KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 20 Tháng bẩy. 2012

Chiến trường Quảng Trị năm 1972




Tác giả: NghiPH

Nhân kỷ niệm 40 năm về những sự kiện bi tráng tại chiến trường Quảng Trị, tôi xin tổng hợp từ các nguồn tài liệu khác nhau về bối cảnh, về lực lượng tham gia, về những tổn thất to lớn, không kể xiết về con người trong những tháng năm đỏ lửa đó. Tôi cũng có đưa ra một vài ý kiến cá nhân.

Chiến tranh thật khốc liệt! Biết bao máu xương người Việt đã đổ trên mảnh đất này! 

 

1. Bối cảnh

 

Kể từ sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968 đến năm 1972 bốn năm trôi qua. Lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã hồi phục và ngày càng lớn mạnh. Sau Mậu Thân, Hoa Kỳ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở Paris.

 

Năm 1972 chính quyền Nixon mở đột phá khẩu trong quan hệ với Trung Quốc và Liên Xô. Các nước lớn muốn dùng Việt Nam như một con bài trên bàn thương lượng, đàm phán vì lợi ích riêng của mình.

 

Năm 1972 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Không có ứng cử viên nào muốn gây bất bình trong dư luận công chúng Mỹ.

 

Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cho rằng, đây chính là thời điểm rất thích hợp để mở một trận đánh chính quy lớn, hợp đồng binh chủng vào lực lượng quân đội của chính quyền Việt Nam cộng hòa tại Mặt trận Quảng Trị, giáng cho chúng những đòn chí mạng.

 

Về điều kiện thiên nhiên, giai đoạn ác liệt nhất của chiến trường Quảng Trị năm 1972 diễn ra trong thời tiết mưa to nhiều ngày. Nước sông dâng cao, công sự sũng nước. Việc cung cấp đạn được và tiếp tế lương thực, thực phẩm rất khó khăn. Lực lượng phòng ngự trên các chốt, lính tráng phải tát nước suốt ngày suốt đêm, hầm hào bị sụt lở không còn tác dụng che chắn đạn bom.

 

2. Lực lượng tham gia của hai bên

 

         2.1. Quân đội Nhân dân Việt Nam:

- Các sư đoàn bộ binh: 304, 308, 320B, 324 và 325, sau được tăng cường thêm Sư đoàn 312 từ Lào về.

- 2 trung đoàn tăng, thiết giáp: 202 và 203 với hơn 100 xe tăng T- 34, T- 54, PT 76.

- Một số tiểu đoàn đặc công.

- Bốn trung đoàn pháo binh cơ giới với 408 khẩu gồm: 63 khẩu pháo chiến dịch 130mm, 93 khẩu pháo cấp sư đoàn (122 ly và 105 ly) và 247 khẩu pháo cùng bộ binh (sơ pháo 76mm hoặc 85mm).

- Hai sư đoàn phòng không: Sư đoàn 367 và 376 với 3 trung đoàn pháo phòng không 282, 284, 224 và hai trung đoàn tên lửa 238, 237 với tên lửa đất đối không SA-2.

- Một số trung đoàn công binh.

- Các lực lượng tại chỗ của Mặt trận B5, B4 và Đoàn 559.

         2.2 Quân lực Việt Nam Cộng hòa:

- 2 sư đoàn bộ binh 1 và 3.

- Sư đoàn dù và Sư đoàn thủy quân lục chiến.

- 4 trung đoàn và 2 chi đoàn thiết giáp: thiết đoàn 7, 18 kị binh, trung đoàn 51 bộ binh.

- 17 tiểu đoàn pháo binh gồm 258 khẩu đại bác cỡ 105mm trở lên (chưa kể các loại pháo bắn thẳng), một số tiểu đoàn công binh.

  2.3. Quân đội Hoa Kỳ:

 

. Không quân:

- 2 không đoàn máy bay chiến lược B-52 (D và G)

- 1 liên đội máy bay F-111

- 5 liên đoàn không quân chiến thuật F-4A-7

- 2 liên đội trinh sát và tác chiến điện tử SR-71, EB-66, EC-121, F-105G

- 2 liên đoàn tiếp dầu KC-135

. Hải quân:

- 6 Tàu sân bay, 135 tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu nổi khác.

Lính tráng chúng tôi gọi pháo từ Hạm đội 7 là pháo bầy, pháo giàn, pháo chụp. Mỗi lần máy bay chiến lược B52 xuất kích từ Thái Lan, chúng tôi đều được báo trước nhưng biết chạy đi đâu.  

Thống kê cho thấy thị xã Quảng Trị bị lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ tàn phá với 328.000 tấn bom đạn, 9552.000 viên đạn pháo 105mm, 55.000 viên đạn pháo 155 mm, 8164 viên đạn pháo 175mm, hơn 615.000 viên đạn hải pháo, 2240 lần oanh tạc của không quân (tổng số bom đạn trong 81 ngày đêm bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản). Có ngày số bom Mỹ ném ở Quảng Trị vượt xa số bom Mỹ ném trên toàn miền Nam trong hai năm 1968-1969. Dữ dội nhất là ngày 25/7, thị xã phải chịu 5000 quả đạn pháo. Thị xã Quảng Trị với 3 km2 và vùng ven có ngày phải chịu hơn hai vạn quả đạn đại bác cỡ lớn.

 

Những người chốt giữ Thành Cổ đã chứng kiến hàng chục loại bom pháo khác nhau như: Bom đào, bom phạt, bom bi, bom na ban, pháo khoan, pháo chụp, pháo càng. Đặc biệt lần đầu tiên trên chiến trường Quảng Trị, Mỹ đã dùng loại bom dù - một loại bom mà khi thả xuống lưng chừng, một quả bom mẹ nổ thành hai quả bom con, những quả bom con ấy cũng được dù mang cứ lừ lừ rơi xuống, trông thấy hẳn hoi mà không có cách gì phá nổi.

 

Xét về trang bị thiết bị kỹ thuật, vũ khí, Quân lực Việt Nam cộng hòa có không quân riêng với hơn 1.200 máy bay; Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ có gần 100 máy bay tiêm kích chỉ đủ phòng thủ không phận miền Bắc. Quân lực Việt Nam cộng hòa có hơn 400 máy bay trực thăng chở quân và yểm hộ mặt đất; Quân đội nhân dân Việt Nam không có. Quân lực Việt Nam cộng hòa có không quân chiến thuật (TAC), không quân chiến lược (SAC) (chủ yếu là B-52) và các pháo hạm của Hạm đội 7 yểm hộ; Quân đội nhân dân Việt Nam không có. Bộ binh, quân dù, thủy quân lục chiến của Quân lực Việt Nam cộng hòa tiếp cận chiến trường và tham chiến bằng máy bay trực thăng, tàu đổ bộ LCU, xe thiết giáp M-113 các loại quân xa khác; bộ binh Quân đội nhân dân Việt Nam chủ yếu tiếp cận chiến trường bằng đôi chân. Quân đội nhân dân Việt Nam có SAM-2, SAM-7pháo cao xạ nhưng phải vừa yểm hộ chiến trường, vừa phòng thủ toàn bộ không phận miền Bắc với cơ số đạn hạn chế do Trung Quốc cố tình làm chậm việc chuyển hàng quân sự từ Liên Xô đến Việt Nam và Không lực Hoa Kỳ phong tỏa các cảng của Bắc Việt Nam từ ngày 6 tháng 4 năm 1972. Trong năm 1971, Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ nhận được 58 xe tăng T-54, 18 xe tăng T-59 (do Trung Quốc chế tạo), 27 xe tăng lội nước hạng nhẹ PT-76 (do Ba Lan chế tạo). Dù sao, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã có thể huy động một lực lượng tăng thiết giáp tham gia chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay.

 

Như vậy, xét về số lượng đơn vị tham chiến, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, xét về số lượng quân trực tiếp chiến đấu, Quân đội nhân dân Việt Nam không nhỉnh hơn mà thậm chí còn ít hơn vì hàng ngày bị thương vong rất lớn bởi hỏa lực pháo, bom của Không quân và Hải quân Hoa Kỳ và của Quân đội Việt Nam cộng hòa.

 

Xét về hỏa lực không quân, pháo binh và hải quân thì phía Quân đội Hoa Kỳ và Quân đội Việt Nam cộng hòa có ưu thế vượt trội so Quân đội nhân dân Việt Nam, nhất là giai đoạn sau của chiến dịch khi mùa mưa đến khâu tiếp tế vũ khí gặp rất nhiều khó khăn.

 

3. Tóm tắt diễn biến chính và chiến thuật

 

. Diễn biến chính

 

Năm 1972, Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức tổng tấn công trên 3 chiến trường chính: Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên, và Đông Nam Bộ (Bình Long, Bình Phước), trong đó hướng chủ yếu là Quảng Trị.

 

Đúng 11 giờ 30.03.1972, Quân đội nhân dân Việt Nam đồng loạt tiến công các căn cứ, hệ thống phòng ngự của quân đội Việt Nam cộng hòa, vô hiệu hóa 12 trận địa pháo của chúng. Trong vòng chiến đấu 1 tháng, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, bộ đội và du kích địa phương của tỉnh Quảng Trị làm chủ nhiều huyện lỵ. Để nhanh chóng kiểm soát Quảng Trị, ngày 01.5.1972, bộ đội chủ lực Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Sư đoàn 320 hiệp đồng tiến công từ La Vang vào trung tâm thị xã, cắm lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam lên nóc dinh Tỉnh trưởng Quảng Trị.

 

Trong đợt tấn công đầu tiên này, cả tập đoàn phòng ngự của Quân lực Việt Nam cộng hòa với trên 3 vạn quân, 178 máy bay, 11 tàu chiến, 320 xe tăng, 237 khẩu đại bác đã bị phá vỡ trước những cuộc tiến công như vũ bão của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Bị mất tỉnh Quảng Trị, Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam cộng hòa huy động nhiều sư đoàn và phương tiện, vũ khí hiện đại hòng chiếm lại tỉnh Quảng Trị mà trước hết là Thành Cổ bằng mọi giá.

 

Từ giữa tháng 6, Quân lực Việt Nam Cộng hòa dồn lực lượng phản công với sự tham gia có tính chiến lược của không quân, hải quân Hoa Kỳ và bắt đầu lấy lại ưu thế trên chiến trường. Đến đầu tháng 7 họ đã tiến đến thị xã Quảng Trị.

 

Cuộc chiến 81 ngày đêm ở thị xã và thành cổ Quảng Trị (thành Đinh Công Tráng) đã diễn ra vô cùng căng thẳng, ác liệt. Cả hai bên đều bị thiệt hại nặng nề về quân số. Đêm 15.9.1972 Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu rút có tổ chức ra khỏi thành cổ và thị xã Quảng Trị.

 

Sáng ngày 16.9.1972 một nhóm binh sĩ thuộc tiểu đoàn 6 Thủy quân lục chiến đã cắm cờ Việt Nam cộng hòa trên cổng thành phía tây của thành cổ Quảng Trị.

 

.Về chiến thuật:

 

Giai đoạn đầu lực lượng bộ binh của Quân đội nhân Việt Nam với sự yểm trợ tối đa của pháo binh và xe tăng tấn công như vũ bão vào lực lượng của Quân lực Việt Nam cộng hòa. Quân lực Việt Nam cộng hòa bị bất ngờ, không thể chống đỡ nổi đã phải rút lui. Sư đoàn 3 bị loại khỏi vòng chiến. Quân đội Việt Nam đã thành công trong cách đánh hợp đồng binh chủng: Lục quân- Pháo binh- Tăng, thiết giáp.

 

Giai đoạn sau Quân lực Việt Nam cộng hòa với sự yểm trợ vô cùng có hiệu quả của không quân, hải quân và pháo binh, trong đó có máy bay chiến lược B 52 và lực lượng pháo binh của Hạm đội 7 của Hoa Kỳ đã bền bỉ, quyết liệt phản công Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Ngay trong giai đoạn bị đối phương phản công quyết liệt, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn lúng túng giữa phòng ngự và tấn công, không chuyển sang tích cực phòng ngự. Lúc đó, những người lính chúng tôi đang vô cùng chật vật phòng ngự mà vẫn được quán triệt là phải chuẩn bị tấn công Thừa Thiên- Huế. Không có hệ thống phòng ngự vững chắc lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam bị thương vong rất lớn khi đối phương phản công mạnh mẽ. Sau này Quân đội nhân dân Việt Nam mới chuyển sang phòng ngự chủ động theo chiều sâu.

 

Sau khi rút khỏi thị xã Quảng Trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập phòng tuyến vững chắc chống lại Quân lực Việt Nam cộng hòa. Quân lực Việt Nam cộng hòa tổ chức chiến dịch Lam Sơn 72A và các cuộc hành quân "Sóng thần" để tái chiếm bờ bắc sông Thạch Hãn, đánh chiếm Cửa Việt nhưng đã bị Quân đội nhân dân Việt Nam đánh bại. Hai bên quay về giữ thế giằng co cho đến khi hiệp định Paris được ký kết vào tháng 1 năm 1973.

 

4. Những tổn thất của hai bên

 

Theo số liệu đã công bố tại mít tinh kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng Quảng Trị (01.05.1972- 01.05.2012) trên toàn bộ chiến trường Quảng Trị trong năm 1972 Quân đội nhân Việt Nam đã tiêu diệt 26.000 quân của quân đội của chính quyền Sài Gòn. Quân đội nhân dân Việt Nam bị thiệt hại 36.000 quân.

 

Sau 81 ngày đêm chiếm giữ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị, Quân đội nhân dân Việt Nam đã bị tổn thất nặng. Riêng Trung đoàn Triệu Hải (Trung đoàn 27 Mặt trận B5) với hơn 1.500 quân cố thủ trong Cổ Thành đã bị thương vong gần như toàn bộ tại trận địa, chỉ còn chưa đến 1 tiểu đội thoát ra ngoài vào đêm 15.9.1972. Chi tiết về trung đoàn này cũng đã được phóng viên Báo Tuổi trẻ ghi lại theo lời kể của một cựu chiến binh (một trong chưa đến chục người sống sót của trung đoàn này) qua bài ký đăng trong số báo ra ngày 26 tháng 7/1998, có đoạn: “Tết năm 1968, ngay sau khi trung đoàn được thành lập ở miền Bắc, một tháng sau trung đoàn này có mặt tại Quảng Trị. Từ đấy cho đến năm 1972, Quảng Trị đã trở thành chiến trường của trung đoàn 27, và ở đây, họ mang một cái tên mới: Trung đoàn Triệu Hải (tên của hai huyện đồng bằng Quảng Trị ghép lại)... Phải đến bây giờ, chúng ta mới được nghe cả một trung đoàn vào giữ Thành Cổ, lúc rút ra còn chưa đến một tiểu đội”.

 

Ngoài Trung đoàn Triệu Hải (Mặt trận B5) gần như bị xóa sổ, Trung đoàn 48 B thuộc Sư đoàn 320B - đơn vị chiếm giữ trung tâm thị xã, cũng đã bị thiệt hại hơn 80% quân số.

 

Về phía Quân lực Việt Nam cộng hòa, tuy tái chiếm được thành cổ nhưng cũng phải trả giá rất đắt. Kế hoạch chiếm thị xã trước ngày 13/7 để mặc cả tại Hội nghị Paris không thực hiện được mà còn phải mất gấp 5 lần thời gian định trước. Để chiếm lại thành cổ, chỉ riêng Sư đoàn Thủy quân Lục chiến có 3.658 binh sĩ tử trận, chiếm 25% tổng quân số (tổng thương vong là hơn 5.000 chiếm 38% quân số). Các đơn vị thuộc Sư đoàn Dù và các đơn vị khác cũng chịu thiệt hại nặng tương đương.

 

Thiệt hại rất lớn của các đơn vị tinh nhuệ này khiến Quân lực Việt Nam cộng hòa không đủ sức tấn công tiếp ra phía bắc. Các chiến dịch Lam Sơn 72A và các cuộc hành quân "Sóng thần" để tái chiếm bờ bắc sông Thạch Hãn và đánh chiếm Cửa Việt đã bị thất bại.

 

5. Tại sao Quân đội Nhân dân Việt Nam cố gắng giữ Thành cổ và cả thị xã Quảng Trị còn Quân lực Việt Nam cộng hòa với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cố tái chiếm thành cổ và thị xã Quảng Trị?

 

Vùng đất Quảng Trị là nơi đối đầu, là nơi mà cả hai bên Việt Nam dân chủ cộng hòa và Việt Nam cộng hòa đều muốn thể hiện sức mạnh của mình. Nói rộng ra, Quảng Trị cũng là nơi hai phe XHCN và phe TBCN đối đầu nhau về sức mạnh quân sự. Tất cả các vũ khí hiện đại được Hoa Kỳ sử dụng ở đây từ những năm 65-68, nhất là tại Mặt trận Khe Sanh- Đường Chín.

 

Năm 1972 Quân đội nhân dân Việt Nam đã phải tung vào chiến trường lực lượng dự trữ chiến lược của mình là Sư đoàn 308, Sư đoàn 312. Chính quyền Sài Gòn cũng đã phải huy động hai sư đoàn thuộc lực lượng dữ trữ chiến lược và thiện chiến nhất là Sư dù và Sư Thủy quân lục chiến trực tiếp chiến đấu ở Mặt trận Quảng Trị.

 

Các nhà lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa muốn khẳng định mạnh mẽ với thế giới rằng: Chúng tôi giải phóng được một tỉnh địa đầu của miền Nam Việt Nam và hoàn toàn có thể giữ được tỉnh này. Giữ Quảng Trị trong điều kiện Hoa Kỳ chi viện tối đa về hỏa lực không quân, hải quân là để Việt Nam dân chủ cộng hòa có thế mạnh trong đàm phán với Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa ở Paris.

 

Về phía Việt Nam cộng hòa, họ không thể cam chịu mất tỉnh địa đầu của mình vì chiếm được Quảng Trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam có bàn đạp để tiến đánh các tỉnh khác. Từ đây có thể gây phản ứng dây truyền mất tiếp những tỉnh khác.

 

Chính quyền Việt Nam cộng hòa cho rằng, chiếm lại được Quảng Trị sẽ gây tiếng vang lớn trên thế giới, sẽ gây sức ép được với chính quyền Hà Nội và cả chính quyền Hoa Kỳ (đang muốn bỏ rơi miền Nam Việt Nam) trên bàn đàm phán ở Paris. Mặt khác, chính quyền Sài Gòn cũng muốn chứng minh: Mặc dù quân đội Mỹ không còn trực tiếp tham chiến bằng bộ binh nữa thì Quân lực Việt Nam cộng hòa vẫn hoàn toàn có thể đứng vững, chiến đấu và có thể chiến thắng Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Thị xã Quảng Trị, Thành cổ Quảng Trị trở thành địa điểm tượng trưng cho tỉnh Quảng Trị. Chiếm được Thành Cổ được coi như là chiếm được tỉnh Quảng Trị. Thành Cổ Quảng Trị được cả thế giới biết đến.

 

81 ngày đêm máu lửa đã diễn ra…Trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương chưa có nơi nào chiến sự diễn ra ác liệt và bi tráng như tại Thành Cổ Quảng Trị năm 1972!

 

 

 

 

 


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 20-07-2012 09:09






Xem 1 - 10 của tổng số 18 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest Hoàng Cao Thắng
24/09/2015 23:29:21

Năm 1972 ta mở 4 chiến dịch lớn : Quảng Trị , Bắc Tây Nguyên , Nguyễn Huệ , Đồng bằng sông cửu long . Nhưng ác liệt nhất vẫn là Quảng Trị . Đó là đòn chiến lược để quân đội Mỹ phải rút khỏi Miền Nam Việt Nam .Ta đồng loạt mỏ 4 chiến dịch là nhằm giam chân địch ở khắp nơi , chúng phải căng lực lượng ,không cho chúng đổ về Quảng Trị ứng cứu , hơn nữa ta điều địch ra gần miền Bắc để dễ tiêu dệt hơn , ta cũng có nhiều thuận lợi hơn , 4 câu thơ của LBD làm tôi xúc động nhất : " Đò xuôi Thạch Hãn , ơi chèo nhẹ - Đáy sông còn đó bạn tôi nằm - Có tuổi hai mươi thành sóng nước - Vỗ yên bờ , mãi mãi ngàn năm "



Từ: LyTM
31/07/2012 18:12:56

Bác Tổng thật quá giỏi giang


Viết bài, viết cả một trang sử vàng


Thành cổ Quảng Trị ngổn ngang


Một thời máu lửa, bao hàng lệ tuôn


Cỏ non nay đã xanh rờn,


máu xương nay đã như dường cát bay


Bom mưa, đạn nát đất này


da vàng, máu đỏ, thương thay trùng trùng,...


Ngày ngày gió cuốn, chia chung


phủ lên muôn cõi, mịt mùng khói hương!


Người người thăm viếng cúng dường


đều cầu, đều nguyện âm dương khoan hòa,...


Cầu mong hồn trẻ lính nhà


siêu sinh kiếp khác, tuổi hoa lại về! 



Từ: LuongDT
27/07/2012 01:23:13



Hè 1971, trong khi chúng ta nhận được giấy báo nhập học, thì 4 bạn trai thuộc nhóm học giỏi nhất lớp 10k chuyên toán Chu Văn An cũng nhận được giấy báo nhập ngũ. Khi đoàn tầu đưa chúng ta lên phía Bắc để nhập trường thì các bạn tôi lại đi vào phía Nam. Khi chúng ta miệt mài đèn sách, thì 4 người bạn  Hiệp Quang, Lâm Huyền của  tôi vượt sông, vượt núi để vào chiến trường, hoặc đang cầm cự ở một chốt nào đó. Và khi chúng ta đang vui chơi sau những ngày học vất vả thì cũng là lúc gia đình các bạn nhận được tin họ đã hy sinh trong cuộc chiến giữ Nước. Cha mẹ họ mất đi những người con, còn tôi mất đi những người bạn yêu thương. Hiệp là người bạn tôi có nhiều kỷ niệm. Hiệp sứt một răng do nghịch nên gọi là Hiệp sứt. Chúng tôi thường đèo nhau trên chiếc xe runhio mầu mận chin, tài sản quý giá duy nhất của Bố tôi đã dành cho tôi để đi học. Hiệp to cao, nên phải đạp, còn tôi ung dung ngồi đàng sau hưởng thụ. Lâm trắng trẻo môi đỏ, Quang đậm người ít nói, Huyền cao gầy. Tất cả các Bạn đều học giỏi, tất cả các Bạn đã hy sinh.


Nhiều lúc tôi tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra khi các giấy báo “nhập” kia được đánh nhầm tên.


40 năm đã qua, nhưng đau thương vẫn còn đấy. Ánh mắt hờn dỗi vẫn còn đâu đó khi thấy chúng tôi tới thắp hương cho Bạn.


Cảm ơn Bác Tổng đã cho mọi người những thước “phim” về những người lính trong trận quyết chiến giữ Thành Cổ Quảng Trị. 40 năm rồi lẽ ra đất nước phải có phim truyện về Họ về 81 ngày đêm ấy, như nước Nga có phim truyện về Brest, về những cô gái trong phim Nơi bình minh yên tĩnh, về bài ca Người lính…



Từ: ThanhLK
25/07/2012 10:51:33

TBT Nghị viết như một nhà quân sự lỗi lạc. Cám ơn về thông tin tổng hợp. Đọc bài này và xem video do anh Khánh post lên tôi thấy cảm nhận rõ hơn sự khốc liệt của chiến trường Quảng Trị ngày đó, nơi cậu em con dì tôi cũng đã hy sinh và cho đến nay vẫn chưa tìm được mộ.



Từ: NghiPH
24/07/2012 12:10:18

Cám ơn chị Nhuận đã giới thiệu Фильм Бретская крепкость.


Tôi đã tìm trên mạng và vào xem. Đây là phim rất hay. Khốc liệt, bi tráng!


«Брестская крепость» — художествеl 5;ный фильм 2010 года об обороне Брестской крепости во время Великой Отечественl 5;ой войны в июне-июле 1941 года.


22 июня 1941 года без объявления войны немецкие войска перешли границы Советского Союза. Брестская крепость, которую защищали части Красной Армии, пограничныm 3; и конвойных войск НКВД, приняла на себя один из первых ударов. Сценарий писался на основании историческl 0;х фактов, главные герои фильма имеют реальные историческl 0;е прототипы. Фильм рассказываk 7;т о трёх главных очагах сопротивлеl 5;ия, возглавляеl 4;ых командиром 44-го стрелковогl 6; полка майором Петром Гавриловым, комиссаром 84-го стрелковогl 6; полка Ефимом Фоминым и начальникоl 4; 9-й погранзастk 2;вы лейтенантоl 4; Андреем Кижеватовыl 4;.


  Продолжитеl 3;ьность: ~ 140 мин.


  Жанр: Драма, Военный.


  Страна: Россия, Белоруссия.


  Слоган: "Я умираю, но не сдаюсь!".


  Режиссер:  Александр Котт.


  Сценарий: Владимир Еремин, Алексей Дударев, Екатерина Тирдатова.


  Продюсеры: Игорь Угольников, Рубен Дишдишян, Владимир Заметалин.


  Оператор: Владимир Башта.


  Композитор: Юрий Красавин.


  В ролях: Евгений Цыганов, Андрей Мерзликин, Павел Деревянко, Александр Коршунов, Юрий Анпилогов, Кирилл Болтаев, Анатолий Кот, Илья Мозговой, Яна Есипович, Дмитрий Куличков, Сергей Цепов, Максим Литовченко, Владимир Капустин, Татьяна Камина, Анна Цуканова, Александр Сирин, Алексей Копашов, Сергей Власов, Нодар Джанелидзе, Андрей Сенькин ...


 


Mời anh chị em xem phim Бретская крепкость theo đường dẫn sau đây:


http://my-hit.ru/film/9274/online


hoặc: http://filmin.ru/page,1,2,5359-brestskaya-krepost.html


 


Ở Việt Nam về trận chiến ở Thành cổ Quảng Trị  đã có một phim truyện: Mùi cỏ cháy. Kịch bản: Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn NSƯT Hữu Mười – Vũ Đình Thân. Đây là một bộ phim hay, xúc động lòng người.  Tôi đã giới thiệu phim này trên  blog của trang web hội ta. Đường dẫn:  http://www.studentkgu.vn/blog/view/id_144/title_M-i-c-ch-y/


 



Từ: NhuanNT
24/07/2012 10:26:38

Chúng tôi vửa xem phim Brest Fortress, bằng tiếng Nga, do con trai mang về dành riêng cho bố mẹ. Ấn tượng về chiến tranh lại nặng thêm vì bài viết này. Xin viết, kể, làm phim về họ, để cho chúng tôi, những người thực sự không biết chiến tranh khốc liệt ra sao và con cháu chúng ta hiểu, cảm thông vả tự hào vì những người đã ngã xuống.Chiến thắng hay thất bại đều qua nhanh, đau thương thì còn mãi, cho cả hai bên. Thật là buồn.


 


 



Từ: NghiPH
23/07/2012 22:55:43

Cám ơn anh Khánh đã post bài hát Cỏ non thành cổ của nhạc sĩ Tân Huyền lên trạng mạng của hội ta. Em rất xúc động khi nghe lại bài hát này. “Cỏ xanh non tơ! Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hy sinh trên mảnh đất quê mình. Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hy sinh cho hạnh phúc quê mình”.


Nhân đây xin ghi lại câu chuyện của nhạc sĩ Tân Huyền kể về việc sáng tác "Cỏ non thành cổ" như thế nào… Nhạc sĩ kể: Lần ấy, bác cùng với bác Thuận Yến, Huy Thục, Vũ Thanh... đi vào Quảng Trị thâm nhập thực tế sáng tác theo lời mời của địa phương.


Hồi ấy thành cổ còn hoang sơ lắm, chưa có tượng đài, chưa có bảo tàng như bây giờ đâu, chỉ thấy toàn cỏ là cỏ. Bác ở thành cổ Quảng Trị mấy hôm, có khi ngồi ngoài trời cả đêm mà vẫn chưa tìm ra "tứ" nào để viết. Bác trăn trở lắm, vì những hy sinh mất mát của chiến sĩ ta ở thành cổ Quảng Trị là rất to lớn.


Bỗng một sớm mai, bác đang đi loanh quanh trong thành thì gặp nhà văn Nguyễn Quang Lập. Cậu ấy nói đại ý rằng: "Anh Huyền ơi, cỏ lên xanh đẹp thế này, nhưng mỗi tấc đất dưới lớp cỏ xanh này đều thấm đẫm máu xương của các chiến sĩ ta đổ xuống. Có khi chỉ lật nhẹ lớp đất là có thể bắt gặp ngay hài cốt ở dưới. Anh cố gắng viết cái gì về sự hy sinh này...".


Câu nói của Nguyễn Quang Lập đã gây xúc động mạnh cho bác. Thế là cái tứ bài hát bất ngờ bật ra: Cái chết làm nên sự sống, máu xương đổ xuống và cỏ lên xanh, xanh đến không thể tin được nơi đây từng là chiến trường ác liệt nhất, đổ nhiều máu xương nhất...


Bác cũng đã đi nhiều nhưng chưa thấy cỏ ở đâu lại xanh non thế, đẹp đến thế, lại phơ phất gió đùa, đúng như lời bác đã viết trong bài hát "Cỏ non thành cổ, một màu xanh non tơ. Bình minh thành cổ, cỏ mềm theo gió đong đưa...".


…Bác viết bài hát này còn là vì có nỗi niềm riêng. Em trai bác đi bộ đội, chiến đấu ở miền Nam và từ ngày em đi, cứ chiều chiều, người mẹ già của bác lại đứng tựa cửa ngóng trông con. Nhưng em trai bác không bao giờ trở về nữa.  Vì thế, cái đoạn "Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về..." là có hình ảnh người mẹ già của bác đấy! Viết ra được bài hát này, bác cũng cảm thấy thanh thản hơn, bởi trong cái chung vẫn nói được những tình cảm riêng với người em trai đã hy sinh và cả với người mẹ đã khuất của mình!".


 



Từ: KhanhT
23/07/2012 21:54:54


CỎ NON THÀNH CỔ


Sáng tác: Tân Huyền - Trình bày: Lệ Thu


“Tôi rât thich nghe bài hat này mỗi dịp 27.7 hay ngày 22.12. Cảm ơn nhạc sỹ Tân Huyền đã nói hộ tiếng lòng của nhiều người, chúng ta sẽ không bao giờ quên ơn các anh hùng đã ngã xuống cho hạnh phúc quê mình…”








Từ: NghiPH
23/07/2012 15:49:22

Cám ơn anh chị em đã chia sẻ bài tổng hợp ngắn gọn của tôi về chiến trường Quảng Trị 1972. Cám ơn các bạn Ngọc Chu và  Kim Thu về hai bài thơ rất xúc động. Cám ơn LiênTP vì bạn đã giới thiệu một đoạn trong một bài báo của nhà báo lớn- Trần Công Mân về sự khốc liệt của chiến trường đối với nhà báo.     



Từ: TuyetHA
23/07/2012 13:39:20

   Cám ơn Nghị đã có bài viết rất chi tiết về cuộc chiến ở Quảng Trị. 40 năm đã trôi qua, nhưng nỗi đau về những mất mát quá lớn mãi còn đau đáu trong tim mỗi người VN. Các bạn của tôi: Nguyễn Ngọc Chu, Kim Thu-những người hâm mộ trang WEB KGU, sau khi đọc bài của Nghị, đã nhờ tôi post lên trang WEB KGU những bài thơ: "Thành cổ" (NN. Chu)," Các anh-những con kình  sông Thạch Hãn" (K.Thu) như những coments cho bài của Nghị. Xin được giới thiệu cùng ACE.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s