TOUR GUIDE XUẤT SẮC
Tác giả: CucNT
TOUR GUIDE XUẤT SẮC
Tôi không biết tên thật của em, chỉ thấy em ngộ nghĩnh nói với mọi người cứ gọi em là "Ku Khoai". Chuyến du xuân của hội Kgu chúng tôi ở Đà Nẵng vô cùng thú vị, một phần nhờ hướng dẫn viên thông minh, nhí nhảnh, am hiểu: Ku Khoai
Chúng tôi lên xe đi từ sân bay về Đà Nẵng, em bắt đầu “Mọi người có biết Đà Nẵng là gì không?"
Đà Nẵng là một thành phố đáng sống, có cả đồng bằng, núi đồi và Biển cả, có 1 trong những bờ biển đẹp nhất hành tinh và là một trong 20 thành phố sạch nhất Đông Nam Á..
Mọi người có biết dân số ở Tp. HCM có bao nhiêu không? Là 10 triệu người, ở Hà nội là 8 triệu người . Vậy mà Đà Nẵng thân yêu của em chỉ có hơn 950 ngàn dân thôi.
Nếu quý vị đi du lịch ở mọi nơi bị cướp giật, bị người ăn xin, người bán vé số đeo bám thì ở đây tuyệt đối không. Để chuẩn bị cho một cuộc bức phá của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, những năm qua, Đà Nẵng đã nỗ lực cải thiện hình ảnh và vị thế của mình. Từ năm 2001, thành phố đề ra kế hoạch thực hiện chương trình “Thành phố 5 không”: không hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có cướp của, giết người. Sau kết quả ban đầu của chương trình "Thành phố 5 không", Đà Nẵng lại tiếp tục với chương trình "3 có" - có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Các chương trình này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đã tạo thành mục tiêu để chính quyền thành phố phấn đầu và tạo được niềm tin đối với người dân.
Quý vị hãy tuyệt đối an tâm mà tận hưởng những ngày lưu trú tại Đà Nẵng bởi đây là thành phố bình yên nhất .
Có ai biết Đà Nẵng nghĩa là gì không? Có nghĩa là thời xa xưa khi người dân ở Huế di dân, họ đi qua bao cánh đồng, sông suối, trời mưa phùn giá rét, khi vượt qua đèo Hải Vân hiểm trở, buốt giá, họ nhìn thấy trời nắng ấm nên tất cả cùng reo lên “Đà Nẵng rồi! ( Đã nắng rồi! Đã nắng rồi!). Cả xe cười nắc nẻ !
Rồi em tiếp tục “Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ "DAKNAN", nghĩa là vùng nước rộng lớn hay "sông lớn", "cửa sông cái. Năm 1835, với chỉ dụ của vua Minh Mạng, Cửa Hàn (tên gọi Đà Nẵng khi đó) trở thành thương cảng lớn nhất Miền Trung. Sau khi hoàn thành xâm lược Việt Nam vào năm 1889, người Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane đánh dấu sự ra đời thành phố. Sau Cách mạng tháng tám, thành phố được mang tên nhà yêu nước Thái Phiên . Sau năm 1975, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Quý vị có biết vì sao Thực dân Pháp tấn công Việt nam đầu tiền là nổ súng vào bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng không? Bởi chúng ngây thơ tin rằng chiếm được thành phố Đà Nẵng thuộc vùng Nam Trung Bộ, Việt Nam là chúng có thể đánh rộng ra hai phía mà chiếm lĩnh toàn bộ Việt Nam nhưng chúng đã nhầm vì người dân Đà Nẵng (và cả dân tộc Việt nam nói chung ) là những người con yêu Tổ quốc, dân tộc, họ đã anh dũng kiên cường chiến đấu dành lại độc lập tự do cho Tổ Quốc..
Chúng tôi lắng nghe em và nhìn ra 2 bên đường, Thành phố đang trỗi dậy với những tòa nhà cao đẹp, những đường phố rộng rãi thoáng mái, có nhiều tán cây che phủ.
Chúng ta đang tiến về khách sạn, đi trên con đường Hồ Nghinh. Quý vị có biết Hồ Nghinh là ai không?
Hồ Nghinh là người mà tất cả người dân Đà Nẵng tri ân và ngưỡng mộ .
Hồ Nghinh, bí danh Ba Phước (thời kháng chiến chống Mỹ), sinh năm 1913 trong một gia đình có truyền thống nho học ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Cả cuộc đời ông tham gia hoạt động cách mạng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Chính quyền.
Sau ngày giải phóng, Hồ Nghinh làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh sau năm 1975, với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy, ông có công lớn trong việc chỉ đạo cải tạo công thương nghiệp không hoàn toàn theo công thức rập khuôn, giáo điều như nhiều nơi khác và đạt được những thành tích lớn. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông đã thuyết phục được những người lãnh đạo ngành thủy lợi và những quan chức lãnh đạo kinh tế trung ương cho phép xây dựng đập Phú Ninh để giải quyết vấn đề kinh tế, dân sinh của tỉnh Quảng Nam trong điều kiện nguồn vốn xây dựng cơ bản còn rất eo hẹp.
Tướng lĩnh, cán bộ lãnh đạo chính trị cao cấp, nhà văn, nhà báo, chức sắc đạo Thiên Chúa, đạo Phật… Họ đã dùng những từ đẹp nhất để ca ngợi sự dũng cảm, tài năng, tầm nhìn và những phẩm chất cách mạng cao đẹp của người đảng viên cộng sản Hồ Nghinh.
Ông mất ngày 16-3-2007 tại thành phố Đà Nẵng. Ghi nhận những đóng góp to lớn của ông cho quê hương Quảng Nam Đà Nẵng, chính quyền thành phố đã quyết định đặt tên một con đường mang tên Hồ Nghinh, rộng 15m, giao nhau với đường Phạm Văn Đồng.
Và quý vị có biết Hồ Nghinh là ai không? Là bố chồng của cô Xuân Ba, người Kgu rất đáng kính của quý vị đấy! Cô Xuân Ba là vợ của ông Hồ Việt (nguyên chủ tịch thành phố Đà Nẵng). Ông Hồ Việt đã tiếp nối truyền thống gia đình lãnh đạo nhân dân xây dựng Đà Nẵng trở thành thánh phố tuyệt vời như hôm nay.
Chúng tôi về khách sạn nghỉ ngơi và tôi cứ ấn tượng mãi về Ku Khoai và mong rằng sẽ được đồng hành với em suốt chuyến du lịch.
Ngày hôm sau, chúng tôi đi bán Đảo Sơn Trà.
Là phụ nữ nên chúng tôi hơi lề mề, muộn mất mấy phút. Ku Khoai tha thiết, các cô chú ơi! Đúng giờ giúp cháu với, để ta tham quan được nhiều nơi hơn.
Quý vị có biểt Sơn Trà nghĩa là gì không? Nghĩa là “Monkey Mountain”. Nơi đây ngày xưa chỉ có khỉ sinh sống, khi loài người xuất hiện, lũ khỉ nhìn con người tắm và bỏ chạy tán loạn vì kinh hoàng nhìn thấy 1 loài khỉ khác … Từ đó con người chiếm lĩnh vị trí của khỉ. Cả xe cười nghiêng ngã vì câu chuyện cười hóm hỉnh của Ku Khoai
Chúng tôi thưởng ngoạn toàn cảnh Đà Nẵng trên cao. Trời trong xanh, gió mơn man trên làn da, rừng xanh rì rào kể những câu chuyện linh thiêng từ ngàn xưa. Ku Khoai cầm cả chục máy ảnh của mọi người để chụp hình tất cả đứng dưới bức tượng Phật Bà cao 65 mét– Cao nhất trong các bức tượng Phật ở Việt Nam.
Nghĩ ăn trưa xong, chúng tôi lên xe, Ku Khoai đếm từng người và tha thiết xin các cô chú đừng đổi xe vì cháu nhớ rõ mặt từng người rồi, con số phải đủ thì xe mới lăn bánh được. Bên cạnh Ku Khoai là Hội trưởng Thắng, anh gọi điện cho từng người, chờ cho mọi người lên hết trên xe rồi anh mới bước lên. Suốt 3 ngày như thế, lúc nào anh cũng đến chờ ở xe trước 15 phút và gọi điện nhắc từng người, chờ cho tất cả đủ đầy, anh mới yên tâm bước lên. Tôi có cảm giác anh như người anh trai tận tình chu đáo, lo lắng cho đàn em ham chơi dễ trở thành trẻ lạc.
Chúng tôi lại được Khoai dẫn lên Bà Nà – Núi Chúa. Cáp treo đưa chúng tôi lên độ cao 1.487 M với chiều dài gần 6.000 M. Đồi Vọng Nguyệt, chùa Linh Ứng, Thích Ca Phật Dài vv Tất cả toát lên vẻ trang nghiêm, huyền hoặc của thiên nhiên đất trời hòa quyện với sức sáng tạo của bàn tay con người. Khoai chỉ cho chúng tôi xem khu chuồng ngựa cũ của Pháp. Các cô chú biết không? Bọn thực dân Pháp phát hiện ra đây là 1 vùng có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên hữu tình nên chúng đã bắt dân ta cõng đá lên làm đường, xây các khu nhà nghĩ cho chúng. Hàng năm chúng bắt cứ 6 người dân nô lệ Việt Nam khiêng 1 cái cáng chúng nằm trên đó, mang chúng lên đình Bà Nà để chúng thưởng ngoạn phong cảnh nơi đây. Hình dung những người dân Việt phục dịch bọn Pháp thời đất nước bị xâm lăng trong lòng chúng tôi trào nên 1 niềm phẫn uất. Với độ cao 1.487M, leo 1 mình đã mệt huống hồ còn phải khênh kẻ thù. Và chúng tôi càng hiểu thêm giá trị máu xương cha ông đã đổ xuống để gìn giữ non sông gấm vóc này.
Chúng tôi đi Mỹ Sơn – Di sản văn hóa thế giới Thánh địa lâu đời của vương quốc Chămpa với những đền tháp rêu phong bí ẩn từ thế kỷ VII.
Ku Khoai đã giới thiệu cho chúng tôi nghe về Mỹ Sơn.
Vị thế của những đền tháp Champa giữa thung lũng Mỹ Sơn được các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế nhìn nhận theo nhiều cách khác nhau nhưng ý kiến chung cho rằng: trái núi mà người ta gọi là núi Răng Mèo hay núi Chúa ở thánh địa Mỹ Sơn theo Bà La Môn giáo chính là một Lingaparavata hay Lingabanpote (Linga: Dương vật thiêng, paravata và banpote: núi) cắm xuống bồn địa Mỹ Sơn được xem là đại Yoni (Âm vật thiêng) với dòng suối (suối Thẻ) chảy ngang bồn địa được xem là kẽ Yoni. Đấy chính là lý do địa lý - tâm linh - phồn thực khiến cư dân Champa chọn Mỹ Sơn làm Thánh địa.
Chúng tôi ngắm nhìn những kiến trúc Chămpa. Họ đã xây dựng các ngôiđền bằng thứ đất nung và keo kết dính mà trãi qua hàng ngìn năm thứ gạch nung đó vẫn không hề bị hư hại. Chất kết dính đó là chất gì, cho đến nay, khoa học vẫn chưa tìm ra.
Dân tộc Chămpa hùng mạnh như thế mà vẫn bị người Việt đánh bại. Cha ông chúng ta vĩ đại thật, chúng tôi nói với nhau. Mỹ Sơn có hơn 70 công trình kiến trúc nhưng đã bị bom Mỹ và cả con người tàn phá nặng nề. Hiện ở Mỹ Sơn còn hiện diện khoảng 20 công trình kiến trúc, chỉ một số đền tháp ít bị hư hại, còn phần lớn chỉ lưu lại một mảng tường hoặc phần thân, hoặc những dấu tích của nền móng.
Do bị tàn phá nặng nề bởi thời gian và chiến tranh, những công trình kiến trúc ở Mỹ Sơn chẳng còn cái nào nguyên vẹn. Tuy không nguyên vẹn, nhưng chúng vẫn biểu hiện đầy đủ đây là di tích duy nhất thể hiện vũ trụ quan và tín ngưỡng của cư dân Champa xưa.
Chúng tôi tiếp tục đi thăm phố Cổ Hội An. Ban đêm những chiếc đèn lồng tỏa sáng lung linh, kỳ ảo. Tôi như đắm chìm trong không gian vừa cổ kính vừa hiện đại, những nếp nhà xưa độc đáo nhất của người Việt đã được phục dựng, trùng tu để du khách đến nơi đây say sưa ngắm nhìn, mê say nghiên cứu. Chị Ngân đã chọn được 1 bộ đèn thật đẹp và cẩn thận mang về Tp. HCM.
Hội An có những gía trị nổi bật toàn cầu và sự trộn lẫn của văn hóa Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa vì vậy năm 1999 phố Cổ Hội An đã được công nhận là di sản văn hóa của thế giới.
Hai địa điểm Thánh Địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An, là di sản văn hóa của thế giới chỉ suýt nữa tôi là đã bị san bằng.
