Tập văn nghệ chuẩn bị cho Du xuân Kgu 2021
Thời học sinh và sinh viên đi tập văn nghệ mỗi mùa Hội diễn là bình thường nhưng ở cái tuổi U 70 thì quả là hiếm hoi. Ấy thế mà ở cái Hội KGU này thì hàng năm vẫn cứ thích tập văn nghệ mỗi dịp Du xuân để cùng thưởng thức những bài hát, điệu múa, những bài thơ, những câu chuyện cười mà nếu như các nghệ sỹ chuyên nghiệp thì trong tầm tay nhưng đối với những người lớn tuổi thì thật là nhọc nhằn vì chẳng nhớ được lời bài hát, điệu múa. Mặc dù những năm gần đây các chương trình ca múa nhạc rất hay được truyền trên các phương tiện truyền thông rất nhiều nhưng chúng tôi vẫn cứ say sưa tập những bài hát, điệu múa truyền thống để biểu diễn cho nhau xem các sản phẩm “ Cây nhà, lá vườn” mãi không biết chán.
Đối với KGU trong tp. Hồ Chí Minh thì các nhân tài ca hát múa đều được tập trung ở trong đó nên Du xuân nào họ cũng có nhiều tiết mục văn nghệ xuất sắc. Còn KGU ở Hà Nội tuy đông tài năng có kém hơn nhưng được cái nhiệt tình. Mỗi lần đi tập văn nghệ là KGU thường tập ở nhà vợ chồng Ngọc BQ ở khu biệt thự cao cấp Mễ trì hơi xa nhưng rộng, đầy đủ tiện nghi nên các thành viên đến từ nhiều hướng của Hà Nội, hẹn là 19h30 nhưng ace thường đến sớm hơn từ 19h vì háo hức mà. Anh chị em đi bằng các loại phương tiện xe buýt, taxi và các xe riêng.
Các xe riêng của anh Huy VL76, Hoàng Lương VL77, Minh NX Hóa 77, anh Quý rể Hóa 77.... bao giờ cũng kín chỗ. Mỗi lần đi tập văn nghệ thì mình thường đứng đầu ngã tư Kim mã – Nguyễn Chí Thanh đợi xe của nhà anh Huy đi từ Mipec Long Biên sang, đứng đầu đường đợi nên khá nhiều các loại xe taxi, Grabbike tạt vào mời đi.
Hôm nào anh Huy bận thì lại đi taxi hay xe buyt nhưng phải rủ vợ chồng Thanh Hương, Bình K đi cùng lên xe 34 đến gần bến xe Mỹ đình thì đổi xe hơi phức tạp vì mình rất kém cái khoản đường lối mặc dù đến nhà Ngọc – Nguyệt đến vài chục lần rồi nhưng vẫn lạc không thể nhớ đường vào nên nhiều lúc Hội trưởng BQ phát cáu bảo: em chẳng hiểu chị Gs Ts kiểu gì mà kém đường lối thế. Mình phải nói là nhà đẹp nhưng nhà không số phố không tên và có tên toàn là tên mới nên taxi cũng khó chứ không nói gì với mình thì đi kiểu gì cũng phải xuất phát từ Bờ Hồ.
Mỗi lần đến tập hát là ăn uống nói chuyện phải hơn 30 phút mặc cho thày giáo có đến sớm cũng cứ ăn, cứ nói vì đây là dịp để gặp nhau mà. Trong thời gian tập văn nghệ có tới 3 lần được ăn bánh ga tô nhân dịp sinh nhật Hội trưởng Ngọc BQ, Thanh Hương CL79, 40 năm ngày cưới vợ chồng anh Huy- Thủy, còn bánh do Kim Huệ VL77 khéo tay hay làm mang đến.
Thành phần dàn đồng ca của KGU Hà Nội khá đông mà cũng chẳng cần kén chọn cứ ai có nhiệt tình là được mời đi hát, nhiều người ngày xưa ở Kisinhop chẳng bao giờ được chọn vào đội văn nghệ nay được phát huy hết. Mà những bài hát của KGU Hà Nội thường là các bài ca chính thống, yêu nước, hải đảo... dễ mà khó năm nào cũng hát đi hát lại mà vẫn chẳng thuộc lời làm mấy đứa cháu của Ngọc- Nguyệt thích thú và chấm cho các ông bà hát 100 điểm để động viên.
Sướng nhất là có người từ trước đến nay chẳng được vào đội hát bao giờ bây giờ được vào tất. Đi tập văn nghệ thích nhất là vừa được ăn, được nói, được hát, được cười. Vào đội múa thì cần phải được lựa chọn các chị múa được và có dáng nên mấy đứa quá khổ như mình cứ đùa là nếu các cậu múa không ra gì là bọn mình vào thay thế luôn đấy. Nhớ năm xưa hồi mới sang Kis. mình với Bình Trần cũng được gọi đi tập múa với đội múa của KGU vì tưởng 2 chị có dáng người vừa tầm nhỏ nhắn nhưng tập được 2 buổi thì thấy chẳng ai gọi đi tập tiếp chắc múa cứng quá. Năm nay kỷ niệm 50 năm KGU77 bọn mình đặt chân đến Kis. nên Kim Thanh có sáng kiến là chúng mình sẽ tập 1 tiết mục cho Du xuân nên từ năm ngoái 2 cậu Thanh và Lan đã tìm được video Liên khúc Thì thầm mùa xuân – Chiều xuân để cho mấy chị 77 tập nhưng mới được 1 buổi gặp nhau thống nhất ý tưởng thì bị covid quay trở lại không Du xuân nữa. Bẵng đi 1 năm tình hình covid tạm lắng thế là gọi nhau đi tập. Đầu tiên cũng hạn chế số lượng nhưng để cho vui thì gọi tất cả lũ con gái 77 có điều kiện thời gian đi tập thế là gọi được 12 chị đủ các loại: gầy, béo, cao, thấp, biết múa hay không biết cũng được: các chị Hóa 77 đông nhất có 8 chị: Kim Thanh, Hương Hương, Thu Lan, Phùng Thục , Bình Kều, Bình Trần, Đinh Thị Vinh và Thúy Hoa, 2 chị Lý 77 là Thanh Mai và Hoàng Huệ, 2 chị Sinh vật 77 là Bình Phạm và Đặng Thị An. Để gây cười cho tiết mục thì Kim Thanh ghép cặp béo gày, cao thấp, đầu mẩu cọc màn lung tung. Tốp 1 là những chị múa thành thạo ra đầu Thì thầm mùa xuân là Thanh, Lan, Hương, Bình Phạm, Mai, Bình Kều ( lúc đầu Bình K ở nhóm 2 nhưng cao quá và để cho hợp lý thì chị Hồng cho xếp lên nhóm 1) còn lại là tốp 2 ra sau Chiều xuân. Lịch tập bắt đầu từ tháng 3 mỗi tuần 2 buổi chiều từ 13h30 -15h30 để các bà còn kịp đón cháu và thổi cơm chiều và tập gần chục buổi trước khi Du xuân. Bà Lan còn mang cả cháu đi tập vì không gửi ai trông được nên phải vừa bế vừa múa. Mấy buổi sau bà Lan có sáng kiến mang theo ipad đến cho bé Ổi chơi để bà rảnh tay tập múa.
Địa điểm tập là gác 4 nhà Thanh có buồng trống rộng như sàn nhảy và chồng con đi làm hết nên rất thuận lợi, tha hồ cười nói to không ảnh hưởng đến ai. Trước khi đến tập là cũng phải ăn hoa quả, bánh uống nước ở dưới nhà rồi lên tập, nói chung là tinh thần tập của chị em được cái khá nghiêm túc, đúng giờ, không sợ bị chê, không sợ dốt và không dấu dốt. Buồn cười và gây cấn nhất vẫn là vấn đề đạo diễn vì toàn U70 nên chẳng ai chịu nghe ai, chẳng nghe theo đạo diễn nhất là khi gặp đoạn khó mà cãi lại đạo diễn tram trảm, mặc kệ cứ làm theo ý của mình rất tùy tiện.Mấy chị dốt như mình ở Tốp 2 thì thầm bảo nhau là bị chê cứ vui vẻ tiếp thu còn lúc lên có sai cũng chẳng ai biết.
May quá đến buổi thứ 3 có nhờ chị Đoàn Thị Minh Hồng bạn thân với chị Thảo ĐP đến dạy 1 buổi rất nghiêm khắc, chị dạy được một vài cách đi, cầm quạt đạo cụ, thể hiện sắc thái ... nhưng những chỗ nào khó quá là không làm theo chị ấy nữa mà ai thích làm gì thì làm miễn là phù hợp với đoạn mình được phân công rồi ghép cùng nhau để tập các đoạn chung cho đều. Trong số những U 70 này có nhiều chị chưa bao giờ múa đã thế lại quên quên nhớ nhớ, được chân lại hỏng tay và ngược lại rồi lúc nào phải hát cho khớp ... là những cái khó thực hiện ở tuổi này. Chỉ riêng chuyện các chị tìm quạt, quên quạt, lẫn quạt của nhau cũng đủ mệt rồi. Ấy thế mà vì sợ nhóm 2 là nhóm Thì thầm trình độ hơi đuối đứng lâu không biết làm gì trên sân khấu, không nhớ hết các động tác nên cậu Thanh khi thu nhạc có cắt bớt đi 1 đoạn cho đơn giản hơn thì cả nhóm Thì thầm gân cổ phản ứng: sao lại cắt bớt đi bọn mình đang thích thể hiện lâu trên sân khấu mà, cậu cứ để nguyên nếu mất tiền ghi lại nhạc thì bọn mình bỏ tiền thêm cũng được. Đúng là may quá không thuê người dạy chứ có ai dạy mấy chị này được, thế lại hay tiết kiệm và các chị lại sáng kiến là quần áo, đạo cụ thì ai thích mặc áo dài màu gì, ai cầm gì là tự lo chứ dứt khoát không may đồng phục vì lần trước các chị có may đồng phục áo dài màu cá vàng nhiều người bị may hỏng chẳng mặc được hầu như phải bỏ. Thế rồi cuối cùng cũng tạm ổn nên buổi cuối các chị mang áo dài, đạo cụ là quạt, sáo, hoa, đèn lồng... đến tự tổng duyệt mặc cho thời tiết hôm ấy nóng vã hết mồ hôi. Các buổi tập là bí mật nên các hình ảnh chụp là mình phải cho vào allbum khóa lại chỉ để mình tôi mãi hôm qua khi Du xuân KGU khép lại mình mới mở khóa cho mọi người vào xem.
Các buổi tổng duyệt ở Hà Nội và trên sân khấu ở FLC Vĩnh phúc các chị cũng xin phép hội trưởng giữ bí mật không phải duyệt. Đến đêm lửa trại 9/4/2021 khi mọi người đang say sưa nhảy hát ngoài sân thì các chị lẳng lặng rủ nhau vào sân tập cho quen với sân khấu và không cho ai vào xem để giữ bí mật đến phút chót cho mọi người bất ngờ. Nhớ hồi còn ở Kis. thì lớp Hóa 77 chúng tôi cũng đã có những tiết mục đoạt giải đặc biệt nhưng cũng được giữ bí mật đến phút cuối như tiểu phẩm Nghêu sò ốc hến, múa Bale Hồ Thiên Nga ... Thế rồi việc gì đến cũng đến, sáng 10/4/2021 Hội diễn Văn nghệ của KGU nhân dịp Du xuân lần thứ 11bắt đầu, sau các thủ tục cắt bánh sinh nhật, các năm chẵn lên chụp ảnh sau khi KGU77 được lên sân khấu chụp ảnh nhân dịp 50 năm thì 12 chị lẳng lặng đi vào sau sân khấu. Khi Hội trưởng Ngọc BQ giới tiệu tiết mục chào mừng của KGU77 nhưng không biết là gì vì các chị đề nghị giữ bí mật thì Bình Kều trong áo dài xanh thướt tha đi lên làm MC cho tiết mục theo như bài giới thiệu do Dương Thanh Mai chấp bút sau khi có sự góp ý của 12 chị em như sau:
Kính thưa các anh, các chị, các bạn và các em KGU yêu quý Cách đây nửa thế kỷ khi các chàng trai, cô gái 17 tuổi trăng tròn đã đến xứ sở Môndavia mộng mơ với đào, táo, lê, nho. Cuộc sống của họ ở KGU là một hình “Ngũ giác”: Ký túc xá- Nhà trường- Nhà ăn- Sân thể thao- Rạp chiếu phim. Đế nay khi xuân đã về chiều, khi các U70 đã trở thành các ông bà nôi, ngoại nhưng họ vẫn giữ được những nết ăn, nết nói, nết cười
của làng văn nghệ Kgu. Qua 11 lần Du xuân miệt mài diễn tập văn nghệ thì hôm nay họ lại chợt muốn nói Tiếng yêu đầu tiên với tất cá các anh chị, các bạn và các em.
Du xuân không chỉ âm ầm
Du xuân còn có Thì thầm mùa xuân ( Vỗ tay)
Sau đây là Liên khúc Nhạc phẩm Thì Thầm mùa xuân- Tình xuân sáng tác của Ngọc Châu qua phần thể hiện của các NSND và NSUT KGU77
Thế là tiếng nhạc bắt đầu và 12 chị lần lượt dịu dàng, e thẹn, ngập ngừng bước ra sân khấu hát theo nhạc dưới ánh sáng huyền ảo của ánh đèn san khấu.
Cứ mỗi lần chị nào bước ra là một sự bất ngờ, ngỡ ngàng với khán giả người KGU, mỗi chị được thể hiện hát một câu kèm theo thể hiện bằng điệu múa của mình đã làm cho mọi người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và kèm theo là những tràng vỗ tay, những lời khen ngợi đã cổ vũ làm các chị lại càng say sưa thể hiện hết mình. sau hơn 5 phút biểu diễn món quà của KGU 77 đã gửi đến người KGU đến Du xuân KGU2021 thật trọn vẹn đầy ý nghĩa.
Sau khi biểu diễn và cho đến hôm nay tiết mục của KGU 77 đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc thế là chúng tôi mừng và cảm động lắm rồi xin cám ơn sự cổ vũ nhiệt tình của các ace người KGU, xin cảm ơn các bạn KGU77 đã cho tôi được biểu diễn với các bạn và làm nên một tiết mục để đời đặc sắc của Hội diễn Văn nghệ Du xuân KGU 2021.
23 bài viết · 280 mục ·
Đã chia sẻ với Công khai