Giỗ Tổ Hùng Vương lần này được nghỉ kéo dài. Anh bạn thân người Phú Thọ rủ đi Lễ Hội Đền Hùng có Giấy mời của Tỉnh hẳn hoi, nhưng tôi không đi được vì đã có kế hoạch công việc từ trước: tôi được Trường Đại học Y Hà Nội mời tham gia Hội đồng chấm luận án Tiến sỹ y học cho một nghiên cứu sinh về đề tài liên quan đến một bệnh về gen di truyền.
Học sinh vật học, nên tôi có “duyên” được làm việc với bên ngành y từ ngày đầu về nước. Nhớ những năm 70-80 đạp xe đi "làm nhờ" để tách chiết ADN (gen) tại Viện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hay Viện Huyết học truyền máu Trung ương, tôi đã được các GS. Hoàng Thủy Nguyên, GS. Bạch Quốc Tuyên và GS. Lương Tấn Thành (bố Lương Chi Mai) nhiệt tình giúp đỡ tạo mọi điều kiện về máy móc thiết bị cho mấy chàng trai, cô gái trẻ ngày ấy thử mày mò, “hí hoáy” với gen như thế nào.
Thế rồi, số phận đã cho tôi có trên 10 năm qua liên tục làm việc với các bác sỹ, các chuyên gia y học hàng đầu của Việt Nam về bệnh học phân tử, y - sinh học di truyền ở người Việt Nam (cả dân y và quân y). Đó là khi tôi và các đồng nghiệp (Trường Đại học Y HN, Học viện Quân Y, Trường Đại học Y Huế, Trường Đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh…) được giao nhiệm vụ nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc da cam/ dioxin lên sức khỏe người Việt Nam. Nhớ những lần đi công tác thăm khám, lấy mẫu máu nạn nhân cho nghiên cứu ảnh hưởng về gen, chúng tôi không cầm được nước mắt khi phải tiếp xúc với các cháu bị dị tật bẩm sinh đủ loại, do cha mẹ là những cựu chiến binh, dân thường từng phải chịu phơi nhiễm với loại hóa chất chất độc hại nhất mà con người có thể tạo ra.
Hội đồng chấm luận án tiến sỹ y học lần này do GS. TSKH Phan Thị Phi Phi, nhà khoa học nổi tiếng làm Chủ tịch. GS. Phi Phi, người phụ nữ “thất thập cổ lai hy” là một tấm gương sáng cho chúng tôi về lòng đam mê và sự nghiêm túc trong khoa học. Cô Phi còn nổi tiếng vì là người đứng số 1 trong Danh sách các nạn nhân chất độc da cam đi kiện các công ty Hoa Kỳ. Ngày ấy, người con gái Quảng Ngãi, bác sỹ, “gái 1 con” đã xung phong đi chiến trường B. Những năm tháng ác liệt ở chiến trường, chị Phi đã bị nhiễm chất độc da cam/ dioxin nên sau này chị mang thai mấy lần đều bị xảy thai, không thể có hạnh phúc làm mẹ lần thứ 2. Tôi có may mắn từ lần đầu tiên được gặp chị Phi có lẽ đã trên 30 năm và cho đến nay một số việc vẫn đang làm với chị. Hội đồng còn có chị Mai, chị Liên, chị Phượng là GS, PGS bác sỹ nổi tiếng chuyên khoa Phụ sản. Nam giới chúng tôi hơi bị “lép vế” trong HĐ lần này. Tôi rất mừng được gặp lại anh Trương Đình Kiệt, GS. Trường ĐH Y-Dược TpHCM, một người quen rất lâu năm của chúng tôi khi mấy anh em cùng chia xẻ nhiệm vụ nói trên. Còn anh Tạ Thành Văn, PGS, Phó HT Trường ĐHYHN, một chuyên gia hàng đầu của VN về nghiên cứu gen - di truyền trong y học, là một người bạn, một chiến hữu, chúng tôi liên lạc và làm việc với nhau thường xuyên.
Hướng nghiên cứu y-sinh học di truyền tại Trường ĐHYHN được cố GS. Trịnh Văn Bảo dày công xây dựng từ vài thập kỷ qua. Trước khi GS. mất, ông còn gửi gắm một vài cán bộ trẻ cho chúng tôi cùng hợp tác và đào tạo. Luận án TS. Lần này là một trong “những sản phẩm tiếp theo” của hướng nghiên cứu mà GS. Bảo đã đặt nền móng. Dị tật bẩm sinh do hỏng hóc về gen bởi hậu quả của chiến tranh hóa học còn hết sức nặng nề. Cả nước ta có đến trên dưới 4 triệu nạn nhân chất độc da cam/ dioxin với hàng triệu trẻ em bị dị tật bẩm sinh đã qua vài thế hệ. Trong Luận án này, NCS đã nghiên cứu gần 7 ngàn ca phụ nữ mang thai, đã phân tích về nhiễm sắc thể, về gen, chẩn đoán trước sinh, những ca nặng phải đình chỉ thai…Đề tài NCS không chỉ làm trong nước mà có thời gian ngắn làm tại Viện Karolinska, Thụy Điển. Nhiệm vụ nghiên cứu y-sinh học di truyền, bao gồm cơ chế phân tử của những sai lệch về gen, chẩn đoán trước sinh, tư vấn di truyền, biện pháp can thiệp để lại sinh hay không sinh 1 bào thai vừa có hình hài đã bị hỏng gen ...là những công việc thật hệ trọng, đối với mỗi người mẹ, mỗi gia đình, dòng tộc và lớn hơn nữa là góp phần chăm sóc sức khỏe (về gen) của cả giống nòi Dân tộc VN.
Thật hạnh phúc trong ngày NCS bảo vệ luận án thành công, nhưng trên gương mặt của mỗi chúng tôi, cả thày và trò, không thấy có bóng dáng nụ cười. Tôi đã tham gia nhiều Hội đồng tiến sỹ ở các Trường, Viện, kể cả bên ngành y như Học viện Quân y, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương… nhưng lần tham gia Hội đồng này để lại cho tôi những suy tư không dứt...
Người VN, từ thời Thủy Tổ Lạc Long Quân và Âu Cơ, từ Hùng Vương, Phù Đổng Thiên Vương, từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung...đến người KGU chúng ta – thế hệ mà người đi ra mặt trận (lớp 10 của tôi: nhiều bạn đã vĩnh viễn nằm lại ở thành cổ Quảng Trị và các mảnh đất khác của Tổ Quốc), người được Nhà nước cử ra nước ngoài (như tôi và các anh chị, các bạn và các em) để mang kiến thức quay về. Rồi đến con cháu chúng ta...sức mạnh tiềm ẩn của Bộ gen Việt là ở đâu? Tôi lại nghĩ đến Ngô Bảo Châu, Phillip Roesler…và tranh luận của chúng ta về Gen và Môi trường... Như vậy, ngoài cái "Môi trường" theo nghĩa rộng, bao gồm: kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, giao thông, khoa học công nghệ ...của ta cần có những phát triển vượt bậc để tạo tiền đề cho Gen người VN "biểu hiện" ra những ưu việt của mình, thì "môi trường" theo nghĩa hẹp (ô nhiễm và hủy hoại do chiến tranh) cùng để lại những hậu quả nói chung và về Gen nói riêng không dễ dàng khắc phục...
Vừa kết thúc buổi bảo vệ, chợt chuông điện thoại của tôi vang lên, người nhà tôi báo tin: cháu Đức, đứa cháu của tôi bị dị tật bẩm sinh đã vĩnh viễn ra đi với tuổi đời 21 tại bệnh viện Thanh Nhàn. Cháu là con em gái tôi, cũng có thể do bố cháu là chiến sỹ công an, trong chiến tranh biên giới phía Bắc trong khói súng, bom, mìn (suýt hy sinh) đã bị nhiễm độc nặng nên cháu đã phải gánh chịu số phận đau khổ này?.
Tôi đổi hướng xe ra bệnh viện mà nước mắt cứ trào ra...
Gen người Việt, để hiểu về Người (cho phép tôi được gọi như thế), để giữ gìn cho Người luôn khỏe mạnh và trường tồn với thời gian còn biết bao nhiêu việc phải làm?!
Hà Nội, 11/4/2011