KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 05 Tháng mười. 2011

Từ Singapore nhớ về Tổ Quốc




Tác giả: HaiNV

Được Ban Tổ chức Hội nghị "Giải mã gen thế hệ tiếp theo" của Châu Á (Next Generation Sequencing - Asia Congress, từ 3 - 4 tháng 10 tại Singapore), mời tham gia Hội nghị từ mấy tháng nay, nhưng tôi quyết định lên đường trước có đúng 2 tuần. Đây là một Hội nghị (đúng ra được gọi là Đại hội - Congress) được tổ chức để các nhà khoa học, quản lý và đại diện các hãng, công ty lớn nhất báo cáo về các thành tựu khoa học, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ và thiết bị giải mã gen thế hệ mới. Hội nghị có trên 150 người tham gia, từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Anh, Canada, Úc, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines...và tất nhiên lực lượng hùng hậu là từ nước chủ nhà Singapore. Sang đây, tôi được biết: Đoàn Việt Nam  tổng cộng có 12 người, từ các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, công ty... như: Trung tâm Gen trị liệu - Bệnh viện Bạch Mai, Đại học Y Dược Cần Thơ, Bệnh Viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh...Từ Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học Việt Nam, chúng tôi có 2 thầy trò là TS. Nguyễn Đăng Tôn, trợ lý Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ gen và tôi. Ngoài ra, tôi còn gặp TS. Nguyễn Long, nguyên là cán bộ nghiên cứu của Viện tôi, sau khi đi Đức làm NCS, đi Mỹ làm postdoc rồi về Singapore làm tại Viện Nghiên cứu về Miễn dịch học thuộc Cơ quan Nghiên cứu lớn nhất Singapore là A-Star. Singapore hiện đi tiên phong trong số các nước ASEAN về Công nghệ gen và các lĩnh vực có liên quan. Tại A-Star, một cơ quan nghiên cứu của Chính phủ tương đương Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, số Viện trực thuộc không nhiều nhưng đã có đến mấy Viện nghiên cứu liên quan đến Công nghệ gen như Viện Genome  (Genome Institute of Singapore), Viện Tin Sinh học (Bioinformatics Institute)...Các Viện này đã và đang vươn đến những đỉnh cao khoa học thế giới về Công nghệ gen, họ càng ngày càng có  nhiều công trình công bố trên các tạp chí có uy tín nhất thế giới như Nature, Science...Công nghệ gen ngày nay đã có những tiến bộ vượt bậc. Mới cách đây không lâu, việc giải mã một bộ gen người phải cần đến 20 nước tham gia, với thời gian mất đến  15 năm (1989 -2003), tiêu tốn vài tỷ đô la. Ngày nay, công nghệ và thiết bị thế hệ mới cho phép giải mã một bộ gen của một người trọn vẹn trong một ngày, và (nếu không tính đầu tư trang thiết bị ban đầu khoảng một vài triệu đôla = số tiền chi cho một vài km đường bộ!) thì chi phí cho vật tư hóa chất chỉ mấy chục ngàn đôla và trong tương lai có thể giảm xuống đến 1000 đôla. Từ đây, cho thấy một tương lai rộng mở cho việc giải mã gen người để giải quyết nhiều vấn đề cơ bản trong khoa học và ứng dụng thực tiễn như: tuổi thọ, các yếu tố quyết định sức khỏe, cơ chế hình thành bệnh tật, chẩn đoán và điều trị, phát triển các loại dược phẩm thế hệ mới...Công nghệ gen cũng được áp dụng rộng rãi để nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi và vi sinh vật có giá trị...Nói chuyện với các bạn Singapore, các bạn Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc (riêng Bắc Kinh có đến 2 Viện nghiên cứu Genome là: Beijing Genome Instute - BGI với quy mô trên 3000 cán bộ và hàng trăm máy giải trình tự gen thế hệ mới, Beijng Institute of Genomics  - BIG thuộc Viện HLKH TQ), tôi lại cảm thấy băn khoăn, chạnh lòng nghĩ về tương lai của Công nghệ gen nói riêng, cũng như về Khoa học và Công nghệ nói chung của nước nhà. Tôi không biết nói gì với Nguyễn Long khi Long hỏi bao giờ mình có phòng thí nghiệm Genome và điều kiện làm việc tốt hơn để những bạn trẻ hiện đang sống và làm việc ở nước ngoài như Long có thể về nước làm việc. Bất giác tôi nghĩ về một ngày cuối năm 1994, ngày ấy tôi đã ăn Tết Dương lịch trên máy bay khi tôi bay từ nước Đức, rời bỏ vị trí Trưởng nhóm nghiên cứu không dễ dàng có được đối với một người nước ngoài tại một phòng thí nghiệm Công nghệ gen hiện đại, để trở về. Từ ấy, đã mười bảy năm qua rồi... 

Ảnh minh họa: Steve Turner (Pacific Biociences, USA) đang chủ trì phiên họp; báo cáo viên là Pauline Ng: nhà khoa học nữ trẻ, nhưng khá nổi tiếng từ Viện Nghiên cứu Genome, Singapore. 

Ảnh 1: Với các bạn Singapore           

Ảnh 2: Đoàn Việt Nam gặp mặt

Ảnh 3: Thày và trò: TS. Nguyễn Long (áo sọc) hiện nay làm việc tại Singapore và TS. Nguyễn Đăng Tôn (áo trắng) vẫn đang "cắp tráp" theo thầy 

 


Người post: HaiNV

Ngày đăng: 05-10-2011 06:06






Xem 1 - 10 của tổng số 10 Comments

Từ: ThoaNP
07/10/2011 21:27:08

@ThinhTT: Cháu của Thịnh tên là gì, hiện đang làm ở đâu. Đúng như Hải NV gợi ý, nên đến ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP HCM , nhưng ĐỪNG gặp GS.TS Trần Linh Thước (không còn là PGS và Trưởng Khoa Sinh nữa đâu Hải ơi, lên chức lên hàm lâu rồi), mà gặp một nhóm đang làm đề tài nuôi cấy tảo dầu để làm biodiesel (diesel sinh học). Chính vì vậy mình mới phải hỏi tên cháu ngay từ đầu , vì nhóm này cũng do 1 TS trẻ từ nước ngoài về làm đầu tàu - có thể đó chính là cháu Thịnh chăng? (mặc dù Chủ nhiệm đề tài lại là 1 cô Thạc sĩ thâm niên). Nếu cháu chưa ở nhóm này thì mình có thể giúp móc nối, nhóm mình cũng nhiều năm làm biodiesel nhưng từ nguồn nguyên liệu khác.



Từ: HaiNV
06/10/2011 12:42:31

Chào các bạn! Tối hôm qua tôi đã về Hà Nội và hôm nay bắt đầu một một ngày làm việc mới theo "phong thái Việt Nam". Đi đâu rồi cũng phải trở về với hiện thực của cuộc sống trên mảnh đất thân yêu này!


@KiệtNA: Cây trồng biến đổi gen là một trong những sản phẩm của thành tựu to lớn của Công nghệ gen. Như mọi thành tựu khoa học công nghệ khác, người ta phải kiểm chứng và tiếp tục hoàn thiện. Cái gì cũng có các quan điểm PRO (ủng hộ), CONTRA/ ANTI (phản đối) và Phái Trung/ Giữa (Centre/ Middle), với thực phẩm biến đổi gen cũng vậy! Thí nghiệm của nhóm nghiên cứu Nga (thuộc Nhóm CONTRA/ ANTI) rất sơ sài, chưa có đủ căn cứ để kết luận và đã bị các nhà khoa học bác bỏ. Có một nhóm khác của ông người Hung là Apad Pusztai cũng vậy, là nhóm CONTRA/ ANTI nhưng làm thí nghiệm không chuẩn, đã bị Viện Hoàng gia Anh bác bỏ và cơ quan đuổi việc. Hiện nay, nhiều nhóm trên thế giới kiểu "Hòa Bình Xanh" tiếp tục "sự nghiệp" CONTRA/ ANTI các thành tựu khoa học công nghệ và họ cũng đã có mặt ở VN. Chúng ta cần tìm hiểu kỹ mọi thông tin có liên quan từ nhiều góc cạnh trên quan điểm khoa học. Lê Huy Hàm (SV81), Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp có thể thông tin thêm về vấn đề này. Mình cũng có nhiều thông tin, sẽ chuyển riêng cho Kiệt qua email. 


@Anh Thịnh: Nếu cháu muốn về nước làm việc thì có thể đến Khoa Sinh, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP HCM (tìm gặp GS. Trần Linh Thước) làm nghiên cứu, giảng dạy. Hoặc tìm đến ĐH Quốc tế TPHCM (dạy các môn CNSH bằng tiếng Anh), hoặcTrung tâm CNSH TP HCM do TS. Dương Hoa Xô làm GĐ, TS. Nguyễn Quốc Bình (OB78) làm PGĐ, ở đây làm NC nhiều và tương lai có đầu tư lớn của TP. Cơ quan đầu thì có thể chỉ là lương cán bộ bình thường, nhưng 2 cơ quan sau có thể lương cũng khấm khá hơn! 



Từ: KietNA
05/10/2011 15:58:31

Tôi có đọc được một bài viết nói rằng nước Nga có lệnh cấm sử dụng thực phẩm (rau, quả, thịt,...) bị biến đổi Gen.
Theo số liệu thực nghiệm thống kê trên chuột, họ nói đời con cháu của chuột (được cho ăn đồ biến đổi Gen) có thể mất khả năng sinh sản.
Anh Hải NV có thông tin gì về vấn đề này không.



Từ: HaiNV
05/10/2011 10:04:06

Cám ơn các bạn đã chia sẻ những trăn trở, băn khoăn của mình trước "vận mệnh" của Công nghệ gen - một lĩnh vực khoa học, công nghệ cao có nhiều triển vọng, nói riêng, cũng như về Khoa học - Công nghệ, nói chung. Qua Hội nghị mình cũng "sáng ra" được nhiều vấn đề. Chiều nay bọn mình sẽ lên đường về nước, mong nhận được sự tiếp tục động viên, cỗ vũ của các bạn! 



Từ: SonTM
05/10/2011 09:25:35

Suy nghĩ của HaiNV về khoa học của nước nhà cũng là suy nghĩ chung của mọi người làm nghiên cứu khoa học. Tư duy của các nhà quản lý của ta là mỳ ăn liền thôi, cho nên đầu tư cho khoa học còn phải chờ dài dài. Theo họ  nhiều vấn đề còn cấp thiết hơn. Nhưng họ đâu có hiểu rằng không có khoa học và nguồn nhân lực cao thì đừng có nghĩ đến phát triển kinh tế!



Từ: LyTM
05/10/2011 08:57:55

Mong rằng VN sẽ tiếp nhận nhiều người con trở về quê hương để đồng cam cộng khổ và đưa ra được các phương án tối ưu, xây dựng được nhiều cơ sở nghiên cứu cần thiết cho người Việt và nhân loại- những người đã trở về như anh HảiNV. Công nghệ gen cần cho người Vn mình cao to, khỏe mạnh, thông minh và trẻ mãi như Chỉ biết cười trừ mong mỏi cần Nhà nước có quan điểm đúng, đầu tư đúng và những nhà nghiên cứu tâm huyết!


Hôm qua đọc trên mạng thấy mấy nông dân VN xuất khẩu máy nông nghiệp sang châu Phi lại buồn, sao mấy anh Hai Lúa giỏi thế! sao Nhà nước không nhìn thấy những người như thế nhỉ?



Từ: ManhNX
05/10/2011 08:42:25

Hải NV thân mến,


Thật là một Congress sẽ củng cố cho bạn về một ý định xây dựng một Viện riêng về hệ gen.


Chúc thành công, mọi sự như ý!


 



Từ: ThinhTT
05/10/2011 08:35:56

Công nghệ gen tác động to lớn đến cơ thể sống trong hiện tại cũng như tương lai. Nếu điều kiện cho nghiên cứu của Việt Nam cứ lẹt đẹt như thế này thì đến bao giờ mới bắt kịp thế giới. Mình có đứa cháu được giải Sinh Olimpich Quốc Tế, học đại học ở Úc, tốt nghiệp được thày giới thiệu sang Đức làm tiến sỹ trong công trình nuôi cấy tảo để lấy xăng, dầu. Về nước, cháu nó cứ băn khoăn, Không biết có làm nên cơm cháo gì không?


Hải ơi, Những chuyên gia hàng đầu gen học như Hải sẽ làm những gì để ngành công nghệ gen của VN không bị tụt hậu quá xa?



Từ: ThongNV
05/10/2011 08:19:59

Những nhà khoa học từ bỏ môi trường nghiên cứu khoa học tiên tiến ở nước ngoài để về nước làm việc là đặt quyền lợi của đất nước lên trên quyền lợi của cá nhân. Mong sao các nhà quản lý có thẩm quyền thấu hiểu được điều này để đầu tư cho khoa học một cách thiết thực hơn.



05/10/2011 08:17:01

HT Ngọc đã nói web KGU sau 20-30 năm sẽ chết vì người KGU già đi. Anh Hải làm sao có công nghệ gen làm ra thuốc cải lão hoàn đồng, trẻ mãi không già để web KGU cũng vậy.



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s