KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 23 Tháng chín. 2010

Đi du học Liên Xô bằng tàu hoả




Tác giả: HoaNT

 

 

Lần đầu tiên đi nước ngoài bằng tàu hoả

Đoàn chúng tôi sang Liên Xô bằng tàu liên vận vào những ngày tháng 8/1971. Tôi cò nhớ hôm đi tàu đến cầu  Long Biên thì mưa to lắm và tôi ngồi cùng ghế với 2 bạn nữ cùng đoàn còn hàng ghế trước mặt là anh Vinh lớp Lý ( sau này về nước thì anh mất )  cùng với mấy  anh là bộ đội đi học. Thấy anh Vinh nói anh ấy là bộ đội ra đa tên lửa và trước khi đi bộ đội anh cũng học ở trường Yên Hoà A cùng trường với tôi hồi sơ tán. Tôi vốn dĩ say tàu xe từ bé nên tàu vừa qua khỏi cầu Long Biên là tôi đã nôn thóc nôn tháo hết cả mật xanh ra rồi nên mệt lử chẳng thiết nói chuyện và cũng chẳng quen ai vì có tới hơn 1000 người đi trên chuyến tàu này từ các nơi khác nhau.. Lúc đấy chúng tôi cũng chỉ biết rằng mình sẽ sang Liên Xô học còn ở thành phố nào thì chưa biết. Tàu khởi hành  từ ga Hàng Cỏ vào khoảng 20h, đến sáng hôm sau đến ga Đồng đăng, sáng sớm đến chúng tôi mua mỗi đứa bát phở chua ăn một cách ngon lành, hồi đó món phở chua ở Lạng Sơn là nổi tiếng và rất ngon bây giờ thỉnh thoảng đi qua Lạng Sơn ăn lại chẳng thấy ngon gì cả.   

Chúng tôi sang Kisinhop vào năm 1971 là lúc nước mình đang có chiến tranh, hồi cấp 2,3 hầu hết chúng

 

tôi phải đi sơ tán nên Ngày đầu ở Kistrình ngoại ngữ không được đưa vào dạy. Tôi còn nhớ hồi lớp 8 sau một thời gian dài đi sơ tán tôi được về Hà Nội và học ở trường cấp III Yên Hoà A. trình độ tiếng Nga của tôi là số 0 vì trước đó có được học đâu. Đến giờ tiếng Nga là tôi sợ lắm, toàn phải học gạo thôi, cuối năm thày giáo Nga văn cho đọc bài nào mà thuộc nhất để kiểm tra, tôi học thuộc lòng bài có câu: quân đội ta sinh ra trong ngọn lửa cách mạng… bằng tiếng Nga và dịch ra tiếng Việt và vốn tiếng Nga của tôi chỉ có vẻn vẹn là bài này thôi.Sau này lớp 10 về trường PTCN Đống Đa cũng không phải học ngoại ngữ.

Lúc lên tàu sang Liên xô cả lũ chúng tôi chẳng đứa nào biết tiếng Nga cả, trong đoàn có một chú là cán bộ đi học  tôi không nhớ tên chỉ nhớ là chú ấy có đóng vai trong phim Việt Nam  được chiếu ngày trước có tên Khói trắng. Chú này đi cùng tàu liên vận với chúng tôi để sang Đức học đạo diễn thì phải. Lúc đi qua Trung Quốc chú bảo chú biết tiếng Hoa cháu nào muốn mua gì  để chú phiên dịch cho. Chúng tôi nhờ mua hộ mấy cái khăn mùi xoa và bấm móng tay trung Quốc mà chú nói mãi cô bán hàng chẳng hiểu gì chú ấy bảo: “ mấy con bán hàng Tàu này ngu quá chú nói tiếng Bắc Kinh nên chúng nó chẳng hiểu gì vì chúng nó là dân miền núi.” nhưng thực ra là chú ấy nói:  “ hảo sư củ lăng lủng trẻo … thì bố cô bán hàng cũng chẳng hiểu là gì thật. Thế mà chúng tôi phục lác mắt vì khả năng ngoại ngữ của chú ấy.  Cuối cùng chúng tôi đành ra hiệu chỉ chỏ là mua được tất

Đi tàu Liên vận sang Trung quốc là những ngày chúng tôi được đón tiếp quá tử tế. Tàu đỗ đến ga nào là có đoàn quân Hồng vệ binh giơ sổ đỏ Chước tác Mao Trạch đông ra chào đón nồng nhiệt. Trên tàu lúc nào cũng phát các bài hát cách mạng Việt Nam, tàu đi đến đâu là có hướng dẫn qua loa phát thanh giới thiệu địa danh tàu đang đi qua bằng tiếng Việt. Lúc tàu đi qua Cầu Trường Giang là loa phóng thanh giới thiệu đây là chiếc cầu dài nhất Trung Quốc và nơi đây chủ tịch Mao Trạch Đông đã bơi qua sông…  Ngày nào chúng tôi  cũng được ăn mâm cao cỗ đầy với gần chục món làm chúng tôi sướng quá vì hồi đó ở nhà đi sơ tán ăn uống khổ sở làm gì có gì để ăn.  Bữa nào chúng tôi cũng phải xin cơm thêm để ăn cho hết các món ăn đi vì có tính dè sẻn không dám ăn vã thức ăn. Còn tôi thì tiếc ngẩn ngơ chẳng ăn được gì vì bị say tàu một cách dễ sợ luôn, nằm bẹp dí như con gián  suốt 10 ngày vì chóng mặt và nôn mửa suốt. Đêm đến là các nhân viên trên tàu đi từng khoang đắp lại chăn cho mọi người, ai ốm đau phát dầu, thuốc…, tinh thần phục vụ của họ thì hết ý luôn và hình như ai cũng biết tiếng Việt nhưng họ không nói.

 

Lên đến tàu Liên xô thì không khí khác hẳn vì bộ mặt lạnh như tiền của Hồng quân Liên xô làm chúng tôi sốc luôn có đứa khóc vì sợ,  chán, buồn, nhớ nhà nhớ bố mẹ. trước lúc đi chúng tôi được tập trung ở trường Kinh tế để học chính trị. Có buổi được nghe dạy về phép ngoại giao ăn uống, lúc đang ăn và lúc ăn xong thì phải để dĩa thìa như thế nào, trình tự ăn uống ra sao. Thế nhưng chúng tôi cũng quên hết nên lúc ăn thì quen tính dè sẻn ở nhà ăn hết phần tinh bột còn lại thức ăn để dành thế là có đứa để lại cái đùi gà lại để ăn xúp bị bà nhà ăn dọn đĩa có đùi gà ra thế là vội vàng giật lại hét toáng lên bằng tiếng Việt làm bà ta chẳng hiểu gì cả.  Sướng nhất là một ngày được đi vòng quanh hồ Baikan cảnh đẹp tuyệt vời. Tiếp đấy chúng tôi đến Irkut để kiểm tra sức khoẻ và phân ngành nghề nơi đến học. Có nhiều người bị mắc bệnh thì phải ở lại điều trị còn lại thì đi tiếp về các thành phố được phân công. Lúc này tôi mới biết là mình được theo học ngành tổng hợp hoá ở Kisinhốp đúng như nguyện vọng tôi đăng ký hồi trong nước. Tôi ước ao học nghề này từ hồi nhỏ khi hay vào các phòng thí nghiệm của mẹ tôi thấy các đồ thí nghiệm với các chai lọ xinh xinh cùng với cân tiểu ly… đã hút hồn tôi từ tuổi thơ hay chơi đồ hàng. Chứ thực ra theo truyền thống gia đình thì bố mẹ tôi lại muốn tôi theo học ngành y. Bởi vậy sau này khi tốt nghiệp về nước tôi lại được chấp nhận làm việc tại viện Vệ Sinh dịch tễ TƯ là nơi tôi đã gắn bó với nó cho tới tận bây giờ. Có rất nhiều bạn lúc bấy giờ buồn vì không được xếp học theo đúng ngành học. Thấy mọi người nói là ai điểm cao được xếp vào học Tổng hợp. Cho đến bây giờ tôi cũng chẳng hiểu tiêu chí xếp ngành nghề học của Bộ đại học lúc bấy giờ là như thế nào nhưng lúc đấy thấy sướng là được học theo đúng nghề mình thích đã. Chứ có ai lường trước được là cái ngành Chai lọ  này học  vừa khó, vất vả, độc hại từ lúc học cho đến tận bây giờ.

Trước khi đến Kisinhốp chúng tôi được qua Moscow thăm trường tổng hợp MGU, thăm đỉnh núi Lênin. Lúc đó tiết trời ở Moscow đã se lạnh mà chúng tôi chỉ có mấy bộ quần áo bác Bửu phát cho, có bao nhiêu quần áo chúng tôi mặc vào hết cho khỏi rét còn chân thì cứ đôi dép cao gót được phát chẳng tất tai gì cả, ai ở các tỉnh khác không quen đi dép thì đi guốc, dép lê cứ thế lôi thôi  lếch thếch có người còn mặc cả quần lụa đen ở nhà nhàu nát đi ở giữa thủ đô CCCP hoành tráng, lộng lẫy. Nghĩ lại cũng thấy buồn cười, nào có ai biết gì đâu với lại lúc ấy còn trẻ quá cả lũ hầu hết chỉ 17 tuổi lần đầu tiên xa nhà mà lại đi nước ngoài . Chỉ có mấy chú ở Đại sứ quán đến đưa đón thôi chứ còn các anh chị khác thấy chúng tôi thế này họ cũng ngượng thay chẳng dám ra đón nữa. Lần đầu tiên chúng tôi thấy táo mọc đầy đường chẳng ai hái thích quá tranh nhau hái ăn thoải mái, ngon lành. Hôm sau trên đường đến Kisinhốp qua Kiev thì những hàng táo, mận, nho  hai bên đường quá nhiều  và sau này đã gắn bó với chúng tôi suốt thời sinh viên.

Tầu hoả đưa chúng tôi đến ga Kisinhốp vào buổi chiều và có rất nhiều anh chị năm trên ra đón, lâu quá nên tôi cũng không nhớ là anh chị nào chỉ nhớ là có rất nhiều anh chị năm 70 ra đón  và các bạn cùng năm đến trước nữa. Sau khi về ký túc xá chúng tôi được các anh chị năm trên mời  ăn,  chúng tôi lúc đấy chẳng thấy khách sáo gì cả  ăn một cách ngon lành cơm và bắp cải luộc theo kiểu Việt Nam là những thứ mà chúng tôi không được ăn suốt 10 ngày đi tàu hoả. Sự đón tiếp nồng nhiệt của các anh chị năm trên và các bạn đã làm chúng tôi quên đi nỗi nhớ nhà.

Từ đây tôi đã gắn bó cả thời tuổi trẻ sôi nổi với đầy các kỷ niệm đã đồng hành với tôi  suốt cả cuộc đời bao giờ quên được suốt 6 năm học tại Kisinhốp, Môn đa via. Cảm ơn các thày cô giáo của trường KGU, những người dân Kisinhốp, cảm ơn tất cả các anh, các chị, các bạn  học tại KGU đã cho tôi cả một thời sinh viên sôi nổi  và chắp cánh cho tôi trên bước đường sự nghiệp sau này.

 

                                       Nguyễn Thúy Hoa, Chai lọ 71-77


Người post: HoaNT

Ngày đăng: 23-09-2010 11:11






Xem 1 - 8 của tổng số 8 Comments

Từ: HuongLH
08/11/2017 17:06:47

Nhân 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga, đọc lại bài viết này để nhớ về một thời tuổi trẻ đã qua, một thời tươi đẹp và hạnh phúc. Rất ngưỡng mộ Hoa CL77 vì sau từng ấy năm mà bạn vẫn nhớ những chi tiết, những kỷ niệm vui, buồn rất thật của chúng mình. Vậy là Hoa lên tàu đi LX sau chúng mình. Bọn mình rời Hà Nội đúng vào ngày 27/7/1971 và hình như về đến nhà sau 6 năm học tập vào ngày 28/7/1977, chậm mất một ngày so với lần lên đường sang LX học tập. Kỷ niệm 10 ngày du lịch trên tàu thì thật đa dạng và phong phú. Cũng muốn nhân tiện kể thêm vài kỷ niệm vui trong những ngày "lênh đênh" trên tàu góp thêm vào câu chuyện của Hoa.


Còn nhớ, khi qua các ga trên đất Trung Quốc, chúng mình hình như cũng được phát một ít tiền tiêu vặt. Ở ga nào đó, nếu thời gian chờ tránh tàu tương đối lâu, là chúng mình đều xuống ga để mua một vài thứ lặt vặt. Ngay từ hồi ấy, mình đã thấy rất phục các bác, các cô bán hàng TQ. Do ngôn ngữ bất đồng, muốn mua thứ gì chúng mình đều phải chỉ trỏ, còn tiền thì chả biết giá là bao nhiêu, cứ đưa cả cục để người bán hàng trả lại. Khi nhận lại tiền thừa, chúng mình mới thấy là họ rất thật thà. Trả lại tiền sòng phẳng, đến những đồng xu, đồng trinh nhỏ chứ không giống mấy bà bán hàng ở các Magazin rau quả sau này ở Kisinhop,nếu có dịp là cứ muốn bớt xén của chúng mình. Thêm nữa, mười ngày trên tàu cũng là quãng thời gian chúng mình chả được tắm rửa gội đầu gì cả. Hồi ấy, tầu TQ còn chạy bằng than, nên dù đã được các chị, các cô lau chùi thường xuyên, nhưng do đấy là dịp cuối tháng 7, đầu tháng 8 nên trời vẫn còn nóng lắm, đầu tóc chúng mình, vì thế, cũng bết dính mồ hôi nhiều. Thế là chúng mình nghĩ ra trò gội đầu trên tàu, tranh thủ lúc buổi sáng dậy đánh răng rửa mặt và lúc chưa có nhân viên hỏa xa qua lại quét dọn. Thế là cũng gọi nhau ý ới, cũng rôm rả và vui phết.


Mới đấy mà đã 46 năm trôi qua, chúng mình giờ đều đã là ông, bà nội ngoại, đã đều U70, U80 cả rồi. Thời gian cứ trôi, nhưng tình cảm, tình yêu với LX và nước Nga thì còn mãi. Và cứ mong có dịp được một lần cùng các bạn bè trở lại trường KGU xưa và một số thành phố của nước Nga yêu quý. Cậu Hoa mới post lên nhiều ảnh thời xưa của chúng mình, xem đi xem lại không chán. Thời gian ơi, có bao giờ trở lại?



Từ: BinhNH
16/10/2010 21:26:18
Hoa ơi,
Mình chẳng xem WEB gì cả, hôm nay trời mưa, mình khong bận gì mới viết 2 bài rồi gửi luôn, xong lại có khách cũng chẳng đọc bài nào của ai cả.
May cậu Thanh bảo có nhiều bài của các cậu , mình mới đọc. Hoa cs tài nhớ thì ai cũng biết rồi. Mình đọc bài Hoa và nhớ lại chuyến đi của bọn mình hồi ấy thật lắm chuyện buonf cười. Viết thành tiếu lâm được đấy.
N.Bình


Từ: HuongNT
25/09/2010 21:54:47
Chị Hoa ơi! Đọc bài của chị làm em cười ra nước mắt, có chỗ còn cười bật lên thành tiếng làm ông xã nhà em hỏi:"Có gì mà cười to thế?". Em cũng có nhiều ý nghĩ giống chị khi đi tàu liên vận sang LX học. Chỉ hơi khác là 3 năm cấp 3 bọn em được học tiếng Nga và học dự bị 6 tháng ở Trường ĐH ngoại ngữ nên khi ở trên tàu Nga bọn em tranh thủ nói tiếng Nga với sinh viên làm việc trên tàu cũng vui ra phết.Bây giờ ôn lại những kỷ niệm ngày ấy có nhiều chuyện buồn cười lắm.


Từ: ChiNB
24/09/2010 16:34:41
Chị được đi tàu hỏa sang Liên Xô cả đi và về 4 lần (năm 1971 chị về phép). Hồi đấy nghĩ đến quãng đường hơn 10 ngày nằm trên tàu hoả mà thấy sợ nhưng sau này lại thấy may mắn hơn các bạn đến sau toàn đi bằng máy bay vì mình được chứng kiến cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Xiberi, được thấy hồ Baican trải dài suốt quãng đường tàu chạy từ sáng đến chiều với phong cảnh tuyệt đẹp hai bên đường. Sau này khi trở về, tàu có dừng lại để tránh tàu, bọn chị còn kịp xuống ven rừng hai những bông hoa romashki, kolokoltricki rừng tuyệt đẹp. Lần về phép, chị lại đi qua Mông Cổ, suốt 1 ngày chỉ toàn thấy cánh đồng cỏ của thảo nguyên Mông Cổ, không thấy một bóng cây to, chán lắm. Trên tàu Mông Cổ lại ăn toàn thịt cừu, không ai ăn được nên cả hội lại mua sẵn bánh mì từ tàu Liên Xô đem qua. Nói chung đi tàu hỏa mệt nhưng lại có nhiều cái thú vị, bây giờ có thời gian, chúng ta đi du lịch qua Nga bằng tàu hỏa cũng hay đấy nhỉ?

ChiNB - Chai lọ 74


Từ: NghiPH
24/09/2010 10:45:57
Chị Thuý Hoa đang ốm mà vẫn viết được hành trình tầu hoả sang Liên Xô khá dài và lý thú.
Nhân câu chuyện của chị Thuý Hoa, tôi cũng xin ghi lại một vài cảm nhận về chuyến đi từ Hà Nội qua Trung Quốc, xuyên Xibiri, rồi từ Moskva qua miền trung nước Nga đến vùng Kavkaz và cuối cùng là TP. Erêvan của tôi vào năm 1975.

Năm 1975 sau những ngày tháng sống ngây ngất trước Đại thắng Mùa Xuân, giải phóng Sài Gòn, thống nhất Tổ quốc, chúng tôi lên tầu tại ga Hàng Cỏ để sang Liên Xô học. Tiễn tôi có một đứa cháu ở quê ra. Tặng lại cháu chiếc mũ cối bộ đội đã sờn rách, tôi nhảy lên tầu.
Tôi nhớ tầu tới Đồng Đăng vào nửa đêm. Trời đổ mưa. Tầu không thể leo dốc sang bên kia biên giới. Nó cứ ì ạch leo lên rồi lại bị tụt xuống mấy lần. Có cô bạn gái ở lớp N 5 của tôi, họ Bế, người Lạng Sơn ví von: Con tầu chở đầy tình thương và nỗi nhớ làm sao mà vượt qua biên giới được cơ chứ!
Cuối cùng người ta phải rải cát trên đường ray thì tầu mới vượt dốc thành công.
Trên tầu Trung Quốc, trong một ngày được ăn đến 3 bữa no căng và rất ngon chẳng bù cho những bữa ăn tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội đến nước rau muống cũng thiếu. Mấy anh Trung Quốc phục vụ trên tầu rất nhiệt tình. Do phục vụ nhiều đoàn Việt Nam nên các anh ấy nói được một số từ tiếng Việt. Cứ đến giờ ăn cơm lại thấy những giọng lớ lớ tiếng Việt của các anh vang lên: An sán! An sán! An tưa! An tưa! An tôi! An tôi!
Qua Trung Quốc, có lẽ ai cũng mua được một cái bấm mong tay, một khăn mùi xoa và được tặng trước tác của Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Tôi còn một ấn tượng nữa là chỗ nối giữa hai toa tầu của tầu Trung Quốc thì rất bằng phẳng còn sang tầu Liên Xô thì rất gồ ghề. Do vậy, trên tầu Liên Xô khi đi sang toa bên cạnh thăm các bạn, tới chỗ nối tôi cứ sờ sợ bởi tiếng cót két ghê người của nó. Trên tầu Liên Xô thức ăn không nhiều, không ngon nên hình như có người bị đói. Có đứa so bì: Liên Xô vĩ đại sao lại kém Trung Quốc nhỉ (?)
Đến Irkút tôi có một kỷ niệm là hai lần xông vào phòng khám thay cho hai đứa bạn trong lớp. Một đứa, tuy là học sinh phổ thông nhưng ở vùng tuyến lửa Nghệ An nên bị bom Mỹ làm cho hai tai gần như bị điếc. Khi học ở Hà Nội nó ngồi cạnh tôi, tôi đã viết rất nhanh lúc bằng tiếng Nga, lúc bằng tiếng Việt nội dung bài giảng của thầy để nó kịp xem. Ông bạn trẻ của tôi rất sáng dạ nên qua được các kỳ kiểm tra và thi. Sang đây, nếu các bác sĩ phát hiện ra tai bị điếc và bị đuổi về thì tiếc lắm. Nó bàn với tôi và khẩn khoản đề nghị tôi vào khám thay cho nó. Trường hợp thứ hai là một anh bạn bị ghẻ. Anh này rất sợ phải ở lại Irkut chữa ghẻ nên đã yêu cầu tôi vào khám thay. Tôi lại lao vào. Rất may là các bà bác sĩ người Nga không phát hiện ra. Sau này hai tai của bạn tôi đã được phục hồi hoàn toàn (hiện nay anh ấy đang làm việc ở Đài truyền hình Việt Nam). Còn anh bạn bị ghẻ khi xưa, tôi đã mất liên lạc từ khi về nước. Nghĩ lại chuyện đi khám bệnh giúp bạn kể cũng liều thật. Nếu các bác sĩ phát hiện ra thì cả mấy đứa phải về nước là cái chắc(!)

Đi trên tầu xuyên Xibiri, tôi đã cảm nhận sự rộng lớn, mênh mông, miên man của nước Nga. Trong lòng tôi có một nỗi buồn man mác.
Sau này, những chuyến đi từ Moskva về Erevan, rồi từ Kishinev lên Kiev, Moskva, rồi đi tiếp đến Leningrad, đi đến các thành phố thuộc Vòng cung Vàng (Золотое кольцо) của nước Nga cảm giác về một nỗi buồn man mác lại trở lại trong tôi.

Đến Moskva vừa nhận phòng xong, tôi vội đi tìm thằng bạn học từ hồi ở Trường cấp III Lương Văn Tụy, Ninh Bình, khi đó đang học ở Khoa Báo chí, Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov. Đến đúng địa chỉ thì được người ta thông báo: Bạn tôi đã đi lao động cộng sản chủ nghĩa ở Xibiri- nơi tôi vừa đi qua. Buồn quá, tôi ra đường Mítsurin vặt táo xanh ăn.
Hôm sau, chúng tôi lên tầu đi Êrevan- thủ đô nước Cộng hoà Armenia học một năm dự bị. Đón chúng tôi tại sân ga là 2 cô giáo dậy tiếng Nga, 2 anh học Toán ở Trường Tổng hợp Erevan, 1 anh học nhạc ở Trường nhạc Armenia. Các anh đã chiêu đãi chúng tôi một bữa cơm với món thịt bò sào cần tây và canh cà chua trứng rất ngon.

NghịPH- Cãi cọ 81


Từ: HanhLT
23/09/2010 14:28:12
Chị đến Ki trong hoàn cảnh chả giống ai, chả là do sơ xuất của mấy chú SQ nên thay vì lấy vé từ Mat đi Ki thì họ lại nhầm đi nơi khác( chị kho nhớ đi đâu) chỉ biết là sau khi đưa hội h/s lên các chuyến tầu đi khắp nơi, chị và a. Hải bột được đưa về gửi ở KTX của trường lomumba thì phải, toàn da đen kho à, lúc đó đã 12 g đêm, sợ kho ngủ được, xung quanh toàn đen ngòm.Mấy ngày sau họ vẫn quên kho biết để 2 đứa ở chỗ nào, còn bọn chị thì hàng ngày có người đưa vé ăn,chỉ nhà ăn... cứ thế 3 ngày sau mới có người đến đón ra ga.Gặp được hội về Ki mừng quá, ai ngờ vẫn lận đận, 2 đứa lại có vé đi tầu liên vận đến Xophia,đỗ tại Ki.Đến nơi chẳng có ai ra đón cả vì 3 tối liền các anh được cử ra đón đều hụt, nên lần mình đến thật thì các ông ấy lại kho ra nữa. Đêm ở Ki thật rét, từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng 2 đứa cứ chạy vòng quanh sân ga vì bị mấy bà quét dọn đuổi, cũng chả biết tiếng để mà hỏi thăm xem dân VC mình học ở đâu trong TP để tìm về.Khổ nhất là ở nhà cũng kiếm được đôi tất dài để đi nhưng kho có nịt nên cứ vừa đi vừa túm tất, toàn phải đi sau Hải kho sợ bác ấy lại nhìn thấy cái cảnh khôi hài này.


23/09/2010 14:12:08
Chị Hoa đã có bài, molozex.
Mong các chị MK khác học tập chị Hoa.
Trong Bai "Năm tháng SV", em cũng có đoạn viết về đi tàu hỏa tưd VN đến Moldova, và được các chị Lý 77 đón về KTX.


Từ: KhoaDT
23/09/2010 13:41:52
Hoa có trí nhớ tôt quá. Đối với mình đi tàu hỏa xuyên LX và TQ cũng chỉ có 2 lần, chuyến đi (1970) và chuyến về (1976). Lúc đi thì các kỷ niệm của tụi mình cũng giống như hội Hoa, chỉ có một chi tiết mà anh em VL76 hay nhắc lại với nhau: anh NA Minh (nick là minh gù) lúc tàu đến đoạn phố Cửa Đông vì quá xúc động đã kêu lên: Tạm biệt HN nhé ! lập tức được nghe lời chào đáp của một vài thanh niên đang ngồi trên xe đạp chờ qua đường : Cút m... mày đi! Đến bây giờ vẫn thấy câu chửi đổng ấy sao đặc trưng VN thế. Những ai đã đi tàu như tụi mình đều được trải nghiệm ngày dài lê thê mãi không tối (hình như là xuyên 3 múi giờ có đúng ko?).
Lúc đến ga Kisinhov trời đã tối, ai nấy mệt nhoài thì được anh em KGU năm 69 ra đón (Thanh và Tú SV, Cao Hà và Tung Hóa...) thấy ấm cúng quá. Ra đón có một anh học dự bị o KGU tên là Chi sau đi Odessa học SV là người Tày rất vui tính và tiếng Nga rất giỏi. Không biết có bạn KGU nào còn chơi với a Chi không nhỉ. Còn nhiều kỷ niệm nhưng xin kể tiếp sau nhé. Khoa (VL76).


Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s