KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 24 Tháng ba. 2011

Al Qaïda đâm vào rốn Mỹ




Tác giả: ThaoDP

 

Chuông điện thoại reo vang. Một cô bạn gọi từ Việt Nam sang muốn biết cái người “nhiều hoa chân” là tôi đây hiện giờ đang ở phương trời nào? Tôi trả lời là đang ở New York và kể đã đi thăm được những đâu. “ Đã tới điểm mốc số không chưa, đã ngó cái nơi mà trước đây là World Trade Center chưa? Dứt khoát là phải tới chỗ đó nhé, rồi kể cho bọn này nghe xem cảm giác thế nào…”

 

      Thế là vì chiều cô bạn tôi đi tìm thăm điểm mốc số không, nơi mà hai toà tháp chọc trời World Trade Center đã từng ngự ở đó trước ngày 11 tháng Chín 2001.

      Thật tình mà nói tôi chúa ghét xem những cái gì là tàn tích của chiến tranh và bạo lực, nó làm tôi mất tinh thần. Tôi đã từng đến thăm trại tập trung của phát xít Đức Buchenwald ở gần thành phố Weimar ( Đức). Đến giờ nghĩ tới tôi vẫn còn rùng mình. Thằng cháu tôi lúc đó có năm tuổi cũng được bố mẹ đưa đi cùng với bác, đã khóc thét lên khi mới bước chân vào cổng trại. Tôi có cảm giác những oan hồn đông đúc, dày đặc, bão hòa vẫn quẩn quanh đâu đó, vẫn còn mùi cháy khét lẹt của mỡ và da người vương vấn trong không gian trại tù…

    - Không! Đó là lời từ chối của tôi bật ra khi được mời đi thăm trại Auschwitz (Owswiecim), một trại tập trung nổi tiếng khác của phát xít Đức ở Ba Lan cách thành phố Cracovie (Kraków) khoảng 60 km. Thế là quá đủ rồi với tôi tới những nơi hủy diệt loài người man rợ như ở dưới hạ giới này!

 

     Nó đây - khu đất được gọi là điểm mốc số không của Manhattan mà trước ngày11/09/2001đã có hai cao ốc chọc trời mang tên gọi World Trade Center ngự vì ở đó. Bây giờ chỗ đó được quây lại, bên trong là công trường đang xây dựng những cao ốc mới. Ở khu vực này sẽ mọc lên sáu cái đinh made in USA chĩa lên trời biểu tượng cho sức mạnh không gì dập tắt nổi của cường quốc số một hoàn cầu. Cũng sẽ có hai cái đinh là tháp đôi mang tên World Trade Center với 110 tầng như cũ (một cái đã xây xong năm 2006), ba cái khác sẽ nằm trên đường Greenwich Street (số nhà 200, 175, 150), đặc biệt Freedom Tower khánh thành vào năm 2013 sẽ là toà nhà chọc trời cao nhất đảo (541m). Đài tưởng niệm Reflecting Absence và Drawing Center cũng nằm trong khu này.

     Tiếng ầm ầm của công trường xây dựng làm tôi liên tưởng đến quang cảnh ngày 11 tháng Chín năm 2001. Theo lời kể của anh bạn dạy ở trường Đại học Paris 6, có mặt vào thời điểm đó trong một tiệm cafê cách không xa World Trade Center: “ Khoảng 9 giờ sáng, đang ngồi ăn điểm tâm, bỗng nhiên thấy ầm ầm, không hiểu có chuyện gì xảy ra, mình chạy ra ngoài thấy bụi bay mù mịt, bụi dày đặc đến nỗi không nhìn rõ mặt người. Thấy mọi người ào ào chạy về một hướng, mình cũng thục mạng chạy theo, linh tính mách bảo là đã xảy ra một chuyện gì khủng khiếp, nguy hiểm đến tính mạng con người…”. Rồi anh kết luận: “Lần đầu tiên người Mỹ thấy chiến tranh đã đến gõ cửa tận nhà mình”.

     Đúng thật, lâu lắm rồi có ai dám tấn công Hoa Kỳ cường quốc number one này đâu mà lại ngay trên lãnh thổ của họ mới kinh chứ, ngoại trừ trận Trân Châu cảng (07/12/1941).

    Chỉ có Mỹ mới có quyền đọc chính tả cho phần còn lại của thế giới và chỉ có Mỹ mới được đóng vai  hiến binh phân xử mọi việc trên Trái đất này. Họ vẫn tự hào về Cục tình báo liên bang CIA của họ. Nó đâu rồi? Hay nó chỉ giỏi làm trò đảo chính, lật đổ chính quyền ở các quốc gia mà Hoa Kỳ không ưa, hoặc ám sát những nhà chính trị không hợp gu, gây cản trở cho những ông chủ ở Toà Bạch Ốc? Những thông tin tình báo sai lạc của CIA đã dẫn đến bao cuộc chiến tranh đẫm máu, ví dụ như sự kiện Vịnh Bắc bộ 04/08/1964, hoặc thông tin là Iraq có vũ khí huỷ diệt hàng loạt để Mỹ tấn công Iraq lần thứ hai…Còn ngày nay 19 tên khủng bố thuộc mạng lưới Al Qaida đã lên kế hoạch và tập rượt từ lâu ngay trên lãnh thổ nước Mỹ và các đồng minh nhằm tấn công vào mục tiêu là Hoa Kỳ thì CIA đã không phát hiện ra hoặc bỏ qua. Chỉ có cơ quan tình báo hạng bét mới để xảy ra thảm hoạ như vậy.

     Còn tôi, ngày ấy đang ở London. Đây là ngày đầu tiên cháu gái tôi cắp sách đến trường học Chương trình dự bị đại học của Anh (gồm hai năm). Tôi dẫn nó vào lớp và ngồi đợi bên ngoài chờ đến giờ ra chơi hỏi xem nó có hiểu thày giáo giảng hay không. Chuông điện thoại chợt reo. Cô em họ hốt hoảng báo cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra ở Mỹ và dự báo có lẽ sắp xảy ra chiến tranh thế giới lần thứ ba.

     Hệ thống truyền hình Anh phát đi liên tục những gì xảy ra tại Mỹ và những phản ứng khác nhau ở các quốc gia trên thế giới. Tôi cùng người nhà ngồi xem mà nước mắt lưng tròng. Cảnh tượng hai máy bay đâm vào hai cao ốc chọc trời cách nhau có 18 phút làm ta có cảm giác đây là cuốn phim hành động của Hollywood, chứ không phải là sự thật. Tôi thấy từ toà nhà 110 tầng bốc khói có nhiều người nhảy ra ngoài khoảng không, cứ thế rơi tự do xuống đất. Hai cột khói lớn từ hai toà nhà cứ chạy dài mãi ra làm thành những vệt trắng đục in đậm trên nền trời xanh, còn đám người dưới đất trong khói bụi mịt mù hốt hoảng hò nhau chạy… Thế rồi cuối cùng đến lúc hai toà cao ốc đó đổ sụp xuống tan tành cùng với những nạn nhân còn kẹt lại ở bên trong.

     Không khí hoảng loạn bao trùm không riêng gì New York mà toàn bộ nước Mỹ. Cùng ngày hôm đó còn có hai máy bay khác cũng bị không tặc khống chế: một cái lao vào Lầu năm góc, cái còn lại định đánh vào nhà Quốc hội Capitol ở Washington nhưng đã không thành công.

     Em tôi vừa khóc vừa kể tên từng đứa bạn của nó đã rời nước Anh sang làm việc ở New York trong Tháp đôi World Trade Center, rồi đoán già đoán non ai là kẻ thủ phạm đứng đằng sau vụ khủng bố này. Tôi nói có lẽ thủ phạm là Palestin vì nghĩ ngay tới vụ khủng bố bắt cóc các vận động viên Israel xảy ra năm 1972 ở Munich (Muchen) trong thời gian Thế vận hội Olympic, mặc dù trên màn hình vô tuyến thấy Chủ tịch Arafat “khăn rằn” khẳng định không phải là Palestin rồi ông ngất lên ngất xuống vài lần.

     Phản ứng của nhân dân Anh và thủ tướng Tony Blair là sát cánh với Mỹ, quyết tâm trừng phạt kẻ đứng đằng sau vụ khủng bố là tỷ phú Ben Laden với mạng lưới Al Qaida của ông ta.  Đại đa số các quốc gia trên thế giới, những người yêu chuộng hoà bình chống chiến tranh đều đau xót và cảm thông với những mất mát của gia đình các nạn nhân và của chính phủ Mỹ. 

     Còn ngược lại, ở những quốc gia căm ghét Hoa kỳ, nhất là trong thế giới hồi giáo mọi người đã lấy làm sung sướng quan sát những gì đã xảy ra, cho những hành động khủng bố tự sát là anh hùng và Ben Laden là thiên tài xuất chúng vì đã nghĩ ra kế hoạch tấn công nước Mỹ đơn giản nhưng lại gây tiếng vang và nỗi khinh hoàng khủng khiếp đến như vậy.

     Ngay ở Pháp trong giới trí thức cũng có những người không tham gia mặc niệm những nạn nhân của vụ khủng bố ngày 11/09/2001. Một cô bạn Pháp nói với tôi: “ Việc gì tôi phải mặc niệm họ, những nạn nhân Mỹ, ai mặc niệm những đứa trẻ con và những người dân Việt Nam- nạn nhân trong các trận ném bom rải thảm B-52 của Không lực Hoa Kỳ? Bạn đã quên Nixon   năm1972 đã tuyên bố sẽ cho Việt Nam quay lại thời kỳ đồ đá rồi ư ?…” Cô nhìn tôi và đợi câu trả lời.

    Tôi ôm lấy bạn mình và nói rằng không bao giờ tôi quên những gì mà chiến tranh đã gieo rắc ở đất nước tôi, chiến tranh bao giờ cũng là điều tồi tệ nhất mà con người có thể nghĩ ra và tiến hành trên Trái đất này từ xa xưa cho tới hôm nay. Nhưng chúng ta không bao giờ được nhầm lẫn rằng nạn nhân của chiến tranh, của những vụ khủng bố là những con người vô tội. Họ cũng như ai sinh ra có quyền sống, làm việc và mưu cầu hạnh phúc. Họ không đáng phải chết thảm giữa chừng vì những mưu đồ bẩn thỉu của một cá nhân hay một nhóm người bỉ ổi đã nuôi nấng lòng hận thù và tinh thần khát máu dưới màu sắc tôn giáo hay một chủ nghĩa hẹp hòi.

     Đã có 2995 người chết trong vụ khủng bố ngày 11/09/2001 (trong số đó có 19 không tặc, 310 người ngoại quốc), chỉ tìm thấy 293 xác người và có tới 6291 người bị thương. Chỉ có 18 người thoát ra được từ cao ốc Bắc của World Trade Center.

   

     Tôi đứng đây và nghĩ gì ư? Tôi nghĩ rằng loài người là một động vật cấp cao, biết suy nghĩ, tư duy nhưng có thể độc ác hơn loài cầm thú. Con người có thể nghĩ ra đủ cách để tiêu diệt đồng loại, bằng chứng là những lò thiêu người của phát xít Đức, hai quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Nhật Bản ở Hiroshima và Nagasaki, nạn diệt chủng của Khơ me đỏ ở Campuchia, cách Mỹ dùng máy bay B-52 ném bom rải thảm ở Việt Nam, dùng bom napal, rải chất độc da cam dioxin…và cuối cùng là kiểu tấn công khủng bố tự sát. Càng ngày con người càng nghĩ ra những loại vũ khí mới, tối tân hơn trước, hoặc hoàn thiện những vũ khí thế hệ cũ để phục vụ chiến tranh. Lẽ dĩ nhiên là có cả một thị trường buôn bán vũ khí và bao giờ cũng tồn tại nhu cầu “cung và cầu”. Những tay lái súng sống thản nhiên, kiếm lời trên những phương tiện giết người. Dưới mắt những kẻ hiếu chiến tính mạng con người không là gì cả.

     Tôi có cảm giác gì ư? Quả thật tôi cảm thấy sự bất lực, bó tay của Hoa Kỳ khi xảy ra vụ khủng bố 11/09, khi mà con người quyết tâm thực thi những phi vụ tấn công thí mạng kamikaze. Đó là những người quyết hy sinh mạng sống của mình để tiêu diệt đồng loại càng nhiều càng tốt. Họ nuôi lòng căm hận tột cùng và tin tưởng sắt đá vào hành động tự sát giết người của họ là đúng. Chúng ta chỉ có thể làm một việc duy nhất là ngăn ngừa đừng để điều đó xảy ra vì hậu quả sẽ khó lường. Nhưng đó là một vấn đề phức tạp và vô cùng nhạy cảm vì nó động chạm và xáo trộn đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội thường nhật của dân chúng tại các quốc gia có nhiều nguy cơ bị tấn công khủng bố.

     Tôi sẽ kể gì thêm cho các bạn tôi đây khi đứng trước điểm mốc số không này?

     Ở nơi đây, vào thời điểm này tôi đã liên tưởng đến 12 ngày đêm của tháng Chạp năm1972 khi Không lực Mỹ dùng B-52 ném bom rải thảm Hà Nội và Hải Phòng, khi Tổng thống Nixon ngày 17/12/1972 trắng trợn đe dọa sẽ cho miền Bắc Việt Nam quay lại thời kỳ đồ đá.

     Em gái tôi đã viết cho tôi những dòng chữ mà khi đọc tôi đã run lên và bật khóc:  Chị không tưởng tượng được đâu, kinh khủng lắm. B-52 ném bom rải thảm phố Khâm Thiên, cách Hàng Bột nhà mình chưa đầy 1km, lúc đó ông bà ngoại vẫn còn ở đấy. Em sơ tán cách Hà Nội gần 20km, nhưng mỗi lần B-52 ném bom Hà Nội thì mặt đất ở đây lại rung lên, ngồi dưới hầm vẫn cảm thấy như là đánh võng…”.

      Thời gian đó tôi vẫn còn là sinh viên đang học tại Liên Xô. Lũ chúng tôi đang ngồi bàn tán sôi nổi về thắng lợi của Hiệp định Paris thì bỗng nghe thấy tiếng hét thất thanh ở ngoài hành lang. Thì ra một cô bạn của chúng tôi vừa nhận được tin sét đánh, người yêu cô ấy là phi công Vũ Xuân Thiều lái MiG-21 mới hy sinh trong trận không chiến với B-52 đêm ngày 28/12 trên vùng trời tỉnh Sơn La, khi đã phóng 2 quả tên lửa mà không hạ được B-52 anh đã lao thẳng máy bay của mình vào Pháo đài bay, thực hiện phi vụ kamikaze, quyết hy sinh thân mình không để B-52 đánh bom Hà Nội. Trời ơi! Bao giờ thì kết thúc cuộc chiến đáng nguyền rủa này?

     Mẹ tôi viết: “ Mẹ vừa đi viếng bố cái Chi-bạn con về. B-52 ném bom phố Cửa Bắc ngày 21/12, chết mấy chục người, trong đó có ông ấy. Tội nghiệp quá! Nhà cái Chi và mấy cái biệt thự Pháp trong ngõ 92 Cửa Bắc (bốn nhà: số 1, 2, 3, 4) bây giờ là đống gạch vụn. Trông thấy mẹ nó và bảy đứa con gái chít khăn tang, mặt mày hốc hác, mẹ cảm thấy xót xa vô cùng. Bố cái Chi là trụ cột gia đình, bây giờ không hiểu nhà họ sẽ xoay sở ra sao khi thiếu ông ấy. Sao Mỹ nó ác thế! Bệnh viện Bạch Mai cũng bị đánh bom, khu An Dương cũng vậy. Chiến tranh quả là khinh khủng quá con ơi!...”.

    Gia đình đứa bạn thân nhất của tôi sống ở khu An Dương, một đứa bạn khác nhà ở phố Khâm Thiên, cả hai nơi đó đều bị bom B-52. Không hiểu chúng nó ra sao ?

    Cả loài người còn nhớ rõ: Ngày 17 tháng Chạp năm 1972 Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon trắng trợn tuyên bố sẽ cho miền Bắc Việt Nam trở về Thời kỳ đồ đá, mở màn chiến dịch Linebacker-2, dùng B-52 tấn công ném bom rải thảm Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên nhằm gây kinh hoàng trong dân chúng, buộc Chính phủ Hà Nội phải chấp nhận mọi điều kiện của Mỹ trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris .

     Trong 12 ngày đêm(18-29/12/1972) Không lực Hoa Kỳ đã ném 36 000 tấn bom xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên lớn hơn lượng bom ném xuống Bắc Việt Nam từ năm 1969 tới 1971. Hoa Kỳ đã sử dụng căn cứ không quân Anderson ở đảo Guam và Utapao (Thái Lan) để điều động xuất phát 193 máy bay ném bom chiến lược B-52 D/G (gần 50% trên tổng số 400 chiếc của quân đội Hoa Kỳ), với 633 lần xuất kích; 1077 máy bay ném bom chiến thuật các loại (hơn 30% trên tổng số 3041 chiếc) với 3041 lần xuất kích từ 6 sân bay* ở Thái Lan và 6 tàu sân bay* của Mỹ đậu ở Biển Đông thuộc Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ.

     Trong khoảng thời gian 12 ngày đêm Mỹ đã sử dụng máy bay B-52 biệt hiệu Pháo đài bay ném bom rải thảm các địa điểm quan trọng và các khu dân cư ở Hà Nội, Hải Phòng với sự trợ giúp của các máy bay trinh sát tàng hình cánh cụp cánh xòe F 111A, máy bay tiêm kích Người nhà trời A-D6, các máy bay cường kích Thần sấm F-105, Con ma F-4, Thập tự quân F-8, Kẻ đột nhập A-6, Ngôi sao chiến đấu F-104, Cướp biển A-7,  Chim ó nhà trời A-4...

     Nhưng ngay trận đầu tối ngày 18 rạng sáng 19/12/1972  Không lực Hoa Kỳ đã bị mất 1 máy bay trinh sát tàng hình cánh cụp cánh xoè F 111A, 2 Pháo đài bay B-52(G, D) do 2 Tiểu đoàn tên lửa phòng không Việt Nam 59 (Trung đoàn 261) và Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257) bắn hạ ở Phù Lỗ - Sóc Sơn - Hà Nội và Thanh Oai - Hà Tây , bằng chứng trên xác B-52 có in huy hiệu hình nắm đấm, tia chớp và cành ôliu cùng hàng chữ Strategic Air Command và 6 phi công B-52 bị bắt sống gồm: Fernando Alexander - Thiếu tá, hoa tiêu; Hause Cilson - Đại úy, lái chính; Richard Tomat Simson- Đại úy, điều khiển điện tử; Robert Clenxartel, Henrie Charbaron, Character Browels - ba viên Đại úy hoa tiêu. 

      Đúng 24 giờ Hà Nội đêm 18/12/1972, các nhà báo phương Tây và Việt Nam đã dự một cuộc họp báo lịch sử không tiền khoáng hậu tại Câu lạc bộ Quốc tế giữa lòng thủ đô Hà Nội trong tiếng ầm ầm của bom rền, đạn nổ… Hà Nội thông báo với cả thế giới việc B-52 mang bom hủy diệt thủ đô Việt Nam và thất bại đắng cay của Không lực USA trên bầu trời Hà Nội.

      Cả nước Mỹ bàng hoàng chứng kiến sự thảm bại của uy lực B-52, bị bắn rơi tại thủ đô nhỏ bé của đất nước bé nhỏ ở bên kia bờ biển Thái Bình Dương. “Niềm tự hào” của nước Mỹ, những “quân nhân ưu tú” trong lực lượng không quân chiến lược, những phi công điều khiển “Pháo đài bay” đầy kiêu hãnh, là niềm mơ ước và thần tượng của các phi công khác, nay khiếp sợ, cúi đầu run rẩy với ánh mắt còn đầy nỗi kinh hoàng khi trả lời phỏng vấn các phóng viên báo chí: “sợ lắm”, “rất sợ”, “thật khủng khiếp”, “tôi không ngờ hỏa lực phòng không của Hà Nội mạnh và bắn chính xác đến thế”…Và lúc này, thiếu tá, chỉ huy điện tử Fernando Alexander, người Texas cay đắng thốt lên: “Mọi sự tính toán của chúng tôi đã bị đảo lộn hết. Cấp chỉ huy và các kỹ sư điện tử của chúng tôi đã khẳng định như đang nắm trái ngọt trong tay... Phương án bay và tất cả các máy điện tử đủ loại của chúng ta rất tuyệt vời. Không một loại tên lửa và máy bay MiG nào của Bắc Việt có thể bám và bắt được B-52 của ta… Tôi đã thực hiện đúng quy trình thao tác để bịt mắt đối phương… thế mà… như các ông thấy… tôi đang ở đây và là tù binh…”.

     Tổng thống Nixon buộc phải tuyên bố kết thúc chiến dịch Linebacker-2 sau 12 ngày, vào 7 giờ 30 sáng ngày 30/12/1972 và đề nghị Hà Nội quay lại bàn đàm phán tại Paris để ký kết Hiệp định hoà bình, trao đổi tù binh và rút hết quân Mỹ ra khỏi Nam Việt Nam.

     Vì sao vậy ? Điều gì đã buộc Nixon phải chịu thua ?

     Lời thú nhận của Tổng thống Nixon trong cuốn hồi ký của ông ta chính là câu trả lời chính xác: “Nỗi lo sợ của tôi trong những ngày này không phải vì làn sóng phản đối và phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là vì mức độ tổn thất về máy bay B-52 quá nặng nề”.

     Khi cho tiến hành chiến dịch Linebacker-2 Nixon chắc mẩm bầy quái vật khủng long B-52 của ông ta sẽ nuốt chửng Hà Nội. Ngay một số báo chí Mỹ, lúc bắt đầu cuộc tiến công đã vội tung tin và phác họa một viễn cảnh hãi hùng: “Hà Nội sẽ là một khu vực chết”, “Những ai may mắn còn lại sau trận bom hủy diệt thì chỉ là những kẻ sống sót mà thôi”. Họ còn lên tiếng hăm dọa: “Những nhà lãnh đạo Bắc Việt sẽ phải đứng trước một bản án nghiêm khắc dành cho kẻ chiến bại”, “Hà Nội sẽ không còn cách lựa chọn nào khác là phải chấp nhận các điều kiện của Mỹ”.

     Thế nhưng, chiến dịch ném bom tàn bạo do Nixon phát động đã phải trả một giá quá đắt với con số tổn thất về B-52 ngoài sức tưởng tượng: 34 máy bay chiến lược Pháo đài bay đã bị bắn rơi trên tổng số 193 chiếc được huy động, cùng 47 máy bay chiến thuật khác bị hạ (trong đó có 5 chiếc F 111) chỉ trong vòng 12 ngày đêm. Hãng thông tấn AP của Mỹ  21/12 /1972 đã phải thốt lên cay đắng: “Cứ theo đà này thì chỉ sau ba tháng B-52 của Không lực Hoa Kỳ sẽ bị tuyệt chủng”.

     Toà Bạch Ốc và Lầu Năm Góc nhiều phen chết lặng kinh hoàng trước số máy bay bị bắn rơi liên tục và quá nhiều. Tệ hơn nữa, ngoài những chiếc B-52 có đi mà không về, còn bao nhiêu chiếc B-52 bị thương nặng, cố bò về căn cứ, nhưng phải nằm liệt nhiều ngày để sửa chữa, thậm chí có những chiếc không thể phục hồi (Theo Drenkowski viết trong tạp chí “Không quân Mỹ” số 7/1987: Có tới 9 chiếc B-52 bay về được sân bay Utapao-Thái Lan, nhưng do hỏng nặng, cả 9 chiếc không còn bay được nữa). Nền công nghiệp quân sự Mỹ dù mạnh đến mấy cũng không thể xuất xưởng kịp để bù lại lỗ hổng thiếu hụt B-52 trong một thời gian ngắn.

      Đi đôi với tổn thất về máy bay, Hoa Kỳ còn chịu thêm tổn thất về người lái. Trong quân đội, người lái máy bay được coi là sinh lực cao cấp. Để đào tạo được một phi công, đặc biệt là phi công máy bay chiến lược B-52, phi công F111 là loại lính “con cưng”, phải tốn khá nhiều năm tháng và bạc tiền. Chỉ trong vòng 12 ngày đã có 43 phi công Mỹ bị bắt sống (trong đó 33 là phi công B-52), số chết và mất tích* là rất nhiều vì mỗi phi hành đoàn B-52 gồm 6 người. Một B-52 bị bắn rơi có nghĩa là 6 phi công phải nhảy dù ra hoặc chết cả chùm theo máy bay.

    Hơn nữa, phần lớn những phi công bị chết và bị bắt đều là những phi công thuộc loại kỳ cựu, có số giờ bay rất cao, có người đã có hơn 6.000 giờ bay, đó là cái vốn hết sức quý của Mỹ. Các trường huấn luyện của Không lực Hoa Kỳ dù tài giỏi đến đâu cũng không thể nào nặn ra đủ số phi công để bổ sung cho kịp.

     Trong chiến tranh, ở những trận tập kích đường không lớn, tỷ lệ tổn thất về máy bay của phe tiến công thường vào khoảng một vài phần trăm. Thế nhưng trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, tỷ lệ tổn thất về máy bay chiến lược Mỹ là 17,6 %, một tỷ lệ có thể nói là khủng khiếp khiến Tổng thống Nixon đành bỏ cuộc. Chính vì thế mà người Việt Nam gọi 12 ngày đêm ấy là trận Điện Biên Phủ trên không. Họ luôn tự hào về chiến công đó vì cho đến nay ngoài Việt Nam ra không một quốc gia nào có thể bắn hạ được Pháo đài bay của Mỹ.

       B-52 là máy bay ném bom chiến lược Mỹ được mệnh danh là Pháo đài bay Stratofortress, do hãng Boeing chế tạo, trị giá 30 triệu đô la/chiếc thời giá năm 1961 (thời giá 1998 là 53,4 triệu đô la/chiếc) với kíp lái 6 người (ngày nay còn 5, bỏ xạ thủ súng đuôi), có thể bay ở độ cao từ 10-15 km so với mặt biển, có khả năng mang 30 tấn bom: 108 quả bom nặng 227 kg/quả, 24 quả ở cánh bên ngoài máy bay và 84 quả bên trong; hoặc 66 quả nặng 750 pound/quả, 24 bên ngoài, 42 bên trong. B-52 thường bay theo tốp 3 chiếc, theo hình mũi tên, có khả năng ném bom với mật độ dày đặc 100 tấn/ km2, cứ 80 m là một quả bom.

     Trong 12 ngày đêm đó, thủ đô nhỏ bé, ngàn năm văn vật của người Việt Nam đã phải chịu sức tàn phá của hàng vạn tấn bom. Thiệt hại về cơ sở hạ tầng tại Bắc Việt Nam là rất nặng nề. Hà Nội, Hải Phòng bị tàn phá, các khu dân cư trở thành đống gạch vụn: 5480 ngôi nhà bị phá sập (trong đó 100 nhà máy, xí nghiệp, nhà máy điện, trường học, nhà ga, bệnh viện). Ở Hà Nội, riêng tại phố Khâm Thiên 90 tấn bom rải thảm của B-52 đã phá sập cả dãy phố, gồm 2000 nóc nhà, 534 ngôi nhà bị phá huỷ hoàn toàn, sát hại 287 dân thường (91 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em) làm bị thương 290 người, 178 đứa trẻ trở thành mồ côi, trong đó có 66 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ngôi nhà số 51 Khâm Thiên biến thành hố bom sâu hoắm, 7 thành viên của một gia đình đã từng ở đấy, không ai sống sót. Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở y tế lớn nhất miền Bắc Việt Nam đã bị phá huỷ gần như hoàn toàn cùng với các bệnh nhân và bác sĩ, y tá bên trong. Số dân thường bị thiệt mạng trong chiến dịch là 2368 người, bị thương 1355 người, trong đó tại Hà Nội có 1318 người chết. Chiến dịch Linebacker-2 đã phá hoại nặng nề nhiều cơ sở vật chất, kinh tế, giao thông, công nghiệp và quân sự ở miền Bắc Việt Nam, nhưng không bẻ gãy được ý chí quyết tâm thắng Mỹ của người dân tại đất nước này.

      Sau chiến tranh tôi quay lại phố Khâm Thiên thăm bạn mình và ghé thăm Đài tưởng niệm những nạn nhân của B-52 hồi đó. Chỗ ba ngôi nhà số 47, 49, 51 Khâm Thiên bị dội bom khi xưa, nay là Đài tưởng niệm : Có một bức tượng bằng đồng được dựng lên, hình một phụ nữ bế trong tay xác một đứa trẻ, được lấy từ nguyên mẫu của chính chủ nhân thiệt mạng trong ngôi nhà 51. Phía dưới có dòng chữ “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ”.

       Ngoài kia, ngay trên vỉa hè sát cạnh  “di tích chiến tranh” dòng đời vẫn chảy : trẻ con  vẫn hồn nhiên nô đùa, chơi nhảy lò cò, còn các gánh hàng rong và khách bộ hành vẫn đi qua, đi lại. Dưới lòng đường, ô tô như thuở nào vẫn rú còi inh ỏi, xích lô, xe đạp, xe máy vẫn ngược xuôi…

   

      Còn bây giờ tôi đang ở đây, trước điểm mốc số không của Manhattan tại New York, nơi đã xảy ra ngày 11/09/2001 vụ khủng bố của không tặc, làm sập hai toà tháp đôi chọc trời World Trade Center với số nạn nhân thiệt mạng là 2976 người. Tôi nghĩ gì về những nạn nhân trong chiến tranh Việt Nam cách đây trên 35 năm và những nạn nhân tiếp theo ở Kosovo, Bosnia, cũng như trong hai cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq ? Về những cái chết của những người lính Mỹ, lính Pháp, lính Anh… và các nước Châu Âu trong liên minh với Mỹ, về sự mất mát không gì bù đắp nổi của những người thân trong gia đình họ ?

      Vâng, chính ở nơi đây tôi bất chợt ngộ ra một điều:

                                Nghĩ cho cùng trong mọi cuộc chiến tranh,

                               Phe nào thắng thì nhân dân đều bại

                                                                ( ĐÁ ƠI, Nguyễn Duy )

 

 

 TÀI  LIỆU  THAM  KHẢO

 

1,Wikipédia

   - Guerre du Vietnam.

   - Attentat du 11 Septembre 2001.

 

2, Wikipedia tiếng Việt

   - Chiến dịch Linebacker II.

 

3, Điện Biên Phủ trên không  ( Hoài Hương; vietnamnet 12/2007 )

   - Kỳ 1:Thảm bại của pháo đài bay

 


Người post: ThaoDP

Ngày đăng: 24-03-2011 03:03






Xem 1 - 4 của tổng số 4 Comments

Từ: ThaoDP
27/03/2011 02:39:54

Em Mơ ơi,  nghề của chị là « ăn ốc mò ra sự thật ». Cũng như em, Mơ mà lại rất tỉnh.


Tiếc rằng hôm mồng 9 Tết em không có mặt tại buổi gặp đầu Xuân với chị tại Tô Ngọc Vân nơi có đủ loại quán « Ông già ». Lần tới về Hà Nội chị sẽ xin yết kiến em.


Hải " bột" ơi, Anh muốn tôi đổi titre của bài này ư, để cho nó đỡ phần khủng bố. Tôi nghĩ phải gọi đúng tên, đúng sự việc của mọi thứ, mọi sự kiện trên đời. Chẳng nhẽ vụ tấn công nước Mỹ của Al Qaida ngày 11/09/2001 không phải là vụ khủng bố? Hải biết không? Ở các nước phương Tây và ở Nga trong các trường đào tạo nghề phóng viên, nhà báo, riêng việc đặt tên cho các bài báo phải học ít nhất là 1 tháng nhé. Phải đặt titres thế nào để độc giả chỉ mới liếc nhìn cái đầu đề bên trên là phải muốn đọc ngay nội dung bên dưới. Đấy cũng là một nghệ thuật kích thích trí tò mò cho độc giả.


Hải ơi, bạn vẫn mãi là "bột" cho tới khi chúng ta là U70, U80...



24/03/2011 13:35:01

Mỗi  lần chị Thảo xuất hiện là có một bài hay và có nghề. Xin chị bật mí: chị có phải nhà báo "xịn", "chính hiệu", "thứ thiệt" không? (Mượn ý tên mấy quán ốc, xôi gà quanh Hồ Tây: ông già, ông già thứ thiệt, ông già chính hiệu, nhưng chỉ có "ông già cũ" là ông già... chính hiệu thôi. Bao giờ chị về nhớ Alo, em chiêu đãi ốc Hồ Tây nhé! í chết... lại lan man).


Mình biết thương nhân dân các nước đau khổ vì... chiến tranh, khủng bố, động đất.


Mình cũng thương dân mình quá: MoN có bà chị vợ, năm 1972 làm tự vệ của Bộ Thương mại (Bây giờ là Bộ Công thương). Dạo B52 đánh bom Khâm Thiên, chị bị thương khi làm nhiệm vụ, rồi nằm viện đến 6 tháng trời mới lành. Dạo đó chị có người yêu (là anh em đồng hao với mình bây giờ). Chị nói với anh: Em bị thương không thể sinh nở được đâu. Anh nên tìm hiểu người khác. Anh chị yêu nhau được 4 năm tính đến ngày đó. Anh vẫn quyết tâm xây dựng gia đình với chị. Rồi hai người không có con. Khổ thế.


Anh chị nhận một đứa cháu con người em trai (anh trai vợ mình) làm con nuôi. Lớn lên xây dựng gia đình cho nó, bây giờ nó đưa con đi du học ở Trung Quốc. Hai ông bà lại chỉ còn "ta với ta". Thỉnh thoảng mình cho các con xuống chơi với hai bác cho đỡ buồn.


Huân chương chị lĩnh rồi, Nhà nước cũng lo lương hưu cho. Chị là anh hùng hay nạn nhân của chiến tranh?


 


Về thân phận của người lính trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc mình thấy ý thơ này hay:


 “Переправа, переправа!
Берег левый, берег правый,
Снег шершавый, кромка льда...

Кому память, кому слава,
Кому темная вода, -
Ни приметы, ни следа”.


 


 


Trích Trường ca “Василий Теркин” của А. Твардовскиl 1; Chương “Переправа&rdqu o; tác giả mô tả cảnh Hồng quân Liên Xô vượt sông, rút khỏi trận tuyến Kiep.



Từ: BinhNH
24/03/2011 12:41:26

Chị Thảo ơi,


Khoa Hóa bọn em tự hào vì có chị vừa là nhà văn, vừa là nhà thơ lại còn là nhà sử học.... Sưu tầm, viết và cảm xúc hơi bị hay.


 



Từ: HaiNV
24/03/2011 06:49:14

Thảo ơi, sáng sớm thấy bài của Thảo đọc và viết một comment khá dài, sắp gửi đi thì ấn nhầm 1 phím máy tính thế là mất tiêu! Chán quá! Đúng là tại "Nỗi buồn chiến tranh"! Mình chỉ viết lại mấy dòng ngắn thế này: Mình ước gì con người sinh ra trên Trái đất này đều chỉ dừng lại (ở tư duy và hành động) của những đứa trẻ từ khi lọt lòng mẹ cho đến tuổi 16, 17 của chúng ta khi mới sang KGU. Hãy cứ cho họ sống đến 80-100 tuổi (nhưng với khối óc và trái tim trẻ thơ, học trò và của tuổi trẻ người KGU)  chắc chắn sẽ không xảy ra những gì tàn ác với đồng loại như lịch sử xã hội loài người để lại. Câu thơ (Nguyễn Duy) mà bạn trích có phần đúng, nhưng mình nhớ có ai đó đã nói câu, đại khái ý thế này có vẻ đúng hơn: Trong chiến tranh, kẻ thắng, người thua đều mất! Mình nghĩ rằng thắng, thua đều phải trả giá bằng những cái vô giá là mạng sống của bao người. Thế nhưng, trong cái "logic bất khả kháng" của chiến tranh, tàn bạo của sự hành xử người với người qua bao đời nay, chúng ta càng biết ơn Tổ Tiên và Bao Thế Hệ Ông Cha  đã hy sinh xương máu, trải qua hơn 4 ngàn năm lịch sử để lại cho chúng ta Quyền Sống Làm Người trên Dải Đất Hình Chữ S hôm nay. 


P.S. Thảo ơi, Thảo có thể đổi tên bài đi cho nghe đỡ "khúng bố" hơn không? 



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s