KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 03 Tháng tám. 2015

XUYÊN VIỆT- CHẶNG 2: SÀI GÒN - TÂY NAM BỘ - SÀI GÒN




Tác giả: HoaiPV

                            

CHẶNG 2: SÀI GÒN – TÂY NAM BỘ - SÀI GÒN

 

Sáng 3/7 chúng tôi rời Sài Gòn, đi tiếp chặng 2 chuyến “Xuyên cho hết Việt”. Cùng với ba lão tướng xuất quân từ HN còn có thêm một lão tướng nữa, cũng 63 tuổi xuân xanh và cùng học lớp phổ thông: luật sư Thế Trường, một người khá nổi tiếng “ngủ ngày cày đêm”, “người bé miệng to”, xứng danh ‘Thầy cãi” đất Sài thành! Chặng này chúng tôi dự định đi cho hết mảnh đất được tạo nên bởi chín con Rồng!

Xe bon theo cao tốc Trung Lương, qua đất Mỹ Tho, nơi có chùa Vĩnh Tràng với những pho tượng Phật uy nghi mà anh Đỗ Khắc Tuấn VL75 KGU, tuy mắt không nhìn thấy được vẫn viết nên những dòng thơ đầy cảm xúc trong chuyến Du Xuân 2013 đến miền sông nước Cửu Long. Chúng tôi dừng lại đầu cầu Cần Thơ nối hai bờ sông Hậu, cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á tại thời điểm hoàn thành năm 2010 và cũng gắn liền với sự cố sập nhịp dẫn không mong muốn 9/2007. Sau cầu Mỹ Thuận qua sông Tiền, đây là cây cầu góp phần nối liền TPHCM với toàn tuyến miền Tây Nam Bộ, cũng mở đầu cho một loạt cây cầu dây văng lớn trên khắp đất nước như Bãi Cháy, Nhật Tân,..

 

                

 

 Đất Cần Thơ “gạo trắng nước trong” gợi nhớ “Người đẹp Tây Đô” Bạch Cúc, vẫn đẹp với bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng... và với những ký niệm riêng khi lần đầu tôi qua đây năm 1984

 

                 

 

Tại đây, Thanh Bình (lớp dự bị KGU cùng vợ tôi) đã chiêu đãi món canh chua cá tra – món lần đầu tiên trong đời tôi được thưởng thức (lại là “cây nhà lá vườn” của cơ quan khí tượng nơi Bình công tác “trồng” được!). Có lẽ vì vậy tôi đã rất vui khi các bạn gọi món lẩu cá kèo cùng với hoa điên điển vàng ươm

 

                  

 

Cần Thơ cũng đã khác nhiều so với lần tôi dự Hội nghị vật lý toàn quốc năm 2006. Thành phố mở rộng và kéo dài giáp đến tận ranh giới với tỉnh An Giang. Trong TP nhiều tòa nhà mới cao tầng, nhiều khách sạn, công viên mới đã mọc lên. Cần Thơ đang chuyển mình để xứng đáng là Tây Đô của Nam Bộ.

 

                   

 

Xe đến Long Xuyên (tỉnh lỵ của An Giang) đúng giờ quy định của Hội nghị Hiệp hội vận tải ô tô VN mà hai bạn tôi sẽ dự vào ngày mai. Tuy nhiên khách sạn nơi tổ chức hội nghị đã kín phòng, chúng tôi phải tìm sang k/s khác theo chỉ dẫn của “thổ dân” Thế Trường! Tôi hoàn toàn ngỡ ngàng với Long Xuyên ngày nay! Cách đây hơn 30 năm tôi đã đến Long Xuyên thăm Ba Má của luật sư Minh Hồng (nguyên giám đốc sở tư pháp TPHCM) – vợ người bạn cùng đơn vị (và dì ruột của Hồng lại là vợ chú Năm, NCS hóa, Hội trưởng KGU những năm 1974-1975). Hồi đó Long Xuyên còn “bé con con” và rất yêu quý các chú bộ đội. Chúng tôi đi đến đâu cũng được ưu tiên, vào bến xe cũng được nhường mua vé trước, chỉ hơi bị “thắc mắc” sao “tóc các chú hơi dài”!? Tôi đã từng ngẩn người khi vào chợ, thấy cá mú, gà vịt,... đều đã được làm sạch bày trên sạp (ngoài Bắc lúc bấy giờ đâu đã có thói quen như vậy!), và bạt ngàn thủy hải sản! Bán lại theo chục (12 chứ không phải là 10). Khi về nhà được ăn món lẩu cá thác lác lại còn “tỉnh người” hơn! Cá mua sẵn về đã được lóc hết xương, cắt miếng như quân domino, thả vào nồi nước lẩu một chút, cứ nổi lên là chín, gắp thả vào miệng, thơm nức giòn tan!

Sáng 4/7 Trọng Thông và Quốc Thắng dự hội nghị buổi sáng (HN chỉ diễn ra một buổi, chúng tôi đi trước một tuần và về đến nhà sau những 2 tuần!). Tôi và Thế Trường rủ nhau dạo phố. Khu hành chính Long Xuyên không có nhiều cao ốc, thay vào đó là nhiều vườn hoa, đặc biệt khu vực sát bờ sông Hậu. Ở đây chúng tôi tìm lại được đôi nét tuổi trẻ của mình

                    

                    

                     

Trưa cả đội quyết định không dự chiêu đãi mà lên đường ngay cho kịp đến Hà Tiên trước khi trời tối (240 km). Chúng tôi dừng ăn trưa tại quán gà Châu Đốc để “tự hình dung” mình cũng đã qua Châu Đốc!

                     

 

Con đường đi Hà Tiên theo tỉnh lộ 941 và Tám Ngàn nhỏ và qua nhiều kênh rạch (đặc điểm chung của sông nước miền Tây), nhưng cũng rất đẹp và thơ mộng!

                     

Qua huyện Tri Tôn, lần đầu tiên chúng tôi gặp hàng cây thốt nốt ven đường, quả của nó khác với quả dừa một chút

                           

                   

Rồi xe qua huyện Hòn Đất, quê hương chị Sứ; qua huyện Kiên Lương chạy dọc biển phía tây. Tối 3/7 được tin nhạc sĩ An Thuyên ra đi đột ngột tiếp sau GS Trần Văn Khê và các nhạc sĩ gạo cội Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân, chúng tôi đã rất xúc động. Khi qua chợ Kiên Lương, nhìn thấy quán cafe An Thuyên, chúng tôi quyết định dừng chân! Duyên ngộ với nhạc sĩ tài hoa, người dám “cắt nửa vằng trăng, bẻ đôi cấu thơ” để làm con đò nhỏ đến với người mình yêu chăng?

                   

                   

Có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng âu cũng là duyên cho chúng tôi tri ân Nhạc sĩ, người mà không ai trong chúng tôi không ngưỡng mộ!

Biển Hà Tiên chiều muộn hơi là lạ so với biển phía đông

                  

Trước khi vào thị xã chúng tôi gặp tượng đài ông Mạc Cửu – vị Vương đầu tiên, người khai phá vùng đất Kiên Giang này đang được hoàn thiện. Hà Tiên đón chúng tôi trong vị nồng và mặn mòi của biển!

                  

Sáng 5/7 chiếc phà lớn 400 tấn đưa chúng tôi cùng xe ô tô rời bến Thạnh Thới ra đảo Phú Quốc! Cả một vùng đẹp như mơ sắp hiện ra trước mắt!

                   

Sau 3 giờ trên biển phà cập đảo. Lên phà, chạy được một quãng, xe gặp sự cố đầu tiên từ khi xuất phát, phải thay lốp! Vậy là Lái 1, lái 2 cùng “lơ” xe phải ra tay. (riêng “Thầy cãi” ngồi ghi hình chụp ảnh!)

                 

Xe chạy tiếp gần 30 km theo trục vòng quanh Phú Quốc, qua Bãi Thơm, Vinpeal resort,...đến thị trấn Dương Đông – thủ phủ của đảo. Chúng tôi tìm đến một khách sạn nhỏ theo giới thiệu trước, ăn trưa, sửa xe và một việc hết sức quan trọng: ra sân bay đón Phu nhân trưởng đoàn, chị Lê Vị Thủy – chị ruột của nhạc sĩ Lê Vinh, tác giả “Mùa hoa cải” và “ Hà Nội và tôi” từ Hà Nội bay vào! Chúng tôi nghỉ đêm đầu tiên trên đảo sau khi “mò mẫm” bách bộ dọc Bãi Dài! (sở dĩ phải “mò mẫm” vì trời tối, không trăng sao và ít ánh đèn!). Dù sao cũng được tiếng là đã ra Bãi Dài – “nhân tố không thể thiếu khi nhắc đến Phú Quốc bởi vẻ đẹp hoang sơ trinh nguyên của mình, là thiên đường nắng vàng, nước mát và hàng dương xanh lớn rì rào trong gió”! Sáng sớm hôm sau Phú Quốc “chiều” chúng tôi theo đúng tiết của mình. Mưa suốt từ gần sáng cho đến quá trưa, thi thoảng hửng lên đôi chút! (vậy là còn may, vì thêm tháng nữa ngoài đảo hầu như mưa suốt ngày đêm! Chỉ khi vào mùa khô, từ tháng 10 trở đi, Phú Quốc mới chói chang nắng gió!). Không sao, chúng tôi vẫn đội mưa...”ăn chơi sợ gì ba thứ cỏn con ấy”! Và chúng tôi đã gặp may! Khi đến Salinda resort mưa hầu như “ráo hoảnh”! Theo dặn dò kỹ lưỡng của Huyền (rất tiếc Huyền, Kỳ và con gái từ châu Âu chưa về kịp vào ngày ấy!), em Thành- phụ trách Lễ tân đã đón chúng tôi từ cửa và dẫn đi giới thiệu khắp các nơi! Salinda thực sự làm chúng tôi ngạc nhiên và khâm phục, từ thiết kế độc đáo, tinh tế, duyên dáng, đến tính chuyên nghiệp trong tất cả các khâu tổ chức. Chúng tôi được gặp cả TGĐ người Ấn Độ, cả cô phụ trách restaurant rất trẻ và đẹp người Đức(?). Dù chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, nhưng chúng tôi vẫn kịp ngắm tất cả các loại phòng, khu hội nghị (nơi có bức tranh vẽ rất công phu mà Kỳ tâm huyết), khu ẩm thực, giải trí, khu nghỉ dưỡng, bể bơi, vườn hoa, cây cảnh,...(nhưng rất tiếc chưa được ngắm “suối hoa tóc tiên” của riêng Huyền!). Cám ơn Huyền Kỳ nhiều lắm, hẹn có dịp gặp lại!

                     

                     

                     

                     

                    

                     

Rời Salinda trời lại đổ mưa. Xe chúng tôi chạy qua khu nhà tù Phú Quốc, ghé thăm Vườn Sim, Công ty nuôi ngọc trai, vào Bãi Sao (ngắm bãi biển và ăn trưa tại đấy, không tắm được vì vẫn mưa)

                     

Buổi chiều về đến Suối Tranh, may quá trời lại tạnh! Vì dòng suối đẹp như một bức tranh nên nó được mang tên như vậy. Nhiều đoàn nam thanh nữ tú tổ chức picnic tại đây, có cả một nhóm đông những người khiếm thính, mang theo gia đình cũng tụ họp. Chúng tôi chụp ảnh cùng suối, thấy mình đẹp hơn hẳn, có lẽ do có Suối Tranh!?

                     

Sau ăn tối cả nhóm đi chợ đêm Phú Quốc. Thôi thì đủ các thứ trên trời dưới biển, nhưng chủ yếu vẫn là ẩm thực. Mùi hải sản nướng quyện vào không gian đặc quánh!

                      

                      

Hai đêm một ngày ở Phú Quốc có lẽ chỉ được như khúc dạo đầu của bản nhạc lấp lánh, nhiều cung bậc. Sáng hôm sau chúng tôi lại tiễn chị Thủy ra sân bay và ngược cung đường hôm trước đến bến phà Thạnh Thới, gần mũi Đá Chồng, tiếp tục cuộc hành trình trở về với miền Tây Nam Bộ. Trong lúc ngồi chờ phà ở quán gần đấy, tôi kịp trò chuyện với một cháu đồng hương, bị gãy chân đang phải nằm nhà, lấy vợ ở Phú Quốc và định cư ở đây. Cũng hiểu thêm rằng người dân chài bản xứ (nhất là khu vực phía đông bắc đảo) còn nhiều gian nan lắm. Nước rất thiếu vì khoan sâu bao nhiêu cũng không có nước ngọt, phải mua theo can. Đông con cháu, nhà như tổ kiến

                      

                      

 Con cá đánh về chỉ nhập được duy nhất cho ông chủ trại nuôi sá sấu. Mùa mưa đất thì thối, còn người thì nẫu cả ruột gan!

Chiếc phà lại đưa chúng tôi sau 3 tiếng về lại Hà Tiên. Trên phà tôi tình cờ gặp được hình ảnh như trong phim Titanic, chỉ khác chút ít, đôi nam nữ ở đây nhiều tuổi hơn và họ không đứng ở mũi tàu, mà đứng ở đuôi phà!

                     

4h chiều, chúng tôi xuôi quốc lộ 80 về Rạch Giá. Vẫn có chút thời gian thư giãn bên đường. Máu "nghề nghiệp" vẫn không thể tránh khỏi kể cả khi có nhu cầu khác "cấp bách" hơn!

                       

Và đây, đường về quê hương chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất năm xưa của nhà văn Anh Đức

                       

Chị Sứ - tên thật là Phan Thị Ràng, vẫn còn đây bên các đồng đội của chị ngày nào, vẫn dịu hiền như những bông hoa sứ quê chị, vẫn hiên ngang giữa trời cao lồng lộng và vẫn còn mãi trong lòng lớp trẻ hôm nay!

                            

                    

                    

                    

Về đến TP Rạch Giá cũng đã muộn, chúng tôi ghé vào một nhà nghỉ nhỏ vì thấy ông bà chủ nhà đã luống tuổi nhưng quá hiếu khách. TP Rạch Giá – thành phố biển duy nhất của miền Tây NB, cũng “phong trần” như người anh hùng áo vải Nguyễn Trung Trực  “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa, Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần” những năm chống Pháp cuối thế kỷ 19! TP nhỏ (gần như bức tượng!) và đầy hương vị biển!

                 

Sáng hôm sau xe xuôi quốc lộ 80 đưa chúng tôi về với Cà Mau.

Tình cờ khi qua huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) gặp Khu di tích lịch sử an ninh khu IX, có lẽ chúng tôi trở thành những vị khách miền Bắc đầu tiên thăm khu di tích này sau Lễ khánh thành của Bộ CA ngày 17/4/2015!

 

                  

 

Rất tiếc chúng tôi không đủ thời gian đi thăm Vườn quốc gia ở khu vực này, cũng như Vườn chim trong TP Cà Mau. (nhưng “bù” lại, xe chạy qua cây cầu có cái tên “ngồ ngộ”- cầu Xẻo Bướm!)

                  

 

Xe qua TP Cà Mau, thẳng đến thị trấn Năm Căn – thị trấn cực nam Tổ Quốc. Chiếc xuồng của các “Nghệ sĩ sông nước” đưa “bè lũ 4 tên” U70 lướt sóng về Đất Mũi. Sóng xô mạn, gió lồng lộng trên đầu, xuồng lướt theo dòng sông Cái, len lỏi tắt qua các kênh rạch dọc ngang nơi tận cùng đất nước đưa chúng tôi đến “Ngón chân cái” VN!

 

                            

                    

 

Bồi hồi xúc động chúng tôi đứng bên Cột mốc tọa độ GPS 0001, vẫy tay trên con tàu mang quốc kỳ VN lướt sóng ra khơi và ngắm nhìn doi đất vẫn cựa mình hàng ngày đắp thêm từng cm, từng cm cho quê hương!

                  

                  

                   

Tôi không thể không nhớ đến Cột cờ Lũng Cú nơi địa đầu phía bắc Tổ Quốc, khi lá cờ trên tháp cao phấp phới như cuốn tôi vào trong đó!

 

                               

 

Xuồng trở lại Năm Căn, chúng tôi tạm biệt thị trấn ở cột cây số 4 khi trời đã tối

 

              

 

Xe theo hướng Đông Bắc về TP Bạc Liêu, nơi nổi tiếng với chàng lãng tử năm xưa! Ngôi nhà cũ bây giờ đã bị “thị trường hóa” quá nhiều nên chúng tôi chỉ đi qua và nghỉ đêm tại khách sạn Bạc Liêu, nằm gần tượng đài chiến thắng

 

              

 

Sáng sớm, sau khi ăn sáng và làm xong công tác chuẩn bị như thường lệ, có nghĩa là đầy đủ phích trà nóng, nạp đủ pin cho máy ảnh, Ipad và khăn gói sẵn sàng, chúng tôi men sườn phía đông Nam Bộ trở ra Sóc Trăng, qua cụm phà Đại Ngãi (cây cầu cuối cùng vượt 9 nhánh Cửu Long sắp tới đây sẽ thay thế cho cụm phà lịch sử này), qua Trà Vinh, vượt cầu Cổ Chiên vào đất Bến Tre quê hương Đồng khởi, trở lại Mỹ Tho và về đến TPHCM.

 

              

               

              

 

Chùa Dơi ở Sóc Trăng vẫn đông người đến thăm. Ngôi chùa Khme vẫn rợp bóng cây và được sửa sang nhiều hơn so với lần trước tôi qua năm 2006. Nhưng những chú dơi khổng lồ đã ít hơn rất rất nhiều, có lẽ chưa phải lúc dơi về nghỉ, hay do cảnh quan thay đổi quá nhiều, không còn được yên tĩnh như xưa?

 

                       

 

Bến Tre đất vẫn rợp bóng dừa. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh miệt vườn những Cù Lao xanh trong chuyến Du Xuân KGU năm 2013. TP vẫn vậy, sông nước và con người vẫn vậy – bình yên!

Một ngày nghỉ ở Sài Gòn, ngoài việc đến thăm anh em, họ hàng, chúng tôi kịp đến thăm địa đạo Củ Chi đất thép. Đứng trong ngôi đền thờ hàng vạn chiến sĩ đồng bào đã hy sinh quanh đất Củ Chi, Trọng Thông đã không thể chịu đựng nổi càm giác gai người! Tên của những người đã ngã xuống phủ kín các bức tường cao của ngôi đền!

 

                           

                 

 

Mưa tầm tã suốt dọc đường khi chúng tôi đến và cả lúc trở lại thành phố! Chúng tôi không kịp xuống địa đạo vì trời đã chạng vạng và anh em hướng dẫn viên đã nghỉ. Hy vọng khi về địa đạo Vịnh Mốc ở Vĩnh Linh, sẽ gợi lại cho chúng tôi hình bóng địa đạo nơi đây!

Sáng sớm 11/7, sau tuần cafe (đã trở thành truyền thống), tạm biệt vợ chồng Trường – Hà và các cháu, tạm biệt SG, ngược con đường của cha ông ngày trước, sau 3470 km đã vượt qua, chúng tôi theo quốc lộ 1A Bắc tiến, tiếp tục chặng 3 chuyến đi “Xuyên cho hết Việt”!

CHẶNG III: SÀI GÒN – DẢI ĐẤT MIỀN TRUNG – HÀ NỘI


Người post: HoaiPV

Ngày đăng: 03-08-2015 15:03






Xem 1 - 10 của tổng số 17 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: ThanhLK
10/09/2015 22:42:45

@ MM ơi, thit rắn là món phổ biến ở miền Bắc, còn được gọi là "thịt gà đồng" . Thế nên khi nào ra HN, MM nên thưởng thức  Rắn 7 món ở làng Lệ Mật.



Từ: Meomun
01/09/2015 02:42:43

@Chị Thanh: Không những thịt chuột mà còn thịt rắn nữa chị ơi, em không biết ăn. Bạn em là Giám đốc BV Tim mạch An Giang, vừa giỏi nghề, vừa giỏi ...nhậu, vì bệnh nhân ở Miền Tây cũng hay lắm, toàn cám ơn BS bằng cách rủ đi nhậu, thế là lên "đô" hihi. Ghi chú: là phụ nữ!



