KGU News >>Tin tức
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 18 Tháng tư. 2011

Biết đi đâu về đâu?




Tác giả: ChauHM

Ở trường Dưỡng giáo số 5 - Long An, có gần 2000 cháu bé, trong lứa tuổi từ 10-12, đang học tập. Nhiệm vụ của nhà trường là giúp các cháu hoàn lương. Vì tuy nhỏ tuổi như vậy, nhưng việc xấu xa gì các cháu cũng đã làm: trộm cắp, đĩ điếm, ma túy và cả giết người…

Hầu hết các cháu đều không biết chữ và man dại. Gia đình đã vứt các cháu ra đường từ lâu. Làng xóm cũng “quan tâm” đến các cháu như cách người ta thường quan tâm đến những con chó hoang. Các cháu lang thang, phạm tội rồi vào tù.

Gọi là trường Giáo dưỡng vì các cháu còn quá nhỏ chưa đủ tuổi để đưa vào các trường cải tạo, nhưng tôi biết đây là một nhà tù đúng nghĩa, dù các phạm nhân chỉ là những đứa trẻ chưa ý thức được hành vi của mình.

Tôi tin là các đồng chí quản giáo cũng rất yêu thương các cháu và sẽ dạy cho các cháu nhiều điều bổ ích trong thời gian ở trường, nhưng cái tôi quan tâm lại là: ra trường các cháu đi đâu về đâu?

Không còn gia đình, chúng về đâu? Những đứa trẻ tật nguyền hoặc thiểu năng trí tuệ vẫn còn may mắn hơn vì nếu không có bố mẹ, họ hàng bà con cô bác cũng sẵn lòng cưu mang. Nhưng rất ít gia đình dám nhận nuôi một đứa trẻ vừa ở tù ra.

Trường nào sẽ nhận các cháu vào học? Tôi nhớ, khi con gái tôi học lớp 6, có một bạn trong lớp bị dính ma túy. Thế là hầu hết phụ huynh đã kiến nghị nhà trường đuổi học sinh cá biệt này vì họ sợ nó sẽ rủ rê con mình vào con đường nghiện hút.

Cơ quan nào sẽ nhận các cháu vào làm việc? Chị Lê Thị Thu – nguyên Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ Phụ nữ Gia đình và Trẻ em, có nói với tôi: “Doanh nghiệp nào cũng nói giống nhau: ủng hộ tiền thì được, nhưng bố trí công việc thì không thể”!

Trong trường Giáo dưỡng, các cháu được học chữ, học nghề. Các quản giáo cũng dạy cho các cháu nhiều điều hay lẽ phải những mong các cháu sớm hòa nhập lại với cộng đồng. Rất nhiều cháu đã hối hận về tội lỗi của mình và thực sự mong muốn hoàn lương.

Nhưng ai cho chúng hoàn lương? Những đứa trẻ ra tù, không một nơi tiếp nhận, sẽ tiếp tục lang thang trên đường phố, vô nghề nghiệp, vô gia cư. Không có tình thương và sự bao dung của người lớn, sớm muộn chúng cũng quay lại cái nơi mà chúng vừa bước ra: nhà tù. Dù mới mười mấy tuổi đầu, nhưng các cháu thực sự không có tương lai.

Định kiến của nhiều người lớn chúng ta thật nặng nề và độc ác.

Đến thăm trường Giáo dưỡng mấy lần, tôi đều gặp một cụ bà ngoài 90 tuổi. Cụ thường xuyên đến thăm các cháu, dạy các cháu học vẽ, để sau này các cháu có thể theo nghề thủ công sơn mài. Nhìn ánh mắt đôn hậu của cụ bà, tôi hiểu rằng, chỉ có tình thương, lòng nhân ái của người lớn mới có thể giúp các cháu hoàn lương.

 


Người post: ChauHM

Ngày đăng: 18-04-2011 14:02






Xem 1 - 8 của tổng số 8 Comments

Từ: VinhDT
13/05/2011 23:27:36

Châu bao giờ cũng đưa ra những vấn đề rất  hay và nan giải. Nếu có một doanh nghiệp có thể tạo việc làm cho các cháu được thì tốt quá. Những doanh nghiệp kiểu này có tên là doanh nghiệp xã hội, vừa làm kinh doanh và thực hiện công bằng xã hội. Tôi có thể giới thiệu một cơ sở dạy nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ từ cây dừa (thân cây, gáo dừa) của người khuyết tật để học cách họ hòa nhập vào cuộc sống thế nào. Mong những ý định tốt đẹp sẽ thành hiện thực. 



Từ: NhuanNT
21/04/2011 19:18:56

Tôi rất cảm phục suy nghĩ và việc làm của mọi người.


Một việc tôi thấy mình cũng cần làm là bằng cách nào đó tuyên truyền, động viên mọi người bỏ định kiến để chấp nhận các cháu trở lại.


Bên này đang có chương trình TV 'conviction kitchen'. đó là chương trình live TV nói về một nhóm người trẻ tuổi đã bị kết án, đã hết hạn tù, được đưa vào tập sự ờ một nhà hàng. Trong quảng cáo mở đầu các tập sự viên hỏi khán giả" liểu ông/ bà có chẫp nhận chúng tôi là người phục vụ bàn/ nấu món ăn cho bữa tiệc của quí vị?". Cũng chỉ có 12 người đã phạm pháp được chọn cho chương trình truyền hình (5 buổi/tuấn vàkéo dài trong 6 tuần ), và cũng chỉ có họ mới được tạo cơ hội hiếm có này để có công ăn việc làm ổn định, nhưng ý nghĩa của nó thì lớn hơn nhiều vì còn bao nhiêu là người như thế ngoài xả hội mà ta phải giúp họ, ít nhất là chấp nhận họ như một người bình thường. Cho nên, mình cũng nên có nhưng chương trình truyền hình kiều như tọa đàm hay phỏng vấn hay chương trình thời sự đề đưa vấn đề ra công chúng, giúp công chúng hiểu rõ hơn.


Tôi có một ít kinh nghiệm trong việc tổ chức/chuyên môn chăm sóc người già/ bệnh/người tàn tật tại nhà hay bệnh viện. Nếu có ai đó đứng ra tổ chức lớp/mở công ty (agency) cung cấp người chăm sóc thì tôi có thể đóng góp được chút ít công sức. Tôi cũng đang đi làm , tuy không nhiều nhưng trở về hoàn toàn 100% thời gian ở VN thì chắc là khó.


Rất hy vọng được đóng góp chút công sức nhỏ mọn của tôi cho các cháu.



Từ: ThongNV
20/04/2011 22:55:25

Tôi thấy đối với các em Nam thì dạy cho các em nghề sửa chữa xe máy, điện dân dụng và điện nước là tốt nhất. Vốn đầu tư không nhiều, khi ra trường các em có thể tự lập được với một số vốn nhất định. Đối với các em Nữ thì dạy nấu ăn, chăm sóc người ốm và người già cô đơn. Những công việc này hiện nay xã hội rất cần và thuê giáo viên cũng không khó. Tuy nhiên phải nhờ các chuyên gia để bố trí việc học cho các em phù hợp thì khi ra trường mới kiếm được việc làm.



Từ: LinhND
20/04/2011 17:38:43

Nếu ý tưởng của Châu và Lý thành hiện thực, chị Linh xin góp công sức như dạy tiếng Anh chẳng hạn.



Từ: ChauHM
20/04/2011 09:28:00

Chào chị Lý,


Châu cũng có nghĩ đến chuyện phải làm gì đó để giúp các cháu có công ăn việc làm sau khi ra khỏi trường Giáo dưỡng. Nghề thủ công đơn giản là phù hợp nhất vì các cháu chỉ có thể là lao động phổ thông. Nhưng cái khó là, ngoài nghề máy tính, Châu không biết các nghề khác.


Có dịp, Châu sẵn sàng gặp chị Lý để nói chuyện sâu hơn về giải pháp. Ý tưởng của Châu là: mình làm được đến đâu thì cố đến đó, đồng thời vận động nhiều người khác cùng làm.



Từ: LyTM
19/04/2011 08:31:22

Mình đã 2 lần vào trường Giáo dưỡng Đồng nai để tâm sự, hỏi về nguyện vọng của các cháu và chí ít cũng là biết một chút về trường và xem có cách gì để giúp các cháu không. Trung tâm TGPL Tp HCM sau đó có liên hệ xin việc được cho một số cháu, nhưng cũng chưa đến được 10 cháu có may mắn đó.


Châu nghĩ sao nếu có thể mở một doanh nghiệp, để tạo công ăn việc làm, lựa chọn một số cháu lớn có điều kiện quản các cháu khác. Nhưng mở doanh nghiệp thì xin thuê đất khó hơn, nếu mở trường dạy nghề thì xin đất dễ và có thể có điều kiện sản xuất ngay ở trên đất đó. Vấn đề là chọn ngành nghề gì mà cần ít vốn nhưng có được đầu ra, thủ công thì không cần nhiều vốn ban đầu, như thêu, đánh bóng hàng gia công, sơn mài hay đan thủ công hàng mây tre...lo tìm người quản lý, còn người đứng ra lo các thủ tục có thể nhờ được. Nhiều ACE của Người KGU đã nghỉ chế độ có thể hỗ trợ đấy. Nếu Châu đứng ra sẽ có nhiều người có thêm các sáng kiến, dù bước đầu có khó khăn, tạo dựng cho mấy chục cháu trước rồi lo dần... Sau này chính các cháu này, những đứa trẻ không nhà, không tình thương và đã qua đói rách, nhục nhã, nhọc nhằn sẽ làm nên và đóng góp nhiều hơn vì chúng nó đã trải qua những cảnh tủi hờn để lớn mà. Có thể trong hàng ngàn cháu đang ở vào tình trạng vô gia cư sau Giáo dưỡng cũng sẽ có đứa phải vào lại nhà tù nhưng mình tin đa phần nếu được cưu mang với tình thương và đồng cảm có thể các cháu sẽ không làm mất lòng tin nữa đâu. Nếu Châu có suy nghĩ về vấn đề này thì thông báo nhá. Mình biết là rất khó và quá phức tạp nhưng vẫn viết cầu may.



Từ: HaiNV
18/04/2011 20:26:32

Bài viết của Châu nêu một vấn đề rất nan giải của cả xã hội về số trẻ vị thành niên phạm tội hoặc dính vào các tệ nạn xã hội. Con số này không nhỏ trở thành một gánh nặng rất lớn của xã hội, nhưng việc cải tạo giáo dục để các cháu hoàn lương là một việc không thể không làm. Đi đâu về đâu? theo tôi câu trả lời không nhất thiết phải về với gia đình (vì có nhiều em mồ côi, không còn gia đình, hoặc đã bị thất lạc gia đình, bị bỏ rơi...). Câu trả lời chỉ có thể là: trả các cháu về với xã hội, hòa nhập với cộng đồng. Muốn vậy, ngoài việc cải tạo, giáo dục, học văn hóa, phải dạy nghề cho các cháu, dù khó khăn tốn kém cũng cần phải kiên trì, kéo dài thời gian dạy dỗ, chăm sóc, yêu thương các cháu. Nếu bây giờ các cháu mới lên 10 - 12 tuổi thì phải cố gắng mất từ 6 - 8 năm, cho đến khi các cháu đến tuổi công dân (18 tuổi). Lúc này cần hướng dẫn các cháu tìm công ăn việc làm, sống tự lập, có thể tự xây dựng gia đình và từng bước hòa nhập với công đồng. Ngoài ra, cũng cần có biện pháp tiếp tục quản lý, giáo dục, giúp đỡ thông qua các cơ quan quản lý, chính quyền, đoàn thể...Hiển nhiên, khi đã trở thành công dân thì các cháu phải tuân thủ luật pháp bình đẳng như mọi người. Lại hỏi kinh phí đâu ra để làm? Lại phải Nhà nước và Nhân dân cùng làm thôi: ngoài kinh phí Nhà nước có thể bỏ ra, cần thông qua các chương trình tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, các tổ chức nhân đạo quốc tế, các nhà hảo tâm...  



Từ: ThongNV
18/04/2011 15:01:55

Tôi đã nhiều năm tham gia dư án cùng với Unicef để giảng dạy cho các Thẩm phán về quyền trẻ em, đã đi đến tất cả các Trường giáo dưỡng của cả nước ta, đã tâm sự với nhiều em và cũng có một trăn trở như Châu là bằng cách nào đây để các em hoàn lương.




Để hoàn lương trước tiên phải được sự quan tâm của xã hội, của cộng đồng đối với các em. Cốt lõi của vấn đề là giải quyết sự kỳ thị của xấ hội đối với các em và cho các em một việc làm để có cơm ăn, áo mặc.


Vấn đề trẻ em hư nước nào cũng gặp phải, nhưng việc giải quyết hoàn lương cho các em được giải quyết khác nhau. Ở Thailan, nhà vua lấy tiền từ việc kinh doanh của Hoàng gia hỗ trợ cho các trường giáo dưỡng của chính phủ dạy nghề cho các em đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội, khi hết hạn tại trường giáo dưỡng các em về lao động tại các xí nghiệp của Hoàng Gia. Các em trở thành người lao động lương thiện thì các xí nghiệp khác (ngoài hệ thồng Hoàng gia) có trách tuyển dụng vào làm việc tại xí nghiệp, công ty mình.


Ở Philipins và một số nước khác cũng có phương thức hoàn lương tương tự.




Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s