KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 18 Tháng tư. 2011

THĂM ANH BÙI VĂN THÌN OB 76




Tác giả: ThinhTT

           Ở Đầm Long , gặp Nông Văn  Hải tôi hỏi thăm những người của OB 76 vắng mặt như Mạnh, Thìn , Hoàng, vì sát năm, nên cánh con trai biết nhau nhiều, thì mới biết Bùi Văn Thìn bị bệnh parkinson mà ở  ngay cùng quận Gò Vấp tp Hồ Chí Minh với tôi. Anh bị bệnh, hèn nào  không  có mặt trong các cuộc gặp mặt của ACE KGU tại thành phố Hồ Chí Minh; Nhớ lại, có lần tôi cũng  nghe loáng thoáng  Anh Thắng ( OB 73 ) nói là Thìn run tay ở tp  và Trần Bích Lam ( OB 77 ) có  hợp tác  làm đề tài với Thìn. Vì vậy, từ Đầm Long về,  tôi điện ngay cho Lam để lên kế hoạch thăm Anh. Mặc dù rất bận, nhưng Lam nhận lời và bố trí  công việc để đi ngay.

            Trên đường đi, Lam kể thêm, Khi  Lam dạy  một  lớp, mới biết  cô sinh viên tên Trang là con a.Thìn. Biết a.Thìn đã vào tp Hồ Chí Minh, từ đó Lam mời  Anh  hợp tác làm đề tài và gửi sinh viên  sang chỗ Anh  thực tập ; Khi cháu Trang ra trường năm 2005, Lam cũng hỗ trợ xin việc cho cháu. Chúng tôi đến nơi đã thấy cháu Trang và vợ a.Thìn (chị Vũ ) ra mở cổng, chả là  nhà Anh    khu dân cư mới, đường  trước kia  mang chữ cái, nay mới đổi sang số,  nên sắp đến nơi Lam phải gọi điện hỏi lại cho chắc ăn. Vừa mở cổng,  chủ nhà vừa chào khách tíu tít , tôi đi cùng  nên cũng được  thân lây. A.Thìn chầm chậm từ hiên  bước xuống sân , ra tận cổng đón chúng tôi. Anh gầy quá. Với bộ khung to, trông Anh lại càng gầy. Tôi bắt tay Anh. Cái bắt tay của Anh còn khỏe. Tôi hỏi Anh còn nhớ ai không ? Xa nhau 34 năm rồi., tôi có nhiều thay đổi nhất là  khi bỏ mũ ra, vì tóc trên đầu đã đi sơ tán gần hết. Nhưng  nghe thế, Anh cười, nắm tay tôi chặt thêm và  gọi đúng tên tôi.

            Vào nhà, chúng tôi hỏi thăm tình hình sức khỏe của Anh và chuyển lời thăm của nhiều người tới Anh. Chúng tôi đưa bộ sách Người KGU mà lớp OB 76 gửi làm quà cho Anh; Anh mừng lắm . Nhân tiện, chúng tôi kể chuyện  việc thành lập hội KGU, nội dung và hoạt động của trang web studentkgu như thế nào? Chúng tôi nói cháu Trang mở trang  web cho bố xem ảnh , để nhớ lại những bạn cũ. Anh nghe chuyện, mắt chớp chớp, miệng cười chúm y hệt như thời  xưa. Nghe kể đến du xuân Đầm Long, a.Thìn lắng nghe hào hứng lắm. Chắc người nghe đang đói thông tin, chứ chẳng phải, người  kể chuyện hấp dẫn. Tôi kể cuộc họp mặt từ khóa 67 đến khóa 94 của KGU có đến 200 người, Anh tỏ ra ngạc nhiên và kêu đông thế. Khi kể đến màn giới thiệu của khóa 76, tôi kể tên các bạn, Anh hỏi Hải bột thế nào? Có lẽ chuyện cũ, Anh còn nhớ nhiều. Chị    cũng công nhận; Những chuyện cũ thì Anh ấy còn nhớ, nhưng cũng không biết còn nhớ được bao lâu nữa, nhưng chuyện mới , thì lúc nhớ  lúc quên. Tôi gọi điện cho NVHải, để hai bạn nói chuyện với nhau. Anh cũng chỉ nghe Hải  và nói  được vài câu, rồi đưa máy cho vợ.  Anh không nói được dài, mặc dù muốn hỏi,  muốn biết nhiều về bạn bè và muốn kể về gia đình mình cho bạn bè nghe.

             Năm 94, vào tp Hồ Chí Minh, gia tài chính của gia đình là số tiền lĩnh một lần khi chị Vũ nghỉ việc, nên Anh, Chị phải vay mượn nhiều mới đủ mua lại xuất đất  của bộ đội được chia và làm nhà 2 tầng  để có chỗ chui ra chui vào. Khi ở Nha Trang, vì ở nhà tập thể nên khi  đi phải trả lại, thế là trắng tay về nhà cửa. Cũng may, thời kỳ đó giá nhà đất còn rẻ. Cuộc sống tiếp theo thật vất vả. Sinh hoạt của cả nhà, tiền học của hai cháu  trông vào việc làm tự do của Chị, còn tiền lương của Anh thì để trả nợ. Nếu cái sân gần 30 m2 mà làm kiôt cho thuê, chắc hàng tháng cũng kiếm thêm được 4, 5 triệu bù vào. Nhưng chị nói, để cho yên tĩnh và Anh có chỗ đi lại  tập tành. Cái khó nó cứ chồng lên. Nhưng cũng may, hai cháu đều khỏe mạnh và học giỏi, Cháu trai, học trường chuyên Lê Hồng Phong – trường PTTH đầu bảng của tp Hồ Chí Minh, hiện đang học đại học năm thứ nhất tại Sing, bằng học bổng toàn phần; cháu Trang tốt nghiệp Bách Khoa năm 2005, nay đang làm cho công ty mỹ phẩm của Mỹ tại thành phố. Mẹ thì yếu, nên những năm vừa qua Trang cũng giúp chị lo toan được  nhiều việc. Mong sao, chị và cháu Trang khỏe mạnh vững tinh thần để chăm sóc Anh. Cô Lam hỏi cháu có người yêu chưa ? Cháu nói là đang giai đoạn xét duyệt. Chị Vũ cũng bộc bạch, cháu trai đi học 4 năm, rồi phải ở lại làm trả nợ 3 đến 5 năm, nên cháu Trang có lấy chồng cũng  bắt phải ở rể. Mong anh chị sớm bắt được rể thảo, trong nhà sớm nở tiếng cười  hạnh phúc.

 Câu chuyện về gia đình, về việc làm của Trang về việc học của cháu trai cứ đan xen giữa 4 chúng tôi, còn Anh ngồi nghe thỉnh thoảng cười hoặc gật đầu như tán thưởng.

            Điều quan trọng của buổi thăm này, là tôi muốn biết thêm về bệnh tình của Anh ngoài những điều Lam đã kể, nên hỏi nhiều chị Vũ và cháu Trang.

Qua chuyện  được biết, từ khi về nước anh Thìn làm ở viện sốt rét ký sinh trùng tw, còn chị là giáo viên. Cũng không kịp hỏi về mối tình của anh chị. Năm 84, Anh chuyển vào viện paster Nha Trang, chị được nhận làm hành chính của viện. Ở đây, Anh tham gia nghiên cứu và sản xuất vacxin phòng chó dại, làm việc nhiệt tình. Công việc của Anh được đánh giá cao. Nhưng chị Vũ cho biết, ngày nào về nhà – ở  tập thể , người Anh cũng sực mùi hóa chất, formol mặc dù đã tắm rửa, thay quần áo.

 Đến năm 94, cơ may đến. Anh xin vào phân viện sau thu hoạch tại tp Hồ Chí Minh. Chị Vũ phải nghỉ việc. Đến đầu những  năm 2000, sự mỏi mệt trong cơ thể Anh bắt đầu xuất hiện. Anh  và gia đình bước vào cuộc chiến, khám  để tìm bệnh. Đi khám khắp các bệnh viện trong thành phố nhưng vẫn không phát hiện ra bệnh gì. Người vẫn mệt. Trong lúc chúng tôi nói chuyện, Anh rất chậm rãi nói xen vào : sức khỏe quí nhất, làm tôi giật mình, vì câu nói đúng bối cảnh.

Thời gian này, cơ quan  cho Anh  làm việc theo nội dung tự chọn và không quản lý thời gian. Năm 2005, Anh thuê bác sỹ, kỹ thuật viên và phòng thí nghiệm của bệnh viên quân đội 175 để triển khai đề tài – tôi cũng chưa tìm hiểu được là đề tài gì ?. Lúc này,  Anh  bắt đầu  nói và đi lại hơi chậm. Bác sỹ cùng làm với Anh nhờ bạn là bác sỹ thần kinh kiểm tra thì khẳng định anh có biểu hiện của bệnh parkinson. Có lẽ lúc này, biểu hiện lâm sàng của bệnh đã rõ ràng, nên các bệnh viện  khám lại đều có cùng một kết luận như trên. Bệnh viện Gia Định, nơi Anh đăng ký bảo hiểm y tế đưa ra phác đồ điều trị. Nhưng bệnh vẫn  phát triển vì thuốc bảo hiểm y tế  hạn chế và  do bệnh phát hiện quá muộn.

 Chị Vũ cùng gia đình lại tiếp tuc chạy khắp nơi, với hy vọng chữa  khỏi bệnh cho Anh, dù có phải bán cả nhà. Cháu Trang sục sạo trên  mạng, đến năm 2006 cũng liên hệ được với giáo sư bác sỹ nước ngoài chuyên gia về bệnh này. Qua hồ sơ xét nghiệm và  quan sát trực tuyến, ông khẳng định  Anh bị bệnh parkinson nhưng ở thể cứng - vùng não bộ bị tổn thương, dần dần gây liệt toàn thân ; Nếu là  parkinson thể mềm –  dạng run tay chân, thì  có thể phẫu thuật não, cấy thiết bị vào vùng não tổn thương có thể giảm gần như tối đa  biểu hiện  run của tay chân  được tám năm, sau đó lại thay thiết bị mới. Nhưng thể cứng thì không làm thế được, mà hiện giờ chỉ  uống thuốc . Có uống thuốc mới đi lại được, nhưng kèm theo nhiều tác dụng phụ mà nặng nhất là mất dần trí nhớ. Bao hy vọng  của gia đình bị tan biến. Trước Tết Anh có thể giúp  chị cắm được nồi cơm hay máy giặt. Nhưng bây giờ Anh không còn làm được nữa. Bệnh tình phát triển nhanh. Chị Vũ và các cháu chỉ còn mong sao, cho bệnh của Anh phát triển chậm lại, chậm lại nữa.

 Không biết hiện nay có biện pháp điều trị nào hiệu quả hơn không ? Nếu biết, xin ACE mách bảo.

Năm 2010 Anh chính thức nhận sổ hưu.

            Trong khi nói chuyện, chị Vũ hay nhắc lại : nếu không vào Nha Trang, chắc Anh không bị bệnh này. Có phải thế không ??? Nếu đúng, thì đây là tai nạn lao động rất đau lòng, vì người làm việc không được bảo vệ ở mức tối thiểu nhất.

            Anh ngồi không được lâu.

            Chúng tôi đành chia tay với gia đình. Anh ra hiên tiễn và nhìn theo.

            Cầu mong sao,  cứ mỗi khi bạn bè đến thăm, Anh vẫn nhận ra người quen và lúc về Anh đều  ra tiễn được.

Thế cũng là  hạnh phúc lắm rồi.

 

            Bùi Văn Thìn OB 76 , số nhà 13 đường 11, phường 17, Quận gò Vấp tp Hồ Chí Minh, điện thoại (08) 38952982, cũng là một địa chỉ đỏ, cho  những tấm lòng nghĩa tình của người KGU đến  thăm hỏi và sé chia.

           

 

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 18-04-2011 09:09






Xem 1 - 10 của tổng số 14 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: ManhNX
26/04/2011 02:39:41

Các ACE thân mến,


Lâu nay không vào TpHCM nên không biết thêm về anh Thìn lơp OB76 (SV76). Bài viết của Anh Thịnh cho tôi biết thêm tình hình của anh Thìn. Lớp tôi có 2 người tuổi thìn là anh Thìn và bạn Kiề Thị Thư cùng làm việc ở Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội từ năm 1976. Bạn Thư đã ra đi vì ung thư 2năm rồi. Còn anh Thìn thì bị bệnh. Dịp năm 2009 tôi vào Tp HCM có gặp ACE ở nhà Lam, tôi đã đến thăm anh Thìn tại nhà và từ đó anh đã nghỉ việc chờ nghỉ hưu. Anh vẫn còn đùa là tớ ngồi chơi xơi nước chờ sổ hơu. Năm đó Lam đã nói con gái Trang của anh Thìn tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm và làm cho một công ty liên doanh có lương cũng khá, có thể hỗ trợ gia đình. Còn cháu trai thì có lẽ là vào đại học năm ngoái.


Sáng nay nhân thày giáo dạy tiếng nga sang VN, tôi có gọi điện và nói chuyện với anh Thìn, nhưng anh nói rất chậm. Tôi có nói đùa có ra Hà Nội để đi chơi với vợ chồng thày Arkadii Ivanovich Vưcochanxkii không? Anh không nói gì. Lớp dự bị học tiếng nga với thày có 5 người thì tôi và anh Thìn là con trai, còn 3 bạn gái là Tỵ A, Tỵ B và Vân. Tôi điện thoại cho bạn Vân nhưng có tiếng con trai trả lời khẳng định là số máy di động của bạn Vân, nhưng sau đó là tắt máy. Bạn Vân từng là GĐ sử KHCN tỉnh Tuyên Quang. Hồi đó tôi hay lên TQ dạy hàm thụ bao giờ cũng vào nhà Vân chơi. Vợ chồng Vân rất nhiệt tình, luôn mua các thứ về nhf ăn với đặc sản cơm lam (Lúc đó TQ cấm quan chức không được tiếp khách ở nhà hàng!!!).


Rất tiếc là vừa rồi tôi ốm 1,5 tháng không đi Đầm Long được.


Trông ảnh thấy anh Thịnh vẫn phong độ.Có lẽ chị Hoa chăm sóc kỹ quá nên tóc của anh ngày càng ít đi.


Có lẽ ngày mai các PV sẽ post ảnh chụp buổi liên hoan tối nay với vợ chồng thày Arkadii. Thật cảm động, do nỗ lực của các học trò của thày và các ACE mạnh thường quân nên thày cô có dịp thăm VN.


Tối nay thày phát biểu rất cảm động. Thày nói là có lẽ đây là dịp cuối cùng vợ chồng thày có dịp thăm VN (đi xa), còn khi tuổi càng cao thì khó.


Cac ACE trong TpHCM thỉnh thoảng thăm anh Thìn, động viên anh cứ vui vẻ mà sống như ông thày người Đức của bạn NV Hải.


Chúc mọi người mọi sự tốt lành.


Mạnh OB76 (SV76)



Từ: LinhND
20/04/2011 18:14:05

Lam viết mail cho hcmkgu để ai có thời gian đến thăm và động viên a Thìn nhé. mình chưa đc add vào mal này. hy vọng khi có đk mình cùng cậu tới thăm anh và gđình. 



Từ: HaiNV
20/04/2011 17:10:55

Nhớ ngày xưa học cùng, Thìn là bạn cao to nhất lớp OB76 của chúng mình. Cùng với Pha, Thìn rất đẹp trai. Trong lớp Thìn học rất chăm chỉ, chịu khó. Ngoài thời gian học, bọn mình còn hay đánh bóng chuyền với các năm khác (con trai lớp mình có 6 thằng, vừa đủ một đội bóng, không có người thay). Thìn còn rất thích ngồi một mình chơi guitar, trong phòng ở sinh viên của Thìn bao giờ cũng treo một cây đàn guitar, khi về nước hành trang của Thìn có cả cây đàn này! Nhớ khi mới về nước, Thìn và Diệu cùng lớp mình đều làm ở Viện Sốt rét, bọn mình thỉnh thoảng còn gặp nhau, sau Thìn vào Nam mới bị mất liên lạc. Bọn mình tin rằng Thìn vẫn yêu âm nhạc như ngày nào. Bệnh Parkinson, theo những gì mình biết, là bệnh rất vất vả của tuổi già, nhưng là bệnh có thuốc điều trị, hỗ trợ;  kết hợp với sự kiên trì tập luyện và sự chăm sóc hết lòng của vợ và các con Thìn, mình tin rằng nhất định Thìn sẽ vượt qua!


 PS.Mình có ông Thầy người Đức, bị Parkinson từ năm 50 tuổi, nay Thầy 72 vẫn lạc quan yêu đời và cố gắng làm được rất nhiều việc có ích. Trên thế giới, những người nổi tiếng như võ sỹ quyền Anh Muhammad Ali (Mỹ, sinh năm 1942) cũng bệnh Parkinson; hay Giáo hoàng John Paul II (Gioan Phao Lô đệ nhị, sinh năm 1920, mất năm 2005), từng phát hiện bệnh Parkinson từ năm 1991.



Từ: LamTB
20/04/2011 15:19:01

Anh Bùi Văn Thìn mắc bệnh khi chưa tới 50 tuổi. Theo anh kể, bắt đầu là chứng nhược cơ. Tay chân yếu dần. Khi gặp lại anh ở Viện Công nghệ Sau Thu hoạch, năm 2003, tôi thấy anh còn tự làm một số thí nghiệm, nhưng anh nói không đi xe máy được, phải đi làm bằng xe buyt. Lần đầu tiên vợ chồng tôi tới thăm gia đình anh, anh chị nói chuyện rất vui vẻ. Tôi ngạc nhiên khi chị nói rằng thời sinh viên tôi chơi thế. Thôi chết rồi, thì ra là do tấm ảnh trên bờ biển TRAICA mùa hè 1973 mà 3 đứa con gái chúng tôi bị dụ chụp chung với VL76 và OB76. Tôi mời anh tham dự các buổi gặp mặt với bạn bè, anh cũng thích tham gia nhưng đi lại thật khó khăn hạn chế. Chỉ có một lần anh tới họp mặt với các bạn tại nhà tôi hình như nhân dịp có anh Mạnh. Lần này tháp tùng anh Thịnh tới thăm gia đình anh Thìn tôi thấy anh trông tiều tụy hơn nhiều. Thật buồn là chị cũng không được khỏe. Nhưng mừng rằng anh chị có 2 đứa con rất tuyệt vời. Cháu Trang nay là trụ cột, vừa phấn đâu trong công ty, vừa lo chuyện đưa bố đi bệnh viện, lại còn là nguồn động viên em trai yên tâm học tập ở NUS. Giá có phép màu mang đến cho anh chị thêm sức khỏe! Tôi cũng xin lỗi OB76 là không lên tiếng trên mail khi các anh chị tìm anh Thìn, cũng giống như tôi im lặng khi có người tìm Phẩm Hạnh, vì anh Thìn cũng như Hạnh không giao tiếp trên mạng với ACE được.



Từ: KhoaDT
19/04/2011 11:25:43

Tuy khác lớp nhưng cùng là khóa 70-76, tôi vẫn rất nhớ hình dáng của Thìn, người bạn đồng niên tính tình hiền hậu, cùng tuổi Nhâm Thìn (?). Nay nhìn ảnh vẫn thấy nét xưa mặc dù bệnh tật và thời gian cũng đã làm Thìn thay đổi nhiều. Đọc bài viết của anh Thịnh tôi cũng rất xúc động và thành tâm mong Thìn vững vàng tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Bản thân tôi đã có người Mẹ từng phải chống chọi với bệnh Parkinson cho đến những ngày cuối cùng của đời nên rất thông cảm với hoàn cảnh của Thìn. Hi vọng trong những năm tới sẽ có những thành tựu nghiên cứu mới về điều trị Parkinson được đưa vào ứng dụng trong Y tế và Thìn sẽ được điều trị tốt hơn !  



Từ: TyTN
19/04/2011 11:12:40

Doc bai viet cua Thinh toi that suc dong. Toi cung lop voi Thin (OB76) , nhung suot tu ngay ve nuoc den gio toi chua he mot lan gap lai Thin. Co lan Thin tu Nha Trang ra Ha Noi va gap cac ban trong lop thi hom do minh lai ve que khong den duoc. Gio duoc biet Thin bi benh nang minh thay thuong THin qua. Qua mail dan KGU minh thanh tam gui toi Thin va gia dinh loi tham hoi chan tinh, cau chuc cho benh cua Thin duoc thuyen giam, de co dieu kien chung kien duoc su truong thanh cua hai chau. Xin chan thanh chia se su vat va cua vo Thin, cau troi cho ban co suc khoe tot de phuc vu chong con. Cam on Thinh da thay mat chung minh toi tham va dua tin tuc ve Thin, neu co dieu kien vao Sai gon nhat dinh minh se toi tham Thin. 



Từ: ThongNV
18/04/2011 22:10:43

Tôi thấy Nhuận nói người già hay mắc bệnh này là đúng, không phải do nhiễm hóa chất. Tôi có một ông anh đồng hao cũng mắc bệnh như anh Thìn, anh không đi bộ đội ngày nào, gần nửa cuộc đời anh sống ở nước ngoài vì anh là cán bộ ngoại giao. Thế mà sau khi nghỉ hưu chưa được 2 năm anh thấy mệt, sau đó chân tay run run và bệnh càng ngày càng nặng.


Tôi có đọc một bài báo nói là những người thường xuyên uống cafe thì khi về già thường ít mắc bệnh run tay, run chân. Không biết bài báo này viết có đúng không.



Từ: NhuanNT
18/04/2011 21:45:03

Hôm nay tôi chưa có đủ thông tin và thời gian để viết về cách chăm sóc bệnh này. Nhưng để cho minh bạch và gia đình đừng băn khoăn, bệnh này rất phổ biến ở người có tuổi, khoảng 1% trong số người từ 60 trở lên và không rõ nguyên nhân (Lippincott, Manual of nursing practice handbook, 2006), nên việc suy luận do nhiễm đôc hóa chất chỉ là phỏng đoán không căn cứ và dễ làm ta phiền muộn.


Có thể dùng thuốc để làm chậm sự thoái hóa của vùng não substentia nigra ( liên quan đến việc kiểm soát và điều khiển vận động ) nhưng phải dưới sự theo dõi chặt chẽ của BS để điều chỉnh liều, giảm thiểu tác dụng phụ, điều này chắc khó trong đk mình.


Cấu mong cho anh và gia đình bình tâm cố gắng giúp anh duy trì các chức năng vận động (kể cả nhai, nuốt ) càng lâu càng tốt..


 


 


 



Từ: GiangHV
18/04/2011 21:18:04

Tôi là dân OB 77 (cùng lớp với anh Thịnh), nên rất thân quen với 6 anh OB76. Từ hồi về nước tôi chỉ hay gặp có 5 anh, trong đó có anh Tuấn đã ra đi, (thông qua các cuộc gặp gỡ giao lưu, hiếu - hỷ, đặc biệt thông qua các hoạt đông chuyên môn). Còn anh Thìn thì đúng sau 35 năm nay mới thấy lại khuôn mặt và vóc dáng của anh. Khuôn mặt anh thì vẫn như ngày xưa, chỉ  có sắc mặt thì đúng là của người đang mang bệnh. Thật mừng là nhiều người chúng ta đã tìm lại được bạn cũ, song cũng thật bùi ngùi là bạn cũ đang trong hoàn cảnh quá éo le. Cảm ơn Hội người KGU, Du xuân Đầm Long và trang Web đã cho chúng ta cơ hội được tiếp cận thông tin quý giá này. Cầu mong cho anh Thìn mau bình phục, hoặc chí ít thì cũng giữ được thể trạng như đang có. Mặc dù trong HCM không có OB76 nào, song lại có rất đông OB77 (7 người = 50% quân số của lớp) cùng với các anh/chị, các bạn và các em người KGU, nên hy vọng anh Thìn sẽ được chia sẻ thường xuyên. Xin cảm ơn anh Thịnh và bạn Lam  nhé,



Từ: HaiNV
18/04/2011 13:21:57

Từ ngày Thìn vào Nam (lớp chỉ có 1 mình Thìn vào Nam, ban đầu ở Nha Trang), rồi vào tpHCM, rồi Thìn bị bệnh nên chúng tôi lớp OB76 gần như mất hẳn liên lạc với Thìn. Sau hôm gặp lại anh Thế Thịnh ở Đầm Long, trong câu chuyện, anh em có hỏi thăm nhắc đến các bạn bè thì mới có chút ít thông tin về Thìn. Thật bất ngờ, mấy hôm sau nhận được điện thoại của anh Thịnh, anh nói anh và em Lam đang ở nhà Thìn. Anh đưa điện thoại cho Thìn để chúng tôi nói chuyện, nhưng Thìn chỉ nói mấy tiếng rồi im lặng, tôi đành chuyển sang nói chuyện một lúc với vợ của Thìn. Cám ơn anh Thịnh, cám ơn em Lam đã giúp lớp OB76 liên lạc trở lại được với Thìn. Bọn mình hy vọng sẽ sớm có dịp đến thăm Thìn và gia đình. 




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s