Từ: ThanhLK
31/08/2015 23:31:52

Em cũng từng được rong tuổi đi các tỉnh miền Tây trong những chuyến công tác trước đây, nhưng ko được trải nghiệm tỷ kỷ như các anh Phượt này. Lần tới Cà Mau gần đây nhất (cuối 2014) thì thời tiết quá xấu nên cũng chưa ra mũi Năm Căn được, tiếc lắm. Ấn tượng nhất là anh Hoài chụp được ảnh chị Sứ, nhân vật có mái tóc dài và dày trong cuốntieeur thuyết Hòn Đất... Em cũng chưa được trải nghiệm ở Phú Quốc lần nào nên những điều viết trong bài này sẽ là kinh nghiệm Quí trong tương lai gần. Cám ơn anh Hoài nhé.


MM ơi, thịt chuột đồng nướng ngon tuyệt vời đấy, bọn Tây cũng còn mê li khi được thưởng thức.l



Từ: CucNT
10/08/2015 04:08:16

Nếu anh Hoài không gi chép lại, chúng ta đã mất 1 cơ hội được cùng anh và các bạn trãi nghiệm 1 chuyến đi tuyệt vời. Mỗi địa danh đều được anh ghi chép lại nhũng đặc diểm riêng nổi bật đầy dấu ấn và những hình ảnh minh họa sống động.


Cảm ơn anh và chờ đón được đọc tiếp phóng sự của anh!



Từ: KhoaDT
09/08/2015 18:23:51

Bao giờ mình mới đi xuyên đất Việt được ? Chúc mừng Hoài với trải nghiệm tuyệt này. 



Từ: ChiNB
07/08/2015 05:24:57

Phục quá đội "Xuyên cho hết Việt" này, đi được quá nhiều nơi nổi tiếng của đất nước, thưởng thức bao nhiêu đặc sản của vùng đất Nam bộ, được ngắm bao nhiêu cảnh đẹp của dải đất hình chữ S. Không biết bao giờ mới có thể đi được như hội của Hoài đây mặc dù rất muốn. Lại nghiệm thấy rằng, những người học Toán, Lý (không dám nhắc đến Luật vì quá giỏi văn rồi) tưởng như khô khan nhưng lại rất lãng mạn và viết rất hay, người đọc cứ như đang theo đoàn cùng đi vậy. Viết tiếp phần 3 nhé, HoaiPV.



Từ: Guest Binh TK
06/08/2015 15:26:02

Cảm ơn anh Hoài rất nhiều , em cảm nhận mình cũng đang đồng hành cùng các anh qua những vùng miền của đất nước . Nếu có điền kiện về mọi mặt để khám phá tất cả như các anh thì còn gì bằng , anh hãy tiếp tục hành trình và nếu có đến dải đất miền trung đầy nắng và gió ( qua ĐN )  thì hãy phôn cho kgu ĐN anh nhé , bọn em sẽ đón tiếp các "anh hùng " xuyên việt .


 


 



Từ: LienTP
06/08/2015 05:02:19

Em mong một ngày nào đó cũng được đi xuyên Việt. Xuyên Việt hay quá. Bao nhiêu địa danh, bao nhiêu ảnh thật đẹp. Thế mới biết em còn chưa đến thăm được rất nhiều nơi trên đất nước. Cảm ơn anh Hoài nhé. 



Từ: ThucPT
05/08/2015 03:58:40

Hoan hô anh Hoài, cảm ơn anh Hoài đã cho em 1 chuyến xuyên Việt "free" tuyệt vời




Từ: Meomun
05/08/2015 03:17:19

@Anh Hoài:  Anh và bạn bè đi được nhiều thế, phục quá. Còn em, chỉ đi đến LOng Xuyên là "kịch" đất Nam Bộ. Thích nhất là người miền Tây rất phóng khoáng, quý bạn bè. Năm ngoái bọn em (nhóm chừng hơn 10 người) xuống Long Xuyên thăm bạn học dự bị hồi đi LX, bạn ấy chiêu đãi toàn món Nam bộ, kể cả chuột đồng nướng muối ớt. Tuy là nữ mà bạn ấy uống rượu ve kêu, ông xã em và mấy ông khác trong đoàn xanh mắt luôn. Đọc bài của anh, em lại muốn đi miền Tây đấy.  




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s