KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 25 Tháng bẩy. 2013

KHẮC KHOẢI VỊ XUYÊN




Tác giả: Văn Duẩn

 

Tháng 7-1984, chỉ trong một ngày, hơn 600 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 356 đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu ác liệt bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc. 29 năm đã trôi qua song hài cốt hàng trăm liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy, để lại nỗi day dứt khôn nguôi cho đồng đội và thân nhân

Những chiến sĩ con dân đất Việt/ Tuổi xuân đâu tiếc/ Lưng trần, cắp súng xung phong/ Đạn xé toác vai, đạn cày rách mặt/ Súng cầm tay rực lửa/ Xông pha giữ đất biên thùy... Cựu binh Đặng Việt Châu - nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 - bùi ngùi đọc lại những vần thơ ông viết ngày 2-9-1984, khi đơn vị làm giỗ 50 ngày cho các đồng đội đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang.

Khúc bi tráng trên cao điểm 772

Theo tư liệu của Sư đoàn 356, trong trận đánh lịch sử chống quân Trung Quốc (TQ) ngày 12-7-1984, hơn 600 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Tiểu đoàn 3 khi ấy do đại úy Nguyễn Hữu Thanh làm tiểu đoàn trưởng, ông Châu là chính trị viên, có nhiệm vụ phối hợp tấn công và chiếm lại tuyến phòng ngự Đ3 ở cao điểm 772 từ quân TQ.

Ảnh phút nghỉ ngơi hiếm hoi sau trận chiến tại mặt trận Vị Xuyên tháng 7-1984. Ảnh: MINH ĐIỀN:

 

"0 giờ ngày 12, đại úy Thanh cùng mũi xung kích tiến lên phía trước theo bộ phận đặc công. Bốn giờ, súng bắt đầu nổ, mặt đất ầm vang. Đến 6 giờ 5 phút, ở khu đồi Đ3, tiếng hô xung phong vang động át cả tiếng đạn bom... Đến tận giờ, nhớ lại giây phút đó, tôi vẫn thấy nôn nao" - ông Châu xúc động.

Tuy nhiên, tình hình diễn biến không thuận lợi. Quân TQ co cụm chống đỡ chờ tiếp viện. Sau đó, hỏa lực TQ bắn vào trận địa ta mỗi lúc càng ác liệt hơn. Lực lượng bộ binh ém sẵn của TQ tràn lên tấn công giành giật các vị trí với ta. Thương vong bắt đầu xảy ra với Tiểu đoàn 3...

"Đại úy Thanh dẫn đầu một mũi quân đánh thọc lên khu vực sở chỉ huy của TQ ở cao điểm 772. Quân TQ chống trả dữ dội. Anh Thanh bị trúng đạn rất nặng nhưng vẫn bình tĩnh tiếp tục chỉ huy tiểu đoàn, sau đó đã anh dũng hy sinh. Nơi anh nằm xuống chỉ cách hầm chỉ huy của phía TQ khoảng hơn 10 m" - ông Châu ngậm ngùi.

Từ sáng đến trưa 12-7-1984, lực lượng ta đã tổ chức hàng chục đợt tấn công nhưng đều bất thành. Hỏa lực của phía TQ từ trên cao dội xuống hầu như không lúc nào ngừng. Trong tình thế khó khăn, bộ đội ta vẫn quyết tâm tấn công đánh chiếm lại mục tiêu...

Ảnh đồng đội và thân nhân những liệt sĩ hy sinh ngày 12-7-1984 tại Vị Xuyên chưa tìm được hài cốt thắp hương tưởng niệm các anh. Ảnh: VĂN DUẨN:

 

Nhắc lại trận đánh năm xưa cùng những đồng đội của mình, ông Châu không giấu được niềm tự hào và xúc động. "Đại đội trưởng Nguyễn Văn Minh bị thương nặng vẫn giữ vững vị trí. Khi bị thương lần 2 nặng hơn, Minh được anh em đưa khỏi cao điểm 772 rồi bị lạc trong rừng. Mãi đến sáng 18, sau nhiều ngày tìm kiếm, đơn vị mới thấy anh. Khi đó, Minh đã rất yếu vì mất nhiều máu, vết thương nhiễm trùng. Nhận ra tôi, Minh chỉ nói được tiếng "anh" rồi ngất lịm" - ông Châu bồi hồi.

Còn nhiều, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 356 đã bất chấp tính mạng để giành lại từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Trung đội phó Nguyễn Văn Hà bị đạn pháo tiện đứt một cánh tay nhưng vẫn dùng tay còn lại ném lựu đạn về phía quân TQ. Xạ thủ B40 Nguyễn Văn Gấm mặc cho mảnh pháo và đất đá bay như mưa rào vẫn rướn người bắn liên tiếp 2 quả khiến hỏa lực bên kia câm bặt. Trung đội trưởng Trần Văn Tuyến bị trúng đạn và hy sinh trong tư thế nhào lên tiến công...

Tuổi xanh gửi lại chốn này

Cựu binh Tiểu đoàn 3 Nguyễn Văn Kim cho biết chỉ riêng đơn vị của ông đã có trên 180 người ngã xuống trong trận đánh ngày 12-7-1984. "Đến nay, hàng trăm hài cốt liệt sĩ thuộc Sư đoàn 356 vẫn còn nằm rải rác ở các vị trí chiến đấu năm nào. Dù đã rất cố gắng nhưng đồng đội vẫn không thể nào tìm và mang về hết thi hài của anh em" - ông nghẹn ngào.

Gần 30 năm đã trôi qua nhưng những cựu binh tham gia trận đánh ngày nào vẫn không thể nào quên các địa danh ác liệt ở mặt trận Vị Xuyên: "Ngã ba cửa tử", "thung lũng gọi hồn", "cối xay thịt"... "Nhiều người lính còn rất trẻ. Họ đã ngã xuống, tuổi xanh gửi lại Vị Xuyên đến tận giờ. Sau này, các đơn vị thường xuyên cử người trở lại tìm kiếm đồng đội nhưng không được bao nhiêu hài cốt" - ông Kim day dứt.

Những ngày ngay sau trận đánh, những chuyến đi tìm đồng đội đã để lại những ký ức khó phai. Ông Kim cho biết suốt một tuần liền, khi đêm xuống, những người lính Sư đoàn 356 đã lặng lẽ tìm thi thể đồng đội. "Nước mưa và nước mắt của người lính đã hòa trộn trong những ngày tháng 7 dầm dề bên thung lũng Nậm Ngặt. Mỗi tấc đất, ngọn cỏ vùng Thanh Thủy - Vị Xuyên đều thấm đẫm máu xương của bao cán bộ, chiến sĩ" - ông Kim bồi hồi.

Ông Nguyễn Đình Thắng - cựu binh Trung đoàn 153, Sư đoàn 356 - cho biết khi ấy, đưa được một thương binh hoặc tử sĩ từ trận địa ra là vô cùng gian khổ. "Mỗi cáng thương phải ít nhất 4 người khiêng. Dốc cao, đường trơn, vừa đẩy vừa kéo từ dưới thung lũng Khe Cụt ngược lên đến sở chỉ huy rồi trở ra bản Nậm Ngặt... Vừa đi vừa canh chừng đạn pháo, các ổ phục kích của quân TQ" - ông Thắng nhớ lại.

Theo ông Đặng Việt Châu, tìm kiếm thi thể đồng đội trong lúc đạn bom còn khốc liệt là việc không hề dễ dàng. "Trước hết, mình phải sống thì mới có thể mang được đồng đội trở về. Vì thế, việc tìm kiếm đồng đội được tính toán hết sức thận trọng, chỉ những người trực tiếp chiến đấu, thông thuộc địa hình, địch tình mới được cử đi. Do mưa nhiều nên thi thể nhiều anh em đã nhanh chóng bị phân hủy. Tìm thấy đã khó, đưa được thi thể anh em trở về còn gian nan bội phần" - ông Châu cho biết.

 

 

Giành lại những điểm cao

 

Trong tháng 4 và tháng 5-1984, quân TQ đã mở nhiều chiến dịch, đợt pháo kích lớn, bắn hàng chục ngàn quả đạn pháo, đạn cối vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, gồm: Hà Tuyên (nay là Hà Giang, Tuyên Quang), Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai, Yên Bái) và Lai Châu. Sau đó, TQ tiếp tục đánh chiếm hàng chục điểm cao thuộc chủ quyền của Việt Nam.

 

Trước tình hình này, cuối tháng 6-1984, ta quyết định tổ chức tiến công để giành lại những điểm cao bị TQ chiếm đóng. Ngày 12-7-1984, cùng với các sư đoàn 312, 316, 313, Sư đoàn 356 thực hiện chiến dịch MB84 tại Vị Xuyên. Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 đánh cao điểm 772; Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 đánh cao điểm 233; Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 đánh cao điểm 1030...

 

 


Người post: HoaiPV

Ngày đăng: 25-07-2013 10:10






Xem 1 - 10 của tổng số 19 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest adamle
22/12/2014 21:52:16

Gui cac ban



Từ: HoaiPV
27/07/2013 14:37:36
Đất Việt luôn yêu chuộm và mong muốn Hòa Bình, căm ghét chiến tranh! Chính vì điều đó bao người con ưu tú của Đất Việt đã xả thân vì nền hòa bình ấy! Từng thước đất của Tổ Quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm! Người Việt thật thà, chân chất; Đất Việt còn nghèo, nhưng không bao giờ sợ hãi bất cứ kẻ thù nào!

Xin trích đoạn "Trường ca cây cà" của Phùng Quán để nói lên điều đó:

...Chương 5 - Cà nghệ

Cà Nghệ

Thịt giòn

Ruột đặc

Người Nghệ

Tiện tằn , chân chất

Muối một vại cà

Ăn một năm

Sử kháng chiến ngàn trang

Người Nghệ ưa vắn tắt:

- Đánh Pháp hết chín vại cà

Đánh Mỹ hơn hai chục vại

Bù đi bù lại

Đánh bại hai đế quốc to

hết ba chục vại cà

 

Chương 6

Tổ quốc ta đủ cà, đủ muối

Đủ đất nung cả ngàn chiếc vại!


Từ: KhanhT
27/07/2013 14:20:59

 


Cảm ơn Hoài đã đăng bài về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc chống quân Trung quốc xâm lược vào những ngày linh thiêng này. Mình đã đọc bài theo đường link của ThuyHuy, rất xúc động, và cảm phục tấm gương hy sinh cao cả của người anh hùng Nguyễn Hữu Thanh và các đồng đội của anh trên chiến trường biên giới năm xưa ấy.


Xin trich mấy comms trong bài "Khắc khoải Vị Xuyên đón Anh trở về":


http://nld.com.vn/20130725102314388p0c1002/khac-khoai-vi-xuyen-don-anh-tro-ve.htm


"vothisau, 26/07/2013 06:11


Kính cẩn, cảm phục trước vong linh các Anh hùng Liệt sĩ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh trong công cuộc chống bọn bành trướng Bắc kinh xâm lược. Rất mong Báo NLĐ tìm hiểu viết bài và tô đậm cuộc chiến thần thánh chống quân TQ vào các năm 1979-1984-1989 để Nhân dân cả Nước điều biết.


Nguyễn Đình Thắng, 26/07/2013 10:05


Luôn nhớ tới các chiến sỹ đã hy sinh trên cao điểm 772 hôm 12-7-1984. Để rửa mối hận đó tháng 10-1984 dưới sự chỉ đạo của tướng Hoàng Đan E153 đã lấn dũi trong hơn 3 tháng đánh cao điểm 685 và giữ vững, ngày 14-19 tháng 1 năm 1985 E149 đánh bình độ 300-400. Các trận đánh của F356 đã khiến cho quân đoàn 14 của TQ liên tục thay quân bằng quân của các quân đoàn 11 và 67. Từ 31-5-1985 đến 11-6-1985 C5 và C7 của E567 đánh chiếm A6b và chống phản kích khiến cho quân đoàn 67 của TQ bị mất sức chiến đấu.


Thế Dũng, 26/07/2013 10:09


Tôi sống ở miền nam, đã từng biết đến chiến tranh biên giới Tây nam, và phía bắc năm 1979. Nhưng giờ mới biết đến cuộc chiến 1984 sau khi đọc bài báo này! Có lẽ người dân miền nam không hề biết gì về cuôc chiến 1984-1989 này cả. Thật là đau xót!"


 



Từ: HoaiPV
27/07/2013 13:47:57


Tôi đã tìm đọc và post bài đầu tiên trong loạt bài của nhà báo Văn Duẩn từ mail của Hồng Vân - MM gửi:

"Ngày 25/7: Em thấy anh đang trên web KGU,  anh xem có thể post bài dưới đây lên nhân ngày TBLS, vì nói đến Liệt sỹ thời chống TQ thì hơi hiếm



PS:  lí do em không dám post vì em thấy những vấn đề sâu sắc như thế thì chỉ có các anh chị đưa lên mới có sức thuyết phục và có hiệu ứng lan tỏa. Cám ơn anh, chúc anh ngày mới an lành. MM"

Cám ơn Vân đã tin tưởng. Cám ơn sự chia sẻ và tri ân sâu sắc của ACE KGU và bạn hữu KGU đến các Anh hùng - Liệt sĩ đã ngã xuống vì mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc trên địa đầu biên giới phía Bắc trong những ngày tháng 7 linh thiêng này! Nhiều tâm tư tình cảm của nhiều người, nhiều lứa tuổi, từ những đồng đội của các liệt sĩ,... rất đáng suy nghĩ.

Câu chuyện còn tiếp, ACE theo dõi thêm theo đường Link của ThủyDT đã ghi.

Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các Anh!



Từ: HuongNT
27/07/2013 12:18:37

Cám ơn ThuỷDTHuy đã có đường link giới thiệu. Tôi đã đọc ngay bài "Khắc khoải Vị Xuyên: Đón Anh trở về" trong nhạt nhoà nước mắt. 



Từ: ThoaNP
27/07/2013 00:06:01

Mãi gần đây dân thường mới được biết về những trận chiến này. Thương dân, thương nước, cảm phục các anh và căm giận không chỉ phía quân thù. Mình có nghe loáng thoáng thông tin, không biết thực hư, nhưng hình như kế hoạch chiếm lại các cao điểm của quân mình đã bị một số nào đó bán đứng cho Trung Quốc. Phải vì thế không mà tổn thất của chúng ta lớn đến vậy???


Bao giờ chúng ta mới có những người chép sử - không cần hô khẩu hiệu "trung thành với ...", mà chỉ cần trunng thành với lịch sử và lương tâm, không bẻ cong ngòi bút, ...



Từ: ThuyDTHuy
26/07/2013 15:04:14

Cám ơn anh Hoài đã đưa bài. Tiếp theo "Khắc khoải Vị Xuyên" là chuỗi ngày dài gần 30 năm đi tìm và đón các anh trở về. "...Trên cao điểm 772 - nơi diễn ra trận chiến ác liệt chống quân Trung Quốc năm nào, giây phút nhìn thấy một phần thân thể tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 sau gần 30 năm xa cách, vợ anh nghẹn ngào không thốt nên lời...".


http://nld.com.vn/20130725102314388p0c1002/khac-khoai-vi-xuyen-don-anh-tro-ve.htm



Từ: MinhCK
26/07/2013 01:20:39

Đọc bài của Hoài lại làm tôi nhớ lại những ngày tháng ác liệt trên mặt trận Hà Giang, là người được mục kích, tham gia xin được tâm sự cùng các bạn. Cuối năm 1983, Viện chúng tôi có đề tài được ứng dụng trên biên giới phía bắc, cụ thể là Vị Xuyên. Chúng tôi các thành viên trong đề tài thay nhau lên sân bay Phong Quang của huyện Vị Xuyên. Tên lủa được chuyển lên làm hai giai đoạn, một tốp (hai người) theo đoàn vận tải toàn xe ZIL 130 vào lấy đạn tại sân bay Sao Vàng Thanh Hóa, một tổ hai người chúng tôi đón đoàn tại bến phà Khuyến lương theo đoàn vận tại lên Hà Giang. Đến vị trí "kiềng" đoạn chuẩn bị vào Phong Quang nghe tiếng đạn nổ trên đường biên, tiếng nổ đầu nòng của pháo tầm xa TQ cũng thấy rợn cả người. Sáng hôm sau theo cậu liên lạc vào trận địa cứ làm tôi nhớ mãi. Cháu đí trước, các chú đi sau, nếu thấy cháu nhẩy vào hầm là các chú phải tìm hầm và chỗ ẩn nấp ngay. Tối hôm đấy là bữa cơm đầu tiên trên trận địa. Trận địa của chúng tôi nằm cách đường biên theo đường chim bay khoảng 6-8 km. Trận địa ở ngoài còn cả trung đội ẩn nấp trong hang đá. Bữa cơm này tôi ấn tượng mãi bởi đếm được khoảng 30 hạt thóc, rất nhiều thịt vì hôm sau là 22/12, đơn vị làm thịt con lợn 60kg. Tôi hỏi các cháu chiến sỹ:"sao nhiều thịt thế, sao không để giành lại  một ít đến mai?", các cháu nói: "ăn bữa nào biết bữa ấy, mai biết sống chết thế nào mà để lại thủ trưởng ơi". Rớt nước mắt khi những con người 18, 20... tuổi quên cả tuổi xuân của mình để tham gia bảo vệ Tổ quốc. Mà suy cho cùng họ được cái gì trong đó. Đó là một cuộc chiến không được nhắc tới, sự hy sinh không được biết đến. Cứ mỗi lần nhắc đến biên giới phía Bắc lại làm tôi căm thù. Môi hở bị răng nó cắn cho bật cả máu tươi ra nhưng rồi chẳng đi đến đâu cả. Cám ơn Hoài đã cho anh nhớ lại một thời đã qua trong chiến dịch bảo vệ Tổ Quốc của dân tộc mình



Từ: HuongNT
25/07/2013 22:10:33

 


 Nhìn tấm hình những người lính quá trẻ như chỉ mười mấy tuổi, cười vô tư trong những phút nghỉ ngơi hiếm hoi để rồi lại lao mình vào trận chiến đấu một mất một còn với kẻ thù làm tôi vừa thấy cảm phục và cả xót xa nữa. Đã trải qua 9 năm sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, những bài học về việc thu tập và chôn cất các liệt sĩ được rút kinh nghiệm rất nhiều nhưng rồi sơ xuất vẫn hoàn sơ xuất.   


Cám ơn Anh Hoài đã cho mọi người biết được trận chiến ở Vị Xuyên khốc liệt tháng 7/84. Đúng là nhiều người chỉ biết đến cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, còn ở Gạc Ma và một số nơi khác nữa thì mãi sau này mới có thông tin.


Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các Anh - những liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc!


 


 


 



Từ: LyTM
25/07/2013 20:33:43

Cậu em thứ 5 của ông xã nhà LiTM đã chiến đấu ở đây. Khi nó đi lấy nước dưới chân đồi thì pháo TQ đã bắn cày xới cả tiểu đội. Khi nó lên, chẳng còn ai,... Sau mấy năm nó được giải ngũ. Về nhà nó sống trong tâm trạng hay cáu bẳn vì ảnh hưởng của tiếng nổ của pháo, vì sự ra đi của đồng đội. Nó bảo, chẳng có gì có thể làm nó thấy cuộc sống trở lại bình thường, mỗi khi nghĩ về những đồng đội đã hy sinh!


Việc đưa hài cốt của Liệt sỹ về các nghĩa trang làm cũng ẩu lắm. Chỗ LiTM đã từng nhận được yêu cầu về tìm lại giấy tờ và địa điểm di dời, nhưng lần đến nơi thì chỉ vì di dời nhiều lần mà lẫn lộn biển hiệu. Tên Liệt sỹ có trên Bảng nhưng dưới các nấm mộ thì lại không có. Họ đã để lẫn và mất! Thật không thể nào chịu nổi!




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s