XUYÊN VIỆT - CHẶNG 3: SÀI GÒN - DẢI ĐẤT MIỀN TRUNG - HÀ NỘI
Tác giả: HoaiPV
CHẶNG 3: SÀI GÒN – DẢI ĐẤT MIỀN TRUNG – HÀ NỘI
Tạm biệt Sài Gòn, xe qua “bùng binh” Hàng Xanh, vượt cầu Bình Triệu, hướng TP Biên Hòa. Chúng tôi ghé thăm bạn cũ phổ thông – Vũ Văn Cung. Cung cùng gia đình vào miền Nam từ những năm 80 và Mẹ Cung vừa mất. Thắp nén hương của những đứa con miền bắc cho bà, chụp tấm hình kỷ niệm với vợ chồng Cung – Kim và các cháu, chúng tôi tiếp tục hành trình
Không ngược Tây Ninh, Đồng Tháp, ra Vũng Tàu-Bà Rịa, ra chiến khu Đất Đỏ - quê hương chị Võ Thị Sáu được lần này (mặc dù đã có lần thăm riêng Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh và Vũng Tàu - Côn Đảo) chúng tôi hẹn sẽ tới vào những chuyến đi sau. Còn bây giờ, Phan Thiết, Phan Rang đang chờ!
Trên cung đường sát biển “khúc ruột miền Trung” này suốt từ Phan Thiết ra đến Nghệ An nhiều bạn, nhiều anh chị em đã đi qua, đã nghỉ ngơi, du lịch, đã hoặc đang sống tại đây. Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn muốn viết đôi điều gì đó, có thể để sẻ chia, cũng có thể làm cho tôi nhẹ bớt đi...cảm xúc!
Nếu đi qua đất Bình Thuận, Ninh Thuận mà không biết đến những cánh đồng bạt ngàn thanh long thì coi như chưa đến! Mùa này thanh long chưa nhiều hoa, nhưng thế này cũng là “ngon” phải không các bạn!
Phải thức trắng đêm chờ hoa quỳnh nở, tốn không biết bao nhiêu trà, thuốc, nếu được ngắm hoa quỳnh- thanh long nở giữa ban ngày như thế này liệu có đỡ “cơn ghiền”!? TP Phan Thiết vẫn mặn mòi hương vị nước mắm, hương vị những con thuyền vừa cập bến sau chuyến ra khơi, và nét tươi tắn của em gái tuổi mới đôi mươi!
Vẫn uy nghi Đèn hải đăng Kê Gà, Đền Ông (cá voi), tháp Chàm Pô Sah Inư và rộn ràng Mũi Né! Chuỗi biệt thự, resort ven bờ cát trắng mơn man sóng biển, các đồi cát đỏ, cát trắng, Hòn Rơm, ... cùng tỉnh lộ 715, 716 nối ra quốc lộ 1A vừa được nâng cấp đã đưa mảnh đất này lên tầm cao mới! Tiềm năng du lịch Phan Thiết – Mũi Né vô cùng lớn! Chúng tôi không thể không dừng chân, không thể không lưu vài bức ảnh nơi này!
Hệ thống đền tháp – phản ánh vũ trụ quan Ấn giáo của người Chăm còn sót lại, tồn tại với thời gian và trải qua bao cuộc chiến tranh khốc liệt, nằm rải rác khắp dải đất Trung Bộ từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận đã nói lên sức sống mãnh liệt của nền văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật Chăm. Nó là báu vật quốc gia cần được gìn giữ, bảo tồn!
Chúng tôi đã đi qua tháp Pô Sah Inư (Phan Thiết - Bình Thuận):
Tháp Pôklông Girai (Phan Rang - Ninh Thuận):
Tháp Bà ( Yang Po Inư Nagar -TP Nha Trang):
Tháp Đôi hay còn gọi là Tháp Hưng Hạnh (Quy Nhơn - Bình Định):
Thánh địa Mỹ Sơn (Duy Xuyên – Quảng Nam):
Các Tháp này đã được xây dựng từ nhiều trăm năm trước, sớm là từ thế kỷ thứ VIII, muộn cũng là từ thế kỷ XIII – XIV bằng những kỹ thuật hết sức tinh xảo, độc đáo mà cho đến nay KHCN hiện đại vẫn chưa “đọc” hết được! Ví như công nghệ chế tạo gạch, chất kết dính, v.v...
Đêm đầu tiên trong chặng thứ 3 chúng tôi nghỉ tại TP Phan Rang – Tháp Chàm. TP còn nghèo, đến quán ăn cũng không nhiều. Hy vọng sắp tới nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện hạt nhân được xây dựng ở khu vực này sẽ đưa mảnh đất “khô Rang” “màu mỡ” hơn lên!
Phòng chúng tôi nghỉ đêm ở khách sạn ngàn sao nằm trên gác lửng, tuy không chật lắm nhưng làm khó những người có chiều cao từ 1m75 trở lên như Trọng Thông! Tắm nước không xối được đỉnh đầu, còn đi lại thỉnh thoảng nếu quên cúi dễ đập vỡ thanh xà! Có lẽ vì thế, sáng hôm sau chúng tôi quyết định được phép dậy muộn, thưởng thức cafe, thăm Tháp Poklong Girai, sau đó mới về Nha Trang (quãng đường có hơn 100 cây số)!
Quán cơm gà số 10 ở thị trấn Ba Ngòi (Cam Ranh) đón chúng tôi ăn trưa rất ấn tượng. Từ món ăn trở đi, đến chị chủ quán tươi tắn, nhiệt tình, “các anh thích món gì cũng có!”.
Chúng tôi bỏ quốc lộ 1A, rẽ theo đường Hải Đảo, qua cây cầu Long Hồ vắt ngang khúc eo của Vịnh Cam Ranh, qua những cồn cát trắng phau vào đến sân bay.
Con đường làm tôi nhớ lại những chuyến công tác trong căn cứ, khi lính ta rất tài, vượt quy định mang rượu vào đơn vị bằng cách chứa rượu trong các túi nilon, quăng quật vào các góc trong xe để tránh kiểm tra và khi về đến đơn vị, chỉ cần một chiếc đũa và mấy cái chai, thế là rượu không thể rớt ra một giọt!
Đường từ sân bay Cam Ranh về Nha Trang từ khi có chủ trương “dân sự hóa” đẹp lắm! Con đường men theo vách đá dọc biển xanh ngắt và những cồn cát trắng nên thơ mơ mộng vô cùng!
Về đến Nha Trang trước giờ cấm buổi tối tất cả xe cộ (kể cả xe máy) vào khu vực đường Trần Phú chạy ven biển trong thời gian đang diễn ra Festival 2015, chúng tôi vào Nhà khách Học viện Hải Quân theo giới thiệu trước của bạn Việt “hói”- nguyên PGĐ Học viện. Ở đây, “sự cố” đã diễn ra! Anh bạn Trọng Thông mải ngắm các em hải quân xinh đẹp thế nào mà bước hụt sàn hành lang (chỉ thấp hơn có 7cm, bằng đúng chiều cao gót giầy của các em!), (vậy là “trặc cổ chân”! Thật khổ cho cái cổ chân vốn đã bị đau thành tật từ vài ba năm trước!).Tuy nhiên, sau cơm tối và chầu rượu thơm “đãi” Văn Tạc (cũng là người bạn lâu năm ở Nha Trang), chúng tôi vẫn cuốc bộ (xe ôtô không vào ra được) đến chia vui với bố con và gia đình Việt (nhân dịp cháu được phong hàm, chính thức trở thành SQ QĐNDVN). Đêm hôm ấy là một đêm vui trọn vẹn với những ca khúc tuổi trẻ hòa chung với “Hà Nội và tôi”!
Sáng sớm hôm sau vợ chồng Việt – Hà (đều có những năm tuổi trẻ sinh ra và lớn lên tại Hà Nội) mời chúng tôi điểm tâm sáng trên bờ biển Nha Trang. Vịnh Nha Trang luôn mơ mộng, dịu dàng và tình cảm như những người bạn của chúng tôi!
Xe rời Nha Trang về Quy Nhơn trong buổi sáng yên lành. Chúng tôi len lỏi qua những xóm làng, xuống ngắm Vịnh Ninh Vân, qua Dốc Lết, biển Đại Lãnh nơi nhìn ra Mũi đá cực Đông Tổ quốc, ngắm hầm xuyên Đèo Cả đang gấp rút hoàn thành
Lại nhớ những năm đi công tác trên tàu hải quân, tại chính Đại Lãnh này, tôi đã ngắm nhìn tất cả từ phía biển!
Chúng tôi vượt đèo Cả, ngắm những ngọn núi đá mồ côi, mà đỉnh cao nhất là ngọn Đá Bia cao 700m, nơi có phiến đá khổng lồ còn khắc ghi rõ cương vực của nước Đại Việt, đánh dấu ranh giới với Chiêm Thành theo lệnh của vua Lê Thánh Tông năm 1471 khi ông thân chinh cầm quân vào nơi đây!
Qua Đèo Cả ta nhìn thấy ngay đường xuống Vũng Rô, địa danh không chỉ đẹp về cảnh quan, thuận lợi cho thuyền bè qua lại, trú ngụ, cho phát triển công nghiệp, mà còn gắn với chiến công oanh liệt của “Đường Hồ Chí Minh trên biển” năm xưa!
Qua cầu Đà Rằng dài ấn tượng, xe chúng tôi vào TP Tuy Hòa (Phú Yên). Từ khi tách riêng từ tỉnh Phú Khánh, TP Tuy Hòa được đầu tư nhiều hơn, trở thành đô thị loại II, xứng đáng là trung tâm “vựa lúa miền Trung” và từng bước chuyển dần sang công nghiệp và du lịch.
Chúng tôi không qua được Núi Nhạn nơi có Tháp Nhạn, công trình kiến trúc nghệ thuật Champa duy nhất còn sót lại trên vùng đất Tuy Hòa, vì còn muốn đến tham quan Đầm Ô Loan, nhà thờ Mằng Lăng và Ghềnh Đá Đĩa. Nhà thờ Mằng Răng rêu phong cổ kính nhuốm màu thời gian, còn Ghềnh Đá Đĩa thực sự là một tuyệt tác của thiên nhiên!
Chúng tôi mải mê leo trèo trên các “chồng đĩa đá” và hiểu thêm một điều rất đơn giản rằng, đất nước mình đẹp và hùng vĩ lắm! Trọng Thông chân đau vẫn “solo” từ hòn này sang hòn khác, cố gắng chụp được những tấm hình đẹp nhất!
Thời gian không có nhiều, nhưng chúng tôi vẫn ghé thăm bệnh viện phong Quy Hòa, nơi đang điều trị cho những người bệnh không may và nơi chôn cất nhà thơ Hàn Mạc Tử “tài hoa bạc mệnh”, sau đó mới vào TP Quy Nhơn. Phong cảnh nơi đây thanh tao, bình yên lắm như tấm lòng của đồng bào đối với người bệnh. Sóng vỗ rì rào dọc bãi cát trắng chạy dài, công viên yên ả cùng những pho tượng nhỏ ghi danh những người đã có công xây dựng nơi đây.
Chúng tôi nghỉ đêm ở khách sạn Hoàng Yến ngay trên bãi biển Quy Nhơn. Biển về đêm hiền hòa như chính cái tên của nó
Tôi sẽ không viết nhiều về Quy Nhơn nữa mà để dành cho chuyến Du Xuân 2016 của Hội KGU, chỉ thêm chút ít về cây cầu vượt biển dài gần 7 km vượt Đầm Thị Nại, căn cứ và là nơi huấn luyện của Hạm đội thủy quân Quang Trung - Nguyễn Huệ ngày xưa, nối thành phố với bán đảo Phương Mai (khu kinh tế Nhơn Hội) đầy tiềm năng án ngữ ngoài cửa cảng. Khi tôi nằm trên tàu hải quân ngoài cửa cảng năm 2003 chờ tránh bão, cầu Thị Nại mới bắt đầu được thi công, vậy mà chỉ mấy năm sau (2006), cây cầu đã được khánh thành. Chạy xe trên cầu, ngắm đầm Thị Nại vươn ra biển càng thấy vóc dáng của Bình Định hôm nay.
Xe qua cầu rồi ngược trở lại, chúng tôi vào thăm Tháp Đôi (nằm ngay trong TP Quy Nhơn), chạy tiếp qua Đài chiến thắng Đèo Nhông – Dương Liễu (đang kỳ tổ chức Lễ hội kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng), ngang qua TP Quảng Ngãi, TP Tam Kỳ, ra đến Đà Nẵng khi trời đã tối. Các bạn Đà Nẵng của chúng tôi đang chờ tại nhà Xuân Xoăn từ lúc mặt trời chưa kịp lặn! Theo kế hoạch dự định ban đầu, Đại quân 10D cấp 3 Thường Tín sẽ tụ hội tại đây kỷ niệm 45 năm ngày đầu tiên gặp mặt, nhưng do một số lý do khác nhau vào giờ chót, ý định ấy không thành! Tuy nhiên lão tướng tóc bạc Văn Hưởng (người không xuất phát cùng đoàn từ HN được do dị ứng) đã nhảy xe “dân biểu” (xe chỉ đâu đi đấy!) vào Đà Nẵng, “ém” sẵn từ đêm hôm trước!
Chúng tôi qua thắp hương cho Má của Hương (vợ Xuân), đồng thời cũng là Má anh Tô (chồng Sâm 10D) mới mất sắp đến 49 ngày, sau đó quay về tụ hội tại gia đình bạn. Có vợ chồng Xuân – Hương (chàng “binh bét” Xuân Xoăn, đã lên chức ông nội vẫn đêm ngày trăn trở về đồng đội và nhân tình thế thái; có vợ chồng Sâm – anh Tô; có Ngãi – lính đặc công nước ngày xưa, bây giờ vẫn mải mê “lặn ngụp” với các loại đá trên đời! Chúng tôi cụng ly và cùng nhớ lại những ngày thơ ấu thuở học trò! Tính ra có 9 người – vừa tròn một tiểu đội!
Chân trưởng đoàn Trọng Thông đau hơn sau mấy ngày đi nhiều. Vợ chồng Sâm phải cấp ngay cho đôi nạng gỗ và chai thuốc ngâm lá lược vàng để bóp. Đêm ấy Thông lên cơn sốt rét, mồ hôi toát đầm như tắm, cả đoàn hết sức lo lắng, quyết định phải rút ngắn lịch trình. Sau này khi ra đến Ông lang Nghị ở Nga Lộc (Can Lộc – Hà Tĩnh) khám cho thuốc, chúng tôi mới rõ ngoài bong gân lại, một đốt xương bàn chân nối với ngón út bị rạn! Mới biết mấy cô gái hải quân ghê thật!
Đêm Đà Nẵng yên tĩnh lắm, đèn trang trí khu trung tâm và khu đầu cầu Rồng vẫn rực rỡ nhiều màu sắc. Chúng tôi nghỉ gần bãi biển Mỹ Khê để sáng sớm hôm sau còn xuống tắm biển lần đầu tiên từ lúc xuất quân! (nghe cũng kỳ lạ, bởi vì đã chạy khắp các bãi biển miền Nam còn gì!!!).
Sáng hôm sau chúng tôi tạm biệt Đà Nẵng, tạm biệt các bạn lên đường, rút ngắn thời gian “phượt” ít ngày! (Rất xin lỗi chị Thu Ba, Bình TK cùng ACE KGU Đà Nẵng, Nha Trang, cũng như ACE KGU TP HCM, vì thời gian chuyến đi quá eo hẹp nên Hoài đã không liên lạc khi qua Thành phố!)
Chúng tôi muốn lên đỉnh Hải Vân – Thiên hạ đệ nhất hùng quan, nơi cắt ngang những đỉnh núi cao ngất của dãy Bạch Mã, để có thể đứng từ Hải Vân Quan (được xây từ đời Trần và sửa chữa thời Minh Mạng nhà Nguyễn) ngắm biển trời sông nước Việt, nơi có bán đảo Sơn Trà sừng sững phía Nam và hang Dơi (hang Tiêu), Lăng Cô phía bắc! Nhưng thương cho cái chân của trưởng đoàn, chúng tôi “đành” xuyên hầm ra phía bắc.
Qua hầm chút xíu là đến Lăng Cô (làng cò). Lăng Cô bây giờ đã kém “thơ” hơn, nhưng vẫn có nhiều resort xinh đẹp hấp dẫn mời gọi khách du lịch. “Nghệ sĩ nhiếp ảnh” của chúng tôi, không “đừng” được, vẫn gác chân đau lên cửa ô tô “tác nghiệp”! Từ Lăng Cô về đến Huế mộng, Huế mơ không còn bao nhiêu cây số nữa...
Cả đoàn ít nhất đã một lần qua Huế, nên chúng tôi quyết định chỉ về thăm gia đình Tân Thanh ở thôn Tiên Nộn (núi Tiên) ngay cạnh sông Hương và nếm thử món cơm hến bình dân. Ông bà đón các con như lâu lắm chúng nó chưa về!
Trọng Thông không đi được vì chân vẫn đau; món bánh đa xúc hến cùng chén cơm cay xè trên đường Hàn Mạc Tử cạnh Đập Đá, trưởng đoàn cũng chỉ được “thưởng thức” tại nhà nghỉ!
Sáng sớm, sau khi lót dạ tô bún bò giò heo, xe tiếp tục chuyến đi, địa danh phía trước là Đồng Hới, nơi có vợ chồng Huề - Ngọc (cũng là bạn phổ thông), quyết định “xé rào” đoàn nghỉ mát của cơ quan cũ chờ chúng tôi!
Nhưng trước khi đến Đồng Hới, chúng tôi không thể không ghé Đông Hà – Quảng Trị, không ghé Cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải và Cửa Tùng cũng như địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Linh). Xe qua dòng sông Thạch Hãn tràn đầy nước mắt, nơi”đáy sông còn đó bạn tôi nằm” (thơ Lê Bá Dương), và điểm đầu cầu Thạch Hãn – bến Nhan Biều, sừng sững Tượng đài bên bờ Bắc, mô phỏng 20 giọt máu đào, hình 20 trái tim màu sáng hồng lấp lánh, soi xuống dòng sông, tượng trưng cho 19/20 chiến sĩ Trung đội Mai Quốc Ca đã anh dũng ngã xuống ngày 10/4/1972 và được chôn cất chính nơi này! Câu chuyện bi hùng ấy không phải nhiều người đã biết, vì nó chỉ là một mảng nhỏ trong bản tráng ca Quảng Trị!
Đông Hà từ khi chính thức trở thành tỉnh lỵ của Quảng Trị đã thay đổi rất nhiều. Chợ Đông Hà (đầu mối thương mại hàng hóa của Lào theo đường 9 về) nằm ngay ngã ba, sầm uất hơn hẳn ngày trước. Cạnh đó công viên Lê Duẩn đã trở thành nơi vui chơi của con trẻ và cả người lớn.
Chúng tôi dừng hẳn xe ngay phía bắc cầu qua sông Bến Hải. Vẫn còn nguyên đó cây cầu Hiền Lương sơn hai màu chia cắt, chiếc loa công suất lớn đã từng phát suốt nhiều ngày đêm, và cột cờ Tổ quốc huyền thoại. Phía Nam cầu bà mẹ ôm con đứng dưới bóng dừa vẫn đêm ngày ngóng trông ra miền Bắc!
Xuôi về phía đông là Cửa Tùng, nơi sông Bến Hải đổ ra biển. Những “con thuyền vẫn vượt sóng ra khơi”như trong những năm khói lửa (lời bài hát). Cửa Tùng đang xây dựng cầu tàu mới cho các loại thuyền bè lớn, đủ sức vươn ra đánh bắt xa bờ. Cửa Tùng cũng đã trở thành điểm tham quan du lịch, bình yên và cuốn hút đến mức Trọng Thông chân què cũng không thể “đừng” được, đành “múa” đôi nạng lên để...chăn bò!
Địa đạo Vịnh Mốc là nơi tiếp theo chúng tôi đến, (một trong số 9 địa đạo trong số hàng trăm dưới lòng đất Vĩnh Linh đầy bom đạn còn lại). Địa đạo đảm bảo cho hàng trăm con người sống, chiến đấu “một tấc không đi, một ly không rời”, có đầy đủ các căn hộ, có giếng nước,hội trường, bệnh xá, nhà hộ sinh, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm máy điện thoại,..Địa đạo có 3 tầng sâu đến 28 m, tầng 1 là nơi sinh sống của nhân dân, tầng 2 là trụ sở các cơ quan, tầng 3 dùng làm kho chứa hậu cần cung cấp cho đảo Cồn Cỏ và phục vụ chiến đấu cho quân dân Vịnh Mốc, từ đây có các cửa hầm thẳng ra biển. 26 đứa con Vĩnh Linh đã ra đời trong địa đạo này (đến nay còn 19 người đang sống). Nhân dân ta thật kiên cường, anh dũng và sáng tạo.
Một câu chuyện vui khi chúng tôi đi tham quan địa đạo: cô hướng dẫn viên cũng có tên là Hoài như tôi, rất nhiệt tình nên Văn Hưởng trong FB của mình đã viết:” Nhị Hoài tương ngộ trong địa đạo!” làm nhiều người “thắc mắc”!
Xe đến Đồng Hới lúc đã xế chiều. Chúng tôi đến thắp hương dưới chân tượng Mẹ Suốt. Trẻ em vẫn vui chơi quanh Mẹ
Sau khi thăm tiếp Quảng Bình Quan do cụ Đào Duy Từ hiến kế và chỉ huy xây đắp năm 1631, chúng tôi về khách sạn và chuẩn bị đến Sun Spa resort đón vợ chồng Huề Ngọc đang đợi. Buổi tối ngồi tại một quán ăn gần ngay cửa sông Nhật Lệ đổ ra biển hết sức ấn tượng. Tiếng sóng vỗ rì rào lẫn trong tiếng lá cây xào xạc càng làm cho chúng tôi thấy ấm cúng hơn lên! Do chân Thông bị đau nên Huề Ngọc sẽ không về Hà Nội cùng chúng tôi nữa mà sẽ đi tàu hỏa. Chúng tôi gặp nhau, chia tay nhau trên đất Quảng Bình như thế!
Sáng 17/7 xe ngược lên đường Hồ Chí Minh đến Phong Nha – Kẻ Bàng. Trập trùng đồi núi vườn Quốc gia - Kỳ quan thế giới. Trời mưa nhỏ nên chúng tôi không qua “Động ướt” Phong Nha mà đến luôn Động khô Thiên Đường. Đây đúng là Thiên Đường có thực mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này, cũng như cho đất nước này. Ai đã một lần đến đây chắc không bao giờ có thể quên được!
Từ Phong Nha, xe tắt tỉnh lộ 2B, qua nghĩa trang các liệt sĩ ngành giao thông đường 559 ra quốc lộ 1A, vượt cầu sông Gianh để đến Vũng Chùa.
Vũng Chùa – đảo Yến vẫn tĩnh mịch như nơi này vốn có. Từ ngày Đại tướng về đây yên nghỉ, chốn này càng trở nên trang nghiêm hơn, bởi dòng người vẫn lặng lẽ nối dài niềm thương nhớ và tiếc thương vô hạn! Chúng tôi nối tiếp vào dòng người ấy kính dâng lên Người nén tâm hương! Đảo Yến vẫn yên ả giữa trưa chiều, những người lính biên phòng vẫn cần mẫn làm công việc của mình...
Chúng tôi tiếp tục qua hầm Đèo Ngang, theo đường tránh thị xã Kỳ Anh về đất Thiên Cầm (chim trời) mát rượi. Chiều tối thứ sáu mùa hè, giống như nhiều khu du lịch biển khác trên cả nước, Thiên Cầm “cháy phòng”! May mắn chúng tôi tìm được một chỗ nghỉ hơn “bình dân” một chút để “thư giãn” cái chân đau của trưởng đoàn và cho chính đôi chân của mình. Giấc ngủ an bình đến nhanh. Chiều tối mai đã là Hà Nội!
Một ngày qua nhanh, quãng đường gần 500 cây số quen thuộc cảm giác không dài và xa lắm. 18h30 sau khi đã đưa Văn Hưởng về đến nhà và “bàn giao” cho em Cúc – vợ Hưởng, xe chúng tôi về đến Hà Nội! Trưởng đoàn Trọng Thông, áo bỏ trong quần, nai nịt gọn gàng, vứt đôi nạng lại trong xe (thủ tiêu “vật chứng”!), cầm chiếc batoong, hít một hơi thật sâu, hùng dũng bước vào nhà! (tuy chân có hơi “lò cò” một chút!) Sau đó Văn Hoài và Quốc Thắng mỗi người theo cách của mình, chắc cũng không kém phần “phong độ” trở về với những người thân yêu đang hồi hộp ngóng chờ!...
Vậy là đã qua chặng cuối của chuyến đi Xuyên Việt. Trong phần giới thiệu tôi đã viết là chặng cuối, nhưng chưa phải là chặng cuối...cùng trong năm 2015 này, vì vào tháng 9, tháng 10 tôi đã nhận được lời mời (tuy mới là dự kiến), ngược đất Hà Giang lần nữa! Có thể sẽ lên lại Cao nguyên Đá, nhưng hướng chính sẽ là Vị Xuyên (nơi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm xưa đã diễn ra ác liệt nhất) và đến với Xí Mần, Bắc Hà miền cổ tích mùa hoa Tam giác mạch!
Trải qua 5500 km đường trường suốt từ HN vào đến tận mũi Cà Mau và quay trở lại, vẫn còn rất nhiều miền đất chưa qua, như Tây Ninh, Cao Lãnh – Đồng Tháp, Châu Đốc,...(miền Nam), như Quãng Ngãi, Tam Kỳ, đảo Lý Sơn,...(miền Trung). Sau chuyến đi này, mới thấy đất nước mình dài lắm, rộng lắm, nhiều nơi chưa đến, nhiều chốn phải đi! Và hiểu ra một điều rất đơn giản và xưa như trái đất, muốn “xuyên cho hết Việt” có lẽ phải...hết đời người!
Hà Nội những ngày mưa
8/2015
Người post: HoaiPV
Ngày đăng: 12-08-2015 06:06
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 9 của tổng số 9 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |