Năm tháng sinh viên 1
Tác giả: Tự sướng đào ngũ
Năm tháng sinh viên
Thời sinh viên là tươi đẹp nhất, vô tư hồn nhiên nhất, nhiều mơ ước nhất. Bao nhiêu năm qua rồi, nhưng tôi vẫn có một mong ước viển vông là được quay về những tháng năm ấy.
Ngày 7/11/2009 tôi lái chiếc xe của mình chạy trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài mà lòng vội vã sốt ruột. Đi qua cầu Thăng Long mất đến gần 40 phút, xe nhích từng mét một. Tôi đang vội đi đón bạn cùng học đại học, Nguyễn Đình Phư và vợ bay từ Tp HCM ra lúc 9h sáng. Tôi đi từ nhà không muộn, nhưng không tính đến chiếc cầu (vốn do Liên Xô giúp đỡ xây dựng trong những năm 1980) đang bị sửa chữa bề mặt, nên chỉ đi được có một nửa cầu. Nhưng may làm sao, khi đến sân bay thì cũng là lúc Phư và vợ vừa ra.
Buổi trưa đó chúng tôi có buổi họp mặt đặc biệt của các sinh viên khoa Toán và khoa Lý nhân dịp 30 năm tốt nghiệp trường Tổng hợp Кишинёв, КГУ. Tôi đã chọn nhà hàng Minutka gần nhà tôi với những món ăn Nga truyền thống. Với mỗi chúng tôi, những người đã đã từng học tập ở Liên Xô, ngày 7/11 là một ngày đặc biệt. Nó gắn với một sự kiện lớn lao của dân tộc Nga mà đến nay vẫn còn những tranh cãi. Nhưng sự kiện đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến chúng tôi, những học sinh được gửi sang Liên Xô và Đông Âu đào tạo trong ba thập kỷ, những năm 1960-1980. Hồi còn học ở Liên Xô, vào ngày 7/11 này, dù bạn có ở Matxkova, Leningrad, Taskent hay Minsk,.. bạn đều tham gia cùng sinh viên xô viết, tay trong tay với cờ, hoa diễu hành qua quảng trường thành phố kỷ niệm Cách mạng tháng 10 trong cái rét vốn không dễ chịu với ngưới xứ nhiệt đới. Cho nên chúng tôi cũng chọn ngày 7/11 năm nay làm ngày chúng tôi họp mặt. Có chăng ngày này ở Việt Nam lại là một ngày cuối thu nắng đẹp của Hà Nội.
Lớp Toán 1979 từ trái sang: Dũng, Phú, Sơn, Ngọc, Phư
Lớp tôi đủ năm người, tôi, Sơn, Phú, Dũng và Phư. Lớp Lý chỉ có Hùng, còn Hòa thì từ hồi tốt nghiệp chúng tôi không giữ được liên lạc. Nếu lớp Toán đầy đủ các phu nhân thì Hùng đi cùng con gái, mà vợ Hùng cũng là dân Кишинёв đấy chứ? Khách mời có anh Hoài (Lý 1976), hội trưởng Toán Lý và giáo sư Báu (Lý 1978), vốn có nhiều quan hệ với khóa 1979 chúng tôi.
Mới thế mà đã 30 năm rồi từ ngày chúng tôi tốt nghiệp đại học, và cũng là 36 năm tôi rời ghế trường phổ thông Chu Văn An yêu quý của tôi.
Năm dự bị tại Việt Nam
Sau khi tốt nghiệp lớp 10 (tương đương hệ 12 năm như bây giờ), ngày 28/11/1973 tôi được gọi lên trường ĐHKT Quân Sự ở Vĩnh Phúc để học tiếng Nga. Năm lớp 10, năm cuối phổ thông với tôi là một năm học đặc biệt, kết thúc muộn vì học kỳ 1 học rất ít mà chủ yếu chạy sơ tán tránh máy bay Mỹ, trong đó có trận bom B52 lịch sử 12 ngày cuối năm 1972. Hè năm lớp 9 có mấy anh sỹ quan quân đội đến tận nhà mời tôi vào bộ đội với rất nhiều hứa hẹn cho tương lai. Không hiểu sao, hồi đó tôi đã có đôi chút ngần ngại và không gật đầu. Cho nên khi lên Vĩnh Phúc tôi thuộc trung đội (B2) dân sự mà Bộ Đại học gửi. Còn lại là các trung đội quân sự. Cả đại đội C186 khi đó miệt mài học tiếng Nga và Toán trong 6 tháng hoàn thành một khối lượng kiến thức không nhỏ để khi sang Liên Xô có thể vào học ngay năm thứ nhất đại học. Các năm trước các anh chị được học tiếng Nga ở bên Liên Xô.
Tôi cũng có thời mặc áo lính
Chúng tôi được học các thầy cô tốt nhất khi đó. Thậm chí tiếng Nga còn được các chuyên gia Liên Xô tham gia giảng dạy cùng một số thầy giáo đã từng sống ở Nga khi còn nhỏ. Chúng tôi được học Toán theo giáo trình rất hiện đại khi đó của Pháp, được tiếp xúc với những khái niệm trìu tượng hơn rất nhiều những gì được học ở phổ thông vốn khá cụ thể. Tôi bắt đầu thấy được vẻ đẹp của Toán học với những cấu trúc chặt chẽ và rõ ràng. Tết 1974 chúng tôi vẫn được về Hà Nội ăn Tết. Trong cái đêm giao thừa năm ấy, mấy học viên chúng tôi trong bộ đại cán vẫn lượn quanh Bờ Hồ như trước đây và cố tìm các chuyên gia Liên Xô cũng hòa đồng với người Hà Nội đêm giao thừa để luyện thêm mấy câu tiếng Nga.
Sáu tháng trôi qua nhanh chóng, chúng tôi, B2 dân sự được trả về trường ngoại ngữ học chính trị và chuẩn bị sang Liên Xô học tập. Chúng tôi vẫn giữ thói quen khi đi ăn cơm xếp hàng ra nhà ăn và ăn đũa hai đầu dưới sự quan sát ngạc nhiên của các bạn trường ngoại ngữ. Khi ấy chúng tôi vênh lắm vì sự kỷ luật đó.
Có một việc mà tôi đã không tự định đoạt được cho mình. Do có kết quả học Toán vào loại khá nên tôi được xếp học Toán lý thuyết, trong khi tôi đăng ký ngành "Kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân". Khi đó tôi thích môn Toán nhưng đã láng máng hiểu rằng Toán lý thuyết là xa vời các ngành khác, xa rời thực tế. Khi được phân công học Toán, tôi chán lắm. Có một bạn, tên là Thông, dân chuyên Toán Lam Sơn, Thanh Hóa rất thích học Toán lại được phân công học hóa dầu. Thế là hai thằng dắt nhau lên gặp tổ chức để xin đổi chỗ cho nhau. Mấy hôm sau tổ chức truyền đạt không chấp nhận mong muốn của chúng tôi. Sau này, đến năm 2003 tôi mới biết là tổ chức có tham khảo thầy dạy Toán của tôi và chính thầy đã không cho chúng tôi đổi vị trí.
Tạm xa Tổ quốc
Một chiều hè tháng 8/1974 chúng tôi tập trung ở ga Hàng Cỏ lên tầu liên vận để sang Trung Quốc trước khi đến Liên Xô. Tạm biệt Hà Nội, nơi tôi gắn tuổi thơ của mình. Lòng tôi vừa bồi hồi vì xa Hà Nội, vừa rộn ràng vì sắp được sang Liên Xô, thành trì của phe XHCN khi đó để bước vào giảng đường đại học với bao hồ hởi và ước mơ lãng mạn của tuổi thanh niên.
Tối hôm đó chúng tôi chuyển tầu ở biên giới Lạng Sơn. Hồi đó quan hệ Việt Trung đang rất tốt nên cảm giác qua biên giới rất nhẹ nhàng. Sang tầu Trung Quốc to hơn, chạy nhanh hơn, sự phục vụ cũng tốt hơn, chúng tôi ngắm nhìn cảnh quan tỉnh Quảng Tây vốn chẳng khác gì Việt Nam. Nhưng đó là nước khác rồi. Nhân viên phục vụ nói tiếng Việt khá sõi. Bữa cơm đầu tiên trên tàu Trung Quốc sao ngon thế. Cơm trắng và thơm, canh thì nóng và ngọt. Những năm tháng ấy chúng tối chỉ ăn gạo mậu dịch, hôi và đen. Chúng tôi ăn như thổi, nhưng bạn luôn tiếp cơm thêm khiến chúng tôi cảm nhận được sự khác biệt của nước đàn anh, đâu có biết được thực tế khi đó dân Trung Quốc cũng đang rất khó khăn do cách mạng văn hóa gây nên.
Bốn ngày trên tàu Trung Quốc là thời gian chúng tôi quan sát nước bạn, học nhiều câu tiếng Hoa, mà thầy giáo là một bạn trong trung đội B2 của tôi vốn học tiếng Trung Quốc ở phổ thông. Khi thấy sách báo Trung Quốc khi đó phê phán Tần Thủy Hoàng, kêu gọi đánh bọn Tần Thủy Hoàng ngày nay trong Đảng (của bạn), chúng tôi chẳng hiểu nổi tại sao lại có bọn Tần Thủy Hoàng trong Đảng. Sau này mới hiểu đó là những cuộc đấu tranh nội bộ khi đó của nước bạn, giai đoạn mà bè lũ bốn tên vẫn còn lộng hành. Tôi thấy biển Bột Hải khi đi qua Bắc Kinh một đoạn (chúng tôi đi vòng qua chứ không dừng ở Bắc Kinh). Đó là lần đầu tôi nhìn thấy biển, có màu xanh tím ngắt, nhưng là biển của nước khác, chứ không phải của nước Việt mình.
Người post: NgocBQ
Ngày đăng: 16-09-2010 16:04
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |