Về chuyến đi sang Liên xô lần đầu
- GẶP MĂT NỐI TIẾP GẶP MẶT CỦA NHỮNG NGƯỜI KGU
- Quả bóng
- QUẢ ĐẤT TRÒN
- GẶP NHAU SAU HỘI DU XUÂN
- Nhớ lại những năm tháng sinh viên
- Kẻ tự sướng đào ngũ
- Сдача экзамена и новое имя
Tác giả: Khửu
HÀNH TRÌNH HÀ NỘI – BẮC KINH – YRKUTSK – MOSKVA – KISHINHỐP
Tháng 7 năm 1970. Bữa cơm tối cuối cùng trước khi đưa tôi ra ga để lên đường sang Liên Xô học tập, trong gia đình mọi người đều đông đủ. Tôi có 6 anh chị em trong đó có 4 anh em trai. Anh trai cả của tôi lúc đó học Tổng hợp Hóa tại CHDCND Triều Tiên, tôi đã được thông báo sẽ học Tổng hợp Lý ở Liên xô còn tại TP nào thì chưa biết. Sau này năm 1973 cậu em trai tôi cũng thi đỗ Đại học đủ điểm đi nước ngoài nhưng vì đã có 2 anh đang học ở nước ngoài rồi nên em tôi không được xét đi du học và em vào khoa Toán của Trường ĐH Tổng hợp HN. Thời đó được đi học các ngành khoa học cơ bản là vinh dự vô cùng thế mà gia đình tôi có tới 3 người con theo học đủ 3 ngành cơ bản của trường ĐHTH là Toán, Lý và Hóa. Bố mẹ và các anh chị em tôi hết sức tự hào. Trong bữa cơm bố mẹ dặn dò tôi rất nhiều nào là sang bên đấy con phải thường xuyên viết thư về nhà, con nhớ phải luôn tu dưỡng đạo đức, không được đua đòi chúng bạn, chăm chỉ học hành (bố tôi vốn là cán bộ lão thành cách mạng của Ban Tổ chức TW đảng mà) v.v…Tôi chỉ biết vâng dạ, hứa sẽ giữ vững truyền thống gia đình. Sau khi chào tạm biệt bà con hàng xóm, lúc tôi chuẩn bị xách va li theo sau xe đạp của bố tôi thì cậu em trai mới nói:
- Anh Huy ơi, thực hiện nốt lần cuối nghĩa vụ rửa bát đi đã, chả gì em đã nấu cơm rồi. Đúng thế thật, tôi suýt quên trách nhiệm của mình theo sự thỏa thuận phân công với thằng em. Nhưng lúc ấy tôi chỉ có ý nghĩ thương cậu em quá, mình đi rồi mọi vất vả sẽ đổ lên đầu nó đây, 6 năm trời đằng đẵng chứ đâu có ngắn ngủi. Chỉ nghĩ thế thôi tôi đã đặt va li xuống và xắn tay áo bê mâm cơm đi rửa. Mẹ tôi mắng thằng em: sao mày kém thế, đến buổi cuối cùng anh nó đi rồi mà vẫn còn kèn cựa thế à? Tôi nói không mẹ ạ, em nó nói đúng đấy, lẽ ra ngày hôm nay con phải nấu cả cơm mới đúng. Như một người anh lớn, mặc dù tôi hơn nó có 3 tuổi, tôi xoa đầu nó và bảo: anh đi nhé, cố mà học cho giỏi vào, sách vở anh để lại hết đấy nhớ xem mà tham khảo. Nhìn mọi người mắt tôi ầng ậc nước rồi quay đi ngồi lên bopbaga xe đạp của bố tôi, ông anh họ con bác của mẹ tôi thì chở chiếc vali của tôi đi sau.
Gần 8 giờ tối, chúng tôi tập trung ở sân ga Hàng Cỏ, cười nói rất vui, mấy bạn có bố làm cấp to trong quân đội thì có ôtô con đưa đón. Lúc lên tàu tôi chỉ nắm tay bố thật chặt và nói: thôi bố về đi, con đi đây, con sẽ viết thư về. Tàu chuyển bánh, tôi trào nước mắt giơ tay vẫy bố tôi, vẫy Hà Nội, tạm biệt TP thân yêu. Hà Nội năm 1970 tuy tương đối yên ả sau thời gian Mỹ chấp nhận xuống thang không đánh bom các thành phố lớn, nhưng để cảnh giác và cũng do thiếu điện nên buổi tối HN hầu như không có ánh đèn. Đoàn tàu liên vận rời HN trong màn đêm tối đen. Lúc qua cầu Long Biên lòng chúng tôi thổn thức, mọi người im lặng chắc trong tâm trí ai cũng đang nghĩ về người thân và gia đình, chẳng ai thèm để ý một vài thanh niên nhìn theo đoàn tàu chửi mấy câu tục tĩu rồi vắng lặng trong màn đêm. Chúng tôi đến Đồng Đăng thì trời đã sáng. Ở đây chúng tôi phải dừng lại hơn 1 tiếng để tiêm chủng và làm thủ tục hải quan. Mặc dù tất cả chúng tôi đã được tiêm chủng và cấp bìa vàng ở HN nhưng tại Đồng Đăng chúng tôi vẫn phải tiêm chủng bổ sung do các bác sỹ người Trung Quốc thực hiện.
Đoàn tàu tiếp tục đưa chúng tôi đến ga Bằng Tường phía bên kia biên giới. Cảm giác đầu tiên khi ra khỏi biên giới VN là thấy một vùng rừng núi rộng bao la, thành phố Bằng Tường (lúc đó chỉ là một thị trấn nhỏ) với những đường phố rộng dài và thẳng, nhà cửa cao đến 5 – 6 tầng mọc san sát và khắp nơi là băng cờ khẩu hiệu đỏ rực. Tại nhà ga chúng tôi chuyển sang tàu Trung Quốc to và rộng rãi hơn, mỗi ku-pê có 4 giường tầng và khoang hành lý ở trên nóc. Suốt 3 ngày 3 đêm tàu chạy xình xịch trên đất nước Trung Hoa rộng lớn tôi chỉ thấy có một điều là cái gì trên nước bạn cũng to đẹp, từ phố xá, nhà cửa đến các tượng đài, quảng trường, đặc biệt là các nhà ga đều rất rộng lớn. Một ấn tượng nữa là sự sùng bái cá nhân Mao Chủ tịch đến mức không thể tin nổi, khắp nơi là trước tác, ngay trong các toa tàu cũng hàng chồng. Bọn tôi thích nhất cái bìa bọc màu đỏ có thể làm ví được, tháo nó ra rồi dấu thật kỹ trong vali. Bọn tôi cũng được thông báo cấm sử dụng trước tác của Chủ tịch Mao để đi tualet, nếu vi phạm có thể bị đuổi về nước.
Trong đoàn chúng tôi có bạn Khôi người đã học tiếng tàu ở phổ thông nên dịp này tha hồ khoa chân múa tay, cứ có ai cần lấy phích nước, dầu xoa hay hoa quả là đều gọi Khôi làm phiên dịch. Khôi có vẻ tự hào lắm, lủng xủng loảng xoảng suốt. Tôi có hỏi đùa một nhân viên trên tàu có hiểu câu: hảo sư cù lăng lủng chẻo và chẻo zái lảo sư lung lắng chẻo là gì không thì được nghe câu trả lời bằng tiếng Việt rành rọt: “Các anh không được nói bậy đâu đấy”. Thế là bọn tôi im như thóc luôn, chỉ để mình Khôi tung tác. Và cũng thật buồn cười là khi sang đến đất Liên Xô thì Khôi ta lại trở nên ngậm hột thị còn chúng tôi thì cứ nổ loạn cả lên. Tàu đến Bắc Kinh vào buổi sáng và chúng tôi được về nghỉ ở nhà khách sứ quán đến tận tối mới phải ra ga đi tiếp, nhiều bạn tranh thủ đi thăm quảng trường Thiên An Môn hoặc đến Bách hóa Đại lầu mua mùi xoa, bấm móng tay, bút máy Anh hùng hoặc Kim tinh. Riêng tôi bị mệt đau đầu nên nằm bẹp trong phòng mà không đi đâu được. Sau này tôi cũng có nhiều dịp đi qua Bắc Kinh lại nên cũng không thấy tiếc nữa.
Đoàn tàu tiếp tục đưa chúng tôi sang Liên Xô qua đất nước Mông Cổ. Suốt một ngày trời chúng tôi chỉ thấy đồng cỏ mênh mông xa tít tắp và thỉnh thoảng cũng nhìn thấy những người du mục cưỡi ngựa phi chạy như bay theo tàu. Điều mà tôi nhớ nhất khi đi trên đất Mông Cổ là muỗi. Quả thật tôi chưa bao giờ nhìn thấy muỗi mà to như con ruồi vậy và đốt thì đau như chó cắn. Đứng trên sân ga chúng tôi phải liên tục lấy quạt hay tờ báo đập đập và quạt phành phạch để xua đàn muỗi đói. Cũng tại một sân ga trên đất Mông cổ, chúng tôi đã được nói chuyện và làm quen với 2 nghệ sĩ hài nổi tiếng của Liên Xô thời đó, danh hài Юрий Никулин và một ông (tôi không còn nhớ tên ông nữa) có biệt danh là “Карандаш” cùng đi trên chuyến tàu với chúng tôi. Bạn Bình kiếng (sau học Xây dựng Kiev) còn được “Карандаш” tặng cho một cái bút bi, hồi ấy nhìn thấy cây bút bi đã thấy lạ lẫm lại còn được danh hài nổi tiếng Liên Xô tặng thì quả là sung sướng. Tôi còn nhớ lúc nói chuyện với mấy ông Liên xô, bạn Tuấn cận (sau đi học Kiev và bây giờ là 1 đại gia trong lĩnh vực đầu tư ngân hàng) chỉ vào Khoa nói: “Он рука гуляет”, chả là so với chúng tôi Khoa thuộc diện cao to nom như một “tay chơi” thực thụ.
Tàu chở chúng tôi dừng lại ga đầu tiên trên đất nước Liên Xô. Tất cả được thông báo chuẩn bị hộ chiếu và hành lý để kiểm tra hải quan và làm thủ tục nhập cảnh. Nhìn các chiến sĩ biên phòng và hải quan LX mặt đanh lại, lầm lì làm nhiệm vụ, khác hẳn với phong cách niềm nở chào đón như người thân khi chúng tôi đi qua Trung Quốc làm chúng tôi cảm thấy hơi sờ sợ. Lên toa chúng tôi là 2 chiến sĩ Xô viết trẻ măng, mặc quân phục đội mũ kê-pi chỉnh tề. Bạn yêu cầu mọi người chuẩn bị hộ chiếu và hành lý để kiểm tra. Việc kiểm tra có vẻ chậm chạp vì va li hành lý của chúng tôi để lộn xộn. Đến lượt tôi đưa hộ chiếu cho đ/c biên phòng, đ/c ấy xem một lúc rồi hỏi: “Как вас зовут?”. Tôi đọc tên tôi bằng tiếng Việt. Đ/c ấy lại hỏi lại: “Как?”. Đến lúc này tôi lấy ra mảnh giấy và viết bằng tiếng Nga: Чан Куи Хуи rồi đưa cho anh ta với vẻ hãnh diện. Tôi thấy đ/c ấy đọc được 2 từ họ và đệm đến tên của tôi thì ngắc ngứ, tôi liền cầm tờ giấy viết lại chữ i dài thành i ngắn cho dễ đọc rồi đưa lại. Vừa nhìn thấy chữ tôi viết xong đ/c bộ đội Liên xô liền mắm môi lắc đầu và ậm ừ câu gì đấy, rồi bỏ đi không hỏi han gì thêm nữa. Lúc đó tôi đâu có biết rằng cái tên rất đẹp trong tiếng Việt của tôi khi phiên âm (nhất lại có chữ i ngắn ở đuôi) thì nó lại là từ cực bậy trong tiếng Nga. Nhưng có thể chính vì thế mà sau đó việc kiểm tra giấy tờ và hành lý được thực hiện rất nhanh chóng, còn tôi chỉ biết thầm cảm ơn những người chiến sĩ Xô Viết đã vì tình hữu nghị với Việt Nam mà không xét nét gì chúng tôi nữa.
Cũng tại sân ga biên giới này chúng tôi chuyển sang tàu Liên Xô có các toa còn to và rộng hơn tàu Trung Quốc vì đường sắt Liên Xô khổ đường 1,55m rộng hơn khổ đường 1,45m của Trung Quốc. Chúng tôi được biết người ta làm vậy để nhằm mục đích quốc phòng vì phải đổi tàu hoặc thay dàn bánh xe (платформа) khi qua biên giới. Nhưng tôi cũng được nghe câu chuyện анегдот lí do tại sao người Nga lại làm rộng hơn 10cm. Số là thời trước, Piotr Đại Đế khi đang đi vệ sinh thì một kỹ sư người nhỏ thó thuộc nhóm kỹ sư thiết kế đường sắt nước Nga chạy vào bẩm báo: “На сколько мы сделаем железную дорогу шире?”. Ông vua Sa Hoàng bực tức nói: “На ху..шире!” với ý rộng hơn để mà làm gì. Thế nhưng người kỹ sư nhỏ thó kia lại hiểu ngay ý chủ là cần phải làm đường sắt rộng thêm bằng từng ấy, anh ta liền vào tualet và đo cái ấy của mình rồi đưa kích thước vào bản vẽ. Sau đấy tất cả các con đường sắt trên toàn lãnh thổ nước Nga đều được xây dựng theo bản thiết kế đã được Sa Hoàng phê duyệt có khổ rộng đúng 1,55m hơn 10cm so với kích thước đường sắt quốc tế. Các tuyến đường sắt ở Nga tồn tại cho đến tận ngày nay và vẫn hoàn toàn đảm bảo được nhiệm vụ an ninh quốc phòng cho đất nước.
Qua thành phố Ulan-Uđe, đoàn tầu bắt đầu lượn vòng ven theo hồ Baical nổi tiếng. Hồ Baical (Байкал) nằm ở độ cao 1.485m, là hồ sạch nhất, sâu nhất và lâu đời nhất thế giới (gần 30 triệu năm). Chỗ sâu nhất là 1.637m. Hồ Baikal rộng 80km2 (gần bằng nước Bỉ) và dài tới 636km (tương đương với khoảng cách giữa Matxcơva và Sanh-Peterburg). Hồ có dung tích lên tới 23.000km³, dự trữ tới 20% nước ngọt của Trái Đất, nhiều hơn số nước ngọt tại Ngũ Đại Hồ cộng lại. Nước trong hồ do 336 nhánh sông cung cấp, khiến Baikal trở thành kho dự trữ nước ngọt lớn nhất trái đất. Những thông tin nói trên chỉ sau này tôi mới được biết qua Wikipedia, còn lúc đó chúng tôi cảm thấy như lạc vào một sứ sở thần tiên. Nhìn qua cửa sổ toa tàu là làn nước trong xanh ngăn ngắt đến tận đáy, nhìn thấy từng hòn sỏi cuội và những đàn cá bơi lượn lờ. Mặt nước hồ như một tấm gương khổng lồ với màu xanh ngọc bích trong trẻo và sâu thẳm soi bóng những núi đá hùng vĩ. Người dân Nga quen gọi Baikal là Biển Hồ. Biển Hồ gắn với nhiều truyền thuyết, trong đó nổi tiếng nhất là chuyện ông già Baikal và cô con gái Angara. Ông già Baikal có tới 300 cô con gái, nhưng nàng Angara xinh đẹp và ngang bướng được ông yêu quý nhất. Để giữ cô con gái yêu, ông già Baikal đã nhốt Angara trong một tòa tháp cao. Nhưng những bức tường kiên cố không giữ nổi Angara, cô đã trốn ra ngoài để đi theo người yêu là Enisei. Cha nàng nổi giận, nguyền rủa Angara và ném theo một mảnh núi vỡ, chắn đường không cho nàng đến với người yêu. Vì vậy trong khi các nhánh sông đều đổ về Biển Hồ thì chỉ riêng có nhánh sông Angara không chảy vào hồ Baikal, mà lại từ hồ chảy ngược ra ngoài tìm đến dòng Enisei. Một truyền thuyết thật lãng mạn và tình cảm. Miên man trong dòng suy nghĩ, con tàu của chúng tôi chạy hơn nửa ngày mà đi chưa được ¼ chu vi của hồ. Lần đầu tiên trong đời tôi được chiêm ngưỡng một kỳ quan thiên nhiên đẹp tuyệt vời đến như vậy.
Đến chiều tối thì chúng tôi đến ga Yrkutsk, một thành phố trung tâm của Siberia thuộc Liên Xô. Trước đó trên tầu mọi người nhất là anh em đã đồn đoán là khi đến ga đoàn chúng tôi sẽ được đại diện của Thành phố long trọng đón tiếp và sẽ có các cô gái Nga xinh đẹp tặng hoa và ôm hôn. Không biết ai trong số chúng tôi phát kiến ra sự tưởng tượng này mà làm cho tất cả cánh con trai chúng tôi đều hồi hộp chờ đợi. Cuối cùng thì tầu cũng vào ga Yrkutsk, mọi người quần áo chỉnh tề đứng dọc hành lang tàu…Nhưng tàu đã đỗ được vài phút rồi mà chả thấy ai lên tặng hoa hay ôm hôn gì cả ngoài một chú sứ quán VN từ Moskva đến có nhiệm vụ đón tiếp và thông báo phân bổ đi các thành phố của chúng tôi. Vừa mệt mỏi vừa hơi thất vọng chúng tôi lên xe ôtô về tới ký túc xá của trường Sư phạm Yrkutsk.
Chúng tôi phải nghỉ tại đây vài ngày để kiểm tra sức khỏe và phân đoàn đi các thành phố. Các y bác sĩ người Nga kiểm tra chúng tôi rất kỹ, họ đặc biệt quan tâm đến những bệnh nhiệt đới như ghẻ lở và giun sán. Nếu kiểm tra và xét nghiệm mà phát hiện ra những căn bệnh này thì phải bị cách li ngay lập tức và thực hiện chế độ điều trị cho đến khi khỏi bệnh thì thôi. Có bạn phải nằm lại cả nửa tháng trời vì chuyện này, tôi nghe nói cũng có trường hợp phải quay trở về nước. Riêng tôi cũng lo sốt vó về chuyện này. Số là khi kiểm tra sức khỏe tại HN trước khi tập trung để lên đường sang LX, tôi có bị mấy nốt ghẻ ruồi ở kẽ chân do di chứng của thời gian đi sơ tán trước đấy. Ông bác sĩ đã cảnh báo trước. Tôi về tìm mọi loại thuốc từ thuốc mỡ lưu huỳnh đến ngâm chân lá xoan nhưng đều có vẻ không đỡ. Cuối cùng có người mách tôi đã đập một cục pin Con Thỏ ra và lấy dung dịch mỡ axít của nó bôi vào. Người tôi giật nẩy lên, xót quá. Nhưng quả là hiệu nghiệm chỉ sau 2 lần bôi nốt sần sùi đã bong tróc hoàn toàn đúng trước ngày lên đường sang LX.
Ở Yrkutsk được 1 ngày chúng tôi đã rủ nhau đi dạo phố. Người dân Nga rất thân thiện, nhưng cũng thật lạ không ít người, kể cả mấy bạn sinh viên sư phạm, chẳng biết Việt Nam ở đâu khi chúng tôi giới thiệu về mình. Buồn cười nhất là chúng tôi thực tập tiếng Nga. Anh Tất Thắng khi ra đường cứ tìm mấy đứa trẻ con để nói chuyện cho đỡ ngại, gặp thằng bé khoảng 3 tuối anh hỏi rất lịch sự: “Как вас зoвут?”. Thằng bé trợn tròn mắt khóc ré lên chạy về phía bố mẹ và chỉ chỏ vào chúng tôi như thể nhìn thấy người hành tinh khác vậy.
Ngày cuối cùng đã đến, chúng tôi gồm 9 đứa người Hà Nội: Khoa, Minh, Nam, Thắng, Đức, Khôi, Hùng, Dũng và tôi được Bộ ĐH&THCN phân về học tại TP Kishinhốp, thủ đô nước CH Moldavia nằm ở phía Nam cách Moskva khoảng hơn 2000 km. Quả thật lúc đó chúng tôi mới được biết là có một thành phố như vậy. Tâm trạng nói chung là buồn vì cứ nghĩ rằng chúng tôi thuộc diện được đi học theo nguyện vọng do lãnh đạo Bộ tuyển chọn thì chắc phải được học ở thành phố lớn như Moskva hoặc chí ít cũng là Leningrad, ở đấy mới có những trường nổi tiếng. Tôi nhớ có bạn còn bực tức nói sẽ viết thư về Bộ ĐH&THCN để hỏi cho ra nhẽ. Trước những ý kiến như vậy ông đại diện sứ quán có nói thêm rằng sau năm dự bị học tiếng Nga nếu em nào có nguyện vọng thay đổi ngành học hoặc trường thì làm đơn trình bày với Sứ quán. ĐSQ sẽ trao đổi với Bộ ĐH&THCN ở nhà để ra quyết định. Đại thể là như vậy, một kiểu xui trẻ con ăn…cứt gà. Còn trên thực tế cả 15 hạt giống đỏ chúng tôi đều đã học tập và tốt nghiệp Trường ĐH TH KGU chứ không phải một trường nào khác. Nhưng có lẽ chính vì được gắn bó suốt cả quá trình 6 năm học tập với KGU mà tình cảm của chúng tôi đối với nhà trường, với các thầy cô và bạn bè thật thắm thiết. Giờ đây lứa chúng tôi đã xa mái trường thân yêu hơn 35 năm nhưng mỗi khi nhớ đến là trong tâm trí mỗi người lại đầy ắp những kỷ niệm thân thương của một thời sinh viên tươi đẹp không thể nào quên.
Sau mấy ngày nghỉ ngơi ở Yrkutsk, chúng tôi lại tiếp tục lên tàu đi Moskva và Kishinhốp. Lại chia tay nhau, một số bạn phải ở lại để chờ ghép với đoàn tới sau. Sau gần 1 tuần lễ đi xuyên Siberi với những cánh rừng taiga bạt ngàn và những dòng sông Lena, Obi hùng vĩ, chúng tôi đến Moskva, Thủ đô của Liên bang Xô Viết. Ngay tối hôm đó các chú sứ quán đã đưa chúng tôi về nghỉ tại ký túc xá của Trường Thép Moskva. Một số bạn có người quen hay người nhà học ở Trường Thép này nên đã rủ nhau đi thăm, riêng tôi vì quá mệt đầu vẫn còn ong ong sau chuyến đi dài ngày nên vào phòng là ngủ thiếp luôn.
Tối hôm sau 9 anh em chúng tôi ra ga Kiev tiếp tục lên tàu đi Kishinhốp. Tôi nhớ là vào sáng sớm trời hơi se lạnh, sau hơn 2 ngày đêm lắc lư, xình xịch chúng tôi bước xuống sân ga Kishineu với cảm giác ngỡ ngàng. Xung quanh vắng lặng, rất ít người trên sân ga, ngoài phố cũng chỉ thấy thưa thớt vài chiếc troleybus chạy. Đón chúng tôi là mấy anh SV đã sang đây trước chúng tôi một năm. Tôi không nhớ rõ, hình như có anh Thanh, Tú (SV), anh Hà (Hóa) và vài người khác. Về nhận phòng tại ob 3 xong, bọn tôi lững thững đi dạo quanh khu ký túc xá, nhìn ngắm sân bóng đá, bóng rổ; đi vòng ra Dom kultury và nhà ăn với một cảm giác buồn vui khó tả.
Sáng hôm đấy các anh năm trên đến gặp chúng tôi để ghi danh sách nộp cho Trường chuẩn bị mua sắm giày dép và quần áo mùa đông. Tôi nhớ rất rõ anh Uyển (Hóa73) đã lên danh sách, đến lượt tôi anh hỏi tên để phiên âm ra tiếng Nga thì anh nói: “Em phải đổi tên thôi, trong tiếng Nga không thể phiên âm tên Huy được, nó là từ không đẹp, tùy em chọn thích tên gì khác.” Thấy tôi lúng túng, anh bảo: “Hay tên em là Hữu nhé, tên ấy cũng hay đấy, sang tiếng Nga sẽ là Khưu.” Thế là từ ngày đầu tiên trên đất Moldavia, tôi được khai sinh lần thứ 2 với cái tên mới và sẽ dùng nó trong suốt 6 năm liền. Cái tên Khưu (sau này mọi người trêu tôi gọi là Khửu cho nó ấn tượng hơn) đã gắn bó với cuộc đời sinh viên của tôi, gắn bó với cả tình yêu đầu tiên của tôi nữa. Cứ tưởng tên xấu, người xấu (cười ra khoáng sản mà) thì số phận cũng xấu. Nhưng không phải thế, tôi đã có một phần cuộc sống rất đẹp thời sinh viên, có được những người bạn và các thầy cô giáo tuyệt vời, đặc biệt là nhờ có cái tên ngồ ngộ ấy mà tôi đã tìm được cho tôi một nửa của mình. Cho đến bây giờ tôi vẫn luôn tin vào điều đó.
Người post: HuyTQ
Ngày đăng: 20-10-2010 22:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 10 của tổng số 10 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |