KGU News >>Người KGU
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 22 Tháng hai. 2014

MỐI TÌNH CHÔN CHẶT




Tác giả: CucNT

MỐI TÌNH CHÔN CHẶT


 Quê tôi không có châu thổ màu mỡ của các dòng sông, không có những cánh đồng lúa chín vàng ngút tầm mắt, những dòng sống tấp nập tàu  bè qua lại đầy cá tôm, những miệt vườn xanh bốn mùa trĩu nặng hoa trái, không có cảnh tượng hữu tình của  “ Núi đôi”,  không có bình nguyên xanh mơn mởn, chỉ có những cánh đồng  mùa hạ nắng khô nứt nẻ, mùa đông bùn ngập buốt chân. Nhưng cánh đồng ấy nuôi sống làng quê tôi, bao nam thanh, nữ tú cùng nhau cày cuốc trên nương tạo nên  hạt thóc,  hạt gạo nuôi sống con người. Ban ngày đi làm, ban đêm thanh niên quê tôi sinh hoạt văn nghệ rôm rả, tiếng hò tiếng hát cất lên âm vang tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước.

 

 

Tôi nhớ câu thơ của Vũ Cao:

“ Bảy năm về trước em mười bảy,

Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng”.

 Hình như đó là những câu thơ Vũ Cao viết về chị tôi và mối tình đầu của chị.

Năm 1978, các chị Quế, Lan, Hường đều đã lên đường nhập ngũ. Anh Lượng đã cưới chị Châu. Nhà còn tôi và chị Lý sớm hôm quây quần bên mẹ và chuyện gì cũng ríu rít kể cho nhau nghe. Về nhan sắc, tôi và chị Lý thua thiệt hơn các chị Thỏa,  Xin, Quế, Lan, Hường. Bù lại chị Lý thừa hưởng được ở mẹ giọng hát ngọt ngào, trầm lắng. Chị Lý đã trúng tuyển ở vòng sơ tuyển đoàn văn công Hà Tĩnh nhưng chị không đi thi tiếp nữa vì không muốn xa mẹ. Chị ở lại quê nhà làm ruộng và tham gia rất tích cực các phong trào trong làng xã. Trong làng có anh Quang rất đẹp trai, khỏe mạnh và thổi sáo rất hay. Anh chị học chung 1 lớp từ lớp 1 đến hết cấp 2,  Anh Quang nghỉ học ờ nhà làm ruộng còn chị Lý học tiếp cấp 3 bổ túc . Ngày đó, chúng tôi học ở trường 1 buổi sáng, buổi chiều về đi chăn trâu cắt cỏ và phụ giúp gia đình làm việc  nhà. Cứ tối thứ 7 là chúng tôi sinh hoạt Đội trong xóm trong suốt thời gian 9 tháng đi học. Ba tháng hè là niềm vui bất tận của lũ trẻ con vì hầu như chúng tôi hoàn toàn quên hết sách vỡ. Ban ngày thì cấy hái, những đứa đi chăn bò như tôi thì vừa chăn bò vừa tập đánh trận giả và đủ các trò vui nhộn của trẻ con. Ban đêm chúng tôi sinh hoạt văn nghệ . Chị Lý, anh Quang là những người đầu tàu gương mẫu về việc hướng dẫn, dạy dỗ các em niên thiếu sinh hoạt hè . Thanh thiếu niên ở các đội khác nhau tập múa hát và có sự kiện gì trọng đại hay nhân ngày lễ kỷ niệm nào đó thì chúng tôi biễu diễn văn nghệ để chào mừng.cuối tháng 8, trước ngày khai trường, các đôi thi hát múa, đội nào đoạt giải sẽ được ban chủ nhiệm hợp tác xã khen thưởng.  Những đêm biểu diễn văn nghệ thú vị làm sao. Đó là khi trong đêm thanh vắng, dưới ánh trăng vàng, tiếng thổi sáo réo rắt của anh Quang vang lên, tiếp theo là tiếng hát ngọt ngào của chị. Chúng tôi rất thích nghe chị hát bài : “Giận thì giận mà thương thì thương”. Rồi anh chị hò đối đáp nhau:

“Ơ hò! Thuyền than lại đậu bến than.

Thấy em vất vả cơ hàn anh thương!”

Chị Lý đáp lại “Ơ hò: thuyền  than  lại đậu bến than.

Thiếp không vất vả, con chàng ai nuôi”.

Cả hội vỗ tay reo vang  “Ơ  kìa, chưa yêu nhau mà đòi nuôi con chàng rồi”.

Lũ con nít chúng tôi náo nức xin gia đình cho vô Thị xã Hà Tĩnh xem đoàn Văn công Chuông vàng từ Hà Nội vào biển diễn. Ông Liệu ở gần nhà tôi bảo “Đi đâu xa cho mệt, cứ ở nhà nghe thằng Quang thổi sáo và con Lý hát rồi 2 đứa hò đối đáp nhau là hay như văn công biểu diễn rồi”.
Cuộc sống nghèo khó vất vả nhưng chị tôi rất vui, chị không còn chạnh lòng vì bạn bè lần lượt đi Tây Nguyên xây dựng vùng kinh tế mới còn chị vẫn cấy cày trên mấy sào ruộng ở quê nhà.  Đã qua những tháng ngày trên bom dưới đạn rồi dù vất vả đến đâu cũng không đau thương như những tháng năm chiến tranh khốc liệt nữa.  

Thế rồi giấy gọi anh Quang nhập ngũ. Trước ngày anh Quang cùng các thanh niên khác trong làng nhập ngũ, chúng tôi diễn văn nghệ tiễn các anh đi.  Đội thiếu niên tiền phong  chúng tôi múa và hát vang bài “ Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Chị Lý hát bài “ Hương thầm". Chưa bao giờ tôi nghe thấy chị hát hay đến thế. Tiếng chị vang lên ngọt ngào, tha thiết :

Đôi bạn ngày xưa học chung 1 lớp,

Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa”.

Ngày mai là anh Quang lên đường. Đêm đó, tôi đi trước 1 khoảng chờ chị, anh chị cứ đứng vậy, không nói lời nào. Cuối cùng, anh Quang cầm lấy tay chị “Chờ anh nhé! Anh sẽ về!” Chị rút tay lại rất nhanh và cầm lấy tay tôi chạy về. Đêm đó, bên tôi, chị cứ trở mình thao thức không ngũ. Năm đó chị tôi 17 tuổi.

Hôm sau, các anh ngồi trên xe, những người mẹ nâng vạt áo lau nước mắt bịn rịn chia tay con.Các nữ thanh niên cùng chị Lý ôm những bó hoa xoan tím ngát trao các anh với những lời từ biệt “Các anh đi mạnh giỏi nhé! “ Các em ở nhà xây dựng hậu phương vững chắc nhé!”

Xe chạy rồi, chị tôi còn đứng mãi và tôi thấy những giọt nước mặt lăn dài trên má chị.

Chị nhận thư anh “Chưa bao giờ anh đủ cam đảm gặp riêng em, nói với em 1 điều gì nhưng bây giờ thì anh phải nói: anh yêu em rất nhiều. Chờ anh nhé! Thực hiện xong nghĩa vụ quân sự anh sẽ về. Chúng ta sẽ cưới nhau, em sẽ hát ru con và anh sẽ thổi sáo cho chúng nghe..”. Những lá thư đều dặn đi về, anh kể cho chị nghe những tháng ngày huấn luyện, chị kể cho anh nghe những câu chuyện ở quê nhà.

Mấy tháng sau, thư anh viết: “Bọn anh đã huấn luyện xong, bây giờ  được bổ sung vào chiến trường Tây Nam.”. “Em ơi! Các anh đang đi làm nghĩa vụ quốc tế cao cả trên chiến trường Cam Phu Chia. Chiến tranh đã qua trên quê hương chúng ta nhưng ở nước bạn bọn Polpot đã tàn sát bao nhiêu dân lành, các anh đã chiến đấu và giành giật sự sống cho người dân Cam Phu Chia. Anh nhớ mẹ, nhớ em, nhớ gia đình, quê hương nhiều lắm nhưng nhìn những Thủ trưởng của mình, tóc trên đầu đã bạc, họ đã đi qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc nhưng vẫn chưa được sống những ngày bình yên bên vợ con mà vẫn ngày đêm cùng các anh hành quân chiến đấu nên anh tự dặn lòng mình không được yếu mềm…” Đồng đội của anh bảo anh hạnh phúc vì có em để mà nhớ nhung mà viết thư và đợi chờ thư em. Các bạn anh đều 18, 20 tuổi vừa học xong cấp 2, 3, chưa mấy đứa có bạn gái, bọn anh cùng đọc chung thư em để đỡ nhớ quê nhà.  Em biết đấy, mẹ anh không biết chữ, cứ mỗi lần nhận thư em kể rằng mẹ anh vẫn khỏe là anh mừng lắm. Mẹ đã trãi qua bao cơ cực nuôi anh lớn khôn dưới gầm trời bom gầm đạn rú. Anh là con trai đầu, vừa lớn đã lên đường nhập ngũ, chưa đỡ đần được gì cho mẹ, nghĩ lại những ngày nghịch ngợm để mẹ buồn, anh ân hận lắm, em hãy thay anh động viên an ủi mẹ nhé!”. … Quân đội Việt nam đã giúp bạn giãi phóng Nông Phênh, dân tộc Cam Phu Chia đã thoát  khỏi nạn diệt chủng, không lâu nữa đâu, anh sẽ về bên em. Đồng đội của anh cũng sẽ về xây dựng quê hương Việt Nam chúng ta giàu đẹp….”

Chị tôi tích cực tham gia phong trào thanh niên hơn bao giờ hết. Chị vận động thanh thiếu niên trong làng giúp đỡ các bà mẹ già đang có con đi lính. Bọn trẻ con chúng tôi lại được chị dạy cho hát, múa và hướng dẫn chúng tôi quyét dọn, giúp đỡ mọi gia đình. Các em nhỏ hình như ngoan hơn dưới sự dẫn dắt của chị.

Bẵng đi một thời gian không có thư anh, chị tôi thấp thỏm lo âu. Rồi 1 ngày, 1 chiếc phong bì với nét chữ lạ đến với chị. Tôi đi học về, không thấy chị đâu, chạy ra sau nhà, chị đang ngồi bên đống rơm nước mắt giàn dụa, tay nắm chặt lá thư. Tôi gỡ tay chị đọc những dòng chữ nhòe nhoẹt nước mắt “Lý ơi! Bọn anh cùng các đơn vị bộ đội Việt nam khác đã giãi phóng Nông Phênh nhưng bọn tàn quân Pol Pốt, Khơ Me Đỏ chạy về biên Giới Thái Lan và tập hợp quân đánh lại.  Đơn vị anh đuổi theo, chiến đấu ở miền rừng núi CPC sát Biên giới Thái Lan. Nơi đây địa hình hiểm trở, bọn Khơ Me Đỏ đánh trả dữ dội, Bộ đội ta chiến đấu rất anh dũng, nhiều chiến sỹ đã hy sinh trong đó có Quang của chúng ta. Trong ba lô của Quang còn lá thư viết dở cho em, anh mong em đừng quá đau buồn. Quang của chúng ta cũng như bao đồng đội khác đã cống hiến cuộc đời mình cho cho chính nghĩa, cho nghĩa vụ Quốc tế cao cả. Em hãy thay Quang chăm sóc mẹ già và hãy sống xứng đáng với Quang, 1 người lính chân thành, thủy chung, anh dũng…”. Lá thư viết dỡ của anh Quang “ Sao chưa bao giờ em viết cho anh là “Anh yêu dấu” mà lúc nào cũng “Anh quý mến”,viết cho anh nhé rằng em yêu anh dù anh biết không viết thì em vẫn yêu, vẫn chờ anh. Bạn bè bảo anh là đứa mộng mơ, anh chỉ thấy yêu  đời vì anh đang cùng đồng đội  thực hiện nghĩa vụ cao cả của mình, rằng các anh chiến đấu không vô nghĩa và anh đang cố gắng để xứng đáng với em, cô thôn nữ dịu hiền của quê hương. Anh chép cho em bài hát ”Tình thư của lính”

Em hát thật hay nhé, để lúc anh về, em hát cho anh nghe…”.

Tôi ôm lấy chị và cũng khóc nức nở. Tại sao lại thế chứ? Cả nhà tôi vẫn thường nói rằng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, hầu như ai trong nhà tôi cũng bị tổn thương riêng chị Lý thì đi qua 1 cách ngoạn mục . Vậy mà khi đất nước hòa bình rồi chị tôi lại phải chịu đựng nỗi đau quá lớn thế này chứ. Chị tôi nức lên “Sao chị không viết cho anh rằng chị yêu anh chứ”. “Anh Quang biết mà!”, tôi an ủi chị.

Mấy tháng sau thì Giấy báo tử về, Làng tôi làm lễ truy điệu cho anh. Mẹ anh Quang kêu khóc thảm thiết. “Con ơi! Bạn bè con lấy vợ sinh cháu nội cho ông bà rồi còn con thì sao không về với mẹ? Tại sao con lại hy sinh tận biên giới Thái Lan chứ. Nếu con hy sinh trên Tổ quốc Việt nam mình thì mẹ còn cơ hội tìm thấy hài cốt của con. Bây giờ thì mẹ làm sao hả con? Mẹ biết con nơi đâu mà đi thắp cho con nén nhang”.

Chị tôi trở nên lặng lẽ. Chị vẫn ngày ngày cày cuốc trên nương và tham gia các phong  trào thanh niên nhưng mọi người không còn nghe thấy tiếng hát của chị nữa.  Đêm đêm, tôi ngũ với chị và tôi chỉ biết ôm chặt lấy chị những khi nước mắt rơi  ướt gối. Chị tôi không dám khóc, sợ mẹ buồn. Chị nhận thêm vài thư nữa của anh Phú, anh hứa sau khi ra quân sẽ về thăm chị, thăm gia đình anh Quang, anh kể quê anh ở Hà Nam Ninh. Thế rồi không còn thư nữa và mãi mãi không thấy anh về. Có lẽ cũng như anh Quang, anh Phú đã vĩnh viễn nằm lại trên nước bạn. Tiếng đạn bom đã dứt trên làng quê tôi từ những năm 1973, giặc Mỹ đã cút khỏi Việt Nam, từ 30/4/1975 Miền Nam đã được giải phóng, đất nước thống nhất, cứ tưởng thanh niên trong làng tôi được ở tại quê nhà mà xây dựng gia đình sinh con đẻ cái tiếp diễn cuộc sống trong thanh  bình.

Thế rồi năm 1979, tổng động viên, thanh niên làng tôi lại nhập ngũ lên đường chiến đấu chống chiến tranh biên giới phía Bắc do bọn bành trướng Bắc Kinh xâm lược. Lễ tiễn đưa các chiến sỹ ra trận, trong đó có anh Thành, bạn cùng lớp với anh Quang và chị Lý được tổ chức chu đáo.  Chị tôi cất tiếng hát “Dấu 1 chùm hoa trong chiếc khăn tay, Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm, Bên ấy ngày mai có người ra trận “. Tiếng chị vang lên trong trẻo cao vút rồi đột ngột hạ xuống và không kìm nén được chị òa lên nức nở. Tôi biết chị đang hình dung năm trước khi chị hát bài này tiễn đưa anh Quang. Ban tổ chức lập tức đưa chị rời khỏi sân khấu và 1 bài hát hoành tráng khác được cất lên. Sau đêm đó, chị tôi bị khiển trách rằng không được xúc cảm riêng tư lấn át nhiệm vụ. Những lời ca tiếng hát cất lên phải mạnh mẽ, phải tạo nên trong lòng những người ra trận một niềm kiêu hãnh được đi chiến đấu bảo vệ non sông gấm vóc và niềm lạc quan chúng ta sẽ chiến thắng oai hùng.

Những lần tiễn quân sau đó chị tôi đã kìm nén lòng mình cất cao tiếng hát  Tiếng súng  đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Quân xâm lược bành trướng dã man đã giày xéo mảnh đất quê hương, lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dãi biên cương…Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa đang viết tiếp những bản hùng ca…” .

Chị nhận thư anh Thành “Bọn anh đang chiến đấu ở mặt trận phía Bắc, chống lại bọn bành trướng  Bắc Kinh xâm lược. Đồng đội anh ở khắp mọi miền Tổ quốc chung 1 chiến hào, tất cả đều chung một quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước”, không để 1 tấc đất của biên cương rơi vào tay quân thù. Phụ nữ các em hãy thay đàn ông các gánh vác mọi công việc nặng nhọc trong làng. Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng, anh sẽ về cùng dân làng xây dựng quê hương”. Thi thoảng chị trả lời thư anh nhưng viết với tư cách thay mặt thanh niên trong làng.

 Nỗi đau rồi cũng nguôi ngoai, chị tôi khe khẽ hát bài “Thư của lính" và hình dung anh Quang đã viết cho chị những là thư như thế trên đường hành quân.

:“ TÌNH THƯ CỦA LÍNH:

“Từ khi anh thôi học, và từ khi anh khoác áo chiến binh
Từ khi anh xa nhà, một ngàn đêm nhung nhớ giữa trời mây .
…Đồn anh bên sông cạn, và hoàng hôn ướt dẫm đáy sông thưa,
Nhiều tên trong dơn vị gọi đùa anh chiến sĩ của mộng mơ,
Thường khi hai ba thằng, chiều chiều ra bờ vắng ngắm mông lung.
Một thằng nhớ em, để một thằng nhớ thêm, một thằng thì lấy thư  xem.

Thư của lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em.
Thư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình.
Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngaỵ
Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây thương nhớ em thật đây.”

 Thanh niên trong làng đến tìm hiểu chị nhưng chị không nhận lời yêu ai. 

Tôi xa chị ra thành phố Vỉnh học ở trường năng khiếu chuyên văn chuyên toán Phan Bội Châu. Thầy giáo dạy cho tôi nhiều hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc. Tôi đọc thêm những bài thơ, bài văn viết về tình yêu quê hương đất nước.  Tôi đã đạt điểm tối đa khi phân tích bài thơ “Mừng bạn, mừng xuân” của Tố Hữu. Có lẽ tôi đã trút xuống trang giấy những cảm xúc của tôi hòa lẫn nỗi niềm của chị khi phân tích câu “Lụt Bắc lụt Nam, máu đầm biên giới. Tay chống trời, tay giữ nước căng gân”. Ôi! Có nơi đâu trên trái đất này, có dân tộc nào chịu nhiều khổ đau mất mát như dân tộc Việt Nam không ?:

…Ôi, ta yêu đến đau thương Tổ Quốc của mình!

Mỗi đất nước có một số phận riêng, một cuộc đời riêng, có phải?

Sau bao nhiêu năm, ta thèm sao một giấc ngủ lành

Những cánh tay thèm một mùa gieo vãi

Những hồn thơ mơ biết mấy công trình

Những đôi lứa thèm lượn, sli tình ái

Những thề nguyền đòi một ánh trăng thanh.

Hạnh phúc ra tro, đôi lứa tan tành!

Cái ta xây cất mười năm, chúng thiêu tàn một buổi

Tội ác ấy muôn đời không xóa nổi

Nhớ lấy tội chúng mày, lũ bành trướng Bắc Kinh!...

( Thần chiến thắng - Chế Lan Viên).

Tôi qua Liên xô (Cũ) du học. Ngày  về phép tôi ghé thăm bà Côi (mẹ anh Quang). Bà đã già, đôi mắt mờ đục vì khóc nhiều, cầm lấy tay tôi nức nở “Cháu ơi! Cháu học ở Liên xô có gần biên giới Thái Lan không? Cháu có biết mộ anh Quang ở đâu không? Cháu thắp cho anh Quang nén hương nhé! Và nói với nó rằng mẹ thương nhớ nó lắm. Có lúc nào nhà nước Việt Nam đưa hài cốt anh Quang về cho bác không cháu?”. Tôi nghẹn ngào rơi nước mắt, hứa với bà, lúc nào có thể cháu sẽ đi thắp hương cho anh Quang.  Với những người mẹ như bà Côi, chưa bao giờ đi ra khỏi làng, làm sao bà biết được biên giới Thái Lan nằm ở đâu, bà chỉ biết rằng con bà mãi mãi không về và bà chỉ còn ước mong một ngày hài cốt của con sẽ về với bà. Mấy năm sau thì bà mất và cho đến nay gia đình anh Quang vẫn chưa tìm thấy hài cốt của anh.

Thiếu tôi bên cạnh, chị buồn hơn nhưng vẫn tỏ ra vui vẻ để mẹ an lòng. Ở quê tôi, con gái 15, 16 tuổi là đã có người để ý, chờ đến 18 tuổi là làm lễ kết hôn. Chị tôi đã qua tuổi 20 rồi 21 vẫn không chịu yêu ai. Mẹ tôi bắt đầu sốt ruột, mẹ giục giã chị, con gái đến tuổi phải lấy chồng mới đúng gia phong, đừng ở mãi vậy rồi thành gái già. Nhưng chị chỉ im lặng.

Sau 3 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh Thành trở về. Anh lại cùng người dân quê tôi cày cuốc trên nương rẫy và cùng chị Lý làm công tác thanh niên. Anh kiên trì đến nhà tôi rất nhiều lần nhưng mãi 3 năm sau cho tới năm 1985 chị tôi 24 tuổi, sau khi nghe mẹ tôi thở dài không biết bao bận, chị mới nhận lời lấy anh.  Đêm trước ngày cưới, chị cùng tôi ra sau vườn, chị lấy những lá thư của anh Quang đã nhàu vì đọc đi đọc lại không biết bao lần, vuốt thẳng ra rồi châm lửa đốt. Tôi nghe chị thì thầm “Tha thứ cho em!”. Vai chị rung lên theo tiếng nức nở. Tôi ôm lấy chị, “Chị không có lỗi gì cả, anh Quang cũng mong cho chị hạnh phúc mà!”. Chị vón than lại, cho vào 1 cái túi ni lông và chôn nó dưới gốc cây nhãn. Tôi biết chị đã: “Đào sâu, chôn chặt mối tình đầu tiên”.

Ngày hôm sau chị lên xe hoa.

Anh Thành rất yêu thương chị, anh chị sống cuộc sống nghèo khó vất vả nơi quê nhà nhưng hạnh phúc. Anh chị đã có 5 đứa con, 3 trai 2 gái, các cháu đều xinh xắn và ngoan ngoãn. 

 

 

Chúng tôi tránh không bao giờ nhắc đến tên anh Quang nhưng tôi biết trong thẳm sâu lòng chị, một mối tình rất đẹp đã ghi dấu.

Tp. HCM tháng 2/2014.

Xin cúi đầu xin lỗi trước hương hồn anh Quang và bà Côi vì con vẫn giữ tên thật của 2 người.

 

 


Người post: CucNT

Ngày đăng: 22-02-2014 21:09






Xem 1 - 10 của tổng số 17 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest CucNT
14/03/2014 13:02:37

Cảm ơn anh Thao, anh Nghị, anh chị Tuấn Lý, dù bận bịu  các anh chị vẫn dành thời gian đọc những điều em viết về mối tình của chị em. Chiến tranh đã cướp đi bao thanh niên trai tráng khỏe mạnh của dân  tộc, cướp đi hạnh phúc của bao người.


Chúng ta không bao giờ lãng quên những tháng năm đau thương đó.


Chị Lý ơi! Chị Lý nhà em và chồng chị có 5 đứa con, 3 trai 2 gái. Anh chị nghèo khó nhưng vui vẻ. Hôm qua chị Lý vừa báo tin  là chị  đoạt giãi 3 của huyện về thi hát do phụ nữa huyện Thạch Hà tổ chức.


Em mừng không phải vì chị đoạt giải mà vì tiếng hát vẫn âm vang trên môi chị dù cuộc sống nhọc nhằn  và nhất là  bây giờ khi chị đã trên 60 tuổi.



Từ: TuanDK
12/03/2014 22:52:02

   Cúc ơi! Câu chuyện em kể về mối tình đầu trong trắng của chị Lý và anh Quang thật hay. Chị đọc lại vài lần rồi và thấy sao giống câu chuyện tại làng quê chị quá! Ngày ấy các anh chị thanh niên rất chững chạc và đầy nhiệt huyết, còn bọn trẻ thì nghe các anh chị phụ trách răm rắp. Còn bây giờ thì...khác xa!


Chiến tranh đã cướp đi tình yêu đầu của chị nhưng câu chuyện kết thúc thật có hậu: Gia đình nhỏ của chị Lý, anh Thành cùng ba con sống nơi quê nhà thật hạnh phúc.


Cảm ơn bài viết của em. Chúc mọi người trong gia đình em sống luôn gắn bó, hạnh phúc!



Từ: NghiPH
10/03/2014 16:38:52

 


Thuở ấy, trai gái yêu nhau bằng ánh mắt, nụ cười, bằng tiếng hát, câu thơ, bằng cái bắt tay nhau rất vội khi chia tay. Thế mà bền chặt, thế mà da diết nhớ nhung. Yêu cả khi người yêu không còn trên cõi đời này nữa.


Cảm ơn em Cúc đã kể về một mối tình giản dị, bền chặt, rất đẹp của chính người chị gái của em với anh bộ đội Quang. 


 


 



Từ: Guest Quang Thao
03/03/2014 10:27:57

Cúc, tuy bận mưu sinh nhưng vẫn có nhiều bài viết hay và cảm động. Đất nước mình chiến tranh liên miên, những mối tình phải chôn chặt như anh Quang, chị lý cũng nhiều đấy. 



Từ: CucNT
27/02/2014 20:19:54

Anh Lợi, Chị Thanh ơi! Một thời em thấy tình yêu, tình người sao mà đẹp vậy. Chị em và anh Quang yêu nhau mà chưa bao giờ dám nói, chưa dám gặp riêng. Cũng như các anh chị sang đến trời Tây mà yêu nhau cũng chỉ biết làm thơ ngô ngọng. Hồi đó con người ta trân trọng tình cảm và lời hứa với nhau. Chỉ cần người ra đi dặn người ở lại "chờ anh nhé!" là chờ đến khi hết hy vọng mới thôi chờ. Chỉ cần hứa với nhau làm tốt  nghĩa vụ  là người  ở chiến trường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, người ở hậu phương thì làm tất cả không quản khó khăn vất vả để trọn tình với quê hương.


Có lẽ nhờ 1 thời như thế mà chúng ta có hôm nay, vậy mà hôm nay  đôi khi ta chưa trọng tình, trọng tín đến vậy.


Cảm ơn ACE đã đọc và chia sẻ.



Từ: ThanhLK
27/02/2014 16:11:58

Đúng là chị đã đọc không ít những câu chuyện tình thời chiến, nhưng đọc chuyện tình của chị gái Cúc chị cảm thấy day dứt, thương cảm…Có lẽ vì nó đã được em gái kể lại một cách chân thực, gần gũi và thân thương như câu chuyện của gia đình. Chắc chắn là chị gái em đã chôn chặt mối tình đầu đẹp đẽ, tinh khôi…và  không thể nào quên được người yêu đã hy sinh cho cuộc sống hòa bình hôm nay. Bù lại, chị gái em đã có một gia đình hạnh phúc với 5 đứa con xinh đẹp khôi ngô. Chúc đại gia đình nhà em luôn gắn bó và hạnh phúc nhé.



Từ: Guest NgọcLợi
27/02/2014 16:07:25

Hi hồi đó trong quân ngũ , tạp chí văn nghệ quân đội luôn là cuốn sách người lính truyền tay nhau đọc toi khi nhàu nat ca trang giấy vi những truyện ngắn in trong dó rất hay , rất hấp dẫn và cảm động lòng người . nay anh đọc truyện ngắn của em Cúc lại liên tưởng vè những truyện ngắn anh đươc đọc từ hơn 40 nam qua đấy em a. cám ơn em . anh nghĩ em da lao động nghiêm túc để viết ra dược những truyện ngắn rất hay và quý vi nó được viét thành truyện từ cuộc sống thực của những người thân yêu quanh em . chúc mung em thành công . 


Anh Ngọc Lợi - Thái bình



Từ: CucNT
25/02/2014 16:02:53

ôi ! Chị Hiền ơi! Em chỉ kể chuyện của chị em thôi mà, có hay gì đâu.


Em nhớ hồi nhỏ bọn em sinh hoạt đội ở làng xã vui lắm, nhất là thời gian hè. Khi đó, nhà trường, gia đình và xã hội gắn bó rất khăng khít với nhau trong việc giáo dục học sinh. Nếu bọn em sinh hoạt đội ở xã không tích cực  bị nhận xét không tốt là nhà trường căn cứ 1 phần vào đó để xét hạnh kiểm trong năm học. Mà hồi đó học 1 buổi thôi còn nữa đi cấy cày giúp gia đình. Bây giờ thấy trẻ con học nhiều quá, học cả ngày rồi tối về đi học thêm, hè cũng học thêm, chẳng có thời gian mà chơi nữa.


Em cứ nhớ mãi tuổi thơ.



Từ: Guest Đaothikimhien
25/02/2014 14:42:03

Cuc viết văn hay quá. Em gửi nhà xuất bản in thành sách đi.



Từ: CucNT
23/02/2014 22:37:38

Cảm ơn tất cả anh chị em dù ngày nghỉ vẫn tranh thủ đọc và chia sẻ cùng em Cúc.


Em thật xúc động với những vần thơ của chị Lý và nhất là những vần thơ của anh Nhị Trự. "Đất nước mình quen với khổ đau", Đau nhất vẫn là vành khăn trắng trên đầu mẹ không có gì là lạ và đất nước ơi! Chẳng lẽ ta cứ phải quen với cái điều nhức buốt ấy? Lẽ ra anh Nhị Trự post bài thơ này ở Mục thơ để em và mọi người có thể comment nhiều hơn.


Cảm ơn anh Uyển, Thắng, Cường, Minh. các anh đã nhìn thấy trong bài viết của em 1 thời khói lửa, 1 thời ta không được phép quên.


Anh Cường ơi! Thanh niên quê em học xong cấp 2 là quen với cày cuộc, họ ước cuộc sống bình yên nơi quê nhà dù vất vả nhưng Tổ quốc gọi là họ xung trận. Có lẽ họ không hiểu nhiều về những từ 'nghĩa vụ quốc tế cao cả" nhưng khi được phổ biến như thế thì họ tin và đã cống hiến cuộc đời mình cho nghĩa lớn.


Cảm ơn guest Odessa đã động viên em.


Ước sao đừng bao giờ có chiến tranh để chúng ta được sống mãi trong thanh bình.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s