Toán Lý Chúng tôi (Phần 1)
Tác giả: Tự sướng đào ngũ
Toán Lý ảnh chụp năm 1976
Toán Lý chúng tôi
Ở КГУ sinh viên Việt Nam đã học 6 khoa: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Luật và Kinh tế. Hồi ở КГУ Toán Lý chúng tôi là một đơn vị của Hội đồng hương sinh viên Việt Nam. Chả là hồi ấy chúng tôi ở cùng một ký túc xá, ob 1. Mà hồi ấy dân Toán ít lắm, ghép lại là hợp lý. Theo thống kê, tổng số quân Toán Lý tất cả các khóa cộng lại thì cỡ như Hóa, thua Luật, thua Sinh.
Tôi nghĩ rằng khi xắp xếp chỗ ở, nhà trường cũng đã có những tiêu chuẩn nhất định. Theo tiêu chuẩn đó, Toán đi với Lý. Nghe cũng thuận đấy chứ. Toán và Lý là những môn khoa học gần nhau, với những con số, những phương trình. Nhưng Toán chỉ làm nền cho Lý mà thôi, cũng như Toán phục vụ cho các khoa học khác, chứ tự thân Toán đứng riêng thì chỉ là mấy ông tự sướng với nhau. Tất nhiên tự sướng cỡ Ngô Bảo Châu thì cũng nên tự sướng. Mà nghe kể lại rằng, để giải quyết các bài toán vật lý, các ông Newton, Einstein cũng làm Toán ghê lắm, còn chẳng thấy ông Toán nào làm được trò trống gì cho Lý. Cho nên dân Toán nói chung là yếu thế hơn. Đến mức ông Nobel còn không thèm cho giải Toán nữa là. Mà cũng phải thôi, thế giới phát triển là nhờ điện, nhờ máy hơi nước, nhờ laser, nhờ bán dẫn, toàn đồ vật lý. Ngay cả máy tính điện tử, vốn rất quan trọng cho xã hội hôm nay, thì phần linh kiện (chủ yếu là bán dẫn, laser, tinh thể lỏng, tức Lý) là 50%, phần mềm (Toán đấy) là 50%, huề.
Ký túc xá (ob1) của Toán Lý những năm 1970
Ở hội Toán Lý chúng tôi cũng tương tự như vậy. Bên Lý vẫn luôn “lấn át” anh em Toán. Họ đông hơn, họ lắm tài hơn (may mà khoản học hành thì có vẻ ngang ngửa nhau). Nhìn chung dân Toán chúng tôi lép vế hơn. Cũng phải thôi, dân Toán toàn anh chị ngô nghê, đơn giản, thật thà (thật thà như đếm, mà đếm là phép cơ bản của Toán đấy). Nói vậy thôi cũng chẳng có phân biệt gì giữa anh chị em chúng tôi. Chúng tôi thường có chút “vênh” một tý về kết quả học tập và chơi thể thao, hai khoản mà hình như Toán Lý có chút vượt trội. Mà dạo ấy ấu trĩ lắm, cho rằng sinh viên thì chỉ có hai món đấy mà thôi. Vừa rồi Hội trưởng HoaiPV (anh Hoài hiện là trưởng chi hội Toán Lý КГУ) có thống kê về “hệ số cưa” (bản quyền khái niệm này là của anh HienVC – Hóa 1974) thì hình như chúng tôi cũng đứng đầu bảng ớ КГУ (riêng lớp Lý 1977 có đến 3 đôi, làm gì chả đứng đầu). Như vậy khoản yêu đương chúng tôi cũng khá đấy chứ, đâu chỉ có học hành và thể thao.
Tôi sang КГУ năm 1974. Khi đó các anh Lý 75 (khóa đầu) vẫn còn chưa tốt nghiệp. Như vậy tôi có thể quen biết đến 9 khóa Lý. Nên tôi có vinh dự biết hết các anh chị em khoa Lý. Còn Toán thì ít hơn, hơn tôi có 2 khóa nhưng mỗi khóa chỉ có một người: anh Lọ (Toán 77) và chị Việt Nga (Toán 78). Toán mỗi lớp chỉ có vài người, như lớp tôi 5 người là vào loại đông rồi.
Các anh Lý 75 thì tôi biết ít lắm, anh Cơ, anh Công, anh Sơn, anh An, chị Cầm, chị ấy là nữ nhưng nghe nói học giỏi lắm. Chủ yếu biết các anh ấy trên sân bóng, hình như Lý 75 là một đội. Sau này gần đây đi Du Xuân cũng hay gặp mấy anh Lý 75, tôi biết hơn các anh như anh Cơ sáng tác rất nhiều văn thơ. Rất tiếc anh chưa giới thiệu nhiều trên web КГУ. Còn anh An thì rất thông thạo chuyện chính trường, có thể diễn thuyết cả buổi không hết. Anh Công thì đã là giáo sư. Mà dân Lý hơn hẳn dân Toán về học hàm học vị. Liên tiếp các lớp Lý 75 cho đến 78 đều có giáo sư. Toán chúng tôi phó giáo sư còn hiếm, giáo sư thì đâu dám với đến.
Toán Lý ngày bầu cử nước Việt Nam thống nhất 25/4/1976
Lý 76
Tôi kém các anh 3 năm. Khi mới sang chúng tôi ở cạnh mấy anh Lý 76, các anh Hoài, Hưng và Hùng. Hình như các anh ở phòng số 4, còn chúng tôi (mấy đứa Toán 79 cùng Hồng Đức Lý 77 và 1 cậu người Môn) sống ở phòng số 5 của Ob 1. Chúng tôi vừa mới sang, vào học ngay năm thứ nhất nên cũng có chút khó khăn (những năm trước thường được học dự bị 1 năm). Chúng tôi hay được các anh hỏi han, giúp đỡ. Tôi nhớ buổi tối chúng tôi thường ăn ở nhà ăn, còn các anh hay tự nấu cơm, giờ các anh ăn cơm thì tôi hay sang buồng các anh hỏi chuyện. Khi đấy tôi cũng chẳng rõ các anh Lý này thế nào, giỏi giang ra sao, là hàng xóm thì sang chơi thôi. Tính tôi có đôi chút la cà.
Thế rồi đến kỳ thi học kỳ 1. Có 1 buổi trưa tôi gặp các anh chị Lý 77 vừa đi thi về và nhờ anh Hùng (Lý 76) giải 1 bài thi nào đó (mà hình như các anh chị chưa giải thấu đáo). Tôi tò mò đứng nhìn, vì họ đều năm trên, còn tôi mới vừa vào đại học. Anh Hùng vừa viết, vừa giảng giải, tiếng Nga lẫn tiếng Việt. Tôi chỉ hiểu rằng, cuối cùng bài toán được giải xong và rõ ràng. Tôi cũng hiểu, các anh lớp này học giỏi lắm, nhìn các anh chị năm dưới nhờ vả là thấy ngay. Nói chung chúng tôi nhỏ hơn các anh Lý 76 nhiều, nên dù ở sân bóng, trong bếp hay ở góc đỏ, thường dựa cột mà nghe các anh ấy hò hét, cãi chọc nhau. Khoa Toán Lý sinh hoạt chung thì các anh ấy cũng ầm ĩ nhất. Ít nhất về số lượng con trai, lớp Lý 76 áp đảo các lớp khác. Anh Mạnh Đức có em gái học cùng dự bị với tôi nên tôi cũng hay hỏi chuyện anh ấy. Nghe đồn anh này học giỏi và chăm chỉ lắm. Phải tội ít nói hơn các anh khác. Sau khi tốt nghiệp КГУ tôi dạy ĐHBK HN cùng anh. Rồi cùng được cử đi sang Pháp làm NCS. Tôi và anh kể như vậy cùng nhiều trường với nhau. Bây giờ anh ấy làm việc ở Anh, tôi sang anh thăm con gái nhiều lần nhưng không gặp được anh ấy. Có thể nhắc đến một khía cạnh khác của lớp Lý 76. Hiện lớp này có khá nhiều anh đang làm việc ở nước ngoài: anh Lý, anh Khôi, anh Hưng ở Ba Lan, anh Đức ở Anh.
Lớp Lý 76 nổi tiếng có nhóm đông quần loe tóc dài. Dạo ấy tôi ít gần mấy anh quần loe tóc dài, trông các anh ấy có vẻ khó gần. Thế mà trong đám ấy, anh Huy sau này lại là rể lớp cấp 3 của tôi. Cái kỳ nghỉ hè năm 1975 ở nhà nghỉ Komunanhik ấy, tôi chẳng biết gì chuyện của anh ấy và Thủy. Có thể dạo ấy tôi còn bé quá chăng? Anh KhoaDT bây giờ hiền khô, nghiêm chỉnh kiểu người đàn ông mẫu mực, chịu khó làm khoa học, năm nay anh ấy vào cầu, vừa được phong giáo sư, vừa được giải Nhân tài đất Việt (tôi chưa thấy anh ấy khao gì cả). Tôi hay gặp các anh Lý 76 trên sân bóng. Đội các anh ấy chơi đều lắm, rất hay vô địch. Đội hình tôi nhớ được là Hoài, Hưng, Đức, Nam, Nhuận thì phải, còn thủ môn thường là anh Khôi. Nhưng có lần đội Toán chúng tôi thủ hòa đội các anh ấy, để rồi lần ấy chức vô địch lọt vào tay Sinh 78. Giải đấy các anh ấy cãi nhau ghê lắm vì mất chức vô địch. Lớp này có mỗi anh Hoài biết đánh bóng chuyền.
Lớp Lý 76, ảnh chụp năm 1976
Có thêm chi tiết nữa mà tôi không quên được với các anh Lý. Tôi từng được giao làm nhiệm vụ đưa thư của một anh Lý sang cho một chị Hóa. Làm chú Lượm cũng vui, tôi cũng có thân với mấy chị Hóa nên chẳng ngại. Được vài lần xem ra không có kết quả, chị Hóa không có phản hồi gì, nghe đâu chị kia bị cả lớp vây lấy nói xấu các anh Lý hết lời. Nếu vậy ai dám trả lời nữa. Nhiệm vụ của tôi chỉ được một nửa. Rút kinh nghiệm sau này tôi không có tỏ tình kiểu bằng thư từ nhờ qua người khác, nó nửa vời, nó một chiều và có thể không nên cơm nên cháo gì vì những yếu tố bên ngoài
Sau khi các anh Lý 76 về, khoa Toán Lý vì thế cũng không được phong độ như trước. Hồi ấy tôi hay nói chuyện với anh Hoài nhiều nhất. Vào 1 ngày anh ấy sắp về nước, tôi còn hỏi anh ấy 1 câu rất đàn ông, chẳng biết anh ấy còn nhớ hay không? Rồi Tết 2003, anh gọi điện cho tôi bàn về Du Xuân cho hội Toán Lý КГУ. Thế là đã 8 Du Xuân rồi, lần năm nay trở thành của toàn Hội КГУ. Web КГУ ra đời, tôi lại tiếp tục giao lưu với mấy ngự lâm quân Vờ Lờ 76. Duyên nợ với các anh ấy vẫn còn. Gần đây tôi hay gặp thêm anh Tường trong những lần vào HCM. Hôm rồi còn gặp anh LýMX, anh Tường ở nhà Phư, nhân chuyến công tác về Việt Nam của anh Lý. Anh ấy chẳng khác gì so với hồi ở Kishinev, rất hiền, thân thiện. Anh ấy vẫn đều đều xem web của hội КГУ, có chăng chưa có bài viết, mới chỉ dừng ở mức comment.
Lý 77-78
Ấn tượng đầu tiên khi đến Kishinev là tôi được các chị Lý 77 đón từ ga về, rồi cho ăn một bữa cơm ngon lành. Chẳng là từ khi rời Việt Nam hơn 12 ngày trên tàu, bữa cơm có bắp cải luộc đánh dấm cà chua tưởng còn ngon hơn cao lương mỹ vị. Chúng tôi ăn như lũ ma đói, còn các chị cứ đứng nhìn mấy con ma ăn uống. Chúng tôi kệ các chị ấy, cứ ăn, cứ uống, ăn xong mới kịp cám ơn.
Chị Bình nhỏ người, chị Cao Mai thì cao gầy, Chị Hải, chị Mai Hương, Dương Mai thì cao lớn hơn, chị Huệ da ngăm bánh mật và có cặp kính dầy cộp, ... Chị Dương Mai hay cười hơn cả, gần đây có lần xuất hiện ở nhà hàng Sơn Thủy trong bộ áo choàng đen, chúng tôi là chị là Ala Puga Trốp Mai.
Các chị Lý 77 thì khác hẳn với các chị Hóa 77, có vẻ đối nghịch nhau trong tính cách. Nhất là về khoản nói. Các chị Hóa nói nhiều bao nhiêu thì các chị Lý nói ít bấy nhiêu. Một bên có vẻ như tự do phóng khoáng, có chút phần tinh nghịch, nhiều người khiếp sợ, một bên có vẻ như kỷ luật, trật tự và chân chất, giản dị hơn. Được cái tôi chơi vui vẻ với cả bên này lẫn bên kia, tính tôi không câu nệ lắm về tính cách. Cái số tôi nói chung được các chị dễ mến (các em thì không rõ). Tôi còn nhiều ảnh chụp cho các chị Lý 77, không biết các chị còn giữ hay không?
Các chị Lý 77 đi dã ngoại
Thanh niên hai lớp này ít thể thao hơn các anh Lý 76. Bóng đá thỉnh thoảng có vài nhân vật ra góp vui, lấp chỗ trống. Bóng chuyền thì có anh Cổn, anh Thông tham gia trong đội bóng chuyền Toán Lý. Hai anh này làm 1 cặp, anh Thông nêu, anh Cổn đập. Cặp thứ hai là tôi và Hùng (Lý 79), tôi nêu cho Hùng đập. Đội bóng chuyền Toán Lý đánh làng nhàng với đội Hóa, đội Sinh, khi được khi thua. Đội Hóa tôi còn nhớ có cặp NCS anh Ban nêu, anh Tín đập, và anh đập chéo cổ tay rất khó đỡ. Trong khi bóng đá thì Toán Lý áp đảo. Thậm chí tôi chẳng nhớ Hóa có đội bóng đá. Về sau có thêm đội bóng đá Luật nữa.
Khác với Lý 76, Lý 77 và Lý 78 cân đối hơn về nam nữ. Có lẽ vì vậy 2 lớp này cũng giữ kỷ lục về “đánh bắt gần bờ”, có đến những 3 đôi (Lý 77) và 2 đôi (Lý 78). Còn phải kể thêm 2 đôi nữa của Lý 77, anh Đức-chị Linh (Sinh 78) và anh Lương-chị Thanh (Hóa 77). Nếu như các đôi của Lý 77 về những năm cuối mới rõ, thì khái niệm Công-Hồng-Lai-Kiệt (Lý 78) đã rõ ngay từ khi tôi mới sang như thể chuyện đó đã được sắp đặt từ trước rồi. Họ cứ như một bộ tứ (có siêu đẳng không thì không rõ), luôn gắn với nhau, nhưng rất dễ mến với những người khác. Đặc biệt chị Hồng là cây đơn ca nữ có hạng ở Kishinev hồi đó, hội diễn, meeting nào cũng góp phần. Trong các bài chị hay hát đến bây giờ tôi vẫn nhớ có bài tên là “Tình ca du mục”. Mà đệm cho chị chính là ban nhạc cũng của Lý, ban nhạc anh Khang, anh Lương (Lý 77); Công và Kiệt (Lý 78). Mới hôm rồi chị có nhờ tôi post mấy bài lên, toàn bài quen thuộc. NguoiKGU hưởng ứng nhiệt liệt, họ lại tìm thấy một ca sỹ thân thuộc của mình khi xưa.
Tôi nhớ là anh Công, anh Kiệt đều mê môtô, sắm môtô chạy chơi, còn chúng tôi khi gần về mới sắm cái xe đạp Sport hay Sputnhik là để về Việt Nam đi. Anh Kiệt hình như còn mê vô tuyến lắp đài gì đó nữa. Mới đây bạo bệnh đã không cho chúng ta gặp được anh Công.
Cho nên tôi hay giao lưu với mấy anh độc thân của Lý 78 hơn. Có nhân vật Báu, được gọi là “Giáo sư Báu”, không rõ cái chức giáo sư được gắn với Báu khi nào? Không hiểu sao hồi đấy Báu rất hay ủng hộ đội Tiệp trong môn hockey trên băng, đội luôn là kình địch với đội Liên Xô. Có lần mâu thuẫn giữa Báu và phần còn lại lên đến đỉnh điểm, anh em hò nhau bê Báu và chực quẳng qua cửa sổ tầng 2 xuống đất. Cũng may là khi bê đến cửa sổ, anh em tỉnh ra là dù sao đây cũng là đồng đội của chúng ta, nó có dở hơi ủng hộ đội Tiệp thì cũng không thể đối xử với nó như thế được. Vì thế mà bây giờ nước nhà vẫn có một vị giáo sư vật lý vốn là NguoiKGU. Khi chúng tôi lên năm thứ 5 và chuẩn bị về nước, Báu lại lù lù từ Việt Nam sang làm NCS, nên hắn còn ở lại sau chúng tôi nhiều.
Anh Hồng Đức (Lý 77) thì ở cùng phòng chúng tôi khi chúng tôi mới sang. Anh dạy dỗ chúng tôi nhiều thứ, nào là ăn uống không được top tép, nào là rửa mặt bằng tay rồi dùng khăn khô lau, nào là đi thi chúc nhau câu gì, ra sân bóng chửi bạn Nga (hay Môn) thế nào, đủ cả. Nói đến anh Đức thì phải nói đến bộ 3 các anh Thắng (Lý 76), Lọ (Toán 77) và Đức (Lý 77). Bộ 3 này ham mê đánh cờ lạ lùng, nghiên cứu từ sách bài bản đến thường xuyên mua báo về cờ vua để tham khảo. Thậm chí có anh bỏ cả học chỉ tập trung đánh cớ, cờ là lẽ sống. Nên những người khác không thể vươn tới thế giới cờ của họ được. Họ chơi với nhau, họ luận với nhau. Và họ choảng nhau trong phòng kin (vì đánh cờ, tất nhiên, anh Thắng và anh Lọ), rồi họ gọi mỗi người một xe cấp cứu chứ nhất quyết không đi xe chung gây bao tốn phí cho nhà nước Xô Viết Moldva nhỏ bé. Cái giai thoại nổi tiếng đó chỉ tôn thêm họ trong làng cờ Việt Nam. Anh Thắng là Tổng thư ký Hội cờ vua Việt Nam từ ngày đầu cho đến hôm nay. Anh Đức và anh Lọ thì đào tạo cờ vua cho lớp trẻ, thậm chí anh Đức chuyển sang làm nghề chuyên nghiệp luôn. Còn anh Lọ thì nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo, con trai anh đâu cũng tham gia đội tuyển Việt Nam. Chúng ta tự hào vì sự đóng góp của các anh vào sự phát triển cờ vua Việt Nam. Anh Thắng còn được huân chương Lao động nữa vì thành tích này. Đâu cứ phải là vật lý, cứ phải làm khoa học mới có đóng góp.
Anh Đức còn có chiến tích “cưa khoa khác, năm khác”, hệ số cao hơn hẳn 5 đôi khép kín kia. Không rõ nhờ võ gì mà anh cưa đổ chị Linh, hoa khôi của Sinh 78. Tôi vào HCM vẫn hay gặp anh chị, một phần chị Linh là Tổng thư ký Hội КГУ HCM (trong ấy họ theo chế độ vua Lê, chúa Trịnh). Anh chị đang bận rộn và vui vẻ vì mới lên chức ông bà nội. Chị Linh rất chịu khó học hỏi, bây giờ là một cây bút cự phách của HCM trên web. Còn hầu hết các buổi gặp mặt trong HCM đều qua tay chị đạo diễn.
Lý 77 có một anh Vinh rất đặc biệt, năm thứ 3 tôi đã sống cùng anh một phòng. Thực ra anh ấy bị bệnh, xếp ở không dễ vì mọi người đều có nhóm với nhau. Năm ấy tôi là đơn vị trưởng Toán Lý nên được xếp cùng phòng với anh và một cậu người Môn. Anh ấy không bình thường, bị hoang tưởng lúc nào cũng nghĩ bọn thù địch với anh ấy hãm hại. Khi đi ngủ anh ấy chui đầu vào 1 cái xô tôn đã được cuốn đầy dây đồng theo đúng lồng Faraday, có chức năng bảo vệ không gian bên trong cái xô khỏi các trường vật lý khác. Chứng tỏ anh ấy nắm khá vững lý thuyết vật lý. Cậu người Môn thì suốt ngày uống rượu, người lúc nào cũng mùi rượu.
Tuy nhiên anh Vinh rất tình cảm với tôi. Hôm liên hoan tiễn các anh chị năm thứ 5 về nước, anh ấy còn yêu cầu tôi song ca cùng anh bài “Khi chiếc là xa cành, lá không còn màu xanh”. Nghe nói sau này anh không qua được bệnh này và đã ra đi sau vài năm từ khi tốt nghiệp.
Khoa Toán
Ở КГУ khoa Toán luôn khiêm tốn về quân số. Nhiều khi chúng tôi chỉ bằng 1 lớp của khoa khác. Cũng vì thế chúng tôi luôn phải ghép với khoa Lý về tổ chức hội đồng hương. Bóng chuyền chúng tôi không lập nổi một đội, nhưng bóng đá thì đội Toán đá không đến nỗi tồi. Văn nghệ rất ít khi chúng tôi có được tiết mục độc lập (có 1 lần với tiết mục kịch thì đội Toán độc lập diễn).
Do ít nên có chất lượng. Khoa Toán học khá đều và điểm thường cao nhất trong sinh viên Việt Nam. Đối với chúng tôi, điểm thi 4 là khá xa lạ. Bảng xếp hạng mỗi kỳ thi hay được dán ở bảng tại các ký túc xá, khoa Toán luôn đứng đầu.
Người đầu tiên học khoa Toán КГУ có lẽ là anh Lọ, tốt nghiệp năm 1977. Khóa này chỉ có mình anh là sinh viên Việt Nam. Anh nổi tiếng chơi giỏi cờ vua. Tiếp theo là chị Việt Nga, tốt nghiệp 1978, cũng một mình chị một lớp (chị Việt Nga đã đi xa cách đây vài tháng vì bạo bệnh). Tiếp theo là chúng tôi khóa 1979, 5 người. Khóa 1980: Cẩm, Lan, Huy, Dục và 1981: Bình, Châu, Chi Mai, Thanh, đều 4 người. Khóa 1982 chỉ có một mình em Nam Mai, khóa 1983 có Dũng và Hải. Tôi không rõ các bạn các khóa sau đó vì đã về nước. Khóa cuối cùng 1994 cũng chỉ có 2 bạn. Hình như ở trường tổng hợp Matxcơva và Minxk, người Việt học Toán đông hơn ở Кишинёв nhiều. Sau này khoa Toán vẫn có học sinh đến năm 1994, nhưng về sau tôi không biết nữa. Gần đây biết thêm Tảo (Toán 84), Diễm Hồng (Toán 88), Tú Huyền (Toán 1991) và Đạt, Tùng (Toán 1994) qua những quan hệ khác. Nhưng rất tiếc các bạn này hầu như chẳng lên mai đàn lẫn web đàn КГУ. Nhắc nhở thì như Tảo viết trả lời “Báo cáo anh ngày nào bọn em cũng vào xem studentkgu. Chỉ có viết lách thì chịu anh ạ, anh thông cảm nhé”. Rõ chán, làm sao mà thông cảm được cơ chứ.
Dân Toán ít sôi nổi hoạt động như các khoa khác. Có thể vì ít quân số, cũng có thể là bệnh nghề nghiệp, Toán là logic, chặt chẽ và khô cứng, suốt ngày chứng minh cái này, chứng minh cái kia. Giống như các bạn nam, các bạn nữ học Toán cũng có vẻ không năng động như các khoa khác. Cái môn Toán chẳng có gì hay ho cả. Rất may sau này chúng tôi cũng rẽ sang nhiều ngả khác. Chúng tôi không đủ đông để làm thành một trường phái, trong khi người Hóa, người Sinh, người Luật đi đâu cũng gặp ở Việt Nam. Trên mạng bây giờ dân Toán cũng ít xuất hiện, chúng trốn đi đâu ấy. Chỉ có tôi (do trách nhiệm) và thưa hơn là PhưNĐ, ChâuHM còn lên tiếng để người ta biết đến là có khoa Toán ở КГУ.
Khoa Toán đi dã ngoại năm 1978
Tôi muốn viết chút ít về chị Việt Nga, người chị của khoa Toán. Chị có mỗi một mình một lớp, nên hay ở chung với chị Hồng và chị Lai (Lý 78) cùng năm. Chị rất vui tính, hay cười đùa và tiếu lâm, có nét nghịch ngầm vốn không hay thấy ở nữ Toán. Chị thuộc loại người vui vẻ, thẳng tính nên dễ gần, đặc biệt dễ gần với bọn con trai vốn đông đảo trong dân Toán Lý. Khoa Toán ít người nên chúng tôi khá gần gũi nhau, cả mấy em Toán năm dưới nữa. Mỗi khoa có những nét riêng tư, có những góc của riêng họ. Dân Toán cũng vậy, đơn giản, thật thà, ít hoa lá cành.
Chị và Thái Sơn lớp tôi thành đôi. Hôm đám cưới Sơn uống rượu hơi nhiều ở nhà cô dâu, tôi và 1 bạn nữa học với Sơn từ lớp 7 phải dìu chú rể về nhà để còn làm lễ đón dâu. Giai thoại này mấy chục năm sau gặp lại mẹ chị Nga, bác vẫn nhắc lại. Chị là một người vợ đảm đang, chăm lo cho chồng rất nhiều, là chỗ dựa vững chắc cho Sơn.
Những tưởng hai bạn tôi hạnh phúc lâu dài, nhưng bạo bệnh đã khiến chị Nga phải đi xa cách đây ít tháng. Hôm chúng tôi mời dân Toán đến chơi và chia sẻ những tư liệu của chuyến đi TRỞ VỀ, chị Nga còn ngồi dịch cho chúng tôi đoạn ông thầy của Sơn kể chuyện tiếu lâm, vì số đông không hiểu hết. Mới đấy thôi mà khoa Toán đã phải sớm chia tay chị.
(Còn tiếp phần 2)
Người post: NgocBQ
Ngày đăng: 14-12-2010 15:03
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 4 của tổng số 4 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |