Nhớ về đoàn thầy cô
Nhớ về Đoàn thầy cô
Đến hôm nay Đoàn thầy cô đã về Mônđavi được gần một tháng rồi, vậy mà tôi vẫn thấy như đang mơ …khi nhớ về các sự kiện trong 10 ngày tiếp đón đoàn thầy cô ở Việt Nam. Mỗi trò, mỗi người trong chúng ta đã được gặp và tiếp đón thầy cô đều có những kỷ niệm, những tình cảm giống và cũng khác nhau về 10 ngày “rung chuyển” ấy (theo em Huyền). Tôi viết bài này cũng là thổ lộ tâm trạng của một trong các trò ấy thôi.
Это Cказка! - Phải chăng đây là chuyện cổ tích ?
Sáng 24/4/2011, tuy nhiều tốp đi riêng lẻ nhưng cuối cùng chúng tôi đã hợp thành một đoàn gần 20 người chờ đón Đoàn thầy cô tại sân bay Nội Bài. Vào tận bên trong đón đoàn là Thanh “củ chuối” – CC 80, NgọcBQ và BìnhPT (OB 77). Các phái viên từ trong gửi tin nhắn liên tục cho chúng tôi ở bên ngoài: máy bay đã xuống và đã nhìn thấy các thầy cô; thủ tục nhập cảnh đã xong; thầy cô đang đợi lấy hành lý và cuối cùng là: thầy cô đang ra…
Đây rồi, Thầy Arkadi thân thương của tôi đây rồi, tôi chỉ nhìn hút vào khuôn mặt hiền hậu nhưng mệt mỏi sau một chuyến bay dài và có vẻ già nua hơn so với ảnh chụp cùng HàmLH (OB81) gửi từ Kisinhôp về hồi tháng 10/2010. Các trò vây quanh, rối rít hỏi: “Вы помните меня ?”, nhớ làm sao được kia chứ sau ngần ấy năm không gặp mặt, qua bao nhiêu đổi thay! Riêng tôi đứng ở vòng ngoài, im lặng, nhìn thầy thương cảm như nhìn người cha lâu ngày mới được gặp mặt, rơm rớm nước mắt nghe thầy trả lời: “Постепенно, постепенно...”. Và đúng như vậy, chỉ chiều tối hôm đó tôi đã sung sướng vô cùng khi được chứng kiến rõ ràng rằng thầy vẫn nhớ từng người một trong nhóm trò khóa 71 của thầy.
Khi đoàn thầy cô về đến khách sạn Daewoo, mặc dù biết thầy cô rất mệt nhưng các trò vẫn cố nán lại để được ngắm và nói chuyện thêm với thầy cô trong khi chờ đợi làm thủ tục nhận phòng. Rất thông cảm và thấu hiểu tâm trạng những người thân của thầy cô về chuyến đi, Anh HiềnVC (CL74) đã nối ngay điện thoại di động của mình với con trai thứ hai của thầy cô (chính là “thằng bé hơn” trong ảnh anh Hiền chụp hè 1969 đã đưa trên mạng) để cô Olga nói chuyện: "Женя, это мама говорит. Мы уже приехали. Всё в порядке. Богаж получили польно. Принимали нас как Министры. Не беспокойся о нас! Всё хорошо".
Sau khi xong thủ tục tại lễ tân khách sạn, chúng tôi ra về, chỉ còn “nhóm đặc nhiệm” gồm có BìnhTH, HoaNT, HiềnVC và vợ chồng NgọcBQ ở lại giúp đưa thầy cô và hành lý lên phòng, giới thiệu các tiện nghi trong phòng (chẳng gì cũng là khách san 5 sao, nơi nhiều nguyên thủ quốc gia trú ngụ khi thăm Hà nội) sau đó chào tạm biệt để các thầy cô nghỉ ngơi hồi sức vài giờ sau chuyến đi vất vả. Đầu giờ chiều nhóm “đặc nhiệm” quay lại khách san đưa thầy cô đi ăn trưa và sau đó đi siêu thị Big C mua sắm một số quần áo hè cho thầy cô.
Tôi rất may mắn được các ACE trong nhóm ưu tiên cho đón thầy Arkadi và vợ là cô Olga thăm nhà ngay tối đầu tiên của đoàn ở Hà Nội.
Đúng 7h tối, xe do anh HuyTQ lái đưa thầy cô cùng một số anh chị trong nhóm trò tháp tùng đã đến nhà tôi trong một ngõ nhỏ của phố phường Hà Nội. Trông sắc mặt thầy cô đã khác hẳn khi mới gặp ở sân bay, tươi vui và sung sức hơn nhiều. Vợ chồng tôi và hai vợ chồng con trai lớn của chúng tôi cùng ra cửa đón “phái đoàn”. Thầy Arkadi lạ lắm khi vợ chồng tôi ôm hôn thầy cô theo phong tục của người Châu Âu. Thầy còn vừa cười vừa hỏi nhỏ rằng: “Thế chồng của em không ghen à?” Tôi cười giải thích: ”Làm sao mà ghen được khi đã học ở Kisinhôp những 6 năm và sau này cũng có dịp được đi một số nước khác, biết thêm nhiều phong tục, tập quán của các dân tộc khác trên thế giới”..
Chúng tôi mời thầy cô và bạn bè ngồi chơi uống nước và xem ảnh cũ trước khi ăn tối. Khi xem cái ảnh nhóm Hóa 71 chúng tôi thầy đã nêu đặc điểm từng trò trong đó có tôi. Tôi đã đã định chuyến này phải tạ lỗi với thầy vì “những trò nhất qủi nhì ma” trước đây mình đã gây ra khi học thầy, vậy mà chẳng nói được gì vì bị “bối rối và ngượng”quá khi nghe cô Olga nói đùa thêm rằng: “Он ещё помнит что ты - девушка самая милая и самая нежная в группе”…Thầy của chúng tôi hiền hậu thế đấy.
Khi стол накрыт, khi chúng tôi mời “phái đoàn” vào bàn ăn thì cô Olga nói ngay: Hôm nay có một thủ tục đặc biệt cần phải tiến hành cùng với chủ nhà. Trước sự ngạc nhiên của cả nhà tôi, thầy và cô (được các anh chị trong đoàn tháp tùng giúp đỡ) đã nhanh chóng sắp ra một đĩa trứng luộc nhuộm màu sắc đặc trưng cho ngày Lễ phục sinh và một mâm bánh Thánh cùng với nến, do cô tự làm và mang từ Mônđavi sang. Lúc bấy giờ tôi mới hiểu điều thắc mắc khi đón đoàn thầy cô ở sân bay nhưng chưa kịp nói ra, tại sao thầy cô đã mang theo nhiều túi xách lớn nhỏ lỉnh kỉnh đến thế ? Chắc thầy cô đã phải chuẩn bị rất kỹ và dành nhiều thời gian, tâm huyết cho chuyến đi thăm các trò lần này..
Vì ngày 24/4 năm nay là ngày Lễ Phục sinh ở Châu Âu, nên thầy cô muốn các trò cùng thực hiện một phong tục đẹp ở Mônđavi - Khách sẽ mang trứng và bánh Thánh tặng chủ nhà với câu nói:
- Христос воскрес! Cчастливого пасха!
Và chủ nhà phải đáp lễ :
- Воистине воскрес! Cчастливого пасха!
Chúng tôi đã làm đúng như vậy và dường như một không khí ấm cúng, gần gũi hơn với thầy cô đã lan toả khắp ngôi nhà. Sau này, nhiều lần trong những lúc đi thăm quan du lịch, cô Olga thường nói: "Здесь я не чужая, я чувствую себя как дома!"
Khi đã ngồi vào bàn ăn, cô Olga còn giới thiệu thêm một phong tục vui nhân ngày lễ phục sinh nữa là: mỗi người trong mâm chọn cho mình một quả trứng với màu sắc ưa thích. Rồi hai người đối diện chọi đầu hai quả trừng vào nhau., trứng của ai vỡ sẽ phải đưa cho người thắng cuộc. Và trứng phải được bóc ra ăn tại bàn. Phong tục đập trứng có ý nghĩa chủ yếu là chúc phúc và sự may mắn cho nhau.
Chúng tôi hào hứng thực hiện đập trứng và tất cả đã rất ngạc nhiên khi một quả cuối cùng không bị vỡ đó là quả trứng của ông xã tôi ( LươngNH (VL77)). Bí quyết gì đây? Cô Olga và LươngNH phá lên cười, hóa ra trước đó cô đã bí mật chọn cho ông chủ nhà một “quả trứng gỗ duy nhất” trong đĩa trứng đầy màu sắc mà cô đã chuẩn bị từ nhà. Những khuôn mặt của thầy cô, bạn bè quanh bàn ăn nhà tôi lúc đó trông mới thân thương gần gũi làm sao. Đến nay quả trứng gỗ vẫn đang được bày trong nhà tôi như một kỷ vật của thầy cô yêu quí.
. Sau đó, chúng tôi mời thầy cô nếm món súp rau gồm su hào, cà rốt nấu với thịt gà và trứng chim cút, món nem Hà Nội và một số món Việt Nam khác mà bạn BìnhPT đã giúp tôi cùng chuẩn bị trong khoảng 2 – 3 tiếng trước khi “phái đoàn đến”. Vừa ăn, chúng tôi vừa thăm hỏi thầy cô về cuộc sống của gia đình thầy cô ở Mônđavi. Cô Olga luôn đùa vui trêu thầy, nhưng nhìn thầy với ánh mắt “âu yếm, ngưỡng mộ” và chăm sóc thầy rất tỉ mỉ. Chúng tôi rất mừng vì nhìn thấy thầy cô là cặp đôi rất hạnh phúc và đặc biệt mấy ngày sau, trong chuyến đi thăm quan ở Hạ Long chúng tôi còn được cô “bật mí” rằng: chỉ hai năm nữa (ngày 8/3/2013) là thầy cô sẽ “отметитъ Золотую Свадъбу”.
(Xin mời các ACE xem thêm album ảnh "Thầy cô đến thăm nhà trò" ở mục Góc ảnh).
Đúng 10 giờ tối, “phái đoàn” đưa thầy cô về khách sạn nghỉ, lấy sức để sáng hôm sau còn đi thăm Việt Phủ Thành Chương và một số danh lam thắng cảnh khác ở Hà Nội.
Chín ngày sau đó là những ngày đầy ắp những sự kiện cùng với đoàn thầy cô, như em NgọcNT, em Thủy; TBT NghịPH và Ngọc BQ đã viết (xem các bài đã đăng trên chợ Studentkgu này).
Hai ngày sau khi đoàn thầy cô về đến Mônđavi an toàn, khi tôi gọi điện về nhà riêng của thầy cô để thăm hỏi, cô Olga đã nói rằng: “Cám ơn các em đã tặng chúng tôi một giấc mơ, một câu chuyện cổ tích mà chúng sẽ theo chúng tôi mãi đến cuối cuộc đời”. Tôi đã rơm rớm nước mắt và nói rằng: “Đối với chúng em cũng thế cô ạ”.
Это Mечта! - Phải chăng đây là một Giấc mơ ???
Đến hôm nay, khi đã tiễn đoàn thầy cô về nước an toàn rồi, mà trong đầu tôi lúc nào cũng văng vẳng câu nói của thầy Arkadi, trong những lần hai thầy trò có dịp tâm sự riêng: "Тхань, ты представляешь себя ? Сколько времени и сколько лет прошло ? Уже почти сорок лет!"
Đúng như vậy, cách đây đúng 40 năm - năm 1971 chúng tôi sang học dự bị ở KGU và nhóm tiếng Nga của chúng tôi (9 người gồm: BìnhTH, ThanhLK, HoaNT, MậuTD, TuấnNA, Sinh Hoa, CườngDH, HuệPT và ThụcPT) do thầy đảm nhiệm dạy dỗ. Cả hai thầy trò chúng tôi ôn lại các kỷ niệm xưa và cùng tâm đắc một điều: ngày đó, có ai ngờ được rằng sau 40 năm thầy trò lại có thể gặp nhau, hơn nữa ngay tại Việt Nam - quê hương của gần 100 học trò đã may mắn từng được thầy dạy cho đọc thông viết thạo môn “Tiếng Nga”- “chìa khóa” cho họ đến với những kiến thức khoa học và sự hiểu biết, để rồi đa số đã trưởng thành như ngày hôm nay. Hai thầy trò cùng trầm tư và cám ơn cuộc đời tuy có nhiều khó khăn trắc trở nhưng cũng đã tặng cho ta một “giấc mơ thần tiên” mà thầy cùng các trò chúng tôi đang trải nghiệm.
Chuyến thăm của thầy cô cũng như là một giấc mơ đối với nhóm trò chúng tôi, vì gần một năm trước đây chúng tôi nghĩ là nó khó có thể thực hiện được. Từ cuộc gặp với cô Irina tại Câu lạc bộ Hà Nội, chúng tôi gồm 4 người: BìnhTH, HoaNT, tôi (đều là dân CL77) và em NgọcNT (CC93)- là những trò học thầy trực tiếp, khi nghe cô Irina nói là thầy còn sống, đã nhờ cô chuyển thư và chút quà cho thầy, lòng tràn đầy hy vọng có được địa chỉ liên lạc với thầy.
Sau đó là những tháng ngày chờ đợi, không có tin tức gì.
Đến khi có HàmLH (OB81) có dịp đi dự Hội nghị khoa học ở Mônđavi, chúng tôi 5 người (thêm em Hòa ĐT ở TP Hồ Chí Minh) lại quyết định gửi quà và ảnh cho thầy một lần nữa, nhờ Huyền và cô Irina nối lại mối quan hệ thầy trò sau bao năm bặt vô âm tín. Ngay từ khi Hàm còn chưa về, chúng tôi đã nhận được thư của em Huyền – Nữ Đại sứ thông báo là Hàm đã đến thăm nhà thầy cô. Và rồi Hàm đã trở về với lá thư tay và cả quà của thầy. Ôi thật may cho chúng tôi quá. Chúng tôi bắt đầu nung nấu ý tưởng, bàn bạc cùng nhau để thực hiện tâm nguyện mời thầy cô sang thăm Việt nam.
Tuy nhiên, hy vọng gặp được thầy ở Việt nam có phần bị giảm sút khi bản Thông điệp thành lập Nhóm trò của thầy Arkadi trên mail đàn NguoiKGU và website Studentkgu.vn chỉ được mỗi em Thủy – vợ của anh Huy, người chỉ học dự bị ở Kisinhôp – đáp trả. May mà trong nhóm có hai bạn BìnhTH và HoaNT, là những người kiên định nhất, đã an ủi chúng tôi: “Các cậu ạ, tiền của nhóm chúng ta quyên góp đã gần đủ để mua vé mời thầy cô rồi. Rủ thêm một số bạn và các anh chị nhiệt tình là chúng ta có thể mời thầy cô sang thăm Hà Nội. Thầy cô có thể ở nhà chúng mình và đi thăm Hạ Long cũng rất được rồi…”. Thế là lại tràn đầy hy vọng và quyết tâm. Và chúng tôi đã quyết định là cứ gửi thư mời.
Khi đó, do chưa mời được bà giáo của Nguyệt sang Việt Nam như dự kiến, nên Ngọc BQ đã quyết định kết hợp cùng với nhóm chúng tôi mời vợ chồng thầy hướng dẫn luận văn tốt nghiệp của mình là thầy Riabukhin thành một đoàn gồm 4 thầy cô sẽ sang Việt Nam vào khoảng tháng 4 – 5/2011 – thời điểm mà ở Việt Nam tiết trời chưa nóng lắm, lại có nhiều nơi tổ chức các lễ, hội vui vẻ. NgọcBQ còn động viên chúng tôi: “Các chị cứ cố quyên góp phần tiền vé khứ hồi sang VN, tiền ở khách sạn và thăm quan Hà Nội đi. Nếu các chị thiếu tiền, em sẽ hỗ trợ phần mời thầy cô của các chị đi cùng thầy cô của em thăm quan một danh lam thắng cảnh ở tỉnh khác”.
NgọcBQ đúng là một người hào hiệp và đầy tình nghĩa với Mônđavi.
Chúng tôi phấn khởi chia nhau từng người đi vận động thêm các bạn trong lớp và các anh chị em năm khác. Kết quả là chúng tôi có được một nhóm trò gồm 25 người cùng tâm huyết góp sức người và của để mời thầy cô sang thăm Việt Nam, trong đó có các cựu sinh viên của các khoa như khoa Hóa (chủ yếu là khóa 77, khóa 75); khoa Sinh vật (khóa 76); khoa Luật (khóa 93). Đặc biệt có các anh chị như chị Nhung (CL75) đang ở Anh, anh Ninh Anh Tuấn (CL77) đang ở Nga, dù biết trước là không thể tham gia tiếp đón đoàn thầy cô khi thầy cô sang Việt Nam, nhưng cũng đã khẳng định việc tham gia nhóm, đã đóng góp ngay từ đầu và thường xuyên viết thư về thăm hỏi động viên nhóm. Bên cạnh đó còn có một số các anh chị thường xuyên đau ốm, kinh tế khó khăn nhưng vẫn tham gia, “đòi được” đóng góp và đã đến gặp gỡ giao lưu với đoàn thầy cô.
Và cũng thật cảm động là có không ít các anh chị em không phải là trò trực tiếp của thầy Arkadi cũng sẵn sàng đóng góp và tham gia cùng nhóm chúng tôi , và thế là nhóm đã ngày càng trở nên đông đảo hơn, lớn mạnh hơn. Nhóm trò lúc này, ngoài các trò trực tiếp học thầy Arkadi, các trò của thầy Riabukhin còn bao gồm cả các anh chị như: anh HiềnVC (CL74); anh HuyTQ(VL76); em HạnhLM ( CC80); BìnhNH (CL77), HươngLH(CL77), Nhị Trự (CL77), BìnhPT (OB77) và một số anh chị em khác nữa, mặc dù không học các thầy trực tiếp nhưng có cùng tâm huyết, nhiệt tình tham gia đóng góp cũng như tham gia tổ chức chuyến đi cho đoàn thầy cô sang Việt Nam.
Rồi khi tiền quyên góp đã “hòm hòm”,chúng tôi lại gặp một trở ngại khác là liệu sức khỏe của các thầy cô có đảm bảo để đi một chặng đường quá xa và chuyến đi quá dài ngày như thế không? Đối với thầy Riabukhin thì không thành vấn đề vì NgọcBQ đã biết rõ sức khỏe của thầy cô của mình, đã mời và thầy cô đã nhận lời. Còn thầy Arkadi của chúng tôi, theo như thư của thầy và của em Huyền gửi, thì đang có một số vấn đề về sức khỏe và thầy đang phải điều trị tích cực trong vài tháng. Chúng tôi suýt nữa “xỉu luôn” khi nhận được thư của thầy nói rằng thầy không dám nhận lời mời sang Việt Nam vì một phần do sức khỏe, một phần do ngại không muốn các trò phải cáng đáng những “chi phí không nhỏ” (theo suy nghĩ của thầy ) cho chuyến đi.
Bàn tính chán chê rồi quyết định, với vốn tiếng Nga bị ”cạn và quên” gần hết sau 40 năm không sử dụng, tôi đánh liều viết một bức thư dài của nhóm trò để gửi cho thầy, trong đó chúng tôi nói rõ để thầy yên tâm rằng: đây là tâm nguyện của một nhóm trò khoảng 30 người, chúng tôi sẽ cùng lo chi phí, chúng tôi muốn mời thầy cô sang thăm đất nước mà hàng trăm học trò của thầy đã góp công, góp sức xây dựng sau khi tốt nghiệp KGU, chúng tôi cũng muốn giới thiệu với thầy cô về gia đình chúng tôi và về các danh lam thắng cảnh của Việt Nam với thầy cô. Sau khi nhờ bạn Bình PT sửa xong, chúng tôi gửi thư đi và lại là những ngày hồi hộp chờ mong quyết định của thầy Arkadi.
Có lẽ nào thầy lại phụ lòng mong muốn đơn giản và chân tình như vậy của các trò ?. Chúng tôi mong chờ và mong chờ, và đã muốn nhảy lên sung sướng khi nhận được thư nhận lời của thầy và thư của Nữ Đại sứ Huyền báo tin :”Các anh chị hãy chuẩn bị đón thầy cô đi. Em hứa sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ thầy cô về thủ tục và mua vé máy bay”. Còn thủ tục phía Việt Nam, em Thanh “củ chuối” cũng rất nhiệt tình giúp, hứa đảm bảo có thể lo được cho thầy cô lấy visa ngay tại sân bay Nội Bài.
Có lần sau này, khi đang ở Hạ Long, vợ thầy Arkadi là cô Olga đã thổ lộ với chúng tôi về việc này như sau: “Tôi bảo với ông ấy là liệu ông có yên tâm không khi ông làm cho mấy chục trò của ông ở một đất nước xa xôi với Mônđavi như vậy phải thất vọng khi ông từ chối nhận lời mời sang Việt Nam?. Nếu ông không đi tôi sẽ đi một mình!”. Rồi cô cười tươi rói nói tiếp rằng nói vậy thôi chứ cô biết chắc chắn rằng vì thầy là con người rất hiền hậu và tình cảm, lại là một nhà giáo nên thầy sẽ khó mà từ chối chuyến đi khi cô đã nói như vậy… “và kết quả là như các em đã thấy, chúng tôi đã ở đây như một giấc mơ, như đang ở trong chuyện cổ tích”.
Từ sau Tết, công tác chuẩn bị được triển khai theo từng bước rất chi tiết và gần như rất đúng tiến độ do nhóm đề ra. Sau khi nhất trí được chương trình thăm quan của đoàn thầy cô, Ngọc BQ và anh HiềnVC đã đặt ngay vé máy bay, khách sạn, tour du lịch cho đoàn thầy cô và nhóm trò cùng đi Hạ Long và Đà nẵng – Huế với đoàn thầy cô. Nhờ vậy mà chúng tôi đã rất ung dung và tổ chức thành công các chuyến thăm quan cho thầy cô, mặc dù đợt thầy cô sang do đúng vào dịp lễ 1/5 và 30/4 kết hợp sự kiện thi bắn pháo hoa ở Đà nẵng nên các chuyến bay và các khách sạn ở Đà nẵng – Huế cũng như tàu du lịch Hạ long bị “cháy” chỗ và giá cả tăng gấp cả 4-5 lần mà không kiếm được. Thậm chí, trưa hôm 2/5 ở Huế, chúng tôi muốn giữ phòng khách sạn cho thầy cô nghỉ thêm vài giờ trước khi bay ra Hà Nội mà cũng không được. Hôm đó, chúng tôi đã rất may vì có chị Tân Thanh (vợ anh Hoài VL 76 lúc đó cũng đang ở Huế) đã mời đoàn thầy trò về "tá túc" tạm ở nhà ba mẹ của mình ở Huế trước khi đoàn ra sân bay.về Hà Nội.
Tháng ba, chúng tôi nhận được thư của Nữ Đại sứ Huyền như sau: “Về chuyến đi Việt Nam của đoàn thầy cô Vưsôchanski và Riabuhin:
1 Tất cả vé máy bay khứ hồi cho các chặng bay, em đã mua rồi. Scan các loại vé máy bay, copy hộ chiếu thầy cô, em đã gửi về địa chỉ anh Ngọc và chị Kim Thanh rồi đấy.
2 Em cũng đã chuẩn bị cho thầy cô các giấy tờ cần thiết để xuất cảnh và nhập cảnh.
3 Thời gian chờ đợi ở sân bay Moscow khá lâu, em sẽ chuẩn bị đồ ăn cho mọi người ’’.
Tất cả những con người, những tấm lòng “tôn sư trọng đạo”, những tình cảm thầy trò, cùng với tình yêu với xứ sở Mônđavi – nơi thiên đường tuổi trẻ của những người tốt nghiệp KGU, tất cả và tất cả đã góp phần làm nên một “Giấc mơ có thật” đối với cả các thầy và các trò.
Mới gần đây, tôi có nhận được thư của Chị NhungNT (CL75) – một trò của thầy Arkadi đang ở Anh nói rất tiếc không tham gia đón đoàn thầy cô được và đã động viên chúng tôi như sau: “Chị rất là phục các em, đã bỏ ra nhiều công sức để có cuộc hội ngộ có một không hai của thầy trò sau 30 - 40 năm. Không phải ai cũng làm được như các em đâu”. Ý chị Nhung nói “các em” ở đây là tất cả chúng ta, các học trò trực tiếp cũng như không trực tiếp của thầy đã cùng nhau thực hiện được mong ước của mình..
Chị Nhung ơi, chị có biết rằng: 10 ngày được tiếp đón thầy cô, cùng thầy cô đi thăm quan các danh lam thắng cảnh ở Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng, Huế v.v đối với chúng em cũng là “những bữa tiệc vui” trong một “Câu chuyện cổ tích có thực”. Chắc các ACE đã có dịp được tham gia các sự kiện vừa qua cùng thầy cô cũng sẽ chia sẻ với cảm xúc này của chúng tôi ?.
BlueSky, Tháng 5/2011
Người post: ThanhLK
Ngày đăng: 30-05-2011 15:03
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |