KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 18 Tháng tư. 2012

Thầy cô thăm Hạ Long




Tác giả: HanhLM

Thầy cô giáo chúng ta đã bình an trở về Moldova được 5 ngày rồi. Học trò hẹn nhau Ura vào lúc 20h ngày 13/4/2012 khi nghe giọng của thầy cô: Chúng tôi đang trên xe ô tô từ sân bay về nhà đây! Ludmila ra đón chúng tôi với những bó hoa vàng thật đẹp. Chuyển lời cảm ơn và lời chào yêu quý nhất đến tất cả sinh viên của chúng tôi ở Việt Nam nhé!

Đã 5 ngày rồi, mà tôi vẫn còn nằm mơ thấy mình đang dẫn thầy cô đi chơi ở Việt Nam. Thực sự là chẳng có dịp nào tôi được gần gũi với thầy cô như thế, nên sướng lắm. Cảm giác được trực tiếp chăm sóc, tâm tình với thầy cô như với cha mẹ già của mình thật hạnh phúc. Đi đến đâu cũng muốn ghi lại tất cả, bằng ảnh, bằng lời…những niềm vui hân hoan, hạnh phúc, những ngỡ ngàng mới mẻ, những trầm trồ…của thầy cô, nhưng quả thật chụp ảnh mà cũng không kịp thời gian để post lên, đừng nói gì đến chuyện ngồi viết. Còn bây giờ khi thầy cô đã xa, vắng vẻ và nhớ, tự nhiên lại muốn viết đôi dòng. Chẳng “văn hay chữ tốt” như bao người, nhưng tôi không có cách nào khác là cầm bút viết đôi hàng.

12 ngày thầy cô ở Việt Nam là 12 ngày đầy trải nghiệm thú vị và bất ngờ. Và 2 ngày trên Du thuyền Opera ở Vịnh Hạ Long có lẽ là một trong những trải nghiệm thú vị và bất ngờ nhất đối với thầy cô. Thầy cô đều đã biết trước sẽ được đến một Vịnh trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới, sẽ được đến nơi vừa mới được công nhận là kỳ quan thiên nhiên thứ 7 của thế giới. Em Huyền dặn đi dặn lại, hãy bằng mọi cách để được đón Bình minh và Hoàng hôn trên biển nhé! Thế nên mới thuê du thuyền ở trọn cả ngày đêm trên Vịnh.

Hẹn 8h00 sáng ngày 09/4/2012, xe ô tô sẽ đến đón ở khách sạn Sofitel Plaza, nên thầy cô phải làm thủ tục trả phòng và gửi đồ từ 8h kém 15 (của đáng tội, để tiết kiệm, trong 6 ngày ở Hà Nội, thầy cô phải làm thủ tục trả phòng, nhận phòng và gửi đồ đến 3 lần. Tôi ái ngại cho thầy cô thì nhận được câu trả lời đầy cảm thông: Đúng rồi, tội gì mình phải mất tiền cho 2 đêm không ngủ trong khách sạn cơ chứ!). Tôi nhận được điện thoại của cậu Minh – lái xe: Em đang đỗ xe ở cửa bên phải khách sạn, trên đường Yên Phụ chị nhé! Bầu đoàn kéo nhau ra chỗ hẹn thì chẳng thấy người và xe đâu. Gọi mãi không được, toàn thấy máy bận. Bực quá, lái xe gì mà toàn “buôn dưa lê, bán dưa gang” vào giờ cao điểm thế này. Mãi sau cũng nối được liên lạc thì cậu ta nói tỉnh bơ: Trên đường Yên Phụ không còn chỗ đỗ nên em phải ra đầu đường Thanh niên. Em chạy lại ngay đây! Thở phào nhẹ nhõm, vì hết cảnh nhìn thấy thầy cô sốt ruột, cứ như nếu đi chậm phút nào thì Vịnh Hạ Long đóng cửa phút ấy.

Lên xe ô tô, Ban Tổ chức bắt đầu kiểm quân số. Xe 23 chỗ ngồi mà trên xe chỉ có 18 người, kể cả lái xe và anh Bình – hướng dẫn viên du lịch bằng tiếng Nga, nên khá rộng rãi, không ai phải ngồi ghế phụ ở giữa cả. Tháp tùng 7 thầy cô có 8 người: 2 cặp vợ chồng anh Mai (Luật 81) và anh Dũng (Sinh 75), anh Ninh (Sinh 75), Hạnh (Luật 80), Thủy (Luật 93), Hải (Luật 92). Ngoài ra,  còn có Macxim – thực tập sinh người Belarut ở Viện Di truyền học của anh Hàm (Sinh 1982), giảng viên của Trường Đại học Tổng hợp Minxk, một anh chàng 40 tuổi mà trông trẻ trung, bẽn lẽn như một cậu sinh viên mới ra trường. Hôm trên Du Xuân, anh Hiện (Luật 81) và anh Hàm dẫn Macxim đến gửi gắm: Nếu còn chỗ thì cho cậu Macxim đi Hạ Long cùng với! Gọi điện cho nhà tàu thì hết chỗ, nhưng nhà tàu hứa sẽ trải thêm một cái đệm. Trước giờ khởi hành, Quy (Luật 93) nhắn tin: Em không đi được vì nhà có việc đột xuất chị ơi. Chị nói với thầy cô là em rất tiếc không đi cùng với thầy cô được rồi. Thế là Macxim được thế chân. Quá hên! Trong suốt hành trình, Macxim là người bạn cờ vua và bạn tâm tình của ông thầy lãng tử Osmokesku của chúng ta.

Trên đường đi, xe dừng lại ở một cửa hàng bán đồ lưu niệm lớn ở Chí Linh (Hải Dương). Thôi thì đủ các mặt hàng hấp dẫn khách du lịch, nhất là người nước ngoài: Tranh thêu tay, đồ lụa tơ tằm, đồ gốm, đồ sơn mài, các sản phẩm bằng đá, bánh kẹo…Thầy Osmokesku mê mẩn nhất những bức tranh thêu tay và là người tích cực mua sắm nhất. Thầy rất thích áo tơ tằm may kiểu dân tộc. Mua một cái áo màu trắng ngà cỡ XL và thầy đã diện luôn trong buổi đến thăm văn phòng, dự chiêu đãi do anh Đinh Ngọc Hiện (Luật 81) tổ chức tại Văn phòng của mình. Chả gì vợ chồng thầy Osmokesku cũng là cặp trẻ nhất, năng động nhất trong đoàn mà. Còn vợ chồng thầy Kojukhar thì chỉ thích sắm quà cho 2 cô con gái và đám cháu ngoại, với những áo, váy, khăn quàng, vòng ngọc trai. Cô Larisa đã được nhóm trò (mà khi nào cô cũng gọi đầy tự hào là: mai maltriki) sắm quà trên Hàng Gai rồi thì chỉ đứng đàm đạo với anh Ninh suốt, chẳng mua gì. Riêng vợ chồng thầy Kibak thì “biến” đi đâu mất, tìm chẳng ra. Sau lên xe chúng tôi mới ngớ ra khi nghe thầy nói: Chúng tôi chỉ vào đi wc xong ra cửa đứng chờ, chẳng thích mua gì đâu. Mà ở đâu cũng vậy, bà Palegea mua gì cũng “lấm lép” nhìn chồng: Ông ấy không cho mua vì sợ tốn tiền của các em. Khổ thế đấy!

 

Sắp đến nơi, các thầy cô ồ lên khi anh Bình chỉ tay sang bên trái giới thiệu Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại – nhà máy nhiệt điện đầu tiên của Việt Nam do Liên Xô giúp đỡ xây dựng. Xe đến Quảng Ninh, vừa nhìn thấy các hòn đảo nhấp nhô xa xa, thầy cô đã rất phấn khích. Thầy Osmokesku vội chỉ đạo cô vợ trẻ Nadia: Chụp ảnh mau!

Xe ô tô đến bến tàu trên đảo Tuần Châu. Ca nô đưa từng đoàn khách ra tàu. Tàu Opera của chúng tôi đây rồi: Lịch lãm với màu sơn trắng và hùng dũng với 3 tầng lầu!

Lên tàu, nhận phòng ngủ. Chúng tôi ở cả thảy 8 phòng. Ba cặp vợ chồng thầy giáo khoa Luật ở 3 phòng; Cô Larisa ở với Thủy; vợ chồng anh Mai 1 phòng; anh Ninh ở với Macxim. Còn Hạnh đành “chia loan rẽ phượng” vợ chồng anh Dũng: Hạnh ở với chị vợ anh Dũng, còn anh Dũng ở với Hùng Hải. Thế là ổn thỏa việc phòng ốc. Đã 14h, khách được mời lên tầng 2 dùng bữa trưa. Thầy trò ăn uống ngon lành vì đã đói mềm sau chặng đường 180km. Để hợp khẩu vị của thầy cô, bữa nào chúng tôi cũng gọi thêm bánh mỳ bơ. “Đông – Tây hội nhập” trong từng bữa ăn như thế, vui đáo để. Chị Bích – vợ anh Mai còn mang theo một túi hoa quả to. Thế là bữa nào thầy trò cũng được “đét xe” xoài, ổi, doi thật đã đời. Chỉ tiếc là chúng tôi không đãi được thầy cô mít, thứ quả xù xì đầy gai mà trên đường đi thầy cô tò mò hỏi là quả gì hay vậy. Ăn xong thầy trò kéo nhau lên boong tàu trên tầng 3 ngắm cảnh, hóng mát. Trời thật chiều lòng người, 2 ngày ở Hạ Long nắng vàng ươm nhưng không hề oi rát và gió biển thật hào phóng. Anh Bình – hướng dẫn viên cứ tấm tắc: Những ngày như thế này ở Hạ Long là hiếm lắm đấy. Giữa trời xanh nước biếc thầy cô vô cùng sảng khoái và thích thú, chẳng ai chịu về phòng nghỉ cả.

15h chiều, bắt đầu chương trình lên ca nô đi thăm làng chài và chèo thuyền Kaiak. Thầy Osmokesku và Macxim dứt khoát bơi Kaiak, thầy trò còn lại lên 3 chiếc đò tiến thẳng về phía làng chài. Thầy cô rất bất ngờ với những sinh hoạt đời thường của người dân làng chài, với những con thuyền bán hoa quả, đồ uống và đồ gia dụng, với lớp học nổi trên sông, với lũ trẻ từ trên những cái “nhà xà lan” nhảy ùm xuống biển vừa bơi vừa chọc ghẹo nhau vang cả một góc làng chài…Cảm giác ngồi trên con đò nhỏ bé, chòng chành giữa trời nước mênh mông vừa thấy sờ sợ, vừa thú vị, nhất là khi đi qua những hang luồn. Thầy Kibak nghịch ngợm đứng lên làm đò hơi chòng chành khiến cho bà vợ Palegea kêu rú lên. Mọi người được dịp cười vang cả làng chài. Thầy Kibak luôn đi lại, cười nói rất hùng dũng nhưng khi chăm sóc vợ thì rất dịu dàng. Bà vợ nhìn chồng “than phiền” một cách âu yếm: Trong nhà tôi có 10 đứa vừa con, vừa cháu. Ông ấy là “đứa cháu” thứ 11 đấy. Ở nhà là tôi phải nấu nướng, giặt giũ phục vụ ông ấy. Ra khỏi nhà là tôi phải sang sửa áo quần, giầy mũ…Thế còn ở đây thì chúng tôi lại thấy thầy Kibak luôn mang theo mũ, khăn, áo khoác phục vụ vợ. Chả là cứ ngồi ngoài gió một chút là bà Palegea lại phải khăn mũ trùm kín đầu, vì: Nếu không là tôi nhức đầu lắm. Lên xe xuống thuyền là thầy lại xốc nách đỡ vợ thật cẩn thận. Bà bảo: Ở Kisinhop tôi phải chống nạng đấy chứ. Hôm đi tôi định mang nạng theo thì ông ấy không cho, nói là làm thế học trò sẽ lo lắng. Hôm sau lên thăm Hang Sửng Sốt, lúc đầu nghe hướng dẫn viên nói là phải leo 100 bậc thang, bảo bà còn xem có thể leo lên được không hay là cứ ở dưới tàu. Thế mà tàu vừa đến chân núi bà rắn rỏi nói: Phải leo chứ! Hôm qua tôi được mát xa chân rồi, hôm nay leo được quá đi chứ. Và thầy cô dìu nhau leo “phăm phăm” lên hang, chẳng hề bị rớt lại.

17h chiều, khách được mời lên tầng 2 dự party rượu vang đỏ và hoa quả. Bà Palegea – vợ thầy Kibak còn đưa ra nho khô và orex thết đãi cả tàu. Sau đó đến tiết mục hướng dẫn khách cuốn nem. Các cô nhà mình hăng hái lắm, cuốn rất nhanh và khéo. Cô Larisa và bà Ana – vợ thầy Kojukhar khoe là trước đây sinh viên Việt Nam đến chơi nhà đã hướng dẫn cho các cô làm nem rồi mà. Nghe nói những đĩa nem tự cuốn này sẽ được rán lên để bày trong bữa tối thì các cô thích lắm. Kết quả là trong bữa tối, nhoáng cái đĩa nem rán đã hết trước tiên (nhưng nhìn kỹ thì có lẽ nhà bếp đã cuốn lại nem nên trông cái nào cũng tròn đều hơn hẳn lúc chiều. Hi Hi!). Biết ý, chúng tôi gọi điện về nhờ mua bánh đa nem, nấm hương, mộc nhĩ biếu các cô mang về thỉnh thoảng trổ tài cuốn nem thết đãi cả nhà.

Ăn tối xong, thầy trò lại kéo nhau lên boong tàu trên tầng 3 chơi. Trên chiếc giường mây, một nhân viên mát xa nữ của nhà tàu đang mát xa chân cho một ông Tây. Thấy lạ, thầy cô chăm chú nhìn. Đây là mát xa chân, hơi khác so với mát xa toàn thân ở Nha Trang mà thầy cô đã được làm liền hai ngày– Hạnh giải thích. Thầy cô muốn thử không ạ? Nhất trí ngay! Thế là thỏa thuận với cô bé nhân viên là sau bữa tối nửa giờ sẽ lần lượt mát xa tại phòng cho vợ thầy Kibak, vợ chồng thầy Kojukhar và thầy Osmokesku. Gần 12h đêm “tiết mục” mát xa mới kết thúc ở phòng thầy Osmokesku. Sáng hôm sau, thầy cô trèo lên thăm Hang Sửng Sốt hăng hái lắm, chẳng trừ một ai. Đó là nhờ có mát xa chân tối qua đấy!- Ai cũng khẳng định như đinh đóng cột.

Theo chương trình của nhà tàu, 6h00 sáng hôm sau mọi người sẽ lên boong tầng 3 để ngắm bình minh trên biển (chỉ tiếc là sáng hôm đó trời nhiều mây nên chẳng được thấy cảnh mặt trời nhô lên từ mép nước, khi nhìn thấy thì ông mặt trời đã treo lưng lửng trên đầu) và được hướng dẫn tập dưỡng sinh. Nhưng chỉ có cặp đôi Osmokesku trẻ khỏe nhất là dạy sớm. Khi chúng tôi lên boong thì thầy cô khoe đã tập dưỡng sinh rồi. Thầy đi lại bài quyền vừa được tập để tôi chụp ảnh kỷ niệm. Nhìn thầy Osmokesku luôn vận động trong tình trạng  “ngực trần, quần đùi” mà thấy thầy thật là người có nghị lực. Cách đây 2 năm thầy bị mổ tim (Nadia – vợ thầy “bật mí” là hết 25 ngàn euro), với vết sẹo dài khoảng 25cm trên ngực, rồi thầy còn bị tai nạn ở chân trái với vết sẹo dài 85 cm suốt từ mắt cá chân lên. Thầy bảo ở Kisinhop thầy luôn duy trì mỗi ngày đi bộ 3 lần: Đến nơi làm việc, sau ăn trưa và đi làm về nhà, tổng cộng 15-16km mỗi ngày. Sang đây thầy vẫn duy trì chế độ đi bộ như thế, tuy ít hơn. Chả thế mà sáng sớm ngày đầu tiên đến thành phố Hồ Chí Minh, khi chúng tôi đến khách sạn, thầy cô đã khoe là dạy từ 6h đi bộ xung quanh trung tâm thành phố rồi. Ra đến Nha Trang thì thầy cô “sục sạo” khắp thành phố biển, ngay buổi chiều đầu tiên đã tự sắm cho mình đôi dép xỏ ngón bằng giang. Trên Thiên Sơn– Suối Ngà thầy lại dạy sớm đi bộ quanh hồ trong lúc trò Việt đang say sưa giấc nồng sau một đêm gần như thức trắng trên Nhà sàn. Buổi chiều từ Du Xuân về Hà Nội, trong lúc các thầy cô khác lên phòng nghỉ thì một mình thầy lại đi bộ dọc đường Thanh niên, ra đến Lăng Bác.

Sau khi ăn sáng xong, khách được đề nghị thu dọn trả phòng ngủ (để nhà tàu dọn phòng chuẩn bị đón khách vào buổi trưa) và xếp gọn đồ đạc ở góc tàu. Tàu nhổ neo đi thăm Hang Sửng Sốt. Thầy cô mình thực sự sửng sốt trước vẻ đẹp huyền ảo muôn hình muôn vẻ của hang. Chụp ảnh lia lịa từng đôi, từng đôi một. Cô Larisa cũng luôn có đôi với 2 trò Ninh và Dũng của mình. Đôi già nhất đoàn là vợ chồng thầy Kojukhar được em Thủy “phụ trách” lại là đôi nhanh chân nhất. Loáng một cái chúng tôi đã chẳng thấy đâu. Té ra trong lúc chúng tôi đang mải chụp ảnh phục vụ cô Larisa, vợ chồng thầy Kibak và Osmokesku thì em Thủy đã đưa thầy cô ra ngoài cửa hang rồi, mặc dù cũng chụp ảnh chẳng thiếu góc hang nào - Thủy khoe vậy. Đến trước tảng đá hình con rùa, thấy có tiền của khách thập phương để trên chiếc đĩa trước mặt “Cụ”, thầy Osmokesku cũng quỳ xuống đặt tiền và làm dấu Thánh (Thầy rất mộ đạo, như MM đã nhận xét ngay từ ngày đầu tiên đi thăm Nhà thờ Đức Bà ở thành phố Hồ Chí Minh). Trước khi rời tàu Opera và rời khách sạn Sofitel Plaza thầy đều thả những đồng xu xuống nước và lầm rầm đọc kinh. Thầy làm thủ tục đó một cách nghiêm trang và thành kính.

Trở về tàu, dùng bữa trưa xong, tàu nhổ neo quay về bờ. Thầy trò chụp thêm một tấm ảnh kỷ niệm ngay trên cầu tàu, hẹn ngày gặp lại.

Trên đường về Hà Nội, xe ô tô dừng tại một cơ sở nuôi cấy và bán ngọc trai (cũng để cho lái xe ăn cơm và nghỉ ngơi đôi chút, sau 4 tiếng chở khách từ Hà Nội ra Hạ Long). Thầy cô chăm chú  nghe giới thiệu về quy trình nuôi cấy ngọc trai, phân biệt ngọc trai nước ngọt và ngọc trai nước mặn, cách phân biệt ngọc trai thật giả. Và rồi ai cũng mua vài sản phẩm ngọc trai. Thầy Kojukhar thì mua dây chuyền ngọc trai hồng cho cô và cho 2 con gái. Thầy Kibak thì mua đôi khuyên tai ngọc trai hồng tặng vợ nhân ngày sinh nhật vào tháng 7 sắp tới. Còn vợ chồng thầy Osmokesku thì mua đôi khuyên tai và dây chuyền ngọc trai đen tặng con gái rượu Elena. Ai cũng phấn khởi, vì mua được những món quà ưng ý cho người thân. Được mọi người “mô kích” nên anh chàng Macxim cũng móc ví  mua dây chuyền ngọc trai hồng tặng vợ.

17h chiều ngày 10/4/2012, xe về đến khách sạn Sofitel Plaza Hà Nội. Kết thúc chuyến Du thuyền Hạ Long đầy lý thú. Thầy cô đã có những giờ phút thật mãn nguyện, hạnh phúc trên biển đẹp Hạ Long!

           Trước khi kết thúc bài viết, tôi còn muốn nói thêm một điều: Để thầy cô có được chuyến du ngoạn như trong mơ này, không thể không kể đến tâm huyết và tấm lòng vàng của hai em Thanh Huyền - Trung Kỳ. Các em đã xung phong nhận tài trợ toàn bộ chuyến Du thuyền Opera trên Vịnh Hạ Long trong 2 ngày 1 đêm cho cả đoàn thầy trò. Thêm vào đó, còn phải kể đến công sức của em Thúy Ngọc (Luật 93) - người đã thư đi thư lại thương thảo với nhà tàu để thầy trò chúng tôi được tiếp đón chu đáo nhất. Rồi anh chị Dũng, anh chị Mai, anh Ninh, em Hải, em Thủy - những người luôn theo sát từng bước đi của thầy cô, chăm lo, săn sóc, tâm tình cùng thầy cô trong suốt cuộc hành trình trên Du thuyền. Và cuối cùng là tất cả anh chị em khoa Luật và  Hội KGU chúng ta - những người luôn lo lắng, cổ vũ, động viên, giúp đỡ và chờ ngóng những thông tin sốt dẻo về thầy cô trong suốt 12 ngày đêm thầy cô ở Việt Nam và trở về Moldova.

        Xin cám ơn tất cả mọi người!

 


Người post: HanhLM

Ngày đăng: 18-04-2012 06:06






Xem 1 - 10 của tổng số 13 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: ChiDK
22/04/2012 10:45:02

Em Huyền hãy chụp nhiều ảnh Kisinhep để gửi vê cho mọi người được nhìn thấy những gì thân thương nhất của kisinheeps nhé. Những bức ảnh sẽ làm những ngưoi KisinhepVN đỡ nhớ nơi ấy chăng.



Từ: HanhLM
20/04/2012 14:29:07

Em xin kể thêm là: Trong khi các thầy cô khác gọi nhau là Xasa - Ana (cặp thầy Kojukhar) và Kolia - Nadia (cặp thầy Osmokesku) thì thầy cô Kibak (Gheoghi và Palegea) gọi nhau là Mama - Papa rất âu yếm (như Mẹ ơi - Ba ơi, Mẹ nó ơi - Ba nó ơi). Cái ảnh thầy cô Kibak chụm đầu trong Hang Sửng Sốt không phải do em đạo diễn đâu, mà do cô kéo thầy lại làm động tác đó và chỉ đạo: Hạnh, chụp đi!


Chiều qua em vừa gọi sang cho cô Larisa. Cô nói từ hôm về Kisinhop đến nay chỉ có một ngày là không có điện thoại của học trò từ VN, còn hôm qua thì có anh Bưu và em gọi sang. Cô nói là Moldova bây giờ đang lạnh lắm, cô còn cảm thấy lạnh lẽo hơn vì phải xa học trò yêu quý của cô. Em nhắc lại với cô một kỷ niệm vui hôm rời Nha Trang và cô trò cười mãi. Số là trong bữa sáng trước khi rời khách sạn Novotel, cô lấy 1 cái bánh ngọt ở khu vực đồ đetxe. Ăn xong cô tấm tắc khen: Ngon quá, thế mà mấy bữa vừa rồi mình không biết để ăn. Thế là tôi ra lấy 4 cái mang về bàn cho hai cô trò và vợ chồng thầy Osmokesku. Cô nói: Lấy cho Hoài nữa đi, vì nó hiền lắm, mà lại gầy nữa. Tôi ra lần nữa thì thấy trên đĩa còn có 3 cái bánh. Lấy nốt về gói vào giấy, cho vào túi mà cô trò cứ "lấm lép" cười. Va ly túi xách ngổn ngang thế mà cô cứ dặn đi dặn lại là nhớ đưa cho Hoài đấy nhé. Tôi giả vờ nói: Bánh ngon thế, mình giữ lại hết để ăn, tội gì mà cho Hoài. Cô năn nỉ: Thôi, cho nó một cái thôi cũng được, để nó được nếm bánh ngon mà. Tiếc thay, khi về đến khách sạn nhóm trò của cô kéo cô đi vội, nên tôi quên khuấy đi mất. Về nhà nhìn thấy 3 cái bánh bẹp dúm trong túi, tôi mới nhớ ra. Hôm qua tôi xin lỗi cô là đã quên mất lời cô dặn. Cô cười: Cô bây giờ cũng thế, hay quên lắm.


Hôm ở Nha Trang, cô đưa cho tôi xem một lá thư cô viết cho học trò VN từ năm ngoái mà chưa viết xong để gửi đi. Lá thư với những con chữ run run, nghuệch ngoạc mà cô nói là phải viết 1 tuần mới được chừng ấy, vì tay cô run không nắm chặt được...Nhớ lắm những câu chuyện cô kể, những lời thủ thỉ tâm sự của cô về những thăng trầm trong cuộc đời cô, về chuyện chị Chi "phát minh" ra một thuật ngữ mới khi gọi cô là: nasa prepodavachenisa - zabưvachenisa (từ động từ "quên - zabưvatch")...Trước khi rời VN cô nghẹn ngào nói: Không biết cô sẽ sống tiếp như thế nào khi về Moldova đây?



Từ: MaiND
20/04/2012 08:48:51

 


Tính từ thời điểm khởi động KH mời Thầy cô - ngày 07/2/2012 (ngày anh gặp anh chị em Luật KGU tại SG để chính thức bàn bạc KH) và ngày kết thúc 12/4/2012 (ngày tiễn Thầy cô về nước tại sân bay TSN) chỉ trong khoảng 02 tháng (chính xác hơn là 63 ngày đêm) chúng ta – những người KGU đã hoàn thành “chiến dịch” này. Nếu so sánh (tất nhiên sẽ là khập khiễng) thì có thể mạo muội nói rằng nó “tương đương” với các chiến dịch “55 ngày đêm” năm 1954 và “12 ngày đêm” năm 1972 trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, mặc dù trong đ/k hợp đồng tác chiến ở tầm cỡ toàn cầu.


Đúng là một “chuyến đi như trong cổ tích” hay “chuyến đi trong mơ” mà các học trò KGU chúng ta đã tổ chức quá thần tốc và thành công, mỹ mãn đến bất ngờ. Qua chuyến đi này của Thầy cô các ace KGU nói chung và Luật KGU nói riêng ở cả ba miền cảm thấy gắn bó với nhau hơn, mặc dù trước đó trong số chúng ta nhiều người còn ko biết mặt nhau, thậm chí cả tên nhau cũng chưa nghe thấy. Tất cả đều hài lòng, mỹ mãn vì đều được góp phần xây dựng nên câu chuyện cổ tích có thật này để tri ân Thầy cô yêu quý của chúng ta. Qua em càng thấy rõ hơn ý nghĩa của chuyến đi và tình cảm của các Thầy cô KGU đối với chúng ta và đối với VN.


Nhân đây, cảm ơn vợ chồng Huyền - Kỳ. Em thật xứng đáng với danh hiệu “Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Hội KGU tại Môn”. Cảm ơn HạnhLM - một người KGU (“милая, светлая, чистая нежная” trong suy nghĩ của các Thầy cô) rất tâm huyết đã đóng góp công sức rất lớn cho sự thành công của “chuyến đi trong mơ”, anh Đinh Hiện, Đỗ Xuân Quang (hai nhà tài trợ chính) và tất cả các ace Luật KGU, Hội KGU đã cùng nhau góp công, sức và tài chính với cả tấm long và nhiệt tình để tri ân Thầy cô.


Có thể nói chuyến đi của các Thầy cô sang VN là hoàn toàn trọn vẹn, cực kỳ mỹ mãn và thật đáng tự hào.



Từ: HuyenBT
20/04/2012 04:19:05

Lúc chị Hạnh cùng thầy cô ở Nha trang, em đã đòi chị viết,kể chi tiết về chuyến đi, rồi sau đó ân hận vì lại làm khổ chị thêm, chị không kịp cả một giấc ngủ tròn trong đêm.Em chẳng biết nói thế nào, không biết có ai làm được như chị. Chỉ biết cảm ơn lắm, chị Hạnh ạ.Thầy cô trở về Moldova, còn đang ở trong sân bay, thì hồi chuông điện thoại đầu tiên gọi đến cũng là chị Hạnh. Thầy trò em gặp nhau hôm rồi, để hàn huyên về chuyến đi như trong cổ tích, 12 ngày đêm (không phải của năm 1972),lại được tái hiện lại trong cảm xúc của thầy cô, dưới góc nhìn của thầy cô. Thày cô triết tự cái tên Minh Hạnh. "Có phải Minh là милая, светлая, чистая нежная? Em còn chưa biết trả lời thé nào, thầy cô bảo rất muốn đặt tên mol cho chị. Và đặt là " Anusoara" (Anna). Bản thân em cũng rất thích tên đó. Một cái tên rất âu yếm của người Mol. Hình như khi còn ở Vn thầy cô đã bắt đầu gọi chị như thế rồi?


Em từng nói với mọi người, thầy cô đến Vn không thuần túy với tư cách là người đi du lịch. Như cô Larisa phát biểu trong một cuộc gặp đấy(cô nhắc lại với em), thầy cô đến với quê hương của học trò của mình, gặp học trò cũ của mình, để được trở về tuổi trẻ , và để mang đến cho học trò những năm tháng sinh viên". Vì thế mà Hạ long , Nha trang, Hà nội Sài gòn... nói chung là VN,trong thầy cô đẹp không chỉ dưới góc độ của kỳ quan thiên nhiên, mà còn là vẻ đẹp của tình nghĩa nữa. Em ở bên này, em nói chuyện với thầy cô và biết chắc được điều đó. Bây giờ thầy cô bảo Vn ở gần lắm, sẽ ở trong lòng thầy cô như quê hương thứ hai. Cô Larisa đi nhờ người xem chiêm tinh , và hãnh diện thông báo: Tôi không nhầm đâu, tôi biết tại sao tôi hợp ngay với Vn đến thế- kiếp trước của tôi là ở vùng biển Á mà!


Em còn muốn kể nhiều lắm về tâm trạng, tình cảm của thầy cô, nhưng không thể trong khuôn khổ com này được. Em chỉ biết cảm ơn chị Hạnh, ít nhất đã thay mặt chúng em, cảm ơn anh Mai, người vừa được thầy cô thăng chức lên đến General(lý do trực tiếp, em sẽ kẻ sau, cũng hay lắm), cảm ơn anh chị em khoa luat, và các anh chị em trong hội mình đã cùng nhau vừa làm nên một cổ tích nữa!



Từ: MaiND
19/04/2012 15:58:50

Rất cám ơn HạnhLM đã có một bài viết phản ánh quá đầy đủ và minh họa chi tiết về chuyến du lịch của Đoàn Thầy cô + học trò KGU tại Hạ Long. Hạnh không chỉ viết rất hay, truyền cảm mà còn là nhiếp ảnh gia năng động, nhiệt tình, thật xứng danh là “Phóng viên mặt trận” mà một người nào đó chợt nghĩ ra và kịp thời phong tặng cho em. Nhớ hôm đưa các Thầy cô đi Bát Tràng, vắng Phóng viên mặt trận thế là mọi người quên luôn chụp ảnh các thầy cô, may sao còn kịp chụp được vài 03 kiểu ảnh làm ví dụ…


Sau HạnhLM, tôi là người thứ 2 được gần gũi nhiều hơn với các Thầy cô trong những ngày ở VN và cũng là người được tháp tùng, tham dự buổi tiệc chia tay ở TP HCM và cùng một số Ace KGU ở phía Nam tiễn đưa, chia tay các Thầy cô lúc gần 02h00 ngày 13/4 ở sân bay TSN. Có lẽ tất cả chúng ta - mọi người KGU đều nín thở ngóng chờ Thầy cô sang, theo dõi từng bước đi của Thầy cô trong những ngày ở thăm VN cũng như khi các Thầy cô trên đường bay về Môn. Chúng ta chỉ thở phào nhẹ nhõm sau khi được HuyềnBT chính thức thông báo “các Thầy cô đã hạ cánh an toàn ở Kis và tất cả đều mạnh khỏe…”. cũng ko ngờ rằng chuyến đi này của Thầy cô lại nhanh chóng, thuận lợi, thực sự thành công đến thế, đúng là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Vấn đề quan trọng nhất là bảo đảm tuyệt đối an toàn và tất cả các Thầy cô đều hết sức hài lòng, mãn nguyện về “chuyến đi trong mơ” mà các học trò KGU đã cố gắng thể hiện tình cảm tốt đẹp của mình bằng hành động cụ thể để tri ân các Thầy cô một cách thiết thực, ý nghĩa và vô cùng cảm động.


Xin thay mặt Ban tổ chức Luật KGU và nhóm trò cô Larisa, tôi (MaiNĐ) xin chân thành cám ơn Hội KGU, các Ace Luật và mọi người KGU ở cả ba miền đất nước đã góp phần của mình cùng tổ chức rất thành công và vô cùng mỹ mãn chuyến đi trong mơ” không chỉ  đối với các Thầy cô mà còn đối với tất cả chúng ta - những học trò.


 



Từ: NgocNT
19/04/2012 11:52:14

Chị hạnh ơi! Cám ơn chị nhiều lắm! Bài viết đầy đủ và chi tiết đến thế! Chị hồi lại những ngày ở TP.HCM và cả ở Nha trang rồi viết lại đi nhé! Em ngắm những ảnh mà các thầy cô thả sức tự nhiên giữa khung cảnh Hạ Long mà thấy vui quá, nhớ các thầy cô quá và càng "êu" cái Hội mình hơn. Cho dù có những gì chưa được như ý muốn thì điều quan trọng là mỗi chúng ta, mỗi người cố gắng một chút, vui vẻ một chút và đã làm được những việc lớn với ý nghĩa thực sự của nó. Đấy mới là điểm đáng nhớ! Năm ngoái em mê nhất ảnh chụp 2 vợ chống thầy Arkadi, thì năm nay lại có tuyệt tác Kibắc và vợ! càng nhìn càng thấy đẹp chị ạ!



Từ: LinhND
18/04/2012 21:15:02

Hạnh ơi,


Chờ mãi mới thấy bài Hạ Long, em quá may mắn và nhiệt tình theo thầy cô trên từng cây số.


Hôm thầy cô vào SG ai cũng khỏe mạnh, chứng tỏ HN chăm sóc tuyệt vời rồi.


Chả biết khi nào lại có thày cô sang nữa nhỉ.



Từ: ChiDK
18/04/2012 20:35:20

Tôi vẫn còn nguyên cảm xúc của những ngày thầy cô ở VN. Tôi xúc động vì thấy thầy cô như thấy những người thân yêu của mình sau 30 xa cách. Tôi chẳng bao giờ giám nghĩ có ngày gặp lại thầy cô. Thế mà tôi đã được gặp. Thầy cô sang mang theo hương đất trời của đất trời Môn đô va thân thương. Tôi như thấy mình đang sống nhưng năm tháng của tuổi trẻ 30 năm về trước. Tôi vẫn không thể nào tả hết cảm xúc của mình. Các anh chị ai còn ảnh về thầy cô những ngày ở VN hãy post lên mạng cho mọi người biết nhé. Xin cảm ơn tất cả mọi người.



Từ: LienTP
18/04/2012 14:20:41

Cảm ơn Hạnh. Bạn nhiệt tình đi khắp Nam Bắc, chuyển tải thông tin về đoàn thầy cô cho đến ngày cuối cùng. Mình lâu lắm rồi chưa đi Vinh Hạ Long. Lần này Vịnh được xếp hạng, các thầy cô đi thăm được càng có ý nghĩa mà. Ảnh rất đẹp.


 



Từ: Meomun
18/04/2012 08:43:54

Chờ mãi mà không thấy ai post bài và ảnh Hạ Long, nay mới thấy bài của chị Hạnh. Cám ơn chị Hạnh nhiều. Chị Hạnh chèn ảnh vào bài đi, cho sinh động. Tiếc là hồi cô Irina và con gái Vika sang thăm VN thì không đi hạ Long được, do thời tiết. Đợt này, may mắn là cả 2 chuyến đi biển: Nha Trang và Hạ Long đều tốt đẹp và ấn tượng.


Em thì đi Hạ Long từ năm ....1974, lúc ấy chỉ nhớ các núi đồi ở Quảng Ninh có rất nhiều cây thông, cảnh biển thì rất đẹp. Em mong có dịp sẽ đi HL, tuy hơi khó đối với em.


Nhân chị Hạnh nói chuyện thầy Osmokescu đã trải qua mổ tim, cũng muốn góp chuyện thêm 1 tí. Ở VN thì bác sĩ Viện Tim trong TP HCM có tay nghề chẳng kém gì bác sĩ nước ngoài, chi phí lại rẻ hơn rất nhiều. Vừa rồi bạn của MM mổ tim, may mắn là được BS Phan Kim Phương, Giám Đốc, người được mệnh danh là có đôi tay vàng, trực tiếp mổ. Bạn bè trêu nó là mọi người đã xếp cục gạch để đến thăm và xem... sẹo. Nhưng tất cả mọi người, đặc biệt là bạn nam (hihi), đều hơi ...hẫng khi thấy vết mổ rất ngắn (dài chỉ chừng 10 cm) và đẹp, hầu như không nhận ra, ngay cả khi mặc áo hở cổ, hihi.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s