Người đã giữ lại di sản quý báu đó cho đất nước là ai, quý vị biết không? Là ông Hồ Nghinh đấy. Khoai nói với tất cả niềm tự hào của người con quê hương nói về ân nhân của xứ sở.
Thời điểm sau chiến tranh, Hội An gặp biến cố lớn với mệnh lệnh kiên quyết loại trừ di hại của văn hóa nô dịch để phát triển văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Chính quyền Hội An đẩy mạnh phong trào đập cũ xây mớí. 500 con người với cuốc, xẻnh, xà beng trong tay, hăm hở tiến về khu Thánh Địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An với khẩu hiệu “quyết tâm đập bỏ đền chùa, miếu am thờ” để xây dựng một thành phố mới hiện đạim ang đậm bản sắc Chủ nghĩa xã hội.
May thay lúc đó, ông Hồ Nghinh xuất hiện, ông đã cương quyết ngăn cản 500 con người đang hừng hực “quyết tâm” đập bỏ để xây mới. Nếu không có sự sáng suốt, nhìn xa trông rộng và trân quý những giá trị kiến trúc từ ngàn xưa để lại của ông Hồ Nghinh thì hôm nay, chúng ta và bao nhiêu du khách cũng như toàn thể nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng đã chẳng có cơ may để chiêm ngưỡng những kiến trúc này. Nhân dân chúng tôi tri ân và mãi mãi noi gương ông mà sống xứng đáng với quê hương mình. Ku Khoai kết luận!
Buổi tối chúng tôi dự hội ở nhà hàng rất sang trọng. Hà - bạn tôi lần đầu tham gia Du Xuân thốt lên “Ôi! Chúng ta được đến 1 nơi sang trọng như thế này sao?”
Tất cả ngồi vào bàn, những món ăn đặc sản của Đà Nẵng được dọn ra.Trên sân khấu 2 Mc xuất sắc là anh Thắng và chị Tuyết giới thiệu chương trình. Hội trưởng Ngọc rút kinh nghiệm năm ngoái phát Giấy khen cho mọi người 1 lúc luôn để khỏi mất thời gian. Em Cúc được nhận giấy khen “Hấp dẫn người KGU” mừng hí hửng. Tiếc rằng những người xứng đáng được nhận 2 Giấy khen "hấp dẫn người Kgu " như anh Thông lại vắng mặt. Các chương trình văn nghệ lâu nay mọi người dày công luyện tập được trình diễn. Em Cúc không thể tin được Ngài Đại tá Chu Kỳ Minh trong Bộ quân phục lại trẻ trung và hấp dẫn đến thế. Ngài hát bài “Đừng khóc! Cô bé” mà em Cúc muốn khóc vì xúc động quá. Chị Lý ngâm những vần thơ lục bát anh Tuấn sáng tác trong dịp Du Xuân đã làm cho cả khán phòng lặng im thưởng thức. Hay quá! Ai cũng nói thế!. Chị Lý đi xuống, em Cúc cầm lấy tay chị, “Tuyệt vời quá chị ơi!”. Chị kể hôm kỹ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 08/03/2014 ở Phú Thọ, chị ngâm bài thơ chị Huyền sáng tác về Bác Giáp và cũng được cả Hội trường nhiệt liệt vỗ tay như thế.Tiếc quá! Dịp này chị không được gặp Huyền, chị vẫn giữ 2 bông hoa Hồng mọi người tặng chị để trao cho Huyền 1 bông. Anh Uyển cất cao tiếng hát mê đắm lòng người. Em Cúc chạy tới Hội trưởng Ngọc "cho em bông hoa em lên tặng đi'. Anh Ngọc chỉ cho em Cúc bó hoa trên bàn nhưng tiếc quá đó là hoa giả nên dù rất ngưỡng mộ anh Uyển, em Cúc cũng đành đứng dưới nhìn lên sân khấu mà thôi.
Mọi người nâng ly chúc mừng nhau vì cuộc Hội ngộ tuyệt vời này. Tất cả cứ túm lại hỏi nhau, vợ chồng nữ Đại sứ đâu rồi? Khi chị Thoa bảo Nữ Đại sứ thân yêu của chúng ta mệt không tham gia Du xuân được thì ai cũng tiếc và nói với nhau mong sao cho chị Huyền nhanh khỏe.
Năm nay, vợ chồng Bachai không về. Em Cúc cứ nhớ mãi lần đầu tiên gặp chị Nhuận, chí ấy có khuôn mặt tròn bầu bĩnh phúc hậu và nụ cười thật tươi. Dịch giả Đặng Phương Thảo cũng không thấy. Hẳn là chị ấy bận lắm.
Người có biệt tài trộn lẫn thơ và văn miêu tả cảnh đất trời là chị Thanh cùng phu quân đang ở nước ngoài. Giá mà chị Thanh tham gia sẽ viết được nhiều vần thơ bay bổng bởi cảnh sắc hữu tình nơi đây. Nhiều người cứ tìm chị Kim Thu, chị ấy đâu rồi nhỉ, 1 guest nhưng từ lâu đã thành 1 thành viên hết sức thân thiết của Kgu, đề tài nào chị cũng viết được, viết thật nhanh và đầy ấn tượng. Lâu rồi không thấy chị đi chợ Kgu và dịp này cũng vắng bóng chị. Chị Thu ơi! Trở lại với gia đình Kgu đi nhé!
Nhiều người năm nay không có mặt. Đáng trách nhất là anh Nông Văn Hải vì để mọi người nhắc nhiều quá.
Hội trưởng Ngọc và Thắng thay mặt toàn thể anh chị em Kgu gửi lời cảm ơn chân thành đến chị Xuân Ba và những người Kgu Đà Nẵng đã chuẩn bị cho 1 cuộc Du Xuân thật chu đáo và hoàn hảo.
Cuộc vui tưởng kéo dài mãi để chứng kiến thêm nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc cũng như bước nhảy hoàn vũ của cặp đôi hoàn hảo Kỳ Minh - Bích Chi và Hoàng Anh - Ánh Tuyết nhưng mọi người lại náo nức muốn đi xem con rồng nổi tiếng của Đà Nẵng.
Ku Khoai dẫn chúng tôi ra Cầu Rồng xem vòi rồng phun lửa và phun nước. Chúng tôi thống nhất chỉ chở đến đó rồi chúng tôi tự tham quan và sau bắt tắc xi về vì đã khuya mà sáng sớm mai Khoai còn dẫn hội đi hậu du Xuân ra tận Quảng Bình nữa.
Chúng tôi chọn 1 bàn, uống nước mía và ngồi chờ. 21g 15 thì rồng phun lửa, cả đám đống “ồ “lên. Du khách đứng kín 2 bên chân cầu ngắm rồng phun. Tôi không ngờ sự kiện rồng phun lửa mà kéo đến cây cầu được nhiều du khách đến thế. Rồng phun ra 1 đám lửa sáng cả vòm trời nhưng sau đó là 1 đụn khói đen. Nhà thơ Tạ Minh Lý đã xuất khẩu thành thơ :
“Chưa đi chưa biết rồng phun,
Đi rồi mới thấy ùn ùn khói đen” .
Hấp dẫn thật nhưng ô nhiễm môi trường quá! Tất cả cùng nhận xét. “Bình tĩnh! Sẽ có mưa phun cho không khí trong sạch trở lại” – Ku Khoai cất tiếng Ồ! Tưởng em về rồi chứ!
Cô Xuân Ba bảo em chờ đến lúc các cô chú xem xong, chở cô chú về lại khách sạn rồi em mới được về nhà vì các cô chú đi cả ngày mệt rồi, phải đưa về tận nơi cô Ba mới yên tâm.
Ôi chị Xuân Ba, không thể kể hết sự chu đáo mà chị Xuân Ba và các anh chị ở Đà Nẵng đã dành cho Hội Kgu.
Chỉ biết nói rằng vô cùng cảm ơn các anh chị.
Chúng tôi chia tay Ku Khoai. Chị Thoa thay mặt cho đoàn trao cho Khoai phòng bì với dòng chữ nắn nót : “Tour guide xuất sắc” . Khoai vui mừng đón nhận “ Điều làm cháu vui sướng nhất là cái tiêu đề cô chú dành cho cháu. Cháu làm việc với con của cô Xuân Ba. Cháu sẽ cố gắng nhiều hơn nữa. Cảm ơn các cô chú!”
Rồi mọi người sẽ tham quan Đà Nẵng 1 chuyến nào đó nhưng chắc gì đã may mắn gặp được 1 hướng dẫn viên du lịch dễ thương như Ku Khoai?
Đà Nẵng - Tp. HCM 4/2013
Người post: CucNT
Ngày đăng: 29-04-2014 16:04
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |