KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 17 Tháng hai. 2014

NHẮC LẠI KỶ NIỆM




Tác giả: MinhCK

NHẮC LẠI KỶ NIỆM CỦA MỘT THỜI

(nhân kỷ niệm 35 năm chiến tranh biên giới phía Bắc)

Trong một lần gần đây, khi đi thăm trang trại của thầy giáo cũ tại Ba Vì  tôi đã gặp lại vợ của một anh bạn cùng tham gia với tôi trong lần phục vụ cho chiến trường biên giới phía Bắc. Nói là gặp lại vì đã lâu quá rồi tôi không hề liên hệ hay biết tin gì của vợ chồng em cả. Vả lại từ khi chồng em rời khỏi  VKTQS tôi có bao giờ gặp lại nhau nữa đâu. Lần này cũng tình cờ khi nói chuyện với em tôi mới biết em là vợ của Nguyễn Nam Vũ (con trai bác Nguyễn Văn Kỉnh - nguyên Đại sứ Việt Nam tại CCCP). Cuộc gặp làm tôi nhớ lại một kỷ niệm với Nam Vũ thời còn khoác áo lính tại VKTQS.

 

….Hồi đấy là vào những năm 1983-1984 của thế kỷ trước, Viện chúng tôi có một đề tài được áp dụng trên biên giới phía Bắc. Chúng tôi phải thay nhau lên thực địa để cùng với các chiến sỹ pháo binh của Quân Khu 2 triển khai đề tài này. Hồi đó chiến tranh trên biên giới phía Bắc đang trong giai đoạn quyết liệt. Sau năm 1979, “bạn” rút hết về bên kia biên giới và làm chủ hầu hết những cao điểm nằm trên đường biên trên toàn tuyến biên giới của QK-2 quản lý. Chúng tôi cùng với các cán bộ pháo binh của QK-2 triển khai một đại đội tên lửa không điều khiển, trận địa nằm trên sân bay Phong Quang cách đường biên theo đường chim bay khoảng 15 km.

 

     Chúng tôi phải phân chia nhau làm hai bộ phận. Một vận chuyển tên lửa từ sân bay Sao Vàng Thanh Hóa ra Hà Nội. Bàn giao toàn bộ đoàn xe hơn 10 chiếc ôtô ZIN 130 chở đầy tên lửa, mỗi xe chở 05 quả tại ngoại ô Hà Nội cho người khác áp tải lên mặt trận Hà Giang.

 

       

        Đường vào sân bay Phong Quang.

     (Dẫy núi trước mặt là đường biên có cao điểm 1059 nhìn rất rõ từ phía Tầu sang Việt Nam)

     Lần ấy đến lượt tôi và Nam Vũ đi, chúng tôi mang theo những thiết bị cần thiết để bổ sung cho trận địa đang triển khai sẵn sàng chiến đấu trên sân bay Phong Quang. Ngày ấy cũng vào những ngày cuối tháng 12 này, hình như vào khoảng 18 – 20 tháng 12 thì phải. Chúng tôi chờ tại 10 Trần Hưng Đạo (nhà chị dâu tôi, chị ruột Tôn Gia Quí Trỗi K4) để đón xe do Duy (cũng là một thằng Trỗi K2, hiện là chủ nhà nghỉ “Bạn bè” Thung Nai Hòa Bình) chỉ huy lấy đạn từ Thanh Hóa ra. Cả đoàn xe chở đầy đạn qua phà Khuyến Lương tập kết tại Đông Anh, chỉ có xe chỉ huy qua Hà Nội đón bọn tôi. Theo kế hoạch thì 10 giờ phải có mặt tại Hà Nội rồi, thế mà chúng tôi chờ mãi sau trưa vẫn không thấy gì. Buổi trưa Thái (vợ Nam Vũ) có vẻ lo lắng quay lại 10 Trần Hưng Đạo xem chuyện đi đứng thế nào. Lo là phải thôi vì Nam Vũ không phải là kỹ sư vũ khí đạn (Nam Vũ học trường ngoài sau khi tốt nghiệp được điều vào Quân đội). Tôi trấn an Thái và động viên để Thái đỡ lo lắng cho chồng. Ngày đấy tôi cũng không biết rằng Thái cũng là học sinh trường Trỗi. Hai giờ chiều Duy mới ra đến Hà Nội, chúng tôi bàn giao công việc cho nhau và tôi thay Duy chỉ huy đoàn xe hướng mặt trận Hà Giang thẳng tiến.

   

     Hồi đó Quốc lộ 2 không được tốt như bây giờ nên phải chiều ngày hôm sau chúng tôi mới tới Hà Giang. Trên đường đi chúng tôi cùng chỉ huy trưởng đoàn xe là một người anh hùng lái xe thời chống Mỹ triển khai nấu ăn dọc đường hành quân. Cũng bếp lửa dã chiến, nào gạo, rau, tôm cá đủ cả, chẳng khác mấy so với hồi chiến tranh phá hoại. Có điều không phải chú ý tới khói lửa đề phòng máy bay Mỹ nữa, thiếu cái gì có thể chạy ngay vào nhà dân xin tạm tí mắm muối hay thâm chí ít gạo nấu cơm. Tập kết đạn vào nơi qui định xong chúng tôi lên báo cáo với tư lệnh tiền phương QK-2  lúc bấy giờ là Thiếu tướng Nguyễn An về sự có mặt của hai sỹ quan Viện KTQS và tình trạng, cũng như số lượng đạn tên lửa được vận chuyển lên. Tư lệnh bàn giao chúng tôi cho Cục Kỹ thuật tiền phương QK-2. Chúng tôi được nghỉ một ngày để hôm sau vào trận địa. Ra khỏi phòng Tư lệnh chợt nghe tiếng pháo nổ đầu nòng cầm canh từ bên kia biên giới mà cũng cảm thấy sờ sợ vì đã lâu lắm rồi không được nghe tiếng đó. Không nói ra nhưng lúc bấy giờ trong lòng cũng thấy nao nao khó tả. Sáng hôm sau tôi và Vũ theo cậu liên lạc còn rất trẻ vào trận địa đặt trong sân bay Phong Quang. Trước khi đi cậu liên lạc dặn chúng tôi răng: ” khi nào nghe tiếng nổ đầu nòng các Thủ trưởng thấy cháu nhẩy vào các hố cá nhân đào sẵn trên đường đi thì các Thủ trưởng phải cố gắng tìm ngay chỗ ẩn nấp cho mình”. Cũng may hôm đó tuy trời nắng đẹp, tầm nhìn xa rất rõ nhưng chúng tôi không bị một cú tập kích nào của phía bên kia bắn đến.

 

      Vào đến trận địa vào lúc trời chạng vạng tối, chúng tôi được đại đội trưởng và chính trị viên đại đội phân nằm trong hang đá tại vị trí rất an toàn của đơn vị. Khoảng 18.00 là đến giờ ăn cơm tối. Bữa cơm đầu tiên tại đơn vị tiền phương là bữa cơm kỷ niệm 39 năm ngày thành lập QĐNDVN, nhưng hôm đó làm tôi nhớ mãi. Chúng tôi ăn cơm cùng mâm với chỉ huy đơn vị. Đơn vị thịt con lợn 80 kg, làm rất nhiều món cho anh em chiến sỹ ăn. Tôi thấy nhiều thức ăn quá nên hỏi đại đội trưởng ngồi ngay cạnh tôi – sao không làm ít vừa đủ ăn thôi, còn để dành đến những ngày sau chứ - biết ngày mai còn sống mà ăn nữa đâu mà để dành hả anh. Câu trả lời ngắn gọi, đủ ý nhưng nhói đau vào trái tim tôi. Đại đội trưởng thường nhắc chúng tôi về đi lại và an toàn trên trận địa. Giọng nói của cậu ta nhẹ nhàng, mềm mỏng đến không ngờ. Tôi hiểu rằng, tại đây, cái sống và cái chết chỉ cách nhau có gang tấc. Mọi người luôn cảm thấy cần nhau, yêu quí nhau, dựa vào nhau để sống, vì vậy, không có chủ nghĩa quân phiệt như ở các đơn vị phía sau. Trên trận địa những ngày mới lên nhiều đêm không ngủ được. Hoàn toàn không phải vì sợ, mà thấy tiếc thời gian cho giấc ngủ. Cứ nghĩ rằng, mình ngủ và chẳng biết liệu ngày mai mình có còn sống để mà dậy không, nghĩ như thế là lại cố căng mắt để thức.

 

Thương những người lính trên trận địa vô cùng. Hồi đó cuộc sống khó khăn lắm, lương thực, thực phẩm tiếp tế lên các điểm tựa, lên các chốt tiền tiêu thiếu một cách nghiêm trọng. Cầm bát cơm người chiến sỹ liên lạc ngồi đầu nồi sới cho mà tôi không cầm được nước mắt phải đứng dậy đi ra ngoài. Gạo thì sắp mục, mùi hôi hôi. Tôi đếm trong bát cơm đúng 32 hạt thóc. Thế mà những người lính của chúng ta vẫn ngày đêm vững tay súng bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ Quốc.

 

Nơi tập kết liệt sỹ

Chúng tôi khắc phục những hỏng hóc của khí tài trên trận địa ngay ngày hôm sau. Hôm sau nữa trận địa đã phát hỏa sang bên kia biên giới. Đài BBC thời đó đưa tin Việt Nam đã bắn bom bay sang tiêu diệt một vài cứ điểm của phía Trung Quốc. Sau đấy trận địa chúng tôi tạm thời im hơi lặng tiếng để giữ bí mật. Được biết sau này phía Trung Quốc cũng tìm hiểu xem Việt Nam sử dụng loại vũ khí gì, nhưng có lẽ đến bây giờ cũng chẳng ai biết được đó là loại gì. Nhân dịp 35 năm ngày chiến tranh biên giới cũng muốn nhắc lại một chút kỷ niệm cuộc đời binh nghiệp của mình trên miền biên cương của Tổ quốc để anh chị em hiểu thêm “bạn” và ta.

 


Người post: MinhCK

Ngày đăng: 17-02-2014 17:05






Xem 1 - 10 của tổng số 18 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: HienVC
21/02/2014 21:44:21

@MinhCK: Tiếc thật, lúc đó giá có CS, SQ " tự giác vô kỷ luật không chấp hành mệnh lệnh " thì chắc chắn " bạn" đã nhận được khối " quà" 



Từ: Guest MinhCK
21/02/2014 21:13:05



@ Hiền ơi ! sau đấy không hiểu vì lý do gì đại đội đó không được bắn thêm quả đạn nào nữa. Năm 1986 mình có tháp tùng các thủ trưởng của VKTQS lên đó hai lần nữa, lúc đó tình hình chiến sự đã khác nhiều rồi, đã lắng dịu đi. Bây giờ hình như đạn và bệ phóng của loại khí tài này vẫn còn nằm tại kho Quân khí của Cục KT QK.2




Từ: HienVC
21/02/2014 16:05:57

 


Sau khi đi làm, cuối 1978 mình được cử đi công tác nước ngoài ( Đông Âu) lần đầu tiên. Tất nhiên cán bộ "quèn" như mình phải đi tàu hỏa thôi, chỉ cán bộ cao cấp mới được đi máy bay. Mất hơn chục ngày ngồi tàu hỏa khi đi, đến khi về do tình hình biên giới VN-TQ căng thẳng nên số cán bộ VN dồn toa đợi tàu tại Matscova rất đông. Đợi lâu quá chịu không được, lên đề nghị ĐSQ cho đổi vé tàu hỏa sang đi máy bay ( vì hành lý rất nhẹ) thì nhận được trả lời : Cậu không có tiêu chuẩn, phải chờ . Cuối cùng cũng được lên một trong những chuyến tàu hỏa liên vận cuối cùng về nước ( sau chuyến tàu này hình như theo tuyến liên vận Matscova- Bắc Kinh-Hà Nội còn chạy thêm 2,3 đoàn tàu nữa là ngừng hẳn). Trên tàu hỏa và khi dừng ở Bắc Kinh thấy ngán ngẩm vô cùng vì thái độ đối xử của " các bạn" khi ấy. Cũng từ đó trở đi loại cán bộ quèn như mình đi công tác nước ngoài mới được đi máy bay !


Anh Minh ơi, sau này anh có dịp tặng thêm " quà" cho " bạn" nữa không ?


 


 



Từ: NghiPH
20/02/2014 17:49:01

Anh MinhCK: Em cũng được nghe một anh Trường Trỗi kể là: Chỉ từ khi quân ta với sự giúp đỡ của Liên Xô giáng những đòn hủy diệt bằng loại vũ khí mà anh góp phần đưa lên biên giới thì bọn xâm lược Trung Quốc mới chùn tay.



Từ: Guest CuongLV
20/02/2014 13:30:21

Cảm ơn anh Minh không chỉ vì anh đã gửi lên mạng một bài viết rất hay, rất có ý nghĩa mà vì hành động của anh đã trực tiếp chiến đấu  chống quân Trung Quốc xâm lược. Đấy cũng là một trong hàng triệu  nén tâm hương của những người còn sống chúng ta tưởng nhớ đến 6 vạn liệt sỹ VN đã anh dũng chiến đấu và hy sinh để gìn giữ từng tấc đất biên cương.       



Từ: CucNT
19/02/2014 20:22:01





Ký ức đám cưới ngày 17.2.1979 của con trai Tổng bí thư Lê Duẩn 17/02/2014 06:00









(TNO) Hôm nay, 17.2.2014, đúng 35 năm ngày mở đầu cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới phía Bắc, cũng là kỷ niệm 35 năm ngày cưới của tôi.





Chú rể Lê Kiên Thành và cô dâu Nguyễn Thị Tú Khanh
trong đám cưới ngày 17.2.1979 - Ảnh tư liệu gia đình
 





Năm 1979, tôi 24 tuổi, 7 năm quân ngũ và bắt đầu làm việc tại Viện kỹ thuật không quân.

Năm 1979, đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ được bốn năm. Có thể lớp trẻ bây giờ khó mà hình dung nổi bối cảnh đất nước lúc đó nhưng tôi cũng không thể nói gì cho đủ nghĩa hơn bằng ba chữ: Rất khó khăn! Hồi đó, bộ đội như chúng tôi được phát mỗi tháng 21 kg gạo nhưng vẫn đói bởi thiếu chất. Hồi đó, mỗi năm, mỗi người dân khó có nổi một bộ quần áo mới. Hồi đó, mẹ tôi làm ở Ban tuyên giáo An Giang, thỉnh thoảng lại phải “cứu viện” chất đạm cho các con, khi thì gửi ít tôm khô, hoặc các loại mắm Nam Bộ. Những đứa con miền Bắc của bà tập quen ăn mắm từ những ngày thiếu mặc, đói ăn đó.

Đầu năm 1979, khi quyết định sẽ cưới vợ, tôi vào An Giang thăm mẹ. Bà, người phụ nữ nhiều năm xa chồng con, biền biệt chiến trường có vẻ như chưa hề được sống một ngày của thời bình. Bà cho tôi xem những bức ảnh chụp những người dân bị Pol Pot giết hại. Lần đầu tiên, trong đời, tôi nhìn thấy hình ảnh những con người bị giết một cách khủng khiếp và man rợ như thế. Hàng chục, hàng trăm người đều chết cùng một tư thế: Miệng há ra, mắt mở man dại. Mẹ tôi giải thích họ bị đâm bằng những que nhọn từ hậu môn lên đến đỉnh đầu...

Năm 1979, trước ngày 17.2, những người lính chúng tôi đã được phổ biến về những va chạm lớn trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.

Nói như thế để nhắc lại rằng, ở thời điểm đó, đất nước chúng ta ở vào thời điểm vô cùng khó khăn. Thiếu, đói... chỉ là yếu tố rất nhỏ trong 2 chữ KHÓ KHĂN đó.

Thế nhưng, cũng sẽ chẳng ai hình dung nổi, khi còn thiếu mặc và đói ăn đó, chúng tôi được giao nhiệm vụ thử nghiệm chế tạo máy bay...

Ngày 16.2, báo động cấp 1 toàn quân được chuyển xuống cấp 3.

Sáng thứ bảy,17.2.1979, Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới.

Tối hôm đó, đám cưới của tôi vẫn diễn ra. Vẫn gần đông đủ những cán bộ cao cấp: Trường Chinh, Tố Hữu, Đại tướng Văn Tiến Dũng... Gọi là đám cưới nhưng thực ra thì cũng là một bữa tiệc nhà có chút rượu, trà thuốc và kẹo. Tôi thoáng thấy sự căng thẳng trên gương mặt của những lãnh đạo đơn vị và quân chủng không quân.

Cha tôi - Tổng bí thư Lê Duẩn - và các lãnh đạo cao cấp vẫn nói chuyện bình thường, không nhắc gì về những gì đang diễn ra ở biên giới. Đặc biệt, nét mặt cha tôi rất bình thản, không hề để lộ (hoặc có thể không có) cảm giác âu lo hay căng thẳng gì. Cũng có thể nhờ thế, chỉ vài chục phút sau khi bắt đầu hôn lễ, không khí căng thẳng trong nhóm sĩ quan quân đội được giải tỏa, trở lại bình thường. Hôm sau, một người bạn binh ngũ nói với tôi: “Hôm qua thấy đám cưới vẫn diễn ra, thấy mọi việc vẫn bình thường, và đặc biệt, nhìn nét mặt của ông già mày, bọn tao tin Trung Quốc chẳng đánh đến Hà Nội được đâu...”.

Tôi không bao giờ tưởng tượng rằng mình sẽ có một đám cưới như trong nhiều bộ phim mà mình từng xem thời niên thiếu: Sau đám cưới, chú rể trở về ngay đơn vị...

Ngay sau ngày cưới, tôi trở về đơn vị và bắt đầu cuộc sống của người lính thời chiến tranh. Thỉnh thoảng chủ nhật vợ tôi đến thăm chồng; khi ra về mắt đỏ hoe, làm tôi thấy thương cảm vô cùng!





 
Những người tham gia thiết kế, chế tạo chiếc máy bay Việt Nam đầu tiên TL-1.
Từ trái qua phải: Lê Kiên Thành, Trần Mạnh Chung, Nguyễn Văn Hải, Bùi Thanh Châu.
Đây là những ngày bay thử trên sân bay Hoà Lạc - Ảnh tư liệu gia đình





Lúc đó, nghe nói rằng, chúng ta đã chuẩn bị cho một cuộc chiến bằng không quân để bảo vệ biên giới.

Thế nhưng, điều đặc biệt là những ngày tháng đó, Hà Nội vẫn bình thường. Bình thường trong một cuộc chiến hết sức không bình thường. Khi tiếng súng đã nổ ra ở biên giới nhưng mấy tháng sau thì kết thúc, người Hà Nội điềm tĩnh pha chút tự hào kín đáo nhìn lại: Trung Quốc đã không thể kéo dài cuộc chiến và không thể đánh đến Hà Nội...

Cha tôi còn nói: Nếu theo lẽ bình thường, Trung Quốc không nên đánh Việt Nam...

Nhưng có lẽ người Việt Nam là vậy, một khi điều bất bình thường nhất đã xảy ra, họ bình thản đón nhận.

Và tới năm 1980, chiếc máy bay đầu tiên do người Việt Nam tự thiết kế và chế tạo mang tên TL-1 đã bay trên bầu trời Tổ quốc. Năm 1981, đứa con trai đầu lòng của tôi ra đời, tôi đặt tên là Lê Kiên Dũng.

Và cũng là bình thường khi kỷ niệm 35 năm ngày cưới, tôi không thể quên, ngày cưới của mình trùng với ngày nổ ra chiến tranh biên giới. Tất nhiên không nên ôm chặt những chuyện không vui của quá khứ nhưng hãy hiểu quá khứ để nhìn về tương lai một cách chuẩn xác hơn!

Lê Kiên Thành








Từ: CucNT
19/02/2014 20:15:04

Thật là quý giá khi em được đọc 1 câu chuyện xúc động của 1 người trong cuộc ghi lại kỹ niệm về cuộc chiến Biên giới phía Bắc. Cuộc chiến mà rất nhiều người lính của chúng ta đã anh dũng hy sinh để giữ vẹn toàn lãnh thổ Tổ quốc nhưng buồn thay 35 năm qua ít khi được nhắc tới. Lịch sử không được phép giả định, lịch sử phải ghi lại chân thực những gì đã diễn ra trong quá khứ. Có nhìn nhận quá khứ 1 cách trung thực chúng ta mới biết trân trọng hiện tại và định hướng đúng đắn cho tương lai.


Qua bài viết này, em được hiểu thêm về tác giả người mà lâu nay gia đình Kgu vẫn gọi rất trìu mến là Ngài Đại tá. Anh đúng là 1 người lính trên măt trận và trong lòng dân. Không chỉ ngồi nghiên cứu trong học viện trên  bàn giấy, các anh đưa thành quả lao động nghiên cứu sáng tạo của mình đến tận chiến trường cùng sát cánh bên những người lính khác để chiến đấu gìn giữ non sông.


Cả dân tộc đang cần lắm những bài viết như của anh, để chúng ta không bao giờ quên những vết thương nơi biên giới và để tất cả cùng sống có trách nhiệm  hơn để gìn giữ mảnh đất này.


Chúng em tự hào về anh, về chị Hoa về những người lính!


Cảm ơn anh rất nhiều!



Từ: MinhCK
19/02/2014 09:29:46

Khi đã nghỉ hưu rồi những kỷ niệm của những ngày xa xưa không thể nào quên ấy nhiều lúc đột ngột về trong tôi như thế. Tôi đã viết bài này lâu rồi, đâu đó khoảng 4 tháng trước. Nhân 35 năm chiến tranh biên giới, tôi hoàn thiện và chỉnh sửa lại và đúng 17/02 trình làng.


@. LiênTP ơi ! thường thì các "Viện sỹ" hay ngồi tại cơ quan, nhưng khi đất nước có chiến tranh thì bọn mình đều phải về các đơn vị như vậy đấy. Không phải đề tài nào cũng được áp dụng tại các đơn vị chiến đấu đâu. Đề tài của bọn mình là một cái may đấy, lại đúng lúc đất nước cần nữa.


@. Huy ơ ! Bọn mình cũng cải tiến thành dàn phóng như Cachiusa, nhưng quả đạn nó to và nặng hơn rất nhiều nên mỗi bệ chỉ có 01 quả thôi. Trinh sát pháo binh của mình không quan sát được đạn trúng vào đâu (ví các điểm cao trên đường biên "bạn" chiếm cả rồi) chỉ biết rằng đã được bắn sang đất của kẻ xâm lược. Sau này chỉ nghe đài BBC nói thôi.


    Cám ơn các bạn đã đọc và chia sẻ trong ngày đau thương này (17/02/1979) của đất nước mình. никто незабыт ничто незабыто. Chúng ta còn nhớ mãi những người đồng đội đã ngã xuống, đã yên nghỉ vì sự toàn vẹn của lãnh thổ Việt Nam. Chúc các bạn yên giấc ngàn thu. Chúng tôi lúc nào cũng nghĩ đến các bạn - друзья мои - друзья в однополчанk 7;.



Từ: ThanhLK
18/02/2014 20:51:37

Một kỷ niệm chân thực của anh nhưng gây xúc cảm lớn cho mọi người, nhất là trong những ngày này. Xúc cảm về những người lính, dù ở mặt trận nào cũng phải chịu khó khăn gian khổ và hy sinh nhiều nhất. Các Viện sĩ khi cần cũng ra trận. Các chiến sĩ nơi tuyến đầu thì nay sống mai có thể không còn..Nay chúng ta được sống trong Hoà Bình nhưng nhiều chiến sĩ vẫn phải canh giữ ngày đêm nơi biên giới, hải đảo để chống lại âm mưu xâm lấn của "bạn". Cám ơn anh Kỳ Minh về bài viết chân thực và rất tình người. Anh viết tiếp nữa nhé vì 3 Chai nói đúng: kho chuyện đây rồi !



Từ: Guest ThangNT
18/02/2014 17:12:42

Hay quá, cám ơn Minh có một bài viết thật hay và kịp thời cho nội bộ Hội ta, vì báo chí mấy ngày hôm nay cũng viết khá nhiều về vấn đề này. Hôm qua khi họp Hội đồng KH. Ông Chủ tịch cũng nhắc lại ngày kỷ niệm 35 năm ngày TQ đánh ta trên biên giới phía Bắc, vì bị thua ta ở chiến trường Tây Nam. Khi đó vị GS này bị TQ ách lại tại Bắc Kinh không cho về nước. Tớ nghĩ ta phải mạnh lên, thì Tàu sẽ không giám làm gì, còn nếu cứ như kiều này, thì suốt đới vẫn vậy.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s