THỜI SƠ TÁN (2)
Tác giả: Tự sướng đào ngũ
Lớp 3
Khi tôi học lớp 2 thì mẹ tôi được làm Hiệu trưởng trường Albert Saraux, tên một ông toàn quyền Pháp hồi thuộc địa. Trường này dạy thêm tiếng Pháp nhiều cho học sinh. Trường nằm trên phố Hai Bà Trưng, nay là trường Phổ thông công nghiệp Hoàn Kiếm. Hết năm học trường này đóng cửa luôn, và không bao giờ mở lại. Dấu vết cuối cùng của Pháp ở miền Bắc đã không còn nữa.
Sang năm học mới mẹ tôi được điều về làm Hiệu trưởng trường cấp 2 Thượng Cát, huyện Từ Liêm, ngoại thành HN. Và tôi cùng theo mẹ sơ tán và học tại trường phổ thông cấp 1 Thượng Cát, năm học lớp 3. Cũng năm đó bố tôi được điều động lên công tác ở Yên Bái, tại Xí nghiệp Thủy sản nuôi cá Thác Bà
Ban đầu 2 mẹ con tôi ở nhờ nhà ông Hùng, thôn Thượng Cát, được 1 tháng rồi lại chuyển sang nhà bác Diện, thôn Đông Ba cùng xã. Việc chuyển nhà có lẽ là nhà bác Diện rộng hơn hẳn nhà ông Hùng. Bác Diện có chồng mất mấy năm rồi, chỉ có một anh con trai tên là Nho, học lớp 9, trên tôi 6 lớp. Nghe nói nhà bác Diện thuộc diện địa chủ, nhưng bác trai có tham gia cách mạng nên cũng thoát được vụ cải cách ruộng đất, nhà cửa không bị tịch thu. Nhà bác Diện là loại nhà điển hình của nông thôn Bắc bộ, có 3 gian hai trái, thuộc loại to trong thôn. Hai trái chính là 2 cái buồng, mà mẹ tôi ở một buồng, bác Diện ở một buồng. Tôi và anh Nho được ngủ ở 3 gian giữa, nơi có bàn thờ (phải chăng tôi và anh Nho là nam giới nên được ngủ ở gian giữa?). Tất cả cửa là cửa gỗ lim, có phần chân đế để khi ra vào phải nhấc chân. Nhà lợp ngói, loại ngói mũi cổ, trong khi đa phần các nhà khác trong thôn lợp rạ. Bác Diện có bếp lợp ngói, sân to được lát gạch, lại có bể nước mưa phải hơn chục khối. Lại còn vườn cây ăn quả, hình như trồng bưởi, và cả 1 cái ao cũng khá to. Phải nói thật, đúng là nhà địa chủ nên bác Diện mới có cơ ngơi như vậy. May cho bác ấy, sau cải cách ruộng đất vẫn còn cả cơ ngơi, phải chăng ở ngoại thành HN, người ta nhẹ tay hơn so với các tỉnh nông thôn khác?.
Hàng ngày tôi đi học ở trường cấp 1 bên thôn Thượng Cát. Thầy chủ nhiệm tên là Dư, có chân bị tật, nhưng thầy rất nhiệt tình với học sinh. Thầy dạy chúng tôi bài hát “Tiến về HN” của nhạc sỹ Văn Cao (hồi đó tôi chẳng biết ai là tác giả bài hát nổi tiếng này). Có lẽ nhà trường Thượng Cát thuộc về HN nên thầy dạy chúng tôi bài hát đó, bài hát đầu tiên mà tôi còn nhớ được là do thầy cô dạy, chứ hồi lớp 1, lớp 2 tôi chẳng còn nhớ được dạy bài gì. Tôi học vào loại giỏi nên thường hay được tuyên dương trong các giờ sinh hoạt đầu tuần của trường. Tuy nhiên tôi vẫn hay được giới thiệu là “Con trai chị Ái, hiệu trưởng trường cấp 2”. Biết đâu vì cái lý lịch đó mà tôi hay được tuyên dương cũng nên, dù rằng hồi đó con người VN còn trong sáng lắm, vô tư lắm, tất cả tập trung cho đánh Mỹ.
Cũng ở Thượng Cát tôi được biết thêm những sân kho HTX rộng lớn. Ngày mùa, sân kho tất bật, các bác nông dân chở lúa về đầy sân, máy tuốt lúa chạy rầm rầm, vì Thượng Cát là ngoại thành HN nên mới có điện chạy máy tuốt. Nhiều đống rơm to đùng được mọc lên và lũ trẻ chúng tôi được dịp lăn lộn, bay nhảy trên những đống rơm này, một cảm xúc thích thú mà chỉ ở nông thôn mới có. Cũng trên sân kho thôn Thượng Cát, tôi biết đến bóng giẻ, lũ học sinh rỗi thời gian rủ nhau đã bóng với chất liệu này (sau này tôi biết thêm bóng bưởi, trước khi biết đến bóng cao su, bóng da). Tôi đá cũng tạm được trong số bọn trẻ con, nhưng vẫn kém một anh năm trên hơn tôi 1 lớp, tên là Bằng. Anh này rê dắt điệu nghệ, qua vài bạn khác là chuyện thường. Cách đây 7-8 năm tôi thấy anh trên TV, với chức danh là TTK VFF, tôi vẫn nhận ra anh ta, dù rằng sau lớp 3 tôi không bao giờ gặp lại anh.
Thỉnh thoảng tôi được ăn cỗ cùng nhà bác chủ. Hôm đó khách khứa được mời đông, khi ăn mọi người hay ngồi bệt xuống chiếu (kiểu ngồi mà bây giờ tôi đầu hàng), tôi cũng được ngồi mâm trẻ con trong họ. Thức ăn tôi nhớ chủ yếu là thịt luộc, cùng nước luộc thêm tý hành lá mà hay được gọi là nước xuýt (có lẽ phiên âm từ nước súp từ tiếng Pháp) nhưng hồi đó có tý thịt là mắt sáng rực lên rồi dù rằng thịt luộc rất nhiều mỡ. Mâm người lớn mới có thêm món như món lòng luộc. Nhưng bao giờ tôi cũng được bác chủ để phần cho một đĩa khá ngon ăn vào buổi chiều tối (cỗ hay là ăn trưa), nói thực tôi được bác chủ rất cưng, mặc dù tôi là đưa trẻ nghịch ngợm. Lần đầu tiên tôi biết đến cỗ bàn ở nông thôn VN.
Tôi vẫn hay tắm dưới ao của nhà bác chủ. Rồi một hôm tôi thấy mình bơi được mà không bị chìm, chân không chạm vào đáy ao. Thế là tự dưng biết bơi, chẳng cần đến cho chuồn chuồn cắn rốn như lũ trẻ nông thôn vẫn tuyên truyền. Tôi còn được anh Nho con bác chủ cho xay lúa cùng, thậm chí nhiều khi để tôi xay một mình cho tôi được lên tay nghề, dù là chỉ một tý là tôi mệt. Sau khi bác chủ sàng hết trấu, tôi và anh Nho xuống bếp giã gạo. Hai anh em đứng cùng nhau dậm chân nhịp nhàng vào cái cần chày, đầu kia có cái chày nâng lên hạ xuống cái cối đá có chứa gạo. Sau một lúc, cũng khá lâu, gạo và cám được múc ra khỏi cối, bác chủ nhà lại sàng sẩy tiếp để gạo và cám riêng biệt ra. Hồi đó tôi rất hứng thú được cùng anh Nho và bác Diện làm cái việc chuyển hóa từ thóc ra gạo, trấu và cám. Xem ra tôi yêu lao động từ nhỏ.
Cũng ở Thượng Cát mà tôi biết đến sông Hồng nó to thế nào. Hồi nhỏ tôi từng được bố cho đi qua cầu Long Biên nên cũng đã biết con sông nó to ra sao. Nhưng ở Thượng Cát, tôi ngắm sông từ con đê (xã Thượng cát bám theo đê sông Hồng chừng gần 2km), mùa nước lũ thì nước vào sát chân đê, còn khi mùa cạn thì bà con nông dân trồng hoa màu ở bãi ngoài con đê. Đặc biệt tôi lần đầu được thưởng thức ánh trăng sáng vằng vặc cùng những cơn gió mát thổi từ sông vào là ở Thượng Cát. Tối 2/9/1965 tôi cùng bà con lên đê nhìn về HN để xem băn pháo hoa, dù nhìn rất xa, tầm thấp.
Có một chuyện mà hôi đó tôi khá tò mò theo dõi. Chẳng là nhà hàng xóm bác Diện cũng có 3 chị em nhà nọ sơ tán từ HN về. Chị lớn học lớp 7, tên là Thao, anh Nho học lớp 9, anh Nho thích chị này ra mặt, lân la làm quen, rồi hay kể chuyện với tôi về chị này. Tôi quá bé để hiểu được chuyện người lớn, chỉ hiểu là anh Nho thích chị Thao, còn chiều ngược lại thì không rõ. Tôi đôi khi làm nhiệm vụ trinh sát, sang nhà hàng xóm chơi rồi chạy về thông báo cho anh Nho là chị Thao có nhà hay không. Cuối năm học, không thấy anh Nho tâm sự gì nữa về chị Thao.
Cũng năm học này tôi bị ghẻ, mọi người thì gọi là ngã nước, mà chỉ bị ở tay, nốt sần đỏ ngứa rất khó chịu. Không biết tôi bị cái bệnh đó như thế nào, cứ như là tự nhiên bị, vì tôi ở nhà riêng, không ở trại trẻ để có thể lây bệnh. Bác chủ kiếm đâu về ít là đào, tôi bôi liên tục nước lá đào giã ra, rồi cũng khỏi. Ghẻ lở, rồi sau này hắc lào, tôi nếm đủ cả trong thời gian sơ tán.
Cuối cùng là những kỷ niệm các chuyến đi từ Thượng Cát về HN mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in. Thứ 7 học buổi sáng xong là tôi là được về HN thăm ông bà, các dì, các cậu tôi. Mẹ tôi ít về hơn tôi. Nếu mẹ tôi về HN thì mẹ đèo tôi bằng xe đạp. Mới 9 tuổi nhưng tôi tự đi bộ một mình 4 km để ra đến thị trấn Nhổn, nơi có bến xe khách về HN. Rồi tự mua vé, đến bến ở phố Hai Bà Trưng gần Bách hóa tổng hợp thì xuống về nhà ông bà ngoại của tôi ở số nhà 38A. Chiều hôm sau, chủ nhật, lại là hành trình ngược lại, tôi lên xe khách đi đến Nhổn, rồi lại đi bộ một mình 4 km về nhà bác Diện. Đa phần tôi đi tắt qua những cánh đồng nhiều km để cho ngắn đường hơn, đi một mình, không có ai đi kèm. Có hôm không rõ vì lý do nào đó mà không có xe khách về HN, tôi và các bạn hành khách, đa phần là thanh thiếu niên, đã đi bộ từ Nhổn về Cầu Giấy, 7 km (như vậy tổng cộng tôi đi bộ 11 km), rồi đi tầu điện về nội thành. Khi đó tôi mới 10 tuổi. Còn bây giờ, nhiều học sinh cấp 3 lớn tướng vẫn được bố mẹ đưa đi học. Đúng là thời thế tạo anh hùng.
Lớp 4, lớp 5
Tôi học hết lớp 3 và rời Thượng Cát về HN, chuẩn bị cho năm học mới theo mẹ tôi sơ tán về nơi mới, trên Hà Bắc. Chẳng là hết năm học 1965-1966, mẹ tôi được cử đi học tại trường Đại học Chính trị BGD, khóa học 2 năm 1966-1968. Hôm chia tay với bác chủ nhà, bác Diện, bác ấy mắt đỏ hoe cầm tay tôi. Tôi là con trai nên chưa đến mức khóc, nhưng tôi cảm nhận được sự yêu thương to lớn bác Diện đã dành cho tôi trong gần một năm. Sau này tôi không gặp lại bác nữa, bác ấy mất vào giữa những năm 1970, khi tôi đang học ở Liên Xô.
Hè năm 1966 Mỹ bắt đầu đánh phá HN. Trong thời gian ở HN này, tôi bắt đầu quen với đài báo của thành phố: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách HN 100 km về hướng Đông Nam. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu, đồng bào sẵn sàng xuống hầm trú ẩn”. Một ít giây sau sẽ là cách 50 km, rồi còi báo động từ Nhà hát lớn thành phố rú lên, mọi người chạy xuống hầm trú ẩn. Sau đó là tiếng đạn pháo cao xạ nổ bùm bụp trên trời. Lần rõ nhất là kho xăng Đức Giang bị ném bom, khói xăng cháy đen bốc cao lên trời, ở trong nội thành cũng nhìn thấy.
Ngày 20/7/1966 (hồi ấy ngày 20/7, ngày ký Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh của Pháp trên toàn cõi Đông Dương, được lấy làm ngày thống nhất đất nước), Bác Hồ kêu gọi toàn dân đánh Mỹ. Các loa phát thanh của HN phát to vang những câu nói bất hủ của Bác: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. HN, HP và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân VN quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Tôi đã nghe và thuộc những câu nói này vào dịp hè năm 1966 khi còn ở HN, trước khi lên Hà Bắc sơ tán.
Để đến chỗ sơ tán, tôi và mẹ đi tầu hỏa đến ga Sen Hồ, gần thị xã Bắc Giang, rồi đi xe đạp chừng 20km nữa thì đến chỗ sơ tán, thôn Đồng Trống, xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc. Mẹ tôi đạp xe với đồ đạc lỉnh kỉnh, còn tôi được một bác xe đạp chở thuê đến tận Đồng Trống (ngôn từ bây giờ là xe đạp ôm). Chúng tôi ở tập thể, trong ngôi nhà mà nhà trường mua lại của dân địa phương, mỗi học viên có con, như mẹ con tôi, được 1 buồng nhỏ riêng biệt. Gọi là nhà nhưng tường là vách tre đan, rồi trát bùn trộn rơm lên, rất sơ sài, hở nhiều nên mùa đông gió vẫn lùa và rất rét. Có 3 nhà quây 1 cái sân ở giữa, sân này có giao thông hào để tránh bom, nhưng suốt 2 năm tôi chẳng bao giờ nhảy xuống giao thông hào này. Chẳng là nơi tôi sơ tán khi đó, thỉnh thoảng có máy bay (cả ta và Mỹ) bay qua thôi, chứ không có ném bom.
Hồi ấy chúng tôi ăn cơm tập thể, cứ bốn người chung nhau một xuất cơm gồm một soong cơm nhỏ, một bát nước canh (thường là rau cải hay rau muống) và một đĩa xào (thường là xu hào). Thịt hay đậu phụ là rất hiếm. Tôi cũng được hưởng một xuất cơm như các học viên, dù tiêu chuẩn gạo của tôi ít hơn của người lớn. Đặc biệt do nấu cơm bằng chảo gang nên cháy rất dầy, mỗi soong cơm thường được chia thêm một miếng cháy bằng bàn tay. Với tôi miếng cháy này cực ngon. Tôi thường đến nhà ăn sớm, vào bếp nấu cơm, xin các cô cấp dưỡng ít cháy ăn trước. Tôi luôn được các cô chu cấp thêm khoản này. Đến bây giờ tôi vẫn thích ăn cháy, hoặc ăn cơm niêu cháy đập bỏ cả cái nồi đất đi, sau chấm mới nước mắm ngon. Có thể là thói quen hình thành từ hồi sơ tán ở Đồng Trống. Cũng chính thời sơ tán đã cho tôi thích ăn ngô khoai sắn đến tận bây giờ.
Thời kỳ đầu ăn cơm độn ngô, rồi sau chuyển sang bột mỳ, chắc là do Liên Xô viện trợ. Tôi còn nhớ có 3 kiểu chế biến bột mỳ. Kiểu thứ nhất là nhào bột, rồi cán mỏng, thái sợi, sau đó cho vào nồi canh đun sôi ăn. Sợi to gần bằng cái đũa và bở chứ không dai như mỳ sợi bây giờ. Kiểu thứ 2 là nhào bột thành viên to bằng nắm tay trẻ em, rồi luộc lên ăn với thức ăn. Kiểu này rất khó ăn và thường được gắn với câu “Ném chó chó chết”. Kiểu thứ 3 là làm bánh bao. Bột mỳ được nhào lên, rồi phơi nắng để hơi chua, khi hấp sẽ nở hơn kiểu thứ 2. Hồi ấy làm gì có bột nở như bây giờ, nên phải dùng ánh sáng mặt trời để làm thành bột có thể nở được, nên món này chỉ có thể làm được vào ngày hè nắng. Nhân thì thường là su hào xào. Làm kiểu thủ công không bột nở này, chất lượng không ổn định, hôm thì bột bị chua quá, thành bánh bao chua, hôm thì ít nắng quá, bánh bao cứng. Nhưng dù kiểu chất lượng gì thì tôi và các cô chú học viên cũng ăn sạch suất được chia.
Lũy tre làng
Dạo lớp 4, có lần mẹ tôi và các cô chú đi thực tập một tháng ở trường cấp 3 nào đó, cách xa Đồng Trống, nên tôi phải ở một mình trong tháng đó, chỉ có chủ nhật mẹ tôi về thăm tôi. Tôi phải ở một mình, nấu ăn một mình, ngủ một mình. Khi đi ngủ tôi cài cửa xong thì để 1 cái ghế chèn cửa, trên ghế để mấy cái thìa nhôm, dưới chân ghế để cái chậu sắt tráng men rửa mặt. Như vậy kẻ trộm mà đẩy cửa vào thì thìa nhôm rơi xuống chậu sắt, sẽ kêu leng leng to, đủ cho thằng trộm nó sợ. Một cậu bé 11 tuổi như tôi phải ở một mình nên tôi mới nghĩ ra cái cách phòng thủ như vậy, có hiểu đâu rằng kẻ trộm có đột nhập vào phòng tôi thì nó cũng chẳng có gì lấy mang đi được. Cả tháng đó tôi nấu cơm một mình, ăn một mình. Tôi bắt trước các cô cấp dưỡng cũng làm bánh bao nhân trứng vào cuối tháng, khi tôi bắt đầu ăn đến mấy quả trứng được mẹ tôi mua cho ăn trong cái tháng đó (khi kết thúc đợt thực tập, mẹ tôi về mà tôi vẫn còn trứng, rất dè xẻn tiết kiệm loại thức ăn cao cấp này). Xem ra ngay từ bé tôi đã biết căn cơ tiết kiệm.
Cũng tại Đồng Trống mà tôi biết mò cua, bắt cá, mót khoai sắn như bao trẻ địa phương. Tôi hay bắt cua vào màu hè, trời nắng bọn cua chui vào hang đất của bờ ruộng tránh nắng, mình chỉ thò tay vào hang lôi chúng ra cho vào cái chậu men (chứ không phải cái giỏ cua như trẻ em nông thôn), thành chậu trơn cua không bò ra ngoài được. Có biết bắt cua mới hiểu được câu “Đếm cua trong lỗ”. Tôi bắt được chừng 40, 50 con thì về đưa cho mẹ tôi nấu canh. Tôi cũng hay phụ mẹ tôi làm cua, bóc yếm, xé thịt, khều gạch, giã lọc thịt cua khá thành thạo. Có lần tôi thò tay vào hang đất thì túm được con rắn nước. Tôi quăng nó ra giữa ruộng, rồi ngồi thừ người trên bờ ruộng mấy phút rồi đi về nhà, tay tôi khi đó không dám thò vào bất cứ hang nào. Tôi còn hay bắt chẫu chuộc ở bờ ao, rồi tự làm thịt (giống như làm thịt ếch), góp phần tăng chất đạm cho 2 mẹ con tôi.
Lên đến lớp 5 tôi còn tự tay làm thịt gà, khi mẹ tôi mua gà của bà con trong thôn khi cần bồi dưỡng tăng cường chất đạm cho chúng tôi. Các cô chú người lớn khi đó khen tôi hết lời. Tôi cứ quan sát người lớn (các cô cấp dưỡng) làm sao thì tôi cũng làm như thế, ăn nhau ở cái dám làm.
Tôi còn được cưỡi trâu, chạy băng băng trên đồng. Nếu thích nó chạy nhanh thì vỗ mông nó thật mạnh, nó lại phi nhanh hơn. Cũng có lần ngã oạch 1 cái từ lưng trâu, nhưng trên đồng nên trẳng sao cả. Tôi còn tham gia nhổ mạ cũng bà con, khoản cấy lúa thì không được tham gia, việc này của riêng các cô, các chị, giống như việc cày, bừa là của nam giới.
Mẹ tôi và các cô chú học viên phải trồng rau nộp cho nhà bếp, mỗi người mấy kg/tháng gì đó. Đất thì mượn của dân, những mảnh đất đầu thừa đuôi thẹo mà dân địa phương không sử dụng đến. Món trồng rau thì tối ít tham gia, tôi chỉ thích kiểu mò cua bắt ốc. Nhưng các cô chú học viên cũng có trò đi bắt trai, bắt trùng trục ở dưới suối cách Đồng Trống khoảng gần 1 km. Các cô còn hay hài ước nói “Các chị ơi, chúng ta đi mò trai đi”. Những hôm đó đương nhiên chúng tôi sẽ được bữa cháo trùng trục ngon lành.
Nói đến thực phẩm khi đó phải nhắc đến câu chuyện mà cả đời tôi không quên được. Chẳng là các chú học viên có nuôi một con chó vào đầu năm học. Ở nông thôn nuôi chó là rất bình thường, mua hoặc xin con chó con khoảng 2 tháng tuổi về nuôi. Con này được đặt tên là Jonson, tên của tổng thống Mỹ. Có lẽ trái với phong tục phương Tây, ở VN khi đó ghét tổng thống Mỹ lắm nên mới đặt tên như thế, ám chỉ, thằng Jonson, mày là con chó. Chúng tôi thường chỉ gọi ngắn gọn là “Jon, Jon”, nó lập tức ngoáy tít cái đuôi và xà đến tôi. Còn nhớ khi đó Trần Đăng Khoa làm thơ đã có câu “Ngu xuẩn nhất nhì, là Tổng thống Mỹ”, lớn lên mới biết là thơ tuyên truyền, chứ tổng thống Mỹ toàn người giỏi giang. Tôi rất quý con chó, và ngược lại, nó rất quấn quýt với tôi. Tôi rất hay cho nó ăn cơm, vuốt ve và bế nó. Mỗi khi tôi đi học về, nó nhìn thấy từ xa là phóng ngay ra bờ ruộng đển đón tôi, nhảy chồm lên ngực tôi, còn tôi thì hay bế nó về đến nhà. Đến hè năm lớp 4, các chú học viên bàn nhau thịt con Jonson tổng kết năm học, tôi nghe mà thấy chán quá. Đến hôm thịt chó, không hiểu sao nó hiểu câu chuyện mọi người bàn bạc chạy tít ra bờ ruộng, ai gọi cũng không về. Các chú yêu cầu tôi ra bế nó về. Tôi đành phải tuân lệnh, đi ra bờ ruộng vuốt ve bế nó về nhà, các chú liền trói nó lại làm thịt. Nó nhìn mọi người ứa nước mắt khóc như van xin. Đến khi nấu nướng thơm lừng, tôi quan sát đủ các khâu nấu nướng, nhất là khâu làm dồi tró, trộn đậu xanh và cả lá sắn non vào tiết để làm dồi (lúc này tôi chưa biết đến câu tục ngữ "Sống trên đời biết miềng dồi chó"). Đến khi ngồi vào mâm thì tôi cũng quên mất con Jonson, vì các chú nấu quá ngon, mà hồi đó trẻ em chúng tôi đói thịt, tôi ăn một trận no căng nhất cho đến khi đó, đứng dậy đi lại mỗi bước đi là đau bụng nên phải đi từ từ, khe khẽ.
Nói về chuyện học, trường ở xã Ngọc Vân không thể so được với Thượng Cát, dù sao Thượng Cát cũng là ngoại thành HN. Cơ sở vật chất nghèo nàn hơn, giáo viên cũng không được như ở HN. Chẳng hạn hồi lớp 5, cô giáo Toán giải bài tập bị sai, tôi giơ tay lên giải khác đi và ra kết quả (mặc dù có thể hồi đó tôi trẻ con nên chưa hành xử chuẩn mực theo phép lịch sự, sau 50 năm gặp các bạn học cũ, có bạn vẫn nhắc lại chuyện này). Hồi đó tuy không bị đánh phá, nhưng theo chủ trương chung, các lớp học đều phân tán vào các thôn. Chúng tôi được học ở một ngôi đình thôn bên cạnh, thỉnh thoảng mới tập trung cả trường. Tôi vẫn đi học cùng các bạn nam Đồng Trống, bạn Tỉnh, bạn Tình và bạn Thính, còn các nữ như bạn Tư, bạn Bình, bạn Hòa thì có hôm đi cũng có hôm không. Nhiều lần trên đường đi học về, có cả các bạn thôn khác hoặc lớp khác, cũng có những kẻ xông ra bắt nạt tôi, kẻ sơ tán ngoại lai so với các bạn địa phương, các bạn Đồng Trống, nhất là bạn Tình, luôn đứng ra bảo vệ tôi. Bạn Tình trông vậy nhưng vào loại “anh chị” trong đám học sinh, lớn tuổi hơn, nhiều khi hay thủ con dao nhọn bên người, nên đã lên tiếng là các kẻ khác phải tránh xa. Nếu không có Tình, tôi chắc chắn bị rắc rối.
Tôi là con trai duy nhất trong số học sinh HN sơ tán ở Đồng Trống khi đó. Ngoài ra còn có 3 bạn nữ, bạn Lan, con bác Tốn đánh máy, bạn Thủy con cô Liễu cấp dưỡng người Nam bộ và bạn An, theo bố sơ tán ở nông trường trong xã Ngọc Vân. Bạn An học giỏi văn, những môn khác cũng khá, còn Lan và Thủy học chỉ trung bình. Chúng tôi là dân sơ tán nên có chơi thân với nhau. Tuy nhiên khi thi lớp 4, bạn Thủy ngồi sau bàn của tôi không giải được bài toán nên đã hỏi tôi cách giải, tôi đã từ chối chỉ bảo. Hồi đó chúng tôi được giáo dục là không quay cóp bài của nhau, tôi thấm nhuần tinh thần đó, nên khi thi vẫn nghiêm túc thực hiện. Bạn Thủy có vẻ ấm ức, rồi về mách với mẹ bạn ấy, rồi mẹ tôi và các cô chú học viên cũng biết được việc. Đa số trách tôi không giúp đỡ bạn, số ít hơn thì đồng tình với cách làm của tôi. Tôi cũng chẳng biết đúng sai thế nào, cũng có chút ân hận đã không giúp bạn, nhưng thâm tâm vẫn nghĩ rằng mình đã làm điều đúng.
Cũng ở Đồng Trống lần đầu tôi chứng kiến cảnh phiên dịch giữa 2 người nói tiếng Việt. Chẳng là cô cấp dưỡng người Nghi Lộc, Nghệ An, truyền đạt cách nấu bếp bằng than cho cô cấp dưỡng người Nam bộ. Tất nhiên cô Nam bộ chẳng hiểu gì cả. Thế là 1 chú học viên gốc Nghệ An, chú Lưu, được mời ra làm phiên dịch cho 2 cô này. Chẳng gì chú Lưu cũng là giáo viên nên nói tiếng Nghệ An thì cô cấp dưỡng Nam bộ còn hiểu được
Đồng Trống là một thôn điển hình có các lũy tre xanh bao bọc các nhà dân, bao bọc xóm, thôn. So với những nơi sơ tán trước, Đồng Trống nhiều tre hơn hẳn. Khi đào hầm chữ A, mỗi học sinh phải góp 1 cây tre, dân sơ tán thì phải đi mua tre của dân để đóng góp. Hồi đó chúng tôi đã phải tự đào hầm, giao thông hào ở chỗ học. Có một lần cuốc đất, tôi đang cuốc thì bạn Tình lại cúi xuống xúc đất chỗ tôi đang cuốc, thế là tôi cuốc vào đầu Tình. May mà tôi có chùn tay lại được nên vết thương không nặng. Tình rất nhanh, cạo ngay ít vỏ tre non đắp vào vết thường để cầm máu. Có mấy thằng đểu thôn khác, chọc ngoáy bạn Tình là phải đánh tôi một trận vì cái tội cuốc vào đầu, nhưng Tình gạt ngay, nói rằng đấy là Ngọc lỡ tay và tại Tình lúi húi cúi xuống xúc đất. Mấy tên chọc ngoáy đành im re, dù sao Tình vẫn là “dân anh chị” trong đám học sinh.
Tình còn có tài bắt ếch, bắt rắn. Những hôm mưa rào, Tình luôn dùng đèn pin đi bắt đầy giỏ đựng ếch. Có hôm lảng vảng ở bụi tre gần nhà tôi ở, Tình chỉ 1 cái hang rồi nói, hang này nhất định có rắn. Tình lấy cái thuổng, đào theo đường đi của hang, rồi lấy cái nghéo ổi, sọc vào hang, lôi được con rắn ra, hình như rắn giáo, đập chết, đem vào nhà tôi thịt. Lần đầu tiên tôi được ăn thịt rắn.
Tết đầu tiên xa nhà là Tết Mậu Thân 1968. Tết 1967 tôi vẫn được về HN ăn Tết. Tết 1968 tôi không nhớ lý do gì nhưng tôi và mẹ tôi ở lại Bắc Giang, không về HN như Tết năm trước.
Năm đó ở miền Nam là một Tết vô cùng đặc biệt với phong trào Tổng tiến công và nổi dậy của cả miền Nam. Nhưng dường như cái không khí tổng tiến công ấy chẳng ảnh hưởng là bao đến cái làng nông thôn Bắc Giang khi đó. Có chăng loa đài hát nhiều bài giải phóng hơn, như “Tiến về Sài Gòn”. “Bão nổi lên rồi”,..
Thế là chẳng có nhiều phong bao mừng tuổi như ở HN, nơi tôi có nhiều người thân, các dì chú, ông bà, hàng xóm. Sau đó là hầu như không có pháo để đốt. Tôi được mấy cô cấp dưỡng cho ít pháo Bình Đà, đốt một tý là hết. Đêm giao thừa không nghe phảo nổ nhiều như ở HN. Làng quê Bắc Giang những năm chống Mỹ cái Tết cũng đơn sơ. Trẻ con nông thôn cũng khác với trẻ con HN. Chúng có áo mới rõ hơn trẻ con thành phố, dù sao trẻ con thành phố trong năm cũng còn được có áo mới. Chúng có mấy trò chơi dân gian như đánh khăng, ném còn. Tôi cũng tham gia cùng trẻ con trong làng. Chúng còn kéo nhau ra ruộng chơi trò vật nhau. Tôi cũng tham gia nhưng thường thua vì không có miếng đánh rõ ràng như trẻ nông thôn ở đó.
Cảnh ngày Tết làng quê Bắc Bộ
Mấy ngày Tết tôi cùng lũ bạn cùng lớp đến thăm nhà nhau. Đến đâu cũng được mời ăn cơm, mà món thịt đông là điển hình cùng bánh chưng được gói tròn như bánh tét miền Nam. Tôi không lý giải được vì sao ở nông thôn Bắc Giang (cho đến tận bây giờ) lại gói bánh chưng tròn chứ không vuông như các nơi khác. Và rồi bảnh tét trong Nam có liên hệ gì với bánh chưng tròn ở Bắc Giang? Một thứ bánh tôi cũng được thưởng thức nhiều khi đó là bánh gio. Tôi còn được xem từ khi người ta đốt cây gio, lấy tro lọc nước hòa bột gạo rồi gói thành bánh trước khi luộc.
Một cái Tết xa nhà, xa HN nhưng đã cho tôi thêm trải nghiệm về Tết ở nông thôn Bắc Bộ.
Hè năm 1968, hết lớp 5, tôi tạm biệt Đồng Trống vì mẹ tôi đã tốt nghiệp khóa học. Thời gian này tôi cũng lõm bõm nghe các cô chú học viên trao đổi về “Mâu thuẫn giai cấp”, “Phạm trù triết học”, những thứ mà tôi chẳng hiểu được. Một buổi chiều tôi chạy đến nhà các bạn học để chào chúng, hôm sau tôi phải về HN.
Tôi đâu biết rằng phải tận 50 năm sau tôi mới quay về thăm lại Đồng Trống và gặp lại lũ bạn xưa.
Người post: NgocBQ
Ngày đăng: 11-01-2018 23:11
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 6 của tổng số 6 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |