KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 30 Tháng năm 2012

Qua cầu Hiền Lương




Tác giả: BinhNH

Ngay từ hồi còn nhỏ, lời và âm điệu  bài hát “ Bên ven bờ  Hiền lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê hương, đôi mắt đượm tình quê …” đã in sâu vào trí nhớ của lũ trẻ con chúng tôi. Những năm tháng trước giải phóng miền Nam,  cầu Hiền Lương và dòng sông Bến hải đã trở thành một địa danh mà có lẽ người Việt nam nào thời chúng ta cũng từng nhớ tới  ...

Bài hát Câu hò bên bến Hiền Lương

 

Chiến tranh  qua đi đã 37 năm, vậy mà tôi vẫn chưa một lần được nhìn thấy tận mắt cây cầu và dòng sông giới tuyến ngày ấy. Cho nên , đầu tháng 4/2012, vừa dự xong hội du xuân của hội KGU tại Thiên Sơn suối Ngà về, hai Bình ( CL77) vội “chớp ngay thời cơ” được tháp tùng bà nội Minh Anh  đi từ Hà nội,qua miền Trung, đất Vĩnh Linh, thành cổ Quảng Trị , vì chúng tôi biết rằng: sẽ được đi qua sông Bến hải và cầu Hiền Lương. Cây cầu đã trở thành ranh giới hai miền Nam Bắc đúng vào năm hai Bình ra đời còn gì…

Sẵn sàng lên đường

Xe chúng tôi xuất phát từ Hà nội lúc 2h30 chiều ngày 9/4/2012, tối hôm ấy chúng tôi dừng chân ở Cửa lò để nghỉ đêm. Trời sáng, xe đưa chúng tôi đi tiếp tới Hà Tĩnh, cảnh thanh bình dọc đường đi làm chúng tôi khó tưởng tượng ra bắt đầu từ nơi đây hơn 40 năm về trước chiến tranh ác liệt đã diễn ra suốt cả miền trung. Lúc đó chúng tôi  còn nhỏ, đi sơ tán ở miền Bắc, dù có biết tiếng bom đạn , nhưng nào thấm tháp gì với sự hy sinh, gian khổ của người dân, thanh niên xung phong và bộ đội ở miền Trung…

Đến địa phận Hà Tĩnh , hai Bình bắt đầu mở máy nói , luôn nhắc đến các bạn nam cùng lớp Hoá 77 quê ở miền Trung như bạn Mậu, bạn Trự, bạn Hiến, chú Cường … chẳng biết các bạn ấy có máy mắt không? Rồi chuyện lan cả ra em Mùi,em Cúc dân Hoá,chị Yến dân Sinh vật..

Mải nói nên khi xe dừng bánh, hai Bình giật mình nhìn ra ngoài và nhận ra đã đến ngã ba Đồng Lộc nổi tiếng, nơi đã có 10 nữ Thanh niên xung phong nằm xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Chúng tôi vội xuống xe, bao nhiêu chuyện cười vui vẻ lúc nãy biến đi đâu hết. Cảm giác tiếc thương tràn ngập trong lòng. Nhìn khu tưởng niệm ngày nay được xây dựng rất khang trang tại chính ngã ba Đồng Lộc. bên một hố bom vẫn còn được giữ nguyên, chúng tôi tràn nước mắt.

Bên mộ các chị

 

 Mộ của cả 10 chị đều còn đang có hương khói toả ngát. Chắc trước khi đoàn chúng tôi đến cũng đã có nhiều đoàn ngang qua thắp hương cho các chị. Họ thật xứng đáng để đời đời người dân Việt nhớ công . Đọc bia mộ các chị : Người trẻ nhất mới 17 tuổi, chị lớn nhất cũng mới 24 và cùng quê ở Hà Tĩnh … chúng tôi chỉ biết hình dung lại hình ảnh hồn nhiên của các chị qua bộ phim “ Ngã ba đồng lộc “ được xem cách đây hơn chục năm … Chắc chắn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về những con người hết sức bình dị , trẻ trung mà anh hùng ấy.

Toàn cảnh Khu mộ 10 nữ liệt sỹ Ngã ba đồng lộc

Chia tay với ngã ba Đồng Lộc chẳng  mấy lúc mà chúng tôi đã đến bên bờ sông Nhật lệ, Quảng Bình. Chúng tôi xuống xe, ngắm nhìn dòng sông Nhật lệ rộng mở, ngay bên bờ là bức tượng mẹ Suốt chèo đò.

Thời những năm 1965- 1967  bài thơ Tố hữu viết về người mẹ anh hùng đã đi vào lòng người :

            Một tay lái chiếc đò ngang

Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày

Sợ chi sóng gió tàu bay

Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!

Kể chi tuổi tác già nua

Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng!

Ngẩng đầu, mái tóc mẹ rung

Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ...

Gan chi gan rứa, mẹ nờ?

Mẹ rằng: Cứu nước mình chờ chi ai?

Chẳng bằng con gái, con trai

Sáu mươi còn một chút tài đò đưa

Tàu bay hắn bắn sớm trưa

Thì tui cứ việc sớm trưa đưa đò...[4]

Cả đoàn ai cũng muốn chụp ảnh cạnh tượng mẹ Suốt, người đã được phong tặng danh hiệu anh hùng. Mẹ Suốt mất năm 1968 trong một trận oanh tạc của bom Mỹ ở bến đò Bảo Ninh trên sông Nhật Lệ. Hai Bình cảm thấy chuyến đi này thật ý nghĩa. Chúng tôi không chỉ biết thêm non sông đất nước mà còn tận mắt chứng kiến những câu chuyện lịch sử của những con người bình dị.

Bà nội Minh Anh bên tượng mẹ Suốt

 

 

Lên xe, đã vào buổi chiều, nắng chói chang, ai nấy đều buồn ngủ. Duy nhất chỉ có chú lái xe là tỉnh như sáo sậu. Phải nói đoàn chúng tôi gặp may vì có một tài xế trẻ, giỏi, nhanh nhẹn,lại có tâm. Cả quãng đường dài, chú lái xe luôn quan tâm đến các cô chú lớn tuổi, đặc biệt là rất chú ý giúp đỡ bà nội Minh Anh. Bỗng tôi giật mình mở mắt để hỏi vì nhớ ra sắp đến địa điểm mong dợi nhất. Chú tài xế vui vẻ trả lời : Sắp đến cầu Hiền Lương rồi đấy ạ. Thế là cả xe choàng tỉnh, ai cũng muốn xuống và ghi lại hình ảnh nơi đây. Hoá ra, chẳng riêng hai Bình mà nhiều người cũng chưa có dịp thăm cây cầu lịch sử này.

 

Toàn cảnh cầu Hiền Lương lịch sử bên cạnh cầu xi măng mới

 

 

Trong tâm trí chúng tôi, hình ảnh  cầu và dòng sông như thấp thoáng trong các phim : Con chim vành khuyên,Chung một dòng sông,  chị Tư hậu, hay Vĩ tuyến 17 ngày và đêm… Chẳng biết có phải vì hồi bé ít có phim nước ngoài để xem hay vì thời ấy trẻ con ai cũng có lòng yêu nước cao độ, nên tôi luôn thấy mấy bộ phim đó rất hay , diễn viên cũng đẹp mà đóng rất thật. Những hình ảnh  cầu Hiền Lương ngăn đôi bờ Nam Bắc trong ký ức tôi đều lấy từ mấy bộ phim ấy cả…

 

hai Bình trên cầu Hiền Lương

 

Cầu Hiền Lương bằng gỗ xưa, nay đã được giữ lại làm di tích lịch sử. Một cây cầu xi măng to đã được xây ngay bên cạnh để thay thế. Vậy là chúng tôi thả sức ngắm sông, nước , nhìn kỹ cả bốt gác bên kia bờ Hiền Lương của quân Sài gòn, bên này cũng còn đồn của QĐND mình. Rồi cột cờ nay đã xây lại rất bề thế , cao vút bên bờ sông.

 

Cột cờ Tổ quốc bên bờ sông Bến Hải

 

Đứng trên cầu chụp ảnh, tôi cứ ngỡ mình đang mơ. Không biết bao nhiêu hy sinh xương máu, bao nhiêu của cải , sức người của dân ta đã mất đi ở nơi chiến tuyến này…Bây giờ cảnh trí nơi đây thật thanh bình, dòng sông lững lờ trôi…

 

Tạm biệt cầu Hiền Lương

 

 

Đến tham quan nơi đây chúng tôi thấy có cả các đoàn đi du lịch. Nhưng tôi có cảm giác những địa danh như thế này xứng đáng được đầu tư hơn nữa, cần có cả bảo tàng các di vật để dân ta và bạn bè quốc tế có thể hiểu rõ lịch sử nước mình… Thực tế ở bên cầu cũng đã có bảo tàng nhỏ, nhưng trông sơ sài. Lúc chúng tôi đến lại đóng cửa nên chúng tôi chỉ tự xem bên ngoài mà thôi.

 

 Hai Bình say sưa ngắm cảnh , chụp ảnh mà quên mất là đích đến của Đoàn lần này là Festival Huế. Nghe tiếng gọi  đi tiếp, hai Bình vội lên xe và “ra tuyên bố hùng hồn “ đã toại nguyện ước mơ được đứng trên cầu Hiền Lương lịch sử.

 

 


Người post: BinhNH

Ngày đăng: 30-05-2012 17:05






Xem 1 - 10 của tổng số 25 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: HoaNT
11/06/2012 09:10:17

Bận quá nên bây giờ mới com. bài này của Bình K, dạo này phải công nhận là cậu lên tay quá rồi, về hưu cậu nên chuyển sang lĩnh vực phóng viên nhà báo được đấy, lần này đi Tây thì mình đề nghị cậu phát huy sở trường của đoàn mình nhé.


Mình làm nghề dịch tễ nên có dịp đi công tác hầu hết các nơi của nước mình, từ năm 1978 mình đã có dịp Nam tiến bằng tàu hoả, sau đó rất nhiều lần đi bằng ô tô trong  các đợt nghiên cứu phòng chống dịch hạch và cúm. Lần nào qua cầu Hiền Lương mình cũng giống các cậu nhớ đến bài hát Bên ven bờ Hiền lương và phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió .... là những tac phẩm đi vào tri thức của thế hệ chúng mình .  Cứ mỗi lần đi qua ngã ba Đồng Lộc bọn mình lại vào viếng các chị cho chuyến đi thuận buồm xuôi gió. Cứ mỗi lần qua mình lại xúc động đọc lại các bức thư của các chị mà lòng bồi hồi cảm động và trộm nghĩ các chị nằm xuống ở đây còn được nhiều người đến thăm nom chăm sóc phần hồn chứ còn nhiều chị thanh niên xung phong như các chị còn sống bây giờ nhiều chị khổ sống trong cảnh không chồng, không con, lương thấp, ốm đau chẳng ai chăm sọc nghĩ mà thương.



Từ: BinhNH
09/06/2012 10:50:01

Lý làm thơ như bộ phim quay lại ấy nhỉ. Hôm nay trang WEB trên máy tính của chị mới trở lại bình thường sau 2 tuần bị biến dạng nên chị mới đọc được thơ em và comment của anh Khánh


@ Anh Khánh,


Em toàn lấy ảnh tự chụp thôi mà anh Khánh. Nhưng em khoái nhất là anh đã dạy cho em biết Post Video. cám ơn anh lần nữa.



Từ: LyTM
04/06/2012 09:52:24

Hiền Lương một dải vắt ngang


Một thời đất nước bao hàng lệ tuôn,...


Một đầu nhớ, một đầu thương


một nhà nhưng lại đôi đường chia ly!


Miền Nam, bắt bớ tình nghi,...


tù đầy, tra tấn, ... ai bì sắt son,...


Miền Bắc, quyết chí sống còn


quân, lương,...tiền tuyến, nước non một nhà!


Một thời bao lứa tuổi hoa,


đôi bờ cầu đã máu hòa dòng sông!


Bây giờ nhìn cảnh nhớ không


bom rơi, đạn nổ,...mênh mông sóng tràn?


 



Từ: KhanhT
03/06/2012 22:07:00

Tháng 7 năm 1976, sau giải phóng 1 năm, mình được tham gia Đoàn của Ủy ban KHKTNN vào Nam tiếp thu lại từ các UB quân quản các cơ sở KHKT của chính quyền SG, và lần đầu tiên đi qua cầu Hiền Lương, bọn mình đi xe đò, đến cầu thì xin xuống xe đi bộ, và qua cầu lại lên xe, hình như lúc đó mọi người đều thế, muốn đi bộ trên cầu để giữ kỷ niệm. Mãi sau này xây cầu mới thì cầu Hiền Lương cũ giữ lại như là di tích lịch sử, có thể thế. Bình đã có bài viết thật hay, lại có cả hình ảnh kỷ niệm phong phú và rất "đắt". Cảm ơn Bình nhé.



Từ: BinhNH
03/06/2012 20:17:18

Thục ơi,


hay quá. Cậu sang chụp được đầu cầu phía Nam. Còn mình chỉ đứng bên phía Bắc thành ra chỉ chụp xa tổng quan tượng đài ấy mà không có cận cảnh. Như vậy phải có ảnh này của cậu mới đầy đủ về cầu Hiền Lương.


cám ơn cậu.



Từ: ThucPT
03/06/2012 17:48:21


BìnhKều ơi, năm ngoái mình cũng có dịp đi qua cầu Hiền Lương. Mọi người chụp cho mình 1 kiểu ở tượg đài đây này:


 



 


Đất nước mình, đi đến nơi nào cũng có dấu tích, mình bỗng nhớ câu thơ:


"..Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt


Nước còn cau mặt với tang thương..."



Từ: BinhNH
02/06/2012 19:52:55

Ngọc BQ, Anh Lý thân mến, điều " được" nhiều nhất của trang WEB của chúng mình chính là mở mang kiến thức ( bao gồm cả tình nghĩa đấy) . Vì nhờ Comment của mọi người , mình mới biết thêm nhiều điều. Từ tư liệu do Ngọc cung cấp về vĩ tuyến, hay ký ức do Giảng và Thu nêu lên về K8, hoặc những vần thơ sâu sắc của anh Lý, ký ức của chị Tỵ, anh Hải, Phạm Bình...Mình thấy quả là hữu ích cho kiến thức. Tks


@ Em Lý: Chị đã thay ảnh theo ý kiến của em , nhưng vì ảnh kia chụp bà quá nhỏ nên đành thay ảnh khác rõ hơn.


Chị đọc comment dài của em cho anh Minh nghe, nghe hết xong, anh ấy nói mỗi một câu : Lý có tài làm thơ, hay!



Từ: LyTM
02/06/2012 18:37:53

Chúc mừng hai chị Bình có chuyến du lịch về vùng đất khói lửa một thời thú vị! Ảnh cô Chín đứng cạnh tượng mẹ Suốt chị phóng to ra đi! Em thật ngưỡng mộ khi cô Chín quyết định đi chơi xa thế cùng anh chị! Đường xá giờ không bị xóc do ổ gà nữa, nhưng đi xa thế phải nghỉ ở nhiều chặng lắm! Rất tiếc là 02 bốt gác đều đã bị phá đi và sau này làm lại nên không như cũ nữa! riêng dòng sông thì vẫn thế! Nếu các ACE đi qua Quảng Trị trước kia chắc đều ngạc nhiên khi bãi cỏ cạnh sông bị gió đánh rẽ giữa, một bên ngả sang bờ Bắc, một ngả về Nam! ngày nhìn thấy thế em đã vô cùng ngạc nhiên! mà muỗi Đông Hà to như con ruồi, không hề phóng đại chút nào! Chả biết bây giờ thế nào?


Các địa danh mà chị Bình tả đều đã đi vào lịch sử nhưng cũng lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của những người thời nay, đặc biệt những đồng đội cũ! Hãy đến thắp hương các Nghĩa trang Trường Sơn và Đường Chín, nghĩa trang Vĩnh Linh các chị nhé! Anh Ngọc và Nguyệt, nhiều Người KGu năm 2011 cũng đã đến viếng!


Đi về các địa danh này ai cũng thấy mình như có lỗi, chưa làm được gì, chưa giúp được gì cho các gia đình Liệt sỹ. Các anh chị nằm ở đó đều rất trẻ, nếu còn sống đa phần cũng chỉ có độ tuổi trên 50- 70 thôi! Đúng là các anh chị đều nằm đó, trắng toát như nhau dưới cái nắng rát hun lửa! Nhiều ngôi mộ tập thể, các anh chị ấy đã có chung một ngày giỗ trên nhiều miền đất của Tổ quốc!


Đã qua rồi một thời đan dày bom Mỹ rải,


hàng rào điện tử thiêu cháy rụi hàng cây


đất rung bần bật, tung lửa đỏ, chẳng có đêm ngày


những khúc đường chôn vùi ước mơ bao tuổi trẻ,...


Máu bầm mặt đất, ướt đầm gốc cây


sông Thạch Hãn đặc như ngừng chảy,...


không trung đỏ rực phút bình yên!


Một thời, sục sôi các nẻo đường tuổi thanh niên


dưới bom rơi, ... các chị các anh rất hồn nhiên


tuổi xuân xanh đổi bằng sự sống con đường


chở quân ra tiền tuyến!


Để mãi đến mai sau, các thế hệ còn lưu luyến


những nấm mồ trắng làm trẻ các tuyến đường


xanh các hàng cây và mãi du dương


tiếng biển hát với Trường Sơn hùng vĩ


về một thời chống Mỹ của các chị, các anh!



Từ: LyMX
02/06/2012 09:29:28

Cám ơn hai em Bình đã cho anh xem những bức ảnh rất cảm động về Ngã Ba Đồng Lộc. Anh thường nghĩ Trần Đăng Khoa đã rất đúng khi viết hai câu thơ


"Người nổi tiếng và không nổi tiếng


Đều như nhau trắng toát ở nơi này"


Nhưng nhìn những ngôi mộ trắng của các cô gái Ngã Ba Đồng Lộc anh thấy TĐK không đúng nữa vì những ngôi mộ này làm ta xúc động hơn nhiều những ngôi mộ khác.



Từ: TyTN
01/06/2012 19:59:25

Hai Bình ơi, đọc bài của Bình chị như được đi lại những nơi đó vậy. Khoảng 7 năm về trước chị cũng đã đến những nơi đó, cả nghĩa trang Trường Sơn và Thành cổ Quảng Trị nữa, đi đến đâu cũng xúc động lắm. Nhìn những tấm ảnh các em chụp chị như thấy mình trong đó vì chị cũng đã từng chụp ảnh đúng tại các vị trí đó đấy. Cám ơn Bình đã viết một bài rất hay, chắc đọc bài của em rồi thì những ai chưa đến được nhất định sẽ cố gắng đi.




Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s