Có rất nhiều quan niệm khác nhau về Già - Trẻ. Một người có thể trẻ theo quan niệm này, nhưng lại già theo quan niệm khác.
1. Quan niệm trẻ già theo nét mặt: Thông thường, người ta nhìn để đoán xem ai già hay trẻ. Trông già tức là già, trông trẻ tức là trẻ. Theo quan niệm này thì "tôi đã già từ hồi còn trẻ", vì khuôn mặt tôi khó đăm đăm, lại nhiều nếp nhăn. Cũng may là còn có những quan niệm khác.
2. Quan niệm trẻ già theo quản lý hành chính: Ai sinh trước thì già hơn, ai sinh sau thì trẻ hơn. Muốn biết ai trẻ hơn phải so CMND. Quan niệm này có vẻ khoa học hơn, nhưng khi vận dụng trong cuộc sống cũng có vấn đề. Ví dụ, một người 50 tuổi ốm yếu vẫn buộc phải làm việc, trong khi người khác 60 tuổi khỏe mạnh lại buộc phải nghỉ hưu.
3. Quan niệm trẻ già theo phần còn lại của cuộc đời: Già tức là sắp chết. Vì vậy quan niệm "Ai còn sống lâu hơn thì trẻ hơn" không phải là vô lý. Việc một người đã sống bao nhiêu năm rồi là chuyện quá khứ, không nên tính nữa. Quan trọng là anh ta còn sống được bao nhiêu năm tiếp theo mà thôi.
4. Quan niệm trẻ già theo sự tăng trưởng: đứa bé khi mới sinh ra lớn rất nhanh. Chừng 15-16 tuổi quá trình này chậm lại và khoảng ngoài 20 tuổi sẽ dừng hẳn. Về già, con người không những không lớn lên mà ngày một nhỏ đi. Như vậy, còn tăng trưởng là còn trẻ, hết tăng trưởng là đứng tuổi, ngày càng teo lại tức là đã sang tuổi già. Có thể áp dụng quan niệm này trong quản lý. Một lãnh đạo mới chỉ 30 tuổi, nhưng không còn làm cho bộ phận mình phụ trách tăng trưởng, thì không phải là một cán bộ trẻ. Một lãnh đạo ngoài 60 tuổi nhưng vẫn giúp đất nước tăng trường thì không phải là một cán bộ già.
5. Quan niệm trẻ già theo trạng thái tinh thần: Một người ít tuổi, nhưng sống bi quan, suốt ngày ủ rũ,... thì thực sự là một ông già. Một người nhiều tuổi, nhưng sống lạc quan, yêu đời,... thì có thể tin là còn rất trẻ.
6. Quan niệm trẻ già theo lao động: Nhiều người đã bị già đi rất nhanh chỉ ngay sau khi nhận sổ hưu. Không có việc gì để làm (vô công rồi nghề) là một trạng thái rất không tốt cho sức khỏe con người. Nếu bạn còn phải làm việc, còn phải suy nghĩ, còn phải chịu trách nhiệm, còn nhiều việc dở dang chưa làm xong,... thì bạn sẽ không thể già.
7. Quan niệm già trẻ theo khả năng chấp nhận mạo hiểm: Trẻ thường thích mạo hiểm, già thì thích an toàn. Vì vậy, nếu một người mới 30 tuổi, nhưng an phận, chấp nhận sống nốt phần đời còn lại như đang sống, thì sẽ rất giống một ông già. Một người khác ngoài 60, dám bắt đầu một công việc mới, một cuộc sống mới, tại một vùng đất mới,... chắc chắn là người còn rất trẻ.
Và quan trọng không phải "bạn sẽ sống bao nhiêu năm" mà là "bạn có thể sống khỏe mạnh trẻ trung bao nhiêu năm"?
Ngoài ra, tôi cho rằng, sống là trải nghiệm, ai trải nghiệm nhiều hơn tức là sống lâu hơn. Có những người thọ hàng trăm tuổi, nhưng cả cuộc đời không bước ra khỏi làng, cả đời dùng một cái chậu thau đồng, một cái mâm gỗ, ngày hôm nay giống hệt ngày hôm qua, còn ngày mai thì giống hệt ngày hôm nay. Những người như thế sống rất ít, thực chất họ chỉ sống có đúng một ngày.
Nhiều vĩ nhân chết rất sớm, nhưng họ đã kịp chu du khắp nơi, giao tiếp với nhiều anh hùng trong thiên hạ, trải qua nhiều lần sống chết, lập nhiều kỳ tích, để lại cho hậu thế di sản to lớn,... Những người như thế thực chất đã sống rất lâu, bằng nhiều cuộc đời cộng lại. Và họ còn sống ngay cả sau khi đã từ giã nhân gian. Có người nói, những vĩ nhân đó đã chọn cách chết sớm để không bao giờ già!