NHỚ VỀ MỘT NGƯỜI BẠN CŨ
Tác giả: ThuyNT
(Thân tặng những ai đã từng sống, học tập ở KGU và Liên Bang Xô Viết)
NGUYỄN THỊ THÚY (Viện Kiểm nghiệm - Bộ Y tế)
Những ngày giáp Tết trời lại càng rét, hẳn ai cũng muốn tận hưởng không khí ấm cúng của gia đình. Bỗng cánh cửa bật mở, tôi sửng sốt kêu lên " A Đồng vào đây, rét quá, có việc gì vậy...?" theo thói quen tôi hỏi Đồng dồn dập. Bao năm đã qua nhưng tôi thấy Đồng vẫn như xưa, như hồi nào ở xứ sở Bạch Dương, một người bạn "hơi" khác thường. Trời lạnh vậy mà Đồng mặc một chiếc áo len mỏng sẫm màu ở trong còn chiếc áo phông trắng lại mặc ra ngoài. Sau vài câu hàn huyên, Đồng khen bọn tôi trẻ, khỏe, không khác thời sinh viên là mấy và hỏi có thấy Đồng khác trước nhiều không? Tôi nói vui " Không, ông vẫn như xưa, khỏe mạnh và có "thần" lắm. Ông còn trẻ hơn bọn tôi nhiều vì "trai tân" mà!...". Chúng tôi cùng phá lên cười... Hai cháu nhà tôi cũng góp vui..." Ông xã" tôi cũng là bạn cùng học nên chúng tôi có nhiều bạn bè chung và những ngày sinh viên sôi động đầy ắp kỷ niệm trong những năm du học. Có lẽ vì vậy, nhà tôi tuy thanh bạch song vẫn thường là nơi tụ tập, hội hè của bạn bè. Chồng tôi rót chén rượu mời Đồng. Lần nào cũng vậy Đồng đến nhà tôi đều khen rượu ngon mặc dù cũng chẳng có gì để "nhấm nháp".
Đột nhiên, Đồng buồn bã tuyên bố "Nếu năm tới mà mình không lấy được vợ thì mình sẽ chẳng đến dự hội lớp nữa!".Tôi vội nói " Việc gì phải thế?". Bởi chính tôi cũng nghĩ rằng Đồng khó có thể lấy được vợ cho dù bạn bè chúng tôi thường tìm cách vun vén cho Đồng. Song sự đời là thế, mấy ai đạt được hết những gì mình muốn? Ngay cả những người được coi là " thành đạt" trong hiện tại và " tự hào" trong quá khứ cũng có khi còn phải thú nhận rằng: "Hạnh phúc lứa đôi là một cái gì mà không mấy ai đạt được" huống hồ Đồng, một con người "vui vui" trong quá khứ, "buồn buồn" trong hiện tại và "vô vọng" trong tương lai thì không dễ mà có được tình yêu mơ ước. Sau một lúc ngồi chơi Đồng chào ra về, tôi lại nghĩ đến quãng đường dài 6-7 km mà Đồng phải cuốc bộ giữa đêm giá lạnh đến thăm bạn mà thấy ái ngại vô cùng...
Chúng tôi là bạn học cùng lớp với nhau 6 năm (1967-1973) ở Kisinhốp. Ngày ấy, Đồng nhanh chóng nổi danh trong Hội Sinh viên chúng tôi bởi giọng nói xứ Nghệ khó nghe, tiếng đồn thông minh và rất giỏi toán... Tôi cũng không biết Đồng giỏi toán đến mức nào, nhưng thông minh và trí nhớ tốt thì chúng tôi đều phải công nhận. Sự "độc đáo" của Đồng theo thời gian ngày càng rõ nét, cho dù sự "độc đáo" ấy nhiều khi gây cười cho chúng tôi cả vì tính tích cực và những điều cần thông cảm. Nhiều thầy cô giáo người Nga nhìn thấy ở Đồng một con người thông minh kỳ lạ, có trí nhớ cực tốt và đã không ít lần dành cho Đồng những câu âu yếm, thân mật: "Nào đến lượt người thông minh!" và để cho Đồng nói nốt thời gian kiểm tra miệng trên lớp khi cảm thấy đã kiểm tra đủ theo sổ điểm. Những lúc đó chúng tôi thường thở phào nhẹ nhõm và khoanh tay ngồi nghe Đồng thao thao bất tuyệt đến hết giờ...
Phải công nhận tuy phát âm không hay nhưng Đồng nói và viết bằng tiếng Nga đều khá chuẩn xác và thoải mái. Nội dung thì thường không trực tiếp vào câu hỏi mà phải xoay quanh chừng vài ba chương cho đến vài ba quyển sách về vấn đề đó. Với sự "độc đáo" của mình, Đồng thường đạt điểm cao trong các kỳ kiểm tra, nhưng cũng có không ít thầy cô đặt những câu hỏi rất cụ thể, phát hiện thấy điểm yếu của Đồng nên hạ điểm số của anh xuống.
Với dáng người thâm thấp, rắn chắc, Đồng luôn biểu lộ sự "độc đáo" của mình bằng những bước đi rất nhanh, khỏe, tiếng nói oang oang và khá thoải mái trong mọi sinh hoạt. Sống gần Đồng những người thông cảm thì cho sự "độc đáo" của anh là "đãng trí bác học", còn người nghiêm khắc thì cho là "lập dị". Tôi nhớ có lần vào thăm thấy Đồng ngồi lên giường học, trên tường treo toàn ảnh những nhà bác học lớn của thế giới như Lômônôxốp, Đac-uyn, Menđelêep... dễ có đến hơn chục vị. Tôi trêu Đồng: "Này, còn thiếu ảnh của Đồng nữa đấy!". Đồng cười, nói: "Ảnh mình thì để người khác treo". Lúc đó tôi hiểu rằng Đồng chẳng "đãng trí" tí nào, trái lại anh đang ấp ủ những dự định rất lớn trong tương lai với niềm kiêu hãnh mình là một trong những ngôi sao của xứ Nghệ như đã có lần Đồng nói khi vui chuyện với bạn bè.
Sáu năm học trôi qua, Đồng tốt nghiệp trở về nước. Nhóm sinh viên Kisinhốp khá tự hào nghe đâu sứ quán mình đã gọi đích danh cho Đồng học chuyển tiếp sinh. Như vậy là quý lắm vì chỉ có 2 trong số hơn năm chục người được chọn, đó là Đồng và bạn lớp trưởng giỏi giang sau này là GS.TS. Đặng Đình Kim, công tác tại Viện Công nghệ sinh học nữa thôi. Nhà trường vì thông cảm với sự "độc đáo" của Đồng nên đã vui vẻ ký xóa nợ mấy chục quển sách Đồng mượn thư viện mà nếu phải đền thì dễ có đến vài trăm rúp, một khoản tiền khá lớn. Ngày ấy tuy du học 6 năm về mà hành lý của chúng tôi cũng chả có gì đáng giá. Thông thường thì ai cũng cố mua cái xe đạp, sang hơn nữa thì có thêm cái đài, Còn Đồng thì chẳng xe, đài gì cả... sách được gửi qua đường bưu điện hết nên chỉ có cái vali nhỏ. Khi về đến nước, Hải quan cửa khẩu ta cũng nhận thấy sự "độc đáo" nên khám Đồng khá kỹ vì sợ anh chàng đem hàng cấm.
Chúng tôi về nước tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc. Phần lớn đều được vào làm việc tại các viện hoặc trường ở những thành phố lớn. Còn Đồng sau khi về thăm quê ít ngày lại vội vã ra Hà Nội để chờ đi chuyển tiếp sinh. Cánh cửa khoa học đang rộng mở trước mắt Đồng. Một hôm đang giờ làm việc, một đồng nghiệp đưa tờ báo Tiền phong có ảnh và bài báo viết về Đồng hỏi xem có phải tôi học cùng với Đồng không? Sau khi đọc bài báo, tôi cười vui vẻ và trả lời "Đúng, sau 6 năm học ở nước ngoài, Đồng cũng chẳng có gì ngoài sách vở đem về đọc thật". Lúc đó tôi thầm mừng cho Đồng có một tương lai sáng lạn...
Tôi tin rằng cuộc đời Đồng sẽ khác nếu như anh đi nghiên cứu sinh rồi sau đó về một viện khoa học hoặc giảng dạy ở một trường đại học nào đó... Nhưng sự đời lại chẳng đơn giản như vậy. Năm đó Bộ Đại Học ta bỏ chế độ tuyển sinh trực tiếp. Sinh viên tốt nghiệp buộc phải qua một vài năm công tác rồi mới được đi nghiên cứu sinh. Thế là Đồng phải trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, quăng quật báo cáo của mình hết khoa này đến viện nọ. Với nhiều lời bình phẩm khác nhau của những người có quyền, có chức và có lẽ vì sự "độc đáo" của mình mà Đồng vẫn phải giữ nguyên biên chế Bộ Đại học hơn 20 năm qua với đồng lương tập sự ít ỏi. Nhiệm vụ của anh là đọc sách, viết bản luận văn mà chẳng biết bao giờ mới bảo vệ được. Đồng đã chẳng bao giờ có cơ hội để trở lại nước Nga, nơi dùng thứ ngôn ngữ mà Đồng viết bản luận văn của mình.
Vì làm việc ở một viện trung tâm gần thư viện Quốc gia nên tôi cũng thỉnh thoảng gặp Đồng. Có những lần Đồng đưa cả bản luận án đã đánh máy bằng tiếng Nga dầy cộp cho tôi đọc. Nhưng vì bận tôi cũng chỉ đọc lướt qua nên chẳng biết nội dung cụ thể. Suốt 20 năm qua, kể từ ngày tốt nghiệp nếu có dịp là tôi bớt chút thời gian quan tâm đến Đồng cả về cuộc sống và sự nghiệp dưới góc độ là một người bạn, một người bạn rất bình thường thôi. Vì là bạn nên tôi cũng được nhiều người xa gần có liên quan đến Đồng kể về Đồng cho tôi nghe, thôi thì đủ thứ chuyện và cũng đủ lời nhận xét về sự "độc đáo" của Đồng. Có lần tôi còn được đọc cả bức thư Đồng gửi cho một cô gái nào đó mà Đồng quen ở thư viện. Quan điểm của Đồng về tình yêu cũng rất "độc đáo". Tôi nhớ những năm đầu chúng tôi mới sang học, kỷ luật của sinh viên chúng tôi nghặt nghèo lắm. Chỉ có học, mà quả thật không biết làm sao mà chúng tôi tự giác học đến thế, học không dám nghỉ, thậm chí không dám cả xếp hàng ăn cơm nữa. Học, bò ra mà học với động cơ về để phục vụ Tổ quốc và để không thua bạn bè. Chẳng ai dám nghĩ đến chuyện yêu đương. Có hôm chi đoàn chúng tôi họp về tu dưỡng phấn đấu, Đồng đứng lên phát biểu "hung hồn" lắm và kết luận một câu " Tôi không có yêu đương gì hết, chỉ học thôi". Chúng tôi ồ lên cười, ngay sau đó Đồng lại tiếp "Tôi nói vậy, nhưng biết đâu đấy rồi tôi lại yêu thì sao?...". Rồi Đồng cũng yêu thật, đã gọi là tình yêu thì không thể lý giải được và nhiều khi nó chỉ đến từ một phía; cho nên ngạn ngữ Nga mới ví tình yêu như một vòng tròn, nó không có bắt đầu và cũng chẳng có kết thúc. Có lẽ chính vì vậy mà tình yêu mới trẻ mãi. Yêu là khó vậy, nhưng rồi chúng ta ai cũng chỉ chọn một người bạn đời cho mình, xây cho mình cái tổ ấm. Chỉ trừ một số rất ít người nhất định không chấp nhận sự "tương đối" này và trong đó có cả Đồng. Đồng bấy giờ mới ngoại tứ tuần và tôi biết rằng còn khối cô gái, nhất là ở quê hương sẵn sàng "theo" Đồng để nâng khăn sửa túi. Nhưng Đồng thì vẫn giữ nguyên quan niệm về một tình yêu thật trong trắng và "tuyệt đối"
Nhiều người trong số bạn bè chúng tôi đã từng có ý định viết về Đồng như một người "đi trước thời đại", nhưng rồi hơn hai chục năm qua chưa ai viết cả. Có lẽ vì viết lách là điều phiền toái. Riêng tôi khi cầm bút ghi lại những dòng này chẳng suy tư gì nhiều ngoài sự nuối tiếc, băn khoăn cho số phận một con người chân thực, một người bạn hết lòng vì khoa học nhưng vẫn chưa đơm hoa kết trái. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi mãi ai là người có lỗi? Sự "độc đáo" của Đồng hay những người được quyền sử dụng Đồng?
...Rồi một ngày tháng 12 năm 1997, lớp tôi thương tiếc truyền cho nhau cái tin Đồng bị tai nạn và ra đi thầm lặng. Những người bạn cũ với tấm lòng xót thương vô hạn đã làm tất cả những gì để sưởi ấm cho vong linh Đồng bằng tình nghĩa bạn bè. Chiếc bàn thờ đơn sơ với chiếc ảnh Đồng rất thật, rất sống động, cương trực, thân thiện. Căn buồng nhỏ nơi Đồng đã sống và đọc sách mấy chục năm qua vẫn đơn sơ, lạnh lẽo khiến ai đến cũng phải ngậm ngùi cho số phận một con người thông minh, "độc đáo" và không may mắn. Đồng đã đi vào cõi vĩnh hằng cũng thanh bạch như chính cuộc đời của mình.
Ngày giỗ đầu Đồng, chúng tôi lại tụ tập nhau để tưởng nhớ đến anh, để lên mộ anh cuốn sách dày hơn 300 trang của anh: "Khám phá về các bí ẩn của con người và thế giới sống" được nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành sau khi anh ra đi 3 tháng. Giáo sư Phạm Đức Dương, chủ tịch Hội nghiên cứu Đông Nam Á - Việt Nam đã viết lời giới thiệu: ... "Đây là một tác phẩm khoa học, được tiến hành với một khát khao nóng bỏng, một bộ óc giầu trí tuệ của một con người có bản lĩnh phi thường..." Anh đã đi sâu khám phá bản chất sự sống dựa trên mối tương tác giữa genotype-phenotyp trong không - thời gian sinh học sáu chiều (khác với lý thuyết không - thời gian vật lý bốn chiều của Anhxtanh). Anh coi nguyên lý tương tác là nguyên lý tổng hợp không những đối với thế giới tự nhiên, mà đối với xã hội, thế giới tâm linh và trí tuệ. Cuốn sách không chỉ gây hứng thú cho người đọc mà còn bắt họ phải tư duy thật sâu xa. Anh đã gửi gắm nội dung bản luận án mà mình đã dành trọn cuộc đời ngắn ngủi để viết trong cuốn sách đó. Cho dù muộn mằn, song sự ra đời của cuốn sách sẽ sưởi ấm hương hồn Đồng và làm vơi đi phần nào nỗi suy tư của những người bạn không bao giờ quên anh. Và tôi nghĩ rằng, đến một lúc nào đó cuốn sách sẽ được hiểu một cách thấu đáo hơn như nó đáng được như thế
15/07/2003
(Báo Tiền phong Chủ nhật, số 29 - 20/7/2003. Tựa đề bài đã được thay đổi)
Người post: TanhVH
Ngày đăng: 12-04-2012 03:03
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 10 của tổng số 10 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |