của tôi khốn khổ như lần này, vốn tiếng Nga, Anh, Pháp không dùng được khi tiếp xúc. Có anh bạn trao đổi e-mail rất ngon lành về tiếng Anh, sang gặp thì hầu như không nói chuyện được với nhau. Nói vậy cũng có một số người Nhật nói được, nhưng không lưu loát và khó nghe. Ngoài phố thì chỉ có chữ Nhật, ngoại trừ tầu điện ngầm và xe lửa có cả tiếng Anh. Định đi chơi phải có "guide"thì mới khả dĩ. Cũng may mà Phong (FIS) có giới thiệu cho tôi sinh viên VN ở Tokyo nên tôi cũng tìm được guide cho mình.

Nói người lại nghĩ đến thân, nếu tiếng Anh của bạn chưa đủ thì những đợt đi như thế này cũng sẽ rất khó khăn cho bạn. Mọi giao tiếp, làm việc, phải trình bày, phải toạ đàm bằng tiếng Anh. Có tiếng Anh bạn mới có thể thu lượm được ít nhiều sau mỗi chuyến đi. Tôi vẫn rất mong các nhân viên chúng ta ở FPT trau dồi tiếng Anh hơn nữa.

 

Làm phần mềm tại các nước khác

Tôi cũng dò hỏi về tình hình làm phần mềm tại các nước trong khu vực. Philipine, dân số kém ta một tý, đã từng là nước đứng thứ hai ở châu Á về Tin học sau Nhật bản những năm 60-70 (đấy là theo anh bạn Phi nói lại). Thời Marcốt đã đẩy lùi Philipine về kinh tế cũng như về Tin học. Tuy nhiên hiện nay Philipine có rất nhiều cơ sở nghiên cứu và làm phần mềm, ước chừng 300 tổ chức, trong đó có 80 tổ chức rất tích cực, với tổng số kỹ sư lập trình chừng 30.000 người, doanh thu xuất khẩu cũng lên tới hơn 100 triệu đô. Hiện nay rất nhiều công ty đa quốc gia mua phần mềm của Philipine, nhiều hãng còn đặt trung tâm làm phần mềm ở đấy nữa.

Malayxia thì đang thừa kỹ sư phần mềm do khủng hoảng kinh tế. Họ nói họ có rất nhiều kỹ sư, giá thấp hơn Nhật nhiều, xin mời Nhật sang dùng. tuy nhiên số liệu chi tiết tôi không lấy được. Thái Lan thì đã có Software Park (cái mà chúng ta nói đến rất nhiều trong mấy năm qua) do Chính phủ Thái thành lập và do Bộ Khoa học-Công nghệ-Môi trường Thái quản lý. Nằm ở Bắc Bangkok, cách trung tâm 20 phút ô tô đường cao tốc. Theo quảng cáo thì mọi hạ tầng cơ sở đã sẵn sàng, nhiều cty đã cam kết nhẩy vào đầu tư. Ủy ban đầu tư của Thái cho rất nhiều ưu đãi nếu đầu tư vào đây, chẳng hạn miễn thuế thu nhập trong 8 năm. Nếu các bạn muôn thêm thông tin, xin vào www.swpark.or.th.

Tôi cố tìm một người cụ thể ở Nhật hỏi về việc nhập khẩu phần mềm, cuối cùng gặp được một anh từ NEC. Hiện nay NEC nhập chủ yếu từ Ân độ và Trung quốc, mỗi năm chừng 20 triệu đô từ TQ, 15 triệu từ Ân độ. Nếu phần mềm dính đến tiếng Nhật thì dành cho TQ, còn không thì làm với Ân độ. Một trong ba chữ viết của Nhật thực chất là chữ Hán nên có thể hiểu được sự phân chia như thế. Tuy nhiên giá cả hai thị trường này đang lên vù vù, anh bạn này có trách nhiệm tìm kiếm các thị trường mới rẻ hơn. Nhu cầu của NEC lên tới 100 triệu đô phần mềm nhập khẩu từ các nước kém phát triển hơn. Anh ta hẹn sang năm sẽ sang Vietnam làm việc về sản xuất phần mềm, lúc đó không biết chúng ta đã có gì để chào mời hay chưa?. Chúng ta, Vietnam, nói thì hay nhưng hành động rất chậm hoặc không hành động. Rõ ràng các nước đã đi trước chúng ta khá nhiều, sợ rằng khoảng cách đó ngày càng xa hơn. Liệu FPT có đóng góp gì trong lĩnh vực này hay không? Tôi hy vọng vào một sự may mắn sẽ đến với chúng ta.

 

Thăm thành phố

Có một buổi sáng rỗi, tôi liền làm nửa ngày thăm thành phố dạng City tour, của một cty du lịch tổ chức, giá chừng 27 đô.

Xe đi lòng vòng qua các phố của Tokyo, qua nhà Quốc hội, khu Hoàng cung, những nơi này không được vào. Ngay Hoàng cung là của vua Nhật, thực ra trong vòng 250 năm nước Nhật cũng đã từng có vua, có Shogun, tổng chỉ huy Quân đội, thực quyền còn cao hơn vua, cung điện cũng rất to ở Tokyo, còn vua khi đó ngự ở Kyodo. Năm 1862 Minh hoàng Thiên trị giành hoàn toàn quyền bính vào tay mình và chấm dứt chế độ Shogun, đưa nước Nhật vào con đường phát triển tư bản.

Tuy nhiên chúng tôi cũng được thăm quan hai địa điểm gắn với Hoàng cung. Trước hết đó là dạng như nhà chùa của vua, mang tên Minh hoàng, nhưng không phải giống như chùa đạo Phật. Chỉ có nhà vua và họ hàng mới vào cúng lễ ở đây. Điểm đặc trưng nhất của chùa này là các cổng đều bằng gỗ và rất to. Trước khi vào chùa phải rửa tay sạch sẽ. Chùa còn giữ rất nhiều hoa tươi vì mấy hôm trước đó có làm lễ sinh nhật cho nhà vua ở chùa này. Nếu xét về kiến trúc thì chùa này không có gì đặc sắc. Sau đó chúng tôi được thăm Vườn Ngự uyển, phía Đông, của Hoàng cung. Giữa một Tokyo ồn ào, chật chội, vường ngự uyển thật là quý giá bởi màu xanh của cây cỏ được chăm sóc chu đáo, bởi các hồ có suối chen giữa chảy róc rách. Người thăm quan chủ yếu khách nước ngoài, sau mới hiểu ra là vườn mới mở cho công chúng thăm quan miễn phí và rất ít người Nhật biết được điều này. Tôi đã từng thăm quan vườn của Cung điện mùa hè của Pier Đại đế (Nga), vườn của Cung điện Versaill của Loui XIV(Pháp) thì thấy kiến trúc phương đông quá tầm thường so với Tây phương.

Tiếp theo chúng tôi thăm Tháp truyền hình Tokyo. Người Nhật khoe rằng đây là tháp truyền hình cao nhất thế giới (333m), cao hơn tháp Ephen của Pháp 13 m và chỉ nặng bằng 60% tháp Ephen, được xây vào năm 1958. Nói thế thôi chứ tháp Tokyo vẫn phải vái tháp Ephen bằng cụ. Sự thực ngoài hình dáng tháp, màu sắc (tháp Tokyo màu đỏ, tháp Ephen màu đen), cảnh quan hai bên khác hẳn nhau. Tháp Tokyo nằm lẫn giữa các toà nhà cao tầng của Tokyo, không thể toát lên một kiến trúc riêng biệt. Còn tháp Ephen được bao bọc bởi một quần thể kiến trúc tượng đài, bãi cỏi, đài phun nước, vườn tược và một không gian  rộng rãi thoáng đãng tôn vẻ hùng vĩ của tháp lên rất nhiều. Buổi tối hôm sau tôi còn tự đi một mình leo lên gần đỉnh tháp ngắm Tokyo by night, thật thú vị vì Tokyo dùng rất nhiều điện, trong toà nhà cũng như ngoài phố. Bạn hình dung ngắm tựa như cảnh sao sa trên mặt đất. Người ta nói đôi khi đẹp trời có thể thấy núi Phú sĩ (Fuji) từ tháp Tokyo, nhưng chúng tôi không được hưởng điều đó.

Tôi được Thắng, đang làm cao học về Telecom ở Viện nghiên cứu Công nghệ thông tin Tokyo, cựu sinh niên K33 Bách khoa Hà nội, dắt đi thăm chợ điện tử. Thắng được Phong (FIS) nhắn trước nên tìm tôi ở ksạn. Có thổ dân đi lại cũng dễ hơn. Chợ nhưng thực ra là những quầy bé tí, chật chội chiếm mấy phố liền. Máy móc bày ngăn nắp chứ không như tôi hình dung chợ điện tử phải bày la liệt lộn xộn như ở một số nơi khác. Bên Nhật bây giờ bán Note Book là chính, rất ít bầy Desktop. Các Note Book đua nhau màn hình rộng, đua nhau mỏng và đua nhau bé nữa. Đặc biệt có một số loại gắn luôn camera, bé bằng hạt nhãn trên góc màn hình nên mở máy ra là bắt được hình ngay, cấu hình khá mạnh mà giá cỡ 2.400 đô. Máy cũ nhiều như suối, cả loại 386SX cũng thấy bầy đầy. Giá cả rất giống như FPT thanh lý, CPU giá từ 100 đến 200 đô tuỳ cầu hình. Còn các máy cũ Pentium thì lại không rẻ nếu so với mua máy mới. Phụ kiện cũng rất nhiều, bán đủ thứ, bạn có thể mua về và tự lắp thành một máy PC đàng hoàng.

Rời khu chợ điện tử chúng tôi ra phố tìm một quán mỳ bình dân ăn, rồi đi lang thang các khu phố ngắm cảnh Tokyo ban đêm, ghé qua cả khu Ginja, vốn dành cho người giàu Nhật đến ăn chơi. Trưa hôm sau, thủ tướng Nhật đã mời Tổng thống Mỹ ăn cơm ở một nhà hàng tại khu này.

 

Gặp các bạn trẻ Sinh viên VN

Qua Thắng tôi mời mấy bạn trẻ đang học tại Viện CNTT đến gặp tôi ăn cơm tối cuối cùng ở Tokyo, sau bữa tiệc chia tay với CICC. 5 bạn trẻ đúng 8 giờ đến ksạn và chúng tôi ra đường chui vào một quán hạng trung của Nhật. Tôi bồi hồi nhớ lại hồi trẻ cũng toàn đi học nên cũng cảm thông cảnh các bạn trẻ bây giờ. Sau vài chầu bia, câu chuyện rôm rả. Té ra các bạn này khá biết FPT, họ cũng biết sách đỏ, các chuyện tiếu lâm trên TTVN, tất nhiên cùng ngành nên cũng biết FPT là cty Tin học to nhất VN, đang làm cái gì đó ở VN. Tôi tranh thủ hỏi xem cuộc sống và học tập của các bạn trẻ bây giờ ra sao, muốn biết cách đào tạo của Nhật thế nào. Các bạn trẻ này đang học năm cuối đại học hoặc đang làm master. Chuyên ngành thì nào là trí tuệ nhân tạo, lý thuyết thông tin gì đó, bao giờ nghiên cứu vẫn đi trước ứng dụng, nhưng do ứng dụng đặt hàng. Các bạn trẻ này đã hết học bổng chính phủ, thường kiếm các học bổng khác, ví như của cty để tiếp tục học tập. Do học cùng với sviên Nhật từ những năm thứ nhất nên các bạn này nói tiếng Nhật có vẻ xịn. Học bổng có vẻ kha khá hơn 1000 đô nhưng sống ở Nhật chắc tiêu cũng gần hết. Các bạn này đều muốn học xong thì về nước làm việc. Họ nói hoà nhập cuộc sống Nhật bản là khó khăn, do khác biệt tính cách, khác biệt văn hoá. Quá tốt, chỉ sợ học xong không ông nào thích về VN. Tôi cũng trình bày công việc Tin học hoá ở VN, ở FPT, và nói rằng VN rất cần các bạn trẻ thành tài về làm việc. Chắc chắn Nhật bản sẽ là nhà đầu tư số 1 ở VN như các nơi khác trong khu vực. Vốn tiếng Nhật của họ là rất quý. Tôi hứa hẹn gặp lại khi họ đã thành tài và FPT sẵn sàng đón nhận họ.

Sáng sớm hôm sau tôi ra sân bay trở về VN kết thúc 1 tuần đi "học" ở Nhật. Tôi định sang Seoul làm việc với LG và Samsung nhưng công việc ở nhà có việc đột xuất nên phải về ngay VN. Trên máy bay tôi may mắn được thấy ngọn Phú sĩ có tuyết phủ tắng xoá, cái cảnh mà trên tháp Tokyo tôi không nhìn thấy.


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 17-03-2011 17:05






Xem 1 - 4 của tổng số 4 Comments

Từ: LienTT
22/03/2011 00:44:11

Bình thường đọc bài dài em ngại lắm vì đi làm về mệt muốn thư giãn. Bài viết của anh Ngọc hay quá em đọc một lèo luôn. Những chia sẻ của anh về đất nước con người Nhật bản và bao nhiêu tư duy khác thật là bổ ích. Đọc xong bài của anh em thấy hơi nối tiếc một chút về mình. Giá em có được  một người sếp hiểu biết về mọi thứ như anh Ngọc thì chồng em có thể mất nhờ vì sự say mê công việc của em. Tuy nhiên thăng trầm trong công việc cộng với hoàn cảnh gia đình lại chẳng có tham vọng làm cho em ít nỗ lực trong công việc. Giờ đây muốn cống hiến nhiều hơn thì khả năng hạn chế vì đã có tuổi.


Những chia sẻ của anh em rất tâm đắc



Từ: NhuanNT
18/03/2011 09:44:37

Thông tin có thể có nhiều ở mọi nơi nhưng được đọc các bài của HT, của Châu (hai trong số các đại nhân (thật chứ không đùa đâu) của KGU tôi cứ thấy 'rưng rưng'  cảm động vì tình cảm của mọi người. Những bài thật chân thành, với cái nhìn sâu sắc, nhưng tầm nhìn lại rộng lớn của các vị. Xin cảm ơn.


Nhưng mà tôi 'mê' vườn Nhật lắm. Nó chẳng có kiến trúc hoành tráng kiểu phương Tây. Dối với tôi, vườn phương Tây làm ta ngạc nhiên, trầm trồ như nhìn một vẻ đẹp lộng lẫy phô trương, còn vườn Nhật, nhỏ, kín đáo, thực ra rất cầu kỳ trong cái vẻ kiêm tốn của nó luôn làm cho tâm hồn ta lắng lại để hường 'cái duyên' của thiên nhiên.  



Từ: NghiPH
17/03/2011 18:20:22

Dường như đi đâu về Ngọc cũng có bài viết khá hoàn chỉnh về những nơi mình đã đến, những người mình đã gặp; cảm nghĩ về con người, vùng đất mà mình đã qua. Luôn luôn quan sát, luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu và sẵn sàng thu nhận, học hỏi đó là phong cách của PCT FPT Bùi Quang Ngọc.  


Cùng với bài của Châu, bài của Ngọc đã giúp chúng tôi hiểu hơn về đất nước và con người Nhật Bản. Cám ơn các bạn!


Anh HaiNV (Sinh) và Ngọc Bình (Toán)… có thời gian khá dài học tập, nghiên cứu ở Nhật Bản chắc lúc nào đó sẽ cho anh chị em ta biết  thêm những góc nhìn khác về  nước Nhật.



Từ: HaiNV
17/03/2011 17:56:51

Cám ơn HT Ngọc đã cho mọi người sống về những ký ức, ấn tượng của HT về Đất Nước, Con Người Nhật Bản từ cách đây 13 năm. Mình sang Nhật lần đầu năm 1989 (làm Postdoc) và ở lại đó luôn một mạch 1 năm rưỡi. Sau này, hầu như năm nào mình cũng được Thầy mời đi đi lại lại, lâu thì 3 - 6 tháng, mau thì cũng một vài tuần. Tổng cộng hơn chục lần đi cũng trên phải 4 năm, ký ức, kỷ niệm thật nhiều, nhưng có lẽ phải hẹn dịp khác. Mình chỉ muốn nói một điều: Moldova (KGU và SSSR) đã cho mình kiến thức cơ bản, vốn sống quốc tế đầu tiên;  nước Đức đã cho mình con đường đi vào khoa học thực sự, và Nước Nhật, Người Nhật đã cho mình những tấm gương về bản lĩnh kiên cường, dấn thân cả trong khoa học và cuộc sống!    



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s