KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 05 Tháng năm 2011

Dư âm Hạ Long




Tác giả: NgocNT

Tôi không thể nào quên được những giây phút chuẩn bị cho chuyến đi Hạ Long của các thầy cô tại Việt Nam- một trong chuỗi hoạt động vô cùng lý thú và đầy ý nghĩa cả đối với những người từ xa đến, cả với những "chủ nhà" đã ngoại tứ, ngũ tuần.

Tôi liên hệ với Công ty du lịch để lên chương trình từ tháng 1/2011, khi biết tin thầy cô có khả năng sang. Anh Ngọc HT, chị Thanh thông báo trên nguoikgu để tất cả những ai có điều kiện thì đăng ký tham gia các hoạt động vui tình thầy trò trên khắp nẻo đường Việt Nam. Cho tới tháng 3, có 13 người đăng ký tham gia. Tuy nhiên, do công việc đột xuất mà một số anh chị không đi được. Danh sách chốt lại còn 8. Trước gần 2 tuần, anh Hiền thay mặt nhóm đã ký hợp đồng với bên công ty du lịch, chuyển "xoẹt" tiền "cho ăn chắc"! Hú vía! Nếu cứ nhưu tôi bình chân như vại thì kẻo có ngày "nhỡ nhàng " hết! Hai ngày trước khi đi, chị Thục muốn đăng ký đi mà tôi hỏi thì đã hết chỗ rồi! Thật tiếc! Nhưng chị Thục cũng đã có những phút giây rất ấn tượng, với khẩu hiệu, hoa sen đầy màu sắc khi đón và chia tay các thầy cô.

Sáng 26/4, tôi vội vàng "khăn túi" phóng xe đến nhà chị Thanh. Trên đường đi, anh lái xe đã gọi: nhanh lên em ơi! Nếu 9 giờ mà không ra khỏi Hà Nội thì bị nhỡ tàu đấy. Tôi vội gọi cho chị Thanh, bảo phải chuẩn bị nhanh lên, lái xe giục, không khéo lỡ tàu. 7h50 phút, xe mới lăn bánh từ đường Xã Đàn. Ngồi trên xe mà chúng tôi thấy sao lâu quá. Quãng đường từ Xã Đàn tới Daewoo thật dài, đường Hà Nội quá đông, mà lái xe lại chạy theo đường Trường Chinh! Chị Thanh sốt ruột nhìn đồng hồ, thúc giục đoàn ở Khách sạn Daewoo sẵn sàng xuất phát. 8h20 phút, xe tới Khách sạn. Tôi vội chạy vào trong: các thầy cô kia rồi! Em chào các thầy cô ạ! Các thầy cô cảm thấy thế nào hôm nay ạ? Ta đi nhanh thôi! Mọi người ổn định chỗ ngồi, nhìn quanh nhìn quất chưa thầy nhà anh Huy chị Thủy. Rít 8h30', bộ ba nhà này xuất hiện, với nụ cười đầy mãn nguyện của những người "đúng giờ như Tây", nhảy vội lên xe "chiếm" vừa đủ một dãy ghế!

"Đất có thổ công, sông có hà bá"! Hội trưởng Ngọc quen đường về "quê ngoại" nên phải chỉ đường cho lái xe vốn chỉ quen đường từ Trung tâm ra ngoài thành phố. Chúng tôi đi theo đường Khuất Duy Tiến, ra cầu Vĩnh Tuy. Nhìn những nhà cao tầng hai bên đường ở khu vực này, các thầy cô thấy được sự chuyển mình mạnh mẽ của một Việt Nam năng động. Tôi cậy mình là "em út", ngả nghiêng riêng một ghế, nhìn ngắm hai bên đường, nghe thầy cô bình luận mà lại thêm yêu quê hương mình hơn. 

Đi mãi cũng tới! 12h30 phút, theo đúng lịch trình, chúng tôi vào khu vực cảng tàu. Anh Dũng- cũng là học trò của thầy Riabukhin cố tình đi Hạ Long, mặc dù chúng tôi đã cảnh bảo: bên du lịch nói hết chỗ rồi, anh Hiền đã ký hợp đồng rồi!  May mắn sao, nhà tàu lại có chỗ thừa (có lẽ do có người đăng ký rồi mà lại không đi) nên chỉ mất khoảng nửa tiếng thì anh Dũng đã được đăng ký lên tàu. Trong lúc chờ đợi ở sảnh, chũng tôi nhai ngấu nghiến những chiếc bánh cô Olga tự làm mang theo cho các học trò của mình. Sao mà chúng ngọt ngào, ngon đến vậy! Thầy Arkadi bảo, bánh cô làm đấy, tự tay làm để mang sang Việt Nam, mỗi tội chúng dễ vỡ lắm! Và như để minh chứng cho điều này, sau một hồi chúng tôi chia nhau những chiếc bánh, nhà tầu cử ngay một cô bé xinh đẹp ra "dọn" những mảnh vụn vương trên sảnh, dễ có đến nửa lạng! Tôi nhìn ra cửa cảng, thầy Riabukhin khoác tay vợ mình bước những bước chậm rãi xuống từng bậc thang, nghiêng người sang vợ, chỉ ra những con tàu. Tôi cảm nhận được, không khi cảng biển đã mang lại sự sảng khoái cho đôi vợ chồng viện sỹ. Thiên nhiên vốn vẫn vậy mà! Vẻ đẹp tự nhiên của nó có thể làm lòng người dịu lại!

Chiếc tàu nhỏ đưa chúng tôi ra tàu Hanoi Opera House. Đó là một con tàu 3 tầng, trong không lộng lẫy nhưng cũng bắt mắt, gọn gàng. 2 đôi vợ chồng già được chúng tôi đặt trước phòng VIP- nằm ở tầng 2, có cửa bước ra đầu tầu ngắm biển. Vợ thầy Arkadi cứ xuýt xoa khen phòng đẹp và còn đề nghị anh Hiền chụp cả phòng tắm, bồn tắm, phòng vệ sinh để mang ảnh về khoe với mọi người. Thầy Arkadi ra đầu tầu, giơ tay vuốt tóc, dáng hiên ngang đón gió như chàng họa sỹ nghèo đầy kiêu hãnh trong phim "Titanic" và nhìn chúng tôi, mỉm cười nói: nu đa! Chúng tôi cùng chia sẻ niềm vui với thầy cô. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ nghỉ trong một khách sạn di chuyển trên biển như vậy! Chúng tôi cứ 2 người một phòng. Tôi ở với chị Thanh, chị Bình cùng với chị Hoa, anh Ngọc với anh Dũng. Số còn lại là lẻ loi! Bộ ba Huy-Thủy-Giang dính với nhau, dứt khoát ngủ chung phòng, chung giường. Anh Hiền ôm máy tính ngủ một phòng riêng. Tội anh quá! Khi có việc thì em nào cũng "bám" anh Hiền, ấy thế mà khi đi ra biển cả mênh mông, "chúng hắn cả lũ" lại để anh thui thủi một mình! Tôi xung phong làm thư ký, nói ai muốn vào gặp anh Hiền thì phải qua tôi! Cả hội cười vang, hẹn 13h30' lên ăn trưa! Đói mà vẫn đủ sức cười!

Phòng ăn của tầu được đặt trên tầng 3, có nhiều cửa sổ, ban công, cửa ra mũi tàu để ngắm biển. Các bàn ăn gần như kín hết với những du khách người Âu, người Úc, Việt Kiều. Khỏi phải nói, sự ồn ào, náo nhiệt của chúng tôi- những người dân Anamit với 4 ông bà trông rõ không phải là người Việt đã gây sự chú ý đặc biệt. Anh Ngọc bảo: đi như thế này là vừa, tàu không to lắm, không nhiều người lắm, nhưng ta luôn phải chiếm số đông! Đúng là tư tưởng của Hội trưởng có khác! Ở đây, cũng phải nhắc tới anh Hoan- phiên dịch viên. Ngay từ lúc lên ô tô ở khách sạn, anh đã hết sức thích thú khi biết rằng, các học trò sau mấy chục năm mời các thầy cô của mình sang Việt Nam chơi và ai cũng nói được tiếng Nga. Anh nói: Thật tuyệt vời! Đúng là số phận con người! Tôi tin vào số phận! Nhưng ở đây, tình yêu làm được tất cả. Anh kể cả cho những du khách trên tàu về chúng tôi và cũng tự tìm cách thư giãn cho mình vì biết rằng, chúng tôi có thể chăm sóc được cho các thầy cô của mình, mặc dù tiếng Nga và tiếng Anh có khi được sử dụng cùng một lúc. Cứ nhớ lúc trên xe ô tô, chị Thủy cầm tấm ảnh của mình giơ cho thầy Arkadi xem và hỏi thản nhiên: remember me? Trò nói vậy mà thầy cũng cứ gật gật. Cả xe được một trận cười sung sướng!

Tôi được thông tin, thầy Arkadi bị bệnh dạ dày, đường ruột gì đó, không ăn đồ biển nên báo nhà tầu cho suất súp khác. Chẳng ai học được chữ ngờ! Tưởng vậy mà lại không phải vậy! Món súp gà thầy nhanh chóng đổi cho cô ăn, còn mình thì "chén" súp hải sản ngon lành! Còn thầy Riabukhin thì lại hoàn toàn ngược lại! Thầy đưai ngay bát súp hải sản cho vợ. Ngồi bên thầy, tôi ngạc nhiên hỏi vì sao. Thầy vừa xua tay, vừa nhăn mặt: tôi ngửi đã thấy khiếp rồi! Hóa ra, không ăn đồ biển lại là thầy Riabukhin!

Chúng tôi kết thúc bữa ăn trưa với lời hẹn chuẩn bị lên Hang Sửng sốt. Nhìn chặng đường lên hang, tôi cảm thấy lo lắng cho đôi chân của thầy nên luôn đi kèm theo Thầy Arkadi. Chúng tôi nhắc nhau, phải luôn luôn 'để mắt" đến các thầy cô, nhất là các anh, mỗi người phải "kèm" một thầy hoặc cô. Nói vậy thôi, nhưng có thầy cô nào chịu bám vào chúng tôi đâu. Tôi quàng tay thầy Arkadi đi, nói rằng: papơchka, x vami ia budu! Thầy cười và bảo, đúng rồi, thầy đỡ tôi đi vì tôi cũng bị đau chân như thầy. Nhìn đôi chân khẳng khiu của thầy gần như nhảy xuống các bậc (do bị đau nếu co vào khi bước xuống), tôi lại thấy nhoi nhói trong tim, đúng như khi bố tôi đau gì vậy. Thầy Riabukhin thì  nhẹ nhàng, lặng lẽ, dáng đi lập cập nhưng lại rất chắc chắn, tò mò lấy tay di di trên các phiến đá, những bức vách long lanh , lấp lánh dưới ánh đèn trong hang. Chúng tôi bảo nhau: Đúng là viện sỹ, chẳng bỏ qua sự khám phá nào, kể cả không phải trong lĩnh vực của mình. Thực ra, nếu như là ngày ẩm ướt thì hang sẽ trở nên long lanh hơn trong con mắt của du khách. Những đối với chúng tôi, thật may mắn hôm đó là ngày khô ráo, nếu không, chúng tôi sẽ phải "kèm" chặt các thầy cô. Đường đi lên xem chừng cao hơn! Đi một quãng chúng tôi lại phải đứng lại để nghỉ. Tôi cầm cả cái mũ nan để quạt cho bà Olga. bà cười, trìu mến nhìn chúng tôi.

Con tàu đưa chúng tôi đi tiếp ra đảo Titốp. Anh phiên dịch nói, đảo này mang tên Titốp do trước đây, Bác Hồ đã cùng Titốp dừng nghỉ ở đảo khi thăm Vịnh. Bãi tắm ở đây thật trong lành! Nhưng chỉ có một vài người trong chúng tôi (bộ ba nhà anh Huy, anh Ngọc, anh Hiền, anh Dũng) và thầy Arkadi là dám xuống biển tắm vì nước biển còn lạnh. Cả cô Olga lẫn các trò bảo nước lạnh, không nên tắm nhưng thầy vẫn hăng hái xuống. Phu nhân viện sỹ "khát khao" xuống biển nhưng thật tiếc rằng, bà không mang theo áo bơi, mà tôi thì không thể nào tìm được bộ áo cánh nào vừa cho bà trong mấy cửa hàng trên bãi biển. Mặc dù bảo "nhi trevô" nhưng vẻ nuối tiếc trên khuôn mặt bà khiến cho tôi thấy mình có lỗi ở đây khi không bảo nhà tàu chờ bà quay lại lấy đồ tắm. Đành vậy thôi! Ông trời thật thấu hiểu cho chúng tôi! Đúng lúc thầy Arkadi và mọi người xuống bơi thì trời bừng lên những tia nắng gắt đầu hè, xua tan cảm giác lạnh lẽo khi xuống nước vào buổi chiều như vậy. Chúng tôi ngồi trên những chiếc giường trên bờ, dưới bóng cây mát, hít sâu khí trời cho mà những ai sống ở Hà Nội luôn khát khao. Khoảng nửa giờ sau, thầy Arkadi lên bờ. Chẳng biết làm vậy có đúng không, nhưng lo lắng sợ thầy bị cảm lạnh, tôi chạy nhanh tới, quàng chiếc khăn tắm cho thầy! Khi mọi người lên bờ, thay quần áo xong thì cũng là lúc trời hết nắng, sầm xuống. Kỳ lạ thật, cứ như ông trời thấu hiểu tâm trạng của chúng tôi và phù hộ cho chúng tôi vậy!

Trở về tàu, chúng tôi hẹn nhau lên ăn tối lúc 7h30'. Bữa ăn tối vui vẻ diễn ra trên phòng ăn của "khách sạn lênh đênh" mà chẳng ai để ý ngoài trời đã tối mịt rồi. Giữa trời đất mênh mông ấy, cái cảm giác gắn bố giữa những con người nhỏ bế mới thật rõ ràng. Tôi dám chắc, nếu như tôi "quên" là mình đang xa mấy đứa nhỏ của mình thì cũng chẳng có ai nghĩ ngợi gì hơn. Ăn tối xon g, biết cả ngày các thầy cô đã mệt với chặng đường dài nắng nóng, chúng tôi chủ động "gợi ý" các thầy cô về nằm nghỉ. Ông bà Viện sỹ hưởng ứng ngay và tạm biệt về phòng nghỉ. Vợ chồng thầy Arkadi thì còn lưu luyến, đi ra đi vào. Tôi biết trên tàu có karaoke nên cố bằng mọi cách thuyết phục mấy cô cậu chủ tàu cho nhóm này hát, phải gọi hẳn về "dinh điều hành" tại Hà Nội thì họ mới giải quyết cho 1 tiếng đồng hồ. Dù sao cũng thắng lợi rồi! Chẳng lẽ ra Hạ Long, một nhóm nguoiKGU lại "ai về phòng nấy", ôm gối ôm chăn thì còn ý nghĩa gì cơ chứ! Cũng may, các anh chị KGU dù tuổi đã trên dưới ngũ tuần nhưng đều hết sức sôi nổi, hưởng ứng ngay. Chúng tôi say sưa hát, tìm mãi chẳng có lới tiếng Nga thì chỉ bật nhạc rồi trò hát bằng tiếng Việt, thầy hát bằng tiếng Nga, thật là một dàn đồng ca hỗn hợp. Bạn cứ tưởng tượng, giữa không gian yên lặng, chỉ có "trời đất chứng giám", giọng ca của chúng tôi cứ vang vang, khong biết mang lại cảm giác gì cho những du khách trên tàu nhưng chỉ biết rằng, cũng không ít người tò mò lên, đứng xem, cười vui một chút cùng chúng tôi rồi lại tản đi. Giưã khung cảnh ấy, tôi mới phát hiện ra được những giọng ca "vàng" của KGU. Chị Thanh, anh Huy, chị Thuỷ, anh Dũng, ai cũng hát bài yêu thích của mình. Nhạc xanh có, nhạc đỏ có, nhạc vàng có. Duy chỉ có Hội trưởng là cần mẫn, tận tuỵ quay quay, chụp chụp, miệng hát, tay làm, tai lắng nghe, nhưng nhất định không chịu đứng trước ống kính. Chúng tôi bảo nhau, thật hay và hanh phúc khi Hội KGU có người Hội trưởng như vậy, khi cần thì đanh thép, lúc lại , "cặm cụi" phục vụ, cứ như người phục vụ Hội vậy! 1 tiếng trôi qua nhanh quá, chúng tôi đành dừng hát. Thầy Arkadi dường như khản giọng bởi tham gia vào dàn đồng ca từ sáng nên tạm biệt về ngủ trước. Phu nhân của thầy thì hình như được tiếp thêm sức mạnh khi ra biển, còn ngồi lại với chúng tôi để thưởng thức món ghẹ vùng biển Việt Nam. Đi cả ngày mệt mỏi, gào khản cả giọng, da bụng vẫn còn căng sau bữa tối nhưng món ghẹ xem chừng vẫn hấp dẫn với mọi người. Bà Olga thưởng thức ghẹ với sự tò mò nhất định rồi cáo về nghỉ. Chị Thuỷ nói: Peredaiche privet Arkadi! Olga cười vui vẻ: Da! Cả hội lại cười vang: chị Thuỷ đáng yêu thật đấy! Thảo nào, chỉ một năm dự bị thôi mà đã buộc anh Huy theo cả đời rồi! Chắc bà Olga phải đánh thức thầy Arkadi dậy mà nhận lời hỏi thăm thôi! Chúng tôi tản về trong tiếng cười sảng khoái sau một ngày đầy ý nghĩa.

Sáng ra, trời trong xanh lạ thường. Chúng tôi bảo nhau lên boong tàu chụp ảnh khi tàu đi quanh vịnh. Đây quả là những giấy phút đáng nhớ, những kỷ niệm khó quên được đối với thầy trò chúng tôi. Chúng tôi chụp cả đoàn, theo từng nhóm, từng đôi. Chúng tôi phải chờ tới bao lâu mới tới đúng vị trí hòn Trống Mái để chụp ảnh. Hai đôi "uyên ương" từ vùng đất xa xôi cũng được chúng tôi chụp riêng để kỷ niệm. Cô Olga tinh nghịch "dẩu" môi lên bên thầy Arkadi, bắt chước giống như đôi gà vậy! Tôi chắc rằng, khi ngồi ở nhà rồi, ngay cả thầy cô cũng không thể nào tin được rằng, mình lại có những giây phút trẻ trung như vậy! Thầy Riabukhin trở nên thoải mái hơn hẳn, không còn che giấu nụ cười "hiếm hoi" của một nhà khoa học nữa, một tay cầm quyển sách, một tay ôm người vợ trẻ của mình, đầy hãnh diện và hạnh phúc. Thật hay là chúng tôi có một phó nháy vừa trẻ, vừa chuyên nghiệp từ Đức trở về!

Chụp ảnh xong cũng đến lúc ăn sáng. Lúc đó khoảng 8h00'. Chợt thấy cô Olga nói chuyện hôm đó là ngày sinh nhật của con trai, anh Ngọc (hay anh Hiền?) đưa máy điện thoại cho bà gọi về chúc mừng sinh nhật con trai. A lô! Chúc mừng con trai nhân ngày sinh nhật! Thật vui sướng và hạnh phúc. Bố mẹ đang ở một vùng biển của Việt Nam. Hả?.. mới 4 giờ sáng à? Ôi Bên này 8 giờ rồi...Mẹ khoẻ Thật tốt. Mẹ là người đầu tiên chú mừng sinh nhật con à? Ai cũng vậy mà, vui quên thời gian là chuyện thường tình! Mà thời gian rất dễ quên nếu ai đó được ở bên những người thương yêu mình! Chúng tôi hể hả cười! Cũng là một kỷ niệm cho người con trai nơi xa ấy! Chắc anh cũng sẽ cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc của bố mẹ mà nhiều khi không phải người con nào cũng mang lại được cho bố mẹ đẻ của mình.

Lịch trình được đặt sẵn rồi! Chúng tôi chờ đợi để được tự chèo thuyền quanh làng chài trên Vịnh. Chúng tôi phân công nagy anh phiên dịch đi với thầy để còn giới thiệu thêm về làng chài: chẳng có ai trong chúng tôi thông thạo vùng biển này cả. Còn lại, từng "đôi" "sải" mái chèo tuỳ ý! Mỗi "đáng nam nhi" phải đi kèm với một người phái nữ: anh Huy tất nhiên phải tháp tùng chị Thuỷ rồi, anh Hiền mặc dù vướng víu với cái máy ảnh thân thiết vẫn phải chăm sóc chị Thanh, tôi may mắn được học chèo thuyền ở "thợ Dũng", còn anh Ngọc là Hội trưởng được giao trọng trách kèm phó nháy- con gái anh Huy - chị Thuỷ và là thành viên nhỏ tuổi nhất của đoàn. Mỗi người chúng tôi được trang bị một áo phao. Từng con thuyền với những mái chèo "nhuần nhuyễn" lướt nhẹ  tren sóng biển êm dịu. Cảnh thật lãng mạn và nên thơ! Mấy thuyền chúng tôi thi nhau đua, lúc chụm vào một chỗ để ghi lại những hình ảnh đáng nhớ, lúc hò nhau hướng tới một điểm nào đó để thử sức "trai tài, gái giỏi" giữa những người KGU trên biển. Bé Hương luôn tinh nghịch, có lúc giữ dây cuối thuyền chúng tôi làm cho con thuyền của chúng tôi cứ xoay đi xoay lại quanh thuyền của "chú cháu nhà đấy", mặc  cho chú  Dũng có vận dụng tài năng của mình để chèo lái con thuyền thế nào đi chăng nữa. Khi phát hiện ra rằng mình bị trói rồi, chúng tôi chỉ có thể cười mà thôi! gần tới lúc chúng tôi lên bờ thì bà Viện sỹ bơi thuyền ra một mình, trong bộ áo tắm với chiếc áo phao khoác ngoài không to hơn là mấy.  Bà giơ tay chào chúng tôi! Trông bà rạng rỡ hẳn! Thầy giáo của anh Ngọc thì mặc một chiếc quần bơi, đi lại trên bè - nơi chúng tôi xuống thuyền, không dời mắt khỏi người vợ yêu quý của mình cho tới khi đón được bà lên bè. Còn ai có thể hạnh phúc hơn một người vợ được chồng quan tâm, chăm sóc như vậy chứ! Chúng tôi ghi lại hình ảnh bà ngồi hướng thuyền về nơi Viện sỹ đứng (như hướng về ngọn hải đăng vậy!). Chúng tôi thận trọng lên bè, trả áo phao và quay về tàu của mình. Tôi và chị Thanh nhấm nháy với nhau nhìn thầy. Thầy Arkadi thoả mãn sau khi được chèo thuyền, vững bước trong chiếc quần lửng kẻ (mà các trò sắm cho trong ngày đầu tiên đi BIG C) đã sũng nước. Chúng tôi bấm nhau cười! Thế mà khi mua, thầy cứ chối đây đẩy, không chịu lấy chiếc quần ấy! Anh Ngọc và anh Hiền còn không dám ngồi (!) mà đứng để "hóng gió". Bà Viện sỹ không giấu sự sung sướng của mình khi nói chuyện với tôi. "Tôi đã bơi rồi! Chúng tôi (thầy và cô) bơi ngay ở bên mạn tàu! Thật tuyệt vời! Tôi luôn ao ước được bơi dưới biển! Cứ như ở biển Đen vậy! Nhưng lâu rồi chúng tôi không được bơi, nên nhiệt độ thế này (trên 20oC) là lý tưởng để bơi!". Tôi như trút được sự áy náy khi bà chưa bơi được ở bãi tắm Titốp. Ai cũng thoả mãn với hoạt động "tay chân" này.

 Thời gian dường như trôi nahnh hơn khi chúng tôi phải trả phòng, rồi lên bờ trong tâm trạng lưu luyến và lâng lâng với những gì đã trải qua hơn 1 ngày trên vùng vịnh Hạ Long. Chúng tôi cùng nhau chụp ảnh ở bến cảng, cùng trời đất ghi lại những giây phút đáng nhớ này.

Khi lên xe để trở về Hà Nôi, trời lất phất mưa. Chúng tôi được thông báo, buổi chiều sẽ có thể có mưa lớn hoặc bão. 5h chiều, chúng tôi về tới Hà Nôi. Chia tay để các thầy cô nghỉ, đi Đà Nẵng vào ngày hôm sau, tôi không khỏi luyến tiếc vì mình không tiếp tục tháp tùng các thầy cô được. Chúc các thầy cô và các anh chị đi may mắn, mọi việc tốt đẹp, tôi trở về với tổ ấm của mình.

Cám ơn Hội KGU đã cho tôi có cơ hội ngàn vàng được cảm giác mình có thể góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những người thầy đã dạy dỗ chúng tôi trong những ngày đầu ở miền đất xa lạ nay đã trở nên thân thương ấy! Cám ơn con người, tình người KGU! Cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhiều lần nếu ta được ở bên những con người ấy, trong tình người ấy!

 


Người post: NgocNT

Ngày đăng: 05-05-2011 22:10






Xem 1 - 10 của tổng số 13 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: ThanhLK
15/05/2011 23:52:14

NgọcNT rất giỏi là đã hoàn thành trọn vẹn bài viết rất chi tiết và tình cảm. Các thầy cô rất thích chuyến đi. Chị còn nhớ có lúc thầy Arkadi nói câu ngạn ngữ: "Làm khách thì tốt nhưng ở nhà vẫn tốt hơn". Bà Loreta với vẻ mặt rạng ngời liền nói: "Nuda, nhưng hiện bây giờ tôi chưa muốn về nhà." Còn bà Olga thì luôn nhắc đi nhắc lại câu nói rằng: "tôi không cảm thấy đang là khách, tôi thấy thân quen như ở nhà mình". Hôm qua chị gọi điện thoại về nhà riêng của thầy Arkadi, bà Olga đã nói: "Cám ơn các em đã tặng cho chúng tôi một giấc mơ đẹp ..." còn thầy thì lưu luyến nhắn nhủ: “Cho thầy gửi lời thăm tới tất cả những người đã gặp gỡ ở Việt nam".


Chị nghĩ đối với nhóm trò chúng ta các chuyến đi cùng đoàn thầy cô vừa qua cũng đẹp như một giấc mơ…



Từ: VinhTQ
12/05/2011 22:00:04

Tuy không có điều kiện tham gia tháp tùng thầy cô du lịch xuyên Việt, nhưng qua bài viết của Thủy, Ngọc, mình cũng cảm thấy như cùng được tham gia chuyến đi thú vị này. Cảm nhận mà mình tâm đắc nhất là sự chăm sóc tinh tế của các bạn đối với thầy cô. Cách âm thầm dõi theo thầy cô, chăm từng ly từng tý các thầy cô của các bạn trong đoàn tháp tùng thể hiện tình cảm yêu thương chân thành và lòng kinh trọng thầy cô của người Việt nói chung, người KGU nói riêng. Người KGU đã kịp làm nhiều việc ý nghĩa và chúng ta thật tự hào vì điều đó. Mình thấy hạnh phúc khi được là người KGU và được sống trong tình yêu thương chân thanh của bạn bè KGU.



Từ: ThuyDTHuy
12/05/2011 20:58:15

Em Ngọc đã giữ đúng lời là viết tiếp Dư âm Hạ Long. Bài viết của em rất hay, đầy đủ, chi tiết lại nhiều tình cảm. Đúng là dân Luật có khác. Cám ơn em nhiều.




Từ: NgocNT
09/05/2011 22:54:49

Các anh chị ơi! Em cám ơn các anh chị đã động viên em! Em sẽ viết tiếp, nhưng liệu có thể để sau vài ngày nữa được không? Mấy ngày nay em bận nhiều việc quá, không sao lo xuể.


Anh Ngọc ơi! Người KGU làm gì có chuyện đang làm bỏ dở anh nhỉ? Em chỉ tạm dừng thôi, chưa bao giờ có ý định thôi viết, nhưng hiềm nỗi chỉ có 2 tay, 2 chân thôi. Anh chờ hội viên của mình viết tiếp nhé! Em phải lên ôm lũ trẻ con đã vì mai xa chúng mấy ngày cơ, nhớ quá!


Vả lại, mới tiễn anh Bừng đi, em chưa thể lấy lại được khí thế!



Từ: ThuyDTHuy
09/05/2011 17:55:18

Em Ngọc viết rất sinh động. Đọc lại bài của Ngọc rất nhớ các Thày cô, nhớ đến món bánh tuyệt vời của bà Olga ăn vào lúc đói mềm ở Cảng Tuần Châu, làm vãi bột bánh lung tung. Nhớ món ghẹ ăn đêm của em ngon tuyệt. May mà mình đi thời tiết đẹp, lại an toàn. Sáng nay, một con tàu giống như vậy chìm ở trước Hang Sửng sốt, may ko chết ai, vì khách du lịch (toàn Tây) đang vào tham quan Hang. Hú vía. 


Chị cứ tưởng câu "nu đa" là của anh DũngTV Toán 79, hóa ra của Thày Arcadi. Sau này đi Đà Nẵng - Huế, nhớ anh Dũng rất hay nói "Vot, eto đa", "nuđa"; ấn tượng về anh Dũng là một người hết sức hiền hậu và hay cười; cả em Cẩm vợ anh ấy cũng vậy.


Đề nghị em Ngọc viết tiếp đi.




Từ: BinhLT78
08/05/2011 14:35:40

Bài của Ngọc viết hay quá. Chị đọc mà cũng thấy "lâng lâng" khó tả. Tự nhiên chị thấy nhớ vô cùng những cô giáo nga văn của chị hồi đó. Chị đã cố gắng tìm nhưng chưa có kết quả vì bà giáo dạy ít lớp và lại đi châu Phi sớm. Chị sẽ cố gắng tìm lại để ít ra có thông tin rõ ràng về bà giáo yêu quý của mình đang ở đâu?



Từ: ThanhLK
07/05/2011 23:41:04

Đúng là em Ngọc tả rất sinh động. Trong các chuyến đi du lịch vừa qua cùng đoàn thầy cô, các trò nữ hay "ngắm trộm" và nhấm nháy với nhau những lúc thầy Arkadi rút lược chải hất ngược mái tóc mây (hiện đã hoa tiêu) trước những lần chụp ảnh...Những hình ảnh thân thương của người thầy chu đáo, hiền hậu chắc còn lưu mãi trong ký ức các trò.



Từ: NghiPH
07/05/2011 18:29:12

Tôi rất thích câu sau đây trong bài viết của Thúy Ngọc: Thy Arkadi ra đầu tầu, giơ tay vuốt tóc, dáng hiên ngang đón gió như chàng họa sỹ nghèo đầy kiêu hãnh trong phim "Titanic"!


 Một hình ảnh rất lãng mạn.



Từ: ThanhLK
07/05/2011 11:22:24

Em Ngọc viết hấp dãn lắm. tiếp tục đi thôi, các anh chị không giúp được em trong việc này đâu. Ảnh thì em có thể nhờ anh Hiền giúp vì anh Hiền có nhiều ảnh đẹp lắm, nhất là ảnh chụp thầy bơi thuyền.



06/05/2011 17:46:39

Ơ em định bỏ của chạy lấy người à mà ko định viết tiếp nữa?


Bỏ dở công việc là ko nên, nhất nếu là NguoiKGU




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s