KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 02 Tháng tư. 2011

Có một người KGU nặng lòng với ca trù




Tác giả: Kẻ ham chơi

Có một người KGU  nặng lòng với ca trù

Anh là Hoàng Minh Châu, ChauHM - toán 81, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn FPT. Từ rất lâu trước khi Ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp (01/10/2009), anh đã có cách làm riêng của mình để hỗ trợ cho bộ môn nghệ thuật này.

Biết CLB Ca trù Thăng Long (nay là Giáo phường Ca trù Thăng Long, do Nghệ nhân Phạm Thị Chúc và ca nương Phạm Thị Huệ sáng lập)  gặp khó khăn khi có các hoạt động khôi phục và gìn giữ vốn quý của cha ông nhưng lại thiếu kinh phí; nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ muốn truyền nghề cho con cháu, nhưng chúng phải đi làm để sinh nhai, không có thời gian đi học, ChauHM đã đề nghị các cháu  đi học thay vì đi làm và ChauHM “trả công đi học” cho các cháu bằng thu nhập khi đi làm. Với Thày Đẹ, ChauHM cũng hỗ trợ để có thu nhập từ việc truyền nghề.

Năm 2010, một đêm ca trù tại trụ sở FPT Hà Nội được tổ chức với sự tham gia của kép đàn Nguyễn Phú Đẹ và ca nương Nguyễn Thị Huệ. Hoạt động này đã phần nào nâng đỡ tinh thần, tạo điều kiện vật chất để các nghệ nhân theo đuổi tâm nguyện tốt đẹp của mình. Tiếc rằng, khi đó không ai trong ACE KGU có cơ hội được xem đêm diễn.

Thú thực, cũng như nhiều người của thế hệ chúng ta, tôi không hiểu và không thích ca trù. Kiến thức duy nhất là biết năm 1998 Nhà nước đã phong tặng danh hiệu NSND cho nghệ nhân Quách Thị Hồ (bà mất năm 2001 tại Hà Nội, thọ 92 tuổi ). Khi được ChauHM rủ đi dự Họp báo giới thiệu CD “Ca trù-Singing house”, sản phẩm âm nhạc dân tộc đầu tiên của hai tên tuổi trong làng ca trù hiện nay Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ và ca nương Phạm Thị Huệ tôi đã nhận lời vì muốn gặp ChauHM hơn là đi thưởng thức ca trù. ChauHM học toán, vậy mà khi nghe anh say sưa nói về ca trù với  Hò - Xự - Xang, các ngón nhấn, chùn, rung, vấy, chụp của kép đàn, với sự thăng hoa và giao hòa giữa ca nương, kép đàn và người nghe…; được nghe bài phát biểu của anh tại buổi họp báo ngày 19/3/2011 tại 28 Hàng Buồm  tôi có cảm giác anh là người trong nghề.

Hoàng Minh Châu là người đa tài và có tâm với văn hóa dân tộc. Anh đã chọn cách đi đặc biệt của mình khi “đầu tư” vào ca trù.

Chúng ta tự hào vì anh. Chúc anh thành công trên thương trường và gặt hái nhiều kết quả từ việc làm tâm đức của mình trên con đường anh đã chọn.

 

 

Ca trù hay còn gọi là hát ả đào là một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo và mang tính bác học của miền Bắc, thịnh hành từ khoảng thế kỷ 15, rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 trở về trước. Ngày 01/10/2009, Ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Nghệ nhân Phạm Thị Chúc (1930) sinh ra trong một gia đình truyền thống ca trù, bắt đầu học hát từ năm lên 9 tuổi. Sẵn có gen âm nhạc lại có giọng ca ngọt ngào, lên 12 tuổi bà bắt đầu đi hát cùng cha mẹ và được các bậc thính giả sành điệu hâm mộ. Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc được Hội văn nghệ dân gian phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vào 11/1/2006. Hiện là "bà trùm" của làng ca trù.

Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ là một trong những kép đàn hàng đầu Việt Nam hiện nay. Ông sinh năm 1923 tại Tứ Kỳ, Hải Dương, trong một gia đình cả cha và mẹ đều là ca nương, kép đàn nổi tiếng trong vùng. Ông cùng người anh là cụ Nguyễn Phú Đọ từ khi 10 tuổi đã được học đàn theo cha và ông nội. Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vào ngày 11/1/2006. Ông hiện là một trong những kép đàn hàng đầu Việt Nam.Hiện nay, dù đã ngoài 88 tuổi nhưng ông vẫn đàn vững vàng những kỹ thuật thượng đẳng từ khi còn trẻ. Đặc biệt hơn, ông là kép đàn duy nhất còn có thể đeo đàn đứng hát trong nghi lễ hát ca trù Cửa đình.

Ca nương Phạm Thị Huệ - thạc sĩ về Đàn Tỳ bà, Giảng viên Nhạc viện Hà Nội. Cùng với nghệ nhân Hoàng Thị Chúc chị đã lập ra Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long nay là Giáo phường ca trù Thăng Long.

Vào Nhạc viện năm 8 tuổi, được nuôi dưỡng trong môi trường của nhạc dân tộc, khi 17 tuổi thành lập ban nhạc Trúc Xinh để đi hát ở các quán bar, dù tạo được thành công, Phạm Thị Huệ vẫn trăn trở về con đường đi lâu dài cho mình. Năm 2000 chị đã có cuộc hạnh ngộ với nghệ nhân Hoàng Thị Chúc. Chị được theo học nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ. Giáo sư Trần Văn Khê đánh giá Phạm Thị Huệ là ca nương duy nhất biết vừa đàn vừa hát, nhất là lại dùng đàn đáy - cây đàn mà trước đây, chỉ những người đàn ông mới có thể dùng.

Vào 8h tối thứ Bảy hàng tuần tại 28 Hàng Buồm, Giáo phường ca trù Thăng Long của Phạm Thị Huệ tổ chức hát ả đào, có thu phí để trang trải các hoạt động và hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài. ACE KGU quan tâm có thể tới để thưởng thức.

Xin tham khảo thêm:

http://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%C3%A1ch_Th%E1%BB%8B_H%E1%BB%93

http://www.catruthanglong.com/p115-danh-cam-nguyen-phu-de.html

http://www.catruthanglong.com/

http://tranquanghai.multiply.com/reviews/item/94


Người post: MoN

Ngày đăng: 02-04-2011 11:11






Xem 1 - 6 của tổng số 6 Comments

Từ: NgocNT
07/04/2011 12:24:03

Đúng là thế hệ sau này của bọn em phải "khám phá" nhiều mới thấy hết sự tuyệt vời của các thế hệ đi trước. Anh Châu hôm nào tổ chức sự kiện gì ở đâu thì xin thông báo để toàn thể anh chị em còn được thưởng thức "rơi rụng" những gì anh say mê nhé! Cám ơn anh nhiều nhiều! Bài trả lời phỏng vấn của anh tại cuộc họp KGU thật ấn tượng và vui vẻ! Cám ơn anh nhiều nhiều!



Từ: ChauHM
07/04/2011 11:23:33

Nghe các anh chị dành cho Châu quá nhiều "mỹ từ", ngại quá. Chẳng qua, Châu thấy một số việc nên làm và bản thân lại có thể, thì làm thôi. Và cũng chưa làm được bao nhiêu mà.


Năm 2005, lần đầu tiên Châu được gặp nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ ở Hải Dương. Thấy ông đã ngoài 80 tuổi, sợ khi ông ra đi, ngón đàn tuyệt kỹ của ông bị thất truyền, nên tôi hỏi ông: "Sao ông không dạy cho con cháu chơi đàn, phải chăng chúng không thích học"? Ông nói, có nhiều đứa thích lắm, nhưng chúng phải đi làm. Thế là tôi đề nghị sẽ tài trợ cho các cháu đi học được lính lương như đi làm". Cùng thời gian đó, tôi được gặp nghệ nhân ca nương Phạm Thị Chúc ở Hà Đông, cũng đưa ra đề nghị tương tự để bà dạy hát cho các cháu.


Số tiền tài trợ thực ra rất ít, nhưng vì đúng người đúng việc, nên cũng có chút kết quả. Có lẽ nó cũng góp một phần trong sự hình thành CLB Ca Trù Thăng Long, (hiện đã đổi tên thành Giáo phường Ca trù Thăng Long) ngày hôm nay.


Ngày xưa, hát ca trù còn gọi là hát “cô đầu”.


Nhiều người hiểu sai về hát cô đầu. Họ hình dung hát “cô đầu” giống như karaoke bia ôm ngày nay; rằng ca nương vừa hát vừa chiều đàn ông!!!


Thực ra trong hát cô đầu, ca nương chỉ hát, chứ không phải vừa hát vừa ôm ấp ai, hoặc cho phép ai ôm ấp mình. Người làm việc đó là đào rượu, có thể cũng biết hát vài câu (do hàng ngày ở đó), nhưng không phải là ca nương.


Hát ca trù rất đặc biệt. Họ phải hát bằng hơi từ bụng. Họ phải luyện môn khí công. Khi hát, họ phải hết sức tập trung, khuôn mặt không thể hiện tình cảm. Với ca trù, nếu vừa múa vừa hát vừa cười như chèo thì sẽ bị đau bụng. Khuôn mặt không biểu lộ tình cảm, nên giọng hát phải thể hiện. Người nào biết hát ra cái tình, là có thể hát được ca trù (không cần có giọng hát hay).


Giữa ca nương và kép đàn phải có tình cảm đặc biệt (tri kỷ, hiểu biết, yêu thương nhau,…) mới có thể hòa hợp, vì ca trù là môn hợp tấu ngẫu hứng. Vì thế, ngày xưa, thường cha, anh hoặc chồng, đàn cho con, em hoặc vợ hát.


Thơ cho ca trù thường là thơ Đường, nhưng cũng có thể là thơ lục bát. Sáng tác lời cho ca trù rất khó, nên số bài hát nổi tiếng không nhiều.


Ca trù có tính hàn lâm cao nên không dễ cải biên. Cũng nhờ thế mà nó còn giữ được nguyên giá trị truyền thống và xứng đáng được bảo tồn, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.


Chèo thì khác, vì dễ cải biên, nên trong vòng mấy chục năm qua chúng ta đã phá gần như toàn bộ những tinh túy nhất của môn nghệ thuật này: nhiều nghệ sĩ chèo ngày nay không còn hát nổi một câu chèo cổ. Hơn 50 vở chèo cổ (được biết đến cách đây 100 năm) chỉ còn có hai vở là có kịch bản và có thể diễn được là Quan Âm Thị Kính và Súy Vân giả dại. Chèo bây giờ không thể bảo tồn được nữa.


Bác Trần Văn Khê có nói: bác tiếc là sinh ra và lớn lên ở miền Nam nên biết đến ca trù hơi trễ, nhưng bác tin rằng đó là một loại hình âm nhạc xuất sắc nhất của Việt Nam, có giá trị cao với thế giới.


 



Từ: ThucPT
06/04/2011 20:46:36

Tôi rất thích đọc những bài của Hoàng Minh Châu post trên mạng. Bởi vì, theo tôi nghĩ, những bài của Châu có những suy nghĩ rất là tích cực, chia sẻ và  xây dựng.


Châu không những nặng lòng với ca trù, mà còn nặng lòng, trăn trở với nhiều nỗi bức xúc khác nữa của thời đại. Ví như, trong giáo dục  đào tạo, Châu đã đưa ra một giải pháp rất triển vọng như : 40% lao động phổ thông, 36% lao động có tay nghề, 24% có trình độ....


Về giữ gìn bản sắc dân tộc, tôi cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Châu. Tôi nhớ, khi Nguyễn Huệ mang quân ra giải phóng thành Thăng Long, ông đã nói một câu nổi tiếng:


" Hãy đánh để dài tóc


Hãy đánh để đen răng"


Đúng là đánh để giữ nền văn hóa Việt, để khẳng định văn hóa Việt Nam khác văn hóa Trung Quốc ( văn hóa TQ lúc bấy giờ con gái  tóc ngắn mặc quần, con trai cạo trọc, răng trắng; còn VHVN: con gái vấn khăn tóc đuôi gà, mặc váy- trông rất mềm mại, con trai tóc búi tó củ hành, răng đen ), để giữ linh hồn Việt và chủ quyền của người Việt Nam.


Châu là con người giầu ý tưởng và tri thức. Ý tưởng không chỉ có nằm trong đầu, mà nó vượt ra để biến thành những hoạt động hữu hiệu thiết thực giúp ích cho xã hội cộng đồng.


Cuối cùng, Châu là người thành công trong nhiều lĩnh vực, kể cả góc hài hước tiếu lâm - một người đầy năng động có tâm.


Tôi thực sự nể phục ! Người KGU chúng ta tự hào thay.



Từ: camtumai
04/04/2011 17:14:19



Cảm ơn Kẻ ham chơi đã có thêm thông tin về Hoàng Minh Châu - Người KGU đa tài nặng lòng với ca trù. Thật đáng khâm phục và tự hào. Không có tâm, có trí, có tình thì làm sao có thể nặng lòng cho được!




Từ: GiangHV
04/04/2011 11:05:32

Tối hôm kia (2/4) tại Đầm Long, lần đầu tiên tôi gặp trực tiếp với Kẻ ham chơi . Ngồi chơi đối diện nhau (sau bữa cơm tối đầy náo nhiệt) em tự giới thiệu với chúng tôi tên em là Ngô Mơ. Nhận ngay ra em nên tôi có chỉ vào anh Nguyễn Thế Thịnh (người KGU tp HCM, có bài “ Mong sao mau đến tháng 10” vừa được HT post lên trang Web mà em là người có liền 2 còm đầu tiên) và hỏi: em có biết anh này là ai không? Em trả lời là không. Tôi liền giới thiệu anh Thịnh với Ngô Mơ, sau đó em có phân trần:”em đã tra tác giả của bài viết này trong mục “Thành viên”, song không thấy có anh N.T. Thịnh”. Lý do là anh Thịnh chưa đăng kí vào mục này. Thế là chúng tôi quen nhau và chuyện trò thân thiết với nhau, không phải gián tiếp qua những cái tên, những bức ảnh nhỏ con hay những bài viết/mẩu còm trên mạng nữa. Cảm ơn Du xuân của Hội đã cho cho chúng tôi cơ hội không những được gặp lại những người bạn cũ sau ngót 40 năm, mà còn được gặp và làm quen với nhiều người bạn mới. Cũng vào tối hôm đó (ngày bài viết này được post lên mạng), sau các màn nhảy múa và ca hát rất náo nhiệt xung quanh ngọn lửa trại bập bùng của những người lên Đầm Long trước, chúng tôi đã được Hoàng Minh Châu kể chuyện tiếu lâm cười đến vỡ cả bụng. Rất đa tài, rất nhiệt tình, rất gắn bó và rất tận tâm với các hoạt động của người KGU. Đó là những cảm nhận của chúng tôi về nhân vật trong bài viết này của Ngô Mơ. Mong sao Hội chúng ta có nhiều người như thế. Tôi để nghị BLL và HT tại Du xuân sang năm sẽ có thêm danh hiệu Công huân cho những người có công lao giữ lửa cho Hội như Hoàng Minh Châu



Từ: ThongNV
02/04/2011 18:26:10

@ Cám ơn em Kẻ ham chơi đã có một bài viết rất hữu ích về con người của KGU.Hoàng Minh Châu đúng là một người đa tài và có tâm với con người, với đất nước. Chúc em thành công đối với những dự định đã chọn.



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s