KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 25 Tháng ba. 2011

Chuyện kể về em Huyền và chuyến đi “về nguồn” của tôi




Tác giả: BinhLT78

Tôi định viết về em đã từ lâu lắm rồi, đáng nhẽ phải viết về em ngày sau chuyến đi Kí si nhốp tháng 10/2009 trở về. Nhưng khi ấy, hội chúng ta chưa có trang web KGU; rồi sau đó tôi bận rộn với công việc của những tháng ngày cuối cùng trước khi nghỉ hưu . Khi đã nghỉ hưu rồi thì lại thấy ngại làm máy tính và còn nhiều lý do khác nữa…

 Nhưng bây giờ, tôi đã có thể tĩnh tâm và cũng đã hào hứng vì đã bắt đầu biết sử dụng công cụ IT tốt hơn. Tôi sẽ phải viết về em, đó là em Huyền – mà như mọi người vẫn gọi em là sứ giả hay đại sứ KGU ở Môn đa vi. Với mọi người thì em Huyền đã quá thân quen và gần gũi. Nhưng với tôi, em còn là một “dấu ấn, một kỷ niệm” vô cùng sâu sắc. Em đã làm cho chuyến quay trở lại Kisinhốp của tôi , một chuyến đi “để đời” mà có thể nói hơi quá lên là “có chết” cũng cảm thấy đáng.

Cho đến tận bây giờ, nghĩa là đã gần 2 năm trôi qua kể từ khi đi thăm Kisinhốp trở về, tôi vẫn như còn đầy cảm xúc bồi hồi, hạnh phúc… một cảm xúc khó diễn tả thành lời, chỉ biết rằng nó làm ta cảm thấy sung sướng, mãn nguyện vô cùng. Nhưng tôi cũng phải nói luôn rằng nếu không gặp được em Huyền thì có lẽ chuyến “trở về” ấy của tôi sẽ không thể “mỹ mãn” được như vậy. Tôi,, có lẽ là người thứ 3 quay trở lại Kisinhop, sau chuyến đi của anh Lê Huy Hàm (lần 1) và của anh Thanh Lương (VL78). Tôi đã cố gắng chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho chuyến trở về này bởi vì tôi biết rằng đây là cơ hội vàng và khó lặp lại. Vì thế, tôi đã tìm gặp cả 2 anh Hàm và Thanh Lương để hỏi kinh nghiệm. Và may mắn cho tôi , Hàm đã cho tôi đầy đủ địa chỉ liên lạc của em Huyền cả số điện thoại, e-mail với cái tên nga là Ludmila. Tất nhiên tôi và em Huyền không hề biết nhau bởi vì tôi và Huyền cách nhau 9 khóa (OB78 và CC87). Khi chúng tôi rời khỏi KGU thì Huyền vẫn chưa sang cơ mà. Khi ấy là vào tháng 8 năm 2009. Tôi thử liên hệ với Huyền qua e-mail, tự giới thiệu về mình và thật không ngờ, Huyền đã trả lời tôi rất nhanh chóng với một sự thân tình như đã biết nhau từ lâu. Em làm cho tôi không còn ngần ngại vì như không quen mà đã làm phiền. Huyền đã giúp tôi liên hệ với bà giáo chủ nhiệm lớp Sinh 78, với ông giáo hướng dẫn luận văn tôt nghiệp của tôi, với các thầy cô giáo ở khoa sinh vật và thông tin cho tôi đầy đủ: ai còn, ai mất, ai đã chuyển đi… Và, rồi khi 2 chị em đang có đầy những sự kết nối như vậy, thì đùng một cái chuyến đi bị thông báo “hoãn lại” vì Ki-s- nhốp chuẩn bị có cuộc họp cấp cao của các nước EU nên không giải quyết visa cho các đoàn khác. Tôi và Huyền đều tiếc nuối, nhưng em đã kịp thời động viên an ủi tôi :   Chị ơi, lần trước cũng có mấy anh chị bị hoãn như vậy. Tại chính sách đóng cửa của chính phủ Mônđavi đấy. Chồng em khi được hỏi ý kiến cũng đã phát biểu với lãnh đạo chính phủ của họ rồi, mà họ vẫn không chịu thay đổi

Rồi, số phận lại một lần nữa “mỉm cười” với chúng tôi. 2 tháng sau, cuộc họp bị hoãn lại được nối lại vào tháng 10/2009. Tôi sung sướng vô cùng. Và cũng may mắn thay,  em Huyền thời gian ấy vẫn có mặt ở Ki si nhốp (chứ tôi biết em hay phải đi lại nhiều nơi lắm). Chúng tôi lại liên lạc với nhau. Tôi nhờ em liên lạc với 2 người thầy giáo trực tiếp của tôi đó là bà giáo chủ nhiệm lớp và ông giáo hướng dẫn luận văn tốt nghiệp. Em lại giúp tôi liên lạc với thầy giáo Rudic Phelipovich của tôi qua điện thoại. Trước đó, vì thầy giáo của tôi đã chuyển khỏi trường từ lâu, nên em Huyền không tìm gặp được. Tôi đã tìm được thầy trên mạng và có số điện tthoại của thầy gửi cho em Huyền.  Còn bà giáo chủ nhiệm của lớp sinh 78 chúng tôi là bà Inna Ernhestopna, là vợ của ông giáo đề can khoa lý (không biết tôi nhớ có chính xác không, nghe nói chính ông đã sang Việt nam theo lời mời của học trò cũ  ở thành phố HCM, một cuộc hội ngộ cũng rất tình người đã diễn ra khá lâu rồi). Nhà của ông bà nằm ngay trên đường Belderskaja, con đường chạy qua cửa trước của ký túc xá 3 và 4. Bà giáo của chúng tôi đẹp lắm, mái tóc vàng óng, và  tốt lắm, thương chúng tôi vô cùng. Khi Huyền tìm đến thì Bà vừa mới mất. Em gửi mail cho tôi thông báo với đầy sự xót xa ân hận như tại chính em đã đến muộn vậy. Trời ơi, giá như, giá như…sớm hơn….có phải ta đã gặp được bà giáo thân yêu như người mẹ, bà hiểu tâm tính từng đứa trong lớp tôi. Chúng tôi yêu quý bà lắm, nhiều lúc bà mắng chúng tôi như mẹ mắng con. Chúng tôi cảm nhận được tình cảm của bà ở mỗi cử chỉ và lời nói ; Khi nghe tin ấy tôi có cảm giác hụt hẫng và như mắc tội “bất hiếu”. Sau bao năm về nước bận rộn với cuộc sống đời thường, thông tin liên lạc khó khăn, ta tự “cho phép” ta không tìm cách liên lạc với bà giáo mặc dù vẫn nhớ rất nhiều. Thế rồi, đến khi ta nghĩ đến thì đã quá muộn, chẳng còn ý nghĩa gì nữa....  Nếu những bạn cùng lớp sinh 78 với tôi khi đọc những dòng này chắc sẽ cũng đồng ý với tôi phải không??? Chúng tôi còn giữ nhiều bức ảnh chụp với bà và mong xin ở bà ngàn lần xin lỗi…

Chúng tôi bắt đầu chuyến đi đến Mônđavi xa xôi nhưng đầy thân thương yêu dấu. Cuộc hành trình khá vất vả Hà nội- Franfurt- Chísinaw. Đến Franfurt- Đức, chúng tôi phải nằm chờ hơn 10 tiếng đồng hồ, nhưng khi làm thủ tục lên máy bay để đến Chisinaw thì bị ách lại, tất cả những người khác đều nhận thẻ lên máy bay chỉ còn 03 người Việt Nam chúng tôi chưa được vì visa có vấn đề, rồi họ yêu cầu phải gặp sếp của họ… Nói tóm lại là càng háo hức muốn đến nơi thì càng gặp trở ngại… Có lúc tôi cảm thấy như “không biết có đi được đến nơi không???”

Ngồi trên máy bay đến Chisinaw lòng tôi nao nao một cảm giác thực là khó tả, trong đời người hiếm khi ta có cảm giác như vậy, cứ như ta đang trở về với ta ngày xưa vậy. Đến sân bay, một lần nữa lại “trục trặc”; càng nóng lòng muốn vào thì lại càng bị chậm. Họ cho tất cả những công dân khác vào , còn 3 người chúng tôi, cùng mấy anh bạn Lào và Campuchia thì bị giữ lại, tiếp tục hỏi … và khi sân bay đã gần hết người chúng tôi mới được vào. Tôi ngơ ngác vào trong, nhìn thấy một cô gái châu á ôm một bó hoa rất đẹp đang đứng chờ đón ai đó chắc đón anh Lào hoặc Campuchia (bởi vì tôi chưa biết mặt Huyền, và Huyền cũng không nói em sẽ ra đón), nhưng em đã làm tôi bất ngờ và ngập tràn hạnh phúc khi hỏi tôi chị có phải là chị Bình??? Chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Em nói em có xe riêng để chở tôi về khách sạn . Tôi không ngờ mình lại được “sướng” như một bà hoàng như vậy. Tôi lên xe của em về khách sạn, lái xe là một anh dân người nga (có thể là người Môn), em còn mang một số đồ ăn cho chúng tôi. Và các bạn có biết không, đây không phải là em đón tôi được ngay, mà em đã tính nhầm ngày nên đã ra đón hụt  từ hôm trước, cũng một bó hoa khác mang đến sân bay . Tôi quá cảm động vì em đã giành nhiều thời gian và tình cảm không chỉ cho tôi và vì tôi , mà là tôi đang được hưởng tình cảm của em giành cho người KGU.

Thế rồi, đêm đầu tiên ở Kisinhop, sau một hành trình khá dài và mệt mỏi, chúng tôi cảm thấy thật ấm lòng. Nhưng, các anh chị, các bạn và các em ạ , phải đến sáng hôm sau thức dậy, thật bất ngờ bật TV, đúng lúc Alla Pugachova đang hát bài “môi, belyi gorod- thành phố trắng của tôi” , mới thấy thật xúc động nhường nào. Cứ như là ta đang nằm mơ vậy. Vẫn giọng hát ấy, bài hát ấy mà ta lại được nghe ngay tại nơi thành phố trắng thân thương của hơn 30 năm về trước… Tôi đã khóc. Khóc vì sung sướng và hạnh phúc đến “tê lòng”

Ngày đầu tiên khi em đưa tôi về nhà em, tôi có cảm giác như về nhà mình vậy . Các em của Huyền đều rất ngoan và quý các bạn bè của anh chị mình. Em trai của Huyền tên Huy, em dâu tên Linh đều chân tình cởi mở đón tôi vào nhà. Các em  đang chuẩn bị món thịt nướng đãi khách. .. Hôm nay tôi sẽ kể ít thôi, chuyện đến nhà Huyền cũng hay lắm (dịp khác vậy) để tập trung kể về Huyền, không thì “lan man “quá. Nhà Huyền đẹp lắm, ở ngay cạnh hồ Côm xô môn , Ngồi ở tầng 1 nhà Huyền, nhìn ra bể bơi qua một bức tường kính trong suốt lớn. Hôm ấy, tôi gửi e-mail về nhà, em Huyền nói chị viết là đang ngồi cách hồ Côm xô môn 200 mét đi cho mọi người biết. Ôi, cứ như là đang nằm mơ vậy. Hôm cậu con trai của ông giáo tôi (bằng đúng tuổi con trai lớn của chúng tôi cũng sinh năm 1980 ) lái xe đến đón tôi tại nhà Huyền, nó đã nói với tôi rằng nó “choáng và tự hào” khi được đến khu này đón người quen vì quanh đây toàn là VIP ở, cả phó thủ tướng , các bộ trưởng cũng ở khu này. Tôi thấy thật là tự hào vì được “Danh giá” như vậy.

Tôi tham dự Hội thảo 3 ngày. Ở lại thêm 2 ngày. Em đã đưa tôi quay lại trường KGU, đến các tòa nhà của trường nằm trên đường Belderskajia, Pirogova… mà những năm tháng sinh viên chúng tôi đã học. Đến tòa nhà chính của trường, đến khoa sinh vật, nhà ăn sinh viên trên trường và ở khu ký túc xá, câu lạc bộ “Đôm culturu”, ký túc xá 1,2,3,4,  …Tôi chắc rằng các anh chị sắp quay trở về K sẽ có cảm giác này, đó là khi ta đến các tòa nhà, phòng học cũ… vẫn cảnh vật xưa, vẫn cánh cửa 2 lớp và bậc cửa thì đã mòn dấu chân.ta , ta có cảm giác như dấu ấn của ta vẫn còn đấy , đúng bậc cửa này, cầu thang này ta đã bước qua… Cảm giác lạ lắm và “phê” lắm. Thế rồi, cảnh thì xưa đó, nhưng người cũ còn đâu nữa, hoàn toàn mới, họ không biêt ta là ai cả, và khi ta hỏi về những thầy cô giáo cũ của ta thì họ nói không biết hoặc đã mất rồi… Thế là ta lại “thổn thức “ trong lòng. Em đưa tôi đến thầy Đềcan khoa sinh vật (tất nhiên là toàn người mới, cũng là cựu sinh viên của khoa, nhưng họ sau khóa của chúng tôi). Tôi mang theo tấm ảnh lớn có hình sinh viên cả lớp cùng ảnh thầy hiệu trưởng Melnik và  các thầy cô đại diện cho các bộ môn (kaphedry). Tôi chỉ từng thầy cô trong bức ảnh và mong họ nói thông tin về các thầy cô . Thế rồi, tôi nghe người ta nói thầy này đã mất năm ngoái, cô này cũng mới mất… Lúc ấy tai tôi “ù” lên, mắt nhòa lệ , tôi mếu máo (chắc trông kinh khủng lắm), em Huyền  đã như một phóng viên, lúc nào cũng trong tay máy ảnh rất pro- chuyên nghiệp ghi hình liên tục. Các  anh chị, các bạn các em ơi, những người sắp quay trở về thăm lại K, tôi chắc chắn rằng sẽ có nhiều cảm giác vô cùng thú vị, khác lạ và thấm đẫm tình người..

Huyền còn đưa tôi đi ra chợ nông trang mua bánh rán nhân thịt (Pirogiki- hồi sinh viên chúng tôi ở đó thường mua bánh giá 18 copeek), mua táo đỏ, táo xanh, táo vàng, mua cà chua xanh muối,… hễ tôi cứ nhắc đến kỷ niệm nào thì em cho “ôn lại” luôn. Chúng tôi vào cửa hàng bách hóa tổng hợp (Univermag ) lượn một vòng hồi tưởng lại ngày xưa, nhà bưu điện trung tâm, (Central pochtam), nhà hát opera.. tất cả đều nằm trên đường Lê nin (cũ) , hồ Côm xô môn,  rạp chiếu phim Patria, rạp chiếu phim 40 năm (sôrôc let)… Đến đâu tôi cũng bồi hồi nhớ lại những dấu chân đã qua, chúng tôi đến quảng trường chiến thắng Patria (tôi vừa nhớ lại vừa chỉ cho em Huyền bọn chị đã từng đi diễu hành qua đây vào dịp kỷ niệm ngày 1/5 và 9/5; và khi qua lễ đài , bọn chị đã tay vẫy cờ hoa và  hô to “Việt nam, Hồ Chí Minh”  mà lòng rạo rực. Chúng tôi đã mua các loại kẹo sôcola rất ngon và đẹp trên vỉa hè. nơi mà hồi dự bị tôi và Trần Thanh Thu (OB 78) đã đứng chụp ảnh noel bên cây thông , tôi và Diệu Linh đã đi mua hoa ngày sinh nhật (những hình ảnh này tôi vẫn còn giữ). Tôi không thể tưởng tượng được rằng sau hơn 30 năm, mà cảnh vật, nếp sống và con người vẫn như ngày hôm qua., thân quen và gần gũi đến nao lòng.

Em Huyền đã cố gắng để cho tôi được trở lại hết tất cả những nơi chốn cũ của thời sinh viên xa xưa. Em đã cố gắng cho tôi đi thăm mọi chỗ mọi nơi và đến đâu em cũng lăm lăm máy ảnh để ghi lại. Quả thực là trước chuyến đi ấy tôi đã bị ốm khá nặng,  vừa uống thuốc vừa đi, tất nhiên tôi không thể hủy được chuyến đi lịch sử ấy, cho nên suốt thời gian đi công tác ngày nào tôi cũng phải dùng thuốc tăng lực, thuốc giảm đau. Đến K trời lại bắt đầu vào mùa đông (chắc các anh chị.các ban và các em còn nhớ, cứ sau ngày cách mạng tháng Mười,  7/11 là khí hậu bắt đầu sang đông). Nên thời gian ở K trông tôi tuy vui vẻ nhưng rất “thảm hại “về hình dáng. Đồ rét mang đi không đủ ấm, em Huyền đã đưa tôi một cái áo măng tô lông chính hiệu từ thiên nhiên (mà tiếng nga là Suba). Tôi không biết nó đắt đến mức nào, nhưng chỉ biết rằng chui vào trong chiếc áo đó có cảm giác ấm êm như con chim được rúc vào tổ.Tôi mặc vào người thấy ấm liền (tuy trông rất bà già nga”). Và tôi đã mặc cái áo “nghĩa tình “ ấy suôt mấy ngày ở K, cùng em đi mọi chốn mọi nơi: đài tưởng niệm liệt sĩ 5 khẩu súng, nghĩa trang thành phố để viếng mộ chị Nguyện (đã mất 1972 ), chợ nông trường…Khi tôi hỏi em : thế  còn cửa hàng “Detskii mir” quảng trường Mir (hòa bình), hồi ấy bọn chị hay đến đấy lắm, chị và chị Thu (hiện đang nghiên cứu và làm việc ở Bỉ) còn đi bán sách cũ ở một cửa hàng sách gần đấy vì “túng tiền”. Thế là em Huyền lại cho xe đưa tôi đến đó, vẫn đúng tòa nhà cửa hàng đó, nhưng bây giờ đã là quán ăn. Tôi bước xuống xe, làm vài tấm hình kỷ niệm…

Em cứ cùng tôi đi rong ruổi khắp thành phố K nhỏ bé thân thương bình dị. Cho đến bây giờ khi kể  lại những kỷ niệm này, lòng tôi lại đang trào một cảm xúc hạnh phúc ngọt ngào và nuối tiếc.,

Tôi đã đến trụ sở công ty của vợ chồng Huyền  nằm giữa phố bán hoa tên cũ là Gôgol và đại lộ Lê nin (Lêninskii prospect), nhưng bây giờ đã đổi sang tên bằng tiêng Môn, tôi không nhớ ngay cạnh quảng trường trung tâm chênh chếch với tòa nhà chính phủ. Chồng Huyền tên là Kỳ, bạn học cùng lớp luật với em. Kỳ là người ít nói và cũng rất dễ mến, dễ gần. Kỳ đã trực tiếp lái xe chở chúng tôi đi thăm nhà ga (Vokzal), và đến shopping ở cửa hàng sang trọng gần nhà ga. Công ty của vợ chồng Huyền là mọt trong những công ty dược phẩm tư nhân đầu tiên sau khi Liên xô tan rã. Sau hơn 15 năm hoạt động nay đã trở thành một trong những công ty hàng đầu của Moldova với 700 nhân viên, 700 gia đình sống ấm no, đầy đủ.

Văn phòng công ty của nhà Huyền rất đẹp trang trí rất Việt Nam. Đứng ở cửa sổ của văn phòng em nhìn ra sẽ gặp một chợ bán hoa tươi, nên lúc nào cũng nhìn thấy đầy hoa. Khi tôi đến công ty, thấy bãi đỗ xe chật cứng các xe ô tô hiệu Getz đủ các mầu xanh, đỏ, trắng, vànghóa ra đó là xe của công ty cấp cho nhân viên đi làm  Thời gian đó đang sắp đến mùa Noen, nên trong văn phòng công ty đang chứa đầy các thùng hàng chuẩn bị quà cho nhân viên. Văn phòng gồm tòa nhà 2 tầng. Riêng phòng làm việc của Huyền thì trang trí theo kiểu Việt Nam làm ta có cảm giác như em mang một góc quê hương đến trời âu. Mặc dù đã nghe Lê Huy Hàm kể từ trước về Công ty và vợ chồng Huyền mà tôi cứ hết bất ngờ này sang bất ngờ khác.

Huyền đã đưa tôi đến viếng mộ chị Nguyện với một anh lái xe người nga tên là Xa sa. Anh ta đã nhiều lần đến chăm sóc ngôi mộ này, nên anh rất thạo đường. Chị Nguyện là sinh viên dự bị khóa 1971. Chị đã bị chết đuối khi đi nghỉ hè ở biển. Chúng tôi sang tháng 9 năm 1972, thì chị đã mất rồi nên chỉ nghe kể lại chứ chưa hề gặp chị. Khi tôi đi , chị Thu Lan (hóa 77) đã nói tôi nếu có điều kiện em đến viếng mộ chị Nguyện nhé. Mộ chị Nguyện khá đẹp, khiêm nhường nhưng được chăm sóc thường xuyên, và nằm yên lặng giữa những ngôi mộ của người K. Đến nghĩa trang nhưng chúng tôi không bị cảm giác lạnh lẽo vì có khá đông người, người ta đang đến thăm mộ và đang ngồi ăn trưa ở đó. Khi chúng tôi đến thì thấy trên mộ chị Nguyện có ít kẹo và hoa. Em Huyền kể: Mấy năm trước mẹ chị Nguyện muốn “đưa chị về nhà “ nhưng khi em Sao, em gái út của chị Nguyện bay sang Kisinhốp thấy mộ chị luôn ấm áp khói hương cả từ người việt lẫn người tây , mẹ yên lòng để chị nằm lại nơi đó. Em gái chị Nguyện đang sống ở Áo nên hàng năm bay sang K rất tiện, chỉ mất có 1 tiếng rưỡi nên cũng rất tiện lợi. Như thế là thành phố K còn che chở một người con gái Việt Nam nằm lại yên giấc ngàn thu.

Những người K chúng ta, ai cũng đều biết về đài tưởng niệm với ngọn lửa bất diệt (vechnưi ogon) và  5 khẩu súng chụm nòng ấy; tôi cũng biết rất nhiều đôi đã có nhiều kỷ niệm bên 5 khẩu súng ấy  … Bây giờ vẫn  5 khẩu súng ấy nhưng khu đất này được tôn tạo khá đẹp và 5 khẩu súng cũng được khoác áo mới.

Chúng tôi đã có một bữa ăn sinh viên ngay tại nhà ăn sinh viên trên trường với thầy giáo hiệu phó của trường. Chúng tôi đã lấy các món ăn thân quen thủa nào như: súp (bosh), lúa mạch (grechco), salat , nước quả (compot)., trà đen (trai) Cảm động nhất là khi chúng tôi xếp hàng lấy đồ ăn cùng các sinh viên, thấy em Huyền giới thiệu, bà kassa tính tiền, đã đứng dậy , đích thân đi đong lại đĩa súp thật đầy cho chúng tôi.

Chúng tôi đã đến nhà văn hóa sinh viên Dom Culturu, nơi mà những cựu sinh viên KGU chúng ta  ai cũng chứa đầy những kỷ niệm ngọt ngào . Không có gì thay đổi là mấy. Vẻ bên ngoài hoàn toàn như xưa, thậm chí cầu thang, cánh cửa vẫn thế. Bên trong, các hàng ghế, sân khấu, cầu thang… vẫn i xì .  Chúng tôi đến đúng lúc vừa kết thúc một buổi tập văn nghệ. Tôi và Huyền trèo lên sân khấu, cầm micro và “giả vờ “ hát để chụp ảnh. Thấy mấy bạn sinh viên nhìn lạ lẫm, chúng tôi giải thích “Cách đây 30 năm, chúng tôi đã đứng ở đây hát và múa”  như các bạn bây giờ. Thế là cùng cười và thấy như một nhà.

Tôi và Huyền đã đến Phòng Bảo tàng của trường và tìm hiểu về khả năng đặt kỷ vật lưu niệm của sinh viên Việt Nam. Và rất vui là chuyến đi của gia đình hội trưởng Ngọc đã xúc tiến cụ thể ý tưởng này.

Có lẽ đã đến lúc tôi phải tạm dừng chuyện kể về chuyến đi “như trong mơ” của tôi và em Huyền thân yêu ở đây, còn dòng chảy của cảm xúc và còn nhiều tình tiết mà tôi không thể cứ mô tả hết. Xin để một dịp khác .

Tôi biết còn do nhiều lý do nên không phải ai cũng muốn là được, nhưng nếu ai có điều kiện thì hãy quay về trường KGU, thành phố trắng Kisinhốp một lần trong đời để tận hưởng những giây phút ngọt ngào mà không bút nào tả nổi. Chúc cho đoàn cựu sinh viên KGU sắp lên đường vào tháng 9 tới sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời và hãy chuẩn bị thật kỹ cho chuyến trở về để không còn gì phải ân hận. 

Lê Thanh Bình ,

17/03/2011.


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 25-03-2011 08:08






Xem 1 - 10 của tổng số 24 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

25/07/2011 11:52:57

Ôi bài viết của chị Bình hay và cảm động quá à! Em đọc mà như nuốt từng lời, nhiều khi cứ thấy lòng thắt lại như chính em được trở về nơi đó, được trải nghiệm những cảm giác mà chị đang viết về... Cám ơn chị rất nhiều và chúc chị luôn khỏe mạnh ạ.



Từ: LinhND
19/05/2011 09:47:20

Đọc những gì B viết, L lại càng háo hức chờ chuyến về nguồn mùa thu này.


Cám ơn B nhé, bao nhiêu kỷ niệm như thức dậy trong bài viết chi tiết, tỉ mỉ và rất Bình"chồn". Hóa ra hai đứa đã từng bán sách để "kéo dài tuổi thọ".


Mong gặp lại B.



Từ: LyTM
18/04/2011 12:57:26

Chị Bình đã là người sung sướng được về nguồn trước đấy. Đọc bài của chị cảm động quá, như đang theo chân chị trèo lên hè của nhà văn hóa...cám ơn chị. Bên 5 khẩu súng em đã có một bức ảnh đẹp nhất để gửi cho các bạn thời sinh viên đấy. Hôm vừa rồi gặp chị đến 3 lần mà em vẫn chưa có dịp c huyện trò nhiều cùng chị. Rất tiếc một người tài năng của Người KGU đã nghỉ khi đang sung sức và giỏi thê.Nhưng mà chị hoạt động tiếp theo hướng xã hội có khi còn có điều kiện cống hiến nhiều chị Bình ạ.


Em HUyền quá chu đáo với Hội và với các thầy cô, ACE KGU. Hôm vừa rồi khi thức mấy đêm liền để đọc lướt 2 cuốn sách, mặc dù vẫn còn chưa có thời gian nhâm nhi lại cho kỹ càng, cho thấm, nhưng mà những trang viết của Huyền làm chị Lý thấy sao Hội lại may mắn thế, sao em HUyền lại giỏi thế, mà tình cảm thế.


Em đã đến viếng mộ chị Nguyện nhưng vào thời điểm cây cối xanh um tùm và ẩm ướt, đấy là một nơi mà bất kỳ ACE nào của Người KGU cũng đã tới và cầu mong chị Nguyện được siêu thoát, mà hình như khi đó không có khung sắt thì phải.


Chúc chị Bình luôn khỏe, đẹp, nhuần nhị như chị vốn có và tiếp tục viết và cống hiến chị nha



Từ: VinhTQ
14/04/2011 22:32:21

Làm như người KGU rất có kế hoạch. Để gặp mặt Du xuân 2011, nhiều bài viết về kỷ niệm thời SV, đặc biệt là nét phác họa chân dung từng thành viên trong lớp như một sự chuẩn bị thiết thực cho cuộc hội ngộ lớn. Và quả thực, không khí cuộc Du xuân cho một số lơợng lớn người mà vẫn đầm ấm, vui vẻ và rất gắn kết.


Tháng 10/2011 rồi sẽ đến để chúng ta được trở về Trường xưa, cũng là được "ngược thời gian" về lại với tuổi thanh xuân của mình. Bài chị Bình tuy chưa kịp đưa vào cuốn sách đầu tay của Người KGU, nhưng là bài khởi đầu cho những hồi ức về trường. Nhờ bài viết của chị Bình mà em đã hình dung kế hoạch mình ở Kis sẽ như thế nào. Dần dần đã rõ dần những công việc cần chuẩn bị và cần làm cho chuyến Trở về. Đọc bài viết của chị Bình, em mong ước những trắc trở về thủ tục trong quá trình về Nguồn không làm ảnh hưởng đến niềm vui quay về chốn xưa đầy kỷ niệm thơ mộng của thời sinh viên trong sáng và có phần ngô nghê.


Chắc sẽ có cuốn sách người KGU tập 3 ghi lại những cảm xúc nhớ trường xưa, nhớ thầy cô, bạn bè và những cảm xúc khi được về trường KGU và thành Kis.


 Bao giờ cho đến tháng Mười?



Từ: VinhDT
10/04/2011 21:23:10

Bình ơi


Hôm nay mới đọc bài của em mà thấy bồi hồi quá. Nhớ những chuyện xưa và mơ đến chuyến Trở về. Giá mà góc thơ của người KGU có thêm phần dịch thơ Việt sang Nga thì hay biết mấy. 


Chuyến Về Nguồn sắp tới được đọc thơ dịch cho em Huyền và thày cô bạn bè bên đấy sẽ rất thú vị



Từ: LanTT
06/04/2011 11:32:29

Đã được Bình thông báo trước chuyến đi và nghe Bình kể bao nhiêu lần về chuyến đi Kis, hôm nay đọc bài của Bình chị vẫn thấy xúc động và nhớ Kishinhốp quá. Cám ơn Bình nhé. Chúng ta thật may mắn là có em Huyền làm đại sứ, là cầu nối giữa chúng ta và nhà trường, KIS. Tình cảm của em Huyền danh cho gia đình KGU thì không thể nào nói hết. Mong được gặp em Huyền ở Hà Nội



Từ: BinhLT78
29/03/2011 14:20:49

@Anh Khoa ơi, đúng là ký túc xá 1 của khoa lý ở gần nhà tù. Hôm ấy Huyền cũng đưa em đến đó và còn chụp ảnh. Hồi sinh viên bon em có nghe kể là có lần KTX1 mất nước, phải sang xin nước bên nhà tù; và có lần các anh khoa lý còn nhìn thấy tù nhân trèo tường v.v... có đúng thế không ạ? , nhưng hồi ấy bon em rất "sợ" các anh khoa lý nên không dám hỏi lại. Bây giờ , thấy anh nhắc đến lại nhớ lại một kỷ ức đã in vào đầu. Đúng là "người có tuổi" cứ hay chỉ nhớ những chuyện cũ mặc dù chẳng có gì quan trọng cả. Anh có tham gia đoàn "về nguồn" không ạ?



Từ: BinhLT78
26/03/2011 23:37:12

Cảm ơn em Huyền đã nhớ nhiều...Giai thoại về học tiếng nga thì nhiều lắm, thỉnh thoảng bọn chị gặp nhau "ôn lại" để cười cho "trẻ lâu". Chuyện bà giáo tiếng nga điểm danh gọi sai tên chị BỒNG LAI và anh ANH KIỆT này; chuyện chị Thục CL77 đi mua đĩa hát đã nói: "Daite mnhe tarelku, kotorajia poet là lá la..." làm bà bán đĩa "há hốc mồm"- cái đĩa để đựng thức ăn mà lại biết hát mà bài gì cũng chẳng rõ ; ngày 8/3, bà giáo dạy tiếng nga bắt các bạn nam phải làm thơ tặng các bạn nữ, bí quá các anh lớp chị dich truyện kiều và bài thơ về nữ anh hùng Trần Thị Lý, bà giáo "mắt trợn tròn" vì không hiểu thơ gì mà toàn là "thịt da, xương, dao, thước, cục đất..."- "Sè sè nắm đất bên đường, Người nách thước kẻ tay dao", "Em là ai cô gái hay nàng tiên? Em có tuổi hay không có tuổi" tạm dịch là" kto ty, devushka ili doch boga, u tebjia ect gody ili nhet, tvoe mjaso ili zelezo ili med"... Còn nhiều lắm những mẩu giai thoại như vậy, chị chưa dùng được bàn phím tiếng nga nên khó kể lại. Ôi thời sinh viên quá đẹp... 



Từ: KhanhT
26/03/2011 23:05:10


Đọc các bài của Ngọc về nguồn, rồi của Hàm…, nay đọc của Bình vẫn cứ còn nhiều điều mới phát hiện nữa, nhớ lại nữa, thật mỗi lần đọc lại càng thêm xao xuyến. Mọi người kỳ này về Trường sẽ được nhiều niềm vui, may mắn và hạnh phúc. Mà tự nhiên ta có đại sứ ở đấy quý làm sao!


Nhưng mà anh đọc cái câu của Bình: “…Tôi mang theo tấm ảnh lớn có hình sinh viên cả lớp cùng ảnh thầy hiệu trưởng Melnik và  các thầy cô đại diện cho các bộ môn (kaphedry). Tôi chỉ từng thầy cô trong bức ảnh và mong họ nói thông tin về các thầy cô . Thế rồi, tôi nghe người ta nói thầy này đã mất năm ngoái, cô này cũng mới mất… Lúc ấy tai tôi “ù” lên, mắt nhòa lệ , tôi mếu máo…”  và trong mail gửi Thu ở Bỉ (trong comment của Thu), Bình viết:“... Toi da mang theo anh lop minh, hoi thi hau nhu cac thay co deu da mat (Klimenco- sinh hoa, Inviskii - di truyen, Popa -di truyen,  , .. toi da khoc vi canh xua con do, nhung nguoi xua da khong con....” nhưng mà mình đã được Hàm cho biết Thầy Inviskii đã ngoài 80 sống với con gái tận S’Petersburg  cơ, không có liên lạc với trường, thế thì không biết làm sao, xốn xang quá, chắc là em Bình nhớ nhầm.



Từ: ThongNV
26/03/2011 22:45:38

@ Cám ơn Bình đã có bài bút ký rất hay về ngôi trường ĐH cũ của chúng ta, làm cho mình nhớ lại những kỷ niệm hồi sinh viên.


@ HuyềnBT: Nhân việc em kể về việc dịch truyện Kiều sang tiếng Nga, làm anh nhớ lại chuyện của anh ngày xưa. Năm 1982, nước mình còn quá nghèo nên Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước đi họp Hội nghị về trọng tài tại khối SEV, Chính phủ không cho tiền để thuê phiên dịch, vì vậy phải lấy người trong cơ quan biết tiếng Nga đi dịch cho Chủ tịch. Tiếng Nga của anh thì vào loại kém, đã từ chối nhưng không được buộc phải đi. Khi chia tay các bạn Hung ga ri, Chủ tịch của mình vui quá "lẩy" luôn một đoạn Kiều và cụ đọc rất nhanh. Anh bí quá không biết làm sao đành phải nói: Chủ tịch rất cảm kích về sự đón tiếp của các ban, nên đã đọc một đoạn thơ trong Truyện thơ nổi tiếng của Đại văn hào Nguyễn Du. Nội dung là: ". . . . ". Chuyển đi hai tuần ấy, anh bị sút đi mất hơn 3 kg.




Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s